Charles Bukowski
T.Vấn chuyển ngữ
Charles Bukowski – 100 năm sau (Nguồn: kenneturner.com)
SAU CƠN SAY*
Một đêm, tôi lái xe đến trường đua Los Alamitos. Trên đường đi, lúc ngang qua một trang trại nhỏ, tôi nhìn thấy một sinh vật to lớn đứng sừng sững dưới ánh trăng. Tôi như bị thu hút bởi một cái gì rất kỳ lạ toát ra từ hình ảnh trước mặt. Sức hút của một thỏi nam châm, một thứ hiệu lệnh buộc tôi phải ngừng xe lại, ra khỏi xe và tiến đến gần nó. Tôi có thói quen ra khỏi xa lộ sớm hơn lộ trình, rồi tha thẩn lái xe chầm chậm ngang qua những nông trại nằm trên đường đi. Nhờ vậy, tôi có thì giờ để cho đầu óc tôi thư giãn, không bị áp lực của các màn cá độ sắp xảy ra đè nặng cân não và nhờ vậy tôi cảm thấy mình sáng suốt hơn khi lựa chọn con ngựa nào để cá cược vào. Tôi không có ý muốn nói là sẽ chọn được con ngựa về đích sớm nhất mà là cơ hội chọn đúng con tốt hơn. Lần này, thực sự là tôi không có nhiều thì giờ để ngừng lại. Tôi đã bỏ lỡ vòng đua thứ nhất rồi. Nhưng hiện giờ thì tôi đang bước về phía khu vực có hàng rào bao quanh.
Tôi đã đến sát hàng rào. Hiện ra trước mặt tôi là một con heo khổng lồ. Tôi chẳng có nhiều hiểu biết hay kinh nghiệm về công việc nông trang nhưng vẫn có cảm giác mình đang nhìn thấy một con heo lớn nhất trong đời. Nhưng cái hình dáng to lớn đó dường như không làm tôi cảm thấy một điều gì khác lạ từ con thú. Có một cái gì đó khác thường tỏa ra từ con heo, cái gì đó đã khiến tôi phải ngừng xe lại. Tôi cứ đứng đó nhìn con vật. Kìa là cái đầu. Tôi gọi đó là mặt vì vị trí của nó là nằm ở phía trước cái đầu. Nhìn khuôn mặt con heo kìa! Chưa bao giờ tôi thấy một cái mặt như thế. Tôi không thể quả quyết cái gì đã khiến tôi có sự so sánh như vậy. Mọi người thường hay giễu cợt về khuôn mặt xấu xí của tôi. Họ bảo tôi là một ông già xấu xí nhất mà đời họ được nhìn thấy. Nghe vậy, tôi lại cảm thấy mình kiêu hãnh về sự xấu xí ấy. Tôi đã gian khổ một đời để có được sự xấu xí ấy. Vì nó không phải là sự xấu xí bẩm sinh. Nó là kết quả của những gì tôi đã kinh qua và sống còn.
Tôi đã quên hẳn cuộc đua ngựa mà tôi định đến cá cược, quên hết mọi thứ khác. Trong đầu tôi bây giờ chỉ còn sự hiện diện của khuôn mặt con heo khổng lồ. Khi mà một khuôn mặt xấu xí này bày tỏ sự ngưỡng mộ đến một khuôn mặt xấu xí khác thì đó là một biểu hiện của sự thái quá hay đại loại như vậy, khiến người ta phải mủi lòng mà sẵn sàng tiếp nhận phần xấu xí còn sót lại của nhau, hay cái gì tương tự như thế. Thì đây, con heo này, nó có khuôn mặt xấu xí chưa từng thấy trong đời. Da mặt của nó nhăn nheo, đầy những mụn cóc và chĩa ra những sợi lông dài và chúng xoắn lại với nhau trông tục tĩu không chịu được, lại mọc ở những chỗ lẽ ra không nên mọc lông mới phải. Tôi nghĩ đến con cọp của Blake. Nhà thi sĩ kiêm họa sĩ của Kỷ nguyên Lãng mạn đã từng thắc mắc sao Thượng đế lại sáng tạo một con vật như con cọp. Thì đây, chúng ta có con heo của Bukowski và tôi hiện đang tự hỏi con heo đứng trước mặt mình được sinh ra từ đâu, bằng cách nào và lý do nào cho nó được ra đời. Sự xấu xí sâu thẳm nhất tái hiện ở khắp mọi nơi. Phải nói đó là một sự bí ẩn. Đôi mắt con heo đã nhỏ lại còn phảng phất vẻ ngu xuẩn, bần tiện. Nhìn đôi mắt, tôi có cảm tưởng tất cả mọi thứ độc ác, thô kệch mà người ta từng chứng kiến tận đẩu đâu nay về tụ họp và chọn nơi cư trú trong đôi con mắt chú heo khổng lồ này. Đó là chưa nói đến cái miệng và nổi bật là cái mũi – ôi sao mà nó tục tĩu, mất trí, nước dãi ứa ra đến khiếp. Chỉ nhìn cái miệng đầy nước dãi ấy tôi có thể tưởng tượng nó hôi thối biết là chừng nào. Đã vậy, phần thịt còn lại trên khuôn mặt lộ rõ sự thối rữa, bốc mùi và đang sẵn sàng rơi ra từng mảnh bất cứ lúc nào. Nói cách khác, toàn bộ khuôn mặt của con heo và cả thân xác của nó đã vượt quá cái khuôn nhận thức trong bộ não của tôi.
Một ý nghĩ nhanh chóng xuất hiện trong tôi – sinh vật này là một con người, phải – một con người. Ý nghĩ ấy, ngay lập tức, thiết lập một chỗ vững chắc trong đầu tôi đến độ tôi chấp nhận ngay sinh vật đang đứng trước mặt mình là một con người. Nó hiện cách tôi khoảng chừng 3 hay 4 mét. Có vẻ như nó đang tiến dần về phía tôi. Một nỗi sợ khủng khiếp bao trùm lấy tôi nhưng tôi không thể nhúc nhích được, dù là lui nửa bước. Dưới ánh trăng chiếu sáng, nó đang tiến đến gần tôi. Nó đã tới sát hàng rào và hướng đầu về phía tôi. Khoảng cách giữa nó và tôi đã gần lắm rồi. Đôi mắt bần tiện, xấu xí ấy đang nhìn thẳng vào mắt tôi. Cứ thế, chúng tôi đứng nhìn nhau một khoảng thời gian khá lâu. Con heo đó đã nhận ra một điều gì đó ở tôi. Và tia nhìn từ đôi mắt xấu xí, bần tiện kia trông như thể nó đang tiết lộ với tôi sự bí ẩn của thế giới, một thứ bí ẩn rất hiển nhiên, rất thật và rất khủng khiếp.
Nó là người, nó chính là một con người. Ý tưởng này lại xâm chiếm tôi mãnh liệt.
Bỗng nhiên, như vượt quá sức chịu đựng của tôi, tôi quay gót bước đi. Tôi vội vã leo lên xe, lái thẳng đến trường đua. Con heo cùng đi theo tôi trong suốt đoạn đường. Nó ngồi trong não tôi, trong trí nhớ của tôi.
Ở trường đua, tôi cứ chăm chăm nhìn vào những khuôn mặt. Tôi phát hiện ra một phần của mặt con heo ở trên khuôn mặt người này và một phần khác ở trên khuôn mặt người nọ và cứ thế, mỗi khuôn mặt người nhìn vào tôi đều tìm thấy một phần nào đó của mặt con heo. Tôi chạy vào phòng vệ sinh, nhìn mặt mình trong gương. Nhưng tôi không bao giờ có thói quen nhìn mình lâu trong gương. Tôi bỏ ra ngoài đi đánh cược.
Cái mặt của con heo là tổng thể của những khuôn mặt thuộc về đám đông trước mặt tôi. Tôi cho là như thế. Và của bất cứ đám đông nào, ở bất cứ nơi đâu. Nó có mặt ở trường đua này, nó hiện hữu qua sự hiện hữu của đám đông trước mặt tôi. Nó cũng đứng ở phía sau hàng rào của cái nông trại nhỏ bé cách đây chừng mấy dặm đường. Đêm hôm đó tôi chẳng nhớ một chút gì về những con ngựa. Dù vậy, sau khi ở trường đua ra, tôi không còn hứng thú đi tìm con heo nữa. Tôi lái xe về theo một con đường khác.
Mấy đêm sau, tôi có dịp kể lại cho một người bạn nghe câu chuyện về con heo, những gì tôi thấy và cảm nhận với niềm tin khá mạnh mẽ rằng dưới lốt con heo xấu xí ấy là một con người. Bạn tôi là một người trí thức, đọc sách nhiều.
“Heo là heo, Bukowski à. Đơn giản chỉ vậy thôi!”
“Nhưng John à, nếu anh nhìn thấy được cái khuôn mặt của con heo thì tôi tin anh sẽ nghĩ khác đi.”
“Heo là heo, tóm gọn lại là thế!”
Tôi không tài nào có thể giải thích thêm với John cũng như anh bạn tôi chắc chắn không thể thuyết phục được tôi bằng chỉ với câu nói Heo là heo. Với con heo này thì chắc chắn là không rồi…
Tôi nhớ đến hôm đầu tiên làm việc trong lò sát sinh. Họ giết bò ở một phòng rồi sau đó hệ thống dây chuyền dẫn cơ thể con bò qua công đoạn lột da, móc ruột, chặt đầu xong xuôi con bò được treo lên móc với phần đùi sau ở trên. Phần hành của chúng tôi là dùng vai vác những tảng thịt ấy lên trên những chiếc xe tải chờ sẵn và lần này thì móc phần vai con bò vào những cái móc treo lủng lẳng trên xe. Công việc hết sức nặng nhọc, lại liên tục, hết tảng thịt này đến tảng thịt kia nối đuôi nhau chạy tới. Đến một lúc, tôi đã trở nên quá mỏi mệt. Khi ấy, trộn lẫn trong trí tôi là hình ảnh những con bò vừa bị giết còn tươi rói và hình ảnh những con người khốn khổ lao động cực nhọc; mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt, xuống cả mắt mũi khiến tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy một lớp sương mù che phủ. Mệt quá làm tôi nghĩ mình say. Tôi cười vì những chuyện không đâu. Chân đau, lưng đau, trên người tôi chỗ nào cũng đau nhức. Tôi bị đẩy vào một tình trạng mệt mỏi quá mức khiến tôi cảm thấy mình không còn nhận ra mình là ai nữa. Thậm chí tôi không thể nhớ mình đang ở đâu, mình đang làm gì và tại sao lại ở đây. Súc vật và người đã bị trộn lẫn vào nhau. Tôi chợt có ý nghĩ, tại sao họ không giết tôi chết cho rồi đi? Giết tôi rồi treo tôi lên cái móc lủng lẳng trên xe tải? Tôi và lũ bò thực sự có gì khác nhau? Làm cách nào mà họ phân biệt được nhỉ? Cái cảm giác này mạnh đến nỗi tôi không thể phân biệt được những tảng thịt với đám người đang lao động quần quật; ngoại trừ một chi tiết nhỏ mấy tảng thịt thì được treo lên móc bằng đùi.
Đêm đó, khi ra khỏi chỗ làm, tôi nghĩ đây là đêm làm việc cuối cùng của mình ở đây. Và quả đúng như vậy. Không ai có cơ hội treo tôi lên những cái móc lủng lẳng trên xe tải nữa. Xin lỗi quý ông bà, chúng tôi không có món bít tết Bukowski hôm nay. Bò là bò, tất nhiên rồi, nhưng vài tuần lễ sau khi có dịp đi ra khu chợ bán thịt, tôi không thể cản mình có ý nghĩ là mình đang nhìn thấy những tảng thịt người bị giết chết, làm biến dạng nó, rồi đem ra đây bán.
Điều ấy nghe thì thật vô lý, tất nhiên rồi, nhưng có những nơi công cộng như nhà hàng, chợ búa treo biển báo ngay ngoài cửa: CẤM SÚC VẬT. Những tấm biển báo này thường bằng thiếc, nền trắng, chữ đỏ. CẤM SÚC VẬT. Và được treo ngay chỗ nắm cửa người ta cầm rồi đẩy cửa bước vào. Mỗi khi nhìn thấy tấm biển báo ấy, tôi hơi ngưng lại một chút. Tôi ngần ngại. Nhưng rồi cũng đẩy cửa bước vào. Không có ai có ý kiến gì. Ai cũng chỉ lo cho công việc của mình thôi.
Một lần, để thử phản ứng của công chúng, tôi đứng bên ngoài cửa một khu siêu thị, tay cầm cái biển báo có chữ đỏ nói trên. Tôi cầm bảng rồi đứng lặng lẽ quan sát mọi người. Không một ai tỏ ra ngần ngại hay khựng lại. Tất cả chỉ đơn giản đẩy cửa bước vào. Cái tâm trí quần chúng thật tuyệt – một ai đó nói với bạn rằng bạn là một con người. Thế là bạn tin ngay như thế. Rồi một ai đó nói với bạn rằng một con chó là một con chó, thế là bạn chạy đi mua tờ giấy phép nuôi chó và thức ăn chó. Việc gì xã hội cũng đã lo chu đáo gọn gàng. Không có việc dẫm chân lên nhau hoặc trộn lẫn… CẤM KHÔNG ĐƯỢC MANG SÚC VẬT VÀO VƯỜN THÚ.
Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đã từng nhìn thấy những con heo quay trưng bày sau những cánh cửa sổ của các nhà hàng, mắt lồi ra, mỏ chu về phía ngoài với một trái táo nằm trong miệng, và vài khoanh dứa cắt mỏng trải dài trên lưng. Tôi đã từng sống ở thành phố New York. Một hôm vừa đói rã họng vừa chán chường tuyệt vọng, tôi lê bước trên vỉa hè và đi ngang qua một nhà hàng có trưng bày con heo quay như nói ở trên. Tôi ngừng lại. Ngay chỗ của hai con mắt heo đã bị khoét đi là hai cái lỗ sâu hoắm. Hai hốc mắt ấy có vẻ như bị nướng cháy xém nên hẳn không còn giữ được hương vị thơm ngon như lẽ ra phải có. Mặc dù đói đến như thế nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được việc mình cầm lấy cái nĩa, xỉa mạnh vào đầu con heo và dùng dao cắt một miếng thịt thật lớn. Đó, trước mặt tôi, đầu con heo nằm trên chiếc đĩa bạc, có vẻ cam chịu và thần phục, cùng lúc phát ra những tia kinh hoàng. Cư dân thành phố vẫn cứ hối hả với việc của mình hoặc khoan thai ngồi bên trong nhà hàng vừa nhai vừa lấy khăn lau miệng. Từ đó, mối quan hệ của tôi với loài người cứ ngày một giảm dần và giảm dần. Quần chúng không bao giờ xem xét nghiêm chỉnh một vấn đề gì. Họ chỉ biết chấp nhận, đơn giản là chấp nhận. Ôi đám đông – một đám đông không biết thế nào là danh dự, là sự nhạy cảm, nếu họ còn cảm thấy có một chút cảm giác nào thì cũng chỉ là cái cảm giác về chính mình mà thôi. Con heo quay đó – với sự trưng bày cái độc ác của con người và cũng là giá trị duy nhất của con heo đối với đám đông – chính là chìa khóa quyết định các hành vi của đám đông, là cánh cửa mở ra để phô bày bản chất thực sự của đám đông. Tôi đành nói lời tạm biệt con heo và bước lê qua đám đông…
Tuần vừa rồi, một cô gái trẻ đến gặp tôi ở Costa Mesa. Cô ta bảo cô đã đọc nhiều quyển sách của tôi. Trông cô rất xinh gái, khoảng 21 tuổi. Và vì là nhà văn nên tôi lúc nào cũng đi tìm chất liệu để viết. Và đó là lý do tôi bằng lòng gặp cô gái. Cô ta ngồi trên chiếc ghế đối diện tôi, không nói một câu. Sự im lặng cứ thế kéo dài chừng vài phút. Cuối cùng, tôi hỏi cô: “Bia?”
“Vâng,” Cô ta đáp.
“Giờ thì cô mở miệng rồi đấy.”
“Ờ há!”
“Tôi sẽ đi qua Mexico để học về sáng tác. Khóa học sẽ kéo dài 6 tuần.”
“Cách tốt nhất để học sáng tác là sống.”
“Tôi nghĩ khóa học sẽ bổ ích với tôi.”
“Không đâu. Nó sẽ cản trở cô sáng tác. Nó sẽ bóp nghẹt khả năng sáng tác của cô. Quá nhiều những lời khen dỏm và lời chê cà chớn sẽ chỉ làm hại cô. Quá nhiều những pha trộn hổ lốn các tính cách tương tự nhau sẽ chẳng giúp ích được gì. Nói tóm, đó là tự hủy hoại. Cô nghe chưa? Tự hủy hoại. Dù cô đến đó chỉ mong tìm một thằng đàn ông của mình thì chỗ đó cũng sẽ là nơi tệ hại nhất để gặp một thằng đàn ông mà thôi.”
Cô gái không trả lời.
Chúng tôi uống thêm bia. Và tôi tiếp tục nói. Rồi bia cũng hết.
“Tôi thích uống ở quán hơn,” Cô gái bảo, “Mình đi ra quán đi.”
Chúng tôi đi bộ xuống phố và vào một quán rượu. Tôi gọi hai ly Scotch và nước lạnh. Khi cô gái đi vào phòng vệ sinh, anh chàng pha rượu ở quầy chạy đến.
“Trời đất quỷ thần thiên địa ơi, Bukowski! Ông dzớt thêm một con nhạn nữa. Con nào cũng trẻ măng nghe. Ông làm cách nào mà hay dzậy?”
“Chỉ là bạn thôi Harry ơi. Thêm nữa là tìm chất liệu để viết văn ấy mà.”
“Ngon thiệt nghe!” Gã nói rồi bỏ đi. Harry vốn là một anh chàng khá thô lỗ.
Cô gái quay lại và chúng tôi gọi thêm một vòng thứ hai. Cô ta vẫn không nói gì nhiều. Cái con nhỏ chết bầm này muốn gì ở mình đây? Tôi tự hỏi.
“Cô đến gặp tôi để làm gì?” tôi hỏi cô gái.
“Ông sẽ thấy…”
“OK. Cô bé!”
Scotch và nước lạnh ở quán rượu mau chóng làm cho tờ giấy tính tiền thêm nặng. Tôi đề nghị gọi thêm vòng thứ năm rồi quay về lại phòng tôi.
“Được thôi…”, cô gái nói.
Tôi rót vào ly của cô ta nửa Scotch nửa nước lạnh. Tôi cũng rót như vậy vào ly của tôi. Rồi tôi huyên thuyên chuyện này, chuyện nọ và cảm thấy hơi bối rối vì sự im lặng của cô ta. Tôi uống tới đâu, cô ta cũng uống tới đó. Rồi, đến khoảng vòng thứ 3 hay thứ 4 gì đó, sắc diện cô ta có phần biến đổi. Tôi thấy khuôn mặt cô ta hình như mang một hình dạng hơi kỳ kỳ. Mắt cô trở nên nhỏ hơn và đổi khác, mũi cô cũng có vẻ nhọn hơn và môi cô ta như nhỏ lại để phô ra hàm răng. Tôi nói rất thật đấy nhé.
“Tôi muốn nói với ông một điều,” Cô ta bảo tôi.
“Nói đi!”
“Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề,” cô ta nói với giọng hết sức nghiêm chỉnh. “Tôi là một con chuột mang hình dáng một người phụ nữ. Bọn chuột đã bảo tôi đến gặp ông.”
“Tôi đang nghe đây.”
“Giống chuột, ông sẽ thấy, thông minh hơn con người. Chúng tôi đã chờ đợi hàng mấy thế kỷ nay để thống trị thế giới. Chúng tôi hiện đã sẵn sàng để làm việc này. Ông hiểu không?”
“Khoan đã,” tôi bảo cô ta. Rồi đứng dậy rót thêm hai ly rượu.
“Nói rõ hơn cho tôi nghe được không?” tôi bảo cô.
“Rất đơn giản ông à,” cô gái nói tiếp, “họ sai tôi đến gặp ông để yêu cầu ông giúp chúng tôi trong việc giành quyền thống trị thế giới. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông.”
“Tôi rất lấy làm vinh dự,” tôi đáp, “bản thân tôi cũng chẳng ưa thích gì con người từ lâu rồi.”
“Vậy ông sẽ giúp chúng tôi chứ?”
“Mà tôi cũng chẳng ưa thích chuột cho lắm.”
“Cũng được thôi, ông à! Nhưng ông phải lựa chọn một bên. Ông sẽ chọn bên nào? Giống chuột rồi đây sẽ thống trị thế giới. Nếu là người khôn ngoan, ông sẽ chọn về phe chúng tôi.”
“Hãy để tôi suy nghĩ kỹ lại đã nhé!”
“Được, ông ạ! Tôi sẽ liên lạc với ông từ Mexico.”
Cô gái đứng dậy.
“Cô đi ngay bây giờ?”
“Đúng thế,” cô gái trả lời, “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành.”
“OK.” tôi nói. Và đưa cô ra cửa. Đúng ra là tôi đưa cô gái ra chiếc xe Cadillac màu trắng mới toanh của mẹ cô. Cô leo lên xe và chiếc xe phóng thẳng.
Bây giờ thì tôi đang chờ đợi thư của cô gái. Tôi vẫn chưa biết mình sẽ trả lời cô ta như thế nào. Bọn chuột đang xuất hiện – chúng uống Scotch, lái xe Cadillac trắng và ôm sách đi học lớp sáng tác văn chương ở Mexico. Tôi cho rằng trận chiến cuối cùng sẽ xảy ra giữa giòng họ nhà Chuột và dòng họ nhà Gián. Tôi cho rằng bọn chúng có lợi thế hơn giống người. Tôi không tin chúng sẽ tập trung vào việc giết chóc lẫn nhau…
Ngày hôm qua, cô bạn gái của tôi đến thăm và có dắt theo một con chó. Tôi sống ở khu vực mặt tiền, nơi xuất hiện rất nhiều những con mèo mà chủ sở hữu của chúng sống rải rác ở những khu phía sau. Có một con mèo đến ngồi trên hàng hiên phòng tôi. Thấy con mèo, con chó sủa ầm ĩ, không cách gì tôi có thể làm cho nó im. Gã ở phòng bên cạnh là chủ của con mèo nên chạy qua bế nó về.
“Con chó ấy thuộc giống gì vậy?” gã hỏi. Anh ta có vẻ xỉn.
“Giống lai ấy mà. Một thứ chó lai hạ đẳng.”
“Thả cho nó ra đây đi. Con mèo của tui sẽ trị nó cái một.”
“Có thể lắm chứ. Và cũng có thể không. Không phải chó của tui ông ơi!”
“Chó của ai dzậy?”
“Của một người bạn.”
“Cho nó ra đây đi.”
“Không,” tôi nói, “Tui thích thú vật.”
“Chúng biết điều hơn con người nhiều!”
“Anh nói đúng quá chời luôn.”
Kết thúc câu chuyện bằng cái cách này thì không được sâu sắc lắm nhưng tôi nghĩ như thế cũng tạm ổn rồi, phải không? Các bạn hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi đi nhé. Kiên nhẫn và chịu khó quan sát. Có lẽ tôi sẽ truyền đạt đến các bạn những tin tức cần thiết cho tương lai sau nhé!
* PHỤ ĐỀ do người dịch đặt để tiện theo dõi.
**Nguyên tác: THE WAY THE DEAD LOVE, trích trong tập truyện ngắn THE BELL TOLLS FOR NO ONE của Charles Bukowski do nhà xuất bản City Lights Books ấn hành (2015) và một truyện khác có cùng tên (THE WAY THE DEAD LOVE) trong tập SOUTH OF NO NORTH do nhà xuất bản Harper Collins ebooks ấn hành (1973). Chúng tôi đã tổng hợp hai truyện ngắn nói trên thành CÕI NHÂN SINH và lược bỏ đi các tiểu truyện trùng.