NHẠC SĨ TRẦN TIẾN: “Không được để mình thiếu vắng yêu thương”

LĐCT – 51 VIỆT VĂN THỰC HIỆN

clip_image002

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh HẢI NAM NGUYỄN

Trần Tiến, một nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình với hàng loạt tác phẩm nằm trong lòng công chúng yêu nhạc Việt trong các album “Du ca đồng quê”, “Tùy hứng lý qua cầu”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Ngẫu hứng”, “Tự họa”, “Có một thời như thế”… Ông đã nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. 

· NSƯT Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: “Không có nguyên tắc nào cho sự thành công!”

Cuộc đời Trần Tiến cũng ba chìm bảy nổi khá nhiều truân chuyên… Hỏi chuyện ông không dễ bởi truyền thông đã “khai thác” người đàn ông tài hoa cầm tinh Trư Bát Giới (ông sinh năm 1947) này quá nhiều rồi.

Ông từng nói không quan tâm gì đến sự nghiệp của mình. Không lẽ thành công đến với ông từ trên trời “đổ bộ”xuống?

– Tôi chỉ quan tâm đến ca khúc mình đang viết. Cho đến ngày nó hoàn thành. Rồi như thai phụ kia, cười nụ cười nhăn nhó, hạnh phúc nhìn đứa con chào đời trong tiếng khóc. Với tôi, viết xong là xong, không quan tâm gì nữa. Ca khúc tự nó có cuộc sống riêng, như đứa trẻ kia sinh ra là của đời. Bà mẹ phải đi theo con, nhưng nhạc sĩ không thể đi theo bài hát. Người sáng tạo mấy khi quay lại nhìn cái bóng của mình. Phải biết quên bài trước thì mới viết tiếp bài sau.

Còn sự nghiệp ư? Nó là một thứ hàng xa xỉ. Cái thời tôi sống, tem gạo mới có nhiều ý nghĩa. Nếu họa sĩ Van Gogh biết quan tâm đến sự nghiệp của mình thì ông đâu phải sống nghèo nàn, bệnh tật thế. Với ông, hạnh phúc là ở đầu cây cọ nhuốm màu và nước mắt. Còn việc trăm năm sau, thế giới có nghiêng mình với những họa phẩm lên tới hàng trăm triệu đô, thì có liên quan gì đến ông. Đấy mới là những thành công “đổ bộ” từ trời. Tôi thì làm sao được thế.

Bốn phương, lắm người tài giỏi mà suốt đời không ai biết đến tên. Ngược lại, không phải kẻ nào thành công khắp bốn phương cũng có thực tài.

Ngày xưa nhà khoa học Isaac Newton (Anh) nhìn quả táo rụng xuống mà tìm ra nguyên lý vạn vật hấp dẫn. Còn ông có hay ngồi dưới 1 cây na, cây bưởi hay cây mít nào không?

– Tôi ngồi trong hầm trú ẩn và lạy trời bom đừng rụng xuống như quả táo kia. Thế hệ tôi, đứa nào còn sống đến bây giờ, đã là “lời” lắm. Ông Newton mà ở đây, thấy táo rơi thì cũng “đớp” thôi, chắc chả tìm được gì đâu. Cái xứ này, những nguyên lý đơn giản còn không có, thì vạn vật có gì mà hấp dẫn.

Một người đàn ông có vẻ ngoài thô ráp, xù xì như ông lại có thể có những ca từ thủ thỉ như rót mật vào tai người nghe. Ông tìm đâu ra sự lãng mạn trong cái thế giới không thiếu bạo lực và khô cằn này?

– Lãng mạn lúc nào cũng nằm cạnh khô cằn và bạo lực. Có bao nhiêu người đánh mất đi sự lãng mạn, thì sẽ có một số ít người giữ lại tất cả những gì đã mất đi từ thế giới khô cằn ấy. Thế gọi là năng lượng không tự hủy, chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Vũ trụ là cửa hàng tự chọn. Welcome! Come in. Vấn đề ở chỗ bạn chọn cái gì.

Ông đã quá nhiều lần làm “mồi” ngon cho cánh truyền thông. Lần nào là ông tự nguyện và sung sướng nhất?

– Xin lỗi, bạn định hỏi mình có bao giờ làm mồi ngon một cách tự nguyện và sung sướng cho cánh truyền thông kiểu như gái gọi hoặc đĩ đực?

Ờ thì những kẻ mới nổi tiếng lớ ngớ gặp dân truyền thông như “bò lạc” gặp ma cô, bị “thịt” là tất nhiên. Nhưng tôi nghĩ họ bị lừa thôi, chứ làm sao mà tự nguyện và lại còn sung sướng được. Và bạn, tuy là dân truyền thông nhưng tôi nghĩ cũng là người tử tế đấy chứ!

Cái mạnh nhất của ông là cảm xúc. Ông đã mài giũa cảm xúc nói chung và ngũ quan của mình nói riêng như thế nào?

– Cảm xúc là cái gì Trời ban, nó mỏng manh và dễ vỡ. Chớ có dại mà đem đi mài giũa.

Nhà hiền triết Osho (Ấn Độ) cho rằng, thực chất người nghệ sĩ không sáng tạo gì cả mà chỉ làm dây dẫn (như một khúc tre rỗng) để Thượng Đế thông qua đó sáng tạo. Còn suy nghĩ của ông?

– Tôi thường gọi cái khúc tre rỗng ấy là ăngten thu phát. Trời ban mới được. Người nghệ sĩ cần chăm sóc, lau chùi cho nó nhạy cảm. Không có nó thì không hiểu thượng đế nói gì. Làm nghệ sĩ cũng cực như nhà nông. Phải cần cù, rèn luyện, nghĩ ngợi tìm cách thu lại tín hiệu của trời đất. Đó chính là vật liệu, là chất gây cháy. Hãy biết nhặt nhạnh chất vào kho đời mình, càng nhiều càng tốt. Đợi một ngày đẹp trời, Thượng đế đi qua ném cho que diêm, bùng cháy thành ngọn lửa sáng tạo. Lắm kẻ lười, không có gì để cháy. Thượng đế đến cũng như không.

Ông nổi tiếng là nhạc sĩ đa hệ, có thể sáng tác nhiều bài thuộc các dòng khác nhau… Ở một khoảnh khắc bất chợt, ông có bao giờ thấy thán phục chính mình? Và đâu là mùi riêng củaTrần Tiến?

– Người hay tự thán phục mình, thường có vấn đề về thần kinh. Kiểu như bệnh tự kỷ – tự huyễn hoặc gì đó. Họ có thể có tài, nhưng thường tài không cao lắm, lại hay giở giọng khinh bạc. Chắc tôi không đến nỗi thế.

Còn mùi riêng của tôi ư, làm sao mà tự biết được. Cú biết mình hôi, cú đã không hôi.

Cái chất lãng tử của một chàng trai Hà Nội đi vào ca khúc của ông như thế nào?

– Tôi cũng không biết lắm việc đi ra, đi vào của kẻ lãng tử trong bài hát của mình. Việc đó chỉ có người nghe mới biết. Còn tôi có gì thì nói thế, viết thế. Ghét sự điệu đà, và khó hiểu. Dị ứng với tất cả những gì không phải là mình. Nếu có viết về Tây Nguyên thì cũng là người thành phố hát về rừng rú. Nếu có đi về lục tỉnh viết nhạc, thì cũng là chàng trai Bắc kỳ đi tán gái miệt vườn, không giấu vào đâu được, và cũng chẳng muốn giấu làm gì. Được làm chính mình, là ước mơ muôn đời của kẻ sáng tạo. Nếu có tố chất lãng tử thì tự nó lộ ra kẻ lãng tử. Còn cố làm ra vẻ thì sẽ thành … “lãng nhách” mà thôi.

Người ta bảo ông rất cô đơn. Nhưng nghệ sĩ nào mà chả cô đơn (dĩ nhiên không bàn đến cô đơn “trình diễn”). Ông cô đơn vì không ai hiểu mình hay bởi vì bản thân ông nhiều khi không thể kết nối được với chính mình? Và khi coi mình là một người xa lạ, ông sẽ đối xử như thế nào với “hắn”?

– Đấy là người ta nói vậy, nghe cho nó sang, cho nó thương cảm, dễ mủi lòng phụ nữ. Tôi chỉ một mình chứ không cô đơn, cô độc hay đơn độc gì hết. Sáng tạo thì phải một mình chứ. Phải là kẻ lữ hành kỳ dị, kẻ leo núi lủi thủi. Làm việc nhọc nhằn một mình. Sống với những giây phút chán nản và thăng hoa một mình. Có khi phải đói khát, bệnh tật và “về trời” cũng một mình, đâu đó, trên con đường độc hành xa hút. “Bất đắc kỳ tử”, đôi khi phải chấp nhận chết cũng một mình, lặng lẽ, không ai biết đến.

Người nghệ sĩ suốt đời tìm kiếm cái mới để sáng tạo và cũng có nhiều người luôn đi tìm kiếm một điều gì đó rất mơ hồ mà bản thân anh ta cảm giác bị thiếu hụt. Còn ông đã và đang tìm kiếm điều gì cho riêng bản thân mình, kể cả sự trần trụi nhất?

– Con người suốt đời trăn trở đi tìm cái mình không có, thiếu hụt. Như giống đực đi tìm giống cái, như bầu trời tìm gió, như mùa đông tìm lửa. Như mặt trời thèm mặt trăng mà chẳng bao giờ gặp được. Đó là lý do nghệ thuật hiện hữu.

Còn tôi. Chả biết mình đang tìm cái gì. Bạn cần gì, cứ bảo. Tôi sẽ tìm cho, không còn gì mới trên đời này nữa đâu. Chỉ khác và thích hơn thôi.

Khi bất lực và bế tắc trong sáng tạo, ông làm gì để khơi dậy nguồn cảm hứng hay cứ để trôi mình theo tự nhiên và hy vọng một lúc nào đó, cảm hứng bùng phát như sự kỳ diệu của cuộc sống?

– Bạn nói đúng rồi đấy! Thả mình trôi đi, đừng cố bơi ngược dòng cho khổ cái thân. Làm văn, chứ có phải đấu võ đâu mà gồng lên thế.

Nhưng chờ cảm hứng bùng phát là cách của kẻ nghiệp dư lười biếng. Sát thủ không chuyên nghiệp còn đói nhăn răng, nữa là nghệ sĩ. Cảm hứng cũng như tình yêu. Phải tự đi tìm. Không có sự kỳ diệu nào trên đời cho không. Muốn trúng thưởng, thì ít nhất cũng phải mua vé số chứ.

Một nghệ sĩ khi đã đánh mất bản thể – bên trong của chính mình thì tác phẩm không còn thuần khiết với chính bản thân anh ta. Ông có đồng ý với điều đó không và có bao giờ lo sợ cho cái bên trong của mình thay đổi dần dần mà mình không cảm nhận được không?

– Không sai, bản thể đã mất thì tác phẩm cũng như con người trở thành vô tính. Vậy mà có thời người ta hò hét, cổ súy cho giấc mơ một xã hội ăn mặc, nói năng, viết lách, yêu đương… giống nhau như một bày đàn vô tính.

Tôi không sợ mình vô tính. Chỉ sợ mình vô duyên. Trời không ban cho khả năng yêu thương nữa. Đừng sợ bản thể đổi thay, mà phải sung sướng thấy nó đã đổi thay, chỉ cần nó chưa bị đánh mất, trái tim vẫn còn biết yêu.

Và quan trọng hơn cả, cuộc đời vẫn còn ai đó cần tới cái bên trong con người mình.

Câu hỏi cuối cùng: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của ông, ngày xưa và bây giờ?

– Ngày xưa, điều quan trọng nhất là không được để mình bị đói.

Bây giờ điều quan trọng nhất là không được để mình bị no.

Cả ngày xưa và bây giờ, điều quan trọng nhất là: Không được để mình thiếu vắng yêu thương. Dù chỉ yêu một nhành cây non, hay trót thương một con chó ốm.

Xin trân trọng cám ơn nhạc sĩ Trần Tiến, và chờ đón những sáng tác mới đặc sắc của ông!

Nguồn: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhac-si-tran-tien-khong-duoc-de-minh-thieu-vang-yeu-thuong-621316.bld

Comments are closed.