Trần Doãn Nho
Mỗi nhà văn có một cách hành văn riêng mà ta thường gọi là văn phong. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là nếu ta có một triệu nhà văn, ta sẽ có một triệu văn phong khác nhau. Đa phần nhà văn đều viết với giọng văn tiêu chuẩn, nên hao hao giống nhau. Thành thử muốn biết rõ họ là ai, ta phải đọc hết tác phẩm, để ngoài cách hành văn ra, còn làm quen với cách cấu tạo nhân vật, cách dựng truyện và các chi tiết đặc thù khác. Rất nhiều nhà văn nổi tiếng không phải vì cách họ viết mà vì tư tưởng, vì câu chuyện hay vì nhân vật. Trong lúc đó, có những nhà văn nổi tiếng vì chính văn phong của họ. Họ có một cách viết độc đáo đến nỗi văn của họ đọc lên là nghe khác hẳn với tất cả những người khác. Chẳng hạn như Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Trần Th Ngh., Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Đỗ Kh., Mai Thảo, vân vân. Một số nhà văn, ngay với tác phẩm đầu tiên, là đã gây sự chú ý chỉ vì cách hành văn khác thường, độc sáng và hấp dẫn của họ. Có tác giả làm cho ta say mê với cách viết đến nỗi quên cả cốt truyện và nhân vật.
Hãy tạm gác qua phần nội dung, chỉ để ý đến cách viết, những ai đã từng đọc các tác phẩm của Võ Phiến và Mai Thảo sẽ thấy là có sự khác nhau giữa hai nhà văn. Khác nhau rất rõ. Khác ra sao?
Hãy đọc một đoạn của Võ Phiến: “Hồi còn con gái bà Nghĩa luôn luôn bị cái hình thù xấu xí của chồng ám ảnh. Khi thì bà nghĩ đến cái trán thấp tịt, khi nghĩ đến cặp chân mày sát mí mắt, khi trông thấy cái cằm khuyết của ông. Bà khổ sở đau đớn, cố xua đuổi những hình ảnh ấy đi. Mỗi lần thấy loáng thoáng trong trí một ý nghĩ về người chồng, bà Nghĩa vội vàng lảng sang chuyện khác. Ý thức tự vệ chống cái ám ảnh đó thấm nhuần mọi cử chỉ, ý tưởng, hành động của bà. Bất cứ lúc nào, trong trường hợp nào, nghe nhắc đến tên ông Nghĩa, động đến một điều có liên quan tới ông, tự nhiên bà nghe nhói lên trong lòng một cảm giác khó chịu, rồi tức khắc điều vừa được nhắc đến bị gạt ra khỏi trí óc.” (Thương hoài ngàn năm)
Và của Mai Thảo: “Khuôn mặt Châu đầm đìa. Nàng khóc hết tiếng, nức nở, không kềm giữ. Như chưa bao giờ nàng được khóc như thế. Như nàng còn khóc mãi không thôi. Như lát nữa và mãi mãi mắt tôi sẽ ráo hoảnh, hồn tôi sẽ giá băng. Tôi khóc lúc này là tôi sống lúc này. Tôi sẽ không khóc nữa đâu. Và tôi sẽ chết. Chết cho đến chết. Nước mắt là biển đầy và biển đầy tuôn đi và biển đầy cũng cạn.” (Mười đêm ngà ngọc).
Đọc Võ Phiến, ta chú ý đến trạng thái tâm lý khác thường của nhân vật là bà Nghĩa, chú ý đến cảnh của một người vợ bị ám ảnh vì cái xấu xí của ông chồng. Võ Phiến tập trung phân tích các chi tiết liên quan đến sự kiện đặc thù đó. Người đọc cũng chỉ quan tâm đến chi tiết đó, đến nỗi không mấy để ý đến chữ dùng của ông. Đọc Mai Thảo, ta không tìm thấy một chi tiết đặc thù nào ngoài việc nhân vật đang “khóc”. Mà để tả cái khóc, thì chỉ cần ba câu đầu là đủ ý, đủ nghĩa. Mai Thảo không dừng lại ở đó mà đi tiếp. Phần đi tiếp này toàn là nói “chữ”. Ông lặp lại chữ “khóc” nhiều lần, sau đó đến chữ “tôi”, chữ “chết”. Chữ “biển đầy”, cũng được lặp lại nhiều lần. Rốt cuộc, tưởng chừng như ta chỉ nhìn thấy những con chữ nhảy múa hơn là tâm trạng bi thương của nhân vật.
Nhìn chung, thế giới của Mai Thảo là thế giới của chữ. Đọc ông, dường như ta bị rơi vào trong một vùng chữ. Chữ đưa lui, đẩy tới, chạy vòng vòng, nảy lên nảy xuống, chữ này chạm vào chữ kia, rời ra rồi chạm tiếp vào chữ nọ, nhảy múa, uốn éo. Khi thì miên man trôi như dòng sông, dòng này nối dòng nọ. Khi thì đột ngột dừng lại. Như bị thắng gấp. Rồi lại triển nở ra ở một phía khác và chạy tiếp. Nghĩa của chữ hay của câu dường như bị lùi lại đàng sau, trở thành thứ yếu. Lúc thì chúng còn thấp thoáng đâu đó, lờ mờ chợt ẩn chợt hiện khiến ta còn dừng lại đôi chút để nghĩ ngợi nhưng có lúc nghĩa dường như bị chôn vùi, bị đánh bạt hẳn ra ngoài, khiến ta chỉ chạy theo chữ mà không cần biết những dòng chữ đó nói lên cái gì. Y như thể chữ của Mai Thảo không đưa đến nghĩa. Hoặc không cần nghĩa. Mà chỉ gợi nên cảm giác và cảm xúc.
Tại sao? Vì khác với nhiều nhà văn khác, văn Mai Thảo là loại văn xuôi đầy nhịp điệu. Hễ có cơ hội là ông tận dụng ngay để tạo sự cân đối cho các câu văn hay các đoạn văn. Hãy thử đọc một trích đoạn: “Nhủ thầm như vậy vẫn không ổn thỏa chút nào. Thái độ bình tĩnh vẫn như một bằng chứng, một va chạm dữ dội, Châu như bừng tỉnh để đo lường lại một lần nữa, sau bao nhiêu lần đo lường như thế, về liên hệ tình cảm giữa nàng và chồng. Thì ra nàng đang sống một cuộc đời bất bình thường”. Đó là những câu văn miêu tả bình thường. Nhưng tiếp sau đó, Mai Thảo chuyển ngay mạch văn: “Tâm trạng nàng thường xuyên là một tâm trạng bất bình thường. Vui không cười được. Buồn chẳng thành buồn. Toàn thân Châu chợt lạnh toát đi. Sống không ra sống chỉ là một hình thái của cái chết. Còn gì nữa. Đúng như thế. Từ bao nhiêu lâu rồi, nàng có sống đâu. Nàng đã chết. Từng phút từng giờ”.
Đoạn này đọc lên nghe khác ngay với đoạn trước. Nó nhịp nhàng, cân đối. Nhiều từ được lặp lại (bình thường, sống, chết). Nhiều từ có tính cách đối sánh (sống/chết; vui/buồn). Vần trắc vần bằng được sắp xếp phù hợp. Vui không cười được/Buồn chẳng thành buồn cân đối cả nghĩa lẫn âm. Cách viết như thế ta có thể tìm thấy nhiều và rất nhiều trên những trang văn Mai Thảo. Ngay cả trong những trang văn có tính cách lý luận.
Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy Mai Thảo rất lưu ý đến vần bằng, trắc, nhất là ở cuối câu. Chẳng hạn: “Ngày tháng là một dòng chảy. Và chàng là một con phao. Lênh đênh, nổi chìm, vô định. Rượu, đàn bà, đêm, những thú vui tàn rữa buồn rầu”. Ta thấy chữ cuối của câu đầu là chảy (trắc); chữ cuối câu sau là phao (bằng); câu thứ ba là định (trắc); câu cuối là rầu (bằng). Riêng câu thứ ba cũng có nhịp cao, thấp qua các từ đênh, chìm, định. Nếu đọc lên bằng lời, nghe như đọc thơ. Chẳng thế mà Nguyễn Hưng Quốc cho là Mai Thảo đã sử dụng “biện pháp tăng cường đậm đặc chất thơ vào văn xuôi”, khiến cho ông tạo được một “phong cách văn xuôi độc đáo, diễm lệ và đài các lạ lùng.”(1) Còn Bùi Vĩnh Phúc thì cho rằng, “Ngữ pháp của Mai Thảo mang rất nhiều chất thơ.” (2)
Thêm một số thí dụ khác:
– Một nền đêm khuya khoắt lâm chung….trên một nền thảm sầu tàn héo. (Nhịp điệu ở đây rơi vào các từ khuya khoắt/ thảm sầu; lâm chung/tàn héo).
– Một vô cùng hung dữ và một thì rất đỗi hiền lành. (Nhịp điệu: hung dữ/hiền lành)
– Nhưng say không chỉ là một cơn lốc. Mà say còn là một giọt lệ, một biển đau trong một rừng sầu. (Nhịp điệu: cơn lốc/giọt lệ; biển đau/rừng sầu)
-…thường làm tôi nghĩ đến một buổi sáng ở một cửa rừng vui nào với những hàng cây thưa, những thảm cỏ mướt, những tiếng chim ca ánh sáng trên đầu, cái buổi sáng bình yên trong ca dao, có cu gáy có bướm vàng của Huy Cận… (Nhịp điệu: buổi sáng/ rừng vui nào; cây thưa/cỏ mướt; ca dao/cu gáy; bướm vàng/Huy Cận). Những cụm từ trên đầu (ánh sáng trên đầu) hay Huy Cận (bướm vàng của Huy Cận), thực ra, không cần thiết lắm cho câu văn, nhưng ông bỏ thêm vào, theo tôi, chỉ nhằm mục đích gây nhịp điệu.
-…những khoảng tối làm cho những mái tóc được kề liền, những bờ vai được tựa vào những bờ vai, những ngón tay bỗng đan thêm một vòng khăng khít. (Nhịp điệu: khoảng tối/kề liền; bờ vai/bờ vai/khăng khít)
– khoảng sân sau rêu phong. Cái bể non bộ và những chậu cây cảnh. Nguời mẹ già, bàn thờ Phật. Hương trầm thơm và ánh nến lung linh. (Nhịp điệu: rêu phong/cây cảnh; già/Phật; hương trầm/ánh nến).
– Những mùa xuân đã tới. Rồi qua. Hoa nở trong nội. Bướm bay trên đồng. Những chiếc xe hoa. Màu hồng của pháo cưới. (Nhịp điệu: tới/qua; nội/đồng; xe hoa/pháo cưới).
– Riêng với Ấu, Nhị đã có không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Ngăn ký ức nào đựng cho đủ. Cặp học trò nào chất cho vừa. (Nhịp điệu: ký ức/học trò; đủ/vừa).
-…cái giọng Thóc sang sảng, thước kẻ trên tay, giờ địa dư vừa nói vừa chỉ bản đồ, không sai tên một dòng sông, không lầm tên một triền núi.
– Đầu ngả đầu, vai kề vai, tay trong tay nắm. Tại sao lại không “Đầu ngả đầu, vai kề vai, tay trong tay”? Ông thêm chữ nắm vào để cho cân bằng nhịp điệu. Nếu để ý những câu văn Mai Thảo, ta sẽ thấy lối viết đó diễn ra rất nhiều lần
Ngoài việc sử dụng bằng, trắc, đặc biệt, Mai Thảo sử dụng thủ pháp lặp lại từ, vừa gây cảm giác liên lỉ, trôi chảy, vừa để tạo và kiểm soát nhịp điệu. Có lẽ không có loại văn nào mà số lượng từ ngữ được lặp lại nhiều và quá nhiều như vậy. Có những đoạn, không phải chỉ một từ mà nhiều từ khác nhau được lặp đi lặp lại nhiều lần.
* Chữ của:
– ..đôi chân son hồng của Linh chạy mải miết, cánh đồng mùa xuân chấp chới muôn ngàn màu sắc, của bướm, của sương đang tan, của năng dang dẩy, của suối róc rách thành sống vỗ hiển hòa, của trời cao mênh mông. (Khi mùa mưa tới)
– …Nhớ những âm thanh mộc mạc nghìn đời của đất của đồng của hoa của cỏ.
-…cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng… (Chuyến tàu trên sông Hồng)
– Mùa Xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về… (Tháng giêng cỏ non)
* Các chữ của, cái, tuổi nhỏ:
“Đứa nhỏ sống trong thứ thời gian rất thơ và rất xanh của bốn mùa, thứ không gian tình cờ của mưa mưa nắng, nó sống trong cái thế giới của chuồng trâu bếp lửa, của khói rạ lượn lờ trên mái tranh, của hương hoàng lan thoang thoảng trong cây, của hương bồ kết cay cay trong tóc. Nó nhớ lại tuổi nhỏ như một con chuồn chuồn ngất ngư trong biển nắng, cái tuổi nhỏ như say rượu, cái tuổi nhỏ nằm tròn thành một giọt sương mai giữa đất trời, cái tuổi nhỏ ru nó bằng nhịp võng đưa, cái tuổi nhỏ thật nhỏ, cũng thật hiền, thật non và cũng thật xanh, cái tuổi nhỏ của cái mũ trắng nó đang đội, của cái quần trúc bâu sột soạt nó đang mặc, của tóc mới đâm cứng như rễ tre, của da mới vỡ đầy vết lang ben, của tiếng nói khao khao như tiếng gà trống…” (Chuyến tàu trên sông Hồng)
* Chữ nền:
Trên một nền đêm, một nền đêm khuya khoắt lâm chung, trên một nền chiều, trên một nền thảm sầu tàn héo (Sau khi bão tới)
* Chữ có:
– Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu dầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng xanh mướt….”(Chuyến tàu trên sông Hồng)
* Chữ thấy:
Thấy mưa trong cảnh ngộ mình, trong tâm thể mình. Hiện giờ. Thấy những khoảng cách mịt mùng. Thấy những không gian vô bờ. Thấy những thượng tầng lạnh buốt… (Sổ tay)
* Chữ tiếng:
Nhớ tiếng trống làng thùng thùng. Tiếng chuông chầu buổi tối. Tiếng mõ niệm buổi trưa. Tiếng gà gáy sớm. Tiếng chó sủa đêm. […] Nhớ tiếng ếch nhái ão uộp dưới ao bèo Nhật Bản, tiếng ve ran ran, tiếng sáo diều vi vu bất tận của nền trời rộng, tiếng đòn gánh kẽo kẹt rập rình, tiếng chân đi nằng nặng của đám tuần vác mõ canh đêm, là những tiếng động cũ kỹ, thuần túy…
* Chữ Khoa, danh từ riêng:
Khoa, tiệm thuốc tây ngoài phố chính. Khoa những bó hoa, những chiếc bánh gửi mừng từng sinh nhật. Khoa của một tỏ tình chưa đậm, nhưng một đính hôn đã là. Khoa của một mái tóc cắt ngắn, khỏa mạnh, mày râu nhẵn nhụi, trong khi đám bạn bè theo Khoa tới quán tóc dài thượt tới gáy, để râu từ lông tơ. Tôi nghĩ đến Khoa. Tách thoát. Rửng rưng. (Ôm đàn tới giữa đời)
* Chữ lúc:
…lúc bò núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng đen tối vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm” (Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời)
* Chữ cho:
Gặp lại cho Phạm. Cho Trương. Cho em. Cho chúng mình. Cho một cái gì đã mất. Cho cái thế giới thần tiên, cái thiên đường lộng lẫy. Cho những buổi chiều của chúng ta trên con đê xưa, những buổi sáng của chúng ta trong căn vườn cũ. Cho cái vốn kỷ niệm cần thiết của một đời người khi tới lúc không thể sống bằng kỷ niệm. Cho những ảo tưởng thực hơn nghìn lần sự thực. Cho những sự thực đã thành ảo tưởng. Cho sự chấm dứt của những năm tháng bình yên. Cho sự khởi đầu của những tháng năm đau đớn. (Luân)
* Chữ những:
. – Một đêm mùa thu Hà Nội, lá vàng lả tả bay trên những con đường không tiếng vang, những con đường phảng phất sương mù và lắng đọng rất nhiều bóng tối. Trên những con đường ấy là những bước chân rất êm của những người tình. Đầu ngả đầu, vai kề vai, tay trong tay nắm, thần trí mơ màng, tâm hồn phơi phới, trên những con đường lá vàng, những người tình dìu nhau bước đi. (Sau khi bão tới)
– Hà Nội thiên đô. Những bờ bãi ngút ngàn dọc theo hai bờ Hồng Hà. Những con đường của toàn quốc tiêu thổ chạy dài bất tận giữa những thị trấn và những xóm làng đã san bằng thành bình địa. Những đêm Sơn Tây sông Đáy chậm dòng qua Phủ Quốc như một bài thơ Quang Dũng. Những chiều Phú Thọ, bốn phía núi chập chùng. Những buổi trưa trung du, cái nắng lả lả trên những sườn đồi hoang vu. Những tinh sương Việt Bắc, con suối độc bốc hơi giữa ngút ngàn hoang dâm. Những đêm ngủ dưới trời sao, lưng nằm trên cỏ rừng, đầu kê lên một phiến đá núi. Gió biên giới lồng lộng qua những mái nhà sàn, ở dưới là biển sương dày đặc. Những thị trấn mang những cái tên… (Mười năm, kỷ niệm và trí nhớ)
– Những khúc đường trồng dương liễu đẹp như tranh, như thơ. Những lòng đường lầy lội, và hai bên là những xóm làng hắt hiu buồn bã. Những tòa cao ốc lớn đang xây cất cho những thị trấn và những vùng kỹ nghệ ngày mai. Nhưng kế liền là những túp lều đổ nát, những rác rưởi chất đống. Những thửa ruộng vuông vức, những sông lạch hiền từ. Nhưng ở cạnh là những nông phu Tàu, áo tơi, nón lá, những hình bóng gầy guộc, âm thầm nhẫn nhục đẩy trâu đi (Hồng Kông ở dưới chân)
Chao ôi, toàn là những, những và những. Văn của Mai Thảo là văn của vô vàn những chữ những. Tôi nghĩ ông khoái chữ những. Những chữ những vô tội vạ, được Mai Thảo vận dụng tối đa, tự do xài phí, không hề tiết kiệm, không cần bảo chứng. Thú thật, khi viết văn, tôi cũng dùng chữ những, chỉ vài chữ trong một đoạn là đã thấy rườm rà, thế mà văn Mai Thảo nghe hết những này đến những kia, có những chữ những dùng rất đắc địa nhưng không thiếu những chữ những thừa, thế mà đọc lên nghe vẫn trơn tru. Lạ thật!
*Chữ một:
Chữ một không nhiều bằng chữ những, nhưng xuất hiện khá thường xuyên. Và thường nằm rải rác đây đó không nhất định, chứ không tập trung nhiều như những. Cách sử dụng chữ một có lẽ là một trong những đặc điểm khiến cho văn Mai Thảo trở nên độc đáo, khác lạ, và trở nên… maithảo.
– Rồi thì một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chùng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua…
– Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy… (Những tấm hình của chị Thời)
– …Chính ôm lấy người đàn bà. Người đàn bà của một gặp gỡ ngắn. Một tình cờ ngắn. Một hạnh phúc ngắn. (Hồng Kông ở dưới chân)
– Thật là một khám phá. Một khám phá kinh ngạc. (Những tấm hình của chị Thời)
– Không có tiếng vang, không có một bùng cháy, một bất ngờ, một khuấy động nào nữa. (Mười đêm ngà ngọc)
Sau chữ một, Mai Thảo sử dụng khi thì là tính từ khi thì là trạng từ, khi thì động từ. Nhưng nhiều nhất là tính từ và động từ. Với cách viết này, Mai Thảo loại bỏ hẳn một số từ khác thường đứng trước chúng. Thay vì “một cuộc lưu đày” thì là “một lưu đày”; thay vì “một nỗi nhớ nhà” thì “một nhớ nhà”; thay vì “một sự khuấy động” thì “một khuấy động”, vân vân. Ta gặp dài dài cách dùng đó trong văn Mai Thảo: một tình cờ, một trao phó, một bùng cháy, một bất ngờ, một vượt thoát, một mê đắm, một yếu đuối… Nhiều. Đã quen với cách viết đó, mà thú thật, đôi khi tôi cũng ngỡ ngàng khi gặp chữ một của Mai Thảo, nhất là khi ông thêm vào sau đó một tính từ nào đó (có khi là một cụm từ) có tính cách diễn tả: một lưu đày dịu dàng vào cô đơn, một lạnh buồn vô tận, một gần gụi diễm lệ… khiến cho câu văn đột nhiên mang một vóc dáng khác lạ, thú vị.
Nhiều nhà văn khác cũng có lặp lại chữ. Nhưng chỉ trong trường hợp cần thiết, trường hợp chẳng đặng đừng. Mai Thảo khác. Như đã đề cập, sự lặp lại của Mai Thảo là một thủ pháp sáng tác. Một cách điều khiển chữ. Rất nhiều nơi, cái ấn tượng gây ra là chính những con chữ hơn là ý nghĩa mà chúng chứa đựng. Những nhà văn khác viết câu dài vì để nói cho hết ý. Mai Thảo viết câu dài với dụng ý viết… cho dài. Dài bao nhiêu cũng được. Lan man bất tận. Hãy nghe ông tả nỗi xúc động của một lần gặp gỡ:
Tôi nhìn cái khuôn mặt nửa muốn cười nửa muốn khóc của Luân mà sự kinh ngạc còn in lên gần như một niềm đau đớn. Tôi muốn nâng hai tay đỡ lấy khuôn mặt ấy, mười ngón tay tôi cưới lấy hai gò má ấy, tôi muốn ôm chặt lấy Luân, ôm thật chặt cái thân thể yêu dấu, tôi muốn hôn vào đôi mắt kinh ngạc, tôi muốn nói với Luân một hơi, không ngừng, một câu nói thật dài, không bao giờ hết. Tôi muốn nói với Luân, đau xót và thành thật nói, câu nói tôi muốn gửi không riêng gì cho Luân mà cho tất cả những người thiếu nữ Việt Nam, qua hình ảnh Luân lúc đó. Những người thiếu nữ xấu số của một đất nước hiền hậu như họ không bao giờ thích hợp với một không khí chiến thời nào.
[…] Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm. (Luân, truyện ngắn)
Sự lặp lại những từ hay cụm từ như “tôi muốn”, “ôm chặt”…, khiến những con chữ không còn là những con chữ riêng biệt, không còn chứa đựng các ý nghĩa thông thường của chúng, mà là một dòng chảy. Chúng toát ra hơi, hãy tạm gọi là hơi văn. Hơi văn chuyển dịch từ câu trước đến câu sau, từ đoạn truớc đến đoạn sau. Nó làm cho cả đoạn văn như kết dính vào nhau, chảy dài, chảy tràn. Tôi dám quả quyết rằng, khi đọc những đoạn văn như thế, người ta chỉ thấy chữ nối tiếp chữ, câu nối tiếp câu. Đó là những ký hiệu chuyển động hòa lẫn với cái mà Ferdinand de Saussure gọi là hình ảnh âm thanh (image acoustique), tạo nên âm điệu nhịp nhàng vang vang trong đầu óc. Những cụm từ có vẻ rất tượng hình như “cưới lấy hai gò má ấy”, “ôm chặt cái thân thể yêu dấu”, “những thềm nhà cỏ hoang phủ kín”, “từng buổi sớm xuống suối rửa mặt”, “thân cây chặt đứt”, “chân cầu đổ nghiêng” vân vân cũng như những “tối đen vực thẳm”, hay “sáng chói mặt trời”… tự thân chúng chẳng nói lên một cái gì cụ thể cả. Chúng không tiêu biểu cho một hiện thực nào hết cũng không chỉ định một ý nghĩa nào rõ rệt mà thuần túy là những con chữ kết cấu với nhau.
Ở đây, Mai Thảo đã sử dụng từ như người họa sĩ sử dụng màu sắc. Ông chấm phá, pha trộn, chồng chéo những con chữ, cái đậm cái nhạt, để tạo nên những ấn tượng và cảm xúc đa dạng. Những “phiến buồn”, “vùng xúc cảm sượng sần”, “mưa là một lưu đày trắng xóa”, hay những “một mù lòa đổ sập”, “trời lạnh đặc”, “rừng tóc lướt thướt chết đuối” hay “tiếng loài cây khóc lóc bay đầy trong buối tối miền núi”, vân vân rõ ràng là một hình thức trộn chữ và trộn âm của Mai Thảo. Nếu ai hỏi tôi “phiến buồn” hay “trời lạnh đặc” là gì thì tôi còn có thể suy diễn ra được đôi điều (dù không chắc gì đúng), nhưng nếu hỏi “một lưu đày trắng xóa” hay “một mù lòa đổ sập” thì xin chào thua. Sau này, ca từ Trịnh Công Sơn là một hình thức chế biến ngôn ngữ không khác gì mấy với ngôn ngữ Mai Thảo. Giải thích làm sao những cụm từ như “tuổi đá buồn” hay “bài ca dao trên cồn đá” trong nhạc Trịnh Công Sơn?
Tôi tưởng tượng khi viết, với cảm hứng tràn đầy, Mai Thảo có lẽ không kịp suy nghĩ về những con chữ. Chúng tự động trào ra trên giấy. Chữ. Không có gì khác hơn. Chữ nhảy múa. Chữ va chạm. Chúng tạo ra hình ảnh. Chúng tạo thêm nghĩa. Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Hưng Quốc đều cho rằng Mai Thảo là duy mỹ và duy cảm. Vâng, duy mỹ, duy cảm. Theo tôi, Mai Thảo đúng ra phải nên được gọi là duy tự. Ông mê chữ, khoái chữ. Ông tin tưởng ở hiệu lực của những con chữ, tin rằng nếu biết lợi dụng cấu trúc của chữ, sự kết nối các cụm từ, sự cân đối về mặt âm thanh, khéo léo sử dụng các hình dung từ, tự chúng sẽ tạo ra ý nghĩa, một loại ý nghĩa riêng biệt, vượt hẳn ra ngoài những ý nghĩa thông thường mà mỗi con chữ có sẵn. Và chữ dường như cũng chìu ông qua không biết bao nhiêu trang văn. Nhiều câu văn vả đoạn văn của Mai Thảo thật đẹp, thật độc đáo. Đọc lên nghe thật sướng. Chúng khiến cho ta thoát khỏi cái không khí khô khan của những đoạn văn đầy triết lý, suy tưởng hay những đoạn văn quá sần sùi, quá hiện thực Chúng khiến cho ta nắm bắt được cái đẹp, cái ý vị của chữ. Chẳng hạn như đoạn văn vừa trích ở trên, một đoạn văn cho thấy phong cách đặc thù của Mai Thảo. Bằng cách dùng từ để tạo hình ảnh và ấn tượng, dùng hình ảnh và ấn tượng để tạo cảm xúc, Mai Thảo thành công khi nói lên được tâm cảnh phức tạp của một cuộc gặp gỡ khác thường để rồi… vĩnh viễn chia xa.
Hay thì hay, tất nhiên. Nhưng đọc kỹ, ta thấy nó… cầu kỳ, nó văn vẻ, nó pha trộn nhiều thứ quá nên cái hay dường như bị giảm bớt đi nhiều. Trích đoạn sau đây còn đi xa hơn. Nó cho thấy tính cách duy tự của Mai Thảo được đẩy lên đến mức tột cùng:
Qua hàng mi dài vút của nàng, tầm mắt Linh đụng vào một hình thể yêu dấu ở gần. Tất cả bát ngát lớn lên. Đôi mắt Phủ cũng là đôi mắt nàng long lanh vô bờ. Khoảng trũng bên sóng mũi cao của chàng như một thung lũng ngon chạy dọc theo một triền núi đẹp, miệng chàng mở hé, môi hồng sắc máu rung động. Linh thấy nở lên như một đài hoa hàm răng chàng óng ánh. Rồi tất cả bặt đi và bị nuốt chửng. Linh không nhìn thấy gì nữa. Cái hôn bắt đầu và nàng đã nhắm mắt lại. Trong một khoảng khắc thần tiên, trời đất tối đen như đêm, nàng nồng nàn hôn trả Phủ, hai người nồng nàn hôn nhau, mọi lời nói mọi ý nghĩ bị ngăn chặn lại, và trong hòa hợp truyền thấm mê đắm, trong cái hôn trao gửi khít khao kỳ diệu, Linh sống một cảm giác tột đỉnh bàng hoàng. Những hoa sao nhảy múa trong đầu nàng. Trong đầu nàng như có bóng Ngự Bình nghiêng xuống, giòng Hương Giang chảy qua, nó chảy trong một đêm ngà ngọc, kín kín, thầm thầm, nó chảy trong cái thiên đường bé nhỏ kiêu hãnh, những lớp sóng đỡ nàng lênh đênh thành một vòng hoa, những lớp sóng bao trùm nàng cho cả một rừng tóc lướt thướt chết đuối, trong đầu nàng có sự im lặng thành kính say say lả lả, có tiếng chim hót vui như tiếng hót ánh sáng ở một cửa rừng, có sự thức tỉnh sáng suốt và trong vắt của cả một đời người mà cái hôn đầu là tấm gương lớn cho nàng soi ngắm hình thù của rung động, lại có sự mê thiếp sượng sần tối tăm như nàng sắp ngã, đang ngất, nàng đang bị giết chết, giết chết bằng cái chết của men, của đường của mật nấu cất ngất ngư trong nắng.
[…] Cái hôn dẫn đi. Trên những cánh đồng cỏ mùa xuân, cỏ thơm nõn như chuốt lọc ánh sáng, cỏ mềm mại như nõn nà da thịt, cỏ cao bồng tới ngực, tới đầu, đôi chân son hồng của Linh chạy mải miết, cánh đồng mùa xuân chấp chới muôn ngàn màu sắc, của bướm, của sương đang tan của nắng đang dẩy, của suối chảy róc rách thành sóng vỗ hiền hòa, của trời cao mênh mông với đất dưới này được nối liền bằng thân thể nàng vươn lên thành chiếc cầu vồng bảy sắc kỳ diệu, cánh đồng mùa xuân là một hội vui vĩ đại hân hoan, Linh muốn tham lam ôm đầy tay, uống đầy hồn, nàng chỉ có một nhưng nàng muốn muôn nghìn, nàng đòi tình yêu cho nàng một đôi cánh, tình yêu cho nàng liền, nàng đòi tình yêu đi vào đôi chân cuống quýt của nàng đôi hài bảy dặm, tình yêu cũng cho nàng liền, thế là Linh bay đi, bay tới đâu cũng gặp nàng đang ra đời, đang lớn, đang yêu và đang sung sướng.
Trời! Đọc muốn đứt hơi. Hai đoạn trích trên chưa được một nửa của nguyên đoạn văn. Thực tình, ta chẳng thấy nụ hôn mà chỉ thấy chữ và chữ. Chằng chịt chữ. Liên tục chữ. Mai Thảo tận dụng và lạm dụng chữ. Mà phải công nhận cái tài tận dụng và lạm dụng của ông. Khoảng trũng bên sóng mũi cao của chàng như một thung lũng ngon chạy dọc theo một triền núi đẹp; một đài hoa hàm răng chàng óng ánh. Một cách diễn tả khá tài tình, chữ dùng vừa lạ vừa cầu kỳ: khoảng trũng trên sóng mũi, thung lũng ngon, đài hoa hàm răng. Còn những cụm từ như “bóng Ngự Bình nghiêng xuống”, “giòng Hương Giang chảy qua”, “lớp sóng đỡ nàng lênh đênh”, “một rừng tóc lướt thướt chết đuối” hay “thân thể nàng vươn lên thành chiếc cầu vồng bảy sắc kỳ diệu” hoàn toàn không đóng vai trò gì trong nụ hôn. Cũng không đóng vai trò gì trong cái xúc động của người đàn bà được hôn. Mà thực tình chúng cũng chẳng tạo nên cảm giác đặc thù nào cho người đọc, nếu như chính tác giả muốn tạo nên.
Tôi cho rằng tác giả không muốn tạo nên một cái gì cả. Ông chỉ viết. Viết cho đã. Viết cho sướng. Và ông khoái trá với chữ, khoái trá với cách điều khiển chúng, với cách kết hợp chúng với nhau. Cả một câu dài như “…sự mê thiếp sượng sần tối tăm như nàng sắp ngã, đang ngất, nàng đang bị giết chết, giết chết bằng cái chết của men, của đường của mật nấu cất ngất ngư trong nắng” rõ ràng chỉ có tính cách biểu diễn chữ trên trang giấy. Ngay cả cái ấn tượng thực sự, tôi cũng chẳng thấy. Mà giả sử như có ấn tượng thì chỉ là một ấn tượng giả. Thực sự nó không gây nên một cảm xúc nào cả. Vì cảm xúc thật sự bao giờ cũng đi đôi với một sự kiện, một hiện thực, một chi tiết. Khi đẩy những con chữ đi quá xa, quá hoa hòe, quá khéo thì mọi cảm xúc sẽ bị tan biến đi. Cũng giống như khi chứng kiến một cảnh tượng thương tâm nào đó, một người mẹ có con bị chết thảm chẳng hạn, cảm xúc ta sẽ dâng cao khi nhìn thấy đôi mắt lạc thần, tiếng khóc bị kềm giữ, nét mặt bi thương và thậm chí sự im lặng của người mẹ. Nếu như người mẹ bắt đầu nói, rồi than van, kêu gào, kể lể dông dài, cảm xúc trong ta sẽ giảm dần, thậm chí tan biến.
Nói như Nguyễn Hưng Quốc, trong Văn Mai Thảo, có sự “lấp lánh” của chữ, có sự “óng ả” của câu. Lấp lánh, óng ả đã tạo nên một cõi văn chương Mai Thảo tài hoa, đa dạng. Nhưng lấp lánh quá, óng ả quá, đôi khi, lấy mất đi những cảm xúc chân thật.
Nếu ít lấp lánh, ít óng ả thì sao? Hãy thử đọc truyện ngắn “Những tấm hình chị Thời”. Truyện kể lại những kỷ niệm của một chú học trò từ quê lên tỉnh trọ học với chị Thời, một thiếu nữ láng giềng lớn tuổi hơn và ế chồng. Trong lúc các bạn đồng trang đồng lứa lần lượt lên xe hoa thì chị vẫn ở vậy, lặng lẽ sống với những tấm hình nam tài tử xi nê dán khắp phòng. Về mặt kỹ thuật, đây là một truyện kể hoàn chỉnh. Một truyện ngắn hay và rất cảm động. Mai Thảo kể chuyện nhiều hơn là “chơi chữ”. Giọng văn điềm tĩnh, từ tốn, đi sát với hiện thực và tâm cảm nhân vật hơn là điều khiển những con chữ. Trong phần kết, Mai Thảo viết:
Nhớ đến chị Thời, Nhị lại nhớ đến ngôi nhà ngày xưa. Khoảng sân sau rêu phong. Cái bể non bộ và những chậu cây cảnh. Người mẹ già, bàn thờ Phật. Hương trầm thơm và ánh nến lung linh. Những buổi trưa mùa hè, bóng tối làm thành bóng mát, khuôn mặt dịu dàng của chị Thời ở đó, nghiêng xuống giấc ngủ thơ ngây của đứa nhỏ xa nhà. Và tiếng nói của chị, êm ái. Và những tấm hình của chị. “Chị chỉ còn những tấm hình ấy. Để sống. Lớn lên, sau này em sẽ hiểu.” Nhị đã lớn. Nhị đã hiểu. Những tấm hình tài tử ấy là tổng hợp cho một khuôn mặt đàn ông mơ tưởng không bao giờ trở thành sự thật cho đời chị. Nàng công chúa buồn vẫn ở trên cái tháp lạnh và cô đơn của tòa lâu đài kia. Những mùa xuân đã tới. Rồi qua. Hoa nở trong nội. Bướm bay trên đồng. Những chiếc xe hoa. Màu hồng của pháo cưới…
Vẫn là giọng văn Mai Thảo. Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng cái chất Mai Thảo không bộc lộ được hết ra văn như trong các truyện hay ký khác. Nghĩ cũng buồn cười. Đọc ông viết dài quá, tô vẽ quá, tôi ngợp. Đọc ông viết vừa đủ, gọn gàng, tôi lại thấy thiếu.
Rốt cuộc, với tôi, “Chuyến tàu trên sông Hồng” dường như cho ta một Mai Thảo lý tưởng. Bài ký chứa đựng tất cả phong cách Mai Thảo của một Mai Thảo chưa quá sa đà với những con chữ. Dài mà không dài dòng. Tận dụng nhưng không lạm dụng. Khéo nhưng không biểu diễn. Tâm tràn ra cảnh. Cảnh cô đọng trong tâm. Quá nhưng không thừa. Nó cho thấy những con chữ tự chúng có thể tạo ra vô số nghĩa và không những gây nên cảm xúc mà còn tạo ra những cảm xúc rất mới mẻ. “Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hủy xóa mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mêm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng xanh mướt chở tới những khoảng sân gạch bát tràng nồng ám hương lúa đầu muà.” Dòng văn cứ thể mà dịch chuyển, miên man, sâu lắng.
*
Nếu những trích đoạn vừa rồi văn Mai Thảo là dòng chảy, thì có những đoạn khác, ta thấy Mai Thảo cố tình chận dòng văn lại. Bằng cách sử dụng các dấu chấm câu, ông tách câu ra thành từng mảng, từng miếng, bố trí chữ vào trong những vị trí cô lập. Y như thể chúng không cần có nhau:
– Nguyên thở dài não nuột. Phút này, chàng chỉ muốn chàng đừng là Nguyên và người yêu của chàng đừng là Châu. Trái tim đừng biết đập. Đầu óc đừng biết nghĩ. Ngu dốt. Đần độn. Tầm thường sống và tầm thường chết. Như cỏ cây. Như phiến lá mục. Như cánh bèo trôi. (Mười đêm ngà ngọc)
– Nằm nghe mưa. Thấy mưa trong cảnh ngộ mình, trong tâm thể mình. Hiện giờ. Thấy những khoảng cách mịt mùng. Thấy những không gian vô bờ. Thấy những thượng tầng lạnh buốt. Đất nước. Mưa đang ở phía ấy. Trên suốt ba miền đất nước hồng thủy. (Sổ tay Mai Thảo)
Ông bóc chữ khỏi câu, bóc câu khỏi đoạn. Chữ, khác với những đoạn văn dài dòng trên, y như thể bị tước bỏ. Bị câu thúc. Bị lấy mất chất kết dính. Y như thiếu. Thực ra, không thiếu. Chúng chỉ bị nén lại. Một chữ hay một cụm chữ bây giờ chứa đựng nhiều chữ khác. Cái ngắn tạo nên cảm giác bứt rứt, bồn chồn. Những dấu chấm và dấu phết bây giờ không mang giá trị của những ngắt quãng mà là những âm vang, những dồn nén. Chúng là những ý tưởng không nói ra. Chúng trở thành những con chữ giấu mặt. Ở đây, quy luật văn phạm chào thua. Không có. Không cần có. Chính cái không cần đó lại làm giàu thêm nội dung của con chữ.
Cách viết như đoạn sau đây thật tài tình và thật maithảo.
Thật lâu. Trong tối. Rồi khóc một mình, khóc ngồi lên, khóc xuống giường, khóc chân đất đi ra […] Nàng đưa chúng trở lại bàn. Kéo ghế. Ngồi xuống. Hai bàn tay trắng muốt của nàng, ngón út cong lên, khởi sự cuốn dần những cuốn bi tròn trĩnh. Xong. Nàng nhặt từng cuốn, nhúng vào nước chấm. Và bắt đầu ăn. Nàng ăn, đói bụng, đẹp mắt, ngon lành, phúng phính, đầy miệng. Và vừa ăn vừa khóc tiếp. (Một truyện rất ngắn)
Giọng văn khô, nghe hụt hẫng. Các chi tiết như một đoạn phim quay chậm, dửng dưng, vô cảm. Nhưng rất ấn tượng.
Bùi Vĩnh Phúc nhận xét: “Nhiều khi, nó tạo ra những phân cảnh. Không phải là những cảnh liên tục. Nhưng chỉ là những phân cảnh. Như của kỹ thuật làm phim. Nhiều khi, những câu văn của Mai Thảo là những close-ups, những gros-plans, những cận ảnh. Cận ảnh được phóng lớn nhờ vào những câu thiếu thành phần. Chỉ là một từ, một trạng từ, một tính từ hay một danh từ. Có khi chúng là những cụm trạng từ (adverbial phrases), hoặc là những nhóm từ bổ nghĩa kéo dài ra từ một câu hoàn chỉnh. Và được cho đứng một mình. Có khi chúng là những cụm từ tiếp nối ý cho một câu đi trước. Lại được cho đứng một mình. Để hình ảnh hoặc âm thanh của nó lan đầy ấn tượng trong ta. Kỹ thuật ấy, thơ thường sử dụng.”(3)
Thật chí lý!
Mai Thảo không những đem thơ vào văn xuôi, mà còn làm thơ. Cách viết ngắn đã đưa tới những thành công của ông trong những bài thơ độc đáo vào lúc cuối đời. Những bài thơ tứ tuyệt của ông như những ý nghĩa bị dồn chặt tới mức mỗi câu, thậm chí mỗi chữ đều là một năng lực. Nó cho ta thấy một Mai Thảo điệu nghệ trong việc sai khiến con chữ. Khi muốn dài, ông có thể kéo dài đến …mấy chục tác phẩm, trong đó những đoạn văn “trang hoàng” chắc chắn là dài hơn ý định muốn chuyển tải của tác giả. Nhưng khi cần ngắn, Mai Thảo thu tóm được trong những câu thật cô đọng. Chữ nghĩa chọn lọc. Hình ảnh độc đáo. Rất cụ thể, rất hình tượng, rất gần gũi. Nhưng ý nghĩa của chúng lan tỏa rất xa, rất sâu.
Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng truợng tới mây nhòa
Thì treo cục đất tòng teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa
“Cục đất tòng teng giữa” và cái “vô cùng vẫn nở hoa” thật là một hình ảnh cực kỳ “đông phương”, một đối sánh tuyệt vời giữa cái vô hạn/hữu hạn. Cũng là một đối sánh giữa vô hạn/hữu hạn, nhưng dưới một hình ảnh khác:
Em vừa đi khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta. (thủy tận)
“Đứng sững. Mới hay lìa cách đã”. Một dấu chấm rất rất vô ngôn mà lại cũng rất đầy ngôn. Một dấu chấm rất maithảo. Một cụm từ cũng maithảo không kém: lìa cách đã.
Và bài sau đây, theo tôi, là một bài thơ tình tinh nghịch mà vô cùng thú vị.
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào (chỗ đặt)
Bài thơ rõ ràng là cách vận dụng chữ “đặt”. Do cách kết hợp từ mà chữ “đặt” đâm ra có nhiều nghĩa khác nhau. Đọc xong chỉ biết cười. Cười tủm!
Bài viết này chỉ bàn về văn Mai Thảo chứ không bàn về thơ. Vậy xin được dừng ngang đó.
*
Theo những nhà ký hiệu học (semioticians), chúng ta sống trong một thế giới đầy cả ký hiệu (signs). Charles Sanders Peirce (1839-1914), được xem như là một trong hai cha đẻ ra môn học này (người kia là Ferdinand de Saussure), quả quyết: “Toàn thể vũ trụ tràn ngập những ký hiệu, nếu không muốn nói là bao gồm những ký hiệu.”(4) Do đó, theo Pierce, khi suy nghĩ, chúng ta chỉ suy nghĩ bằng ký hiệu. Ký hiệu là gì? Ký hiệu là cái gì biểu trưng cho một cái gì khác hơn chính nó. Nhìn một vật hay nghe một âm thanh, bao giờ ta cũng nghĩ đến một cái gì khác hơn chính vật hay âm thanh đó. Đèn đỏ, chẳng hạn, ở ngã ba ngã tư biểu hiện cho sự dừng lại. Cái bàn, chẳng hạn, biểu trưng cho nơi làm việc hay là nơi để sách vở, tài liệu. Người cảnh sát, chẳng hạn, là biểu trưng cho luật pháp. Tiếng khóc, chẳng hạn, biểu hiện cho sự đau thương. Vân vân. Cái được biểu hiệu chính là ý nghĩa.
Ngôn ngữ – hay nói cho gọn là chữ hay lời – là loại ký hiệu có vẻ “ký hiệu” nhất trong tất cả các loại ký hiệu, một thứ ký hiệu thuần túy. Nhìn một vật, ta có thể tưởng rằng nó không biểu trưng cho cái gì khác (tức là ý nghĩa) nhưng đọc một chữ, ta nghĩ ngay đến nghĩa của nó. Theo Jean Piaget, (5) đối với trẻ con, giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển là khi chúng thay thế sự vật bởi các ký hiệu, trước hết là bằng cử chỉ và âm thanh và sau là ngôn ngữ. Chúng nhanh chóng khám phá ra rằng chữ là một quyền năng. Nghĩa là nó có thể dùng chữ để chỉ “cái gì đó’ ngay khi “cái gì đó” không có mặt ở đó. Chữ trở thành năng lực. Khởi thủy, một chữ là để quy cho một sự vật nào đó. Nhưng trong quá trình phát triển, chữ dần dần trở thành những ý niệm trừu tượng hơn là các sự kiện vật lý. “Chữ không phải là sự vật” (the word is not the thing), theo Alfred Korzybski. (6) Nói một cách khác, chức năng truyền đạt của ngôn ngữ đòi hỏi một lãnh vực quy chiếu nằm bên ngoài giới hạn của từng sự vật đặc thù. Nghĩa là giữa chữ và nghĩa có một tương quan không ổn định. Điều đó dẫn đến khả năng vô hạn của văn chương. Chữ trên trang văn không phải để bày biện, để trang hoàng, để nhìn ngắm và để chỉ những gì được xác định ở bên ngoài thế giới vật lý, mà để nói về một thế giới khác nằm ngoài nó, trên cao hay dưới thấp, trong lòng người hay ở một chỗ vô cùng nào đó. Chữ có khả năng tạo ra một loại “hiện thực” mới.
Đọc những nhà văn khác, tôi bâng khuâng với câu chuyện, tôi thương cảm cho số phận của một nhân vật hay cảm khái vì một tình tiết nào đó. Đọc văn Mai Thảo, tôi tìm thấy một thế giới đầy chữ. Chữ ôm chữ. Chữ trượt chữ. Chữ vịn chữ. Mai Thảo đã tiêm vào chữ những mầm sống mới và qua đó, văn Mai Thảo mở cho ta những hiện thực khác, lạ lùng và kỳ thú. “Hiện thực”, nói như Daniel Chandler, “có tác giả” (reality has authors). (7) Nghĩa là có nhiều “hiện thực” hơn là thứ hiện thực duy nhất do những nhà khách quan chủ nghĩa ấn định.
Với chữ, văn Mai Thảo tạo ra hiện thực. Hiện thực chỉ riêng cho ông.
Tôi đọc ông. Và cảm thấy mình mới hẳn ra. Cũng từ chữ.
Trần Doãn Nho
(6/2008)
(1) Nguyễn Hưng Quốc, Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh, Hợp Lưu số 16, tháng 4&5, 1994.
(2) Bùi Vĩnh Phúc, Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc và cái đẹp, Hợp Lưu,số đã dẫn.
(3) Bùi Vĩnh Phúc, Hợp Lưu, số và bài đã dẫn.
(4) The entire universe is perfused with signs if it is not composed entirely of signs (dẫn theo Jonathan Culler – The Pursuit of Signs, nxb Cornell, New York 2001, tr. 23)
(5) Jean Piaget (1896-1980), triết gia Thụy Sĩ, người đề ra lý thuyết về sự phát triển tâm lý theo tuổi tác (Developmental Psychology).
(6) Alfred Korzybski (1879-1950), triết gia Mỹ gốc Ba Lan, người lập ra lý thuyết “General Semantics“ (Từ nghĩa luận tổng quát)
(7) Daniel Chandler, Semiotics, The Basic, Routledge, New York, 2002, tr. 60.
______________________________
Nguồn: Đã đăng lần đầu trên Tạp chí Hợp Lưu, California, Hoa Kỳ, số 100, tháng 5&6/2008. Bài do tác giả gửi cho Văn Việt sau khi đã nhuận sắc, tháng 2/2018.