ĐI VỂ NƠI HOANG DÃ (KỲ 6)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

 

mười hai 

Dấu hiệu đầu tiên của xã hội con người chúng tôi bắt gặp dẫu rằng chỉ là một bãi phân trâu khô cũng đủ làm cho thằng hộ pháp mừng quớ lên, làm tôi bồi hồi, còn thằng học giả buông một câu triết lý: “Không có cái gì dính dáng đến con người mà lại không làm tôi chú ý” rồi cứ đứng đực ra trầm ngâm mãi khiến tôi phải quát lên:

“Phát đi chứ, mày định nghiên cứu cứt trâu khô đấy hả?”

“Sao không? Nếu nó có thể nói lên một điều gì đó  về con người. Mày xem đây có phải nó gồm nhiều loại xơ của nhiều loại cỏ và cây khác nhau không? Điều đó chứng tỏ trâu được chăn thả tự do chứ chưa có chuồng trại tập thể.”

“Vậy đã sao?”

“Không sao, nó chỉ chứng tỏ trình độ tổ chức sản xuất ở đây chưa cao.”

“Thôi bố…”

Tôi lại đành phải quát lên cho nó buông cái mớ chữ nghĩa của nó ra để cầm lấy con dao cùng với tôi phát cái đám tre gai bùng nhùng này đi. Trong cái nghề của bọn tôi “mồm miệng” không thể đỡ “tay chân” được, cứ phải xấn tới phát thật lực nếu không muốn đứng ỳ ra giữa rừng cây.

Bởi vậy ông toán trưởng đã rất khôn ngoan khi xếp thằng học giả luôn luôn đi đầu để phía sau tôi và thằng hộ pháp thúc vào lưng nếu không nó sẽ tụt lại phía sau lảm nhảm làm sốt ruột đến eả ông toán trưởng vốn kiên nhẫn nhất. Thằng hộ pháp ngược hẳn lại, một khi đã cầm con dao vào tay đố có cạy răng lấy nửa lời, nó cứ phát hùng hục cho tới khi ông toán trưởng thổi còi mới dọn sơ một vạt bằng, quăng dao nằm ngửa ra thở. Có lần như thế, tôi chỉ lên trời hỏi nó:

“Tao đố mày đám mây đang trôi qua kia giống hình cái gì?”

“Hình cái con cặc… Mệt bỏ bố, nằm mà nghỉ còn hỏi rắc rối.”

Dĩ nhiên tôi không giận nó, tôi cứ nhìn theo đám mây có lúc giống như một con ngựa đang hí rung cả bờm nhưn g cái miệng lại mím thật chặt, có lúc lại thấy như có cả đoàn người đang dắt díu nhau lên trời. Tuy nhiên, cũng có lần tôi đang sướng run lên sắp tìm được một hình ảnh lý thú, tiếng còi ông toán trưởng lại toét lên, xua cả đám mây Iẫn sự tưởng tượng về nó bay di mất. Đương nhiên trong việc này không ai có lỗi cả. Ông toán trưởng có nhiệm vụ thổi còi, còn tôi chỉ ngắm trời vào ngoài giờ sản xuất. người có lỗi chỉ là thằng học giả, vừa phát cây nó vừa lẩm bẩm:

“O khó là cái cửa sổ… o khó là cái cửa sổ…”

Tôi biết thừa nó đang học tiếng Nga, nó bảo một ngày phải học mười từ trong lúc đi làm, tôi mặc kệ nó, chỉ có ông toán trưởng đôi lúc cằn nhằn: “Cậu phải làm việc với cả hai bàn tay và khối óc chứ. Như vậy sao gọi là toàn tâm toàn ý phục vụ sản xuất được”.

Những lúc đó, nó tím mặt lại, nín lặng, chẳng biết nó nghĩ gì Thằng hộ pháp xui nó: “Mày cứ nhẩm trong bụng thôi, ha hồ muốn học gì học, thánh cũng chả biết. Rồi nó tắc lưỡi: “Mày học làm gì, càng học càng thành dở người như mày thì học làm gì, cứ ngu như tao lại khỏe”. Tôi phải công nhận rằng lâu lâu thằng hộ pháp cũng nói được một câu chí lý. Tôi cũng rất ghét học hành, sách vở lắm khi chỉ làm méo nó đầu óc, cái gương thằng học giả càng làm tôi ghê sợ chữ nghĩa. Những kiến thức người ta nhồi nhét cho tôi suốt trong những năm buồn tẻ và dài dằng dặc ở trại mồ côi, tôi đã trả lại hết cho thày ngay từ khi ra trường. Cũng bởi vậy ông toán trưởng có thể phát động đủ các phong trào, trừ ra mỗi việc bắt bọn tôi đóng vở học văn hóa để thằng học giả dạy.

“Bắt cóc bỏ đĩa  còn dễ hơn bắt chúng mày ngồi làm toán”, nó than vậy rồi xin với ông toán trưởng dẹp bỏ cái trò học hành ấy đi. Thằng hộ pháp thì nói toạc móng heo: “Học thế này chẳng qua lấy thành tích cho mày và ông toán trưởng thôi, bọn tao được cái gì?”  Từ đó không ai nhắc tới chuyện đó nữa. Xế chiều, khi mặt trời đang chới với khuất sau những đỉnh núi xam xám, thằng hộ pháp đi trước bỗng nhảy cẫng lên:

“Tới dường mòn rồi, tới đường mòn rồi chúng mày ơi…”

Tôi vội vàng bỏ cả bụi mây gai đang phát dở, luồn người lên trước. Quả thực cắt ngang tuyến chúng tôi đang đi là một con đường nhỏ xếp đá, cây hai bên phát quang, ven đường xếp những khúc gỗ bào nhẵn chắc làm ghế ngồi nghỉ cho người bộ hành. Tất cả những thứ đó hẳn đều do bàn tay con người làm ra và điều đó bỗng làm tôi mừng rỡ như người xa quê đột ngột được trở về nhìn lại ngôi nhà thân thuộc. Tôi quăng dao nằm ngửa ra, dang tay dang chân trên con đường lổn nhổn đá, ngửa mặt lên nhìn bầu trời xám ngắt, một con chim lẻ loi bay ngang và cảm thấy rất rõ những nhọc mệt đang tan nhanh trong mạch máu. Thằng hộ pháp sục sạo trên đường, lát sau nó xách về một cái rỏ tre cũ nát:

“Đúng con đường này dẫn tới bản Mù U rồi các bố ạ. Cái rọ này dùng để đựng măng tre chặt trên rừng gánh về nhà đây mà. Không biết sao lại vứt đây?”

Thật buồn cười, cái máu “điều tra” của thằng học giả không khéo đã nhiễm sang cả thằng hộ pháp, nó tần ngần đứng giữa đường, quay ngược quay xuôi:

“Đằng này về đâu? Đằng kia về đâu?:

“Một đằng lên núi, một đằng xuống biển”.

“Không, tao muốn hỏi nó đi về cái xã, cái huyện nào kia?”

“Xã Lông Bông, huyện Lang Bang, nước U Tỳ…”

“Quê quán mày đó phải không thằng mồ côi kia?”

Tôi biết nó sắp nổỉ cáu vì làm nó cụt hứng muốn dẫn câu chuyện về cái xã có cô vợ ông xã đội của nó. May thay, ông toán trưởng đã đi tới:

“Theo đúng bản đồ, ta chỉ còn cách bản Mù U ba cây số nữa thôi”.

Thằng hộ pháp nhảy lên:

“Đề nghị thủ trưởng cho em tới đó trước”.

“Không được, cấm không ai được đi lẻ. Phải quay về chỗ trú quân, hội ý chuẩn bị trước khi vào bản”.

Buổi tối, ông họp bọn tôi, sau khi thuyết rất dài về yêu cầu “Đi dân nhớ, ở dân thương”, ông nêu ra tám điều kỷ luật, thí dụ như không được lấy của ai từ cái kim sợi chỉ, không được trêu chọc phụ nữ, không được đi giày vào nhà theo đúng tập quán địa phương… Quả thực những điều ông đề ra thừa đủ cho cả một đạo quân tiến vào giải phóng một thành phố lớn. Thằng hộ pháp từ chiều đã kiếm đâu ra hai mảnh bát vỡ và với cái dụng cụ thô sơ đó, nó đã cạo được gần sạch bộ râu mọc nham nhở khắp trên mặt. Nó cứ ngồi xoa mãi cái cằm nhẵn, giờ mới giơ tay:

“Tôi xin hỏi nhỡ có cô nào tặng mình cái gì đó thì có được nhận không?”

Thằng học giả nói chõ:

“Tặng thì nhận chớ sao không?”

Ông toán trưởng lắc đầu quầy quậy:

“Không được, không được, thế có loạn, nhỡ ra nó tặng luôn cái thân nó anh cũng đòi nhận sao. Nhất thiết mọi thứ đều phải thông qua tôi”.

Thằng hộ pháp ngồi ngẩn ra, rồi cười hềnh hệch:

“Vậy nếu có đứa thế thật, tôi cũng phải mang cái thân nó đưa thủ trưởng thông qua trước…?”

“Tầm bậy, hết sức tầm bậy…”

Ông toán trưởng đỏ mặt tía tai, lấp liếm cái thẹn bằng một bài giảng dài dòng về quan hệ trai gái. Ông nói rất hùng hồn đanh thép cứ như từ trước nay ông chỉ biết duy nhất có mỗi bà vợ ở quê xa. Thằng cấp dưỡng ngồi cười khảy, mặt cứ khinh khỉnh làm tôi hiểu rằng nó đang nhớ tới chuyến đi công tác năm ngoái với ông toán trưởng.

 Hồi đó tao phải đi “điếu đóm” cho ông ấy mãi xẩm tối mới tới một xóm lại chỉ có mỗi một cái nhà sàn, trong nhà lại có mỗi một con mẹ đàn bà. Cơm nước xong, bà chủ trải chiếu ra ngay gần bếp cho thầy trò nằm, còn bà ta thì nằm phía trong, cách có mỗi cái màn bằng vải thô. Mới chập tối ông đã giục: “Cậu đi ngủ trước, đảm bảo sức khỏe, tớ còn phải hỏi chuyện bà chủ nhà nắm tình hình.” Ừ thì ngủ trước có sao, càng khỏe xác. Thế là tao lăn ra ngủ một mạch chẳng còn biết trời đất. Mãi tới nửa đêm, bếp lửa đã tắt, lạnh quá tao mới thức giấc. Xung quanh đèn đóm tắt hết, trời tối như mực, tao bỗng hết hồn vì có cái con gì sang sáng to bằng con gián cứ bò dần bò dần vào phía gian trong. Mẹ ơi, phải con ma không? Tao nhớ mẹ tao vẫn thường bảo không có ma, đi qua nghĩa địa mà thấy ma trơi thật ra là lân tinh trong mả bốc lên nên sáng vậy thôi. Thế là tao đoán ngay ra cái con gián đang bò chính là cái mặt đồng hồ dạ quang của ông toán trưởng. Lát sau tao thấy nó biến mất, rồi lại nghe có tiếng hổn hển bên trong màn, tao mới vỡ nhẽ. Sáng hôm sau ông ấy hỏi tao:

“Đêm qua ngủ ngon không?”

“Dạ ngon lắm, ngủ như chết chẳng biết gì.”

“Ấy thế mà có lúc cậu nói mê ghê quá.”

“Dạ cháu nằm mơ đấy ạ, cháu nằm mơ thấy con ma trơi nó cứ bò bò trên sàn nhà.”

Ông ta tím mặt lảng phắt sang chuyện khác cứ như đêm qua không hề có chuyện gì xảy ra. Thằng cấp dưỡng đã kể tôi nghe chuyện này với giọng giận dữ và cay đắng như thể chính nó là đức ông chồng bị cắm sừng của bà chủ nhà vậy.

Tan họp, thằng hộ pháp nhăn nhó:

“Thắt buộc như thế, thà tao mắc võng nằm ngoài rừng còn hơn.”

Thằng học giả khoái chí:

“Tao rất tán thành 8 điều quy định của ông toán trưởng, muốn cấm gì thì cấm, không cấm cái chuyện gửi thư là được rồi. Mà nói thật không thắt buộc vậy, mày động đực lên, có mà loạn cả bản.”

Thằng hộ pháp bĩu môi:

“Cái nọai trí thức dở hơi như mày mới ham ngủ với nhau trên giấy. Tao hỏi mày thư từ thì béo bổ cái nỗi gì.”

Tôi phải can hai đứa không lại thành cãi nhau. Thằng cấp dưỡng dừng dậy, đập tay lên vai thằng hộ pháp:

“Mày ngu lắm, việc gì phải thắc mắc, cứ ăn vụng rồi chùi sạch mép thì đã sao. Đời này thiếu gì thằng chỉ giỏi nói miệng thôi, bụng thì thối như cứt ấy.”

Thằng hộ pháp ngẩn mặt, mắt sáng lên ra vẻ đắc ý lắm. Nó leo lên võng nằm một chặp rồi còn giở mình kêu to:

“Ối giời ơi, tao nhớ con vợ thằng xã đội quá.”

Không đứa nào để ý tới nó, trong đêm trước ngày gặp lại “xã hội con người”, hình như mỗi đứa đều chìm đắm trong những riêng tư, thằng học giả hẳn nghĩ tới cô nàng búp bê, thằng cấp dưỡng nhớ mẹ, ông toán trưởng không hiểu có nhớ bà vợ quê xa hay là bà Trưởng phòng dạo trước không? Thế còn tôi, cố nhắm mắt nhớ về cái gì đó mà chẳng được. Những căn phòng ố vàng kê hàng loạt dãy giường giữa bốn bức tường cao vợi trại cô nhi, căn nhà lợp lá gồi bốn bề gió thổi trong trường thành niên vừa học vừa làm? Không, những hình ảnh hãi hùng  đó đã vùi sâu trong ký ức. Và nghĩ cho cùng, cũng chẳng có ai để mà nhớ. Bà phước già nua và nghiêm nghị, ông thầy phụ trách
lớp vừa học vừa làm… những con người đó làm nhiệm vụ của họ và tôi làm nhiệm vụ của tôi, ngoài ra chẳng có gì mà bồi hồi, luyến nhớ. Vậy nhưng cũng giống mấy thằng kia: tôi cũng thao thức chẳng ngủ được, cứ nằm ngửa trên võng mở mắt nhìn bầu trời chi chít sao qua kẽ lá rừng. Câu chuyện về cái lỗ đen trong vũ trụ của thằng học giả đêm nào lại nhắc tôi tới cái vực sâu trong con người mà tôi đã cảm nhận được một cách rất cụ thể hôm nó trượt ngã ở vách đá. Tôi cố nhớ lại cảm giác đó bằng cách tưởng tượng mình đang cheo leo trên vách đá nhìn xuống dòng sông sâu hút bên dưới. Tuy nhiên, ngoài hình ảnh cụ thể đó, tôi không nhìn thấy vực sâu nào hết ở trong tôi mà lần trước tôi đã thấy. Nó đã biến mất dường như chưa hề có nó. Tại sao như thế nhỉ? Tôi vùng dậy khỏi võng và bước tới hỏi thằng học giả đang lúi húi viết. Nó ngước lên nhìn tôi như thể tôi đang lên cơn thần kinh.

“Mày chỉ cảm thấy cái hố thẳm ấy chừng nào mày hết sức thành thực với chính mày”.

“Cái đó tao có thừa”.

Thằng học giả gật đầu:

“Vậy cũng chưa đủ, phải thêm một diều kiện nữa: mày phải sống giả dối với mọi người “.

“Mày lại lên cơn dở hơi rồi”.

Thằng học giả bật cười:

“Cái óc bã đậu của mày hiểu sao được những nghịch lý. Thôi cứ sống cỏ cây như thằng hộ pháp kia cho khỏe xác, khỏi thắc mắc làm gì những chuyện siêu hình của con người.”

Tôi không giận nó mà còn ngồi xích lại gần:

“Mày viết thư cho con búp bê phải không? Tao cứ thắc mắc sống thế này có chuyện quái gì, sao mà mày viết cho nó lắm thế? Mày bịa chuyện ra phải không?”

Nó nói một cách rất nghiêm trang:

“Đối với thượng đế của chính tao thì không bao giờ tao nói dối…”

Nó cúi xuống tờ giấy đang viết với cái vẻ dù có cạy răng nó cũng chẳng thèm nói câu nào. Tôi quay lại võng ôm nỗi thắc mắc thằng học giả vừa quẳng vào tôi nặng chịeh trong lòng, khiến mắt cứ giương lên. Nói láo, nó nói láo. Không ai có thể giả dối với mọi người mà lại thành thực với chính mình đươc, “nghịch lý” là cái thứ nó bịa ra thôi, muốn thấy lại vực sâu ấy trong con người mình, tôi chỉ có cách lại treo người trên vách đá nhìn xuống rồi nhắm mắt lại như lần truớc. Tôi yên tâm. không nghĩ ngợi nửa và rồi khi sắp chợp đi, bên tai tôi thoảng tới một thứ âm thanh nào đó rất mơ hồ. Tôi chợt tỉnh và nhận ra trong luồng gió đang ào tới văng văng có tiếng chó sủa. Tôi nhỏm dạy hỏi thằng học giả vẫn đang còn lúi húi viết:

“Mày nghe thấy gì không?”

“Có tiếng chó sủa từ nãy, bản ở gần đây lắm rồi. Trưa mai tao gửi thư được thôi”.

“Tao nghe tiếng chó lạ lắm. Cứ như là nó đang tru lên ấy. Nghe sởn cả gai ốc”.

Thằng học giả cười nhếch mép:.

“Ma hú đấy, trên miền núi này hay có ma cà rồng lắm. Mày sợ không?”

Tôi không sợ, nhưng một ám ảnh bất an nào đó cứ đeo lấy tôi khi tôi chúi đầu vào sâu trong chăn. bên tai vẫn văng vẳng có tiếng chó tru lên ai oán…

 

Mười ba

 

Một cây gỗ bắc ngang làm cầu qua con suối nước xanh làm bọn tôi dừng sững lại. Thằng hộ pháp đang cõng ba lô và chiếc máy VTĐ reo tướng lên:

“Tắm đi, tắm đi chúng mày ơi”.

Trừ ông toán trưởng, cả bốn đứa tôi trần truồng lao ào xuống nước chẳng kể gì đến lạnh buốt đang khứa vào da. Trời đất, dễ đến nửa năm mới được vùng vẫy thỏa thuê, kỳ cọ kỹ càng đến thế. Người nhẹ bỗng đi vì sức nước, vì bao nhiêu đất cát bám trên người đã trôi đi hết, tôi nằm ngửa trên mặt suối lâng lâng trong cảm giác rũ tuột được thân xác còn lại cái phần hồn đang bập bềnh trong cõi hoang sơ giá lạnh.

Tiếng còi và tiếng quát eủa ông toán trưởng lôi tôi về thực tại:

“Lên thôi, lên thôi, không cảm lạnh chết hết cả giờ”.

Tháng học giả chạy lên trước tiên cười hô hố:

“Những bốn ông A Đam mà chẳng có lấy một bà E Và.”

Thằng hộ pháp chạy sát lưng thằng cấp dưỡng và làm cái gì đó làm thằng này vừa xua tay ra sau đít vừa chửi ầm ĩ. Tôi bật cười nhảy cẫng lên cho đỡ rét rồi cũng bắt chước chúng nó, tôi lục ba lô ra bộ quần áo sạch nhất, lành lặn nhất. A… dẫu sao cũng phải ra mắt các cô gái trong bản với cái vỏ bảnh bao tý chút chứ. Thằng hộ pháp soi mặt xuống nước xòe năm ngón tay làm lược chải hết tóc ra sau, lúc lắc cái đầu:

“Chà, giờ có vài giọt nước hoa rảy rảy lên tóc thì phải biết…”

Tôi ngước nhìn và ngạc nhiên về sự thay đổi của nó. Chiếc sơ mi màu trứng sáo ôm khít lồng ngực vạm vỡ, chiếc quần ka ki bó chặt đôi hông nở, mắt sáng lên, tươi tắn, thật khó nhận ra cái thằng “voi đực” quần áo lấm lem, vá chàng vá đụp, huỳnh huỵch mang vác leo rừng lúc sáng. Và chẳng riêng gì nó, cả thằng học giả, thằng cấp dưỡng, và cả tôi nữa cũng thế, đứa nào đứa ấy như mới lột xác trở thành những trang nam nhi công tử, thật cứ như mới từ thành phố đi trực thăng đổ bộ xuống nơi hoang dã vậy.

“Mẹ kiếp, khôi ngô tuấn tú cả thế kia mà cấm không cho lại gần đàn bà, có phí không cơ chứ…”

Thằng học giả lại lên tiếng khích bác. Ông toán trưởng quay đi vờ như không nghe thấy, thoáng trên gương mặt một vẻ áy náy, ngường ngượng như chính ông là người có lỗi trước bốn thằng con trai khỏe mạnh, tươi tắn đang đứng dàn ngang trước mặt ông. Ông chợt gắt lên:

“Thôi, đi tiếp… khẩn trương lên.”

Con đường mòn càng lúc càng dẫn chúng tôi vào vùng thoáng đãng, hai bên sườn núi đã thấy những mảng nương mới phát, nhưng lều canh cao lênh khênh. Bầu trời như cao hẳn lên, doãng rộng ra, trôi nổi những làn mây trắng và tịnh không thấy một bóng chim. Càng đi gần tới bản, cái im ắng hoang vu càng làm tôi bồn chồn. Nỗi ám ảnh bất an gây nên bởi tiếng chó tru đêm qua lại đè nặng trong tôi và rồi khi qua hàng rào thấp ngăn trâu bò, bước vào bản, tất cả chúng tôi dừng sững cả lại. Trên khoảng đất bằng phẳng rộng mênh mông, những dãy nhà vách nứa nằm nôi đuôi nhau san sát, những ống dẫn nước cao lênh khênh, những máng lợn khoét từ thân cây gỗ… tất cả nằm im lìm dưới ánh nắng trưa gay gắt. Thằng hộ pháp khum hai bàn tay đưa lên miệng hét váng:

“U… oa… u… oa… có ai đó không?”

Tiếng gọi của nó vang vang khắp bản và vách núi vọng ngược lại thành những tiếng oa… oa… kéo dài. Nó cứ gọi mãi, gọi mãi nhưng không ai trả lời. Ông toán trưởng ra lệnh cho tôi và thằng cấp dưỡng xách súng đi sâu vào bản.

Tôi rụt rè bước đi trên nền đất trần, chân dẫm lên những thanh củi cháy dở, những đám cứt dê lổn nhổn khô cứng. Thằng cấp dưỡng lò dò xách súng nhìn ngang nhìn ngửa, kéo tay tôi thì thào:

“Sao im quá vậy mày?”

“Giờ này có lẽ họ đi làm nương hết.”

“Nhưng ít ra cũng còn người già, trẻ con ở nhà chứ…”

Nỗi lo của nó lan cả sang tôi khi hai đứa qua những căn nhà rỗng không, cỏ đã mọc xanh các lối vào, những cối giã gạo đổ nghiêng, vài hạt thóc rơi vãi đã mọc mầm, những hàng dậu đổ, chỏng chơ những ống bương đựng nước… Tôi đạp cửa bước vào một căn nhà ngay sát đường. Mùi ẩm mốc thoảng lên trong cái hoang vu không người, không đồ đạc, không súc vật, không có gì hết ngoài cái bếp giữa nhà đã nguội lạnh vung vãi tro tàn. Tôi sục sạo thêm vài căn như thế rồi đành thở dài, kéo thằng cấp dưỡng quay lại chỗ đầu bản, nơi ông toán trưởng vẫn ngồi chờ. Nỗi thất vọng chúng tôi mang về làm ông tái mặt:

“Vô lý… cả cái bản lớn này không một bóng người thì thật lạ.”

Thằng học giả bỗng đập hai tay vào nhau reo lên:

“Thôi đúng rồi, đồng bào ở đây đã xuống núi định canh định cư làm ruộng, thôi không phá rừng làm rãy nữa. Chủ trương chính sách Nhà nước mới ban hành mà…”

Ông toán trưởng lắc đầu, không tin vào phỏng đoán ấy, ông vẫn ngơ ngác nhìn quanh cố tìm một giải thích khác. Thằng hộ pháp mặt buồn xo, giờ mới lên tiếng:

“Có kiếm được cái gì bỏ bụng không mày?”

“Có đấy, mày có nhá được cứt dê khô thì xin mời, nhiều vô kể.”

Thằng cấp dưỡng cười khẩy, dựa súng vào bờ rào rồi ngáp một cái rõ dài. Thôi thế là bao nhiêu mộng tưởng rượu nồng, lợn béo theo ngọn gió mà bay đi hết, mặt buồn rười rượi, chắc nó nghĩ tới bao gạo lép kẹp, chiều nay biết lấy cái gì bỏ vào nồi. Bây giờ thì tám điều kỷ luật eủa ông toán trưởng chẳng còn ý nghĩa gì nưa, suốt cả buổi chiều chúng tôi chia nhau đi lục lọi các căn nhà trống khắp trong bản cũng chỉ ôm về được vài bắp ngô mọt và ít củ sắn khô gác bếp cứng như đá. Thằng hộ pháp vác về mấy cây mía non mọc dại bên bờ dậu, quẳng xuống đất lầu nhầu:

“Mẹ kiếp, cái dân ở đây cấm thấy bỏ quên được thứ gì cho mình nhai được.”

Thằng cấp dưỡng khuân đâu về một cái thùng sắt sơn xanh, ném xuống chân thống học giả, cười nhếch mép:

“Tao mang cái thùng thư về cho mày tha hồ bỏ thư cho con búp bê…”

“Đừng có trêu gan tao, đang sôi tiết lên đây.”

Cơn giận bùng ra, thằng học giả co chân đá tung cái thùng thư ra sân và nếu tôi không can, hẳn nó đã xông tới đấm túi bụi vào mặt thằng cấp dưỡng. Nỗi thất vọng ghê gớm làm cả bọn phát khùng dường như chỉ cần một cái cớ nho nhỏ cũng đủ xúm vào nhau đấm đá. Ông toán trưởng giống như một người thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm khi thủy thủ đoàn sắp nổi loạn, vội vàng lệnh cho thằng cấp dưỡng đục một hộp thịt dự trữ để “bồi dưỡng sức khỏe anh em” sau một đợt chuyển quân mệt nhọc. Vậy cũng không làm chúng tươi lên được chút nào. Thằng hộ pháp lẩn đi đâu đó, mãi gần bửa ăn tôi mới bắt gặp nó đang đứng ngẩn ra rất lâu ở bến tắm. Nó nhìn dòng nước chảy lặng lờ, mắt sáng trưng như mới phát hiện ở dưới đó thứ gì quý giá lắm.

“Nhiều cá lắm phải không?”

Nó quay lại kéo tay tôi, thì thào:

“Mày biết không, trước đây bọn đàn bà nó tắm ở đây đấy. Mày đã được thấy tụi nó tắm lần nào chưa? Này nhé, nó cứ cuộn váy cao dần cao dần, đội lên đầu rồi cứ thế ào xuống nước, chẳng có che đậy gì, mình tha hồ đứng xem thỏa thích…”

Tôi thộp lấy ngực áo nó lay mạnh:

“Thôi đi về ăn cơm. Tao tưởng mày yêu con vợ thằng xã đội lắm kia mà. Sao còn nghĩ tới con khác?”

“Ấy, tao vừa nghĩ tới nó đấy. Mày biết không tao tưởng tượng ra nó đang tắm ở đây…”

Tôi lôi nó đi, mặc nó lảm nhảm những điều cái đầu đang bốc lửa của nó tưởng tượng ra. Nỗi thất vọng làm con người ta điên khùng như thế đấy. Bỏ đi hết đúng vào lúc chúng tôi tới, cái đám dân bản Mù U này đúng là chơi chúng tôi một quả trời giáng. Bữa ăn chiều có món rau sắn nấu thịt hộp cũng chẳng làm nở được một nụ cười trên miệng thăng nào. Thằng hộ pháp mọi ngày mồm miệng nói như vặt rau, vậy mà bữa nay nó lầm lì cầm bát cơm trệu trạo như bò nhai lại. Thằng học giả bưng bát ra góc ngồi, vừa ăn vừa trừng mắt với ai đó, thằng cấp dưỡng bẽn lẽn múc canh vào bát vẻ như có lỗi đã không nấu được một bữa “trâu luộc cả con” nó đã hứa hẹn trước hôm vào bản. Tội nghiệp nhất là ông toán trưởng, cảm thấy mọi hờn giận của bọn nó đang chĩa cả vào mình ông cúi mặt xuống bát cơm, bối rối nhặt một hạt rơi xuống đất, đôi vai gày guộc nhô lên như trách nhiệm để cho cái bản Mù U này chuyển đi đang đè nặng lên cổ ông. Sau bữa ăn, không chịu nổi không khí câm lặng, nặng nề, tôi đâm phát cáu:

“Chúng mày làm gì như đưa đám cả thế? Không lợn gà không đàn bà con gái thì đã chết được đâu. Bao nhiêu tháng sống không dân đã sao nào? Chưa chi đã nhũn hết cả lại thế kia…”

“Đúng đấy, đàn ông đàn ang gì mặt cứ như cái bánh đa nhúng nước. Tươi tỉnh lên, tối nay tao cho chúng mày một chầu sắn nướng.”

Hóa ra thằng cấp dưỡng tìm thấy một nương sắn non, cỏ tốt um, dân bản bỏ lại và chẳng kể gì tám điều kỷ luật, nó nhổ phứa lên được một rổ. Nó hỏi tôi có nên xin ý ông toán trưởng không, sắn còn nhiều, nhổ cả tuần ăn không hết, tôi bảo nó tốt nhất đừng có hỏi, eứ để ông ấy đánh bài lờ còn hơn buộc ông ấy quyết định thì ắt hẳn ông ấy phải cấm. Tôi nhẹ người, vậy có cái sống được người rồi, khỏi lo xuống núi bỏ dở cuộc hành trình như tối đã thoáng nghĩ tới lúc đặt chân vào bản không người. Buổi tối chúng tôi chọn căn nhà rộng nhất, sạch nhất, đốt lên đống lửa và nhai những cu sắn nướng thơm phức. Thằng cấp dưỡng bưng một đĩa sang nhà bên nơi ông toán trưởng ở ma bọn tôi gọi là nhà Ban chỉ huy. Lúc quay về nó cười nhăn nhở:

“May quá, ông ấy không hỏi sắn lấy đâu ra, chỉ gật đầu cám ơn.”

Thằng hộ pháp lúc này đã bớt lầm lì, nói buông thõng:

“Chết đói đến đít rồi, nội quy con mẹ gì nữa…”

Thằng học giả trầm ngâm từ tối, giờ mới lên tiếng:

“Chúng mày có thấy ở đây có chuyện lạ không? Đã gọi xuống núi định cư thì họ phải có kế hoạch chuẩn bị từ trước chứ, vậy sao còn trồng sắn để phải bỏ lại Tao nghi cái bản này bỏ đi đột xuất quá”.

“Đột xuất hay kế hoạch gì thì nó cũng đi hết rồi. Có dở hơi như mày mới nghĩ ngợi chuyện đó”.

“Tao lo nhỡ ra có phỉ gần đây họ phải chạy thì sao? Lúc đó mình có mỗi khẩu súng gỉ thì chống đỡ thế nào?”

Thằng hộ pháp bĩu môi:

“Phỉ có tới thì dù súng tốt mày cũng hàng trước tiên.”

“Tao biết, bụng càng nhiều chữ, dạ càng hèn”.

Tôi phải can hai đứa kẻo cãi nhau cả đêm cũng chẳng thằng nào chịu thằng nào, ai gan ai hèn cứ phải lâm trận mới biết được, nói suông cái miệng ai chẳng anh hùng.

Đêm đó giữa lúc còn ngủ lơ mu, bên tai tôi bất chợt lại vẳng tới tiếng chó tru. Tôi ngồi bật dậy, đúng tiếng chó sủa gần chứ chẳng còn xa xôi mơ hồ như đêm qua nữa. Bếp lửa đã tắt ngỏm, bọn nó đều ngủ cả, ngay thằng học giả cũng leo lên võng từ sớm, thôi không viết thư nữa. Tiếng chó im bặt, khi tôi đặt mình xuống, nó lại cất lên rền rĩ, ai oán như cái chết đang rình rập nó. Không, tôi không thể mạo hiểm ra ngoài dó rất có thể thằng học giả nói đúng về sự lẩn khuất của bọn phỉ, nhưng tiếng chó chốc chốc lại tru lên như cái lưỡi dao cùn cứa vào những sợi thần kinh không sao chợp mắt. Hồi còn ở trường thanh niên vừa học vừa làm tôi có nuôi một con chó hoang bị đàn chó nhà cắn gần chết ngay đầu làng. Khi nhìn con chó tôi ôm về, lông trụi sạch, ghẻ lở đầy người, đầu nứt toác, bê bết máu, mấy đứa trong tổ khăng khăng không cho tôi mang vào nhà. Tôi vội xuống bếp, xin eô cấp dưỡng một cái bu gà, che chắn tạm thành chuồng mãi sau vườn. Từ hôm đó bát cơm sau cùng trong bữa ăn, bao giờ tôi cũng giành lại cho con chó. Nó lành da rất nhanh, lông mọc trở lại, con Mực của tôi đã từ bỏ cái máu đi hoang, yên phận ẩn dật sau vườn để ngày hai buổi, sau tiếng kẻng hết giờ làm việc, nó được quấn quít với tôi cho tới khi mọi người phát hiện ra sự tồn tại của nó đi ngược lại chủ trương tăng gia sản xuất của nhà trương. Ai cũng tự ý nuôi riêng gia súc thì có loạn? Tinh thần tập thể ở đâu? ông Trưởng ban tăng gia gọi tôi lên bảo thế. Tôi thưa với ông, nếu vậy tôi xin góp con Mực vào trại chăn nuôi của nhà trường để nó được trở thành sở hữu tập thể. Ông trưởng ban ngẫm nghĩ một hồi rồi lắc đầu, trong danh mục chăn nuôi của nhà trường chỉ có gà, vịt, ngan, ngỗng và lợn, không có ngoại lệ dành cho nó, tốt hơn hết, ông khuyên tôi nên hiến con Mực cho bếp ăn tập thể. A, thà tôi thả nó đi hoang còn hơn đưa vào cái lò sát sinh ấy. Ông trưởng ban cười nhạt, được, nó là sở hữu của cá nhân cậu, cậu muốn làm gì tuỳ cậu. Ông nhấn mạnh hai chữ cá nhân và ra lệnh cho tôi phải giải quyết gấp vụ con chó, nếu không sẽ mất điểm thi đua tổ học tập. Buổi chiều hôm đó tôi lại ra sau vườn, con Mực thấy tôi lại quen lệ nhảy cẫng, vẫy đuôi rối rít. Tôi chờ nó ăn xong mới bảo: “Tao cũng muốn nuôi nấng mày tử tế mà chẳng được, thôi đành trả mày về kiếp đi hoang”. Nói rồi tôi vỗ vỗ mấy cái vào người nó và quẳng nó qua hàng rào, phá bỏ cái chuồng tự tạo, mang trả lại bu gà cho cô cấp dưỡng. Ấy thế rồi chiều hôm sau đi tha thẩn sau vườn, tôi lại gặp nó nằm đó, thấy tôi nó lại cuống lên mừng rỡ. Tôi lấy cơm cơm cho nó ăn rồi lại đành quẳng nó qua rào. Ba hôm liền như vậy cứ đuổi đi nó lại tìm mọi cách quay về. Cho tới một buổi chiều đi làm gô về tôi nghe tin người ta mới bắt được con chó hoang, chui rào đuổi gà trong vườn. Tôi vội phóng xuống bếp và lặng người, con Mực của tôi bị trói gô cả bốn chân lẫn mõm nằm dưới đất chờ bác cấp dưỡng mài dao. Thấy tôi nó không sủa được chỉ vẫy đuôi và nhìn tôi với đôi mắt lồi ra và ướt nhoẻn. Nhung tôi làm gì được, nó đã là con chó hoang bị người ta bắt chứ không còn là con Mực “sở hữu cá nhân “của tôi nữa. Tôi bất lực quay đi, bỏ bữa cơm chiều và suốt mấy ngày liền tôi không dám ra vườn sau, đôi mắt con chó cứ nhìn tôi vừa vật nài vừa uất hận trong mấy đêm liền mất ngủ.

 

Mười bốn

 

Không phải tiếng còi mọi khi của ông toán trưởng, chính cái đạp của thằng hộ pháp đã làm tôi choàng dậy, xóa tan giấc mơ ngọt ngào mà lúc này lười nhác oằn người trên võng, tôi không thể nào nhớ lại. Buổi sáng đã lâu, nhưng trời mù phà qua cửa sổ những mảng sương đặc sệt làm trong nhà vẫn còn mờ tối.

“Dậy đi bắn chó mày”.

Thằng hộ pháp cúi xuống gương mặt đầy hí hửng, hềnh hệch cái cười quen thuộc buộc tôi phải hiểu rằng nó đang bày ra một trò đùa và tôi trả lời bằng kéo chăn kín mặt.

“Thật mà, thằng cấp dưỡng tìm thấy một con chó hoang…”

Hai chứ “chó hoang” làm tôi sửng sốt, lập tức nhớ lại giấc mơ đêm qua. Đúng rồi, tôi nằm mơ thấy mình khoác ba lô trở về góc vườn cũ, con Mực mừng quơ lên rối rít nhảy cả hai chân lên ngực tôi. Tôi giở trong túi ra bao nhiêu là bánh ngọt mà mỗi lần tôi ném, nó lại há miệng ra đớp, vừa nhai vừa sủa ăng ẳng.

“Đi ra đó đi, trưa nay tao đánh mỗi thằng một đĩa tiết canh chó, ăn vào cứ gọi là chết lịm người.”

Tôi vội vàng mặc quần áo theo chân bọn nó, thằng cấp dưỡng vác súng hùng hổ dẫn đầu, thằng học giả đi sau luôn miệng:

“Đúng con chó tao nghe sủa đêm hôm trước khi vào bản.”

Tôi cũng tin thế, chỉ lạ một điều sao nó không theo chủ ra đi, lại quanh quẩn đây làm kiếp chó hoang và sao đêm qua lại tru lên ai oán thế.

Thằng cấp dưỡng dẫn bọn tôi quanh co qua những quả đồi thấp, những nương lúa bỏ hoang những chòi canh xiêu vẹo rồi chui qua một lùm cây ken đặc, vệt đường mòn bị cỏ dại xâm lấn chỉ còn lờ mờ, trước mặt tôi chợt hiện ra khu nhà mồ. Thằng cấp dưỡng ra hiệu chúng tôi đi chậm lại, và rồi sau khi vòng vèo qua rải rác những ngôi mộ mới, nó chỉ tay ra trước thì thào: “Nó đấy”. Bên cạnh chiếc nhà mồ thấp lè tè, ghép bằng tre và lá gói, tôi nhìn thấy con chó hoang ấy, hay đúng hơn một đống xương lẫn da trụi lông và người ta chỉ nhận ra sự sống ở hơi thở làm phập phồng những chỗ lõm xuống của thân thể.

“Nó kiệt sức rồi, không sủa được nữa đâu”.

Thằng cấp dưỡng lại thì thào bên tai tôi và giương khẩu súng lên, cứ như là cái đống xương da kia sắp sửa nhảy lên cắn cổ nó. Tôi bước lại gần nhìn rõ cả bộ xương sườn nhô lên, những cẳng chân khô quắt và đôi mắt nhắm nghiền.

“Nó chỉ còn thở được thôi”.

Thằng cấp dưỡng lại nói và lại giơ súng lên. Tôi gạt thằng đó ra khuỵu một chân xương để có thể nhìn kỹ con chó hơn. Có lẽ thằng cấp dưỡng nói đúng, trong cả đống xương da khô này chỉ còn mỗi quả tim là đang co bóp. Bất giác đôi mắt con chó mở ra nhìn tôi. Không giống như con chó hoang ngày trước, vật nài và uất hận, đôi mắt nầy đầy vẻ dửng dưng cứ như mọi thứ xung quanh: bọn tôi, ngôi mộ và bầu trời thăm thẳm xanh chẳng còn dính dáng gì tới nó nữa.

“Thôi đủ rồi, xích ra tao bắn về làm tiết canh…”

Thằng cấp dưỡng lại giơ khẩu súng lên. Trong những lý lẽ của tôi chẳng có thứ nào lọt tai để ngăn nó lại. Tôi đành dùng lý lẽ của nó:

“Chúng mày nhìn kỹ coi, nó chỉ còn xương bọc da thế kia, ăn thế quái nào được. Thôi, tha cho nó, để yên cho nó nằm chết theo chủ”.

“Không được, xương da gì cũng được một bữa. Mình đang thiếu đạm động vật mà.”

Thằng cấp dưỡng lại đẩy tôi ra. Tôi còn đang nghĩ xem còn có lý lẽ nào khác, thằng học giả đã bước tới:

“Đúng đấy, xương bọc da thế này, ăn làm gì tổ tanh miệng. Thôi, tha cho nó.”

Nó kéo thằng cấp dưỡng ra xa, thì thầm gì đó, chỉ thấy thằng này gật gật. Khi cả bọn kéo nhau về trước, thằng hộ pháp còn quay lại cười hềnh hệch với tôi:

“Kỳ này tao lại giành cho mày quả tim như lần giết con lợn rừng.”

Đôi mắt con chó đã nhắm lại. Thật khó hiểu được tại sao tôi lại ngồi xuống bên nó, bối rối và bứt rứt vì một chuyện gì đó. Hình như tôi muốn nắm lấy cẳng chân truyền cho nó hơi ấm là thứ duy nhất lúc này tôi có được. Vậy nhưng tôi vẫn ngồi im, co cả người lại không dám thở mạnh. Tôi cứ ngồi như thế rất lâu, không động đậy tay chân, không động đậy cả đôi mi mắt đã nhắm nghiền, cơ thể tôi lúc này phần nào đó cũng giống như con chó cũng chỉ có quả tim là đang co bóp. Tôi cứ ngồi như thế cho tới lúc tôi cảm thấy nôn nao, choáng váng hệt như lúc đang bám víu bên vách đá cheo leo. Và rồi không chỉ là cảm giác nữa, tôi thấy rõ ràng tôi đang chới với, dãy duạ giữa khoảng không, bên dưới là một vực sâu chóng mặt. Tôi kinh khủng ngửa mặt, nhìn ngước lên trông chờ một ai đó tới kéo tôi lên. Ông toán trưởng mải cúi xuống tấm bản đồ thằng hộ pháp cười hềnh hệch, thằng cấp dưỡng giương súng lên ngắm cái gì đó còn thằng học giả đang đứng trên cao giảng giải về nghịch lý để nhận ra cái hố thẳm. Tôi cứ chờ, chờ mãi và rồi tuyệt vọng buông người rơi xuống chiều sâu hun hút tối tăm và giá lạnh. Rất có thể tôi cứ trong trạng thái rơi mãi, rơi mãi như thế, nếu không có vật gì đó mềm mềm và ấm nóng lướt trên mặt làm tôi tỉnh giấc và rét run lẩy bẩy. Trời ơi, con chó hoang đã lết tới, nằm bên tôi lúc nào và đang nhẹ nhàng liếm lưỡi trên gương mặt tôi. Trời tối tự bao giờ, mảnh trăng uốn cong đã lại treo lơ lững giữa bầu trời giá lạnh. Và rồi chẳng giống như ý định ban đầu truyềnhơi ấm của mình cho con chó, mà chính là tôi đang quàng tay ôm lấy nó để nhận được sức nóng của nó truyền sang tôi…

 

Comments are closed.