Văn học miền Nam 54-75 (445): Túy Hồng (15)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 12)

Nghiễm nằm dưỡng bệnh đã đúng hai tháng. Thời gian trườn mình vào cõi buồn với những ngày không mùi vị và những đêm đắng chát. Chồng tôi hôn tôi thì tôi nhắm mắt, chồng tôi vuốt tóc tôi thì tôi bặm miệng. Tình yêu bây giờ nhạt nhẽo như khuôn mặt đàn bà không gia vị phấn son. Dĩ vãng nguội, hiện tại hâm hấp sốt, và tương lai thì nhất định là nỗi hàn to rộng. Khi vào tương lai chắc chắn cả Nghiễm cùng tôi đều lạnh. Thỉnh thoảng từng đêm, Nghiễm bỏ chỗ ngủ của chàng leo lên giường tôi nằm xuống mé ngoài. Chàng hất cái gối dưới đầu tôi để thế cánh tay vào, chàng đạp chiếc mền tôi đang kẹp giữa hai đùi để chàng gác lên tôi. Tôi nằm im như khi tôi nằm im đợi mũi thuốc dưỡng thai chích vào mông. Và tôi nằm im như một bà thứ phi tội lỗi bị biếm vào cung lạnh, lì ra như một khúc gỗ lớn mà người thợ mộc chưa cưa may thành áo quan. Xác thịt có danh dự của xác thịt, xác thịt của tôi phản đối công phẫn, xác thịt của tôi bất khuất, những bắp thịt gan lì, từng tảng da căm giận, tôi quặn đau tới chín chiều gan ruột, tôi nằm im, tôi nằm như đông lạnh trên giường. Nghiễm ngoại tình tôi có chứng kiến và tôi có chứng cớ. Nghiễm làm cho tôi mất niềm tin rồi và Nghiễm cũng làm cho xác thịt của tôi mất niềm tin rồi. Tôi cầu viện tất cả sự lạnh lùng tôi có để giải vây cho xác thịt lâu nay sung sướng làm nô lệ, khoan khoái làm nô lệ.

Nghiễm sáng suốt buông lơi tôi:

– Em không khác chi thịt gà đông lạnh.

– Ngày xưa bà cố em còn cầm dao cự tuyệt ông cố em để giữ gìn sức khoẻ cho ông cố em. Em có bổn phận giữ gìn sức khoẻ cho anh. Tôi nói nhỏ.

– Anh có cảm tưởng em không còn thương anh nữa, em khinh anh.

– Từ anh, anh suy ra như vậy.

– Anh thề với em là anh vẫn thương em như lúc làm đám cưới.

Phổi tôi không phải là hai chiếc lá để đón gió, lòng tôi không phải là bong bóng để tiếp nhận làn hơi thổi vào, tôi cầu mong có một phiên tòa xử tội nói láo của đàn ông. Đàn ông là những người nói thật, nhưng đàn ông là những người nói láo với vợ. Từ bên giường của chàng, Nghiễm hỏi với qua:

– Hay là… em nghe ai nói gì về anh.

– Anh yên tâm, dưới mắt em anh là một người đàn ông đang sống trong một hàng rào dư luận tốt.

Tôi nằm cong người như con tôm xoay mặt ào vách, hai giọt nước mắt chảy ra thật nhanh.

Người đàn bà cầm dao cự tuyệt chồng tôi nói lúc nãy với Nghiễm không phải là bà cố tôi mà là bà tổ tôi. Bà cố còn nhỏ hơn bà sơ, còn nhỏ hơn bà cao và nhỏ hơn những bậc bà nữa. Lúc bà tổ vừa vặn tuổi để lấy chồng thì ông tổ chỉ là một cậu bé con ăn một lúc hai cái kẹo bột vào miệng cứng họng nói không được, cười không được. Bà tổ xới cơm gắp cá cho chồng tắm rửa kỳ cọ thay quần áo cho chồng. Chồng là một cậu bé thích thức khuya, dậy trưa, thích đánh đáo, đánh vụ, thích ăn vụng và trộm tiền. Bao nhiêu nỗi cam go của cuộc tình duyên xô lệch không bằng nỗi vất vả dỗ chồng ngủ. Đêm đông bao buốt da thịt phải đắp một lớp chăn dày như bức tường mới hết lạnh, ông chồng bà tổ chỉ mặc một lớp áo và chiếc quần xà cạp, ông co giò tông đạp đùi đụi mỗi lần bà vợ đắp lên ông lớp mền bông ấm. Hai vợ chồng xô xát, ẩu đả, bà vợ ấn đầu ông chồng xuống giường, đè cổ đắp chiếc mền lên, chồng khóc oai oái đấm vào miệng vợ sặc máu răng, vợ phát vào mông chồng hằn in năm ngón tay. Bà mẹ chồng nhăn nhó đau thương nhìn vào, ông tổ chạy ra khóc với mẹ, phạch quần ra cho mẹ coi chiếc mông bị vợ đánh. Bà vợ làm lụng vất vả vừa dạy dỗ vừa chăm dắt và trừng trị chồng. Gió đẩy ngày tháng trôi, thời gian trườn mình tới tuổi trưởng thành, ông chồng đã lớn ra một thiếu niên tuấn tú ngày ngày ngồi cặm cụi học hành bên cạnh vợ kim chỉ may thêu. Họ có hạnh phúc, họ có sung sướng, có ơn nghĩa nồng nàn. Người chồng học bài xong liền nhảy lên lưng vợ bắt vợ cõng đi khắp phòng ngủ. Khoa thi đầu tiên chàng trượt. Và chàng đã biến thành một người đàn ông. Vợ chàng ngày đêm giám thị chàng, cưỡng bách chàng chăm học bằng đức tính dịu dàng ẻo lả mềm mại. Người vợ cầm dao cự tuyệt khi bao nhiêu lần chồng mê man đòi hỏi xác thịt. Người vợ đóng chặt phòng ngăn chia chồng với mình cho chàng khổ tu khổ học. Chồng nàng liền tìm vui bên mấy ả lầu hồng và khi giấc mộng hồng lâu chợt tỉnh khi túi áo chàng không còn dính một đồng bạc. Từ đó, chàng quyết chí tu thân và quyết chí tu học. Thần nhân hiện lên bảo vợ chàng: “Muốn cho chồng thi đỗ con phải hy sinh đến cùng, con phải nhịn ăn nhịn uống để cầu nguyện đủ một trăm ngày”. Từ đó, người vợ tuyệt cốc và tuyệt ẩm dâng chút lòng thành và toàn thể sức khoẻ cúng dường cho thần linh, nàng ngồi trước bàn thờ chắp tay lên ngực lim dim mắt khấn khứa đêm từng đêm, ngày từng ngày… Và, khi người chồng thi đỗ, vinh dự về làng, thì vợ chàng chỉ còn một hơi thở nhỏ cuối cùng để mỉm một nụ cười”. Câu chuyện đó bà ngoại tôi đã kể cho tôi với một cái chắc lưỡi: “Trời sinh ra người đàn bà còn gắn thêm cho người đàn bà hai bộ phận nặng là tử cung với hai buồng trứng nên người đàn bà là tạo hóa của người đàn ông”. Tôi cười khúc khích bà ngoại lúc đó và tôi cười khúc khích bây giờ: Tạo hóa đã bị phản bội.

Nhìn sang dáng nằm phơi tay phơi chân vô cùng thoải mái của Nghiễm, tôi biết chàng đã ngủ. Hồi nãy tôi vừa cười khúc khích tôi, cười châm biếm sung sướng rằng mình là một kẻ bị tình phụ không biết ghen, không chịu trả thù nhưng sẽ làm nên đổ vỡ. Màn chót của sự đau khổ vén lên rồi, một hai gì cũng sẽ ly dị, ba bốn năm rồi cũng sẽ ly dị… Mũi tôi lại nghẹt thở, tôi ngồi lên nhỏ ba giọt thuốc vào lỗ mũi mà tưởng như có ba giọt nước mắm chảy trong hốc huyệt khứu giác.

Năm giờ sáng, tôi thình lình thức giấc nhìn sang Nghiễm, thấy cái đầu chàng rớt xuống gối, cánh tay dài vứt ra ngoài mùng. Tôi bước qua sửa lại thế nằm cho chàng, kéo thẳng cánh tay, bê cái đầu nặng đặt lên gối, đứng tần ngần nhìn chàng, nhìn chăm chỉ như lần đầu tiên nhìn tấm hình chàng gởi ra Huế cho tôi. Cái mũi chàng thẳng như vẽ, đàn ông mũi thẳng bao nhiêu thì tình bạc bấy nhiêu. Tôi thức từ đó, nằm đọc sách đợi Nghiễm dậy hỏi chàng ăn điểm tâm bánh mì hay phở…

Tôi về đến nhà thì gặp Bích Khuê đang ngồi nói chuyện với mấy đứa em. Bích Khuê kêu lên:

– Khanh, Khanh đã ra dáng bà bầu lắm rồi, đã thấy lùm lùm cái bụng.

– Bà Khanh lúc này không đánh phấn, cái mặt lợt lạt như cá cơm chưa kho. Trâm chỉ tay nói chí chóe.

Bích Khuê kéo tôi ngồi xuống:

– Ăn khoai mì, ăn sắn mi. Người Saigon luộc khoai sắn không ngon bằng người Huế.

– Ở Huế mình cầm miếng khoai luộc lên thơm phưng phức mùi lá dứa. Thảo xuýt xoa.

– Tết ni chị Bích Khuê về Huế ăn. Thảo tiếp.

– Sướng quá ta, cho tau về với. Tôi chong mắt.

– Thôi đừng làm bộ, đừng giả đò. Bỏ đứng ông ở lại đây cho ai?

Mấy đứa em nó cười inh lên như bầy chim bồ chao. Chị Bích Khuê về Huế mua vào cho em một rổ me rốp. Tết ra là me bắt đầu chín rồi đó, đất Huế mình đủ mưa, đủ gió, đủ nắng cho trái me chín ngon, me Saigon chua lè như quít, khô khô ăn không ra mùi me. Chị Bích Khuê về Huế nhớ mua vô vài kí lô thịt heo Huế mỡ trong vắt, da mỏng như giấy, ăn ngọt xớt… còn thịt heo Saigon da dày ba tấc. Chị mua thịt heo, với mua mấy thẩu tép chua nữa, mua thật nhiều trái vả nữa để kẹp với nhau mà ăn. Trời ơi, chưa ăn mà đã chảy nước bọt rồi. Chị kho sẵn một trách cá bống thệ, một trách cá nục. Bích Khuê vừa ừ ừ vừa gật: Ừ, ừ, về tới Huế trước tiên là tau qua Gia Hội ăn một bụng bánh khoái, xuống Tây Thương ních bốn dĩa bánh bèo cho đã đời, buổi sáng phải ăn ba đọi cơm hến, ăn một mớ bánh nậm, ăn xong xả mới đi công chuyện. Tôi nhắc: Mi mua cho Nghiễm vài trái thanh trà lão, thằng cha thích ăn mực nướng xé tơi trộn với thanh trà lắm. Bích Khuê phát vào đít tôi: điên chưa, mùa xuân mà đòi ăn thanh trà, nói năng như đứa thất tình.

Bọn em bắt được của Bích Khuê một nghìn bạc rồi bỏ đi lên lầu, Bích Khuê cười hì hì bày hai cái răng chó dễ thương chi lạ. Tôi nói:

– Bọn em tau vừa vô sản vừa vô hậu.

– Mấy lần tau định rủ mi về Huế chơi nhưng tau sợ vía chồng mi quá. Bích Khuê cười.

– Tau chẳng sợ vía thằng chồng tau chút mô hết.

– Thiệt không? Thề đi! Con Trâm nói mi coi chồng mi như một lãnh chúa. Bích Khuê trợn mắt.

– Cái miệng mấy đứa em tau… mười voi không được bát nước xáo. Tôi cười.

Bích Khuê bỏ dép, đặt hai chân lên ghế, đưa tay xoa xoa bụng tôi: Bụng nhọn quá chắc là con trai.

Tôi cảm nghe da mặt mình mệt mỏi khô khan, đôi môi đau như có một đường rạn nứt ở giữa, Bích Khuê bảo mấy hôm nay trở trời nhà nào cũng có người bệnh.

Trên mặt bàn có một thoi thóp nắng trắng. Tôi cảm nghe trong lưu vực tình cảm chảy xiết một cơn giận quay cuồng, một cơn giận nóng bỏng dữ dội xé rách và đốt cháy. Tôi chợt cầm tay Bích Khuê, bảo:

– Nghĩ cho cùng người đàn bà cướp chồng người khác chưa chắc đã sung sướng.

Bích Khuê giựt mình quay lại:

– Nghĩ răng mà nói rứa?

– Một trường hợp tau vừa nghe vừa thấy.

– Của ai chứ không phải của mi?

– Ừ…

Bích Khuê lấy thuốc lá ra hút. Bích Khuê và Sanh giống nhau như chiếc muỗng canh giống chiếc muỗng cà phê. Mũi Sanh và mũi Bích Khuê đều không cao. Mũi của Nghiễm cao quá nên tôi kết tội chàng bạc tình. Tôi nắm tay Bích Khuê:

– Đàn ông độc địa lắm, mi ạ… lòng họ có nhiều đá ngầm, có nhiều mõm nhọn.

Bích Khuê quay qua:

– Mi nói anh tau hay mi nói chồng mi.

– Anh mi là Bồ tát, chồng tau là Phật.

– Thôi… đừng đem thần thánh ra mà ví với hai cục nợ đời của mi nữa.

Bích Khuê bẻ hai củ khoai dài đưa tôi một nửa, ruột khoai vàng như nghệ, vừa ớn vừa ngọt như bí ngô, tôi cắn một miếng rồi để xuống. Chính cơn giận của tôi đã được tôi vuốt, chính nỗi tức tối lồng lộn của tôi đã được tôi hóa giải, và chính niềm oán hận cương lên đau nhức như một ung nhọt chạy cùng thân thể cũng đã được tôi bóp tan rồi. Lời kết tội lớn nhất dành cho Nghiễm, dành cho kẻ đã dạy tôi biết thế nào là đàn ông. Và, người đàn bà tội lỗi được hưởng lời tha thứ sau cùng. Vâng, kẻ cướp chồng người khác chưa chắc đã được sung sướng. Vâng, lòng người đàn ông thật nhiều đá ngầm, thật nhiều mõm nhọn. Tôi là người đàn bà sung sướng hơn người đàn bà cướp chồng tôi. Nàng chưa đứng vào một vị thế vững chãi đạp mạnh hai chân vào cuộc đời, nàng chưa bình tĩnh, nàng chưa an tâm, nàng còn phải đi nhiều như ngựa hoang, như bò lạc. Giá trị một người con gái đang chờ lấy chồng trong thời buổi này không bằng một căn nhà cho thuê. Một ông chồng còn chưa lấy được, thì bao nhiêu việc lớn còn chưa làm được. Hộp phấn, thỏi son, tấm áo, đôi giày, đồng tiền… những thứ đó cũng thao thức như nàng cũng đang thấp thỏi đặt từng hy vọng vào từng tên đàn ông quen biết tới lui ăn uống. Nàng chờ đợi một lễ hỏi như con cua cái chờ đợi thoát ly cái yếm, nàng đi tìm một người đàn ông như người xưa đánh dấu thuyền tìm gươm.

Vất vả cam go khổ ải lắm lắm mà tay nàng yếu như cành lá chuối, mà thân phận nàng mong manh như dải lụa, mà nước mắt nàng chảy nhanh như tia chớp để khi tìm ra một tấm chồng rồi, khi đẻ đau và nuôi con rồi, thì một cái tử cung với hai buồng trứng ngày đêm ngóc cổ lên kêu than khắc khoải rằng đàn bà khổ lắm khổ lắm, kêu than khắc khoải rằng đàn ông chỉ là một cái túi chứa đầy dao găm, thuốc súng, đá ngầm, mõm nhọn. Đàn bà phải sống như nấu một nồi chè kê ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, đàn bà phải hốt hoảng chạy rông khắp quỹ đạo trôn ốc cuộc đời trên bốn vó câu khấp khểnh lao đao gập ghềnh…

Tôi đứng dậy, nắm tay Bích Khuê kéo vào phòng, bắt đầu tâm sự thì nước mắt chảy ra. Bích Khuê trợn mắt:

– Răng mà tính mi đằm vậy? Răng mà máu mi mát vậy? Lúc bắt gặp chồng mình với con nhỏ đó trong phòng mà mi không đẩy cửa xông vào nện cho một trận, xởn tóc, xé áo xé quần.

– Lỡ con nhỏ đánh tau thì sao? Lỡ chồng tau về phe con nhỏ, xông vào đánh tau thì sao? Lỡ hai người hiệp sức thủ tiêu tau thì sao? Tôi cười buồn.

– Vì mi không có máu ghen. Đàn bà phải có máu ghen mới mạnh khoẻ được, oai vệ được. Lúc đó, máu ghen xông lên sẽ làm cho mình mạnh như Hercule, như Ulysse, như Na-tra Thái tử. Bích Khuê khoát tay.

Tôi đưa bàn tay che miệng cười khúc khích, chiếc miệng và bàn tay cười với nhau, cười nát ra, cười nhão ra:

– Khuê à, phải cướp chồng người khác, tau thấy tội nghiệp hơn là tội lỗi.

– Chửi cho sập mồ cô cha tam đợi tứ đợi mười đời nhà nó ra chứ tội nghiệp gì. Tau muốn đánh mi quá! Tại răng mi không xông vào ngay lúc đó. Tau muốn đánh mi quá! Đi bắt ghen có một nỗi sung sướng riêng mà mi không biết. Bích Khuê đạp chân.

– Nếu mình mà dồn nhân tình của chồng vào bước đường cuối của nhục nhã, của ê chề không nhìn ai được nữa hết, thì mình càng làm cho thằng chồng yêu thương nhân tình không gỡ ra được.

– Mi lại còn tỏ ra thông cảm thương hại con nhỏ đó… Mi ngu! Thế thì cứ mỗi lần chồng mi ngoại tình với một con nào thì chắc mi phải đích thân đến xin lỗi con nhỏ đó. Bích Khuê nói thật to như hét.

– Tao nhất định ly dị. Tôi nằm xuống giường.

– Thúi chưa! Mắc chi mà ly dị? Đánh phấn đánh sáp thêm vào cho đẹp, gắng có một chứng chỉ lớn, gắng kiếm được nhiều tiền. Đàn ông khôn lắm, khôn lắm… gặp gái thì chơi cho mát một tí chứ trời chưa tối đã quay về với vợ rồi.

Tôi gãi móng chân làm thinh. Bích Khuê tiếp:

– Qua bao nhiêu cái bụng, không có bụng nào bằng bụng vợ.

– Mi không biết con nhân tình này là một cửa hàng giá trị lắm, ngoài ra còn có cái bảng hiệu nữ sĩ nữa.

– Ai rứa? Đứa mô rứa?

– Bích Vân.

– Tau không biết.

– Tự ái của tau bị chạm lớn, bị cháy một nửa, tau chỉ có cách ly dị, chờ Nghiễm lành bệnh là nhờ luật sư đâm đơn liền.

– Chứng cớ mô?

– Có mười tay Nghiễm cũng không thèm giữ tao lại.

– Đừng ly dị nữa, mi ơi, anh tau lấy vợ đầm rồi.

– Thúi chưa, ai thèm anh Sanh mi!

– À, mi có nói chuyện cho con Trâm, con Thảo biết không?

Tôi lắc đầu:

– Bọn nó đâu có thân tau bằng mi, chị em ruột khó tâm sự lắm. Với lại bây giờ tau đi nói chuyện đó với con Trâm, con Thảo, lỡ khi mô chị em có xích mích gây lộn, chúng nó đi xoi tì kể xấu mình ra…

– Vô duyên! Bích Khuê cười nhẹ chép miệng.

Bé Hiền quẫy mình đong đưa nhẹ chiếc nôi sắt, tôi vén mùng lên, con nhỏ đi tiêu giẫy đạp nát bét như chè đậu xanh đánh, dính nhẹt cả mùng mền khăn lông tã lót, tôi dí tay vào trán con mắng lớn:

– Bộ mày nghĩ rằng tau lấy cha mày sung sướng lắm hay sao, hạnh phúc lắm hay sao, mà mày hành hạ cho xứng hạt cơm.

– Vô duyên! Bích Khuê lại chép miệng rồi ngồi dậy phụ giúp lau rửa cho con bé sạch sẽ, rồi lại nằm xuống đưa tay gãi đầu kêu: Tóc tau rụng nhiều quá, trời Saigon mùa này đàn bà ai cũng rụng tóc hết.

Tôi đặt con vào nôi, đến nằm bên bạn, mời Bích Khuê trưa nay ở lại ăn cơm có món mít luộc chấm mắm nêm ngon lắm. Bích Khuê ăn hơi nhiều mắm nêm nên sau bữa cơm hắn hút thuốc lá liên miên. Bốn giờ chiều tôi tiễn Bích Khuê ra về tận con đường lớn, đứng nói chuyện đợi tắc-xi. Bích Khuê đưa tay mân mê hạt cúc màu hồng trên áo tôi nói:

– Để tau sẽ năng lại thăm mi, bày mưu thiết kế cho mi, đừng nghĩ đến chuyện ly dị.

– Nhưng tau đã hết thương yêu Nghiễm rồi.

– Đó là một quyết định chứ không phải là một sự thật.

– Tau sẽ sống theo quyết định của tau, tau sẽ tập oán thù, tập ghét bỏ, tập chửi bới độc địa, rồi dần dần oán thù giả sẽ thành oán thù thiệt. Mỗi ngày tau sẽ nguyền rủa.

Tôi lủi thủi đi về, mặt trời chiều nóng rát quá nhìn lên tưởng đui mắt. Những gánh hàng rong không đậy nằm phơi khô hứng bụi cùng ruồi muỗi khiến tôi có ý nghĩ: trẻ con Saigon phải ăn uống dơ dáy như thế này, chắc trẻ con những xứ khác bắt buộc phải bẩn hơn, phải nhơ nhớp lọ lem hơn.

Tối hôm đó, tôi đưa cơm vào cho Nghiễm trễ mất nửa giờ khiến mặt mày chàng trùng xuống nặng trịch như một nốt nhạc thấp nhất hát không lên. Ăn được ba miếng thì Thanh Hàn đến chơi kêu mệt quá nằm lăn ra giường Nghiễm. Tôi vừa hỏi anh uống nước chanh không vừa đi pha liền. Thanh Hàn nhìn Nghiễm hất hàm:

– Trông trẻ ra quá, đẹp trai ra phết. Định bao giờ cầm bút trở lại đó?

– Còn lâu anh ạ. Nghiễm vẫn còn húng hắng ho hen, gan vẫn còn cương còn sưng. Tôi nhanh miệng.

– Thằng nào làm nghề viết văn cũng phải có một bệnh.

Thanh Hàn đốt thuốc lá, chúi mặt vào tờ báo một lát ngắn, rồi vỗ tay vào đùi kêu:

– Có chuyện này mới khiếp chứ. Mày có nghe chuyện thằng Thanh Liêm không? Khiếp quá! Không biết hắn có lẹo tẹo gì với con nhỏ người làm nhà nó không mà vợ nó ghen. Khiếp quá! Vợ hắn đánh con nhỏ đến bất tỉnh rồi nhận nó chìm trong bể nước. Ghê quá! Mất gần triệu bạc mới chạy được khỏi tội.

Tôi đưa tay lên ngực:

– Thế con nhỏ có chết không?

– Chết ngắt. Mẹ nó mới đi kiện chứ!

Nghiễm nhả miếng thịt ra nói:

– Nghe lạnh cả mình.

– Từ nay không dám lại nhà nó nữa. Ghê ghê thế nào… Người bạn nhún vai.

– Từ nay thằng Thanh Liêm chắc không dám ngủ với vợ nó nữa. Nghiễm cười nhẹ.

– Ừa…

Nghiễm quay sang tôi:

– Chuyện này cô đừng mách với ai đấy, cô này là mạnh tuyên truyền lắm.

Ăn xong, Thanh Hàn về, tôi rửa bát, rửa tay rồi lấy xấp bài in ronéo ngồi vào bàn đọc lẩm nhẩm. Tôi nghe Nghiễm kêu, Khanh, Khanh. Đợi chàng kêu đến tiếng thứ ba tôi mới ngửng lên.

– Gọi mãi không trả lời.

– Đâu có nghe.

– Có nghe cũng lờ… Dạo này cô thay đổi quá thể. Cô quá thể, không chịu được.

Tôi kêu lên, đứng rột dậy, xông tới:

– Anh hành hạ tôi chừng đó chưa đủ sao?

Mắt tôi mở to, hai gò má nóng rát. Những lời lẽ rắn chắc của Bích Khuê là một sức đẩy xô tôi tới, xô sấp tôi sát mặt Nghiễm, chỉ trỏ la hét cho chàng biết, cho chàng biết hết. Bích Khuê đã dí ngón tay trỏ vào trán tôi: Phải làm một trận, phải làm một trận, mi muốn tu để thành bồ tát hay sao mà một mình im lìm chịu đựng… Tôi nghĩ đến bà vợ của Thanh Liêm: cùng lắm cơn ghen sẽ đưa đến cái chết.

Tôi mở to mắt nhìn Nghiễm: Người đàn ông này ngay đêm tân hôn đã sai tôi chùi bàn ghế, người đàn ông này ngày nhị hỉ đã bắt tôi ủi áo quần, người đàn ông này ngày kỷ niệm hôn nhật đã nói: Nếu em hối hận đã lấy phải anh thì ngay bây giờ vẫn còn kịp…, người đàn ông này đã từng liệng cái radiô nhào xuống đất, hất nhào chiếc bàn sắt vào người tôi, ném chai bia vào tủ lạnh, đập cái đầu mình vào tường, cầm dao phay định khứa vào gân máu. Tôi đứng khựng, hai bàn tay đang ở vị trí thế ngang ngực từ tốn hạ xuống, hai bàn chân đang đứng cách chỗ ngồ bốn biên gạch bông nhẹ nhàng bước lui. Tôi ngồi phịch xuống giường ôm bụng kêu rên: Sao cái bụng nó đau thế này? Nước mắt chảy ra nhanh như chớp lóe. Tôi khóc ròng nhấp nhô hai vai rồi nuốt nước mắt, rồi nuốt tiếng khóc. Tôi cực quá! Tôi khổ quá… Trời ơi! Sao cái bụng nó đau như thế này.

Trên bàn, chiếc ấm điện nấu nước màu trắng sáng loáng cho tôi soi khuôn mặt tôi, khuôn mặt phản chiếu dài ngoằng ra có chiếc cằm nhọn hoắt, dưới khuôn mặt khúc cổ cũng dài như cái ống bương, tôi nhìn tôi đang ôm bụng kêu đau trong đó. Ngày mang thai đứa con đầu đời, ngày vợ chồng quyến luyến bắt hơi nhau, tôi ngồi ở ghế salông gập người lại kêu đau bụng, tôi nằm lăn ra trên giường vật vã kêu đau bụng, tôi khom lưng bên máy nước kêu van vừa đau lưng đau bụng vừa mỏi hai đầu gối.

Tôi báo động khi cái thai ba tháng: Anh Nghiễm ơi, em đau thắt ở chỗ này… ở chỗ này, nó không máy nữa, nó chỉ móng một cái nhè nhẹ thôi. Tôi huyên náo lên khi con được năm tháng trong bụng: Anh Nghiễm ơi, em đau lưng quá, không biết đau ở đâu mà chỉ, đau không có diện tích, hai ngày nay em không đi cầu được, cái thai yếu quá, yếu quá, em sợ quá. Sáu tháng tôi la, bảy tháng tôi la. Tám tháng tôi la: Anh Nghiễm ơi, em đau quáng quàng lên rồi, hai đầu gối rời ra khỏi chân rồi, chết, chết mất, chắc đẻ non mất… bây giờ mà đẻ thì con chỉ nặng có hai kí lô làm sao mà nuôi… Nghiễm nhổm lên nhổm xuống, Nghiễm múa rối hai bàn tay, Nghiễm vỗ vỗ bắp đùi, Nghiễm lồi hai con mắt ra, làm sao bây giờ, làm sao bây giờ, đi bác sĩ, đi nhà thương, tại em hay cử động nhiều quá, em hay chạy theo con Thảo con Trâm…

Tôi nằm xuống nhìn nhạt nhòa chiếc ấm điện nấu nước màu trắng sáng loáng.

– Khanh.

Tôi quay lưng vào tiếng kêu.

– Khanh.

Tôi quay mặt lại với tiếng kêu.

– Hết đau bụng chưa?

– Hãy để tôi yên với cái sức khoẻ của tôi.

Nghiễm ngồi dậy mím môi nói:

– Hãy giải thích thái độ của cô trong cả tuần lễ này.

Cho tôi một nụ cười để thế vào câu trả lời. Tôi đòi xin một nụ cười vì tôi đã hết cười được dù là cười gượng, dù là cười gằn, dù là cười mũi. Nghiễm đã bảo rằng cả tuần cái mặt tôi sưng lên bằng trái mít nặng nhất và nhiều gai nhất. Nghiễm bảo rằng cả tuần nay tính tình tôi thay đổi toàn bộ như một công khai để lộ chân tướng và nguyên hình. Nghiễm đã bảo rằng cả tuần nay tôi câm nín, tôi lạnh lùng bằng cả khối tuyết đè lên người chàng. Tôi về sớm, tôi tới trễ, tôi nhạt nhẽo, tôi cau có… Và tôi đã không bảo Nghiễm: Cả tuần nay tôi nặng, tôi lạnh, tôi khóc, tôi nghiến răng, tôi cau có, tôi hành hạ tra tấn, tôi tùng xẻo tôi vì từ đầu tuần tôi đã quan sát một thế trận ngoại tình của anh, một thế trận trong bao nhiêu thế trận khác của anh dàn ra.

Trên bàn, chiếc ấm điện nấu nội dung màu trắng loáng phản chiếu kiểu ngồi cong lưng, thẳng chân của tôi, kiểu ngồi của kẻ tình bại không biết kêu la đập phá trả thù hành hạ và không biết rên lên những tiếng hừ hừ thảm hại. Nghiễm nói:

– Cả tuần lễ nay cô vậy… Xưa nay cô hiền lành ngoan ngoãn phục tùng. Hay là, bây giờ tôi bệnh hoạn đau ốm, cô chê tôi, cô cưng ai. Tôi nói thật, cô cưng ai thì cứ đi theo người ta đi, tôi không giữ.

Tôi thở hắt ra một tiếng hừm và tôi cũng chỉ trả lời bằng một tiếng hùm. Nghiễm đay nghiến:

– Hay là bây giờ tôi thất nghiệp, tôi không kiếm ra tiền, tôi ăn bám cô, nên cô khinh tôi.

Tôi đưa hai bàn tay ra chới với, rồi hai bàn tay trở về bịt miệng tôi lại, miệng Nghiễm vẫn mở ra nói:

– Hay là cô nghĩ rằng bây giờ cô nuôi tôi nên cô khinh rẻ tôi.

Mặt Nghiễm đỏ hơi hơi như ý nghĩ của chàng vừa thấm men rượu. Sự khó chịu nổi từng mụn ngứa chích thịt đau nhức, sự hổ thẹn lan ra từng mảng đốt nóng cả hơn hai lít máu trong người. Tôi hổ thẹn vô cùng, tôi trẽn trơ vô cùng, tôi mắc cỡ vô cùng, và tôi áy náy thổn thức, tôi xót xa vật mình, tôi điên tiết không chịu nổi. Nếu trong giấc mơ tôi có đấu chuyện với cõi hư vô: tôi có góp một đồng tiền trong cơn đau của Nghiễm. Không, không, bây giờ Nghiễm đau tôi chỉ không sung sướng bằng hồi Nghiễm lành mạnh mà thôi. Không, không, bây giờ Nghiễm bệnh, tôi thiếu sự đầy đủ của lúc Nghiễm còn khoẻ khoắn… Hồi trước, cách đây mấy tháng, chồng tôi nuôi tôi lút mày lút mặt, chồng tôi cho tôi ăn nho, ăn ổi, ăn chả giò, ăn củ đậu, cắn ngập hai hàm răng, chồng tôi cho tôi may mặc kín mít cả khổ người, chồng tôi cho tôi tiêu pha tiền như lá mít.

Tôi ôm lấy ngực:

– Anh đừng nói nữa, tôi không nói lại với anh. Nếu anh còn tiếp tục nói kiểu đó nữa, tôi chắc rồi vợ chồng sẽ phải xa nhau …

Nghiễm đưa tay ra:

– Tôi cấm cô không được gọi chồng bằng ông, tôi cấm cô không được xưng tôi với chồng.

Tôi nín thinh, nhìn chiếc giường và muốn nằm xuống khi Nghiễm tiếp:

– Cái gì mà nói năng hỗn láo, ông ông tôi tôi… nghe không lọt.

Trước mặt tôi không nhìn thấy Nghiễm, không nhìn thấy cái ấm điện nấu nước màu trắng sáng loáng nữa, mà tôi nhìn thấy một bài toán chia lớn lao ngăn hai tôi và chồng. Tôi và chồng sẽ ly dị một ngày không xa… ly dị là cái kéo, là bức tường, là cái hố. Rồi cuộc sống bị chém đôi bị chặt ngang, bị cắt khúc, rồi một đứa sẽ tụt xuống hố, một đứa sẽ leo qua bức tường. Tôi sẽ leo qua bức tường dù chưa chắc bên kia là chỗ giải thoát bình an, tôi sẽ tuột xuống hố dù chưa chắc dưới đó là chỗ giải thoát bình an. Không biết đâu là đất lành, không biết đâu là tự do độc lập, không biết đâu là hạnh phúc no cơm ấm áo, nhưng dù sao… có gan lấy chồng thì phải có gan bỏ chồng, có gan đám cưới thì phải có gan phá đám, có gan động phòng thì phải có gan cô độc trong phòng. Nước mắt chảy ra thì lau, sụt bao nhiêu ký lô thịt thì uống bao nhiêu két sữa con chim vào, tóc rụng cả nắm thì mua đầu tóc giả chụp vào. Bước đường cùng của tôi là ly dị, tôi sẽ đi trên bước đường cùng có danh dự. “Đường em em cứ đi, nhịp chân trói vo, đường quanh lối co…” những câu nhạc Phạm Duy bất chợt vang về.

Tôi nằm xuống, duỗi thẳng hai tay cao hơn đầu, sực nhớ lại chiếc áo cánh sút đường chỉ ở nách, tôi vội hạ tay xuống. Tôi xoay mặt vào vách dong bàn tay ngắm nghía những đường chỉ rối rắm rồi úp bàn tay lên vách, nhấc ngón cái lên, nhấc ngón trỏ lên, nhấc ngón giữa lên, nhấc ngón út lên, không nhấc ngón vô danh lên vì ngón tay vô danh như một thân phận đàn bà làm việc nặng không nổi.

– Khanh.

– Chưa xong? Tôi quay ra.

– Cô gây ra chuyện rồi cô giả vờ ngủ không giải quyết chuyện.

– Tôi buồn ngủ quá rồi.

– Bộ cô tưởng hành động lộn xộn xong là ngủ dễ lắm sao.

– Thế anh làm gì tôi? Tôi bây giờ như một con tôm, tùy ý anh muốn ngắt đầu, lột vỏ, bỏ đuôi gì cũng được.

– Nói năng ẩu tả y hệt con Bích Khuê. Tô nhận thấy cô chơi thân với con bạn nào là uống nước đái con bạn đó, bắt chước y hệt.

– Anh không được hỗn. Một ngày gần đây, anh sẽ không có quyền gì đối với tôi nữa hết.

– Không những cô uống nước đái của con Bích Khuê mà cô còn uống nước đái của con Thảo, con Trâm nữa…

– Gì gì… người Huế tôi không quen nói năng thô tục. Tôi vùng ngồi lên.

– Viện binh của cô luôn luôn là mẹ tôi, cha tôi, em tôi, Huế của tôi hết… Ba mươi mấy tuổi đầu ròi mà còn ngu như một quả trứng. Nghiễm cười nửa nụ.

– Anh luôn luôn ăn cướp ý kiến của người khác, ý tôi không phải nói thế. Tôi lắp bắp.

– Nếu cô biết rằng cô lấy được một người chồng như tôi là nhất cho cô rồi thì cô không bao giờ nói vậy.

Bụng tôi đang cười thầm, tiếng cười của bụng nhẹ vang như tiếng đồng hồ reo. Những cuộc cãi vã của vợ chồng không bao giờ có đoạn đầu, không bao giờ có đoạn cuối… Thời con gái, nhiều đêm, tôi đã nằm nói chuyện với mấy con em khô cả nước miếng, khô cả nước bọt mồm, bây giờ tôi càng cãi nhau với chồng khô cả nước miếng, khô cả bọt mồm. Tôi nghe Nghiễm cử động bên giường Nghiễm. Nghiễm ngồi lên lấy chân tìm dép rồi bước qua giường tôi nằm xuống một bên.

– Lộn xộn vừa vừa nghe không! Đấm lưng cho anh, mỏi quá.

– Hừm.

– Đối đáp với chồng đâu có lộn xộn bừa bãi như với em út ở nhà được. Nghiễm bóp tay tôi.

– Tôi quan niệm anh là cái túi chứa dao găm, chứa thuốc nổ, tên độc và mõm nhọn, đá ngầm, thủy lôi. Tôi trề môi.

Con em tôi, con Trâm chưa lấy chồng mà cũng nói được một câu: Chồng là người lạ nhất đời ta, chồng cũng là người quen nhất đời a, nói với chồng câu nào cũng phải đắn đo cân nhắc vô cùng, từng cái vi, từng cái vẩy. Khi đưa ra một lời nói thì bảy phần thủ, ba phần công, không thì bị quật lại. Bích Khuê nói: Mi hãy đánh phấn, mi hãy đánh sáp, mi hãy mặc quần áo đẹp. Có tau dây, chuyện chi mi hãy nhờ tau, có tau đây.

Nghiễm đang thở vào tóc tôi, Nghiễm đang ôm cứng lưng tôi, đang mua chuộc tôi. Người đàn ông ngoại tình đành phải quay về mua chuộc vợ, nhân tình của họ khuyên họ thế. Thôi tôi hãy làm ngơ, thôi tôi phải nhận lãnh cái căn phần của mình trong thời gian ở với Nghiễm, thôi tôi hãy có thái độ chủ hòa để chờ ngày ly dị, thôi tôi hãy làm ra bộ mặt giả. Yêu giả, thương giả, ngoan ngoãn giả, cười giả, nói giả. Ở Huế, trong chợ Đông Ba, gần quán mợ Tài, có một gian hàng bày bán nộm tháng bảy, mặt hoa da phấn, biết yêu thương, biết cười cợt, biết nũng nịu, biết quyến rũ. Tôi sẽ là một con nộm tháng bảy. Và từ đó, từ xác thịt rỗng của hình nộm, có một cánh tay gỗ đưa ra duy trì hạnh phúc. Đôi môi he hé hình một cái hôn không đợi chờ và đôi mắt thì đã ngủ.

Sáng hôm sau, ý nghĩ của tôi vẫn còn liên tiếp: Chính mình phải tự giật dây mình trong hạnh phúc này, trong cuộc đời đôi này. Tôi đi rửa mặt, tôi đi đánh răng. Dòng nước nguội mát mẻ vỗ về đôi má và đôi hàm răng cũng cảm thấy tươi tốt khoẻ mạnh. Tôi hát lang bang: “Mắt thuyền sương nghiêng nón ngất ngây đời. Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi, cho ngon màu trìu mến ướt lên môi. Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường. Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương. Anh pha mực cho vừa màu luyến thương…”.

Nghiễm làm xong những công việc ở phòng tắm bước vào thì tôi đang trang điểm. Nghiễm nói trong tiếng cười nhẹ gay gắt:

– Đi về nhà thôi mà cũng đánh môi đánh má hàng giờ.

– Bộ tôi thức dậy từ một giờ sáng hay sao mà đánh môi đánh má hàng giờ?

Tôi hâm lại tô canh lòng gà nấu hôm qua, cho miến vào, rắc lên tí tiêu, trải tí ngò thơm.

– Em ăn miến gà luôn nhé! Nghiễm nói.

– Ăn không vô, giờ phút này em chỉ thèm ăn mãng cầu xiêm thôi.

Tôi nuốt nước miếng sau câu nói, cầm xắc, cầm túi ni-lông bước ra đường đón xe Lam về chợ Cầu Ông Lãnh mua me về dầm, mua khoai lang về làm mứt.

Comments are closed.