Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 2)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

Hà Nội, 15. II. 1987

Nhàn thân mến,

Nhận được thư Nhàn + thiếp chúc Tết của Trà ngay hôm 27 Tết, rất vui và cảm ơn các bạn. Nhàn không biết chứ chính mình dạo này cũng cảm thấy cô đơn ghê lắm. Cho gởi lời thăm Trà và tiện thể cho Trà xem thư nhé.[1] Với những bưu ảnh vào dịp Tết gửi cho bạn, Trà thật là dân thành phố chính hiệu. Mình lâu nay quên mất thói quen rất tử tế ấy, đâm ra cũng hơi thô trong quan hệ với bạn bè.

Mình có đem thư Nhàn tới cho Thảo xem vào đúng lúc gần giao thừa. Thảo và mình đều nhắc Nhàn như một người bạn rất giàu tình cảm mà lại cứ hay xấu hổ vì bộc lộ tình cảm.

Giờ thì mình nói chuyện tình hình văn nghệ bên nhà. Sau ĐH. 6, bây giờ ông Độ về Ban Văn hóa văn nghệ trung ương, có thể sẽ đưa ông Hạnh từ bộ GD về lại phó ban. Ông Hà Xuân Trường về làm “Tạp chí Cộng sản” và hôm 5 Tết vừa rồi, nhân đến thăm ông Quang Đạm, ông Trường có ghé vào “lều nát” của mình,[2] ông nói ông ấy sẽ thôi cả chủ tịch hội đồng LLPB bên Hội nhà văn. Như vậy cánh Đệ – Đức có thể núng thế. Tình hình có vẻ có ánh sáng. Nghe nói Đào Vũ đã đệ đơn xin nghỉ làm Q. tổng biên tập tờ “Văn nghệ” (có người cho vì Vũ đã từng tố cáo ông Độ nên giờ phải liệu đường, có người cho Vũ làm mình làm mẩy với lãnh đạo Hội để cắt chữ Q. cho được toàn quyền tổng biên tập; chưa rõ ra sao).

Ở Hội, việc kết nạp mình vẫn chưa xong, đúng là bọn họ cố làm chậm chừng nào hay chừng ấy.[3] Hội đồng lý luận phê bình mới thêm hai thành viên: ông Nguyễn Đăng Mạnh và Phong Lê. Hội đang đăng tin sẽ trao giải sách lý luận phê bình nghiên cứu 2 năm 85-86, và cả các chùm bài báo trong hai năm ấy nữa. Anh Mạnh bảo mình và Sử: giá mà Nhàn ở nhà! Nhưng nói khí thế là khí thế ngầm thế thôi, chứ ngoài mặt vẫn bê trễ, trì đọng lắm. Tức nhất là báo “Văn nghệ”, cụ thể là Đ. Vũ, cố tình không đăng cho mình. Hắn thù mà. Điều đáng nói mà ông Mạnh, mình và Sử nhận xét là: ĐV đang cố sức tập hợp những người phê bình trẻ không có quan điểm gì, không có đặc sắc gì, viết làng nhàng, kém cỏi nhưng đang muốn “nhoi ra ánh sáng” để lấy áp lực số đông đó pha loãng hoặc vô hiệu hóa những người có bản sắc, có ý kiến độc lập trong phê bình. Tuy nhiên, lúc này không ai ngăn được xu thế chung nữa. Dù vậy, trong phê bình tình hình vẫn phức tạp. Sắp tới, Hội nghị BCH Hội nhà văn tháng ba sẽ hứa hẹn nhiều pha vui. Người ta đoán là Nguyên Ngọc sẽ xuất hiện trở lại trong một vai trò nào đó.

Hiện giờ tờ tạp chí mà Hội xin, đã được phép, nhưng chưa biết sẽ tổ chức làm ăn ra sao. Nghe nói, Xuân Quỳnh, Xuân Tùng được mời sang tạp chí mới, nhưng có vẻ không muốn sang, vì muốn gắn với xuất bản. Mình cũng tự nghĩ là nên gắn chân với xuất bản, có làm gì cũng là làm thêm, là làm thuê thôi.

Ở nhà xuất bản ta, có mấy tin mới: hai cô Thư, Khuê đã từ hợp đồng thành chính thức. Thư làm ở tổ tái bản do Hòa là tổ trưởng. Anh Nam mới đi Nhật về (suất đi này của Hội). Anh Kiên thì đau luôn, sức khỏe không ổn. Mà hai vị ấy thực ra đang là những cây cột của cả xuất bản ta lẫn Hội. Thành thử mình và nhiều anh em thấy lo thay.

Về cuốn sách chung của bọn ta,[4] bọn mình phải “đấu” nhiều lắm, vì nội bộ nhà Văn học cũng phức tạp. Quả tình, có xúc tiếp với cán bộ của họ mới thấy ta lâu nay làm ăn kỹ lưỡng hơn họ nhiều. Sự thật là từ khi “nộp quyển” đến giờ, chưa ai trong số các biên tập, kể cả tổng biên tập (Tấn, Q. Huy, Lưu) để ra độ 20-30 phút nói chuyện nghiêm chỉnh về chất lượng và các vấn đề của bản thảo. Cứ gặp thì nói một câu rồi bỏ đi, và bỏ dở lại đó. Hôm trước nói đã xong, hôm sau lại nhắn một câu gì đó về một việc gì đó của bản thảo… Nhưng mình và anh Mạnh kiên trì bởi ta rất cần sách ra. Mình đã nói thông báo của Nhàn với anh Mạnh, Sử, Thảo. Tất cả đều tán thành.

Luôn thể, Sử và mình thường hay nghĩ đến một thứ chuyên luận về 10 năm văn học vừa qua. Có rất nhiều điều cần nói, để tác động vào văn học. Và nghiệm ra, hầu hết các đấng bậc từ Đệ, Đức đến P. Lê đều căn bản không nắm được, không nhìn ra được diện mạo và vấn đề của 10 năm gần đây. Vậy thì bọn ta tự tin, phải viết. Nhưng in ở đâu. Sử đã định gõ cửa vài chỗ, nhưng không dễ lắm. Tốt nhất là in ở Tác Phẩm Mới, nhưng mình chưa dò thử ông Nam, ông Kiên. Trong chuyện này, mình và Sử lại đã có sách ở Tác Phẩm Mới, liệu có nên chọn chỗ này không? Nhàn nghĩ hộ xem, và nếu có thể, qua thư, Nhàn gợi ý giúp xem.

Nhân Nhàn nói đến cụ Д. Лихачев [Dmitry Sergeyevich Likhachev, 1906-99, học giả Nga]. Những bài Nhàn kể, mình chưa có báo về. Vả lại cũng chưa biết làm thế nào, vì nó riêng quá, báo nào chịu đăng không? Tuy vậy, mình và Sử định dịch một tập tiểu luận của cụ Д. Лихачев. Nhà xuất bản KHXH có thể nhận in. Mà sách thì tìm chưa ra. Mình nhớ có cuốn gì ra gần đây của cụ nhan đề hình như là “ЛитератураРеальность” [Literatura – Realnost = Văn học – Thực tại] hay gì đó. Nhàn có kiếm giúp sách được không. Bọn mình định chọn các bài lẻ của cụ cộng với một số đoạn trong Thi pháp văn học Nga cổ, luôn thể sẽ chọn một bài đầu sách. Nhàn thấy thế nào. Nhàn tham gia nữa nhé – dịch vài ba bài gửi về và gợi ý dàn bài chung. Có sách chung cho vui, được không?

Lại nói đến Бахтин[Bakhtin, 1895-1975, học giả Nga]. P.V.Cư chậm trễ quá, đến một trang đề cương để mình làm hợp đồng mà cũng không có. Quả là người làm việc cũng phải hơi nghèo một tí có lẽ mới hay. Đầy đủ quá, chẳng ai muốn làm gì.

Mình mới tổ chức thêm một đầu sách về Đại hội Nhà Văn Liên Xô lần vừa rồi, theo đề nghị của anh Vũ Tú Nam, sẽ ra thành sách riêng. Anh Hoàng Ngọc Hiến chủ trì. Hợp đồng cuốn “Nam Cao con người và tác phẩm”, mình đã đến anh Nguyễn Hoành Khung lấy đề cương và ký hợp đồng.

Trong thời gian tới, mình phải làm gấp quyển A. Бочаров của Bích và quyển đại hội nhà văn Liên Xô của anh Hiến, đều là hai quyển dịch, để kịp ra vào kế hoạch bổ sung 87. Còn 88, đã duyệt xong cuốn Trần Thanh Địch. Anh Nam bảo đổi tên sách vì thực chất nó không có tính chất giáo trình, chuyên luận… Mình đang nghĩ thêm. Kế hoạch 88 chưa xác định, vì ban lãnh đạo chưa bảo làm. Nhưng mình tính sẽ là các cuốn: Tô Hoài, Trần Thanh Địch, Ngô Thảo, Phương Lựu, cuốn của nhóm tư liệu 10 năm văn học… Nói chung nếu đầu sách chưa được tăng thì bản thảo vẫn còn đọng, nghĩa là vẫn gay, dù rằng tăng lên thì chính biên tập sẽ mệt.

Hôm sau Tết, mình có đến thăm nhà Nhàn, lúc ấy Yến vừa đi làm về và cu Nam sắp đi học. Nhà hơi vắng vẻ – hẳn rồi – nhưng ngăn nắp và vẫn khá đàng hoàng. Cô Thư cùng đi nên trong lúc hai chị em nói chuyện, mình ngắm giá sách của Nhàn và thấy nhiều cuốn (tiếng Nga) hay quá. Tiếc là Nhàn vắng mình không dám mượn, sợ đánh mất, sau lại khó kiếm.

Mình vẫn ở như thế: chật chội, vợ chồng hay phải chia nhau về dưới bà ngoại các cháu, công việc nhiều nên không phải lúc nào cũng vui vẻ.

Hiện giờ, sau ĐH. 6, không khí xã hội có vẻ chuyển ít nhiều, nhưng mọi thứ đều không dễ dàng. Càng ngày người ta càng thấy là chẳng có đũa thần nào cả, nhưng kiên trì tạo ra các chuyển biến thì người ta lại đã quá mệt. Người làm việc, làm được việc thì ít quá. Ngay trong văn nghệ, nếu nhìn về phía trước để thấy đã sắp đến lúc làm được nhiều điều, thì mới cảm thấy là thiếu người làm, thiếu chỗ làm (báo chí) ghê gớm. Mà nếp làm cũ, thờ ơ nhạt nhẽo, thì đầy rẫy ra, quá quen rồi, người ta không muốn thoát khỏi làm gì. Cái chuyện giải thưởng văn xuôi 85 (đang xét và sắp công bố) làm cho mình tức quá: quyển Hồi ký của Đặng Thai Mai được xếp thượng hạng thì người ta coi dòng chính của văn học hôm nay là gì nhỉ? Ấy vậy mà bà chị Th. Mai lại hý hửng. Quyển Mùa lá rụng… xoàng thế mà cũng được đánh giá cao còn hơn cả Bến quê của ông Châu. Nghe nói ông Châu gửi thư tới hội đồng này xin không nhận giải. Kể cũng hay. Mới thấy ngay trong giới sáng tác “chóp bu” thì các thị hiếu cũ trong xem xét văn học vẫn còn nặng lắm, không phải chỉ có phê bình mới là kém cỏi đâu.

À, hôm nay gặp Quân ở khai mạc triển lãm tranh Lưu Công Nhân, mình đành cho Quân cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam[5] Quân tặng, vì Quân không còn cuốn nào, nhân có 4 người trong đoàn nhà văn Liên Xô đang thăm Việt Nam, mình định gửi theo họ cầm thư nàyvề cùng. Nếu nhận được Nhàn viết cho mình biết nhé. Tháng 3 này cuốn của Sử sẽ ra, nếu cuối năm Sử sang làm диссертацию на степень доктора филологических наук [= luận án bậc tiến sĩ khoa ngữ văn học] chắc sẽ cầm sang. Nhàn bảo Trà chuẩn bị cho một chuyên luận gì để chào hàng với Tác Phẩm Mới đi chứ (cuốn lý luận cũ, có lẽ nên thôi đi, vì các bạn đã “xả” hết vào nhà Giáo dục rồi!). Thôi nhé. Chúc Nhàn khỏe, lấy lại cân bằng và làm những gì Nhàn thích. Mà nên vào sâu “làng Nga” một chút, chưa muộn đâu.

Rất thân mến,

LẠI NGUYÊN ÂN

 

Chú thích

[1] Lúc này Lê Ngọc Trà cũng đang ở Moskva, viết luận án tiến sĩ (sau này ở VN sẽ gọi là tiến sĩ khoa học) tại Đại học Lomonosov.

[2]Nhà ông Quang Đạm ở tập thể báo “Nhân dân” trong ngõ Lý Thường Kiệt; khi ấy Lại Nguyên Ân cùng vợ con cũng đang ở nhờ căn xép nhỏ 9 m2cũng trong khu tập thể ấy của thân phụ (vốn là cán bộ tài vụ báo “Nhân dân” đã nghỉ hưu và mới mất tháng 3/1986).

[3] Chỗ này là nói việc kết nạp làm hội viên Hội nhà văn; Lại Nguyên Ân được kết nạp vào Hội nhà văn từ 20.3.1987 (theo Thẻ hội viên cấp ngày 02.09.1987); từ khá lâu trước khi được kết nạp làm hội viên, L.N.Â. đã được cử làm thư ký Hội đồng Lý luận phê bình của Hội nhà văn VN.

[4] Cuốn sách viết chung nói đây là cuốn chuyên luận về thành tựu và các vấn đề củanền văn học Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam từ 1945 đến 1985, do nhà xuất bản Văn học đặt 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Trần Đình Sử; sách in lần thứ nhất nhan đề:“Một thời đại văn học mới” (in xong tháng 12/1987 tại Tp. HCM., 284 trang 13×19 cm), in lần thứ hai với nhan đề “Một thời đại mới trong văn học (in xong trong quý I/1996, tại Hà Nội, 332 trang 13x19cm).

[5] Sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Nguyễn Quân (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1982)

Comments are closed.