Số liệu Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

 

Nếu các bạn quan tâm đến tình hình kinh tế, giáo dục, xã hội Việt Nam, thì chắc cũng như tôi, các bạn rất “đói” số liệu từ Việt Nam. Nhưng để tìm được số liệu mình quan tâm, dù chỉ là số liệu đơn giản, là cả một thách thức lớn. Có khi bạn sẽ chẳng bao giờ tiếp cận được dữ liệu. Lí do đơn giản là ở Việt Nam người ta vẫn có những quan niệm hết sức lạc hậu và “XHCN” về cung cấp dữ liệu cho công chúng.

Tôi thường quan tâm đến những vấn đề y tế, giáo dục, và khoa học Việt Nam. Và, vì quen với cách làm trong khoa học, tôi thường dựa vào những số liệu để phát biểu. Những số liệu hết sức cơ bản như dân số Việt Nam phân bố theo giới tính và độ tuổi, mà tôi nghĩ ở nước nào cũng công bố, nhưng lại rất khó tìm ở Việt Nam. Ngay cả hiện nay, các bạn thử vào trang nhà của Tổng Cục Thống kê (gso.gov.vn) sẽ thấy nhận xét của tôi là đúng. Thật ra, các bạn có thể không tìm được số liệu đó! Ngay cả cách trình bày của trang web này cũng có nhiều vấn đề cần bàn thêm, vì nó thiếu tính thân thiện, và rất … buồn cười. Ví dụ như nếu các bạn vào trang “Diện tích, dân số và mật độ dân số phân theo địa phương” (1) và yêu cầu số liệu cho cả nước và xuất thành csv file, thì chỉ nhận được có vài dòng, mà cũng viết bằng ngôn ngữ gì đó, không đọc được! Thật là … hết ý. Hiếm thấy một cơ quan Nhà nước nào mà làm việc kém hiệu quả như cái Cục này.

Còn Bộ Y tế thì coi như bó tay. Muốn tìm số liệu cơ bản về bệnh tật hay tử vong qua những năm cho cả nước hay tỉnh thành thì không bao giờ có trên mạng. Không biết trên giấy thì có hay không, và nếu có thì độ tin cậy cỡ nào. Nói chung, kinh nghiệm của tôi khi đi tìm số liệu về bệnh tật ở Việt Nam thì không nên tốn thì giờ, vì không có. Trang web của Bộ Y tế cũng không có tính năng tốt như các trang web khác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nói về cung cấp số liệu, trong các bộ thì phải nói là Bộ Giáo dục & Đào tạo là khá nhất. Khá ở chỗ Bộ cung cấp số liệu trên web về số học sinh, sinh viên, số giảng viên, số trường đại học, cao đẳng, v.v. (2) tương đối tốt. Tôi nói là “tương đối” thôi, chứ không thể xem là “tốt” được. Chưa tốt là vì số liệu thiếu cập nhật, và thiếu tính nhất quán. Số liệu của vài năm được trình bày theo hai, ba format khác nhau, làm cho người sử dụng không so sánh được. Có khi họ sai khá hiển nhiên như số liệu về giáo sư và phó giáo sư, nhưng tôi thử để xem họ có sửa không, thì thấy suốt 5 năm trời (cho đến nay) họ vẫn không thèm chỉnh sửa. Những số liệu giáo dục cũng còn thiếu. Chẳng hạn như nếu bạn muốn tìm số học sinh dự thi và số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của từng tỉnh thành thì không thể nào có!

Trớ trêu một điều là khi tìm số liệu về Việt Nam, tôi lại thấy nhiều ở các cơ quan NGO hoặc cơ quan nước ngoài. Muốn tìm số liệu về phân bố dân số hay tỉ lệ nghèo cho từng địa phương hay cho cả nước thì World Bank có hết, và họ cung cấp dữ liệu trên web (3). Chẳng những cung cấp số liệu, World Bank còn trình bày bằng biểu đồ rất chuyên nghiệp, rất đẹp, và rất linh hoạt. Mà, World Bank cũng chỉ sử dụng số liệu của Việt Nam mà thôi. Như vậy, rõ ràng trình độ của họ cao hơn các Bộ Việt Nam một bậc khá xa. Chẳng những thế, các bạn còn có thể vào trang web của World Bank download số liệu của từng tỉnh thành dưới dạng excel để tự mình phân tích cho mục tiêu của mình.

Tôi thật ngạc nhiên về sự miễn cưỡng của các Bộ và các cục của Nhà nước trong việc cung cấp số liệu cho công chúng. Ở nước ngoài, những cơ quan như cục thống kê (như ở Úc (4)) họ cung cấp số liệu rất dồi dào, và cũng như World Bank, họ làm rất ư là chuyên nghiệp. Nếu không tìm được trên web, các bạn có thể viết email hay đi thẳng đến trụ sở của cục thống kê và tha hồ ghi chép số liệu – hoàn toàn miễn phí. Họ giúp đỡ người sử dụng rất tận tình, chứ không hề tỏ ra “hành là chính” như ở Việt Nam. Rất có thể các quan chức Việt Nam vẫn còn suy nghĩ theo lề thói cũ, bao cấp và XHCN, nên cái gì với họ cũng là “bí mật quốc gia”. Dĩ nhiên, có số liệu là bí mật quốc gia, nhưng những số liệu cơ bản như tôi đề cập trên mà xem là bí mật thì chắc suy nghĩ và đầu óc của họ có vấn đề.

Gần đây, nhân dịp thảo luận về số liệu về giáo dục của Việt Nam, tôi rất kinh ngạc về một phát biểu của một quan chức. Vị này nói rằng bộ của vị ấy không muốn cung cấp số liệu ra ngoài, vì ngại công chúng dùng số liệu đó để phê phán và chỉ trích bộ. Vị này nói còn nói thẳng là cái bộ đó không thích bị các vị Việt kiều dùng số liệu để phê phán họ! Tôi đọc xong phát biểu mà không dám tin vào mắt mình. Một cái bộ lớn mà thiếu tự tin đến nỗi sợ người khác dùng số liệu để phê phán mình! Hình như vài quan chức không hiểu rằng cùng một số liệu có thể có vài diễn giải khác nhau, và Nhà nước phải “trưởng thành” để nghe những diễn giải khác nhau chứ. Nếu diễn giải sai thì lờ đi (hay nếu cần thì chỉnh sửa), nếu diễn giải đúng thì phải nghe. Tại sao phải sợ có người diễn giải khác mình – thái độ và suy nghĩ như thế là rất trẻ con.

Cần phải nói thêm rằng số liệu có thể dùng cho mục đích giáo dục nữa. Sinh viên có thể cần số liệu về dân số, bệnh tật, tử vong, giáo dục, v.v. để phân tích các xu hướng, trước là học, sau là cung cấp thêm một “bức tranh” mới. Càng có nhiều người sử dụng số liệu thì càng tốt, và phong phú. Một nhà nước mà giấu giếm số liệu chẳng những là một thể hiện của sự thiếu tự tin và bất minh, mà còn thể hiện sự lạc hậu của Nhà nước đó. Giấu giếm số liệu cũng có thể là “triệu chứng” cho thấy dữ liệu không đáng tin cậy? Do đó, tôi nghĩ Nhà nước nên minh bạch hoá số liệu như các nước phương Tây làm, hay như World Bank đã làm gương. Bạch hoá dữ liệu đem lại lợi ích cho xã hội.

====

(1) http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=714

(2) http://moet.gov.vn/?page=11.0

(3) http://www.worldbank.org/mapvietnam/

(4) http://www.abs.gov.au/

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Comments are closed.