Phan Ngọc ở Paris

Nguyễn Ngọc Giao

Anh Phan Ngọc (1925-2020) qua đời ở tuổi 96, trong đó hơn hai chục năm truân chuyên vì vụ Nhân văn Giai phẩm, đã để lại những công trình đồ sộ (nghiên cứu, trước tác, dịch thuật). Hai bài Giáo sư PHAN NGỌC – Học giả “dung ngọc nhữ vu thành dã” của Trần Trí Dõi và Đôi dòng muôn mằn khóc tiễn đưa nhà văn hoá Phan Ngọc về cõi vĩnh hằng của Tương Lai cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của một học giả cùng thế hệ và thân thiết với Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn…

Ở đây, tôi chỉ xin ghi lại một vài hồi ức về hai tháng Phan Ngọc ở Paris, mùa thu 1988.

pn

Trong năm năm hoạt động (1985-1990) ở trung tâm văn hoá Nhà Việt Nam (23 rue du Cardinal Lemoine, Paris 5), ngân sách eo hẹp (có được tài trợ của các công ti Việt kiều để mở ra là quý lắm rồi ; tiền thuê nhà ngốn 50 % ngân sách), chúng tôi hết sức cố gắng mời văn nghệ sĩ, học giả từ Việt Nam sang. Phần lớn là chúng tôi "ké" vào sự hợp tác Pháp-Việt, lợi dụng những chuyến sang Pháp do phía Pháp mời. Nhờ đó mà Nhà Việt Nam có được những buổi thuyết trình như của nhà sử học Phan Huy Lê. Trước "đổi mới" (tháng 12-1986), việc mời văn nghệ sĩ sang Pháp rất khó khăn, nếu không nói là không thể. Riêng cá nhân tôi cũng đã có một chút trải nghiệm. Năm 1982, phụ trách sinh hoạt văn hoá của Hội người Việt Nam tại Pháp, tôi đã vận động được các ông Hoàng Tùng (Ban bí thư Trung ương) và Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành uỷ HCM, Bộ chính trị) đồng ý cho mời các văn nghệ sĩ Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Khải sang Pháp. Nhưng cuối cùng, dự án này vấp phải "đèn đỏ" của ông Lê Đức Thọ. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết thực sự tại sao. Báo cáo láo của cấp trung gian công an văn hoá, tự ái của ông phó vương lộng hành (tại sao nó không xin gặp tao mà chỉ nói với Sáu Dân, Hoàng Tùng)…? Chỉ biết việc ấy không thành, tôi bị cấm cửa từ mùa hè năm 1982, rút khỏi những trách nhiệm ở Hội người Việt Nam tại Pháp, anh em phong trào sắp xếp tôi "ẩn mình" phụ trách Nhà Việt Nam từ năm 1985. Phải hơn hai năm sau đổi mới, Nhà Việt Nam mới mời được Trịnh Công Sơn sang Pháp. Đó là lần đầu tiên sau 1975, Trịnh Công Sơn sang một nước Tây phương. Chuyến đi của anh tất nhiên gây tiếng vang lớn, vào một dịp khác sẽ xin kể lại.

Trước đó gần một năm, tháng 10.1988, Nhà Việt Nam đã làm được kỳ công đầu tiên là mời được anh Phan Ngọc sang Pháp, toàn bộ chuyến đi và ở hai tháng do ngân sách trung tâm văn hoá đảm nhiệm. Giở chồng báo Đoàn Kết (số 408, tháng 12/1988), có thể tìm lại 13 buổi nói chuyện, thuyết trình của anh trong hai tháng ấy:

Tại Nhà Việt Nam:

1. Phong cách Nguyễn Tuân

2. Chơi chữ trong câu đối Việt Nam

3. Phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều.

4. Diễn tiến của ngữ pháp tiếng Việt qua tiếp xúc với tiếng Pháp và các ngôn ngữ Ấn-Âu.

5. Một nghìn linh một mẹo dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

6. Thơ Đỗ Phủ và dịch Đỗ Phủ.

7. Thơ lục bát: nội dung của hình thức.

8. Trả lời một số câu hỏi về văn hoá và lịch sử Việt Nam (bằng tiếng Pháp)

9. Đại cương văn học Việt Nam (tiếng Pháp)

10. Những hằng số trong tư tưởng Việt Nam (tiếng Pháp)

Tại séminaire  G. Condominas, ban Việt học và séminaire của Lịch sử Đông Nam Á (Trường đại học Denis Diderot Paris 7) :

1. Contact grammatical en Asie du Sud-Est.

2. Structure sémantique du sino-vietnamien.

3. Sociologie de la littérature vietnamienne.

Đối với công chúng Nhà Việt Nam cũng như đối với sinh viên và giới nghiên cứu Đông Nam Á của trung tâm CeDRASEMI (của G. Condominas) và Trường đại học Denis Diderot (Paris 7), Phan Ngọc lúc ấy còn là một tên tuổi xa lạ. Ít ai đọc bản dịch tiếng Việt của Sử ký Tư Mã Thiên, Thơ Đỗ Phủ hay những tác phẩm của Shakespeare, Dickens… biết Nhữ Thành là bút danh của anh trong những năm 1958 – 1980, khi anh bị cấm giảng dạy, cặm cụi làm "tư liệu viên" ở thư viện Khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Phải đến những năm 1980, hai tác phẩm của anh mới được xuất bản: Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á (1983), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985).

Giữa những buổi thuyết trình, chúng tôi khám phá ra con người uyên bác, say mê, lạc quan "như trẻ con" của Phan Ngọc. Riêng tôi, phải lo phần "hậu cần" cho ông khách quý. May thay, lúc đó anh Tạ Trọng Hiệp đi công tác ở nước ngoài, đồng ý cho chúng tôi thuê căn hộ nhỏ nhắn ở Gentilly, gần ngay tuyến xe điện ngầm Ligne de Sceaux, đi thẳng từ Gentilly tới vườn Luxembourg. Hai vấn đề lớn: tập cho anh đi métro và bus. Chuyện này không khó lắm, anh học nhanh – tất nhiên đôi lần đi ngược đường. Khó hơn là vấn đề ăn uống. Lúc này, tôi mới khám phá suốt mấy chục năm qua, "ông đồ Nghệ" của chúng ta không bao giờ phải làm bếp, mọi công việc ở nhà, đều do nội tướng Kim Tuyến quán xuyến. Thế là lần đầu tiên, từ cuộc sống tối giản ở Hà Nội, anh phải tiếp xúc với tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp gaz, và quan trọng nhất: cái lò vi ba (mà ngày nay, trong nước quen gọi bằng cái từ nửa hán nửa nôm: lò vi sóng). Sau mấy buổi thực tập, chúng tôi có thể yên tâm để vào tủ lạnh những hộp cá kho, thịt kho, gà rang sả…, mấy bó rau xanh… để anh rời sách vở (thư viện của anh Hiệp cơ man là sách) vào làm bếp cho những bữa không được mời ăn ngoài. Về lại Hà Nội sau hai tháng Paris, tôi không biết anh đọc thêm hay mang về bao nhiêu cuốn sách, nhưng chắc chắn Paris đã trả lại cho chị Kim Tuyến một ông chồng từ nay biết làm bếp, tự lập.

Ít có dịp hỏi chuyện anh về những năm tháng đen tối, có lẽ vì mỗi lần gặp, chúng tôi dành hết thời gian cho những "chuyện lớn", lịch sử, văn hoá, ngữ văn… Nhưng qua một vài chi tiết đời thường, hay trong mấy buổi hội thảo khoa học ở Paris 7, tôi rút ra đôi điều. Hơn hai mươi năm sống trong thư viện thầm lặng, anh đã thu hoạch một kho tri thức đồ sộ, đặc biệt trong một số lãnh vực khoa học xã hội mà miền Bắc không có, và bị hoàn toàn cô lập với học thuật thế giới. Trong những trước tác được công bố sau 1980, ta gặp đầy ắp những ý kiến độc đáo, những liên tưởng, giả thuyết đầy hứa hẹn. Đáng buồn là vì thiếu vắng không khí khoa học, tự do tranh luận, những ý tưởng mới, những giả thuyết độc đáo không được mổ xẻ, đối chứng… để đi tới những kết luận vững chắc. Chính ở đây, ta mới đo được tầm cỡ của Cao Xuân Hạo, đồng nghiệp và đồng nạn với Phan Ngọc, trong hoàn cảnh tương tự, đã đạt tới những kết quả quý báu về ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Bù lại, ở Phan Ngọc, sự uyên bác, đa khoa trong nghiên cứu thể hiện một ý chí vô song, đúng như cái bút danh Nhữ Thành mà cụ thân sinh anh, nhà nho Phan Võ, đã đặt cho: Nhữ Thành, xuất xứ từ ý tưởng của Trương Tái (富貴福澤天厚吾之生也, 貧贱懮戚鄘玉汝于成也 / Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã; Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã / Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta; Nghèo hèn lo buồn là để rèn dũa ta nên ngọc).

"Ông đồ Nghệ" đã tự mài dũa thành ngọc. Trong công lao ấy, âm thầm, bền bỉ, có bàn tay của chị Kim Tuyến.

7.9.2020

Nguyễn Ngọc Giao

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/phan-ngoc-o-paris

Comments are closed.