Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ cuối)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

III. Khép lại. “Đổi mới” bị quy phạm hóa. Mô hình “đổi mới” Việt Nam.

1/ Xã hội chính trị:

– Tình hình phe XHCN:

+ Sau thời điểm Đại hội nhà văn Việt Nam 4: CHDC Đức sụp đổ.

+ Diễn biến ở Czechslovakia, Ba Lan, Bulgaria…

+ Cao điểm: tháng 9/1991 Liên Xô tan rã thành SNG; Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo đất nước, tan rã thành các đảng CS hoặc XH tại các nước hậu Xô-viết.

– Trong nước:

– Những nghị quyết Đảng đưa ra những quy định thuộc kỷ luật Đảng, ví dụ:

+ Không được phủ nhận thành tựu cách mạng, không được bôi nhọ lịch sử quá khứ

+ Khác ý kiến chỉ được nói khi bàn cãi, lúc đã biểu quyết thì phải nói theo kết luận của đa số −> “kỷ luật phát ngôn”.

+ Quy định các cấp ủy Đảng địa phương (tỉnh, thành phố) quản lý kiểm soát báo chí đóng trên đất địa phương mình.

– Một số quy chế luật pháp mang tính chất răn cấm, hạn chế phát ngôn:

+ Luật báo chí 1990: −> không có báo chí tư nhân; báo chí có “cơ quan chủ quản” (không có quy chế báo chí như organs /cơ quan ngôn luận/ trực tiếp với xã hội)

+ Luật xuất bản 1991 (?):−> không có xuất bản tư nhân; các nhà xuất bản phụ thuộc “cơ quan chủ quản”.

– Đảng cộng sản “vận động” các Đảng xã hội, Đảng dân chủ tuyên bố tự giải thể (trong việc này vai trò nổi bật là Trần Trọng Tân khi lên làm Trưởng ban tư tưởng văn hóa trưng ương) (khoảng 1989, 1990)

– Việc “tự” đóng cửa của các báo Độc lập (của Đảng dân chủ), Tổ quốc (của Đảng xã hội).

– Đại hội Đảng VII (1990) về cơ bản hình thành đường lối chính trị của Đảng trong tình hình mới.

– Khi Liên Xô đổ: Tổng bí thư Đỗ Mười và ủy biên Bộ chính trị Đào Duy Tùng tổ chức gặp gỡ các trí thức, văn nghệ sĩ ở Tp.HCM. và Hà Nội, nghe ý kiến về sự kiện này.

– Bước ngoặt: nối lại quan hệ 2 nhà nước, 2 đảng cộng sản Việt Nam – Trung Quốc.

– 1995: Việt Nam vào Asean

– Có đầu tư nước ngoài vào kinh tế VN từ khoảng 1990 (?)

– Nội dung đường lối chính trị được gọi là “tiếp tục đổi mới” là:

+ kinh tế 5 thành phần, thực hiện kinh tế tư bản nhà nước, có kinh tế tư nhân, có mở cửa đầu tư, xóa dần độc quyền nhà nước về ngoại thương…

+ tiếp tục duy trì các thiết chế xã hội-tinh thần như cũ: Đảng cộng sản độc quyền nắm chính quyền, xây dựng ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa mang màu sắc cộng sản (hoặc nationlisme marxiste), một cơ cấu xã hội toàn trị (totalisme). Đảng kiểm soát chính quyền, chính quyền thực chất là của Đảng. Tóm lại thiết chế xã hội tinh thần hướng theo hình mẫu đã có trước 1986, tuy trong thực tế, tính thực dụng nổi bật hơn trước. Mô hình một xã hội socialiste totaliste ít nhiều chuyển dạng thành mô hình totalité natiolaliste kiểu châu Á, Đông Nam Á, tận dụng hệ thống chính trị đã được thiết lập trước 1986 (Đảng quần chúng kiểu Lenin + hệ thống đoàn thể quần chúng bao trùm mọi tầng lớp xã hội). Nhà nước (của Đảng) nắm toàn bộ các ngành kinh tế quan trọng, Đảng nằm trực tiếp các lực lượng vũ lực (an ninh, quân đội..) −> cơ chế bảo vệ quyền lực vững chắc.

2/ Văn hóa, văn nghệ

1/ Sự chấn chỉnh, uốn nắn bằng phê bình trên báo chí, bằng các biện pháp tổ chức

– Từ khoảng tháng 3/1990: các báo tiến hành một đợt phê phán rầm rộ: phê phán xu hướng “đổi mới cực đoan”, “phủ nhận thành tựu”, cố gắng trình bày các hiện tượng này như là gần với các hoạt động “chuyển lửa về quê hương”, “diễn biến hòa bình”.

– Cách chức một số Tổng biên tập đóng góp báo chí đổi mới thời đầu: Kim Hạnh (Tuổi trẻ Tp.HCM),…

– Việc bắt giam Dương Thu Hương (tháng 4/1991) được giới văn nghệ sĩ hiểu như sự răn đe đối với những người “đổi mới cực đoan”.

– 1991-1992: tổ chức thảo luận về một số tác phẩm từng được giải thưởng Hội Nhà văn (trao 1991, tranh luận 1992): Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, với dụng ý “hạ giá”.

+ Lý luận và văn học: cái được đưa ra tranh luận là những bài đăng trong cao trào đổi mới của Lê Ngọc Trà, sau này có trong tập sách. Hướng của tranh luận là uốn nắn các nhận thức “quá khích” thời cao trào đổi mới; người ta muốn chỉ ra những non yếu trong lập luận của Lê Ngọc Trà để diễu cợt, hạ thấp những tư tưởng đổi mới thời đầu.

+ Nỗi buồn chiến tranh: người ta cho cuốn sách là sản phẩm tinh thần của cao trào đổi mới: một cái nhìn khác về chiến tranh Việt-Mỹ, có thể nguy hiểm vì mở đường cho cách viết khác về cuộc chiến tranh (không theo cảm hứng anh hùng quen thuộc).

+ Lẻ tẻ: Phê phán Phong Lê, phê Hoàng Ngọc Hiến (đưa thuyết âm dương vào phân tích lý thuyết văn học), phê Lại Nguyên Ân (“văn học cán bộ”).

– 1996-1997: phê phán sách giáo khoa văn học, đưa tới việc ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình trực tiếp chỉ thị Bộ giáo dục cho viết lại 2 chương Sách giáo khoa văn học: khái quát về văn học sau 1945 và về tác gia Hồ Chí Minh; hướng sửa: nâng thêm sự đánh giá cao văn học cách mạng và tác gia Hồ Chí Minh; người viết cũ: Nguyễn Đăng Mạnh, người viết mới: Hà Minh Đức.

2/ Những phân hóa và phân cực trong giới nhà văn

– Tại Đại hội nhà văn 4: 2 phái; sau đó: + sự phân cực không thể hàn gắn. + sự phân hóa trong từng “phái”.

+ Phái “bảo thủ” tại Đại hội nhà văn −> sau hầu hết trở thành những người theo chính thống, lấy chủ trương của lãnh đạo làm chuẩn cho quan điểm, cho thái độ.

+ Tại Tp. HCM.: một nhóm chính thống hung hãn, viết bài đăng báo trung ương, tác động các cấp lãnh đạo trong các vụ việc cụ thể.

+ Tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc: số lượng nhiều hơn, nhưng số người hăng hái ít hơn.

Nói chung, từ 1990, phái này được dư luận chính thống yểm trợ, được đặt vào các vị trí lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức văn nghệ

+ Phái “cấp tiến” có những phân hóa:

những người bị tấn công, phê phán −> im lặng; gần như bỏ viết;

một số người “chiêu hồi”, trở lại phê phán phái cấp tiến dữ dội: Diệp Minh Tuyền, Trần Mạnh Hảo;

một số người, giữ chính kiến, viết ít hoặc chuyển phạm vi viết, hoặc chỉ tỏ thái độ khi thật cần thiết;

+ Số đông còn lại có sự giao động thường xuyên:

khi phái cấp tiến bị phê nặng −> họ tránh tỏ ra thiện cảm với cấp tiến, có khi cũng theo đuôi phê phán (phê miệng, không viết) các đại diện cấp tiến;

khi phái chính thống tỏ ra quá đáng đến lố bịch: −> họ cũng tỏ ra không hoặc ít liên quan;

vì quyền lợi thông thường (được đăng báo, được trợ cấp sáng tác, v.v.) họ thường thỏa hiệp tạm thời với các đại diện chính thống;

3/ Những nét mới trong điều kiện sống kinh tế – xã hội từ khoảng 1992 trở đi

– Kinh tế có phục hồi, phát triển, mức sống đô thị cao lên −> tâm lý thỏa mãn, bằng lòng với cuộc sống hiện tại trở nên phổ biến trong dân cư đô thị (cán bộ, thị dân…); xu hướng lo nâng cao mức sống vật chất (xây nhà riêng, lo các tiện nghi sinh hoạt, ăn mặc…)

– Trong giới làm khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội: Việt Nam là nước XHCN chậm áp dụng học hàm học vị, vì thế trước 1986, ngay các chuyên gia đầu ngành cũng ít quyền lợi, chỉ được coi như cán bộ thường. Khoảng từ 1989-1990: việc lo học hàm học vị trở nên có quyền lợi trực tiếp vì có những quy chế khuyến khích.

Trước 1990, việc chọn kế cận thường theo nguyên tắc lấy công thần (người có công lao, thành tích trong kháng chiến, công tác); từ 1990, chọn kế cận, chọn chức vụ: căn cứ bằng cấp, danh vị −> xu hướng chạy bằng cấp, nhất là trên đại học mạnh, kéo theo tiêu cực, bằng giả, hàm cấp giả, hư danh, ít thực chất kiến thức.

Từ 1990, các ngành khoa học được quan liêu hóa rất nhanh; các “chương trình dự án cấp nhà nước, cấp bộ” với nguồn ngân sách lớn hàng tỉ −> làm giàu nhanh chóng cho các cán bộ đầu ngành −> họ thỏa mãn, bằng lòng, sẵn sàng lên tiếng khẳng định bênh vực các quan điểm chính thống.

– Lãnh đạo cấp cao chuyển dần từ việc đề cao các giá trị của CNXH, của Marxisme, Leninisme, sang đề cao thường xuyên các giá trị dân tộc; từ internationnalisme chuyển sang nationalisme −> giành được đồng tình, đồng cảm của nhiều tầng lớp xã hội ít nhiều có học, thậm chí cả những lớp người ít học

=> tạo ra một quần chúng đông đảo sẵn sàng phản ứng gay gắt với những ý kiến táo bạo của một vài trí thức nào đó muốn phê phán dân tộc để tạo cơ sở nhận thức lý tính cao trong phát triển dân tộc.

– Nói chung đời sống xã hội và tinh thần có những sự cởi mở nhất định (do nhiều nguyên nhân: có đầu tư nước ngoài, sự có mặt người nước ngoài trên đất Việt Nam; cũng đôi khi do quản lý yếu kém, lỏng lẻo của giới viên chức các ngành); tác dụng của những phê phán, trừng phạt không gây hậu quả nặng nề như trước đổi mới (1986).

IV. Mấy nhận xét chung

1/ Những thành quả của văn nghệ đổi mới

1/ Đặt lại, nhìn nhận lại một loạt quan niệm văn nghệ mà các phạm trù, khái niệm của nó đã được chính thống hóa, quy phạm hóa bởi lý luận thời CNXH hiện thực (toàn phe XHCN, lấy quan niệm Liên Xô làm chuẩn) và bởi nền lý luận Việt Nam thời trước đổi mới.

– quan hệ văn nghệ – chính trị, tự do sáng tác,

– sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ

– văn nghệ – hiện thực

– réalisme socialiste

−> Đặt lại nhưng không giải quyết được; nhưng làm nảy sinh những lý giải (interpretation) khác nhau, có những lý giải trước đây chưa có.

−> Việc không giải quyết được các vấn đề này có giới hạn ở mô hình đổi mới quy phạm hóa về sau.

2/ Nhân đó, khôi phục danh dự và trả lại giá trị vốn có cho một loạt mảng văn học dân tộc, từng bị vùi dập hoặc hạ thấp:

+ Văn học tiền chiến; rõ nhất là Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính

+ Bài hát trữ tình tiền chiến

+ Tác phẩm của một số nhà văn từng can án Nhân văn – Giai phẩm: của Văn Cao, Hoàng Cầm, …

3/ Tạo khí hậu tinh thần cho sự nảy sinh những sáng tác có giá trị, có tìm tòi nghệ thuật và tư tưởng mới:

– Hiện tượng tác phẩm Dương Thu Hương (có thể nhìn khác nhau)

+ như con đẻ của văn nghệ bao cấp nổi loạn chống lại chính nó.

+ như hiện tượng văn học đại chúng có nội dung xã hội chính trị

– Hiện tượng sáng tác cuối đời Nguyễn Minh Châu: thế giới tinh thần thời bao cấp tự phê phán và tìm về các hằng số nhân loại chung.

– Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp

+ hiện tượng không thể có của văn nghệ thời bao cấp

+ đánh dấu chặng đường tìm tòi trở lại kiểu tư duy nghệ thuật phương Đông (sau gần một thế kỷ văn học Việt Nam học theo phương Tây) trong sự gặp gỡ với văn nghệ thế giới moderne và postmodesn.

– Hiện tượng Phạm Thị Hoài, “Thiên sứ”…

+ tư duy nghệ thuật của người Việt gắng theo kịp tư duy nghệ thuật thế giới.

+ phản ứng tình trạng văn minh trung cổ của xứ mình.

– Hiện tượng Nỗi buồn chiến tranh:

khả năng nhìn khác, viết khác về cuộc chiến tranh đã từng được nhìn và thể hiện theo một lối giống nhau.

=> Sau những hiện tượng này, nhất là sau sự xuất hiện các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều nhà văn thấy không thể viết như cũ được nữa. Nghĩa là văn nghệ thời bao cấp, đã thành một di sản lịch sử, người ta phải từ bỏ kiểu dáng của nó để làm kiểu khác, dù tìm về phía trước hay phía sau.

4/ Nói chung, không khí văn học, tâm trạng văn học, ý thức văn học mà hai năm đầu đổi mới tạo ra đã làm mất uy tín của mô hình văn học quan phương bao cấp, làm cho sau đó, rất ít cây bút sáng tác quay lại viết như thời trước: trong sáng tác họ viết khác đi, dù hay hơn hay dở hơn. Văn chương ca công tụng đức sau đó nếu còn cũng chỉ ở một bộ phận, hoặc còn lại (còn được tiếp tục) dưới dạng những hiện tượng bệnh lý (do cơ hội, do quá đơn giản, v.v.)

2/ Nhận xét mở rộng

A. Thử so sánh với vụ Nhân văn – Giai phẩm (NV-GP):

– Vụ NV-GP: Đảng CSVN nhận định là vụ án chính trị (chống Đảng, chống chế độ), chỉ có lỗi của việc xử lý những người vi phạm: hai năm treo bút kéo dài thành 20 năm. Tôi thấy nên nhìn vụ NV-GP ở hai khía cạnh: 1/ Sự đòi hỏi nới rộng dân chủ và tự do trong khuôn khổ xã hội XHCN, hưởng ứng những đòi hỏi tương tự ở Đông Âu đương thời (vụ ở Hungary 1956); 2/ Sự tranh giành quyền lực trong giới nhà văn, trong điều kiện tổ chức nhà văn bị thống nhất thành một hệ thống chặt chẽ (hiện tượng “nhà nước hóa”, “quan liêu hóa” các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong mô hình CNXH nhà nước) −> ai thắng sẽ có vị trí tốt về đời sống, về sáng tác, cả về khả năng để những tìm tòi nghệ thuật được thừa nhận.

– Trong cách nhìn của nghiên cứu quan phương: NV-GP là một vụ (vụ 56-57), cũng như các vụ về sau: vụ 1964, 1973, vụ 1979, và “đổi mới” (= vụ 1987-1988) là vụ gần nhất. “Đấu tranh tư tưởng” được coi là sinh hoạt thường xuyên để bảo vệ tính nguyên tắc, để văn nghệ đi đúng đường lối. “Vụ” tức là những sai lầm trở thành vụ việc, trở thành những đợt đấu tranh chống các quan điểm và xu hướng văn nghệ sai trái.

– Nhưng “đổi mới” hoặc cao trào 2 năm đầu, được bắt đầu (hoặc cùng khởi lên) từ Đảng Cộng sản. Cao trào 2 năm đầu, về xu hướng, đang hướng tới những tìm tòi mô hình dân chủ cho đời sống tinh thần, xã hôi. Những tìm tòi này bị chặn lại vì giới lãnh đạo chính thống đã chọn một mô hình khác áp đặt cho xã hội. (Cao trào đổi mới, cải tổ khiến khối cộng đồng XHCN cũ tách đôi: châu Âu theo quỹ đạo châu Âu, đa nguyên, dân chủ; phần châu Á giữ totalité về chính trị, thiết chế xã hội-nhà nước, chỉ mở về kinh tế −> dung hợp với các truyền thống quân chủ chuyên chế quan liêu hoặc chuyên chế quân sự cổ truyền, trên nền một trình độ nhận thức xã hội-chính trị tương đối thấp của phần đông dân cư). Đến đây, nhu cầu dân chủ của trí thức cấp tiến châu Á đối diện không phải với CNXH nữa, mà với xã hội phương Đông (Á châu) với những đặc điểm chậm tiến hóa, trì trệ của nó.

Ở khía cạnh có nhu cầu nới rộng tự do dân chủ, NV-GP có thể có nét gần với tinh thần đổi mới, nhưng nhu cầu phát triển dân chủ ở đổi mới thời đầu mạnh hơn nhiều.

B/ Nhược điểm lớn nhất là về sự chuẩn bị và về tổ chức

– Về tâm lý, phần đông giới nhà văn có tâm trạng chờ đổi mới, muốn được nới lỏng tự do để sáng tác theo mình muốn. Nhưng sự chuẩn bị ở từng người không chín muồi, dễ bộc lộ thành những phát ngôn nóng vội, phản ứng gây sốc mạnh. Sự chuẩn bị chung hơn cho các bước đi hầu như rất không kỹ lưỡng, chu đáo. (So với hệ thống báo chí văn học ở Liên Xô: đi dần dần từ công bố Những đứa con phố Arbat đến GULAG, đi dần từ việc hiểu lại các ý kiến riêng, ý kiến khác đến việc nhận thức cơ chế xã hội hiện hành, xem lại các lý luận cơ bản).

Sự thiếu chuẩn bị này cho thấy cả văn hóa chung lẫn văn hóa dân chủ ở nhà văn Việt Nam, ở trí thức Việt Nam đều thấp (thậm chí có nhận xét cho rằng ở dân cư Việt Nam chưa có văn hóa dân chủ; cái gọi là “dân chủ làng xã” chỉ gồm những quy chế tự quản áp dụng cho một cơ cấu, một không gian xã hội rất hẹp, đơn giản về trình độ phát triển).

– Về tổ chức: những nhà văn có tư tưởng đổi mới cấp tiến chỉ có thể, ở mức cao nhất là viết và đăng báo. Không thể gặp gỡ, bàn bạc, tổ chức việc triển khai ý kiến. Ngay trong cao trào đổi mới, những người thuộc phía “bảo thủ” có thể hội họp, gặp gỡ, liên kết với các quan chức, để triển khai kế hoạch tấn công trở lại, thậm chí cả kế hoạch “lật đổ” − tức là thay đổi cán bộ − ở những vị trí quan trọng. Những người “cấp tiến” không bao giờ dám làm như vậy, vì trong CNXH totaliste, mọi biểu hiện của sự liên kết, tập hợp đều dễ dàng bị coi là hoạt động chống đối, tương tự “hoạt động tội phạm có tổ chức” −> trở thành đối tượng truy tố của pháp luật. Trong tranh luận “cấp tiến” / “bảo thủ”: phía “cấp tiến” chỉ có thể vạch cái sai về lý lẽ, làm cho cái sai cũ mất uy tín, đôi khi không kìm được những khinh ghét đối với các cá nhân cụ thể từng dính vào cái cũ; nhưng phía “bảo thủ” thì có thể dùng nhiều thứ: những canon, tabou vẫn còn giá trị hiện hành, những tố giác, đe dọa…

C/ Nhược điểm từ truyền thống trí thức

– Nhà nho thời quân chủ: Giới này về cơ bản không có quan niệm dân chủ. Nhà nho chính thống: lý tưởng là trung với vua, triều đình, yêu quốc gia của vua, có trách nhiệm với dân. Bộ phận nhỏ nhà nho tài tử bộc lộ nhu cầu tự do cá nhân nhưng không có nhu cầu dân chủ cho xã hội.

– Từ đầu thế kỷ 20, văn hóa dân chủ từ phương Tây được một số nhân sĩ tiếp nhận, sau đó giới trí thức tân học (học vấn ở các trường Pháp Việt hoặc Pháp) thấm nhuần dần dần. Từ Phan Châu Trinh (những năm 1910-20) đến nhóm Thanh nghị (những năm 1940), tư tưởng dân chủ ở bộ phận cấp tiến của trí thức người Việt đã chín muồi cho những đề xuất về một mô hình tổ chức xã hội theo các nguyên tắc dân chủ tương ứng với các chuẩn văn hóa dân chủ của các nền chính trị tiên tiến.

Nhưng cao trào độc lập dân tộc với điểm đỉnh là Cách mạng tháng 8 rốt cuộc không lựa chọn mô hình (có thể nói là tốt nhất ở khía cạnh văn hóa dân chủ) của thiểu số cấp tiến ấy. Cái mà dân chúng Việt Nam chọn lựa, rốt cuộc là một mô hình có độ tương đồng cao với nền quân chủ chuyên chế mà lịch sử xứ này từng quen thuộc (mặc dù chính những người cộng sản tiên tiến nhất cũng không ngờ rằng cái mà mình lập nên, rốt cuộc lại là mô hình ấy). Bi kịch của sự lặp lại cái cũ này, ở một mặt nào đó, tố cáo tình trạng kém phát triển của văn hóa dân chủ ở cư dân Việt.

– Trong lòng chế độ XHCN, nhu cầu dân chủ bộc lộ dần dần, tuy hết sức hạn chế. Đó là việc nhận ra những sai lầm do hàng loạt thí nghiệm lý thuyết không tưởng du nhập vào đây: cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông thôn, quốc doanh hóa nền kinh tế quốc dân. Nhưng những cố gắng thoát khỏi sai lầm thường chỉ là các “giải pháp tình thế”, và yếu tố dân chủ chỉ được vận dụng ở những khuôn khổ hẹp với mức độ rất hạn chế.

Trí thức trong lòng chế độ là bộ phận nhỏ, là bộ phận “lao động đầu óc” hơn là intelligents, càng chưa thành giới trí thức (intelligentsia). Bộ phận khá lớn trong số này mau chóng trở thành viên chức cao cấp, thành viên hệ thống quan liêu −> xa lạ, dè dặt, thậm chí thù địch với nhu cầu dân chủ. Phần còn lại, thường cùng tình cảnh những người lao động lương ít, không có tài sản, sống lệ thuộc vào đồng lương. Hàng loạt yếu tố như phẩm chất, nhân cách, thái độ… bị dao động và lệ thuộc vào sự thích nghi tình thế. Tư cách người làm thuê lương thấp, nhiều ràng buộc −> khiến họ chỉ có thể có thiện cảm với nhu cầu dân chủ chứ khó có khả năng tham gia đấu tranh cho dân chủ.

Học vấn của các chuyên gia Việt Nam, trừ một số rất ít ngang trình độ quốc tế, còn lại đều thấp kém hơn. Văn hóa dân chủ, ý thức xã hội của họ cũng vậy.

Vì vậy, tư tưởng dân chủ ở trí thức Việt Nam mới chỉ chín muồi ở một số ít người. Tuy họ có ảnh hưởng xã hội, nhưng ảnh hưởng ấy còn chưa tới được số rất đông nông dân, dân thành thị.

(Ở nông dân, thị dân Việt Nam, các dạng chống đối vô chính phủ có thể bị nhận lầm là do nhu cầu dân chủ)

Phong trào đổi mới thời đầu gây được sự phấn khích trong xã hội, nhưng khi phong trào bị chỉnh hướng và khép lại, công chúng dần dần thừa nhận những đánh giá chính thống, những điều chỉnh chính thống, thỏa mãn với những cởi mở hạn chế về kinh tế, xã hội, tinh thần, bị lạc vào các mê cung của sự phục hồi các tục lệ, quan niệm cổ truyền vốn gắn với tư tưởng thứ bậc, quân quyền.

Ảo tưởng về giá trị Á Đông, về giá trị dân tộc mà các đám hỏa mù tư tưởng đang tạo ra khiến nhiều nhà nghiên cứu đang thành thực tin rằng dân chủ hóa không phải là con đường tìm kiếm của xã hội Việt Nam.

Xã hội Việt Nam chắc chắn sớm muộn cũng phải tìm đến con đường dân chủ, mà dân chủ hóa cơ cấu chính trị xã hội, cơ cấu quản lý đất nước là quan trọng nhất, cơ bản nhất. Nhưng còn phải qua nhiều chặng nữa, nếm trải thêm nhiều bài học nữa, cộng đồng dân Việt Nam mới có thể được thuyết phục rằng không có con đường khác. (1)

1998


(1) Trong việc đưa bản thảo đề cương vào sách này, tôi có một vài sửa chữa tối thiểu: thay đổi các loại ký hiệu (1, 2, 3; I.II, III; A, B, C; a, b, c) để phân chia các mục lớn nhỏ, vì trong nguyên dạng các ký hiệu này chưa được dùng thống nhất và hợp lý. Về nội dung, do nhận thấy tên gọi “Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương” mà đề cương dùng cho thời gian 1986-88 là chưa chính xác, tôi đã tham khảo loạt bài trên website của Ban Tuyên giáo Trung ương (http:tuyengiao.vn, loạt bài Ngành tuyên giáo của Đảng – Những chặng đường lịch sử) để sửa lại cho đúng là “Ban Văn hóa văn nghệ trung ương”. Ngoài ra, hầu như không sửa chữa gì so với bản gốc.

Comments are closed.