Nhà văn bên “phía đối lập”, họ là ai?

AFR Dân Nguyễn

 

Trong đại hội Hội Nhà văn (HNV) vừa qua, nhà báo Nguyễn Việt Chiến – một cựu tù (không phải tù Côn Đảo), có một “sáng kiến” thật hay, là đề nghị HNV nên thành lập một câu lạc bộ để trợ giúp cho những hội viên HNV khi gặp “tai nạn nghề nghiệp”, mà nhà văn này coi như một sự rủi ro…

“Khó ai có thể tự tin trong cuộc đời cầm bút của mình có khả năng tránh hết được những tai nạn nghề nghiệp, những sự rủi ro do sự mơ hồ mông lung của nghề nghiệp và của pháp luật điều chỉnh loại nghề nghiệp này”…

Đó là thiện ý của nhà văn, cựu tù nhân Nguyễn Việt Chiến dành cho các nhà văn đồng nghiệp của mình, bởi ông là một trong những người đã nếm trải “sự rủi ro do sự mơ hồ mung lung của nghề nghiệp và của pháp luật điều chỉnh loại nghề nghiệp này”…

Nhưng khi ông phát biểu “không nên đẩy nhà văn sang phía đối lập”, người ta chỉ thấy đây đúng là quan điểm của ông thể hiện lập trường của một ngòi bút rất “lề phải”, còn nếu suy nghĩ thêm nữa, người ta khó có thể đồng ý với ông về tính đúng, sai trong nhận thức này.

Ai cũng biết những nhà văn ở phía “đối lập” là ai; và ai cũng biết những nhà văn này đã dành được sự ngưỡng mộ của toàn xã hội…

Trước đại hội HNV lần này (lần thứ 8 hay thứ 9 gì đó), đã có khá nhiều nhà văn “lão thành” cả về tuổi đời cũng như tuổi nghề và cả bề dày tác phẩm tuyên bố từ bỏ HNV. Có lẽ do sự kiện có khá nhiều nhà văn bị “bắt khẩn cấp”, và có khá nhiều nhà văn tuyên bố rời bỏ cái hội được gọi là HNVVN này, nên Nguyễn Việt Chiến mới nảy ra sáng kiến trên.

Về những nhà văn bị tù đày bởi chế độ, có thể chia làm hai loại. Loại như Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Khương và những người bị tù do viết bài chống tham nhũng như họ, thì đúng là đi tù do “tai nạn nghề nghiệp”. Tất nhiên, “tai nạn” này, nếu họ có than van, oán trách, thì cũng không thể trách Ông Trời. Họ chỉ có thể trách cái sự “điều chỉnh của pháp luật” nên dẫn tới sự “mông lung”, khiến họ bị rơi vào hiểm họa rủi ro bởi cái “mông lung” khó lường đó…

Nhưng còn những nhà văn như Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Phạm Viết Đào, Phạm Chí Dũng, và nhiều nhà văn vừa tuyên bố rời bỏ HNV, những người đã ngồi tù và chưa ngồi tù, họ không bao giờ than van về cái gọi là “tai nạn nghề nghiệp” hay là “rủi ro”… Những trang viết, những tuyên ngôn của họ là từ tim óc. Họ trăn trở trong từng dòng, từng trang bản thảo. Họ ý thức rõ ràng một ngày kia họ có thể bị “nhập kho” bởi những hoạt động văn học của mình. Thế sao gọi là “rủi ro” được. Họ không đơn thuần chỉ là những nhà văn “dùi mài kinh sử”, hay chỉ chú tâm tới việc trau chuốt ngôn từ, sử dụng thi liệu, thủ pháp nghệ thuật hòng hấp dẫn người đọc. Trong trang viết của họ mang nặng tính nhân văn. Trong bài viết của họ không chỉ nêu hiện tượng của sự việc, mà quan trọng hơn là phân tích, bình luận bản chất của sự việc. Thế nên trong văn của họ có đầy đủ yếu tố chính trị, xã hội… Họ là những nhà văn đích thực, những trí thức luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm lớn lao của mình với xã hội. Ai là người “đẩy họ sang phía đối lập”? Không ai. Họ tự nguyện. Nếu có ai đó, thì chính là thể chế này.

Nhìn vào chính trường VN thời @ này, mọi đánh giá đều thừa nhận chính trị VN hiện đang chia thành hai cực (hay hai phe). Phe thân Tàu và phe muốn ngả về Tây phương. Ai cũng biết (kể cả những kẻ rắp tâm theo Tàu), rằng thân Tàu đồng nghĩa với lệ thuộc, là bị nô dịch. Và ai cũng biết thân phương Tây là muốn vươn ra ánh sáng, văn minh, mà đặc trưng của nó là thịnh vượng, công bằng, dân chủ.

Đương nhiên, những nhà văn, cũng bị “phân hóa” theo chính trị, theo thời cuộc. Có những nhà chính trị bảo thủ, thì cũng có những nhà văn “bảo thủ”. Loại “nhà văn” này, nặng thì bị đời đặt cho cái tên “bồi bút”. Nếu quan niệm “nhà văn” là những người cầm bút nói chung, thì họ phải bao gồm những người chuyên làm thơ, viết báo, viết kịch… hay kể cả những người chưa bao giờ có thẻ nhà văn, nhưng hoạt động của họ cho thấy họ là nhà văn – đó là những bloggers. Ai có thể “đẩy” Trương Duy Nhất, nhà báo tự do nổi tiếng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải “sang phía đối lập”?  Sang “phía đối lập” chính là sự lựa chọn của họ! Nói “Đừng đẩy nhà văn sang phía đối lập”, về mặt nào đó có thể coi là sự xúc phạm, nếu không cũng là hạ thấp giá trị của họ. Phát biểu thế là coi những nhà văn này (vẫn được gọi là những nhà văn bất đồng chính kiến) chẳng khác nào những người chưa trưởng thành, hay còn non nớt về nhân sinh quan…

Khi viết: Nếu Tổ Quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng.

Nếu Tổ Quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về.

Đêm trằn trọc giữa mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù…

Và: Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân.

(Tổ Quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)

Đó là lúc mà Nguyễn Việt Chiến muốn nói một cách ý tứ rằng, biển đảo của cha ông ta đang bị kẻ thù phương Bắc cướp mất. Kẻ thù ở đây tuy không mơ hồ mông lung như cách người ta gọi là “nước lạ”, nhưng nó cho thấy nhà thơ đã né tránh tối đa có thể trong việc chỉ đích danh kẻ xâm lược biển đảo của ta thời nay.

Và những nhà văn “bị đẩy sang phía đối lập” không chỉ chỉ đích danh kẻ xâm lược ăn cướp biển đảo của ta, ngang nhiên tàn bạo giết ngư dân ta, mà họ còn xuống đường hòa chung trong dòng người biểu tình hô vang khẩu hiệu cảnh cáo tội ác giặc trước Nhân Dân trong nước và quốc tế… Trong sự kiện này, xuất phát từ ý tưởng của bài thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển”, có “nhà văn” bên “phía đối lập” Hồ Cương Quyết đã tâm huyết làm nên một bộ phim thời sự về biển đảo VN trước nguy cơ xâm lược của “nước lạ”. Bộ phim có giá trị và gây tiếng vang đó, tiếc rằng đã bị chính quyền của các nhà văn “không đối lập” cấm trình chiếu.

Trong lĩnh vực âm nhạc, người ta từng được biết có nhạc sỹ mà cha từng bị chính quyền này “lỡ giết nhầm”, nhưng vẫn cho ra đời những ca khúc ca ngợi, cổ súy cho chế độ đã giết cha mình. Không biết lòng trung thành đó đến từ đâu, từ việc chấp nhận lời xin lỗi của người đứng đầu nền chính trị, hay từ nhận thức “mơ hồ, mông lung” vào sự đúng đắn, vào sự tốt đẹp của chế độ khiến người nhạc sỹ này đã cúc cung phục vụ thể chế. Dù vì lý do gì thì đó cũng là sự đáng tiếc mà dưới suối vàng, người cha bị bắn oan khó có thể siêu thoát.

So với người nhạc sỹ này, cái sự “rủi ro” đi tù do “tai nạn nghề nghiệp” của nhà thơ NVC chẳng thấm vào đâu, nên ông không muốn có thêm những nhà văn bị “đẩy sang phía đối lập” cũng không mấy khó hiểu.

Những nhà văn “đối lập”, chưa xét về văn tài, chỉ xét về tính khẳng khái, dũng cảm, không chịu khuất phục trước cường quyền, cũng đáng để họ “đối lập” rồi.

Huống chi họ là những người luôn nặng lòng với vận mệnh Đất Nước, với nỗi thống khổ của Nhân Dân, thì chẳng có ai, chẳng có sự cám dỗ nào có thể kéo họ về với phía HNV, với bên “không đối lập”.

Nếu còn có cơ hội phát biểu ở kỳ đại hội sau, NVC, thay vì kêu gọi HNV “không nên đẩy nhà văn sang phía đối lập”, thì nên vận động HNV kiến nghị với Đảng Cộng sản từ bỏ mọi trói buộc, hãy để cho nhà văn được tự do sáng tác, nhất là khuyến khích mọi người cầm bút có trách nhiệm với vận mệnh Dân Tộc, noi gương những nhà văn “phía đối lập” dũng cảm đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, chứ không phải chỉ làm mỗi công việc viết theo chỉ thị, hay mũ ni che tai…

Xem thêm: Hội nhà văn VN đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích ? (Lê Thiếu Nhơn/ Ba Sàm).

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/07/14/4377-nha-van-ben-phia-doi-lap-ho-la-ai/

Comments are closed.