Lịch sử và tính trung thực

Lê Học Lãnh Vân

Chắc chắn ngày 30/4/1975 có vị trí quan trọng trong lịch sử nước Việt. Ngày ấy đã lùi xa hôm nay bốn mươi bảy năm, nghĩa là trên hai mươi lăm năm và rất gần năm mươi năm.

Dấu hỏi được đặt lên một số chi tiết, trong đó có chi tiết về tác giả của câu tuyên bố đầu hàng được ông Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh trong ngày ấy.

Suốt một thời gian rất dài, người dân được nghe từ báo đài chính thống rằng một vị tướng là người soạn lời tuyên bố. Có những tiếng nói cất lên từ lâu rằng ông Bùi Văn Tùng mới là người soạn, nhưng mãi tới rất gần đây sự thật mới được phơi bày: ông Bùi Văn Tùng, chứ không phải vị tướng kia, là người soạn lời tuyên bố đầu hàng ấy.

Sự thật ấy có khó tìm không? Tới nay chúng ta biết rằng nhiều nhân chứng có mặt tại dinh Độc Lập khi lời tuyên bố được soạn thảo, các nhân chứng ấy còn sống hàng chục năm về sau. Trong đó có một nhân chứng đặc biệt, nhà báo Đức nổi tiếng Borries Gallasch, người đã cho xuất bản quyển sách nói về sự kiện đó vào thời khắc đó. Nhà báo Đức này đã khẳng định ông Bùi Văn Tùng soạn ra lời đầu hàng.

Khi lời tuyên bố được soạn thảo cách đây bốn mươi bảy năm, ông Bùi Văn Tùng là trung tá, chính uỷ lữ đoàn, còn vị tướng-hiện-nay là đại uý trung đoàn phó. Ông Bùi Văn Tùng về hưu sau đó, còn vị đại uý kia theo thời gian thăng chức lên tướng, tư lệnh quân khu. Câu chuyện lùm xùm tranh chấp “quyền sở hữu” câu tuyên bố đầu hàng kéo dài hàng chục năm, không được giải quyết sớm và dứt điểm phải chăng có lý do chức tước, quyền lực này?

Nếu tin theo nhà báo Đức Borries Gallasch và một số nhân chứng khác, chuyện lùm xùm kia là quá tệ, không đúng về mặt đạo đức, công lao của người này được vơ về cho ngưới khác. Đứng ở tầm mức cá nhân, chuyện như thế có thể xảy ra nơi này, nơi khác, trong hàng triệu con người, một vài người làm việc ấy cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Chuyện đáng nói là ở tầm mức xã hội, xã hội không có cách quản lý để bảo vệ và xiển dương các giá trị đạo đức, khiến cho cho việc trái đạo đức được dung dưỡng. Xem lại quá trình tranh chấp vai trò người soạn thảo lời tuyên bố ấy ta không khỏi thất vọng và rùng mình. Các nhân chứng, trong đó có cả ông Bùi Văn Tùng và gia đình, đã lên tiếng từ rất lâu, vậy mà sự cướp công ấy vẫn vững như bàn thạch trong hàng chục năm! Cấp trên và cơ quan của nhân vật có liên quan vụ việc không thấy cần thiết phải làm rõ một vấn đề xâm hại tới đạo đức như vậy sao? Mối liên hệ cá nhân có thể được đặt cao hơn các giá trị đạo đức kia sao? Các cơ quan chịu trách nhiệm hay có liên quan tới văn hoá, đạo đức đã có hành động gì? Giá trị đạo đức trung thực và công bằng bị coi nhẹ tới vậy sao? Bị coi nhẹ không phải ở tầm mức cá nhân mà ở tầm vóc tập thể, cơ quan có vị trí dẫn dắt xã hội.

Câu chuyện liên quan tới nhiều giá trị đạo đức, bài viết xin nhấn mạnh tới giá trị Trung Thực! Đây là giá trị rất cốt lõi vì là chất keo chính yếu kết nối các thành viên trong xã hội loài người. Khi không tin cậy nhau, những cá nhân, thành phần không thể hợp nên đội ngũ, nên xã hội, quốc gia…

Những ngày này trong xã hội đang dấy lên câu hỏi có nên đặt Lịch Sử là môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông không, nên dạy Lịch Sử như thế nào…

Lịch sử là những chuyện đã qua. Theo bản năng, ai cũng muốn biết những chuyện có liên quan tới cá nhân, gia đình mình, và xa hơn là cộng đồng, quốc gia, đã xảy ra như thế nào. Câu hỏi quan trọng nhất về lịch sử là những chuyện ấy có được thuật lại, chép lại một cách trung thực hay không! Trung Thực là một thuộc tính không thể tách rời Lịch Sử, Lịch Sử không trung thực không còn là lịch sử, bởi vì một định nghĩa rộng cho rằng Lịch Sử là “toàn bộ chuỗi sự kiện đã xảy ra gắn với nhân vật hay sự việc cụ thể” (Oxford Languages). Bàn về Lịch Sử, Chris Patten cho rằng “Khi xem xét quá khứ, sự thật có thể khiến đau đớn, nhưng trung thực vẫn là chính sách tốt nhất” (1). “Trung thực là chính sách tốt nhất” chính là quan điểm của văn minh phương Tây bắt nguồn từ nền văn minh Ai Cập cổ đại (Britanica, The History of Western Ethics) (2).

Câu chuyện vị tướng với lời phát biểu của ông Dương Văn Minh, và cách phản ứng của các cấp có trách nhiệm khi sự việc xảy ra có khiến người dân đặt câu hỏi về tính trung thực đối với những việc khác trong lịch sử không? Lịch sử gần với các nhân chứng còn sống và còn nhiều mà còn lùm xùm như vậy thì Lịch Sử xa hơn nữa như thế nào? Khi thiếu niềm tin vào tính trung thực của quá khứ được kể lại, người ta có muốn cùng nhau xây dựng và bảo vệ tương lai chung không?

Sự tin cậy trong xã hội chỉ được củng cố khi tính khách quan được tôn trọng. Những câu hỏi về các sự kiện xảy ra trong lịch sử gần và xa cần được nghiên cứu, điều tra bởi những tổ chức, nhóm người độc lập. Sự minh bạch các thông tin cũng có vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, biết bao câu hỏi cần được trả lời để củng cố lòng tin nhau trong xã hội…

Phải chăng đó mới là nền tảng của vấn nạn học sinh từ chối học môn sử và những người hiểu biết, quan tâm thì ngoảnh mặt hay cười buồn?

Tự do ngôn luận và tính đa chiều trong nhận định, thảo luận các đề tài lịch sử có vai trò gì ở đây?

Ngày 20 tháng 4 năm 2022

====================

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1) https://www.project-syndicate.org/commentary/historical-honesty-opens-societies-and-bolsters-democracy-by-chris-patten-2022-01

2) https://www.britannica.com/topic/ethics-philosophy/The-history-of-Western-ethics

Comments are closed.