Đôi điều về từ “Là”
(trao đổi với tác giả Trần Ngọc Cư nhân bài
“ÊTRE =TO BE= LÀ”)
Nguyễn Đức Dương
Theo nhà ngữ học tên tuổi Cao Xuân Hạo, LÀ, cũng như THÌ, là hai từ giữ vai trò hệ trọng bậc nhất trong việc phân định biên giới giữa hai phần chủ chốt làm nên câu tiếng Việt: phần Đ và phần T[1]. Sinh thời, hai từ này hay được ông cùng các cộng sự thân tín của ông gọi là tác tử [operator] phân giới. Nói cách khác, trong câu tiếng Việt, ở đâu có / có thể đặt THÌ hay LÀ, thì đó chính là nơi biên giới giữa hai phần Đ và T của câu đi qua. Chẳng hạn,
1. Người có chí //THÌ nên ; nhà có nền //THÌ vững;
2. Én bay thấp //[THÌ] mưa ngập bờ ao ; én bay cao //[THÌ] mưa rào lại tạnh ;
3. Con hơn cha //LÀ nhà có phúc ;
4. Thứ nhất //[LÀ] thịt bò tái ; thứ nhì //[LÀ] gái đương tơ.
Nếu xét kĩ hơn nữa, ta còn có thể thấy thêm vài khác biệt khó có thể bỏ qua giữa hai phần ấy: không như THÌ – tác tử chuyên đánh dấu cho phần Đ,– LÀ lại là tác tử chuyên đánh dấu cho phần T.
Ngoài ra, hễ biên giới của câu đã có THÌ đánh dấu, thì LÀ sẽ là từ dùng để đánh dấu cho phần tiểu thuyết trong tiểu cú[2] (Ở nhà [THÌ] nhất [LÀ] mẹ, nhì [LÀ] con; Mẹ với con [THÌ] một lấn da [LÀ] đến ruột). Hơn nữa, LÀ còn là từ chưa bị hư hoá triệt để như THÌ do chỗ nó vẫn còn giữ lại một vài thuộc tính của vị từ mà nó xuất thân, nhất là khi được dùng để đánh dấu cho hai phần Đ và T của câu đẳng thức, kiểu như:
5. Trần Hưng Đạo chắc chắn vẫn LÀ vị danh tướng lỗi lạc của mọi thời;
6. Anh í hiện đang LÀ sinh viên sáng giá của một đại học Mĩ danh tiếng.
Ngoài ra, LÀ còn có thể dùng để đánh dấu các danh ngữ [noun frase] / các tiểu cú làm bổ ngữ cho vị từ cảm nghĩ / nói năng (Có ăn có chọi mới gọi LÀ trâu; Thức lâu mới biết [LÀ] đêm dài; Chim với phượng cũng kể LÀ loài hai chân, Thú với lân cũng kể LÀ loài bốn vó), hoặc xuất hiện trong một số thành ngữ diễn đạt nghĩa ‘mức độ cao’ (như Anh em hiền thậm LÀ hiền; Cháu vừa gặp ngoài ngõ một cô đẹp ơi LÀ đẹp; Mấy hôm nay trời rét rét LÀ, bà nhỉ).
Sau cùng, chắc ai cũng có thể dễ dàng chia sẻ với chúng tôi rằng LÀ trong tiếng Việt hầu như chả giống (cả về chức năng lẫn ngữ nghĩa với ÊTRE hay TO BE, hoặc БЫТЬ và sở dĩ nó hay được dịch sang tiếng Pháp là être, sang tiếng Anh là (to) be, sang tiếng Nga là быть có lẽ là do hậu quả của lối dịch từ chữ (mot à mot), kiểu như Thi Nhân = ‘người thơ’.
[1]Như chúng ta đếu biết, nếu mệnh đề tối giản nào cũng gồm hai phần cốt lõi là Sở đề [subjectum] và Sở thuyết [praedicatum], thì câu – theo định nghĩa của nhà ngữ học lỗi lạc E. Sapir (19210: 35), vốn là “mệnh đề được thể hiện bằng ngôn từ” – tất cũng phải có hai bộ phận tương ứng: ứng với Sở đề là Đề ngữ [hay viết tắt là Đ] và ứng với Sở thuyết là Thuyết ngữ [hay viết tắt là T]. Câu của tiếng Việt, theo khảo sát thấu đáo của Cao Xuân Hạo và nhiều nhà ngữ học danh tiếng khác, vẫn chưa xa rời bao nhiêu so với cấu trúc của mệnh đề, nên câu của tiếng Việt (khác với các ngôn ngữ châu Âu quen thuộc) không hề có Chủ ngữ, mà chỉ có Đ; không hề có Vị ngữ, mà chỉ có T.
[2] Tiểu cú = Câu đã bị giáng cấp và chỉ còn đủ sức gánh vác phận sự của phần Đ / phần T của câu nữa mà thôi.