Văn học miền Nam 54-75 (227): Nhật Tiến (20)

Người kéo màn: Tiểu thuyết kịch (kỳ 8)

                                          NGOẠI CẢNH

Đại lộ tận cùng bằng những thềm đá bước lên ngưỡng cửa hí viện. Con đường rộng mênh mông hun hút chay dài nom như một căn hầm tối. Vào giờ ấy, bốn bề vắng ngắt. Những chiếc xe xếp thành dẫy dài ở phía xế cửa hí viện nằm im lìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng một bác tài ngủ gục, cựa mình đập vào sườn xe kêu lục cục. Trời đã về khuya.

Bỗng từ xa, bóng của hắn hiện ra như một vật đen dưới ánh sáng héo úa của những ngọn đèn đường. Điếu thuốc đỏ rực trên vành môi. Tiếng giầy của hắn vọng lại âm vang hai bên hè phố. Hắn đi ngất ngưởng. Bộ quần áo xô lệch, nhầu nát. Chiếc cravate xoay ngược nằm vắt vẻo trên vai. Ở một bên túi, có chai rượu thò ra, cử động lúc lắc. Hắn đi về phía hí viện.

Một lát hắn đặt chân lên thềm đá. Bóng  dáng cô đơn của hắn in trên nếp tường trắng xám. Chung quanh hắn, khung cảnh trải rộng bao la. Mắt hắn nhìn xuống những đại lộ từ ba phía đổ về. Tay hắn giơ lên cao ẻo lả. Hắn tưởng tượng như mình đang đứng trước một đám đông quần chúng. Mộng của hắn là có thể lôi cuốn được họ bằng những tác phẩm do hắn viết ra. Nhưng càng viết hắn càng thấy mình cô độc. Sự cô độc làm hắn đớn đau dằn vặt mà hắn chỉ có một cách giải thoát độc nhất là lại quay về làm bạn với ngòi bút của mình trong những đêm dài khắc khoải. Thật là một cái vòng lẩn quẩn giam hãm hắn suốt cả cuộc đời. Một lát hắn quay lại nhìn lên những nóc nhà cao bằng đá xám. Dẫy đèn trên bảng đề tên hí viện đã tắt từ lâu. Nền trời thăm thẳm thấp thóang hiện ra mấy vì sao mù mờ yếu ớt. Bên cạnh hắn, những tấm biển quảng cáo vở kịch đứng chen chúc xô lệch. Dưới ánh sáng vàng úa từ ngọn đèn ở trong hành lang hắt ra, hắn đọc thấy :

Ban Kịch ÁNH SÁNG

                   lần đầu tiên long trọng trình diễn :

                         NGƯỜI KÉO MÀN

                   kịch phẩm bất hủ ……………….

Đọc đến hai chữ “bất hủ ” thì hắn nhão miệng ra cười! Hắn tự nghĩ sao mà thiên hạ dễ bịp nhau đến thế. Cái gì mà bất hủ. Đành là thứ ngôn ngữ quảng cáo, nhưng lãnh vực văn nghệ mà cũng phải dùng đến ngón quảng cáo ngoa ngôn như một món hàng thì cái nghiệp văn nghệ mà hắn đang theo đuổi sẽ là cái thứ gì ? Bất giác, hắn xòe bàn tay của mình lên chỗ có đề tên của tác giả rồi mắm môi xóa toẹt đi. Vừa đúng lúc đó thì hình như có ai vừa giật tay lên phía gấu áo đằng sau của hắn. Hắn giật mình quay lại. Một thằng bé  chừng lên sáu lên bẩy, quần áo rách rưới, mặt mũi vêu vao, chân dẫm đất, một tay đang xòe ra còn tay kia thì khoèo xuống như bị ai bẻ ngoéo một lần rồi vĩnh viễn nằm yên theo vị trí đó. Thằng bé cất tiếng :

– Con lậy ông, con lậy bà. Con tàn tật.

Hắn nhún vai, thò tay vào lục túi. Chẳng còn đồng bạc lẻ nào sót lại. Hắn móc cái bóp phơi ra. Toàn những tờ giấy chẵn. Hắn ngần ngừ. Bỗng nhớ đến cái kẹo chanh còn nằm trong túi, mặt hắn tươi lên. Hắn móc cái kẹo ra và dúi vào bàn tay của thằng bé. Hai mắt của nó chợt sáng rỡ. Nó quặp ngay mấy ngón lại để giữ chắc cục kẹo rồi lủi ngay vào một góc tối. Chưa chi nước dãi của nó đã ứa hết ra cả mấy cái chân răng.

Rời chỗ mấy tấm biển quảng cáo, hắn tiến lại phía cửa chính của hí viện. Qua song sắt của cánh cửa, hắn thấy người soát vé ngủ gục trên chiếc ghế gỗ. Rác rưởi, giấy vụn và những mảnh chương trình tràn ngập lối đi. Hắn chán nản quay ra ngồi xệp xuống thềm đá. Hai chân của hắn rã rời. Đầu hắn váng vất. Hắn có cảm giác mình đang là một con quay đã hết đà và sắp đổ xuống. Một lát, hắn mở nút chai rượu rồi đưa lên tu. Những giọt rượu chẩy lấm tấm trên lớp áo sơ mi trắng. Hắn thấy mát ở ngực. Hắn lại nhìn ra chung quanh. Lần này hắn có cảm giác như mình đang ngồi trên boong một con tầu trôi trên biển cả. Bóng tối chung quanh đầy mưu mô và đe dọa, nhưng sự đe dọa nếu có thì hẳn cũng không kéo dài như chính cuộc đời của hắn.  Ngày mai, lúc trời sáng, đại dương lại hiện ra với những vẻ hùng vĩ xua tan đi những bất trắc của bóng đêm. Hắn ước ao được ngồi trên boong tàu. Hắn sẽ cố quên tất cả mọi kỷ niệm đớn đau mà hắn đã dự vào một cách nhơ nhớp. Hắn rút trong túi ra tấm ảnh thằng bé đem soi dưới ánh sáng mờ nhạt. Hắn muốn được ôm nó vào lòng và hôn lên hai má bầu bĩnh của nó. Bây giờ thì hắn thấy chính nó mới thực là do hắn tạo ra mà còn ở lại vĩnh viễn trong lòng hắn .

Hắn cố gợi lại những ngày đến với Hằng. Những kỷ niệm như âm thanh mà hình ảnh chỉ như cây đàn đứt dây bị lãng quên trong một góc tối. Hắn không thể tìm thấy gì nữa hết. Lúc này tất cả như đều tan loãng ra và chỉ thấm vào lòng hắn một nỗi niềm đau xót. Hắn thổn thức với mình. Ngày hôm nay, hắn đã uống rất nhiều rượu. Nhiều hơn cả ngày vui nhất của hắn khi hắn thành hôn với thiếu phụ áo đỏ. Hắn đưa tấm ảnh lên môi. Nước mắt hắn long lanh trên hai hàng mi, ứa ra, rồi lăn  chậm chạp trên đôi má hốc hác. Lòng hắn thổn thức  “Con ơi ! Con ơi !” Hắn có cảm giác như chỉ lúc ấy hắn mới nhìn rõ lòng hắn nhất.

Một lát, hắn loạng choạng đứng đậy. Chai rượu lúc lắc trong túi. Men rượu đưa đầu hắn đi vòng quanh. Hắn lảo đảo tiến lại gần dẫy cửa sắt. Bên trong những tiếng vỗ tay rào rào vọng ra. À, thiên hạ đang ca tụng hắn. Hắn xòe bàn tay lên vuốt má bức hình của vai Nga vẽ trên tấm biển. Bột sơn dính vào năm đầu ngón tay. Khuôn mặt xinh tươi của thiếu nữ nhoẹt đi. Hắn vụt thấy như mình đang hành hạ cái mà hắn nghĩ trong đầu vốn có tên Sự Thực. Hắn muốn cấu xé. Hắn dùng sức xô mạnh vào tấm biển khiến cho nó đảo đi một vòng rồi đổ sập xuống. Ở bên trong, gã soát vé chợt choàng dậy. Hai người đối điện nhau. Ở giữa là những gióng sắt.

Gã soát vé : Ai thế ?

Tác giả : Tôi đây.

Gã soát vé: Muốn cái gì ?

Tác giả  : Mở cửa ra !

Gã soát vé : Thôi bước đi ! Đã buồn ngủ bỏ mẹ lại còn cứ ám quẻ !

Tác giả : Thì cho đây vào một tí !

Gã soát vé : Muốn ngủ thì tìm chỗ khác. Đây không phải cái chợ.

Tác giả: Không, tôi muốn vào xem  kịch. Vở kịch có vẻ hay đấy chứ.

Tiếng vỗ tay trong rạp lại vọng ra làm hắn hứng chí hơn. Hắn định đẩy cánh cửa sắt sang một bên, nhưng gã soát vé đã gạt phắt tay hắn ra rồi du mạnh hắn như xua một thằng điên. Hắn nói : “ Ô! Tôi là tác giả vở kịch đây mà”. Nhưng gã soát vé đã trả lời hắn bằng cách lùa chiếc khóa đồng vào hai cái móc sắt rồi bấm mạnh. Những cái bản lề ăn khớp vào nhau reo lên một tiếng cách khô khan.Vừa làm công việc ấy, gã vừa càu nhàu những câu thô tục. Gã nhìn vào mặt kẻ mới đến với một vẻ đầy khinh bỉ.

Đứng im một lát, tác giả nhún vai bỏ đi. Đằng sau hắn, tiếng ồn ào của khán giả vẫn còn vẳng lại. Đế giầy của hắn lê sền sệt trên thềm đá. Hắn ngất ngưởng đi vòng sang lối sau để vào hậu trường. Lúc bóng dáng của hắn vừa khuất sau dẫy hành lang tối hun hút thì ở đâu đó phía ngoài mặt tiền hí viện bỗng lại có cái giọng the thé cất lên :

– Cưng ơi! Cưng ơi! Tiên sư cha thằng nhãi con lại mất biến đi đâu rồi ! Cưng ơi !

                                             TRONG HẬU TRƯỜNG

Tiếng gõ cửa.

Lão kéo màn : Ai đấy ?

Tác giả :  Tôi!

Lão kéo màn: Tôi là ai?

Tác giả : (Khựng lại).

Bây giờ hắn lại cảm thấy mắc cỡ nếu tự xưng mình là tác giả.

Sau một giây im lặng, cánh cửa gỗ bật mở. Hắn lầm lũi tiến vào. Ánh sáng làm hắn chói mắt. Hắn ngồi xệp ngay xuống đống vải dùng làm biển ngữ chất bên cạnh lối đi. Toàn thân hắn mỏi rã rời. Hắn  muốn được ngủ ngay ở chỗ ấy.

Thằng bé : A! Ông tác giả đã đến xem phông cảnh mấy lần đây mà.

Lão kéo màn : Mời ông vào trong này. Từ chập tối người ta tìm ông đến mấy lần rồi.

Tác giả : Mặc kệ! Tôi thích ngồi đây và có lẽ tôi ngủ luôn tại đây không chừng.

Lão kéo màn: Kể ông cũng lạ. Kịch do chính ông viết ra mà ông lại không muốn vào xem.

Tác giả: Không phải không muốn mà là không dám thì đúng hơn.

Nói xong câu ấy hắn chợt cảm thấy xấu hổ. Thật ra từ chập tối, hắn cũng đã nài nỉ người bạn đường của hắn đến cạn lời để vào xem trình diễn đó thôi. Nghĩ thế, hắn bỗng thấy lợm giọng với chính mình. Tayhắn thò vào cổ chai rượu. Hắn lấy ra giơ lên ánh đèn. Lão kéo màn bật thành tiếng cười khành khạch.

Tác giả: Chúng ta đồng ẩm nhé !

Lão kéo màn: Thế thì còn gì bằng! Để tôi đi kiếm cái ly.

Tác giả: Ồ ! Khỏi cần, chúng mình tu !

Lão kéo màn: Chính thế ! Tu mới đã!

Tác giả: Tri kỷ! Tri kỷ! . .

Lão kéo màn: Ấy, tôi đâu dám.

Tác giả : Thật đấy ! Tôi  mà nói tri kỷ với cụ thì cụ ngượng chứ tôi đâu có ngượng.

Lão kéo màn : Vâng, có thể là thế. Tôi có cái tính hay xấu hổ.

Tác giả rúc lên cười. Hắn vỗ lia lịa lên vai lão già như mới tìm ra được một tri kỷ thực thụ. Lão kéo màn cũng cười theo một cách sung sướng. Lão đỡ chai rượu trên tay người đàn ông rồi đưa lên miệng. Những cọng râu của lão rung rung. Lớp da sần sùi trên khuôn mặt như căng lên. Hơi rượu như toát ra từ những kẽ chân lông lỗ chỗ.

Thằng bé : Ông cho cháu mượn cái hộp quẹt .

Tác giả quay lại chú mục nhìn nó rồi móc túi ném cho nó một bao diêm. Nó châm một mẩu thuốc thừa. Hai má nó hóp lại, cặp mắt lim dim. Hai luồng khói tuôn cuồn cuộn ra từ hai lỗ mũi. Sự khoan khoái làm nó toét miệng ra cười. Hắn nhìn thấy hai hàm răng của nó sún và nhỏ như răng chuột. Ngắm nghía nó một lát, bỗng hắn móc túi lấy ra bao thuốc lá hút dở và ấn vào bụng nó. Mắt thằng bé vụt sáng lên. Nó mở to mắt như muốn thu lấy hết cả hình ảnh của gã đàn ông. Rồi nó chồm dậy cầm gói thuốc nhẩy quẫng qua những cái rương đồ. Trong một chớp nó đã nằm vắt vẻo trên chiếc ván gỗ bắc qua xà ngang. Nó móc một điếu thuốc mới rồi truyền lửa từ điếu thuốc giở qua thuốc mới bằng mấy đầu ngón tay. Lần này nó nằm ghếch chân lên xà gỗ để thưởng thức điếu thuốc như một anh ghiền chuyên nghiệp. Tác giả nhìn theo nó, nhếch một nụ cười.

Lão kéo màn :  Coi chừng cháy đấy, ranh con ạ.

Tác giả : Con cụ đấy à ?

Lão kéo màn: Không, nó là một đứa con hoang.

Tác giảû: Bố nó là ai ?

Lão kéo màn: Kép hát !

Tác giả: Còn mẹ nó ?

Lão kéo màn: Đào hát !

Tác giả : Hơ ! Rõ ra là một sự kết tinh của mối tình nẩy nở trong nghệ thuật.

Lão kéo màn: Ông nói sao ?

Tác giả: Ồ, không. Tôi muốn nói rằng trên đời này không thiếu gì những đứa như nó.

Lão kéo màn : Chính thế.

Tác giả : Mà bố mẹ chúng là những kẻ yêu nhau.

Lão kéo màn : Chính thế.

Tác giả: Thật là phi lý.

Lão kéo màn: Ông nói sao ?

Tác giả : Tôi thấy buồn nôn.

Lão kéo màn : Coi chừng ông trúng gió. Để tôi dẫn ông vào nằm nghỉ trong kia. . .

Tác giả: Không! Tôi không muốn ngồi một mình. Tôi muốn nói chuyện.

Lão kéo màn: Vậy ông đừng uống thêm nữa.

Tác giả : Tôi chưa thấy say.

Lão kéo màn : Uống như thế là tới độ lì.

Tác giả: Tại sao thiên hạ im lặng quá thế nhỉ ?

Lão kéo màn: Thì người ta đang theo dõi vở kịch của ông. Mà đến đâu rồi nhỉ ? Coi chừng mải chuyện tôi quên mất cả kéo màn. Kìa ông đạo diễn đang tới. Ông ta thật là một người khó chịu. Hình như ông ta lại bực mình vì một cái gì đó đang xẩy ra trên sân khấu.

                                        (còn tiếp)

Comments are closed.