Đọc Mạch ngầm (Underground) của Haruki Murakami và nghĩ về một hình thức văn chương phi hư cấu

Vũ Thành Sơn

Vào một buổi sáng mùa Xuân ngày 20 tháng 3 năm 1995, một ngày làm việc bình thường đầu tuần nhưng đồng thời cũng là ngày cuối cùng trước khi nghỉ lễ tiết Xuân Phân, nhà ga tàu điện ngầm Tokyo vẫn đông nghìn nghịt hành khách như thường lệ. Gió se lạnh. Nhộn nhịp, mệt mỏi như mọi ngày, nhưng pha lẫn trong bầu không khí đó một chút háo hức trước lễ. Không có điều gì bất thường, cho đến khi xuất hiện trong toa tàu điện mấy hành khách hóa trang đeo những cái túi ni lông chứa đầy chất lỏng một bên vai. Họ chọc thủng những cái túi đựng ấy. Cuộc tấn công bằng khí độc chưa từng có trước đó ở Nhật Bản bắt đầu.

Cuộc tấn công bằng khí độc sarin do giáo phái Aum Shinrikyo tiến hành với sự tham gia của 10 hung thủ, đồng thời cũng là tín đồ, vào năm 1995 đó đã làm cho 12 người chết, 50 người bị thương nghiêm trọng và gần một ngàn người khác bị rối loạn thị giác tạm thời. Ngoài sự tổn thất về sinh mạng, cuộc tấn công đã để lại một di chứng tâm lý sâu đậm cho cả nước Nhật Bản.

Gần một năm sau đó, trong lúc táy máy giở một tờ tạp chí, Haruki Murakami tình cờ đọc được bức thư của một người phụ nữ đăng trong mục độc giả; bà ta than thở về việc người chồng của mình bị mất việc làm. Chồng bà vốn là nạn nhân của vụ tấn công khi di chuyển bằng tàu điện ngầm đến sở làm; bất tỉnh bởi khí độc, ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng sau nhiều ngày điều trị, ông không hoàn toàn bình phục mà di chứng của vụ ngộ độc trên thân xác ông vẫn tiếp tục kéo dài. Thoạt đầu ông còn được chủ và các đồng nghiệp thông cảm nhưng dần dần họ bắt đầu phàn nàn. Ông cảm thấy mình như bị gạt ra ngoài rìa. Không chịu được mãi thái độ lạnh nhạt đó, ông xin nghỉ việc. Bức thư không có một chút gì tỏ ra phẫn nộ hay oán trách, mà chỉ đơn giản là một nỗi niềm cần được bày tỏ. Và nó đã kết thúc bằng một câu hỏi mà người đàn bà tự vấn: “…Sao một việc như thế lại đổ xuống đầu chúng tôi?”.

Câu hỏi đó khiến cho Haruki Murakami không ngớt suy nghĩ. Chồng của bà không chỉ là nạn nhân của vụ tấn công bằng khí độc mà thôi, ông còn là nạn nhân của một vụ bạo hành thứ hai khác từ những người chung quanh mình. Bị ám ảnh bởi bức thư, ông quyết định thực hiện một cuộc phỏng vấn để tìm hiểu. Không chỉ người đàn bà đó, mà còn muốn phỏng vấn để hiểu sâu hơn số phận của những nạn nhân khác trong vụ tấn công bằng khí độc để trả lời cho câu hỏi làm thế nào mà một xã hội như xã hội Nhật Bản lại có thể gây ra cùng một lúc hai hình thức bạo hành đó được.

Đó chính là nguồn gốc ra đời của tác phẩm Mạch ngầm của nhà văn Hiraki Murakami.

Trước đó, cũng vào năm 1995, tháng 1, một trận động đất khủng khiếp đã xảy ra ở Kobe. Quy mô tàn phá của thảm họa thiên nhiên này chỉ kém hơn trận động đất tàn khốc lịch sử năm 1925, với 6.400 người tử vong, trong đó có cha mẹ của Haruki Murakami, 40.000 người bị thương tật, 240.000 căn nhà bị phá huỷ, hơn 300.000 người sống lưu lạc. Sự tàn phá của trận động đất ở Kobe đã khiến cho Haruki Murakami bàng hoàng và đi đến quyết định từ bỏ cuộc sống yên ổn ở nước ngoài trở về nước. Tuyển tập truyện ngắn Sau trận động đất đã được ra đời trong bối cảnh đó. Sau trận động đất ghi lại một sự chuyển biến tận nền tảng của xã hội Nhật Bản hiện đại cùng với một sự trống rỗng, bơ vơ trong đời sống tinh thần của người dân Nhật.

Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi, vì sao cũng đều là thảm họa mà Haruki Murakami lại quyết định chọn hình thức phỏng vấn để mô tả vụ tấn công bằng khí độc thay vì sáng tác hư cấu như ông đã làm sau đó với tác phẩm Sau trận động đất? Có phải bởi vì chỉ qua phỏng vấn, một hình thức thuộc thể loại báo chí, ông mới có thể tiếp cận nhanh chóng, tức thì, chính xác đối với một sự kiện không tiền khoáng hậu còn nóng hổi? Đó chỉ là phỏng đoán. Điều chúng ta chắc chắn biết, qua lời nói đầu của tập sách Mạch ngầm, đó là Haruki Murakami không thỏa mãn với cái cách đưa tin của truyền hình, báo chí lúc đó qua việc họ cố tình khắc họa sắc nét chân dung của những tên thủ ác để làm nổi bật vai trò của giáo phái Aum Shinrikyo trong vụ đầu độc và hầu như chỉ đề cập khá sơ sài về các nạn nhân. Và vì thế, nạn nhân trong vụ tấn công, qua hình ảnh mà truyền thông đưa ra, chỉ là một đám đông vô danh không hơn không kém. Không, nỗi đau cũng như cái chết, không thể là, không bao giờ là một danh từ chung, mà chúng là một danh từ riêng: Kiyoka Izumi, Tomoko Takatsuki, Koichi Sakata, Mitsuo Arima, Shintaro Komada, Kei’ichi IshikuraIshikura, Koichiro Makita,…

Xuất phát từ ý muốn dựng lại, không phải một bức tranh chung của vụ tai nạn đó, mà một bức tranh có con người cụ thể mang một cái tên cụ thể, khuôn mặt và số phận cụ thể, nỗi niềm hy vọng và sợ hãi cụ thể, Hiraki Murakami đã tiến hành phỏng vấn gần một năm trời với hơn 40 nạn nhân hoặc thân nhân nạn nhân trong tổng số 140 người có thể xác định được từ hàng ngàn người bị nạn. Có rất nhiều người ban đầu đồng ý nhưng giờ chót lại đổi ý, từ chối tham gia phỏng vấn, phần lớn là phụ nữ, với nhiều lý do khác nhau: có người sợ trả thù; người vì gia đình không đồng ý; người muốn quên hẳn bi kịch; người không muốn bị phỏng vấn bởi một người không quen biết…

Và như vậy, với sự tham dự của hơn 40 nạn nhân trong cuộc, Mạch ngầm đã không còn là một tường trình lạnh lùng từ một góc nhìn khách quan của Người Quan Sát đứng ở bên ngoài về một Ngày Tận Thế mà Aum Shinrikyo cũng như tất cả các loại giáo phái trên thế giới này vẫn rêu rao; nó thực sự là bi kịch của hàng ngàn con người trong buổi sáng định mệnh được tái hiện với đầy cảm xúc đau đớn, hay đúng hơn, nó là sự thu nhỏ của tấn bi kịch to lớn, đích thực của Con Người được sống lại, được trình chiếu lại mà ở đó, ranh giới phân cách giữa người trong cuộc và ngoài cuộc hoàn toàn bị xóa nhòa.

Lướt mắt đọc qua mấy lời thổ lộ của những người trong cuộc phỏng vấn thôi: Chẳng phải cứ đi hay không đi tàu điện ngầm, chỉ việc bước ra ngoài đường tôi đã sợ (Tomoko Takatsuki); Sau hôm tấn công, tôi đòi ly dị vợ (Mitsuteru Izutsu); Tôi còn đau nhưng tôi vẫn mang theo sữa như thường lệ (Koiichi Sakata); Nếu mà bạn không bao giờ còn được nhìn thấy mặt cháu ngoại? (Hiroshige Sugazaki); Hôm bị tấn công là sinh nhật thứ 65 của tôi (Kei’ichi Ishikura)… chúng ta bất ngờ nhận ra đó chẳng khác gì một ngày bình thường của mình, hình ảnh lầm lũi, len lỏi của mình trong một đám đông xa lạ; là nỗi sợ hãi, ước muốn, hy vọng của chính mình. Đồng thời chúng ta cũng cảm nhận mơ hồ một điều, rằng nỗi đau, bệnh tật, tai họa, cái chết,… không phải là một cái gì hoàn toàn xa lạ, từ bên ngoài đổ ập xuống bất thình lình mà chúng đã là một phần tất yếu, nội tại, có thể xảy ra tức thì, bất cứ lúc nào (immanence) trong đời sống của mình.

Bi kịch còn được sống ở một chiều ngược lại khi Mạch ngầm trình bày cho người đọc một góc nhìn khác, góc nhìn từ những hung thủ. Haruki Murakami đã dự nhiều phiên tòa xét xử để trả lời cho câu hỏi của chính mình: họ là ai, họ nghĩ gì, vì sao họ lại có thể thực hiện hành vi khủng khiếp và vô nghĩa như thế…

Có lẽ chính tất cả những khía cạnh trên đã làm nên sự hấp dẫn của Mạch ngầm, tác phẩm được xây dựng từ một thể loại mang đậm phong cách báo chí vốn không hề được đánh giá cao so với sáng tác hư cấu trong việc mô tả Tấn Tuồng Đời (La Comédie Humaine) của con người.

Vấn đề đặt ra ở đây là, từ lâu vẫn có quan niệm chỉ có thể loại hư cấu, cụ thể là tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, thơ hay kịch nghệ mới được xem là sáng tạo đích thực, mới được xem là văn chương và mới có ưu thế hơn hẳn trong việc mô tả Tấn Tuồng Đời. Còn những thể loại phi hư cấu khác thường bị coi là một thứ “công dân hạng hai”, thậm chí bị rẻ rúng?

Nhưng sự thành công của nhà báo Svetlana Alexievich qua những tác phẩm phi hư cấu của bà, tường thuật lại những chấn thương của nước Nga dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan hay thảm họa hạt nhân Chernobyl, đã khiến độc giả và giới phê bình bắt đầu có một cái nhìn khác. Giải Nobel văn chương trao cho Svetlana Alexievich vào năm 2015 tuy không phải là một ngoại lệ duy nhất, bởi vì trước đó đã có sử gia Theodor Mommsen, có triết gia Bertrand Russell hay Winston Churchill nhưng có thể nói là một bất ngờ không nhỏ trong khi mọi con mắt đều đổ dồn vào những tiểu thuyết gia lừng danh. Giải thưởng là một sự công nhận giá trị những tác phẩm phi hư cấu của bà và một cách trực tiếp, đã nhìn nhận chúng là những tác phẩm văn chương. Vì suy cho cùng, để đạt đến một sự thành công như vậy, nhà văn phi hư cấu cũng cần phải có cảm xúc và trí tưởng tượng phong phú như bất kỳ một tiểu thuyết gia, kịch tác gia hay nhà thơ nào. Văn chương từ nay sẽ không còn là biệt hiệu chỉ dành riêng cho các tác phẩm hư cấu nữa.

Comments are closed.