Truy cập internet là một quyền con người

Đặng Hoàng Giang, 09/11/2013

Cách đây đúng 65 năm, vào tháng 12 năm 1948, trên đống tro tàn toàn cầu mà chiến tranh Thế giới lần thứ Hai để lại, Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc thông qua bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, một khuôn mẫu chung mà các quốc gia cần đạt tới để bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm con người. Ba mươi điều của Tuyên ngôn là một tập hợp những điều mà mỗi người đều có quyền được hưởng, không thể khoan nhượng, chỉ đơn giản vì họ là con người. Quyền được sống và được an toàn cá nhân. Quyền không phải chịu cực hình, tra tấn, hay bị lăng nhục. Quyền không bị độc đoán xâm phạm vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín. Quyền sở hữu tài sản cá nhân. Quyền được hưởng giáo dục, quyền được tự do chọn việc làm, được nghỉ ngơi và giải trí.
Với sự phát triển tất yếu của xã hội, trong một tương lai không xa nữa, quyền được truy cập Internet sẽ được coi là một quyền cơ bản của con người.

Ảnh: Việt Nam hiện có hơn 1/3 dân số truy cập internet (nguồn: internet)

Năm 2012, tổ chức phi chính phủ quốc tế Internet Society tiến hành khảo sát trên 10,000 người sử dụng Internet ở hơn 20 nước, với kết quả 83% đồng ý với quan điểm “Truy cập Internet phải được coi là một quyền con người cơ bản”. Trong một trưng cầu ý kiến tương tự của BBC World Services với 28 nghìn người dân, trong đó có 14 nghìn người sử dụng Internet trên 26 quốc gia, tiến hành năm 2009-2010, 79% đồng ý với ý kiến trên. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể. Năm 2000, quốc hội Estonia thông qua đạo luật coi quyền truy cập Internet là quyền con người. Mười năm sau, Costa Rica, một nước thu nhập trung bình, ra một luật tương tự. Năm 2009, chính quyền Phần Lan công bố mỗi người dân “có quyền truy cập Internet băng rộng với dung tích ít nhất 1 MB”. Cũng năm 2009, một đạo luật của Pháp cho phép chính phủ cắt kết nối Internet của những người bị phát hiện là đã tải những nội dung vi phạm bản quyền bị Hội đồng Hiến pháp của Pháp tuyên bố là vi hiến. Ngày nay, dưới khía cạnh phát triển, quyền tiếp cận Internet được coi là quan trọng tương đương với quyền có nước sạch và điện. Tổ chức vận động “A Human Right” ước lượng rằng tại các nước đang phát triển, cứ tăng 10% độ phổ biến của Internet lên thì sẽ tạo ra thêm 1.3 – 2.5% tăng trưởng GDP. Hiện nay còn 4,6 tỉ người trên trái đất không có Internet. Tuy nhiên, đây không phải đơn thuần là một vấn đề của thế giới thứ ba – ngay cả ở Mỹ, có tới 5 – 10% người dân không có kết nối Internet đủ nhanh để sử dụng những công năng web cơ bản. 
Ngoài liên quan tới phát triển kinh tế, quyền sử dụng Internet có mối liên hệ chặt chẽ tới quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp. Năm 2011, trong một báo cáo lên Uỷ ban Quyền con người của Liên hiệp Quốc, Frank La Rue, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp Quốc về tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, nhấn mạnh “Internet là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của thế kỷ 21 để tăng cường tính minh bạch của bộ máy quyền lực, đẩy mạnh khả năng truy cập thông tin và sự tham gia của công dân để xây dựng những xã hội dân chủ.” Liên hiệp Quốc cũng tỏ ra lo ngại trước việc các quốc gia dùng những luật hiện hành hay tạo ra những luật mới để khống chế tự do ngôn luận trên mạng, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia hay chống khủng bố. Trên thực tế, chúng thường xuyên được các chính quyền vận dụng để kiểm duyệt nội dung và khủng bố người dùng internet bất đồng chính kiến. Trong báo cáo mới nhất của mình về tự do trên mạng, tổ chức quốc tế Freedom House nhận diện một xu hướng đáng lo ngại: so với 2012, tự do trên mạng ở 34 trên 60 quốc gia nằm trong báo cáo được đánh giá là xuống cấp. Trên toàn cầu, có mười kỹ thuật được các chính quyền dùng phổ biến nhất để xiết chặt tự do ngôn luận. Được dùng nhiều nhất là biện pháp ngăn chặn (blocking) và kiểm duyệt (filtering) thông tin trên mạng – đứng hàng đầu là Trung Quốc và Iran. Song song, các chính quyền yêu cầu người quản lý website, các báo mạng và các forum gỡ bài xuống một cách tuỳ tiện, mà không theo con đường của toà án. Một cách khác nữa là quy các bên thứ ba như blogs, báo mạng, diễn đàn, etc. chịu trách nhiệm về nội dung comment của người đọc, dẫn tới sự tự kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông này.
Như đã nêu trên, ngày cũng càng nhiều quốc gia ban hành các điều luật dành riêng cho việc kiểm soát các hoạt động online, phần lớn với ngôn ngữ không rõ ràng dẫn đến việc tuỳ ý diễn giải khi cần thiết, gây ra tranh cãi như Nghị định 72 của Việt Nam trong thời gian qua. Ở nhiều nước, các mạng xã hội như Facebook và Youtube, và các ứng dụng truyền thông như Viber hay Skype bị chặn. Sử dụng hệ thống do thám người dân ngày càng tinh vi, các kỹ thuật đánh phá, tấn công các website khác chính kiến, cũng như dùng đội quân dư luận viên để lũng đoạn các cuộc tranh luận online là các kỹ thuật khác mà các chỉnh phủ quốc gia hay dùng. Ở trên một phần tư trong số 60 quốc gia được đánh giá có xảy ra đánh đập, uy hiếp, doạ nạt blogger – ở Mexico và Syria, năm vừa qua đã có nhiều blogger bị giết hại. Cách cuối cùng mà các quốc gia thiếu dân chủ viện tới là đóng cửa toàn bộ mạng internet của đất nước, như từng đã xảy ra ở Ai Cập vào mùa xuân Ả rập năm 2011, ở Syria nhiều lần trong năm 2012, và ở Venezuala trong đợt bầu cử vừa qua. Một cách khác là không đóng sập hoàn toàn, nhưng làm mạng Internet chậm tới mức người dùng không thể tải xuống hoặc upload video hay sử dụng các dịch vụ mạng khác.
Trong thang điểm từ 0 (tự do hoàn toàn) tới 100 (mất tự do hoàn toàn) của báo cáo của Freedom House, có 17 trên 60 quốc gia được đánh giá được coi là tự do (dưới 30 điểm), trong đó Iceland và Estonia dẫn đầu với 6 và 9 điểm. 29 quốc gia được cho là bán tự do (từ 30 tới 60 điểm). Với 75 điểm, Việt Nam tụt dốc 3 điểm so với 2012, và nằm trong nhóm 14 quốc gia không có tự do trên mạng, cùng với những nước như Sudan, Trung Quốc, Cuba, Syria và Iran. Không cần phải nhìn tới các nước Bắc Âu, ngay trong khối ASEAN, Việt Nam cũng đứng cuối, thua xa Thailand, Indonesia hay cả Campuchia. Có lẽ chúng ta cần nhìn Internet như một công cụ hữu hiệu để phát triển đất nước, thay vì coi nó như một công cụ của các thế lực thù địch. Xu hướng toàn cầu là không thể đảo ngược: truy cập Internet và tự do ngôn luận trên mạng là một quyền cơ bản của con người.

Nguồn: http://dienngon.vn/blog/Article/truy-cap-internet-la-mot-quyen-con-nguoi

Comments are closed.