Từ Langbian Palace (Đà Lạt) đến Hôtel Majestic (Paris)

Nguyễn Ngọc Giao

Tại Hà Nội, như cách đây ba năm, chúng tôi thuê phòng ở Nhà khách Chính phủ, góc phố Ngô Quyền (trông sang Ngân hàng Nhà nước) và phố Lê Thạch (trông sang tượng đài Lý Thái Tổ), Bờ Hồ. Khu nhà khách này có hai tòa nhà. Tòa nhà trông ra phố Ngô Quyền được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, là dinh thự của Thống sứ Bắc Kỳ, sau Cách mạng tháng Tám 1945, trở thành Bắc Bộ Phủ. Đầu thập niên 1970, tòa nhà thứ nhì được xây dựng ở phía sau, toàn bộ khu vực trở thành Nhà khách Chính phủ, tiếp đón những quốc khách. Sau đổi mới, Nhà khách Chính phủ do Bộ Ngoại giao quản lý, có thêm quán ăn Lê Thạch Quán và quán giải khát Ylang, trở thành Nhà khách, có phòng cho thuê để ở, tổ chức hội nghị, đám cưới…

Chúng tôi ở đây vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (27.1.1973). Tình cờ được nhắc, tháng 2.1973, ba tuần sau ngày ký kết Hiệp định, Nhà khách đã tiếp một vị khách đến từ bên kia Thái Bình Dương: Henry Kissinger. Trong những ngày ở Hà Nội, ông ta đã được đưa đi thăm Viện bảo tàng lịch sử. Chuyện kể rằng, đứng trước mấy câu thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư…, Kissinger cả cười mà rằng: “Ồ, đây là Chương I, Điều 1 Hiệp định Paris!”. Điều 1 Chương I văn kiện lịch sử ấy khẳng định “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam.

Để thấy hết ý vị sự liên tưởng hóm hỉnh của H. Kissinger, giữa bài thơ tứ tuyệt thế kỷ 11 và Hiệp định Paris, chúng ta cũng nên ngược dòng thời gian, xem hai cụm từ “độc lập” và “thống nhất” đã xuất hiện như thế nào trong các cuộc đàm phán ngoại giao liên quan tới Việt Nam ở thế kỷ 20.

Tất cả bắt đầu ở Hội nghị Đà Lạt, khách sạn Langbian Palace (tháng 4-5 năm 1946), giữa một bên là phái đoàn Việt Nam (Nguyễn Tường Tam, Võ Nguyên Giáp…) và bên kia là phái đoàn Pháp (Thierry d’Argenlieu, Max André…). Phái đoàn Việt Nam thiếu một thành viên: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đi từ Nam Bộ lên Đà Lạt, bị quân đội Pháp chặn ở giữa đường. Đại biểu Pháp không được dùng chữ Pháp “indépendance” (độc lập), mà chỉ được dùng danh từ tiếng Việt không dấu “doc lap”. Còn hai chữ “thống nhất” thì Pháp đã trả lời bằng hành động: nhân danh nước Pháp, đô đốc (thầy tu dòng Carmel) Thierry d’Argenlieu tuyên bố thừa nhận đứa con (sẽ chết yểu) mà ông vừa nặn ra: “République autonome de Cochinchine” (Cộng hòa tự trị Nam Kỳ).

Tháng 7-1946, khai mạc Hội nghị Fontainebleau, trước mặt trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn Pháp Max André tuyên bố một câu xanh rờn: “Chỉ cần một cuộc hành quân cảnh sát, vấn đề (Đông Dương) sẽ được giải quyết trong vòng 8 ngày”. Như chúng ta biết, 8 ngày ấy đã kéo dài 8 năm, và kết thúc ở Điện Biên Phủ, rồi Palais des Nations, Genève. “Độc lập” và “thống nhất” của Việt Nam được chính thức thừa nhận. Trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève. Nghĩa là trên giấy tờ. Nhưng trên thực tế, tại sao Mỹ chống lại tổng tuyển cử 1956 để thống nhất, (“theo các chuyên gia mà tôi tham khảo, ai cũng nói Hồ Chí Minh sẽ được 80% phiếu bầu”), ai quên chỉ cần đọc lại hồi ký của tổng thống D. Eisenhower. Không chỉ Mỹ chống lại Việt Nam thống nhất: ngay tại Genève, tối ngày 22.7.1954, trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai mở tiệc mời 4 phái đoàn Đông Dương (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia), và, trước mặt mọi người, họ Chu đề nghị với Ngô Đình Luyện (em út Ngô Đình Diệm) mở cơ quan đại diện chính quyền Quốc gia Việt Nam ở Bắc Kinh. Lời mời ấy phản ánh một chính sách nhất quán của Trung Quốc: đến năm 1974, Mao Trạch Đông còn khuyên can các nhà lãnh đạo Việt Nam không nên dùng quân sự để thống nhất: “Chổi ngắn không thể quét xa”. Và vào 48 giờ cuối của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tướng Vanuxem còn khuyên tướng Dương Văn Minh rút về Cần Thơ, cố thủ tây đô, vì “Trung Quốc sẽ can thiệp”.

Dông dài chuyện cũ, hãy trở lại câu nói đùa của Kissinger tháng 2.1973 tại Viện bảo tàng lịch sử Hà Nội. Câu nói đùa tàng ẩn một sự thực còn nghẹn trong cuống họng ngoại trưởng Mỹ: trung tuần tháng 1.1973, trong vòng thương lượng cuối cùng dẫn tới Hiệp định Paris, hai bên cò kè những điểm cụ thể, sau mỗi keo, mỗi bên đưa ra một văn bản hiệp định cập nhật hóa theo những điều được coi là đã thỏa thuận. Một ngày giữa tháng 1.73, nghĩa là mươi ngày trước khi Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định, phía Mỹ đã đưa ra một văn bản dự thảo, mà ở Chương I, điều 1, trong đó thiểu vắng hai chữ “thống nhất”. Sự sơ sót ấy, khó tin rằng đó là lỗi của “cậu đánh máy”. Cũng chẳng lẽ đó là mẹo vặt của anh chàng Tô Tần Harvard hy vọng ngây thơ vào sự mệt mỏi của đối phương. Không cần vận dụng phân tâm học, có thể nghĩ rằng “Việt Nam thống nhất” là ý tưởng ám ảnh tâm trí của nhà cầm quyền Washington xuyên suốt mấy thập niên. Câu nói đùa của Kissinger, thành ngữ Việt Nam gọi là “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

*

Cách đây hai ba tuần, hồ sơ của Ủy ban giải Nobel hòa bình được giải mật về vụ trao giải năm 1973 cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ: nội bộ ủy ban không mấy ai tin rằng Hiệp định Paris sẽ dẫn tới giải pháp hòa bình ở Việt Nam. Tiết lộ này chẳng ai ngạc nhiên. Sau 60 ngày đầu hồ hởi: Mỹ rút quân, hai bên trao trả người bị giam giữ…, sự bế tắc hiện rõ khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (song song với chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”) dứt khoát không chịu đàm phán với Chính phủ cách mạng lâm thời (CPCMLT) để đi tới một giải pháp chính trị và đáp ứng thành phần thứ ba bằng đàn áp, tù đày, phủ nhận. Người ta thường quên rằng đằng sau thái độ (dễ hiểu) của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là chủ trương nhất quán của chính quyền Hoa Kỳ: không bao giờ chấp nhận một cuộc bầu cử tự do ở miền Nam với viễn tượng trông thấy là CPCMLT và thành phần thứ ba sẽ chiếm đa số. Những ai quên điều sơ đẳng ấy, chỉ cần nhìn sang phía bên kia Thái Bình Dương. Tháng 9 cùng năm 1973, với “chiến dịch Condor” (Nixon chủ trương, Kissinger chỉ đạo) Mỹ đã tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Allende (thắng cử trong một cuộc tuyển cử tự do, dân chủ), dựng nên chế độ độc tài Pinochet. Nói khác đi, vì lý do tồn tại của một nền đế chế mang danh tự do, ở thập niên 1970, Mỹ có thể chấp nhận một chiến thắng quân sự của “cộng sản”, nhưng không thể nào khoanh tay để “cộng sản” thắng cử trong một cuộc bầu cử tự do, dân chủ.

Trong bối cảnh ấy, những gì xảy ra hai năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris hiện ra như một điều tất yếu. Hai năm, như lối nói của Kissinger, là một “decent interval” (một khoảng thời gian ‘coi được’), để chính quyền Nixon-Ford thuyết phục khối cử tri phái hữu đã bỏ phiếu cho họ năm 1972, và để trấn an các nước chư hầu trước viễn tượng bị bỏ rơi.

*

Đó là nói chuyện Mỹ. Còn chuyện Việt Nam?

Cuộc chiến tranh hai mươi năm giành độc lập thống nhất 1945-1975 (với hai chiều kích song song là chiến tranh ủy nhiệm và nội chiến) đã chấm dứt cách đây gần nửa thế kỷ.

Nói đến kỷ niệm 50 năm, không thể không nói đến năm mươi năm vừa qua, cho dù đó không phải là chủ đề của bài này. “Đọc” lại thời gian ấy, có hai cách: đọc dọc và đọc ngang.

Dọc theo trục thời gian, để điểm lại những thành tựu và những thất bại, sai lầm, những cơ hội bị bỏ lỡ… Tiếc rằng, những bài viết nhân djp kỷ niệm 50 năm này trên báo chí chỉ quanh quẩn là những lời tụng ca những thành tựu và chiến thắng.

Ngang theo trục không gian, so sánh với những nước đã từng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh để giành được chủ quyền (Ấn Độ, Algérie, Nam Phi là những điển hình), để thấy đấu tranh vũ trang (Algérie, Việt Nam) hay không vũ trang (Ấn Độ, Nam Phi), cộng sản hay không cộng sản, thì ở những năm 20 của thế kỷ 21 này, bất bình đẳng xã hội, thiếu vắng dân chủ, tài nguyên phung phí, môi trường bị đe dọa… là những mẫu số chung không chỉ của "thế giới thứ ba" mà ở ngay các nước tư bản tiên tiến nhất, khiến ta buộc phải suy nghĩ vượt qua giới hạn quốc gia. Ben Bella, Gandhi, Mandela, Hồ Chí Minh… những tiền nhân ấy, ngày nay sống lại sẽ nghĩ gì về đất nước mình, về đồng bào, đồng loại… của họ?

*

Theo lời Tố Hữu, mùa xuân 1946 ông từ Huế ra Hà Nội gặp cụ Hồ, cùng với mấy đồng chí trẻ (lúc đó, họ là những thanh niên 20-30 tuổi). Họ hỏi: “Thưa Bác, Tàu và Tây, ai đáng sợ nhất?”. Nghe nói cụ Hồ đã trả lời: “Đáng sợ nhất là… các chú”.

Các chú” đây là cả một thế hệ thanh niên, cộng sản, nhiệt tình, đã làm nên những kỳ tích cùng với dân tộc. “Các chú” ấy cũng là những người, trong suốt thập niên 1930, được học tập về xu hướng tư sản, cải lương, lập trường thiếu minh bạch của Nguyễn Ái Quốc, là những người hăng say hơn cả cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải cách ruộng đất những năm 1950, định chế hóa sự dối trá và lưu manh mà ngày nay vẫn còn hậu quả. Và, bước sang tuổi 50, 60… họ đã hăng say “cải tạo xã hội chủ nghĩa” hết miền bắc đến miền nam, soi mói lý lịch ba đời mọi người dân…

Tất nhiên, không thể quên những yếu tố khách quan bối cảnh của những tai họa mà nước ta chịu đựng trong nửa thế kỷ vừa qua, trước hết là mối họa Trung Quốc. Nhưng cái thâm và độc của láng giềng phương Bắc không cho phép ta biện hộ hay phủ nhận những sai lầm, bất cập nội tại.

Cho nên, kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, cũng là dịp để mọi người Việt Nam – ở mọi nơi trên thế giới – nhìn lại, an nhiên và công tâm, một thế kỷ đã qua, nửa thế kỷ vừa qua, để quá khứ không còn là mầm mống chia rẽ, hận thù, mà là mảnh đất để vun trồng tương lai.

Phú Nhuận, 27.1.2023

Comments are closed.