207.187 tỷ đồng mỗi năm biến đi đâu?

Mạnh Kim

 

Hồ sơ Panama Papers, cho đến thời điểm này, chưa thấy tiết lộ thông tin gì liên quan Việt Nam nhưng tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Global Financial Integrity (GFI, Washington DC; được thành lập năm 2006 với mục đích khảo sát dòng tiền phi pháp tuồn ra nước ngoài của các quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển) đã thống kê số tiền phi pháp được tuồn khỏi Việt Nam. Báo cáo GFI công bố tháng 12-2015 cho biết, từ năm 2004 đến 2013, các nước đang phát triển thất thoát đến 7,8 ngàn tỷ USD với tỉ lệ tăng trung bình 6,5%/năm – gấp đôi tỉ lệ GDP toàn cầu.

Dòng chảy tài chính bất hợp pháp (illicit financial flows) được định nghĩa là những phi vụ chuyển tiền hoặc vốn từ nước này đến nước kia. Gọi là “bất hợp pháp” bởi nguồn tiền được chuyển là tiền có được từ những hoạt động phi pháp chẳng hạn buôn lậu hoặc tham nhũng. Việc lập công ty ma ở những thiên đường trốn thuế được xem là phi pháp và việc cắn xé nguồn vốn ODA để tư túi và chuyển cất ở nước ngoài tất nhiên cũng không hợp pháp. Với Việt Nam, báo cáo GFI cho biết, dòng tiền phi pháp chảy ra nước ngoài đã tăng liên tục:

Năm 2004: 4,034 tỷ USD
Năm 2005: 4,665 tỷ USD
Năm 2006: 4,964 tỷ USD
Năm 2007: 5,473 tỷ USD
Năm 2008: 7,633 tỷ USD
Năm 2009: 13,054 tỷ USD
Năm 2010: 8,358 tỷ USD
Năm 2011: 11,967 tỷ USD
Năm 2012: 14,940 tỷ USD
Năm 2013: 17,837 tỷ USD
Tổng cộng: 92,935 tỷ USD (tức trung bình 9,293 tỷ USD/năm)

Trong bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (1-4-2016), kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh cho biết, “trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ”. Không chỉ vậy, nợ công Việt Nam đang tiến đến ngưỡng “chết chùm”. Chiếc đồng hồ đo nợ công toàn cầu (cập nhật liên tục) của The Economist (truy cập ngày 12-4-2016) cho biết, nợ công Việt Nam hiện là 94.854.098.361 USD, tức mỗi đầu người, bất luận trẻ nhỏ hay cụ già, ông bán vé số hay cô nhân viên ngân hàng, phải gánh khoản nợ công là 1.039,67 USD. Điều trớ trêu là con số tổng thất thoát tài chính Việt Nam từ 2004 đến 2013 như nói ở trên (92,935 tỷ USD), mà tất nhiên người nghèo không hề liên quan, lại khá gần bằng với con số tổng nợ công (hơn 94,854 tỷ USD).

Trong bối cảnh kinh tế co thắt và khủng hoảng ngân sách sâu, bởi chủ yếu tình trạng thu chi bừa bãi và lạm dụng nguồn vốn vay ODA, tức một nền kinh tế cực kỳ bấp bênh không an toàn, người giàu chắc chắn còn tiếp tục chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, như cơn sốt diễn ra lâu nay. Dòng tiền này dường như không được giám sát hoặc ngăn chặn. Cần biết, tổng ngân sách cho giáo dục năm 2015 là gần 225.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi năm lại có 9,293 tỷ USD (khoảng 207.187 tỷ đồng) được chuyển ra nước ngoài, một cách bất hợp pháp. Ai chuyển và bằng cách nào? Dĩ nhiên khi liệt kê hơn 140 quốc gia và công bố các thương vụ chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp hàng năm, GFI phải có nguồn. Họ không thể công bố bừa bãi mà không có bằng chứng. Chẳng phải tự nhiên mà Ngân hàng Thế giới tuyên bố ngưng cho vay ODA từ năm sau (2017).

Ngân sách khô hạn, tài chính quốc gia lại bị “xuất huyết”, đất nước xác xơ chỉ còn lại những tấm lưng nghèo. Người dân tiếp tục đối mặt với nợ chồng nợ, theo đà cơn sốt lễ hội tốn kém quanh năm và những công trình tượng đài chưa bao giờ mang lại phúc lợi xã hội và đóng góp cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Không dính dáng gì đến những cuộc “nhậu ngân sách” điên cuồng vô tội vạ, người dân bây giờ lại bị buộc phải “đổ vỏ”, phải gánh cái khoản nợ chết tiệt mà họ chưa bao giờ có trách nhiệm gây ra.

clip_image001

clip_image002

Nguồn: FB Mạnh KimMMM

Comments are closed.