Diễn từ tôn vinh giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10 (tổ chức tại khách sạn Rex, TP HCM, ngày 24-3-2017)

Nguyên Ngọc

DSC_6396

Thưa quý vị,

Thưa các bạn,

Đúng hẹn, hôm nay chúng ta lại gặp nhau trong không gian chờ đợi này, cho lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10. Cho đến lúc này, chúng tôi nghĩ có thể khẳng định lần này chúng ta lại đã có được một mùa giải rất đẹp, thật vui và thật nhiều ý nghĩa.

Thưa quý vị,

Năm nay Hội đồng khoa học của Quỹ trân trọng đề nghị chúng ta tôn vinh nhà văn hóa Phan Khôi là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Phan Khôi sinh năm 1887 tại Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho, theo nho học từ nhỏ, đã dự thi hương và đỗ tú tài. Ông sớm tham gia phong trào Duy tân, là học trò gần gũi và tin cậy của Phan Châu Trinh, năm 1906 được phong trào cử ra Hà Nội học tiếng Pháp. Khi nổ ra cuộc Trung Kỳ dân biến năm 1908, ông bị bắt, bị kết án ba năm tù. Ra tù năm 1911, ông còn tiếp tục tham gia “ám xã” mấy năm, rồi xin ra khỏi hoạt động bí mật để chuyển sang “phụng sự Tổ quốc về mặt văn hóa”.

Tìm cho mình một hướng đi mới, ông tìm học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp, tìm tòi học hỏi từ các Tân thư. Ông bắt đầu làm báo, chữ quốc ngữ và chữ Hán, từ năm 1917, đã chủ trương, đứng đầu hoặc tham gia hơn chục tờ báo, có những tờ nổi tiếng, cho đến cuối năm 1941 đầu 1942. Ông cũng là người Việt đầu tiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, cũng là dịp để ông mở rộng tầm mắt, hiểu biết văn hóa Thiên Chúa giáo và Tin Lành phương Tây. Có thể nói gần như bằng con đường tự học, ông đã tự đào tạo mình thành một người thông kim bác cổ, đồng thời ông cũng tự coi mình là “viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng”, làm “người trong dân chúng”, không được đào tạo bài bản như những Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh mà ông không tham vọng thay thế, chỉ đặt mục tiêu đối thoại, phản biện lại họ với một sự chân thành lành mạnh.

Phan Khôi là người có công lớn trong việc xây dựng nền quốc văn mới. Nhìn sang nước láng giềng Trung Hoa, ông nói: “Độ Dân quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó người Tàu cũng phát đạt rất mau.” Ông cũng muốn làm như thế ở ta, xây dựng một nền quốc văn mới với chữ quốc ngữ, bắt tay vào một loạt đề tài về ngữ học trên các báo từ Phụ nữ tân văn (1930) cho đến Tao đàn (1939), bắt đầu là vận động công chúng viết đúng chuẩn chữ quốc ngữ, “đúng với tự vị của Trương Vĩnh Ký và Paulus Của”; rồi đến “Phép làm văn”, với văn pháp (grammaire), luận lý học (logique), tu từ học (rhétorique); chủ trương dựa vào thứ tiếng Việt sống động mà người Việt thời mình đang nói hàng ngày để tạo ra những lối viết hiện đại, thích hợp với đương thời.

Ta đều biết con người viết được sáng sủa, rành rẽ đến đâu thì cũng tức tư duy đã sáng sủa, mạch lạc đến đó. Chúng ta có được lối viết tiếng Việt sinh động, linh hoạt, đẹp đẽ ngày nay, thật cảm động khi nhớ lại công mở đầu mạnh bạo và sáng suốt của ông những ngày đó.

Phan Khôi cũng là một trong những người dẫn đầu đổi mới tư tưởng xã hội. Ông nhìn rõ khác biệt Đông-Tây không phải chủ yếu là khác biệt về bản sắc dân tộc hay vùng đất mà chính là khác biệt về trình độ phát triển; văn minh Âu Mỹ chính là văn minh mới mẻ nhất của nhân loại đương thời, với các đặc tính khoa học, dân chủ, tự do là tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của thời đại. Do đó “Âu hóa”, học theo văn minh Tây phương chính là chuyển mình sang thời hiện đại. Ông rất chú trọng làm rõ hàm nghĩa các phạm trù xã hội của văn minh phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, nền dân trị. Ông viết: “Muốn thực hành cái chủ nghĩa dân trị trong một nước nào thì người dân trong nước ấy trước phải thực hành cái cá nhân chủ nghĩa mới được.” Nghĩa là “mỗi người đều phải độc lập về phần mình chớ không chịu nhờ vả ai… Có độc lập như vậy rồi mới nói chuyện hợp quần được.”

Ông cũng là người đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền, là một những nhà hoạt động nữ quyền năng động nhất của Việt Nam những năm 1930, một trong những tác giả tập họp được một lượng tri thức về nữ giới thuộc loại đa dạng, phong phú nhất …

Khả năng đọc nhiều biết rộng đã khiến Phan Khôi sớm có con mắt sử học, chú trọng đến các tiến trình lịch sử, gợi lên ở công chúng sự quan tâm đến lịch sử. Năm 1928, ông khơi ra cuộc tranh luận trên tờ Đông Pháp thời báo về việc về việc thực chất người Pháp có giúp vua Gia Long trong đối đầu với Tây Sơn hay không. Năm 1929, trên báo Thần Chung, ông lại là người đóng vai trò chính tổ chức một cuộc thi quốc sử quy mô để bạn đọc chọn ra 10 nhân vật lịch sử mà mình cho là tiêu biểu và viết một bài ba trang về lý do chọn lựa của mình, thực tế tạo ra một cuộc giáo dục phổ thông Việt sử hiếm hoi và hào hứng, kích thích tinh thần tự do suy nghĩ và óc phê bình – chứ không chỉ vinh danh – ở người đọc. Năm 1935, báo Tràng An do ông làm chủ bút ra số đặc biệt về vụ Kinh thành thất thủ năm Ất Dậu 1885. Năm 1936-37 tuần báo Sông Hương lần này do chính ông sáng lập đã biến một phần thành một diễn đàn sử học sôi nổi với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng bàn về một loạt sự kiện lịch sử liên quan đến các phong trào Cần Vương và Duy Tân … Rõ ràng ý đồ về việc giáo dục lịch sử rộng rãi trong công chúng ở Phan Khôi là có chủ đích và được ông tiến hành thông qua báo chí thật sáng tạo và sinh động.

Là con người đa tài, Phan Khôi lại cũng là nhân vật khơi nguồn cho sự phát triển văn học Việt Nam theo hướng mới, hiện đại, trong một giai đoạn chuyển động có tính giao thời. Đầu năm 1932, ông cho công bố cùng lúc ở hai trung tâm dư luận là Hà Nội và Sài Gòn bài báo gây chấn động “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, cùng lúc cho ra mắt bài thơ Tình già của ông hoàn toàn phá bỏ hình thức thơ theo niêm luật cũ đang thịnh hành lúc bấy giờ. Cuộc trình thơ phá cách được dấy lên của ông chỉ mấy năm sau đã dẫn đến cao trào Thơ mới rực rỡ mà Hoài Thanh gọi là “cả một thời đại mới trong văn học”. Phan Khôi là một nhà tiên phong cách tân văn học mạnh mẽ, ông không chỉ phát động thơ mới, còn hăng hái tác động, khích lệ sự sáng tạo nhiều hình thức, thể tài, thể loại văn học mới, ông nhắc tiểu thuyết, kịch bổn và kịch nghệ lên ngồi kề thánh kinh hiền truyện … theo điều mà ông gọi là “khuynh hướng văn học thái Tây”. Ông đề cao phê bình văn học, mà ông gọi là “để đổ chén thuốc đắng vào trong miệng người An Nam”, vào văn học An Nam, để lay chuyển, kích thích nó tiến lên.

Cực kỳ đa dạng, đa diện, đa tài, tuy nhiên chủ yếu và mạnh mẽ nhất, Phan Khôi vẫn trước hết là nhà báo kiệt xuất, một trong những kiện tướng báo chí hàng đầu của nước ta trong thế kỷ XX, đã sáng lập, chủ trương, phụ trách, tham gia hàng chục tờ báo, đã viết hàng nghìn bài báo, tung hoành trong hàng chục thể loại, có người đã tính riêng những bài hài đàm của ông đã có đến trên dưới 700 bài. Ông đặc biệt đặc sắc trong thể loại chính luận, không chỉ đề cập đến các vấn đề tư tưởng hay văn hóa mà cả thời sự xã hội chính trị, công kích trò mị dân của toàn quyền Albert Sarraut, bênh vực những người chống Pháp trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt đảng, bênh vực Nguyễn An Ninh, đòi cho những người chống Pháp phải được xét xử công minh ở tòa án Pháp chứ không được giao cho triều đình An Nam với luật Gia Long lạc hậu.

Phan Khôi cũng là một cây bút tranh luận nổi tiếng, luận điểm và thái độ tranh luận của ông sắc sảo, chặt chẽ, mạnh mẽ, triệt để mà sáng sủa, công minh.

Phan Khôi quả là một tác giả hết sức đa dạng, một nhà phê bình văn học uyên thâm và sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà thơ tài hoa, một tác giả văn tự sự hấp dẫn, một tác giả xuất sắc của các thể loại của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm, một dịch giả tài năng, một nhà ngôn ngữ học tinh tế, cuối cùng một nhà báo kiệt xuất.

Trong thời của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông càng chứng tỏ là một người yêu nước chân chính, có nhân cách cương trực, với dũng khí của một kẻ sĩ đường hoàng, cho đến tận những ngày cuối đời, bất chấp mọi hiểm nguy và bất an.

Ông thật sự là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời hiện đại.

Thưa quý vị,

Giải dịch thuật năm nay được trao cho nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì những công trình dịch thuật văn học và triết học Hungary công phu và nhuần nhuyễn của chị, đặc biệt tác phẩm Câu chuyện vô hình và đảo và bộ sách rất quan trọng Minh triết thiêng liêng của Hamvas Béla. Cần nói dù chỉ đôi lời về công trình dị thường và đồ sộ này và về tác giả cũng rất khác thường của nó, Hamvas Béla, mà Bùi Văn Nam Sơn trong lời giới thiệu sách dịch đã gọi rất đúng là một “kỳ nhân dị sĩ”. Xuất thân từ một gia đình bình thường ở Bratislava, thời bấy giờ còn thuộc Hungary, bị sung vào quân ngũ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất rồi lần thứ hai, nhiều lần bị thương, được xuất ngũ, tái ngũ, rồi lại đào ngũ, gia đình bị trục xuất khỏi quê hương, từng làm ký giả, làm thủ thư, rồi làm thợ phụ lao động chân tay hết sức vất vả; có lần nhà bị trúng bom, toàn bộ thư viện gia đình và vô số bản thảo của ông bị mất sạch; con người thật sự là “kỳ nhân” ấy vẫn âm thầm tự trang bị cho mình một kiến thức quảng bác và thâm sâu hiếm có về hàng chục ngôn ngữ trong đó có nhiều ngôn ngữ cổ phương Đông và về nhiều nền văn hóa cổ đại, để có thể dịch trực tiếp từ nguyên bản Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử của Trung Quốc, Upanischaden, Patanjali, Samkhya … của Ấn Độ, Tử thư Tây Tạng, Tử Thư Ai Cập, các tác giả Hy Lạp, Đức … Sau chiến tranh, ông lập nhóm “Đảo” và lại bắt tay vào công việc chuẩn bị công bố hàng loạt tác phẩm, nhưng sau khi có xung đột với György Lukács, ông bị phê phán gay gắt, bị cấm công bố tác phẩm, bị mất cả nghề thủ thư … Trong nghịch cảnh cưc kỳ khốc liệt bị bạc đãi và cô lập, đúng như một “dị sĩ”, ông không chịu đầu hàng số mệnh, vẫn kiên trì theo đuổi chí hướng và suy tư của mình, với một sức sáng tạo phi thường, ông tiếp tục sáng tác mặc dầu bị cấm xuất bản, cho đến tận ngày qua đời trong cảnh âm thầm vào năm 1968 … Hamvas Béla để lại một di sản khổng lồ và cực kỳ sâu sắc.

Cùng nhiều trí thức phương Tây những năm 20 và 30 đầu thế kỷ XX, Hamvas Béla chia sẻ sâu sắc cảm thức về “khủng hoảng hiện sinh” của con người thời đại. Tuy nhiên, ông không dừng lại ở nỗ lực giải thích khủng hoảng ấy, mà lần “lột từng lớp vỏ” của truyền thống văn minh châu Âu, đi tìm cho đến những nguồn cội “hiện sinh” của nó, bởi “khủng hoảng” cũng có nghĩa là “phân ly” và xa rời cội nguồn, khắc phục khủng hoảng và phân ly ắt phải tìm về cho đến điều mà ông gọi là “tư thế căn nguyên của con người”, khám phá ra sự nhất thể nguyên thủy, ở thời đại mà ông gọi là thời đại Hoàng kim, vào khoảng từ 8 đến 6 trăm năm trước Công nguyên. Chính trong thời kỳ rực rỡ ấy, đã hình thành những phạm trù cơ bản cho tư duy và cho các tôn giáo thế giới mà chúng ta thụ hưởng cho đến tận ngày nay.

Trong khủng hoảng ngày nay, quan trọng nhất là trở lại với thời nguồn cội ấy, mà Karl Jaspers gọi là “Thời Trục”, trở về với gốc rễ linh thiêng của con người, khi con người đồng dạng mình với thế giới linh thiêng. Hamvas coi đó là sự tĩnh thức, là thức nhận chứ không phải nhận thức, thức nhận và thấu hiểu với mở ngỏ, mẫn cảm và hòa hợp, là “Minh triết thiêng liêng”, tên bộ sách quan trọng nhất của ông.

Hôm nay chúng ta đã có được bộ sách quý này trong tiếng Việt, nhờ nỗ lực phi thường của dịch giả Hồng Nhung. Sống và làm việc lâu năm ở Hung, am tường và vô cùng yêu mến tiếng Hung, Hồng Nhung đã dồn hết tâm lực và niềm say mê của mình cho công việc dịch thuật hết sức khó khăn, miệt mài nhưng cũng vô cùng lôi cuốn này. Hãy nghe chị nói về lao động say đắm của mình: “Đọc Hamvas bất kỳ lúc nào có thể, bất kỳ ở đâu, bất kỳ trạng thái thời gian, khoảnh khắc nào … Bác Hamvas hiện lên như một người đàn ông dịu dàng, nhẫn nại và chăm chú, đợi Nguyễn Hồng Nhung xong mọi việc ngớ ngẩn, sau đó bắt đầu ngồi xuống và hai người mở sách ra cùng chìm ngập vào đó … Có cảm giác mỗi ngay sống bây giờ sẽ rất thiếu thốn nếu không đọc Hamvas … Từ ngày đọc và dịch Hamvas, thấy mình thanh lọc. Bứt dần những điều thừa, sửa lại những điều hiểu sai, làm sáng tỏ những điều trước kia mù mờ …”. Kết quả, qua lao động dịch thuật công phu của Hồng Nhung, chúng ta đã có được một Hamvas Béla trong một thứ tiếng Việt uyên thâm mà nhuần nhị, mượt mà, sáng sủa. Chúng ta cám ơn Nguyễn Hồng Nhung vì công sức và cống hiến to lớn của chị.

Hai chủ nhân của giải thưởng Nghiên cứu năm nay là hai nhà nghiên cứu uy tín, giáo sư Trịnh Văn Thảo ở Aix-en-Provence Pháp, và giáo sư Trần Đình Sử ở Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giáo sư Trịnh Văn Thảo thuộc “làn sóng” thứ hai của các nhà Việt học ở Pháp, làn sóng xuất hiện sau đại chiến thế giới lần thứ hai và sau Điện Biên Phủ, là tác giả cùng thế hệ với những Nguyễn Thế Anh, Daniel Héméry, Pierre Brocheux, Charles Fourrniau, Phạm Đán Bình … Hành trình tri thức của ông gắn liền với giai đoạn hiện đại của khoa học xã hội và nhân văn, với một chuyên ngành ngôi sao của lĩnh vực này là xã hội học và một hệ tư tưởng thuộc “dòng chính của tư tưởng hệ ở Pháp trong thế kỷ XX: chủ nghĩa Marx.”

Trịnh Văn Thảo có một sự nghiệp sáng rực trong ngành giáo dục đại học. Ông đã liên tục giảng dạy tại các Đại học Văn khoa Amiens, Đại học Lille, Đại học Picardie, Trường Quốc tế về Triết tại Paris và Đại học Aix-Marseille. Ông là người sáng lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (IRSEA) thuộc Đại học Aix-Marseille, và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều Đại học uy tín trên thế giới … Tuy nhiên di sản quan trọng nhất của ông là hàng loạt công trình có giá trị quốc tế và có ảnh hưởng hết sức rộng rãi và sâu sắc trong ngành Việt học, như:

Marx và Engels và nghề làm báo cách mạng, gồm ba quyển từ 1978 đến 1980;

Việt Nam từ Khổng giáo đến chủ nghĩa cộng sản;

Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954);

L’école française en Indochine;

Nhà trường Pháp ở Đông Dương;

Les Compagnons de route de Ho Chi Minh;

Xã hội Nho giáo Việt Nam dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử

Hai trục chính xuyên suốt toàn bộ lịch trình tư tưởng của Trịnh Văn Thảo là xã hội học và chủ nghĩa Marx. Ông là dấu nối giữa xã hội học và sử học, là người ứng dụng những phương pháp của xã hội học hiện đại vào xử lý khối tư liệu khổng lồ còn được lưu trữ trong những tàng thư ở Pháp để giải quyết những vấn đề của xã hội học và từ đó hình thành nên một phương pháp nghiên cứu quan trọng: xã hội học lịch sử. Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp này được thể hiện rõ nét trong công trình của ông Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954), một công trình có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Ông cho rằng, trong sự hình thành một con người, đặc biệt là người trí thức, những yếu tố thuộc về địa phương, gia đình, giáo dục có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành “vốn xã hội” và “tập tính xã hội”. Tuy nhiên, ông đã vượt qua được tính nhị phân giản lược của mô hình mác xít phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa quy con người một cách đơn giản vào các giai cấp, mà nhận rõ tính phức tạp của các nhóm trong giai cấp, tạo nên được một sự sinh động trong nghiên cứu về người trí thức. Chẳng hạn, ông không bị đóng khung bởi cái nhìn “cả gói” khi mô tả về chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và hệ thống giáo dục của họ ở đây, để nhận ra được những vec tơ trái nhiều nhiều khi rất đa dạng ở họ, từ đó đã phân tích được một cách thuyết phục sự bảo lưu những giá trị truyền thống và Khổng giáo trong chương trình giáo dục Pháp-Việt thời bấy giờ (khác với huyền thoại phổ biến về một nền giáo dục rập khuôn “tổ tiên ta là người Gô-loa”), đi đến chỉ ra được tiến trình kiến tạo căn tính dân tộc mang màu sắc hiện đại trong nền giáo dục thuộc địa ấy.

Cũng với cách nhìn sinh động đó, khi nghiên cứu lịch sử giới trí thức Việt Nam, ông đã chỉ ra được tiến trình chuyển hóa của ý thức hệ Khổng giáo sang ý thức hệ mác xít, từ đó cho thấy tính liên tục của giới trí thức Việt Nam từ cận đại đến hiện đại. Cũng trong đường hướng đó, ông là một trong những người sớm nhất và thành công nhất trong việc nghiên cứu Phan Châu Trinh dưới ánh sáng của những khoa học xã hội hiện đại.

Các công trình của Trịnh Văn Thảo mang đến nhiều hiểu biết quan trọng về nhiều khía cạnh của lịch sử và lịch sử tư tưởng của Việt Nam thời thuộc địa, là sự bổ sung cần thiết cho những khiếm khuyết trong lĩnh vực nghiên cứu này ở Việt Nam, đồng thời mang đến những gợi ý rất bổ ích về phương pháp luận, có tác động sâu sắc đến giới nghiên cứu trong nước. Ông cũng là người có mối quan hệ học thuật chặt chẽ với các nhà nghiên cứu trong nước, đã góp phần đưa nghiên cứu của các sử gia và nhà nghiên cứu trong nước đến và hòa nhập với môi trường học thuật hàn lâm quốc tế, tạo nên giao lưu và đối thoại sinh động, cần thiết.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, giáo sư Trịnh Văn Thảo đã thực sự cống hiến một di sản học thuật như một tượng đài hoàn toàn xứng đáng có thể đặt cạnh những Jean Cuisinier trong nghiên cứu về người Mường, của Georges Condominas về người Tây Nguyên, của Pierre Gourou về người nông dân châu thổ sông Hồng. Đó là những giá trị có tính chất cổ điển.

Người cùng giáo sư Trịnh Văn Thảo nhận giải về nghiên cứu năm nay là nhà lý luận văn học Trần Đình Sử.

Như chúng ta có thể biết, vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nền lý luận văn học của chúng ta đã lâm vào tình trạng được coi là khủng hoảng. Trong bài “Lý luận văn học – khủng hoảng và lối thoát”, Trần Đình Sử viết: “… Từ cuối những năm 50 cho đến tận những năm 80 của thế kỳ XX, lý luận văn học thu về một mối thống nhất và trở thành một thứ lý luận có tính chất nhà nước, chỉ đạo nhất quán từ trên xuông dưới, là trụ cột của cuộc đấu tranh ý thức hệ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chưa bao giờ lý luận văn học được nâng tầm quan trọng lên cao như thế, quyền lực như thế, thống nhất như thế … Nhưng rồi Đổi mới đã đến, đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy xã hội và kinh tế, thì cái lý luân văn học uy phong lẫm liệt một thời tự tan rã. Các khái niệm có vai trò trụ cột, quy phạm của văn học một thời như phản ánh, chức năng, nguồn gốc văn nghệ, tính giai cấp, tính nhân dân, văn nghệ phục vụ chính trị, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, điển hình, tính chân thật, tính đơn nghĩa … bị hoài nghi, lý luận văn học bị làm rỗng nội dung và mất dần hiệu lực. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cái mà không ít người gọi là “khủng hoảng lý luận” …”. Làm thế nào để thoát khủng hoảng? Trần Đình Sử đề xuất: “Để xây dựng một nền lý luận văn học theo hình thái mới và để cho lý luận văn học Việt Nam tiến kịp bước tiến chung của thời đại … hơn lúc nào hết cần tạo điều kiện giao lưu rộng rãi về lý luận văn học, tạo điều kiện cho những người làm lý luận được học tập, sáng tạo lý luận theo thiên hướng của mình …”.

Riêng phần mình, Trần Đình Sử quyết định chọn lĩnh vực ông cho là quan trọng hàng đầu; ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã chọn thi pháp học như là hướng đi chủ yếu của ông vào khoa học văn học. Từ ấy cho đến nay, ông đã là tác giả của gần 400 công trình lớn nhỏ, bao quát nhiều lĩnh vực chuyên môn, nhưng nòng cốt là những chuyên luận và tiểu luận nghiên cứu thi pháp học, có thể chia thành ba nhóm:

Lịch sử thi pháp học

Lý thuyết về thi pháp học

Nghiên cứu thi pháp tác giả, tác phẩm, thi pháp thời đại văn học.

Thi pháp học là khoa học nghiên cứu văn học như một nghệ thuật. Mà trong nghệ thuật, thì nội dung hoàn toàn hóa thân vào hình thức, nên hình thức nghệ thuật là đối tượng chiếm lĩnh chủ yếu của thi pháp học. Trần Đình Sử tiếp cận thi pháp học từ quan điểm hiện đại, khác với thi pháp học cổ điển, không có tham vọng xác lập một hệ thống điển phạm dùng để đánh giá nghệ thuật, không xem nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên, bắt chước thực tại, mà xem tác phẩm nghệ thuật như một sáng tạo in đậm dấu ấn của chủ thể tác giả, và tiếp cận tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật, tìm mọi cách khắc phục một cách triệt để nhất sự chia tách giả tạo nội dung và hình thức.

Ở bình diện chỉnh thể nghệ thuật như vậy, Trần Đình Sử để xuất ba phạm trù chủ chốt là “hình thức quan niệm”, “quan niệm nghệ thuật về con người” và “thế giới nghệ thuật”. Đây là sáng tạo độc đáo của ông. Ông coi “hình thức quan niệm”, khác với hình thức bề ngoài, ngẫu nhiên của sự vật; đây là hình thực bên trong, thể hiện lô gích của hình thức và tạo ra hình thức. Nó vừa là hình thức của khách thể thẩm mỹ được tạo ra trong tác phẩm, vừa là hình thức của chủ thể, được chủ thể (tức người nghệ sĩ) sử dụng để sáng tạo và cảm nhận thế giới. “Quan niệm nghệ thuật về con người” là thể hiện sâu đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, lại vừa mang dấu ấn của loại hình lịch sử. Chính qua khái niệm then chốt này được Trần Đình Sử đề xuất, lý luận về thi pháp học của ông đã có ảnh hưởng rộng rãi tới nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam. Đề xuất về phạm trù “thế giới nghệ thuật” cũng là một cống hiến quan trọng của Trần Đình Sử. Thế giới nghệ thuật vừa giống với thế giới bên ngoài, vừa là thế giới của một quan niệm nghệ thuật. Nó vừa là một thế giới sống động, vừa là một mô hình thế giới. Nó vừa tồn tại trong chất liệu của văn bản như một đối tượng vật chất, hiện hữu, vừa tồn tại trong ý thức của độc giả như một khách thể tinh thần.

Ở cấp độ văn bản hình tượng, Trần Đình Sử tiếp cần sáng tác văn học từ hai bình diện tổ chức chủ quan, trong đó ông thường sử dụng các khái niện “hình tượng tác giả”, “kiểu tác giả”, “kiểu nhà thơ”, có hình tượng tác giả của thể loại văn học, lại có kiểu tác giả trung đại, cận đại, hiện đại … ; và bình diện tổ chức khách quan thường được mô tả chủ yếu bằng hai phạm trù không gian và thời gian nghệ thuật, v.v.

Như vậy có thể thấy Trần Đình Sử đã tạo ra một hệ thống dày đặc các khái niệm và phạm trù thi pháp học, trao cho chúng những nội hàm xác định, xây dựng được một tòa nhà thi pháp học bề thế, cân đối và hoàn chỉnh. Trong hệ thống thi pháp học đó của ông, hoạt động nghệ thuật là hoạt động của chủ thể, thế giới nghệ thuật là thế giới của chủ thể người nghệ sĩ. Một thế giới nghệ thuật như một chỉnh thể vừa cực kỳ đa dạng vừa thuần nhất. Trần Đình Sử đã khắc phục tận gốc sự chia cắt cứng nhắc, giả tạo hình thức và nội dung từng tồn tại dai dẳng bao nhiêu năm kìm hãm lý luận và cả sáng tác văn học ở ta.

Những ai từng làm quen với trường phái hình thức Nga nổi tiếng với những Tynhianov, Skhlovski, Lotman, Bakhtin, Gatsev, Propp … hẳn có thể nhận thấy dấu ấn của nền khoa học văn học Nga trong các tư tưởng và công trình của Trần Đình sử. Tuy nhiên Trần Đình Sử không mô phỏng, bắt chước bất kỳ hệ thống lý thuyết nào của các học giả kể trên. Ông tiếp thu các lý thuyết hiện đại, biến chúng thành tri thức, sử dụng chúng như công cụ khám phá chất liệu là văn học dân tộc, Việt hóa chúng triệt để, để sáng tạo ra thi pháp học mang hồn vía của riêng minh, tạo ra một hệ thống lý thuyết làm việc, giúp cho việc sử dụng thuận tiện và thiết thực. Chính điều đó giải thích vì sao hơn ba chục năm nay các công trình nghiên cứu thi pháp học của Trần Đình Sử có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến thế đối với giới nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam.

Năm 2015, Trần Đình Sử được Hội Nhà văn Hà nội trao giải thưởng cho một tác phẩm có cái tên rất tiêu biểu “Trên đường biên của lý luận văn học”. Tiến ra đường biên, tiếp cận ngoại biên. Chúng ta biết, trong quan hệ với trung tâm, ngoại biên là lãnh địa của thể nghiệm, mạo hiểm, đòi hỏi sự can đảm của người trí lữ, nó là hiện thân của sự canh tân đầy hấp dẫn. Như đã thấy, nhà lý luận văn học Trần Đình Sử đã luôn vươn đến đường biên của một lĩnh vực đầy khó khăn, nhạy cảm. Hôm nay, lần nữa, ông lại đến chạm đến những đường biên với những công trình mới về văn học với ký hiệu học, với tự sự học, với giải cấu trúc, với lý thuyết về diễn ngôn và bước ngoặt của nó. Chúng ta chờ đợi những khám phá mới của ông,

Là một trí thức dấn thân trong khoa học, Trần Đình Sử cũng không ngại cất lên tiếng nói phản biện xã hội dũng cảm, trung thực, tiếng nói đầy trọng lượng của ông có tiếng vang lớn. Ông là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa học, là kẻ sĩ luôn tiến lên phía trước. Chúng ta trân trọng chúc mừng ông.

Thưa quý vị,

Thưa các bạn,

Người nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm nay là một người đang sống ở Pháp, nhưng hết sức quen biết và gần gũi với độc giả Việt Nam, nhà văn hóa Cao Huy Thuần. Những tác phẩm của ông, hầu hết đều đã được xuất bản ở Việt Nam, đều được người đọc ở trong nước đón đợi, và có thể nói mỗi lần đều được coi như là một sự kiện. Ông sinh ở Quảng Ngãi nhưng quê gốc Huế, thuộc thế hệ những nhà trí thức và hoạt động văn hóa xuất hiện ở miền Nam đầu những năm 1960, đã tham gia cuộc vận động chống áp bức, đòi hòa bình, phát huy văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt thời bấy giờ. Năm 1964, khi là giảng viên Đại học Huế, ông chủ trương tuần báo Lập trường, tiếng nói đấu tranh chống độc tài, hướng tới một đất nước thống nhất, tự do và dân chủ.

Du học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914 vào năm 1969 tại Paris, ông trở thành Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng châu Âu của Đại học Picardie và là giáo sư giảng dạy môn chính trị học tại đây. Hơn bốn thập niên qua, giáo sư Cao Huy Thuần được biết đến như là nhà nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, luật học và chính trị học. Những công trình của ông về mặt này đã xuất bản ở trong nước có Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và ta (triết lý luật và tư tưởng Phật giáo), Giáo sĩ thừa sai và chính sách của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Từ Đông sang Tây, Tôn giáo và xã hội hiện đại.

Đặc biệt có thể nói Cao Huy Thuần là một trong số ít nhà nghiên cứu và quảng bá văn hóa Phật giáo được công chúng đón nhận rộng rãi nhất hiện nay.

Cũng lại đặc biệt có thể nói khó có thể nhầm khi cầm một cuốn sách của Cao Huy Thuần lên tay. Thấm đẫm trong mỗi trang viết của ông là niềm ưu tư về nhân sinh và thế cuộc, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, tất nhiên tập trung nhất là về chính mảnh đất quê hương này mà ông thiết tha và trăn trở yêu và từng ngày chiêm nghiệm, lo lắng không chỉ trước những suy đồi trong đời sống văn hóa và giáo dục của đất nước, mà cả những biểu hiện khủng hoảng tinh thần và hiểm nguy có tính chất toàn cầu, Cao Huy Thuần tha thiết muốn truyền trao cho con người, cho nhân dân của mình, trước hết là cho thế hệ trẻ những giá trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại làm sức mạnh giúp họ đứng vững khi đối mặt với những tác động của một thế giới có nguy cơ sa vào vực thẳm của tuyệt vọng. Lời nói của ông thống thiết mà tinh tế, uyên bác mà giản dị và gần gũi, cao vời mà thầm thỉ tâm sự, nhẹ nhàng và uyển chuyển, lúc như thỏ thẻ lúc như đùa bỡn, không hề lên giọng răn dạy, tạo sức thuyết phục nhẹ và sâu. Tác phẩm của ông kết hợp hài hòa hình tượng với triết lý, ngôn ngữ khoa học với ngôn ngữ nghệ thuật, chất trí tuệ với giọng điệu tình cảm, nên dễ tìm được sự đồng cảm của người đọc nhất là các bạn trẻ đang băn khoăn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tinh hoa văn hóa Phật giáo đươc ông vận dụng linh hoạt để soi chiếu vào thực trang đời sống và tìm lời giải cho những vấn đề bức xúc của xã hội như sự xúc xiểm, thói bội bạc, ước muốn trả thù … ; từ đó khuyến khích tình hòa ái, lòng khoan dung, sự bền chí.

Văn của Cao Huy Thuần là một thứ văn rất có duyên. Các tản văn của ông tập họp trong các cuốn sách sâu sắc về nội dung, nhuần nhị về nghệ thuật, như Nắng và hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện, Đến với Phật cùng tôi đã thật sự gõ cửa được tâm hồn con người, có lẽ bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa: ông là một nhà văn hóa và nhà giáo dục luôn vững tin rằng mặc dầu tất cả, trong tận cùng của mỗi con người vẫn không bao giờ mất đi những hạt mầm của phẩm hạnh. Cao Huy Thuần là người tin rằng chức năng thiêng liêng của nhà giáo dục là luôn giữ vững niềm tin ở những hạt mầm tốt đẹp ấy và bằng mọi cách kiên trì đánh thức nó dậy. Chúng ta cám ơn Cao Huy Thuần vì bài học quý đó.

Thưa quý vị,

Chúng ta rất tiếc về sự vắng mặt vì lý do sức khỏe của người nhận giải Việt Nam học năm nay, giáo sư Alexander Woodside từ Canada. Tuy nhiên chúng ta sẽ được nghe diễn từ của ông, cực kỳ súc tích và sâu sắc.

Alexander Woodside đến với Việt Nam học rất sớm, như ông nói, khi ở khu vực tiếng Anh lĩnh vực này còn thực sự “sơ khai”. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói ông đã tham gia vào sự khai sinh ngành học này ở Hoa Kỳ và Canada. Con đường đến với Việt Nam học của ông cũng rất độc đáo. Khi trình luận án tiến sĩ Việt Nam và mô hình Trung Hoa, ông nói ông hy vọng “sự phổ biến kiến thức về Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phản đối của công chúng đối với cuộc chiến tranh khủng khiếp mà Lyndon Johnson và Richard Nixon đang gây ra ở Việt Nam”. Về sau ông lại sẽ nói nếu được viết lại cuốn sách bắt nguồn từ luận án tiến sĩ đó vốn là một nghiên cứu chính trị về giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1847 của triều nhà Nguyễn, thì ông sẽ thay đổi tên sách. Ông cho rằng tính từ “Trung Hoa” ở đây là không thích hợp. Cần đặt Việt Nam vào một bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn nhiều. Việt Nam thời tiền sử là một phần của thế giới cổ đại Đông Á bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Và, Woodside nói, “quả thật không có một “mô hình” [Trung Quốc] nào trong thế giới cổ đại này. Người Đông Á chia sẻ một môi trường triết học, chính trị, tôn giáo phức tạp và đa nguyên, có nhiều sự đa dạng phong phú các khả năng sáng tạo mà chúng ta gần đây mới bắt đầu hiểu đúng giá trị. Vì vậy. nếu được viết lại, tiêu đề tôi sẽ chọn là “Việt Nam và những cảm hứng cổ điển””. Đây là một phát hiện có tính đính chính quan trọng. Nhận xét về Woodside, Liam Kelley cho rằng so với John Whitmore cùng xử lý về một đề tài tương tự là ‘Việt Nam và mô hình thể chế Trung Hoa’, thì cách tiếp cận của Woodside độc đáo hơn. Khác với nhiều tác giả Pháp cho rằng văn hóa và xã hội Việt Nam về cơ bản là tương tự như xã hội và văn hóa Trung Hoa, Woodside nhận thấy người Việt Nam không làm theo mô hình (Trung Hoa) đó một cách chặt chẽ. Khảo sát và kiểm tra cấu trúc và chức năng của chính quyền nhà Nguyễn, ông nhận thấy ‘mô hình Trung Hoa’ không thật sự phù hợp với Việt Nam nhưng triều Nguyễn vẫn cố gắng áp dụng nó (một cách gượng ép). Keith Taylor thì cho rằng cách nhìn của Woodside là ‘đặc biệt cần thiết, nó cho thấy (Việt Nam) “vừa là một cá thể tách biệt của nền văn minh vừa là một thành viên của hai thiên niên kỷ trước thế kỷ thứ XX”. Phải chăng điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong ý tưởng về thoát Trung của chúng ta hiện nay. Chúng ta, từ hai thiên niên kỷ trước, vốn ở trong một môi trường văn hóa, chính trị rộng lớn hơn cái gọi là “mô hình Trung Hoa” rất nhiều.

Năm 1976, Woodside cho xuất bản tác phẩm Cộng đồng và cách mạng ở nước Việt Nam hiện đại, nghiên cứu những nỗ lực của Việt Nam trong nửa đầu thế Kỷ XX nhằm tạo ra những “cộng đồng có tổ chức” hướng đến mục tiêu chung là độc lập với thực dân. Đến năm 2006 ông viết cuốn Những tính hiện đại bị đánh mất: Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, và những rủi ro của lịch sử. Woodside nói rằng cuốn sách được viết trong cảm hứng “sám hối” hậu thực dân. Có những giá trị mà các xã hội phương Tây coi là rất hiện đại của họ, kỳ thực đã từng tồn tại từ rất xa xưa trong các xã hội Đông Á. Chẳng hạn như cơ chế tuyển dụng viên chức chính quyền qua các hệ thống thi cử, mà lịch sử Việt Nam là một ví dụ sinh động.

Alexander Woodside không chỉ là người thầy đáng kính về lịch sử Việt Nam, ông là học giả thách thức mọi người, trong đó có cả chính chúng ta, trong suy nghĩ về quá khứ của Việt Nam, kích thích cách tiếp cận lịch sử Việt Nam trên một nền tảng rộng lớn hơn – từ vị trí của nó ở Đông Nam Á, đến vị trí của nó trong thế giới văn hóa Á Đông, và cuối cùng vị thế của nó trong lịch sử thế giới. Đấy thật sự là một quan điểm có tính đột phá, có thể mở ra nhiều chân trời mới của Việt Nam học. Chúng ta trân trọng bày tỏ lòng biết ơn đối với Alexander Woodside vì tình yêu với Việt Nam và phát hiện mới mẻ của ông.

Thưa quý vị và các bạn,

Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi được một chặng đường dài mười năm, theo tôn chỉ của người dẫn đường sáng chói Phan Châu Trinh, tạo nên được có thể nói một phong tục văn hóa mới tốt đẹp trong đời sống xã hội của chúng ta, phong tục tôn vinh những đóng góp xứng đáng cho sự giữ gìn và phát triển văn hóa nước nhà, khôi phục và tôn vinh những danh nhân văn hóa của Việt Nam thời hiện đại vì những điều kiện đặc biệt nào đó mà có phần bị lãng quên.

Điểm lại chặng đường mười năm của giải Văn hóa Phan Châu Trinh, chúng tôi muốn trước hết bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với các vị đã nhận giải trong những năm qua và hôm nay, chính sự nghiệp sáng tạo, thành tựu và nhân cách của các vị đã tạo nên giá trị, uy tín và tiếng vang của giải chúng ta trong xã hội.

Xin cám ơn tất cả quý vị và các bạn.

Comments are closed.