Đề nghị Ủy ban Dân Tộc cập nhật và chỉnh sửa thông tin về người Chăm trên Cổng thông tin điện tử

Sohaniim

Hôm qua, trong khi viết bài về Chăm mình lọ mọ vô cổng thông tin điện tử của UBDT để tìm kiếm số liệu thống kê về dân số. Điều mình thấy đáng buồn là, một trang thông tin tạm gọi là “chính thống” của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là cơ quan liên đến dân tộc thiểu số, nhưng khi giới thiệu về người thiểu số thì trình bày qua loa, từ ngữ vụng về dễ gây hiểu lầm và định kiến. Thậm chí thông tin cập nhật bài viết cũng không để ý, biết là bài copy lại nhưng đây là thông tin giới thiệu tộc người trên web UBDT, nên UBDT cần phải có trách nhiệm, cập nhật và chỉnh sửa. Dưới đây là một vài vấn đề:

– Thứ nhất, đứng trên phương diện là người đọc, mình không hiểu tác giả đang giới thiệu người Chăm thời đồ đá, đồ đồng hay người Chăm ở thế kỷ 21. Đôi khi tác giả bài viết cho người đọc một tấm vé trở về quá khứ “thời săn bắn, hái lượm”, đùng một cái lại quay về thế kỷ 21 mà ngơ ngác, không hiểu lý do.

– Thứ hai, không những trình bày sai sự thật lịch sử, mà còn trình bày lung tung, bịa đặt. Chẳng hạn, tác giả viết “Ngay từ những thế kỉ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm pa. Hiện tại cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Ðốc,Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới”. (Nguyên văn người viết để trong ngoặc kép).

Xin thưa Uỷ Ban Dân Tộc, vương quốc Champa hình thành từ thế kỷ thứ 2 ạ! Ngoài ra, nếu người Chăm theo Islam chính thống thì họ nhận mình là Islam rồi cần chi phải gọi Bàni? Lịch sử thì sai “bét nhè”, tôn giáo thì mù mờ. Không biết là cơ quan phụ trách về các vấn đề dân tộc thiểu số các vị tư vấn gì cho chính phủ đây?

Tiếp theo tác giả còn tưởng tượng siêu việt hơn “Cư dân Chăm vốn được phân thành hai thị tộc: Cau và Dừa như hai hệ dòng Niee và Mlô ở dân tộc £ đê. Về sau thị tộc Cau biến thành tầng lớp của những người bình dân, trong khi thị tộc Dừa trở thành tầng lớp của quý tộc và tăng lữ”. Không biết tác giả này học sử ở đâu, và lấy căn cứ gì để so sánh tộc Cau và Dừa với họ Nie và Mlô? Tộc câu và tộc dừa đâu có phép biến hoá hay thần thông đâu mà “biến” với chả hình.

– Thứ ba, tác giả dùng từ “ăn, mặc, ở” thay vì dùng từ “ẩm thực, trang phục và cư trú” cho nó trang nhã hơn, bộ tác giả muốn thuần Việt hay sao, hay là viết cho người dân tộc nên phải dùng những từ bình dân cho tộc hiểu. Còn cái vụ ăn: người “Chăm ăn cơm” đọc mà cười muốn sặc mì tôm luôn, người Chăm ăn cơm chẳng lẽ … à thôi.

Tác giả còn bảo rằng, “Ngày nay, trong sinh hoạt hằng ngày, người Chăm ăn mặc như người Việt ở miền Trung”. Không chỉ riêng tác giả này, mình dám chắc một số người cũng sẽ nghĩ rằng các dân tộc thiểu số hôm nay mặc áo giống người Việt, vậy thử hỏi trang phục thường ngày hôm nay có phải là trang phục Việt không?

– Thứ tư, dùng từ “bừa bãi” thiếu tôn trọng khi giới thiệu về tộc người “Phụ nữ chủ động trong quan hệ luyến ái”, “đội hải thuyền”, “những thế kỉ thứ XVII”, “Chăm Poổng?”,….

Tóm lại, không giới thiệu về tộc người (Chăm) thì thôi, chớ giới thiệu như thế càng làm cho người ngoài hiểu sai về người Chăm hơn. Một UBDT đáng lý ra thông tin cần phải rõ ràng, đáng tin cậy nay lại chẳng khác gì thông tin rác. Cuối cùng, đề nghị UBDT xem xét, cập nhật và chỉnh sửa thông tin trong bài đăng về người Chăm.

Trân trọng!

P/s: Các bạn dân tộc khác thử vào xem họ giới thiệu gì về dân tộc mình nhé!

Nguồn: FB Sohaniim (Wa Praong)

Comments are closed.