Trương Hồng Quang
(Nguồn: DIE ZEIT, số 2/2015)
Như một trớ trêu độc địa, tờ ZEIT („Thời đại), tuần báo văn hoá Đức quan trọng nhất ở số ra hôm nay – đúng vào ngày xảy ra vụ khủng bố đẫm máu với các thủ phạm Hồi giáo cực đoan tại Paris – đã dành cả một bài bình luận trên trang nhất, lẫn cả một bài phê bình chiếm gần hết một trang khổ lớn của chuyên mục văn học cho tiểu thuyết„Khuất phục“ (tôi dịch từ tên „Unterwerfung“ của bản tiếng Đức) của Michel Houellebecq vừa ra mắt cùng ngày ở Pháp và trong tuần sau ở Đức. Việc giới thiệu cuốn sách này đương nhiên thuộc thẩm quyền của các nhà văn, phê bình và dịch giả thuộc khu vực Pháp ngữ. Tuy nhiên do tính chất thời sự đặc biệt tôi xin điểm qua nội dung của cuốn sách này, đương nhiên chỉ gián tiếp thông qua lăng kính của giới phê bình văn học Đức, với hy vọng các tác giả có thẩm quyền sẽ trình bày chi tiết hơn và sửa lại các thông tin không chính xác của tôi.
„Submission“ („Unterwerfung“/„Khuất phục“) là khái niệm được dịch ra từ chính chữ„islam“ („Hồi giáo“). Và đạo Hồi ở đây trong nội dung từ nguyên của nó có nghĩa là sự khuất phục/ phục tùng vô điều kiện của tín đồ Hồi giáo dưới đấng Allah và sự khuất phục/ phục tùng của những kẻ vô đạo dưới Thượng đế của những người Hồi giáo. Hành động của tiểu thuyết diễn ra vào năm 2022, lúc nước Pháp đã nằm hẳn dưới ách thống trị của đạo Hồi. Sau nhiệm kỳ thứ hai, nhà chính khách thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa François Hollande rời khỏi vị trị Tổng thống, các đảng phái chính trị cả tả lẫn hữu liên minh với Đảng Hồi giáo nhằm chống lại Marine Le Pen, nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu Front National và đưa lãnh tụ phe Hồi giáo Mohamed Ben Abbès vào điện Elysée. Vị Tổng thống mới nhanh chóng làm đảo lộn thể chế của nền cộng hoà thế tục, thiết lập nền giáo dục và bộ máy tư pháp Hồi giáo, xoá bỏ quy định một vợ một chồng và cho phép chế độ đa thê.
Theo một nghĩa nào đó, Houellebecq đã hiện thực hoá bằng hành động tiểu thuyết những cơn ác mộng rùng rợn nhất của Pegida, phong trào „Người ái quốc châu Âu chống lại sự Hồi giáo hoá Âu châu“ đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ từ ba tháng nay ở Đức. Tuy nhiên, theo Iris Radisch, nữ tác giả của bài bình luận trên trang một của tờ „Thời đại“ (và là một trong nhà phê bình văn học Đức quan trọng nhất), tác phẩm mới của nhà tiểu thuyết Pháp tai tiếng lại hàm chứa một thông điệp bất ngờ: Michel Houellebecq, người từng gọi Hồi giáo là „thứ tôn giáo ngu xuẩn nhất“, không hề có ý định cảnh báo thế giới Phương Tây trước nguy cơ Hồi giáo hoá. Trái ngược với thái độ tức giận của hàng ngàn người dân trên đường phố Dresden (trung tâm của phong trào Pegida), François – nhân vật chính của tiểu tuyết, một giáo sư chuyên nghiên cứu về văn chương suy đồi Pháp của thế kỷ 19 – lại ngấm ngầm khoái trá trước sự sụp đổ của châu Âu. Trong diễn biến của tiểu thuyết, những ai không cải đạo thành tín đồ Hồi giáo sẽ bị sa thải và được nhận một khoản tiền bồi thường nặng ký từ Ả Rập Saudi. Sau khi phụ nữ quay trở về với công việc bếp núc và phòng the, tỷ lệ thất nghiệp giảm thiểu một cách căn bản. Chế độ đa thê mang lại sức sống cho quan hệ hôn nhân một vợ một chồng đã trở thành mệt mỏi và nhàm chán. Chỉ có Marine Le Pen và Front National là không chịu hiểu rằng „Hội anh em Hồi giáo“ và phong trào Tân Hữu thực ra cùng chung một mục tiêu: Quay trở về thời quá khứ tốt đẹp, khi mà cuộc sống chưa vô nghĩa và đầy vấn nạn, lúc phong tục và luật lệ còn nghiêm minh và món khoai tây rán cũng còn đầy hương vị nguyên sơ… Nói một cách ngắn gọn, châu Âu chỉ có thể hồi sinh dưới lá cờ trăng lưỡi liềm của Hồi giáo.
Với „Khuất phục“, Houellebecq đẩy tinh thần phê phán xã hội phương Tây hiện đại vốn cố hữu trong tác phẩm của ông lên một đỉnh cao mới, mang đầy tính phi lí và độc địa. Châu Âu, trong cái nhìn của ông, không phải sụp đổ vì Hồi giáo, mà sụp đổ vì chính bản thân nó và đáng kiếp với sự tan rã này. Iris Radisch nhận định với cuốn sách mới này, Houellebecq đang „chơi với lửa“ bằng cách đùa giỡn đến cùng cực với các tình cảm sợ hãi và thù hận của trào lưu thiên hữu mới ở châu Âu, đồng thời khẳng định tác giả là một trong nhà quan sát sắc sảo nhất của đời sống xã hội đương đại với tất cả các trò tự dối lừa và mâu thuẫn nội tại của nó.
Ngay sau sự kiện khủng bố diễn ra hôm nay ở Paris, các đại diện của Pegida ở Đức đã lập tức tuyên bố tái khẳng định về tính chính đáng trong mục tiêu của họ. Và người ta hoàn toàn có thể hình dung rằng lượng người tham gia biểu tình của Pegida vào tối thứ hai tới ở Dresden sẽ không chỉ dừng lại ở con số 18.000 như vào đầu tuần này. Những ai không còn đủ kiên nhẫn để nghe, nhìn, đọc các phóng sự, tường thuật, tranh luận, tuyên bố với đủ các màu sắc chính trị khác nhau về sự kiện này, người đó từ ngày 16.1. tới – chỉ với độ lùi thời gian một tuần sau khi nguyên tác ra mắt ở Pháp – có thể bắt đầu đọc bản dịch tiếng Đức (Michel Houellebecq, Unterwerfung, Tiểu thuyết, do Norma Cassau và Bernd Wilczek dịch từ tiếng Pháp, Nhà xuất bản DuMont, Köln 2015, dày 280 trang, giá 22,99 €).
Berlin, ngày 07/01/2015
Nguồn: https://drtruong.wordpress.com/2015/01/07/khung-bo-hoi-giao-hom-nay-tai-paris-va-tieu-thuyet-submission-khuat-phuc-cua-michel-houellebecq/