(Nhân lễ Vu Lan 2017)
Vũ Trọng Khải
– Khải ơi! Về mặc áo ấm vào con!
Đã hơn 70 tuổi mà đôi lúc bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng gọi của mẹ tôi lúc tôi 7 – 9 tuổi. Hồi đó, tôi và mẹ tôi, chị gái tôi (chị Khanh) sống ở vùng ATK (an toàn khu) thuộc xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Việt Bắc) trong khoảng những năm 1951 – 1954. Mùa đông, trời rất rét. Nhưng vào đầu buổi chiều, trời ấm lại, nghỉ học, tôi cùng mấy đứa bạn hàng xóm tụ tập chơi cù (con quay) hay đánh khăng ở sân nhà ông bà Vân. Hai đứa con ông bà Vân là thằng Trăn (Phúc), thằng Chuột (Hải) thường hay chơi với tôi (đôi lần có cả Bòi Xì tức Hoàng Nguyên Hồng nữa). Chiều mùa đông, khoảng 16 – 17 giờ, bầu trời bắt đầu xám xịt, hơi lạnh tỏa khắp không gian. Nhưng bọn trẻ chúng tôi mải chơi, không cảm thấy lạnh, vẫn mặc phong phanh một áo sơ mi và cái quần đùi.
– Để con chơi nốt ván này đã. Tôi vừa chơi vừa hét to trả lời mẹ.
Thế là mẹ tôi sai chị Khanh (chị ruột tôi) mang chiếc áo trấn thủ hay áo bông cho tôi mặc.
Bây giờ, tôi đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Còn mẹ tôi đã quy tiên được 20 năm rồi.
Mẹ tôi, bà Trịnh Ngọc Lan, sinh ngày 12/06/1913 tại Hà Nội và mất ngày 05/06/1997 (tức ngày 01 tháng 05 năm Đinh Sửu) tại Sài Gòn, hưởng thọ 84 tuổi. Bà là con gái út và duy nhất của ông bà ngoại tôi, cụ Trịnh Đình Bào (1868 – 1932) và cụ Nguyễn Thị Mai (1870 – 1918), thường gọi là cụ Kí Bào, quê ở làng Mọc Chính Kinh, thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông xưa, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mẹ tôi có 4 người anh trai. Cụ cả Trịnh Đình Huyến (1891 – 1955) và cụ Trịnh Đình Phương (1898 – 1972) đều làm công chức địa chính trong thời Pháp đô hộ Việt Nam. Cụ Trịnh Đình Bình mất sớm (1905 – 1926). Cụ Trịnh Đình Thảo (1901 – 1986) vào Nam, lấy vợ, con một điền chủ Sa Đéc, nên được tài trợ du học Pháp, đỗ tiến sĩ Luật Khoa (1929), rồi trở về Sài Gòn làm luật sư. Là con gái út, nên mẹ tôi được ông bà ngoại và hai người anh rất chiều. Nhưng bà ngoại tôi mất năm 1918 khi mẹ tôi mới 5 tuổi, còn ông ngoại tôi mất năm 1932 khi mẹ tôi mới 19 tuổi, nên trước đó gia đình đã tổ chức cưới “chạy tang” cho mẹ tôi, lấy ba tôi, khi đó ông cũng mới 20 tuổi, vừa đỗ tú tài, trường trung học Albert Sarraut – Hà Nội, chưa có nghề nghiệp gì để kiếm sống. Sau khi cưới, ba tôi lại tiếp tục học Cử nhân Luật, đến năm 1936 mới tốt nghiệp và năm 1938 mới có việc làm. Hơn nữa, liên tục hai năm 1935 và 1937, mẹ tôi sinh hai người anh tôi. Do vậy, hầu như hai bác cả Huyến và bác Phương đã cưu mang cuộc sống của gia đình ba mẹ tôi. Rất tiếc sinh thời ba mẹ, tôi đã không hỏi kĩ hai cụ về sự giúp đỡ của hai bác tôi (trong Nam gọi là Cậu). Nhưng tôi đoán chắc rằng nếu không có hai bác, anh ruột mẹ tôi, giúp đỡ thì ba tôi sẽ không có điều kiện học và đỗ Cử nhân Luật, để sau này trở thành một luật sư có tên tuổi. Thời ấy, con gái, dù gia đình có điều kiện, cũng ít ai học hành đến nơi đến chốn. Mẹ tôi cũng vậy, bà chỉ học hết sơ học yếu lược. Nhưng vì thường phải chép bài cho ba tôi bằng tiếng Pháp, nên mẹ tôi cũng am hiểu tiếng Pháp, đủ để giúp bà sau này khi học và hành nghề dược (sau năm 1954).
Đi tản cư ra vùng tự do ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), đến những nơi mà ba tôi công tác, từ Ba Thá (Hà Đông) đến Đoan Hùng (Phú Thọ), Bỉnh Di (Vĩnh Phúc) rồi định cư lâu nhất là Sơn Dương (Tuyên Quang). Ba tôi đi công tác, lâu lâu mới về thăm nhà. Hai anh trai tôi đi học ở thị xã Tuyên Quang rồi vào thiếu sinh quân. Mẹ tôi sống với chị tôi và tôi. Sau này, chị Hòa, gọi ba tôi bằng cậu, cùng sống với mẹ tôi ở Sơn Dương. Thời kháng chiến chống Pháp, ba tôi làm cán bộ ngành tư pháp, không có lương, chỉ có “phụ cấp”, giá trị bằng khoảng mấy chục cân gạo. Do vậy, mẹ tôi phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ trồng rau, nuôi gà, dê sữa, đến may quần áo cho bà con trong làng, rồi làm tương Cự Đà. Làm tương Cự Đà là nghề gia truyền của làng quê ba tôi (làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội). Mẹ tôi gầy, ốm yếu, lúc còn con gái bị hen, sinh anh trai tôi thì hết bị hen, nhưng khi 70 tuổi mẹ tôi lại bị hen. Trong thời gian ở ATK, mẹ tôi lại bị bệnh đái tháo nhạt và hầu như hỏng hết hai hàm răng. Năm 1952, mẹ tôi phải vào Hà Nội (vùng Pháp chiếm đóng) chữa bệnh đái tháo nhạt và làm răng giả. Một lần nữa hai bác tôi (anh ruột mẹ tôi) là cụ Trịnh Đình Huyến và cụ Trịnh Đình Phương lại cưu mang giúp đỡ mẹ tôi. Sức khỏe tốt lại sau mấy tháng điều trị, mẹ tôi lại đi theo đường dây (trạm giao liên) từ Hà Nội bị Pháp chiếm, trở lại ATK, nơi hai chị em tôi đang chờ mong từng ngày từng giờ. May mà hai chị em tôi có chị Hòa ở cùng trong khi mẹ tôi vắng nhà. Chị Hòa đang mang bầu con trai đầu lòng và sinh con vào năm 1952 (tuổi Thìn). Chồng chị Hòa là họa sĩ Thế Vị và cũng là một chiến sĩ vệ quốc đoàn đang cùng đơn vị trên các chiến trường miền Bắc, nên không có điều kiện chăm sóc hai mẹ con chị Hòa. Chị Hòa đã giúp mẹ tôi nhiều trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ thời kháng chiến chống Pháp, nhất là khi tôi và chị Khanh còn nhỏ, ba tôi đi công tác xa. Tôi mới 7 – 8 tuổi đã phải địu con trai chị Hòa, cháu Chiến trên lưng, kể cả khi lên đồi chăn dê, để chị Hòa rảnh tay đỡ đần mẹ tôi trong mọi việc. Nhiều lần Chiến tè ướt hết cả lưng tôi. Có lần, con dê Ấn Độ đẻ ngược, 02 chân sau thò ra trước, nó đau đớn, kêu vang cả đồi nương. Không biết làm sao, tôi đánh liều cầm hai chân con dê con kéo ra để cứu dê mẹ, máu dê bật ra ướt cả mặt mũi, hai tay và vạt áo của tôi, trong khi cu Chiến vẫn nằm trong cái địu sau lưng tôi.
Cuộc sống kham khổ, khí hậu khắc nghiệt nhưng tình làng nghĩa xóm giữa gia đình tôi nói riêng và các gia đình tản cư khác từ đô thị về sinh sống lâu dài ở vùng tự do, nói chung, với đồng bào địa phương, phần đông thuộc sắc tộc Tày, Nùng, rất đầm ấm. Mẹ tôi sống và làm nghề may vá, làm tương Cự Đà bán cho đồng bào làng xóm. Tôi nhớ, có lần mẹ tôi kiếm được một mảnh vải kaki may quần cho ba tôi. Do ba tôi phải đạp xe đạp thường xuyên trên đường đi công tác, sợ quần mau rách, mẹ tôi đã vá táp hai miếng vải trên hai mông quần mới may, trông thật vừa ngộ vừa thương. Sống nhân hậu nên mẹ tôi được đồng bào địa phương yêu quý, giúp đỡ. Nhà ba mẹ tôi sống là căn nhà lợp lá gồi, vách phên nứa trên đất nhà bà Vân (người Nùng) với sự giúp đỡ xây cất của bà con trong làng. Mùa đông, “gió qua rừng đèo Khế gió sang” (Tố Hữu) luồn qua vách nứa, nên rất lạnh, nhất là ban đêm, rất khó ngủ yên giấc. Năm 2004, sau 50 năm rời Sơn Dương, ATK, tôi rủ Hoàng Nguyên Hồng trở lại thăm chốn cũ, người xưa. Cảnh cũ không còn. Rừng đã bị phá sạch, suối cạn khô. Nhưng may thay bà cụ Vân vẫn còn sống và minh mẫn. Năm ấy, cụ đã 101 tuổi, nhưng sau khi tự giới thiệu, cụ vẫn nhận ra tôi và còn kể vanh vách những kỉ niệm về ba mẹ tôi sống ở đây thời chống Pháp. Cụ nhớ tên chị Khanh, chị Hòa, hỏi thăm hai chị ấy bây giờ sống ở đâu, ra sao, có mấy con. Cụ nhắc lại, khi ba tôi về công tác ở Hải Phòng sau năm 1955, mấy lần mời cụ về Hải Phòng để biết biển là thế nào, nhưng cụ không đi được. Bây giờ, cụ vẫn chưa biết biển cả như thế nào. Tiếc thật. Cụ còn tặng tôi tấm ảnh chụp khi cụ tròn 100 tuổi. Tôi đi học ở trường cấp I cách nhà đến 7 – 8 cây số (km), phải lội qua con suối chảy xiết trong mùa mưa. Anh bạn Hoàng Nguyên Hồng (người Tày) hơn tôi hai tuổi, lại to khỏe nên đã nhiều lần cõng tôi vượt suối trong ngày nước lũ để đến trường. Bây giờ, hai chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau, sau mấy chục năm mất liên lạc. Điều bất ngờ là Hoàng Nguyên Hồng tuy đã trên 70 tuổi, lại đang hành nghề luật sư mà theo anh ta nói là do ba tôi “bảo trợ”. Còn tôi và mấy anh em tôi không có ai nối nghiệp ba tôi.
Hòa bình lập lại, cả nhà tôi về sinh sống ở Hải Phòng từ năm 1955. Mẹ tôi đi học một lớp dược tá rồi về phụ trách cửa hàng thuốc biệt dược ở phố Hoàng Văn Thụ, thuộc công ty dược phẩm quốc doanh Hải Phòng. Cửa hàng này vốn dĩ là của dược sĩ Vũ Đỗ Hồ, bị quốc hữu hóa trong cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc sau năm 1955. Cũng nhờ biết tiếng Pháp nên mẹ tôi được giao phụ trách cửa hàng biệt dược này. Bà thường giải thích cặn kẽ tác dụng, cách dùng từng loại thuốc quí, ngoại nhập cho khách hàng nên rất được họ mến mộ và nể phục. Năm 1963, tôi tốt nghiệp phổ thông trung học (cấp 3) và lên Hà Nội học. Từ đó, tôi không sống với mẹ tôi nữa. Năm 1967, khi tôi tốt nghiệp đại học, ba mẹ tôi không phải nuôi nữa, nên mẹ tôi xin nghỉ mất sức. Hơn nữa, lúc này, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ diễn ra ác liệt, có thời gian phải rời thành phố, sơ tán ở vùng nông thôn Hải Phòng, nên mẹ tôi không đủ sức khỏe để đi làm. Nhưng trong thời chiến tranh và cả sau khi kết thúc cuộc chiến, với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu và bao cấp, cuộc sống của ba mẹ tôi vẫn gặp khó khăn. Mẹ tôi lại trở lại làm tương Cự Đà, mùa đông xuân thì làm bột sắn dây. Tiết trời tháng 02, tháng 03 còn rất lạnh, mẹ tôi vẫn ngâm tay trong nước lạnh để mài từng củ sắn dây. Sau năm 1975, nhân chuyến đi Sài Gòn chơi, ba tôi nẩy ra sáng kiến làm nghề xay bột cho trẻ em. Ông mang về một chiếc mô tơ điện và được các “đệ tử”, những công nhân cơ khí ở Hải Phòng quí mến ông bà, giúp chế ra máy xay bột. Thế là mẹ tôi chuyển sang nghề mới, xay bột cho trẻ em. Ban ngày thường bị cúp điện, mẹ tôi phải xay bột vào ban đêm, nhiều khi đến 12 giờ khuya. Khách đến thuê gia công xay bột khá đông. Cả ba tôi cũng nhiều lúc phải thay mẹ tôi đứng máy xay bột. Thành phố Hải Phòng thường bị mất điện triền miên, nhưng may mắn ông Đoàn Duy Thành (Chủ tịch, Bí thư thành ủy Hải Phòng) chỉ thị cho Sở điện lực “câu” một đường dây ưu tiên cho nhà ba mẹ tôi ở 40 Lạch Tray. Nhưng điện cũng thường chỉ có đều vào ban đêm. Ba tôi chỉ cho dùng điện vào việc xay bột, cả nhà vẫn chìm trong bóng đêm với chiếc đèn dầu hỏa.
Nghĩ lại, tôi thương mẹ tôi vô cùng. Tôi đi làm, lấy vợ, sinh con nhưng mải lo những chuyện đâu đâu, mà sau này tôi mới ngộ ra là cả cuộc đời mình đã phấn đấu hết sức chỉ để đi tìm lá “Diêu Bông”, nên chẳng giúp gì được cho mẹ. Suốt 5 năm (1968 – 1973) tôi chở bác Hợi (phu nhân của bác Trịnh Đình Phương) bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng lặn lội không biết bao nhiêu lần hết từ Ủy ban xã Nhân Chính lại đến Ủy ban huyện Từ Liêm để đòi lại mảnh đất thổ cư của ông bà ngoại tôi ở quê. Nhờ thế mà tôi có đất làm nhà trước khi lấy vợ. Năm 1974, mẹ tôi lại lặn lội lên Hà Nội, ở nhờ nhà bác cả Long để nấu cơm cho thợ xây nhà tôi ở làng Mọc Chính Kinh.
Ba mẹ tôi sống trung thực và tử tế với mọi người nên có nhiều “đệ tử” sẵn sàng giúp đỡ, từ việc sửa máy xay bột, máy bơm nước, mạng điện sinh hoạt đến việc xếp hàng mua nhu yếu phẩm theo tem phiếu ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh…
Từ cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20, mẹ tôi không đủ sức làm nghề xay bột. Sau khi ba tôi mất ở Hải Phòng ngày 22/01/1996 (mồng 01 tháng chạp năm Ât Hợi), mẹ tôi chuyển vào Sài Gòn ở với anh trai thứ hai của tôi và mất ngày 05/06/1997 (mồng 01 tháng 05 năm Đinh Sửu), hưởng thọ 85 tuổi.
Tôi thừa hưởng cái gene của ba tôi là tư duy logic, của mẹ tôi là sự nhạy bén, phản ứng nhanh trước các vấn đề của đời sống và thể trạng yếu (nếu không bị hen suyễn do di truyền từ mẹ, có lẽ tôi đã “xanh cỏ” trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm như mấy đứa bạn cùng trang lứa). Tôi phản ứng quá nhanh, nên mẹ tôi thường mắng tôi về cái tội hấp tấp, thiếu chín chắn.
Năm 2017, kỉ niệm 20 năm mẹ tôi từ giã cõi đời về với tổ tiên và ba tôi, tôi viết lại vài kí ức nhớ thương cuộc đời của một người mẹ tận tụy vì chồng vì con như biết bao bà mẹ Việt Nam khác. Tôi cầu mong cho bà được yên nghỉ với ba tôi và tổ tiên, cầu mong bà tha lỗi cho tôi vì khi còn sống, tôi chả làm được gì cho bà đỡ vất vả. Cuộc đời vẫn vô thường và phù du.
Mùa Vu Lan 2017
[i] Mẹ của tác giả là vợ của Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và em gái của Luật sư Trịnh Đình Thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945), Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976)