Thuật ngữ chính trị (107)

Phạm Nguyên Trường

242. International Relationship – Quan hệ quốc tế. Quan hệ quốc tế là một ngành học, nghiên cứu những vấn đề toàn cầu và quan hệ giữa các nước thông qua các hệ thống quốc tế, trong đó có các quốc gia, các tổ chức đa chính phủ (IGO), các tổ chức phi chính phủ (NGO), các công ty đa quốc gia (MNC) và những lĩnh vực khác như toàn cầu hóa và những ảnh hưởng của nó tới xã hội và chủ quyền của các quốc gia, bảo vệ môi trường, phổ biến năng lượng hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc, phát triển kinh tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức, an ninh và nhân quyền.

243. International Socialism – Chủ nghĩa xã hội quốc tế. Học thuyết cho rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xuất hiện trong cuộc cách mạng trên bình diện quốc tế. Năm 1848, Marx và Engels kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Năm 1864, Marx thành lập Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế (Quốc tế I) và giải thể vào năm 1876 khi ông chuyển trụ sở đến New York nhằm ngăn chặn, không để nó rơi vào tay đối thủ của mình. Quốc tế II được thành lập vào năm 1889. Cả những người Marxist và những người xã hội chủ nghĩa phi-Marxist cùng tham gia Quốc tế II. Nhưng tổ chức này đã tan rã vào năm 1914, khi phần lớn những người xã hội chủ nghĩa ở tất cả các nước tham chiến trong Thế chiến I ủng hộ những nỗ lực chiến tranh của đất nước mình. Quốc tế III (cộng sản) được thành lập vào năm 1919 và giải thể vào năm 1943. Học thuyết chính thức ở Liên Xô khi thì thúc đẩy chủ nghĩa xã hội quốc tế lúc thì lại thúc đẩy chủ nghĩa xã hội ở một nước, tùy theo nhu cầu của chính Liên Xô. Những người ủng hộ Trotsky thành lập Quốc tế IV làm đối trọng với Quốc tế III.

244. International Society – Xã hội quốc tế. Khái niệm chính của trường phái thường được gọi là Trường phái Anh trong lí thuyết về quan hệ quốc tế, theo đó, các quốc gia có thể thành lập xã hội bằng cách thỏa thuận với nhau các luật lệ và thiết chế trong quan hệ với nhau và công nhận những quyền lợi chung nhằm duy trì những thỏa thuận này. Nó cũng liên quan tới khái niệm “chế độ” (regime) hiện nay của Mĩ, nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, luật lệ và thiết chế, coi đấy là biện pháp điều chính các quan hệ giữa các quốc gia. Nhưng, trong khi các “chế độ” nói về hợp tác và phối hợp trong những vấn đề cụ thể, thì xã hội quốc tế nói tới hệ thống của các quốc gia.

Theo hai kiến trúc sư chính của trường phái này, Hedley Bull (1932-1985) và Adam Watson (1914-2007), thống quốc tế gồm có một nhóm các cộng đồng chính trị độc lập với nhau, xã hội quốc tế lớn hơn thế. Trong xã hội quốc tế, các tác nhân khác nhau giao tiếp với nhau; họ chấp nhận các luật lệ và thiết chế chung và công nhận các lợi ích chung. Các tác nhân trong xã hội quốc tế chia sẻ bản sắc chung, chia sẻ tính “chúng ta”. Nếu không có một bản sắc như thế, xã hội không thể tồn tại.

245. Internet and Politics – Mạng Internet và chính trị. Mạng Internet được sử dụng rộng rãi trong những năm 1990. Tác động chủ yếu của nó có thể là gia tăng tính minh bạch. Các chính phủ và các tổ chức đã đưa lên mạng hàng triệu trang Web có chứa các thông tin chính trị như các báo cáo và địa chỉ liên hệ. Một số chính phủ đặt ra mục tiêu là ngày càng có nhiều vấn đề trong quan hệ giữa công dân và nhà nước sẽ được giải quyết theo lối trực tuyến. Nhưng, Internet cũng cung cấp nền tảng rẻ và dễ dàng cho những đảng phái cực đoan, thuyết âm mưu, bọn khủng bố, ấu dâm; trong khi đó, một số chính trị gia lên án các phương tiện truyền thông đại chúng vì đăng tải những thông tin mà họ cho là bất lợi, tìm cách kiểm soát Internet; nhưng có nhiều khả năng là không thể nào kiểm soát được.

Comments are closed.