Với việc xuất bản hai cuốn sách mới, Gerald Murnane
cuối cùng có thể tìm thấy công chúng bạn đọc ở Hoa Kỳ.
Mark Binelli, The New York Times Magazine 27-3-2018
Hiếu Tân dịch
Goroke, Victoria, một trạm dừng xe ngựa cũ ở Đông Nam Australia, dân số 200 người, không phải là nơi người ta muốn tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài cả ngày. Cách Melbourne khoảng năm giờ xe chạy, thị trấn này gợi cảm giác một cuộc di tản gần hoàn thành. Những cửa hàng mặt tiền trống rỗng chạy dài trên đường phố chính, quán rượu địa phương đóng cửa đã hai năm rồi. Chạy xe vài phút bên ngoài Goroke, và dấu hiệu duy nhất có sự sống là một đám bụi mù, khi mấy con kangaroo ló ra từ những bụi cây, đứng bên mép đường nhìn chằm chằm khách qua đường. Nhưng tháng 12 năm ngoái, khoảng 40 học giả, nhà phê bình, biên tập và bạn đọc phổ thông làm một chuyến đi để nghe những bài nói về tác phẩm của Gerald Murnane. Tác giả là người đã sống ở Goroke cả thập kỉ trước, không muốn đi xa, nên ông đã gợi ý các học giả tề tựu tại một hội đánh golf địa phương, nơi ông đánh hàng tuần và trông coi cửa tiệm ở đó.
Có lí lẽ mạnh để tin rằng Murnane, vừa mới qua tuổi 79 gần đây, là nhà văn viết tiếng Anh lớn nhất còn sống, mà phần lớn người ta chưa nghe nói đến. Ngay cả ở nước ông, ông vẫn là nhân vật được tôn kính; năm 1999, khi ông nhận giải Patrick White Award dành cho những nhà văn Australia ít được biết đến, thì tất cả các sách của ông cũng đã bán hết. Tuy vậy tác phẩm của ông đã được J.M. Coetzee và Shirley Hazzard, cũng như các nhà văn Mỹ trẻ như Ben Lerner và Joshua Cohen ca ngợi. Teju Cole, đã mô tả Murnane là “thiên tài” và “xứng đáng kế tục Beckett.” Năm ngoái Ladbrokes đã đặt cược 1 ăn 50 là ông thắng giải Nobel Văn học, hơn cả Cormac McCarthy, Salman Rushdie và Elena Ferrante.
Sách của Murnane kì lạ và tuyệt vời đến mức gần như không thể mô tả trong một hai câu. Sau cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, “Bình nguyên,” một câu chuyện hồi tưởng giống như ngụ ngôn về Italo Calvino xuất bản năm 1982, Murnane từ bỏ cái có thể gọi là cái thú kể chuyện thông thường. Gần như bỏ hoàn toàn cốt truyện và nhân vật, những tác phẩm sau này của ông là những suy tư có tính chất luận đề, về quá khứ của chính ông, một huyền thoại cá nhân hòa điệu với sử thi của những chuyện thường ngày như thời gian đã mất của Proust, có điều với Murnane đó là những cuộc đua ngựa và bộ sưu tập bi của tuổi con trai, những ẩn ức tình dục Cơ đốc và đời sống của một người chồng nội trợ trong vùng ngoại ô Melbourne những năm 1970.
Với Murnane việc bán sách của bản thân ông không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Dù có đánh giá bằng tiêu chuẩn của một nhà văn đơn độc, thì những nét lập dị của ông cũng hiện rõ. Ông chưa bao giờ đi máy bay, thật ra ông rất hiếm khi ra khỏi Victoria. Trong một diễn văn năm 2001 đã trở thành huyền thoại trong giới sùng mộ Murnane, ông thổ lộ niềm tin từ lâu của ông với cử tọa của trường Đại học Newcastle rằng “Một người tự bộc lộ nhiều nhất khi anh ta kể ra những gì anh ta không thể làm hoặc chưa bao giờ làm.” Ông tiếp tục:
Tôi trở nên bối rối và thậm chí hốt hoảng mỗi khi tôi thấy mình ở giữa những con đường hoặc phố không bố trí theo hệ thống kẻ ô vuông vắn… Trong đời tôi rất ít xem phim và mấy năm gần đây hầu như không xem… Tôi không nhớ được có khi nào đã tự mình bước vào một phòng tranh hoặc bảo tàng hay một tòa nhà nghe nói lí thú về mặt lịch sử. Tôi không bao giờ đeo kính râm. Tôi chưa bao giờ học bơi. Tôi chưa bao giờ tự nguyện ngâm mình xuống bất kì biển hay sông nào… tôi chưa bao giờ chạm vào một nút nhấn hay công tắc hay bộ phận làm việc của bất kì máy tính hay máy fax hay điện thoại di động nào. Tôi chưa bao giờ học sử dụng bất kì loại máy ảnh nào. …Năm 1979 tôi tự học đánh máy chữ chỉ dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải. Từ đó, tôi đã sáng tác tất cả các tiểu thuyết và những sáng tác khác bằng cách sử dụng ngón tay ấy và một trong ba chiếc máy chữ của tôi
Murnane là người đàn ông gọn gàng săn chắc với nét mặt trông hơi dữ; đặc biệt trong các bức ảnh, ông tỏ ra vô cùng miễn cưỡng phải cười, ông thích nhìn trừng, nghiêm khắc. Ở Câu lạc bộ golf Goroke, một sảnh mang phong cách V.F.W, – với những bức tường bằng gạch xỉ và những khăn trải bàn bằng vải nhựa in hoa, ông ngồi đàng sau một quầy bar loạt soạt một tờ báo, lơ đãng nghe những lời giới thiệu với những tên bài như “Cái nhìn hồi tưởng trong tác phẩm ‘Những huyện biên giới’ của Gerald Murnane.” Sau đó ông bảo không chú ý theo dõi cuộc thảo luận cho lắm. Thường ông nhớ lại đã nghĩ “Ồ, đó là anh thấy nó như thế.” Trong lúc tạm nghỉ, ông kí sách, thỉnh thoảng phàn nàn về cái bìa, và bán bia và nước ngọt cho các nhà học giả.
Khi tôi nhắc việc Murnane phục vụ rượu cho ông bạn cũ Imre Salusinszky, một nhà báo ở Sydney, ông ngưng một chút rồi nói, “Ờ nhỉ, coi kìa, có kì quặc không. Có người sắp sửa đến cái sân golf khỉ ho cò gáy này để gọi một cốc bia từ một người rất có thể là người đoạt Giải Nobel Văn chương sắp tới.”
Một ngăn kéo trong kho lưu trữ sắp xếp theo thời gian của Murnane, chiếm nhiều không gian sống như boong-ke của ông. Ảnh của Morganna Magee dành cho The New York Times
Rồi một lần nữa, đối với Murnane, người có lần tiếc đã không đơn giản cho phép “những biên tập viên sáng suốt xuất bản tất cả những mẩu sáng tác của tôi như những thử nghiệm,” tác giả luôn hiện diện trong văn bản, và như vậy đối với vị học giả táo bạo này, có giá trị chú giải văn bản hợp lệ trong việc mua một Carlton từ đối tượng của bài bình luận của ông.
Cuộc đời Murnane, hư cấu của ông và phong cảnh nơi ông sống – vẻ đẹp và hẻo lánh của nội địa Victoria, những đồng cỏ vàng êm ái như biển gợi lên những hình ảnh thảo nguyên trong sách giáo khoa – bện chặt với nhau đến mức đến thăm ông ở Goroke ta có ngay cảm tưởng như một chuyến đi học tập thực tế (field trip) và một buổi đọc chậm và sâu (close reading).
Vài tuần sau khi bố trí xong chuyến đi của tôi đến Goroke, nhưng trước khi tôi lên đường đi Australia, tôi nghe được từ một nhà báo tại nhà xuất bản sách của Murnane bên Mỹ: tôi có thể gửi cho Gerald một tin nhắn văn bản không? (Sau khi Murnane chuyển đến Goroke, các con trai ông quyết phá vỡ nguyên tắc nghiêm ngặt lâu năm của ông đã nêu trong diễn văn Newcastle và mua một điện thoại di động.) Murnane lo vì ông đã không nhận được tin báo từ tôi. Tôi đã nghĩ một cách không đúng rằng ông không muốn bị làm phiền vì một nhà báo nếu không cần thiết. Nhưng năm phút sau khi tôi gửi cho ông một tin nhắn nhanh tôi nhận được câu trả lời rất dài. Nó mở đầu như thế này “Rất vui nhận được tin anh. Tôi hứa có thừa tài liệu cho anh. Ở nhiều nơi tôi bị mang tiếng là người sống xa lánh nhưng đó là vì tôi từ chối đến những nơi hội hè của các nhà văn, và nói chuyện với những trí thức rởm như hầu hết các nhà văn khác. Tôi khác hoàn toàn và độc đáo và cũng thân thiện và nhã nhặn khi tôi chơi với những người thật sự khiêm tốn như những ông bạn già thường chơi golf với tôi hàng tuần.” Sau khi gửi đi những câu hỏi về lịch làm việc, ông kết thúc tin nhắn, “một lần nữa, tôi hứa với anh một phỏng vấn không giống với bất cứ cuộc phỏng vấn nào mà anh làm trước đây.”
Trong một trong những truyện của Murnane mà tôi thích, “Thuốc độc quý,” xuất bản năm 1985, người kể chuyện, một nhà văn khao khát đang trở thành con nghiện, buồn bã xem lướt trong một quán sách cũ. Anh ta mang một danh sách các tác giả trong một cuốn sổ tay “1900-1940… bị quên lãng một cách bất công” và lo cho văn nghiệp của chính mình – hơi sớm, vì anh chưa xuất bản cái gì cả. Sau đó, vì đó là Murnane, tình tiết câu chuyện chuyển về nội tâm, khi nhân vật chính tưởng tượng ra một cảnh trong tương lai xa xôi: năm 2020. (Câu chuyện lấy bối cảnh năm 1980.) Trong trí anh hiện lên một người đàn ông đứng trước một bức tường đầy những giá sách, nhìn chăm chăm vào gáy một bản cuối cùng còn sót lại của một tiểu thuyết sáng tác 40 năm trước. Anh ta đọc cuốn sách, nhưng anh moi óc cố nhớ ra một chi tiết trong văn bản, cái gì cũng được, một dòng chữ, một hình ảnh (Đây là bài tập ưa thích của Murnane trong đời thực.) Tiếp theo là năm trang lạc đề, trong đó người kể chuyện tưởng tượng bộ óc người như một tu viện dòng Carthusia, các tu sĩ chịu trách nhiệm bảo tồn trí nhớ. Cuối cùng, anh ta trở lại với người bạn đọc tương lai tưởng tượng, anh này không sao nhớ được từ trong, tất nhiên, quyển sách của người kể chuyện: “Người đàn ông lại rót đầy cốc và tiếp tục nhấp thứ thuốc độc đắt tiền của thế kì hai mươi mốt. Anh ta không hiểu được tầm quan trọng của cái tính hay quên của anh ta, nhưng tôi hiểu. Tôi biết rằng bây giờ không còn ai nhớ được điều gì mà tôi đã từng viết ra.”
May sao, mặc dù chúng ta mới có hai năm từ câu chuyện giả tưởng đen tối của ông, cuộc hội thảo Goroke diễn ra trong bối cảnh một đợt sóng trào muộn màng của sự quan tâm đến tác phẩm của Murnane. Tại đây, Hoa Kỳ, lịch sử xuất bản của Murnane thật bập bõm cho đến khi Dalkey Archi, một nhà in nhỏ, xuất bản cuốn tiểu thuyết của ông “Barley Patch” năm 2011. Tháng này, Farrar, Straus và Giroux sẽ xuất bản “Stream System” (Hệ thống sông ngòi) tập truyện ngắn của Murnane, và một tiểu thuyết mới, “Border Districts” (Các huyện miền biên giới.)
Sự rắc rối của việc phân loại tác phẩm Murnane cách nào đó đưa đến giải thích tại sao ông không phải là một tên tuổi quen thuộc, trong số những người trở nên quen thuộc vì có rất nhiều đầu sách? Ông là một nghệ sĩ ngoại đạo hay một bậc thầy hậu hiện đại? Cả hai? Không cái nào? Cũng như Proust mà Murnane mến mộ, những lâu đài kí ức cực kì phức tạp của ông tự bản thân chúng vẫn là một thể loại.
Ở mức câu văn, Murnane triệt để tôn trọng tính chính xác về ngữ pháp và thích lặp lại đến gần như niệm chú (và thích những ưu thế của danh từ đối với đại từ). Đây là một phong cách thôi miên, ngộ nghĩnh một cách khô khan, hay ít nhất là nhận thức về những cách trong đó cái nhăng nhít có thể gây thích thú. Năm 1990, London Review of Books đăng một bức thư của Murnane “Các bạn biên tập thân mến, Frank Kermode trích dẫn từ Thomas Pynchon (LRB, 8 Feb, 90) một đoạn mà ông gọi là một câu rất dài. Đoạn văn được trích dẫn ấy không phải là một câu. Đoạn văn ấy bao gồm một câu 66 từ tiếp theo bằng một dấu phảy và sau đó một loạt những mệnh đề và những cụm từ không phải thành phần của câu trước nó, cũng không phải tự nó là một câu.”
Murnane có lần tự mô tả mình như một “nhà văn kĩ thuật” – ông giải thích, nghĩa là trong những mô tả của ông về “hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí, vốn là chủ đề duy nhất mà tôi có sẵn,” ông cố gắng để đạt đến sức mạnh và độ chính xác của một tờ giấy trắng. (Ông thường gọi các truyện của mình là những ‘bản báo cáo’). Tôi bảo ông giống một thám tử hơn, đi lại trước một ban hội thẩm khổng lồ. Một tác phẩm hư cấu tiêu biểu của Murnane mở ra như triển khai theo thủ tục, thường được kể từ một hình ảnh đơn lẻ, nửa nhớ nửa quên, một cái gì đơn giản như những màu áo của một tay đua ngựa, lướt nhanh một cách trẻ trung gắng sức trên đường đua ở Bendigo, một thành phố ở Victoria. Những kí ức khác sẽ theo sau – những giai thoại, những câu nói một mình, những câu chuyện nhỏ vui hay buồn bên trong một câu chuyện – và dường như tất cả có thể lạc đề, cho đến khi nỗi ám ảnh phương pháp của sự tự thẩm vấn của Murnane trở nên rõ ràng. Ông cố đạt đến tầm với xa nhất của kí ức về những manh mối, những ý nghĩa ẩn giấu, những chi tiết có thể đã tuột đi đâu mất. Những sự lạc đường hóa ra lại thành những cái dẫn đường. Và cuối cùng, không thấy hiện ra xưởng viết, mà là cái khoảnh khắc xúc động khi những vòng tròn và những mũi tên được nối vào những bức ảnh đính lên tường phòng chờ tạo thành một mạng lưới kết nối chằng chịt chưa thấy bao giờ.
Đối với những người mới, “Hệ thống sông ngòi” rộng rãi và phong phú là nơi để bắt đầu. Một số truyện mang những hình thức dễ nhận biết hơn – chẳng hạn, toàn bộ lịch sử chiếm thuộc địa của Australia trở thành một ngụ ngôn súc tích kiểu Borges về thèm muốn trong vụ “Khế ước đất đai.” Phần lớn những mẩu truyện khác mô tả những người kể chuyện “tự ý thức” thu hút chú ý của người đọc vào văn bản (“Thằng bé buồn” bắt đầu bằng “Cách đây mấy tuần, người viết câu chuyến này đọc to một truyện khác mà anh ta đã viết cho một đám đông tụ tập nghe”) và có thể đọc như những hồi kí thu nhỏ rời rạc, biểu hiện chủ nghĩa. Trong “Những dòng sông êm ái” chủ đề là mối tình thất vọng, trong một trong những tình tiết buồn cười của câu chuyện, người kể ‘kiểu Murnane’ một chàng trai e thẹn cố gắng gây ấn tượng làm cho người yêu hứng thú bằng cách kể cho nàng nghe một buổi xem phim nghệ thuật vào cuối tuần – không may, đó lại là “Mùa Xuân Trinh tiết” của Ingmar Bergman, và cuối cùng anh chàng đi sâu mô tả cực kì tỉ mỉ cảnh hiếp dâm. “Khóa không đi đến đâu” là một món quà cho mối quan hệ phức tạp với một ông chú độc thân ưa thích, trong một cảnh thú vị ở đầu câu chuyện, bẫy một con ruồi vào một chiếc cốc, ném nó vào một màng nhện “rồi đứng chống nạnh quan sát.” Sau đó, cậu bé kể chuyện nhớ lại đi bộ cùng với ông chú trên đất của gia đình, nơi
Sự kiện chính của buổi chiều hôm ấy có lẽ là chú ngồi bên tôi trên một đỉnh đồi, móc trong túi quần ra một tờ giấy gấp, bản hướng dẫn từ tờ The Age, chỉ vào một cái tên nào đó trong số những sân quần ngựa, rồi mân mê chiếc điện thoại di động cho đến khi bắt đầu nghe được, trên tiếng lách tách của tĩnh điện và tiếng vù vù của côn trùng trên cỏ, tiếng gọi từ một cuộc đua ngựa cách hàng trăm dặm với con ngựa mà chú tôi đã khiến tôi chú ý đúng vào lúc kết thúc.
Trong một bài phê bình dài trong tập tiểu luận gần đây của mình, Coetzee khen “những câu văn điêu khắc” của Murnane, đặt ông vào thế hệ cuối cùng những nhà văn Australia đã trưởng thành, chín muồi khi đất nước “còn là một thuộc địa Anh về mặt văn hóa, chịu sự kềm tỏa, đè nén khắt khe và nghi ngờ của người nước ngoài.” Cái chất Australia rõ nhất là trong “Bình nguyên” – được nhiều người coi là kiệt tác của ông – dõi theo một nghệ sĩ tìm kiếm sự bảo trợ của một chúa đất giàu có trong một thị trấn miền biên giới, hi vọng che mờ đi những bí mật không thể bị che mờ của bức tranh chức quyền. Thế giới mà Murnane mô tả là một đất nước mơ mộng, trong đó có những trận chiến giữa các trường phái nghệ thuật (phái Chân trời và phái Thỏ rừng) và thái độ kẻ cả của dân miền duyên hải bị đảo ngược khi vùng đất rộng lớn sâu trong nội địa thấp kém, khó ưa trở thành nơi giàu có và tối tăm ở đó các chúa đất trong những thái ấp của chúng “khinh rẻ dân miền biển nghèo nàn suốt ngày chăm chăm nhìn những bãi biển chẳng có gì vui thú, cái sa mạc tệ hại nhất trong những sa mạc” và tỏ ra lúng túng với “nỗi hoảng sợ trước cảnh hoàn toàn thiếu vắng đất.”
Gerald Murnane bên ngoài Men’s Shed của ông, trên đường phố chính của Goroke, bang Victoria, Đông Nam Australia. Ảnh của Morganna Magee dành cho The New York Times
Khi tôi nói với Salusinszky, một cựu giáo sư tiếng Anh đã xuấ́t bản một chuyên khảo về Murnane tại Oxford University Press năm 1993, ông đưa ra truyện “Thuốc độc quý” – cũng nằm trong tập “Hệ thống sông ngòi” – chỉ ra rằng tên truyện là một câu mà Milton đã dùng để mô tả tiền bạc “thứ mà chúng ta cần để có được những gì ta muốn.” Salusinszky tiếp tục, “tôi nghĩ về sáng tác của Gerald giống như một thứ thuốc độc quý. Việc phải khám phá ra những mối liên hệ giữa các hình ảnh trong trí ông là một gánh nặng và một nỗi phiền toái, gần như một bổn phận nặng nề. Và ông luôn nói với chúng ta rằng ông đã hoàn thành bổn phận của ông, nó là như thế. Tất nhiên, xin phép ông tôi sử dụng lối nói của Derrida, luôn luôn có sự bổ sung. Luôn luôn có một phụ lục. Luôn luôn có một cái gì đó còn chưa được nói tới.”
Ngày đầu tiên của tôi ở Goroke, Murnane bảo tôi đón ông tại một Cơ Xưởng địa phương [biệt danh tiếng Anh là “Men’s Shed” – một ‘túp lều của đàn ông’], đóng trong một ngân hàng cũ. Giải thích ngắn cho các bạn đọc không ở Australia: Một “Men’s Shed” là xưởng chung cho các thành viên làm những công việc như sửa chữa những cái giá, kệ, hay những chiếc xe đạp, một bộ phận của sáng kiến sức khỏe cộng đồng quốc gia, nhằm giảm nhẹ nỗi buồn chán cho những người già về hưu. Murnane không có mấy kĩ năng hữu ích cho một Cơ Xưởng, nhưng một tuần sau khi ông chuyển đến Goroke, người chủ trạm phục vụ của địa phương mời ông tham gia. Ông trông coi bếp núc, dọn toa lét và làm nhiệm vụ thủ quỹ.
Murnane quan sát đường phố từ sau tấm rèm mutxơlin ở mặt tiền cửa hàng, và ông bước ra ngoài để chào tôi. Người mặc chiếc sơ mi kẻ ô vuông đóng thùng trong quần ka ki màu sáng và nước da đỏ au của người chơi golf hăng hái. Sau chữa trị thành công căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, giấc ngủ vẫn còn bị gián đoạn nhưng ông vẫn thật nhanh nhẹn và đầy sức sống.
“Thân thể ta thích nghi, như một người lính trong chiến hào,” Murnane nói đơn giản. Cơ Xưởng không mở để làm những công việc kỹ thuật, nhưng Murnane dẫn tôi qua những bàn làm việc bụi bặm với những dụng cụ vứt rải rác, đi tới một chiếc đi văng xoàng xĩnh, rồi ông đun một bình nước và mở hộp cà phê tan. Ông nói sức khỏe của ông đang khá lên, và ông cảm thấy “đầy lạc quan” không phải chỉ vì sự hồi phục đó. “Lịch sử xuất bản của tôi đúng là bị trở ngại với những sự đảo lộn đột ngột, những thăng trầm, những rối loạn, những bước ngoặt hỏng, và vào cuối đời tôi, thật thế, hình như mọi thứ đang bắt đầu có tác dụng,” ông nói.
Rồi ông lấy ra một phong bì, trên đó ông đã viết ra hàng loạt câu hỏi sơ bộ để hỏi tôi. Chúng bao gồm “Anh có quan tâm gì đến món golf không?”, “Anh có quan tâm gì đến đua ngựa không?”, “Anh đề nghị món gì cho bữa trưa nay?” những câu trả lời của tôi (không, phần nào, ông gọi đi) hình như thỏa mãn ông. “Anh có thể cảm thấy như anh đang bị chú trọng quá mức, nhưng cách làm việc của tôi là thế đấy,” Murnane nói trong khi ngả người dựa vào lưng ghế. Trên một bảng thông báo đằng sau ông, ai đó đã dán một bức ảnh một người đàn ông trong quán rượu đang uống một cốc bia có cỡ một thùng rác. Dòng chú thích ghi “Tôi chỉ định ra đây làm một cốc.”
Murnane chuyến đến ở Goroke năm 2009, sau cái chết của vợ ông, Catherine, 43 tuổi. Người con trai lớn, Giles, mà Murnane lúc nào cũng mô tả như một ẩn sĩ, đã đến Goroke sớm hơn một năm, đã chọn thành phố này trên bản đồ để thuê nhà cho rẻ. Murnane luôn bị hấp dẫn về nông thôn, và lần đầu tiên đến thăm Giles, lái xe qua nghĩa trang thành phố, ông có một linh cảm “điềm tĩnh và vô ngôn” sau đó ông viết, “như một người hiểu mọi việc trong mơ”: Đây sẽ là nơi ta gửi nắm tro tàn.
“Tôi nghĩ anh có thể thấy tôi lành mạnh, nhưng tôi tin những sự việc mà người điên tin,” Murnane bảo tôi. “Tôi không tin một Thượng đế có nhân cách, nhưng tôi tin sự trường tồn của linh hồn. Và tôi có những điềm báo và những linh cảm”. Catherine không có ý muốn chuyển từ nhà của họ ờ ngoại ô Melbourne, nhưng khi bác sĩ báo cho bà biết bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bà quay sang Murnane và nói: “Bây giờ anh có thể đến ở Goroke.” Chưa đến một năm sau, bà được chôn cất trong nghĩa trang thành phố. “Và tôi đến đây sống với đứa con ẩn sĩ của tôi. Những người có học vấn ngưỡng mộ những cuốn sách của tôi thấy có cái gì phi lí khi tôi có thể sống ở một nơi như nơi này. Những tôi không hòa nhập được với các nhà văn. Tôi thấy phần lớn họ kiêu căng. Cho nên điều tự nhiên nhất với tôi trên đời này là tôi nên sống ở đây trong giai đoạn này của cuộc đời tôi.”
Murnane và con trai ông sống trong khu dân cư cách Xưởng vài khối nhà. Một con đường có trồng cây không lát đá với hàng rào tôn sóng dẫn đến cổng sau. Nơi này có vẻ xiêu vẹo đổ nát. Ngôi nhà thô sơ lợp bằng tôn kẽm đứng bên năm bể nước mưa – thị trấn không có nước máy – và một thân cây cong queo mắc dây phơi quần áo đứng trơ trọi trong mảnh sân xi măng bao quanh bởi một bức tường đá nhấp nhô. Murnane sống trong một nhà làm việc phía sau ngôi nhà chính. Cả hai nhà được xây bằng những khối đá sa thạch trắng lấy từ mỏ đá gần bên, khiến nơi ở của Murnane trông như một cái boong ke.
Nói rằng giữa phòng ở của Murnane với cái khái niệm thông thường về một khu vực để ở chẳng có gì chung không phải là nói quá. Ừ thì cũng có bồn rửa chén, tủ lạnh mini, chiếc bàn học trẻ con kê áp vào bức tường trống, nơi Murnane ngồi viết. Nhưng phần lớn căn phòng chất đầy giấy tờ của Murnane: hơn chục tủ hổ sơ đầy chặt, kê theo ba mặt tường, chứa hàng ngàn trang tạp chí, thư từ, ghi chép bải giảng, từ nhiều giai đoạn trong đời ông. Một hàng tủ sắt có khóa ngăn đôi gian phòng, thêm vào cái chủ đề tổng quái dị một sự pha trộn tổ chức cuồng tín với chứng bệnh sợ bị giam giữ, như thể một kẻ thuê nhà đã chiếm lấy chái nhà ẩn khuất trong thư viện của một viện nghiện cứu. Không có giường. Murnane đặt một chiếc võng gấp trong buồng tắm. Một một chiếc đệm ngủ xơ xác, thường dùng khi cắm trại, đặt trên nóc các tủ sắt cùng với mấy chiếc mền.
Murnane bắt đầu cất giữ những hồ sơ này từ cách đây 50 năm, vừa cho hậu thế vừa để thỏa mãn cái cảm giác trật tự kĩ càng của riêng ông, và ông để những bản hướng dẫn chặt chẽ về nội dung của chúng, chúng sẽ không được công bố cho đến thời điểm cái chết của chính ông và của những người anh em còn sống sau ông. (Ông có một người anh là linh mục công giáo và một em gái; còn một người em trai khác bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh liên tục ra vào bệnh viện thì đã chết năm 1985.) Tuy nhiên Murnane mở các tủ sắt để cho tôi một ý niệm về những gì chứa bên trong chúng. Cái gọi là “Hồ sơ Biên niên” của ông được lèn chặt các cặp đựng giấy tờ và có những nhãn mô tả như “Tôi từ chối một bà góa giàu có,” “Tôi bất hoà với một học trò cũ ngạo ngược của tôi,” “Hai người đàn bà làm tôi phát chán,” “Tôi quyết định rằng hầu hết sách vở đều là cứt” “Ôi những tin vịt! tôi yêu chúng biết bao” và “Cuối cùng Peter Carey cũng lộ diện.” Ông cũng có những bản thảo viết đi viết lại của 13 cuốn sách của ông; những bức thư – như trong một con tàu vượt thời gian – gửi một học giả tương lai nghiên cứu Murnane, mà ông tưởng tượng là một thiếu phụ, ông xưng hô trong thư là “Fc,” – “future creature” [tạo vật tương lai]; một cuốn sổ tay 20.000 từ, mang tên “Hồ sơ hổ thẹn của tôi”; một báo cáo 40.000 từ về những sự kiện linh tinh và không giải thích; và một mô tả 75.000 từ về những giao du của ông với những người mà ông có quan hệ tình cảm.
“Ghế của anh đấy,” ông nói và chỉ một chiếc ghế gập cắm trại bên dưới bàn làm việc của ông. Nó thấp đến tức cười. Tôi ngồi xuống, và những dãy tủ chứa đựng những chi tiết của trí tuệ Murnane vươn cao hai bên tôi như những vách núi dựng đứng, và Murnane rút ra một danh sách các mục mà ông muốn tháo luận với tôi.
Tôi sớm nhận ra danh sách này đã được soạn theo cách chúng tôi có thể di chuyến theo một vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh phòng, dừng lại ở nhiều điểm khác nhau để thảo luận các chủ đề có ý nghĩa đặc biệt. Một trong những mục đầu tiên ông chỉ ra một tờ áp phích quảng cáo các cuộc đua ngựa của mỗi tay đua giật giải Melbourne Cup từ khởi đầu 1861 đến 2008, hóa ra là một phần của bài luyện trí nhớ hằng ngày của ông, mà ông so sánh với các văn phòng, hoặc những bài cầu nguyện hàng giờ, mà các linh mục công giáo thực hành.
Quay khỏi tờ quảng cáo, hai tay chắp sau lưng, ông bảo tôi nhặt lấy một năm. Tôi lấy 1970. “Một chín bảy mươi,” Murnane nói. “Con ngựa này có dấu Baghdad. Màu ngọc lục bảo, mũ và tay áo sọc trắng. Ông nói, những ngày thứ hai ông đọc toàn bộ danh sách theo thứ tự. Thứ ba đọc ngược lại. Những ngày khác nhảy cóc qua tờ quảng cáo mà tôi không hoàn toàn theo kịp. Sau đó ông làm như thế với 50 bang nước Mỹ, rồi đọc một đoạn văn bằng tiếng Hungary, thứ tiếng ông đã học năm 56 tuổi. Ông cho tôi xem một tập phiếu có tranh, chữ và số. Trong góc tiếng Anh của một tờ, tôi đọc “Hắn bị kẹt trong nhiệt tình.”
Muirnane bắt đầu nói về cái lúc tôi đón ông ở Cơ xưởng, và suốt trong 12 tiếng sau ông không hề ngừng, trừ vài lần ngoại lệ, cho đến khi tôi về khách sạn, một căn phòng bên trên quán rượu ở Natimuk gần bên. Ông nói nhanh, trong một cố gắng vô vọng theo kịp những ý nghĩ của ông, thường xuyên tự ngắt lời bằng những tiếng lẩm nhẩm một mình – một đoạn trích từ nhà viết kích biểu tượng chủ nghĩa Alfred Jarry, một câu chuyện tự trách mình về sự bất hạnh của ông với những người phụ nữ, một lời phàn nàn về một bài điểm sách trên tờ Publishers Weekly từ giữa những năm 1980. Ông chấp nhận những lần tôi ngắt lời độc thoại của ông với vẻ hài hước thú vị và thường vui thích trước cái viễn cảnh một đoạn lạc đề mới. Khi ông xin lỗi để đi toa lét, ông đóng cửa phòng tắm và cất cao giọng.
Mặc dù chất giọng của ông chẳng có gì giống, nhưng một cái gì đó trong cách nói của ông gợi tôi nhớ đến Michael Caine, hoặc ít nhất đến những tay găngxtơ Đông London mà Caine đã có lần đóng. Giọng ông là giọng mũi, nhanh, rắn như giọng của những tay bé hạt tiêu; và những câu của ông (trong đời thường, không phải trong văn học) ngoặt đều đặn từ thông thái khủng khiếp sang bỗ bã ghê người. Ông mô tả một gã keo kiệt mà ông biết “tồi tàn trong chuyện tiền bạc [ĐM.]” một cô gái nổi tiếng lang chạ trong thời trẻ của ông “loại đĩ rạc.” Ông đặc biệt thích thú nhớ lại những mối ác cảm cũ, nhưng có thể cũng do vụng về không chủ ý. Về Raymond Carver: “Tôi đã gặp hắn. Hắn có đến Australia một lần. Câu thứ hai hắn nói với tôi [ĐM.] Tôi nghĩ, Anh quá ngu mới viết ra những gì anh đã viết.”
Chúng tôi đến trước một tấm bản đồ Victoria. Murnane ước tính gia đình ông đã chuyển nhà cả chục lần trước sinh nhật thứ 20 của ông, luôn luôn là trong vùng Melbourne rộng lớn hơn và thường xuyên là trốn những món nợ thua bạc mà cha ông, Reginald – mà một người bạn của Gerald mô tả với tôi như một “đồ cặn bã” – mắc trong những trận đua ngựa. Murnane chỉ ra Vịnh Murnane, hình chữ V trên bờ biển nam Victoria, nghe nói tên được đặt theo tên ông nội của ông, một trại chủ bò sữa giàu có: “Thằng cha đáng tởm [ĐM.]. Tom. Chẳng ai ưa lão. Ờ, cha tôi tôn thờ lão, vì một lí do gì đó. Tôi ghét lão.” Mặc dù toàn bộ thời niên thiếu sống ở đây, Murnane chưa bao giờ tập bơi. “Nước vào mắt tôi, tôi sợ lắm, đó là lí do không bao giờ tôi tắm vòi hoa sen,” (khi tắm, ông đứng trong bồn tắm – ông giải thích.) “Đó là nơi tôi học để ghét biển,” ông nói, “và nhìn sâu vào nội địa tới những đồng bằng.”
Bản đồ nước Địa đàng mới của Murnane, một đất nước hư cấu do ông sáng tạo. Ảnh của Morganna Magee dành cho The New York Times
18 tuổi Murnane vào trường dòng. Ông chỉ ở đó ba tháng và mất đức tin ở đầu lứa tuổi 20; cám dỗ, chứ không phải Chúa, là khái niệm lí tưởng hóa của một đời viết tu viện. Ông đọc Thomas Melton, tu sĩ Mỹ dòng Luyện tâm và khao khát một đời sống tề chỉnh như thế, thật tinh khiết trong dâng hiến. Là một thiếu niên, ông mơ ước trở thành một nhà thơ, phần nào vì ông cho các nhà văn viết văn xuôi có một hiểu biết về hành vi con người mà ông nghĩ là ông không có. “Tôi không biết người ta nghĩ gì,” Murnane bảo tôi. “Con người là bí mật đối với tôi.” Ông làm công chức nhà nước 13 năm, dạy trong các trường tiểu học và làm biên tập trong một văn phòng chính phủ, rồi ông cưới Catherine, cũng là một giáo viên, năm 1966, khi ông 27. Họ sống trong khu ngoại ô phía bắc, tại đây bà ủng hộ quyết định của ông bỏ việc ban ngày để chăm sóc ba đứa con trai, vồ lấy từng khoảng thời gian rảnh rỗi để làm việc cho cuốn tiểu thuyết của ông và phụ thêm vào thu nhập của gia đình bằng tiền trợ cấp không thường xuyên.
Vào thời gian ông xuất bản “Bình nguyên” Murnane bắt đầu dạy viết sáng tạo tại một trường giống như Cao đẳng cộng đồng. Nhưng mặc dù cuốn tiểu thuyết thành công với giới phê bình, ông vẫn duy trì thái độ xa cách nửa yêu nửa ghét đối với sinh hoạt văn chương. Ông làm phần lớn công việc viết lách trên một tấm ván là quần áo đặt trong bếp, vì nhà ông quá chật chội.
Nhà tiểu thuyết Helen Garner nói với tôi trong một email rằng bà gặp Murnane lần đầu ở một festival văn học ở Adelaide năm 1986. Bà đoạt một giải thưởng, và sau màn giới thiệu, Murnane lặng lẽ tự giởi thiệu bản thân và hỏi, giọng hơi kích động, rằng ông có thể đặt cho bà một câu hỏi không: Bà đã nhận được tin báo về phần thưởng của bà trước [khi đến đây] phải không? Vâng, Garner trả lời. “Mặt ông tối sầm lại, ông quay đi và lẩm bẩm một mình,” Garner nhớ lại. “Tôi không biết phải chui vào đâu, nghĩ ông không biết giấu nỗi tức giận của mình khi không được giải. Nhưng ông trấn tĩnh lại và giải thích rằng ông chưa bao giờ đi ra ngoài bang Victoria quê ông, rằng ông ghét đi xa và không bao giờ muốn đi đâu – chống lại mọi nguyên tắc và những thiên hướng tự nhiên của ông, ông đã đi đến tận Adelaide này, (tôi nghĩ là bằng tàu hỏa) CHỈ vì ông nghĩ rằng cuốn sách của ông (mà tôi nghĩ chắc là cuốn Phong cảnh Với phong cảnh) có cơ hội rất tốt để đoạt giải. …Lời giải thích của ông thật chân thành, và nỗi khổ vì đã bị phản bội thành ra chống lại nội tâm sâu kín của ông nó thật đến nỗi tự nhiên tôi thấy có một tình cảm vô cùng ấm áp đối với ông, và đã làm quen với ông chính từ lúc ấy
Khi chúng tôi thám hiểm xong căn phòng của ông, Murnane nhấp từ một chiếc cốc nhựa chứa thứ đồ uống đục lờ đáng ngờ. Hóa ra là nước pha với giấm. (Bác sĩ của ông đã chỉ thị ông phải uống nhiều nước hơn, nhưng ông không thích cái vị của nó.) Khoảng 4:30 như thường ngày, Murnane chuyển sang bia, một chất lỏng hơi chua, nồng độ cồn cao, ông tự ủ lấy, ban đầu để tiết kiệm tiền, nhưng nay ông mê nó. Bạn chơi golf của ông, con gái một người bạn ở Cơ Xưởng, đã mời chúng tôi tới dùng cơm tối. Trước khi đi, Murnane ngồi vào ghế làm việc và dụi mắt, đôi lông mày ngang ngạnh của ông nhăn nhíu bên trên những ngón tay.
“Mặc dù tôi đã sống như một số người gọi là một đời sống ẩn mình,” Murnane nói, “Tôi thích cách sống ấy– tôi không biết có phải là trích dẫn nhầm không, nhưng người ta bảo Kafka có lần đã nói ‘Nếu anh cứ ở lì trong phòng, thì thiên hạ sẽ kéo đến nhà anh và viết lên sàn trước mặt anh’. Tôi đến Goroke này có ý định ở trong căn phòng này. Và thiên hạ đang viết trước mặt tôi.” “Các nhà biên tập, các học giả, các nhà báo”, Murnane nói, “tất cả bọn họ đã kéo đến đây để xem tôi sống như thế nào.”
Phải, nhưng không phải chỉ có thế, tôi nhìn quanh và nghĩ. Việc dạo quanh căn phòng Murnane khiến tôi nghĩ đến mối thân tình đơn phương giữa bạn đọc và nhà văn – cái cảm giác ấy, sau khi hoàn thành một bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết, đã nhất thời cư trú tại một ý thức không phải của bạn. Chỉ ở đây tôi mới có cái cơ hội hiếm hoi trải nghiệm cái cảm giác ấy trong một không gian vật lí (vì trong những câu văn “chạm khắc” của Murnane, trong hồ sơ của Murnane mọi vật đều có chỗ của chúng: trong khi cho tôi xem những hồ sơ theo thứ tự thời gian, Murnane chỉ vảo một tủ ngăn và nói, “Vợ tôi chết ở đây.”) Bước chân vào những nơi ẩn mật trong cái thế giới của Murnane, nơi phản chiếu hoàn hảo đến thế những dự án hư cấu của ông, có cảm giác như bước vào một trong những trang sách của ông.
Bạn chơi golf của Murnane, Tammy Williams, sống với hai con trong căn nhà ấm cúng đầy nghệ thuật cách khoảng năm phút chạy xe. (Rõ là, ở Goroke mọi thứ chỉ trong năm phút.) Kéo một chiếc ghế đến bên bàn ăn, Murnane gật đầu về phía tôi và nói: “Anh ấy đã nếm bia nhà rồi. Không bình luận gì, nhưng anh ấy nuốt xuống, mà không nhổ ra.”
Williams thất kinh, vội rót vang vào cốc của tôi.
“Anh đã thấy ông ấy sống như thế nào chưa?” Williams hỏi, khi chị bắt đầu sửa soạn buffet. Murnane có vẻ khoái câu ghẹo ấy. Williams lắc đầu và nói, “Tôi đã có lần bảo Gerald, ‘Ông có thể là một nhà văn nổi tiếng, nhưng ông đánh golf như cứt.’”
Trong thời gian ở Goroke, tôi không gặp Giles con trai Murnane. Murnane bảo anh ta ngủ ban ngày và ban đêm liều lĩnh ra khỏi nhà, ăn nhanh qua loa ở Horsham, một thành phố cách 45 phút. Mặc dù “ẩn sĩ” làm tổn thương, ông nói về Giles với giọng dịu dàng, che chở; những đứa trẻ ốm yếu hay tâm thần xuất hiện trong nhiều câu chuyện của ông, trong đó, gần như mạnh nhất, trong truyện “Khi Chuột nhắt không đến” mở đầu của tập “Hệ thống sông ngòi,” trong đó nhân vật chính, một thày giáo tiểu học trở thành người chồng nội trợ, chật vật giải thích nỗi khổ cho đứa con trai phải vào viện vì bệnh xuyễn. Catherine trong suốt đời bà cũng nhiều lần phải đối phó với những bệnh hiểm nghèo, bà thường xuyên phải xa Gerald để chăm sóc cho những đứa con.
“Gerald đã sống rất khó khăn trong thành phố này,” Chris Gregor, một người bạn và học trò cũ của Murnane, nói với tôi trong một email. “Ông không phải là loại người kể lể những vấn đề của mình cho người khác, và tôi không thuộc loại người hỏi về chúng, nhưng rõ ràng rất khó khăn, làm việc nửa trong bóng tối, đáp trả những châm chọc công kích, đối phó với những khó khăn của đời sống gia đình, cái chết đau đớn của vợ ông.” Ivor Indyk, người xuất bản tác phẩm của Murnane trong thời gian khá dài, tin những phương thức đệ quy trong sáng tác của ông, cấu trúc vòng tròn và barốc của nó, đối với ông là một cách để đối phó với “những vấn đề nóng bỏng – nóng cho ông ấy, bởi vì nó chất nặng cảm xúc,” Indyk nói với tôi. “Có những sự kiện trong quá khứ mà ông vẫn phải chấp nhận.”
Trong ngày cuối cùng của tôi ở Goroke Murnane và tôi đi thăm mộ Catherine. Tấm bia ghi đơn giản:
Murnane, Catherine Mary
B. Albury, NSW 31-5-1937
D. Heidelberg, Vic 19-2-2009
Ông rút chiếc khăn tay từ túi quần ra và lau đỉnh nấm mộ. Hôm ấy là ngày cuối tháng Giêng, mùa hè ở Australia, những cánh đồng lúa mì và lúa mạch đã gặt chúng tôi chạy xe ngang qua dường như hơi say đi trong ánh nắng chiều rực rỡ.
Là người luôn chính xác về không gian, Murnane chỉ vào nơi chôn cất Catherine, lấy tay làm một động tác hình dung một khối hộp nhỏ. “Và tôi sẽ được chôn đúng chỗ anh đang đứng,” ông nói.
Tôi lùi lại một bước.
Murnane có nhiều thứ khác muốn chỉ cho tôi: câu lạc bộ golf, một cái hồ nhỏ ở ngoại vi thị trấn. Trở lại Cơ Xưởng, ông giới thiệu tôi với mấy thành viên khác, Rob. Taffy, Rossco, những cựu lái xe, nhà nông, thợ cơ khí: “Này, anh chàng này nói anh ta rất yêu Australia của chúng ta, nhưng anh ấy đã phát hiện ra một vài thói xấu của người Australia” Murnane chỉ tôi, nói. “Anh ấy bảo họ chửi thề quá nhiều, kể chuyện tiếu lâm quá tục và uống quá nhiều. Nên tôi nói, ‘đừng lo, Mark, tôi sẽ đưa anh đến một chỗ không có những chuyện đó xảy ra.’” Mấy gã đàn ông chậc chậc, và Murnane vẫy vẫy mấy ngón tay về phía họ “Bởi vậy,[ĐM.][ĐM.] các anh đừng biến tôi thành thằng nói dối!”
Murnane đã nói “Những huyện miền biên giới” sẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, trông ông không giống một người nhớ quãng đời cũ của mình. Thật ra ông đã tự tách mình khỏi giới văn chương từ trước. Trở lại Melbourne, khi những cuốn sách của ông như “Bình nguyên” trở nên chiêm nghiệm và hướng nội hơn, ông cảm thấy mình ngày càng là một nhân vật bên lề – đến mức năm 1991, ông quyết định thôi viết. Trong cả thập niên sau, Murnane chỉ xuất bản có một tập truyện “Màu ngọc lục bảo,” gồm hầu hết những tài liệu cũ hơn; câu cuối cùng của truyện cuối cùng, “Nội tâm của Gaadine,” viết là “Văn bản kết thúc ở đây.” (“Màu ngọc lục bảo” bán được 600 bản, khẳng định quyết định của ông). Để kiếm thêm tiền, ông nhận việc bó báo và tạp chí trong những giờ đầu buổi sáng. Mãi đến 2001 ông mới trở lại viết, sau khi Indyk, một nhà xuất bản văn chương độc lập, hiến tặng ông một ngôi nhà.
Chính xác điều gì khiến ông đứng dậy sau thập kỉ mất mát ấy? Hóa ra ông có để lại một manh mối trong “Nội tâm của Gaadine.” Nửa đầu là kể chuyện vui nhộn về một chuyến đi bằng thuyền đến Tasmania dự một tour văn chương, được thực hiện dưới sự ép buộc của một nhà văn ghét du lịch. Câu chuyện chuyển sang siêu nhiên sau khi nhân vật chính đến Hobart, tại đó, sau khi y chết trong khách sạn, hồn ma của một sứ giả giao một cho y chiếc cặp. Trong cặp chứa một nghìn trang viết – không phải một bản thảo chưa xuất bản như nhân vật chính sợ, mà là những chi tiết của một trò chơi đua ngựa phức tạp do chủ của nó nghĩ ra, tay này đã để hàng chục năm chơi nó một mình trong phòng. Nhân vật chính tự hỏi, liệu “tác giả của những trang này có muốn gặp mình để thuyết phục mình viết một loại tiểu thuyết khác trong tương lai.”
Mặc dù Murnane không bao giờ trở thành một tay nghiện cờ bạc như cha của ông, một trong những kỉ niệm vui nhất thời niên thiếu dính đến một trò chơi đua ngựa mà ông chơi bằng một bộ bi màu. (Cho đến nay, ông vẫn còn cất giữ những viên bi trong một cái bình đặt trong phòng ông, chúng chiếm một vị trí vinh dự ngay sau bàn viết của ông.) Và kì lạ nhất trong “Nội tâm của Gaadine” là, không chỉ nửa đầu câu chuyện rõ ràng có tính tự thuật, mà toàn bộ sự việc, về cơ bản, trừ hồn ma và chiếc cặp, là thật. Murnane bắt đầu làm việc bí mật từ năm 1985, đã tạo ra một phiên bản phức tạp hơn nhiều trò chơi đua ngựa thời trai trẻ, đó là cách để ông tiêu phần lớn thời giờ ẩn dật, và cách ông lấp đầy nhiều buổi tối ở Goroke.
Ông gọi dự án này là Hồ sơ Đối cực. Bên trong chiếc tủ ngăn, có những bản đồ của hai nước hư cấu, nơi những cuộc đua ngựa diễn ra (có cả những bảng thời gian chạy tàu cho những mạng lưới tàu hỏa), những phác thảo chi tiết về những trường đua, và những sổ tay ghi đầy tên và màu áo của 1.500 tay nài ngựa toàn thời gian, minh họa bằng những hình đầu người cắt từ các báo và nét vẽ như trẻ con của chính Murnane về những mẫu áo đua. Một danh sách có đánh số mỗi con ngựa đã đua trong Đối cực, và có những kết quả bằng chữ viết tay của hàng trăm cuộc đua, như trong một thể thức đua. Phương pháp xác định kết quả cuộc đua của ông, quá phức tạp nên không thể nói ở đây, dính dáng đến những quyển sách, tất nhiên: một câu lựa chọn ngẫu nhiên phát điểm cho một con ngựa nào đó dựa trên số nguyên âm và phụ âm, kết hợp với một hệ thống điểm của nhà cái mà Murnane có thể thưởng cho những con ngựa ưa thích.
Khi chúng tôi lướt qua những cặp giấy này, tôi đã nghĩ đến cuốn tiểu thuyết của Robert Coover vĩ đại: “Hiệp hội Bóng chày Inc., J. Henry Waugh, Prop.,” về một người sống ẩn dật đã sáng chế ra trò chơi bóng chày – tưởng tượng nguyên mẫu, với những cầu thủ trở nên thực với ông hơn bất kì con người nào sống thực, và cũng về tác phẩm của các nghệ sĩ ngoại đạo như Henry Darger, người gác cổng ẩn dật của Chicago, người đã bí mật tạo ra huyền thoại công phu và ám ảnh minh họa bằng hàng trăm hình vẽ và cắt dán. Như Murnane giải thích, thế giới mà ông tạo ra, ông nói như thể đang nói về một nơi có thật: “Bây giờ ở New Arcadi, là một hòn đảo nhỏ, chỉ có 12 sân quần ngựa. Ở miền Bắc năm ngày một tuần chúng có những cuộc đua ngựa.” Tại một điểm, Murnane nhắm mắt lại, nắm hai bàn tay thành những nắm đấm và hát vang lên. Đó là bài quốc ca của New Eden, mà nhạc và lời tự ông sáng tác.
Các đại dương ngầu bọt, đoàn thủy thủ bôn ba chẳng thấy đâu là nhà trên biển đầy hiểm họa…
Lời bài hát “không phải là ngẫu hứng hay nhất của tôi đâu,” Murnane thú nhận. “Chúng giống như loại nhạc mà người ta sáng tác trong thập kỉ 1880.”
Trong nhiều năm ông giấu kín dự án này, ngay cả với vợ. “Việc một ông già, một trung niên vào thời đó, chơi cái trò chơi của trẻ con là một điều bối rối,” Murnane nói. “Nhưng nó không phải là trò chơi của trẻ con.” Để giúp tôi hiểu rõ hơn, ông cho tôi xem một bức thư ông gửi cho “Fc,” tạo vật tương lai của ông. Nó nói, “Tất cả các tiểu thuyết tôi đã từng viết hay từng đọc là sự chuẩn bị cho cái này, tác phẩm chính của tôi. Trong sách của tôi hết quyển này đến quyển khác tôi viết về những cái chứa trong đầu tôi, đặt mọi tưởng tượng của tôi lên giấy sao cho tôi có thể làm với chúng; có thể quét chúng ra khỏi tầm mắt và để cho trí óc tôi rảnh rang cho những tưởng tượng không bờ bến của Đối cực.” Những tường trình của ông từ trong nội tâm, từ chính nội tâm của ông, đã luôn luôn đi men quanh mép của một hình ảnh trung tâm, nháy mắt với những tầm xa của tri thức của ông, một cặp tay đua mơ ước của ông vượt qua vạch đích. Làm sao ông có thể bỏ rơi chúng?
Sang năm, trùng với sinh nhật 80 của ông, Murnane sẽ xuất bản một cuốn thơ và những đoạn trích từ một tiểu thuyết trước của ông. Nhưng khác với thơ, sáng tác ở Goroke mấy năm gần đây, Murnane nói ông sẽ nghỉ hưu một lần nữa. “Nếu sáng sớm mai tôi thức dậy thấy một sức ép phải viết, thì tôi viết,” Murnane bảo tôi. “Nhưng có lẽ không. Tôi hầu như chắc chắn sẽ không.” Thay vào đó, ông sẽ dùng những buổi tối ngồi ghi lại kết quả những cuộc đua ngựa tưởng tượng cho hồ sơ của ông. Chắc chắn nó phải chứa một viên ngọc của chuyện kể, như một biên tập viên có lần đã nhấn mạnh. “Nhưng, tất nhiên, nhiều, không, hàng nghìn câu chuyện kể đang hiện thân trong Hồ sơ, Murnane viết cho “Fc.” “Ít nhất có số chuyện kể nhiều bằng số ngựa và tay đua và huấn luyện viên và những ông/bà chủ.”
Tôi không còn cảm thấy như tôi bước vào một truyện của Murnane, mà vào truyện của Borges: một câu chuyện về một nhà văn xuất chúng phát hiện ra hình thái thuần khiết nhất của sáng tác, cuối cùng là, không viết gì cả.
Thận trọng, tôi kích Murnane. Tất cả những cuốn sách của ông đều rất riêng, nhưng cũng là cái gì đó mà bất kì bạn đọc nào cũng có thể bước vào. Nhưng với Hồ sơ Đối cực, Murnane đã tạo ra những nước mà chỉ có ông mới có thể ngao du trong đó. Liệu ông có ấp ủ những ý nghĩ thầm kín về việc hướng óc sáng tạo của ông vào một sự nghiệp riêng tư như thế không?
Murnane mỉm cười. Ông có thể thấy những mối liên hệ khác đang thành hình. Từ một trong những tủ sắt của ông, ông lấy ra một trang đánh máy từ tập thơ của ông. Đọc đi, ông ra lệnh. Đó là nơi chúng ta sẽ dừng.
Bài thơ, sau khi giải thích hồ sơ trong nhiều dòng, “tóm tắt hoàn hảo/ về niềm tin suốt đời của tôi vào trò chơi đua ngựa/ như một nguồn cảm hứng / tốt hơn opera, kịch, phim,” kết như thế này:
Bạn đọc, nếu bạn bị hối thúc
để biết nhiều hơn về thế giới tưởng tượng này,
hãy sống lâu sau tôi và những anh chị em của tôi và thăm phòng sách
nơi những hồ sơ của tôi tề tựu. Bạn sẽ thấy có một cặp hồ sơ
đầy các loại chi tiết
mà tôi muốn kết thúc trong bài thơ này nhưng không làm nổi.
bạn sẽ, không may, đọc một nghìn trang,
dù bạn sẽ không bao giờ thấy,
những gì chúng bộc lộ cho tôi.
_____________________________
* Mark Binelli là cộng tác viên của tạp chí và tác giả “Detroit City là nơi đáng sống.”