Ba câu hỏi sau việc Formosa nhận trách nhiệm làm biển Việt Nam nhiễm độc

Hoàng Hưng

Thế là sau gần ba tháng xảy ra sự cố cá chết trên biển miền Trung, cuối cùng, thủ phạm Formosa đã gập người hai lần (theo tường thuật của các báo chính thống) trong cuộc họp báo chiều 30/6/2016 để nhận trách nhiệm và xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Tất nhiên việc xin lỗi của thủ phạm đã thành khẩn chưa, số tiền hứa hẹn đền bù (500 triệu USD) đã thoả đáng chưa, các biện pháp bảo đảm môi trường trong tương lai có đạt yêu cầu không, còn cần được bàn luận và giám sát công khai chặt chẽ của cả hệ thống Nhà nước và nhân dân, không thể phó mặc cho thủ phạm “tự nguyện tự giác” với sự giám sát của một bộ phận chức năng lâu nay quá yếu kém và rất dễ bị thao túng. Tuy nhiên, qua sự việc trên, cùng với những ý kiến đáng ghi nhận của tân Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường về ưu tiên hàng đầu cho Môi sinh trong việc xét duyệt và giám sát các dự án kinh tế tới đây, cuộc đấu tranh vì Môi sinh của chúng ta đã có thể coi là thành công bước đầu.

Người dân công tâm ghi nhận sự tích cực, quyết tâm của Chính phủ mới trong việc tìm ra thủ phạm vụ cá chết và buộc họ phải nhận trách nhiệm, tuy đòi hỏi của người dân về sự nhanh chóng chưa được đáp ứng tốt. Dĩ nhiên, với một bộ máy yếu kém và hệ thống xử lý xộc xệch được thừa kế, điều này có thể châm chước. Ngược lại, Nhà nước cũng phải công tâm ghi nhận tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân rất cao của hàng trăm ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, người dân, cả trong và ngoài nước, đã phân tích, góp ý, thúc đẩy, gây áp lực để chính quyền quyết tâm làm tròn chức trách, qua nhiều hình thức phong phú như viết bài trên báo chí chính thống và báo mạng “lề dân”, sáng tác và biểu diễn, ký tên vào các kiến nghị và tuyên bố, xuống đường biểu thị tình cảm, nguyện vọng và ý chí của mình… Họ đã góp phần xứng đáng vào thành công bước đầu của cuộc đấu tranh. Khẩu hiệu: “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch” chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của công cuộc Dân chủ hoá đất nước.

Câu hỏi phải đặt ra ngay lúc này là:

1/ Formosa đã gập người xin lỗi vì làm biển Việt Nam nhiễm độc; nhưng người dân Việt Nam không thể hài lòng với việc nhận lỗi dễ dàng như thế. Kẻ gây ra thảm hoạ môi sinh nghiêm trọng phải bị truy tố tại các Toà án Việt Nam và quốc tế. Nhà nước có sẵn sàng đứng ra truy tố, hay để cho các tổ chức dân sự khởi kiện?

2/ Thủ phạm đã gập người xin lỗi. Còn những kẻ đã ưu đãi quá mức cho Formosa, tạo những kẽ hở to lớn cho công ty này xâm phạm an ninh môi trường nghiêm trọng đến thế? Có tiêu cực trong việc này không và đến mức nào? Bao giờ Chính phủ mới kết luận? Sẽ trừng phạt thế nào? Một vụ án Môi sinh phải được khởi tố trong đó thủ phạm và những đồng loã sẽ cùng là bị can?

3/ Thủ phạm đã gập người xin lỗi. Vậy ai sẽ cúi đầu xin lỗi vì đã vu cáo láo xược và đàn áp dã man trí thức và người dân lên tiếng đòi nhanh chóng tìm ra và trừng phạt thủ phạm, ngăn chặn việc bao che cho thủ phạm có thể xảy ra?

Chưa trả lời thoả đáng ba câu hỏi trên, thì chưa thể đảm bảo không tái diễn những vụ Formosa khác trong tương lai.

Công cuộc bảo vệ Môi sinh là lẽ sống còn của cả dân tộc trong thời đại công nghiệp hoá. Trong cuộc đấu tranh này, Nhà nước phải dựa hẳn vào Dân. Mọi việc làm đẩy người dân vào thế đối đầu như trong vụ Formosa vừa qua rõ ràng là phản động (phản lại tiến trình vận động của cuộc sống).

30/6/2016

Comments are closed.