Nguyễn Thị Kim Thoa
Những ngày học tiểu học, ngoài việc học ở trường hay làm bài tập tại nhà tôi rất thích ra vườn.
Ra vườn với ba hay với ông cậu Mới là những dịp thích thú của tôi. Tôi thích cây cỏ, bướm hoa và tò mò nên cả ông cậu Mới và ba đều muốn có tôi bầu bạn mỗi khi họ ra vườn.
Vườn nhà tôi khá rộng, vào những năm sau 1958 cuộc sống gia đình trở nên khó khăn, ba me tôi quyết định thay đổi một số cây trồng. Những cây lưu niên ít có lợi ích kinh tế bị đốn đi để có đất trồng những cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày: sắn, khoai, bầu bí, rau xanh các loại. Ông cậu Mới làm những việc nặng nhọc do ba tôi chỉ đạo và ông chỉ tham gia vào những lúc rảnh rỗi. Khu vực trồng hoa cây cảnh cũng bị thu hẹp. Me tôi góp ý nên loại bỏ những cây hải đường – loài hoa hữu sắc vô hương, nhà có con gái không nên trồng. Ông cậu Mới bảo hải đường vẫn có hương nên ông đã bứng và đem trồng chúng ở một góc xa, phía sau vườn, nơi me tôi ít lui tới.
Vào một buổi chiều cuối đông, trời lạnh đậm, có ráng đỏ, không mưa, ông cậu Mới gọi tôi ra ở góc vườn nơi có những cây hải đường ông bứng trồng năm ngoái, cụm hải đường đang nở rộ, rực rỡ một màu hồng thắm. Quả tình như ông cậu Mới nói: Hải đường cũng có hương thơm, một mùi thơm thoang thoảng lan tỏa trong gió lạnh và ráng chiều.
Người làm vườn của ba tôi là một người kỳ lạ, chỉ mấy hôm sau khi chứng minh với riêng tôi là hoa hải đường có hương, ông cậu Mới đã chen vào cuộc tranh luận ồn ào giữa anh trai tôi và các anh con cậu tôi từ Hội An ra học đại học về vấn đề “trèo lên cây bưởi hái hoa…” Lúc bây giờ tôi và ông cậu Mới đang ngồi trông chừng đàn gà mới nở ở cửa bếp. Ông cậu Mới rời chỗ ngồi đến bàn ăn cơm nơi diễn ra cuộc tranh luận. Ông nói:
– “Các cháu đã suy bụng ta ra bụng người. Cả hai phía các cháu đều như vậy cả. Ông Cậu (ông tự xưng như vậy với chúng tôi hàng ngày) đề nghị các cháu tự biến mình thành cái anh chàng đang đau khổ vì tình trong bài ca dao. Ông cậu đã từng là cái anh chàng ấy nên ông cậu biết tâm tình và cử chỉ, hành vi của anh ta, chứ ông cậu chẳng giỏi dang gì, các cháu đừng trách ông chỉ là người làm vườn mà lên mặt dạy đời. Này nhé: Một vài năm trước người thanh niên mới lớn bỗng dưng thấy mình rơi vào một tình trạng hụt hẫng đau khổ khi hay tin cô láng giềng đi lấy chồng. Tình trạng thất tình ấy kéo dài âm ỉ đến một ngày hay tin cô láng giềng từ nhà chồng về thăm gia đình cha mẹ đẻ, lòng anh rộn ràng sống lại mối tình câm. Anh nôn nóng muốn nhìn ngắm lại gương mặt người anh yêu thầm trộm nhớ. Anh rạo rực muốn gặp lại cô để nói ngàn vạn lời yêu thương chất chứa trong lòng. Nhưng cô gái thì cứ vô tình ru rú trong nhà. Anh trách cô: chuyện gì mà nói nhiều thế với cha mẹ, anh em mà không biết chán sao? Cô không còn nhớ vườn tược cây cối, rau trái nơi mà lúc chưa đi lấy chồng cô tới lui chăm ngó không biết bao nhiêu lần trong một ngày? Sự bồn chồn náo nức càng lúc càng tăng. Anh bần thần khó chịu. Anh tới lui ngồi đứng như người mất hồn. Anh trèo lên cây bưởi nơi cao nhất để có thể thấy được người thương bên kia vườn. Nhưng nào có thấy được gì đâu! Rời cây bưởi anh bước xuống vườn cà nơi có thể gặp được người trong mộng. Hái hoa bưởi hay nụ tầm xuân chỉ là cái cớ. Đã là cái cớ và là cái cớ ngớ ngẩn của người đang ôm ấp mối tình si thì anh đâu có cần biết hái nụ hoa bưởi để làm gì và nụ tầm xuân màu hồng hay màu xanh? Khi người tình si không đến hàng rào mà đến vườn cà để hái nụ tầm xuân thì rõ ràng tình trạng ngớ ngẩn của anh hết thuốc chữa. Lại nữa nụ tầm xuân cho dù anh hái được ở vườn cà thì từ tình trạng nụ đến tình trạng “nở ra” là hai thời điềm khác nhau. Giả sử rằng nụ tầm xuân bị đánh động (do anh hái) hay nụ tầm xuân cảm ứng trước mối tình si nên đã “nở ra” thì tâm trí anh vào cái thời điểm xao xuyến thất thần đến cực điểm ấy thì đâu có còn tỉnh táo để nhận ra màu xanh hay màu hồng của bông hoa trong tay đang run lẩy bẩy. Cái màu “xanh biếc” của hoa tầm xuân vừa mới nở là khả năng giễu cợt lố bịch hóa đến tài tình của người nghệ sĩ dân gian mà thôi. Do vậy mà theo ông cậu các cháu đã làm một việc vô ích là cùng nhau tranh cãi để tìm ra màu sắc của cái nụ tầm xuân chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng”.
Lên trung học Đồng Khánh, bây giờ ngồi nhớ lại, tôi không hiểu tại sao câu chuyện nụ tầm xuân một lần nữa lại nổ ra tại buổi bàn luận làm báo toàn trường năm 1967 của nhóm lớp tôi (lớp đệ tam A4) do thầy Hồ Hữu Hạnh phụ trách (thầy dạy anh văn) trong khi lẽ ra nó phải nổ ra trong giờ Việt văn tương ứng với chương trình.
Cuộc tranh luận của nhóm chúng tôi còn sôi nổi hơn cuộc cãi vã của các anh tôi năm năm về trước. Dĩ nhiên những ý kiến của ông cậu Mới đã được trình bày mạch lạc với ngôn từ, câu kéo của một học sinh Đồng Khánh đã qua bốn năm đệ nhất cấp, một người mà ngay từ đầu bước vào trường trung học đã tỏ ra có khuynh hướng “hiếu sự” muốn đào bới đến gốc rễ mọi vấn đề. Và cũng dĩ nhiên do tính hiếu thắng tôi đã “quên” nói với các bạn và thầy Hồ Hữu Hạnh rằng những gì tôi đã “diễn thuyết” là nhờ học được của một người làm vườn là ông cậu Mới của tôi.
Liền sau cuộc “diễn thuyết” chớp thời cơ ấy và mãi đến tận thời điểm này mỗi lần nhớ lại sự “lãng quên”, sự “phớt lờ cố tình lương thiện” ấy mặt tôi nóng rần, âm ỉ hổ thẹn.
Người làm vườn, ông cậu Mới là ai mà đã trở thành người bạn vong niên, người thầy ngoài dự liệu của ba mẹ tôi, người đã có một vai trò không nhỏ đối với sự phát triển lương thức của tôi thuở thiếu thời?
Ông cậu Mới là em út của bà nội tôi (bà Lương thị Hà), ba tôi kêu bằng cậu, anh em chúng tôi gọi bằng ông cậu. Ông cậu Mới tên thật là Lương Khát Tân, con út trong một gia đình có sáu anh em. Ông cố ngoại tôi, ông ngoại ba tôi, người sinh ra bà nội tôi và ông cậu Mới, là một nhà nho, tham gia phong trào Duy Tân bị Tây bắt đi đày và chết tại côn đảo. Bốn ông cậu còn lại năm 1916 tham gia cuộc nổi dậy của vua Duy Tân do hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên khởi xướng. Cuộc nổi dậy bị đổ bể thất bại, cả bốn ông cậu đều bị bắt, người thì bị chém, người bị lưu đày. Bà cố đau buồn rồi chết. Gia đình họ Lương, một đại gia ở vùng An Cựu Tây tan nát. Lương Khát Tân mười ba, mười bốn tuổi tứ cố vô thân. Ông bà nội tôi đem em về chăm sóc tiếp tục ăn học. Tôi không biết ông học đến đâu nhưng ông hay dùng tiếng Tây chen vào các câu nói trong sinh hoạt hàng ngày. Quốc ngữ và chữ Hán ông khá giỏi, từ ngữ chính xác, lập luận vững chắc. Ông Lương Khát Tân về ở với ông bà nội tôi được chín mười năm gì đó thì nhà ông bà nội tôi xảy ra một tai biến lớn. Bà nội tôi ngã bệnh và chết vì lao phổi. Ông Lương Khát Tân và hai chú tôi cũng lây bệnh. Mấy năm sau hai chú tôi lần lượt qua đời, không hiểu sao ông Lương Khát Tân vẫn sống được, ông nội tôi làm riêng cho ông một cái chòi nhỏ ở góc vườn để tránh tình trạng lây lan cho những người còn lại. Gia đình ông nội tôi và ba tôi sau này ngày một sa sút. Khu vườn khá rộng vẫn giữ được, đời sống thì không còn sung túc đầy đủ như xưa. Ở một mình nơi góc xa của khu vườn và trở thành người làm vườn khi nào không ai biết. Có điều sức khỏe của ông ngày một khá lên. Gần như ông đã lành bệnh. Trong thời gian tiếp xúc với ông tôi chưa bao giờ thấy ông ho hen gì. Ông to cao khỏe mạnh. Tuy vậy me tôi vẫn hạn chế sự gần gũi giữa ông và tụi nhỏ chúng tôi. Ngoài chị cả và tôi, không ai trong các anh chị em còn lại của tôi lui tới bầu bạn với ông. Đối với tôi ông đặc biệt thương yêu và cũng có nhu cầu bầu bạn. Ông là người cõng tôi đến lớp vỡ lòng. Tôi theo ông làm vườn. Ông giải đáp tất cả những thắc mắc, tò mò của tôi.
Tôi học ở ông tình yêu và cách bảo vệ cây, chim chóc và cả thú ở trong vườn. Một hôm, một con trong đàn gà mới nở bị chim cắt bắt trước mặt tôi, tôi đã khóc suốt một buổi, ông cậu Mới đã lau nước mắt, vỗ về, an ủi tôi như bà mẹ chăm sóc đứa con nhỏ của mình. Nhiều năm về sau qua radio nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài “Bà Mẹ Quê” của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi lại ứa nước mắt nhớ cảnh con chim cắt bắt con gà con trong vườn nhà. Tôi nói với chính mình: Cái ông Phạm Duy tài thật, mấy câu ca của ông mô tả chân xác tình cảnh của đàn gà và tình cảnh của bà mẹ quê với đàn con trong đó có tôi. Chẳng biết chỉ có lần đó hay có một lần nào nữa về sau tiếp xúc với tiếng hát Thái Thanh và Bà Mẹ Quê tôi đã thuộc mấy câu:
“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi một, nuôi một đàn con chắt chiu…
Vỹ Dạ của tôi (1954 – 1963) đã là một vùng đất nổi tiếng (Huế – cựu kinh đô triều Nguyễn) so với thời nay cũng chỉ là một làng quê, cũng có vườn rau xanh ngắt, cũng gà mẹ xòe cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của diều hâu, chim cắt. Và mẹ tôi, người phụ nữ sinh trưởng trong một gia đình thương nhân ở thành phố cảng nổi tiếng một thời (Hội An) cũng chỉ là một bà mẹ quê vất vả trăm chiều, chắt chiu nuôi một đàn con chưa khôn lớn khi ba tôi vội vã ra đi ở cái tuổi 49.
Ngoài chim trời các loại như chào mào, trĩ, khách, rột rột, diều hâu, quạ, tu hú, “tây về cho hết”, vườn nhà tôi còn có mấy loại thú: chồn, sóc, rái cá và nhiều con thuộc loài bò sát như rắn, tắt kè, kỳ nhông, rắn mối … Ông cậu Mới ở giữa các loài chim thú, rắn rít nhưng không có con nào sợ ông cả? Một hôm không lâu sau sự cố con chim cắt bắt con gà con, người thợ rèn ở vườn bên cạnh được phép ba tôi đặt một cái bao tải ở đầu ngóc hang chồn, ở bên kia miệng hang ông thợ rèn đốt rơm hun khói. Con chồn không chịu được khói trốn chạy và xông vào bao tải. Con chồn bị túm bắt vùng vẫy kêu thét trong bao. Ở ngoài bao tôi ôm lấy chân ba tôi và cũng kêu khóc van nài ông thả con chồn. Ba tôi bảo con chồn bắt gà nhà ông thợ rèn, gà nhà mình cũng bị nó bắt, nuôi gà thì phải bắt chồn thôi. Lý lẽ của ba tôi được mọi người bao quanh đám bắt chồn đồng ý nhưng tôi thì vấn cứ giẫy nẩy đòi thả con thú tội nghiệp. Hôm ấy me và các chị tôi đã về quê ngoại. Ông cậu Mới thấy tình thế không thể khác được, đến dắt tôi đi về căn chòi của ông. Lần này ngoài việc an ủi, vỗ về tôi, ông còn lý giải: Ông cậu với cháu mới là hai, ngoài kia có đến bảy tám người, chúng ta là thiểu số phải phục tùng đa số thôi.
Do chuyện con chồn bị nạn, mà cả tuần tôi giận lẫy ba tôi, đi học tôi không thưa, về học tôi không chào. Đối với ông thợ rèn cuộc giận lẫy của tôi kéo dài đến mươi ngày nửa tháng, mặc dầu bác thợ rèn gái thấy tôi không chui hàng rào qua chơi vào mỗi bữa trưa, đã đánh tiếng gọi cho tôi khi thì cái này khi thì cái nọ.
Vào những năm tháng ấy, chuyện ma rà là câu chuyện phổ biến không chỉ trong những người giúp việc với lũ nhỏ tụi tôi mà cả trong những giờ ra chơi tại trường tiểu học. Một lần tôi hỏi ông cậu Mới về chuyện có hay không có ma rà? Ông bảo:
– “Làm gì có ma, đặc biệt là ma rà. Có một loài thú to bằng con mèo hay con chó nhỏ sống trong những cái hang dọc các bờ sông. Thức ăn chính của nó là cá nên người ta hay gọi là rái cá. Rái cá săn được mồi đem lên những mô đá ngồi ăn, nghe động tỉnh nó nhảy ào xuống nước để lại mấy mảnh cá thừa và chất bầy nhầy từ ruột cá và bùn. Có người – thường là những người không được may mắn đi học như cháu – đang đêm xuống bến nước để làm một việc gì đó, thoáng thấy khối đen nhỏ ngồi lù lù trên hòn đá tảng và nghe một tiếng “ùm” dưới nước hoảng sợ chạy vào nhà bảo đó là ma rà. Cháu muốn biết rõ hơn về ma rà, khi nào thuận tiện nhờ ba me lấy tự điển Larousse chỉ giảng cho về con rái cá”.
Không đợi khi nào thuận tiện, tôi chạy ù vào nhà, quên lửng tình thế đang giận ba, xin ông chỉ cho tôi con rái cá trong cuốn tự điển Larousse.
Thế là chỉ mấy phút, trí óc tôi chuyển động từ tình trạng phân vân giữa có hay không có ma rà đến sự nhận biết một số thông tin chưa đầy đủ về con rái cá của ông cậu Mới và cuối cùng là những hiểu biết thêm về con hải ly của cuốn tự điển Larousse bởi sự chỉ dẫn của ba tôi. Bắt đầu từ hôm đó ba me tôi và cuốn tự điển Larousse trở thành “nạn nhân” của đứa con gái ốm yếu nhưng chất chứa biết bao sự tò mò tra vấn. Còn ông cậu Mới thì tìm thấy niềm vui ngày một nhiều hơn trong việc giải đáp các câu hỏi của tôi. Bất cứ lúc nào, đang ngủ nghe tôi gọi là ông vùng dậy ngay. Đang làm vườn, thấy tôi đến là hỏi liền: Sao đó, có gì cần ông cậu phải không? Lúc uống trà thì khỏi phải nói, dường như sự xuất hiện của tôi làm trà ngon hơn. Ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói của ông đã nói với tôi như thế.
Một lần nào đó sau câu chuyện ma rà và rái cá khá lâu, đâu khoảng cuối năm lớp nhì (1961) tôi hỏi ông cậu Mới:
– “Có phải hồi nhỏ ông cậu đã yêu cô láng giềng phải không”?
Ông nhìn tôi chưng hửng, rồi hỏi lại:
– “Tại sao cháu hỏi ông cậu như thế”?
Tôi đáp:
– “Cháu thấy người lớn không ai sống một mình cả? mấy tháng trước ông cậu bảo với các anh là ông cậu đã yêu một cô hàng xóm nên ông biết… Ông cười to rồi ôm chầm lấy tôi, đưa tay xoa đầu, bẹo má tôi. Trong tiếng cười của ông có một chút reo vui lấp lánh trong nỗi buồn phiền.
Ông lại hỏi:
– “Cháu quan tâm đến ông cậu nhiều như vậy sao? Trong nhà này ngoài ba me cháu, chị Hoa (chị hai tôi) cháu là đứa quan tâm đến ông nhiều nhất. Ông cám ơn cháu. Hồi đó ông cậu nói với các anh cháu như thế để các anh không giận ông cậu đã chen ngang vào câu chuyện của họ. Sự thật không có câu chuyện tình giữa ông cậu và cô hàng xóm nào cả. Thời nhỏ dại, ông cậu lâm vào tình thế khốn cùng, mồ côi cha, mồ côi mẹ, các anh bị Tây giết, nhà cửa tan hoang phải nương tựa vào ông bà nội cháu. Lớn lên lâm bệnh nan y, sức cùng lực kiệt, không còn tâm ý đâu nghĩ đến bất cứ chuyện gì nghiêm túc. Không có chuyện yêu đương như anh chàng trong bài ca dao kia. Nhưng ông cậu lại có một mối tình khác không thực hiện được, trở thành món nợ ngày một lớn với tuổi già. Bệnh tật đã cản trở không cho ông cậu thực hiện mối tình này, về phần mình, ông cậu trở nên kẻ vô tình bạc nghĩa. Câu chuyện tình của ông cậu dài, mối tình của ông cậu lớn, nói ra lúc này cháu chưa hiểu hết được. Mấy năm nữa…
Ông cậu Mới đột ngột dừng lại. Dường như có điều gì đấy khó khăn khiến ông trở nên phân vân.
Sự dừng lại đột ngột, sự phân vân nửa muốn nói, nửa không muốn nói của ông cậu Mới càng kích thích tính tò mò của tôi. Tôi nài nỉ:
– “ Ông cậu Mới cứ nói. Cháu hiểu, cháu hiểu hết…” Một lúc lâu sau tiếng thở dài nhẹ.
Ông cậu Mới bảo:
– “Thôi cũng được, cái gì chưa hiểu lớn lên cháu sẽ hiểu. Có điều cháu phải hứa là không được cắt ngang, hỏi giữa chừng vì như thế câu chuyện ông sắp nói sẽ không bao giờ dứt, vả lại ở tuổi cháu chưa nên biết những chuyện của người lớn”.
Sợ ông cậu Mới đổi ý, tôi vội vàng hứa:
– “Cháu sẽ làm theo ý ông cậu Mới”.
Những điều tôi ghi lại sau đây không hoàn toàn là nguyên văn mà là đại ý những điều ông cậu Mới nói với tôi vào cuối năm lớp nhì.
“Câu chuyện cháu sắp nghe do mẹ ông Cậu (tức là bà cố ngoại cháu), chị và anh rể (tức là ông bà nội cháu) kể lại, cũng có nhiều điều do chính ông cậu gom góp được.
“Trong vòng 10 năm, nhà họ Lương của ông cậu ở An Cựu Tây gặp phải hai tai họa lớn xuất phát cùng một nguyên nhân: Giặc Tây. Lần thứ nhất xảy ra khi ông cậu chưa đầy một tuổi, năm 1908, cha ông cậu tức là cụ ngoại cháu bị Tây bắt đày Côn Lôn rồi chết ở đó mấy năm sau. Bọn Tây qui kết tội ông cụ cố cháu làm giặc, bởi ông là người năng nổ hoạt động trong phong trào Duy Tân do hai ông Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu khởi xướng.
Lần thứ hai khi ông cậu chưa đầy 10 tuổi, năm 1916 hai người anh trai của ông cậu (cháu cũng kêu bằng ông cậu) bị Tây bắt chém đầu ở bãi chém An Hòa. Hai người anh còn lại mấy năm sau cũng bị bắt và bị đày đi đảo rồi chết ở đó. Các ông đều là người hăng hái trong cuộc nổi dậy do vua Duy Tân đứng đầu và hai ông Thái Phiên – Trần Cao Vân điều khiển. Chồng chết, con chết, nhà cửa, ruộng vườn bị tịch thu, mẹ ông cậu, tức bà cố ngoại cháu không đủ sức chịu đựng, đau buồn, lâm bệnh rồi cũng chết theo chồng con.
Ông cậu 10 tuổi mồ côi cha, mồ côi mẹ, theo ông bà nội cháu về sống ở Gia Hội trong một cửa hàng mua bán đồ cổ được mấy năm. Trong mấy năm ấy, ông cậu được tiếp tục đi học ở trường tiểu học Gia Hội. Để ông cậu tiếp tục đi hoc, ông nội cháu phải lo lót thay đổi hộ tịch cho ông cậu, bởi con người làm giặc bị Tây cấm đến trường, Lương Khát Tân trở thành Nguyễn Đắc Mới. Lương Khát Tân, cái tên do ông cụ cố ngoại cháu đặt, có nghĩa là đứa con nhà họ Lương khát khao đi theo con đường Duy Tân. Nguyễn Đắc Mới là đứa con họ Nguyễn sẽ đạt được cái Mới. Tân là Mới và Mới cũng là Tân. Cả hai đều nói lên một khát vọng đánh Tây dành độc lập cho nước. Ông bà nội cháu đặt tên cho ông cậu như thế để ghi nhớ tâm nguyện của ông cụ cố, bà cụ và bốn ông anh ông cậu bị Tây giết vì việc nước.
Ở Gia hội được ba năm, học xong tiểu học, ông bà nội cháu dự tính cho ông cậu Mới tiếp tục học trung học. Nhưng một tai biến lớn lại xảy ra, bà nội cháu bị lao phổi, có lẽ bà bị lây bệnh từ bà cố ngoại. Chạy chữa rất nhiều mà bà nội cháu vẫn không khỏi. Bà qua đời. Hai ông chú của cháu và chính ông cậu Mới cũng bị lây nhiễm. Hai ông chú của cháu cũng lần lượt qua đời ở tuổi thiếu niên. Chẳng biết vì lý do gì ông cậu Mới thoát chết. Trong cơn nguy biến, ông nội cháu quyết định đổi tiệm buôn ở Gia Hội mua lại khu vườn này để người con trai duy nhất còn lại là ba cháu tránh bị lây nhiễm, và làm riêng cho cho ông cậu Mới một chỗ ở riêng biệt ở cuối vườn. Căn chòi này chính là nhà của ông cậu Mới do ông nội cháu làm từ 1930 đã qua sửa chữa nhiều lần. Từ 1930 đến thời điểm này đất nước đã trải qua bao nhiêu biến động. Có biết bao nhiêu người đã vì nước mà chết chóc tù đày. Biết bao nhiêu gia đình, dòng họ đã bị bọn Tây hãm hại tan nát cửa nhà.
Bản thân ông cậu Mới do bệnh nan y và lây nhiễm, thường trực đối đầu với cái chết và tình trạng biệt lập nên không có điều kiện và cũng không đủ sức để quan tâm với bất cứ việc gì. Do sức trẻ, tình trạng độc thân, ít phải lo nghĩ đến bổn phận này nọ, được ông nội rồi cha cháu chăm sóc đầy đủ và đặc biệt nhờ các vị sư ở chùa Trà Am hướng dẫn tập luyện nên sức khỏe ông cậu Mới dần dần phục hồi và gần như bệnh lao phổi đã bị đẩy lui. Sức khỏe trở lại bình thường, trớ trêu là tuổi càng cao, cuộc sống riêng của ông cậu Mới hầu như chẳng dính nhập gì với những biến động của xã hội bên ngoài khu vườn này. Cách mạng tháng Tám, kháng chiến 9 năm chống Pháp, hiệp định Genève và tình trạng đất nước bị chia cắt lâu dài, càng quan tâm càng thấy xa cách. Kháng chiến như cô gái trong bài ca dao trèo lên cây bưởi và ông cậu Mới của cháu thì như người con trai lẩn thẩn vừa như bị bỏ quên vừa mặc cảm chính mình là kẻ bất nghĩa bội tình”.
Một bữa sáng cuối năm 1960, hay đầu năm 1961 gì đó, nhân có người bạn đem đến tặng ba tôi một miếng thạch cao tròn trên đó có khắc nổi hình bán thân tổng thống Ngô Đình Diệm, ông bạn bảo ba me tôi chọn một chỗ trang trọng trên tường mà treo lên. Lúc đó me tôi đang ngồi trang điểm chuẩn bị đi chợ. Bà kẽ lông mày bằng than que diêm đã đốt cháy. Bà đến chỗ bàn ông khách đang ngồi, nhìn ngắm bức tượng, tiện tay có que diêm bà tô đen nốt ruồi trên mặt Ngô Tổng Thống. Người khách phản ứng: ông ta nói:
“Tổng Thống là quí nhân, nốt ruồi của người là nốt ruồi son chứ không phải là nốt ruồi đen”.
Ba tôi thấy không khí trở nên căn thẳng, bèn lấy tay phủi phủi vết đen trên má bức tượng, rồi gói lại đem bỏ vào hộc tủ, nói sẽ đóng đinh treo lên tường. Nhưng từ đó về sau tôi không thấy bức tượng được treo lên tường như lời ba tôi nói. Tôi hỏi ba me tôi về chuyện nốt ruồi đen, nốt ruồi son của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hai người chỉ cười nụ rồi bảo:
– “Trẻ con không nên tọc mạch”.
Tôi đem chuyện hỏi ông cậu Mới, ông cậu Mới bảo:
– “Nốt ruồi đen hay nốt ruồi son mấy năm nữa cháu sẽ biết”.
Năm 1963 phong trào Phật giáo chống Ngô Đình Diệm nổ ra tại Huế, lan khắp miền Trung, miền Nam. Cuối năm 1963 chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Những năm về sau, qua lời phê phán công khai, tôi nghe được chung quanh cũng như đọc được trên sách báo lần hồi giúp tôi hiểu rõ hơn thái độ của ba me tôi và đặc biệt câu trả lời dứt khoát của ông cậu Mới: “Ông Ngô Đình Diệm có nốt ruồi đen hay nốt ruồi đỏ mấy năm nữa cháu sẽ biết”.
Có một điều mà đến tận lúc này tôi không biết là bỗng dưng ông cậu Mới của tôi biến mất vào một ngày nào đó cuối năm 1962. Buổi chiều đi học về, ba tôi đưa cho tôi một cuốn sách bảo là của ông cậu Mới gởi lại. Cuốn “Đông Kinh Nghĩa Thục” của Nguyễn Hiến Lê. Tôi hỏi ba tôi, mẹ tôi cả hai đều nói ông cậu Mới lên ở trên chùa Tra Am. Tôi hỏi các anh chị tôi, chẳng ai biết gì cả, không ai quan tâm đến ông cậu Mới cả. Tôi chạy ra căn chòi, căn chòi trống trơn. Tôi òa khóc. Tôi ngồi lại một mình với căn chòi vắng vẻ với cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục trong tay cho đến khi mẹ và chị hai ra dỗ tôi vào. Theo yêu cầu của tôi, ba me tôi giữ lại căn chòi để tôi đọc sách và học, làm bài tập về nhà. Tôi còn sử dụng căn chòi làm nơi tra vấn một mình và nhớ nghĩ về “người làm vườn” mà khoảng thời gian học tiểu học, đối với tôi vừa là thầy, vừa là bạn thân thiết. Đối với ba tôi sự ra đi của ông cậu Mới cũng để lại trong lòng ông một khoảng trống vắng. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ba tôi ngồi thừ người uống trà một mình trên tấm phản nơi mà hàng chục năm hai người vừa là cậu cháu vừa là anh em bạn bè thì thầm to nhỏ.
Đến năm đệ lục (lớp 7 bây giờ) năm 1963 tôi được me mua cho chiếc xe đạp. Ngày chủ nhật đầu tiên của niên khóa mới, một người bạn học cùng lớp cư trú tại An Cựu Tây đã dẫn đường đưa tôi đến chùa Tra Am, ở tận phía xa sau núi Ngự Bình. Vào thời điểm đó Tra Am ở trong khu vực “mất an ninh”. Tôi nói dối với me tôi đến chơi nhà bạn ở ngoẹo Giàn xoay gần cầu An Cựu. Chúng tôi đến chùa Tra Am để hỏi thăm tin tức về ông cậu Mới. Một vị sư ở đó nói với tôi rằng: “Ông cậu Mới của con đã theo một vị tăng trẻ đi gây chùa trong núi”. Tôi tiu nguỷu ra về. Những năm tiếp theo của bậc trung học, tôi và Thu Sa, người bạn đi cùng đường, học cùng lớp là “cặp lãng nữ” đi khắp các núi đồi chùa chiền ở phía tây thành phố Huế để sưu tầm các mẫu đất đá, cây lá cho các buổi học Vạn vật ở trường Đồng Khánh, gặp ai tôi cũng hỏi thăm tung tích ông “cậu Mới từ Tra Am đi gây chùa trong núi”. Những năm học đại học tôi đạp xe theo bác Phạm Đăng Siêu và các anh chị trong nhóm Hướng Thiện đi cúng dường các chùa và thăm các gia đình nghèo để chuyển cho những người này gạo, áo quần cũ mà chúng tôi quyên góp được, đi đâu tôi cũng để ý hỏi thăm tin tức ông cậu Mới. Nhưng chẳng có tăm hơi gì.
Sau 1975, chiến tranh kết thúc, tôi trở lại Tra Am để hỏi đường đi đến chùa ông cậu Mới. Một vị sư ở đó, thương cảm, ái ngại báo một tin tôi không chờ đợi:
– “Thay vì nói ông cậu Mới của con lên rừng tham gia Mặt Trận thì nhà chùa đã bảo là đi gây chùa trong núi. Đó là cách nói của Tra Am trong thời chiến. Năm 1968 ông cậu Mới của con đã hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ mà ông ấy bảo không thể không làm”.
Tôi theo vị sư đi ra cồn mả phía sau chùa. Vị sư nói đây là nghĩa trang của gia đình họ Lương. Ngoài ngôi mộ ông Lương Khát Tân (ông cậu Mới của tôi) chôn năm 1968, không có ngôi mộ nào được chôn thêm kể từ sau khi bà cụ cố con chết (1917). Nhà họ Lương ở thôn Tứ Tây đã bị Tây giết sạch sau hai biến cố lịch sử đầu thế kỷ là phong trào Duy Tân năm 1908 và cuộc nổi dậy của vua Duy Tân năm 1916.
Ở giữa các ngôi mộ cổ to có nhỏ có, mộ ông cậu Mới là một nấm đất nhỏ với một cái bia bằng xi măng đơn giản do nhà chùa chôn và lập. Tấm bia ghi mấy chữ:
Phần mộ Đạo hữu Lương Khát Tân
(tên khác: Nguyễn Đắc Mới)
Pháp danh: Như Tín
Sinh năm: 1908
Mất ngày 24 – 1 – 1968.
Vị sư vào chùa. Tôi thắp hương khắp lược và ngồi lại với ông cậu Mới một hồi lâu. Tôi đã không khóc. Lòng tôi vừa xúc động vừa nhẹ nhõm. Tôi nói như đang trò chuyện với người mà tôi đã tìm kiếm bao nhiêu năm nay mới gặp lại:
– “Ông cậu Mới ơi, ông đã lấy cái chết để chứng tỏ rằng ông không phải là kẻ vong ân bội nghĩa. Ông đã làm được cái việc mà thời trai trẻ vì lý do bệnh tật ông đã không thể làm… Vậy thì chẳng có lý do gì để ông không thảnh thơi cùng với tổ tiên làng xóm”.
Có những ngày như thế nơi chiến tranh đi qua
Từ 10 tuổi tôi đã nghe cha mẹ, người thân nói về chiến tranh. Tôi nghe cha tôi kể về các cuộc chém giết ở vùng xôi đậu, về những xác chết trôi trên sông Thu Bồn. Tôi nghe anh tôi kể về những thương binh, về những góa phụ. Tôi nghe chị tôi nói về những người mẹ gánh con chạy loạn. Tôi nghe mẹ tôi hò ru em “Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử/ Gái trông chồng lên núi Vọng Phu/ Chiều chiều bóng xế trăng lu/ Nghe con ve kêu mùa hạ biết mấy thu gặp chàng”. Chỉ nghe thôi nhưng mỗi lần nhớ đến, nỗi buồn thương ảo não lại xâm chiếm hồn tôi.
Mười tám tuổi tôi thật sự biết mùi vị của chiến tranh. Từ cái đêm giao thừa năm 1968, tiếng pháo và tiếng súng không phân biệt.
Chiến tranh xảy ra ngay trên đường làng, ngay trong vườn nhà tôi.
Đạn pháo, róc két, từng loạt, từng loạt trút xuống trong vườn, trên đường làng. Cây đổ, nhà cháy, người thương vong.
Tôi đứng giữa vườn, đạn réo quanh, tôi không còn biết sợ là gì khi mẹ tôi từ dưới hầm đi lên và bị trúng đạn, tôi không biết sợ là gì khi anh tôi từ trong ngôi nhà đổ nát chạy ra. Tôi lao tới ôm mẹ, tôi lao tới kéo anh tôi… Anh tôi cõng mẹ, chúng tôi chạy dưới đạn pháo, máu từ vết thương của mẹ tôi ướt đẫm hai ống quần. Áo quần chúng tôi tơi tả, da thịt chúng tôi bị cưa xé khi chui qua những hàng rào thép gai, chúng tôi cứ chạy, cúi đầu chạy theo hướng dẫn của những anh lính Cộng Hòa. Chạy băng vườn, băng đập. Từ dưới hầm chúng tôi dong hai tay bò lên rồi chạy với chỉ một bộ áo quần dưới mưa phùn rét ướt.
Xin kể một câu chuyện thấm đậm tình người: Chị tôi tuổi đôi mươi, chạy qua các hàng rào thép gai, ống quần rách tươm không còn gì, một cụ già cùng chạy với chúng tôi, lặng lẽ nhường chiếc quần vải trắng may kiểu cẳng què cho chị tôi, cụ chỉ còn lại chiếc quần xà lỏn mặc bên trong. Dưới mưa phùn rét mướt, cụ run cầm cập và cứ thế mà chạy. Nếu tôi nhớ không lầm đó là cụ Ưng Thiều người bạn hàng xóm của gia đình tôi.
Qua bên kia Đập Đá, chúng tôi vào trú đạn trong câu lạc bộ sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Tĩnh tâm lại tôi sợ đến run người. Nhớ lại trong lúc chạy, chỉ một đoạn ngắn chừng hai cây số, tôi đã thấy có hai, ba người nằm chết bên đường, có người hai tay còn cầm bánh tét, bánh chưng. Tôi run lên bần bật, chị Hai ôm quàng tôi, sưởi ấm cho tôi và nói: “Yên rồi, yên rồi, em đừng sợ nữa”, chị tôi lập đi lập lại nhiều lần yên rồi… yên rồi…
Suốt nhiều tháng năm sau đó những cơn ác mộng chết chóc, máu đổ, xương rơi cứ len lỏi vào giấc ngủ. Mẹ đem “bán”(1) tôi vào chùa, sắm cho tôi sợi dây chuyền có tượng Phật để đeo. Tôi tĩnh tâm, niệm Phật hằng đêm để bớt cơn ám ảnh sợ hãi.
Bạn tôi ở làng Ngọc Anh, có người cô, người chủ lực lao động nuôi sống cả gia đình, chết tan thây khi vừa lên khỏi hầm do đạn pháo mọt chê.
Tôi có người bạn thân ở làng Vân Dương, cả gia đình cha mẹ, chị anh chết vùi thây dưới những đợt rốc két.
Tôi có người bạn cùng lớp chết do bị chôn sống ở Dạ Lê.
…
Bom đạn, chết chóc, đói lạnh rồi cũng qua, nhưng những ngày sau đó đi trên những con đường với những nấm mồ vô chủ chôn vội bên lề, trong sân trường: những nấm mồ đắp vội, không ai có thể cầm được nước mắt, ôi! đau thương ngất trời.
Thầy Thân Trọng A dạy toán, thầy bị chôn tập thể trong Tết Mậu Thân.
Đôi mắt buồn vời vợi của cô Hà Thị Vy dạy Triết có chồng chết bởi tên bay đạn lạc trong Tết Mậu Thân. Ánh mắt cô như đeo sầu, đeo thảm ám ảnh tôi nhiều năm tháng.
Tiếng khóc than hàng đêm của người hàng xóm có chồng mất tích.
Chiếc cầu bạc gãy đi một vài.
Những đoàn xe đưa xác người chết tập thể đi chôn chậm rãi băng qua con đường Lê Lợi.
…
Chiến tranh đi qua để lại cho thành phố một bộ mặt đau thương, nghẹn ngào không còn khóc được.
Nỗi đau thương do cuộc chiến năm 1968 chưa vơi, năm 1972, không khí chiến tranh lại bao trùm lên thành phố khiến người dân ở đây mỗi lần nhắc đến cụm từ “mùa hè đỏ lửa” lại thấy lòng mình quặn thắt.
Bom đạn ngút trời nơi tuyến đầu Quảng Trị với “đại lộ kinh hoàng”, thành phố Huế cách xa chừng 60km cũng hứng chịu những cuộc pháo kích của Cộng quân cả ngày lẫn đêm, nhất là khu vực quanh đồn Mang Cá nơi đóng quân của bộ Tư lệnh quân đoàn I và khu sân bay Tây Lộc.
Ngày nào cũng có tin thương vong của thường dân nơi này nơi kia.
Tôi có người bạn thân di tản từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, cả gia đình đều đi, ông nội lớn tuổi không chịu rời xa quê nhà. Khi tạm ngưng tiếng súng, bạn ấy trở về, không biết ông nội ở đâu trong cái thành phố nhỏ bé đã bị san thành bình địa, nhà không thấy đâu! Ông cũng không thấy đâu! Bạn ấy ôm tôi khóc trọn một buổi chiều.
Đạn pháo réo trên đầu, máy bay vần vũ trên bầu trời, hỏa châu đỏ rực mỗi đêm, chết chóc nơi này nơi kia, thành phố không tìm thấy nụ cười, khăn tang trắng nhiều hơn trên đường phố.
Thế nhưng nỗi đau buồn, sợ hải không chỉ có thế…
Huế, thành phố cổ kính, trang nghiêm có thêm nhiều quán bar, quán rượu phục vụ cho quân viễn chinh. Trên đường đến trường, tôi phải đi qua khách sạn Hương Giang, nơi các chiến binh Mỹ nghỉ ngơi sau mỗi trận chiến, đối diện với khách sạn này là quán bar 76, qua đây tôi rất sợ vì thỉnh thoảng vẫn gặp những gã lính say rượu, chếnh choáng đi ngang ngửa giữa đường.
Những đoàn xe quân sự Mỹ, Đại Hàn ngày càng nhiều, đường Thuận An, con đường ngày hai buổi đi học, có lúc nón lá của tôi đã trúng bã kẹo cao su, lon thức ăn B3, B4 đã qua sử dụng. Thật buồn đau, tủi nhục.
Một sớm mùa xuân, em gái của tôi đạp xe đi học, một tên vô lại ngồi trên xe GMC cúi xuống giật chiếc nón, em tôi ngã vào bánh xe, máu chảy lênh láng, dân chúng tưởng em đã chết nên đắp chiếu để em nằm lại bên lề đường. Nơi bị nạn cách nhà tôi chừng 50 mét, nghe báo tin anh tôi chạy vội đến, là sinh viên y khoa anh tôi kịp sơ cứu và đưa em tôi vào bệnh viện trung ương Huế. May mắn thay, kíp trực của Bác sĩ Đỗ Như Đài và Bác sĩ Trần Tiễn Ngạc đã cứu sống được em tôi. Nhân đây xin gởi lời kính cám ơn đến thầy Đỗ Như Đài và đàn anh Trần Tiễn Ngạc, cũng không quên lời cám ơn Bác sĩ Dupuis (người Bỉ) đã khâu thẩm mỹ những vết thương trên mặt của em, có vết rách từ miệng đến mang tai.
Ôi chiến tranh đau thương! Tủi nhục!
Người dân Huế, Quảng Trị sợ Cộng Sản chiếm thành phố, tiếp tục chạy vào Nam. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Vào Đà Nẵng chúng tôi tạm trú tại nhà của một người chị họ, gọi mẹ tôi là cô ruột. Căn phòng phía trước chừng 25m2 cho tất cả sáu người. Chật chội, thiếu nước, thiếu phương tiện vệ sinh nhưng như thế cũng còn tốt hơn nhiều những gia đình phải ngủ vỉa hè hay gầm cầu.
Khí trời oi bức, rác thải chất thành đống cao quanh các chợ, đặc biệt là chợ Cồn. Hằng ngày tôi đến bệnh viện cùng các bạn tham gia cứu thương hay cùng các anh chị trong các đoàn cứu trợ của Caritas, Terre des hommes đi khám bệnh, phân phát lương thực, áo quần. Nơi đâu tôi cũng chỉ thấy có đau thương, bệnh tật. Chỉ thấy tiếng khóc, tiếng than, không thấy một nụ cười dù là của trẻ thơ.
Một ngày tôi cùng đoàn Terre des hommes đi cứu trợ cho người di tản ở Phước Tường. Trên đường đi, đến một ngã ba, hình như là dốc Hòa Cầm có một xác chết trần trụi chỉ mặc một chiếc quần đùi cháy sém, chị Jacqueline (người Pháp, một nữ tu) yêu cầu dừng xe, đoạn chị ấy lấy một tấm chăn mỏng (hàng cứu trợ) đắp cho người chết cháy bên đường. Tất cả chúng tôi đứng lặng người, cái lạnh giữa mùa hè như dâng lên trong mỗi một chúng tôi.
Đến địa điểm làm việc, chúng tôi khuân vác hàng cứu trợ gồm chăn màn, thuốc men xếp vào hai góc, phân chia hai nhóm làm việc, thế nhưng cái “lạnh người” nơi dốc Hòa Cầm làm chúng tôi như tê cóng toàn thân, rưng rưng đứng nhìn nhau, anh trưởng nhóm vỗ tay bắt nhịp hát:
“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo / Lời tôi ca thay cho tiếng đạn
bay/ Lời tôi xây cho vững tay cày…”
“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa/ Một miền quê tim héo và khô/ Lời tôi ca khâu vá tình thương/ Lời hôm qua chắp nối Con Đường…”
“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù/ Lời tôi ca, lời tôi như suối rừng thu…”(2)
Tôi vỗ tay hát theo nhịp cùng các anh chị trong đoàn và lòng ấm dần lên.
Chúng tôi ở lại Đà Nẵng chừng 2 tháng, khi trường Y trở lại Huế, gia đình tôi cũng trở lại thành phố thân yêu.
Về lại Huế, mùa hè mà hai hàng cây muối bên đường Lê Lợi như bớt xanh, lá vàng đổ nhiều trên những vững nước mưa không chảy hết. Những con đường Hàng Đoác, Hàng Me, đường Phượng Bay vắng đi những tà áo trắng và mái tóc dài.
*
Vào tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuột khói lửa rồi thất thủ, tiếp đến Quảng Trị về tay Cộng quân. Người dân Huế lo sợ di tản về phía Nam ngày một nhiều. Gia đình tôi lại vào Đà Nẵng, kiếm đường vào Nam.
Ngày 22.3.1975 đèo Hải Vân bị cắt, đoạn lộ đi Quảng Tín, Quảng Ngãi cũng bị cắt, đường bộ vào Nam không thể đi được. Sân bay Đà Nẵng bị pháo kích liên tục, máy bay khó lòng hạ hay cất cánh, chỉ còn con đường duy nhất vào Nam là đường thủy. Từng đoàn người nối đuôi nhau đi về phía Sơn Chà, cảng Tiên Sa.
Gia đình tôi đến cảng Tiên Sa chiều 28.3. Theo người dân ở đây thì từ sáng đã có hai chuyến tàu nhổ neo vào Nam, dân chúng chen nhau mạnh ai nấy được, có người đã lạc con trên tàu.
Suốt buổi chiều hôm đó, đạn pháo của Cộng quân liên tục nã xuống bờ biển khiến không một chiếc tàu nào dám vào bờ. Chúng tôi thấy không có khả năng đi được nên quyết định lui về, trời đã chiều, gia đình chúng tôi tá túc qua đêm trong một ngôi miếu nhỏ phía sau cảng. Đạn pháo réo quanh.
Sáng 29.3 cảng Tiên Sa không khác gì một bãi chiến trường: xác chết nằm đây đó, cái bể đầu, cái banh bụng, máu lênh láng trên cát, trên sỏi, trên lá khô. Mẹ nắm tay anh em chúng tôi cúi mặt đi, vừa đi vừa niệm: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật”.
Chúng tôi vất bỏ bớt sách vở, chăn màn đem theo để đi bộ về lại đường Quang Trung nơi chúng tôi tá túc. Bước qua những cái xác, chúng tôi nắm tay nhau đi về. Bên đường tôi thấy một bà mẹ trẻ bế con đã chết trên tay ngồi khóc. Tôi thấy hai vợ chồng ôm nhau khóc bên cái chăn quấn cả xác cha và mẹ mình. Không biết họ sẽ làm gì, sẽ ra sao với nỗi đau không thể kêu thấu trời này. Ngày hôm đó trời vừa mưa vừa nắng, vừa u ám vừa sáng vàng.
Đau thương ngút trời!
Gần đến cầu De Lattre (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chúng tôi thấy một đoàn xe tăng của bộ đội từ ngã Non Nước đi về. Dân chúng hai bên đường có người vẫy tay chào đón hoan hô, có người cúi mặt bước đi.
Mẹ tôi bảo: “Thế là hết đánh nhau, dù sao hòa bình cũng sắp có”.
Hòa bình rồi, dân có được bình yên?
Dân miền Nam tiếp tục chạy: vượt biên, tù đày, cải tạo, tẩy não, đi kinh tế mới, đổi tiền, áp bức tôn giáo… những thứ đó còn đau thương hơn “chạy giặc” nhiều lần.
“Ôi cái lưỡi dao cùn không cắt đứt mà đau”(3)
Ghi chú
(1) “Bán” vào chùa: Mẹ đem tôi đến chùa nhờ một vị cao tăng bắt ấn, chuyền nhân điện để tôi bớt sợ hãi. Có lẽ chỉ là một biện pháp tâm lý.
(2) Tiếng hát to – Tâm ca số 2 của Phạm Duy
(3) Thơ Trần Dần