Truyện Kiều dưới góc nhìn văn học nữ quyền [1]

 

Mariam B. Lam [2]

 

Khi ai đó nói về cái gì đó quá khứ hay là đã qua thì có hai ý niệm ùa đến trong tâm trí. Đầu tiên là sự chết của cái gì đó và sự thuộc về quá khứ, thứ hai là sự sống sót của cái gì đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này có thể thấy khi chúng ta nhắc đến Shakespeare hay Nguyễn Du; những thiên tài này là quá khứ hay là sự trường tồn? Sự chung chiêng giữa sự sống và cái chết, hiện tại hay không hiện tại, sự cụ thể, sáng tạo và sự mất mát luôn đi kèm trong những phê bình về tác phẩm của những nhà văn này. Trong việc xem xét cái còn lại của truyền thống văn học Việt Nam trong tác phẩm truyện Kiều, tôi khám phá sự sống sót của những chủ đề văn học bền vững hơn là khóc thương sự mất mát của một thiên tài văn học đã thuộc về quá khứ. Một điều cần lưu ý khác là những điều tôi nói về tác phẩm này trong bài viết này luôn đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XIX.

Bài nghiên cứu này khám phá ba chủ đề văn học hay truyền thống văn học: lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, quyền lực của ngôn ngữ dân tộc và các xu hướng đạo đức tôn giáo bằng cách xem xét cách nghệ thuật xây dựng nhân vật phụ nữ trong tác phẩm kinh điển của Truyện Kiều. Nhấn mạnh tác phẩm này là để xem các giá trị và truyền thống dân tộc được lưu giữ, chuyển hóa (chuyển nhập) và viết lại trên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như thế nào.

Tôi chọn nghiên cứu văn bản huyền thoại của Nguyễn Du vì sự ứng dụng của nó với những chủ đề quen thuộc của văn học Hán Việt, hơn là bởi vì vị trí quốc tế hiện nay của tác phẩm như là một tác phẩm vĩ đại của Văn học Việt Nam. Được viết vào đầu thế kỉ 19 như là một bài thơ tự sự dài thể lục bát, Truyện Kiều kể câu chuyện trên cơ sở một truyện kể Trung Quốc ra đời sớm hơn có tên là Truyện Kim Vân Kiều. Tiểu thuyết này kể về một phụ nữ xinh đẹp, thông minh và trẻ nhưng bị vứt vào một cuộc sống đầy bi kịch và buồn khổ. Tuy nhiên, nàng cố gắng sống sót đến phút cuối cùng. Những phê bình trước đây về Truyện Kiều của Nguyễn Du ca ngợi sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, việc sử dụng điêu luyện ngôn ngữ Việt Nam (chữ Nôm) và khả năng của ngôn ngữ này trong việc chuyển tải các giá trị tôn giáo và đạo đức. Những bài phê bình này cố gắng vượt lên trên sự miêu tả để khám phá việc tự sự hóa những chủ đề này đã ảnh hưởng văn học ngày nay như thế nào. Nhiều nhà phê bình [ở Mỹ – N.D] đọc câu chuyện của Kiều như là một ẩn dụ tuyệt vời cho sự thống nhất thỏa hiệp của Nguyễn Du với dân tộc.

Trong sự phúng dụ này, gia đình Kiều biểu tượng cho dân tộc trong khi các người tình khác nhau của Kiều thể hiện cho các vương triều và quan lại của dân tộc. Trong một cách đọc phổ biến khác về văn bản Truyện Kiều, Kiều thể hiện cho Việt Nam. Trong lời giới thiệu bản dịch tác phẩm này ra tiếng Anh, Huỳnh Sanh Thông gợi ý rằng:

“Vượt qua cái nghĩa đen của nó, vị trí là gái lầu xanh của Kiều được giải thích như là một ẩn dụ cho sự phản bội các nguyên tắc trong hoàn cảnh khủng hoảng, sự tuân theo cái lực hút của hoàn cảnh. Khái quát hơn, Kiều đại diện cho chính Việt Nam, một mảnh đất đầy tài nguyên thiên nhiên và con người, nhưng lại buồn bã nhìn những sự trù phú đó bị dùng lãng phí hay bị phá hủy. Và, cho dù những sự bẩn thỉu và chi tiết buồn khổ đó, câu chuyện của Kiều chuyển tải thông điệp về niềm hi vọng cho cả cá nhân và đất nước: nếu, giống như Kiều, người Việt Nam chấp nhận và bền bỉ với số phận trong bất cứ hoàn cảnh nào, một ngày nào đó, họ sẽ được đền bù cho nghiệp của họ và sẽ đạt được giải thoát cả về dân tộc và cá nhân.”

Tôi sẽ tranh luận rằng, việc khắc họa này mang tính áp đặt đối với người phụ nữ Việt Nam: đó là cách sử dụng thân thể người phụ nữ để tái hiện các giá trị dân tộc. Trong bài luận “Triết lí khó khăn của búi tóc và màn che mặt: Chủ nghĩa nữ quyền và Thân thể phụ nữ nước thuộc địa”, Kadiatu Kanneh giải thích sự đồng nhất dân tộc vào thân thể phụ nữ da đen như sau:

“Bản sắc là phụ nữ và là người da đen không chỉ là khu vực bề mặt hay là mang tính hình ảnh cho các trò chơi và ẩn dụ mà còn là sự chiếm giữ không gian chính trị thực sự của những sự di cư, sự tước đoạt và sự kháng cự. Điều phức tạp là sự đồng thời của quyền lực và sự đau khổ, sự tuân theo và sự yêu bản thân, tất cả đồ dồn về thân thể của người phụ nữ và người da màu và sự thể hiện về họ trong những nền văn hóa mang tính phân biệt chủng tộc”

Nguy hiểm hơn khi sự áp đặt đối với người phụ nữ được đưa ra để bảo vệ điều gì đó lớn hơn, ví dụ như là cuộc đấu tranh dân tộc. Trong bài luận “Bản sắc và sự phiền lòng: Phụ nữ và dân tộc”, Deniz Kandiyoti  giải thích cách thức phụ nữ chống lại gánh nặng của việc trở thành người mẹ của dân tộc (một nhiệm vụ được định nghĩa là phù hợp với những ưu tiên về chính trị) cũng như gánh nặng của việc sản sinh ra ranh giới các nhóm quốc gia hay tộc người, hay gánh nặng của người chuyển giữ văn hóa và của vị trí là ký hiệu cho bản sắc dân tộc.

Nếu thân thể Kiều được dùng để làm biểu tượng cho không gian của dân tộc (thời phong kiến) thì sự gắn kết của họ với người yêu và gia đình, sự sụp đổ của những gắn kết đó, và sự hồi phục của chúng họ được dùng để tái hiện sức mạnh và sự kiên cường của các giá trị và truyền thống khác nhau – những giá trị và truyền thống này đưa chủ nghĩa dân tộc lên vị trí ưu tiên.

Nếu chúng ta xem câu chuyện buồn tủi của Kiều với sự khách quan thì chúng ta sẽ nghi ngờ thông điệp bài thơ là niềm hi vọng cho cả cá nhân và dân tộc. Đó là, liệu câu chuyện này có ưu tiên ý nghĩa ẩn dụ cho dân tộc và lờ đi chủ thể của cá nhân người phụ nữ? Toàn câu chuyện, Kiều bị quăng quật từ lầu xanh này đến lầu xanh khác, trong tay hết những quan lại này đến quan lại khác rốt cuộc để khắc họa tính vô đạo đức và sự giao động của thời đại có nhiều biến động và nổi dậy. Nếu chúng ta theo hướng này và cố gắng khách quan hóa cho rằng Truyện Kiều như là tự truyện của Nguyễn Du, chúng ta sẽ hiểu được vị trí thỏa ước của của một nam nghệ sĩ/tác giả hay một đại sứ vương triều – cái vị trí mà không dành cho phụ nữ. Nếu chúng ta đọc Kiều như là ẩn dụ của Việt Nam, thì Kiều hành động trong câu chuyện chỉ như là nơi đặt cọc cho tất cả những thứ được cho là thiêng liêng trong một dân tộc. Hơn nữa, nhấn mạnh quá trình nạn nhân hóa đất nước cũng giốn như là phóng đại sự bất khả xâm phạm các chất liệu nó; những cách tiếp nhận Kiều này vận dụng chiến lược nạn nhân hóa một cách thái quá, trong đó, nhân vật nữ chính bị ném từ tình cảnh bất lực này đến tình cảnh vô phương cứu chữa khác, nơi mà nàng bị đưa từ mớ bòng bong này đến mớ bòng bong khác, và nơi nàng luôn là người bị buộc phải hành động hơn la người chủ động hành động.

Nhiều người có thể tranh luận là sức mạnh của bài thơ nằm  chính xác ở khả năng miêu tả những áp bức đối với người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn gần hơn vào những ví dụ hiếm thấy thì Kiều có cơ hội tự mình quyết định. Những ví dụ này cho thấy Kiều là người chủ động hành động, hay ít nhất là ở trong tình thế của người có quyền lực nào đó. Ở những lần nhân vật dùng lí trí này, nhân vật luôn được nhấn mạnh khía cạnh tinh thần, cái “tính nữ tính” của nàng hay là những tư tưởng được áp đặt của nàng. Ví dụ, trong cảnh  Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng, giọng thơ miêu tả suy nghĩ của Kiều như sau:

Nàng thì thật dạ tin người,

Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu.

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân.

Bằng nay chịu tiếng vương thần,

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!

Công tư vẹn cả hai bề,

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

Tất nhiên, có một không gian riêng tư và có một khao khát để kết nối  trái tim “thật dạ tin người” với gia đình của nàng (cố hương – nhà của nàng). Trong một ví dụ khác về lí trí thường tình của Kiều, trước khi tuyên bố trừng phạt Hoạn, Nguyễn Du viết những câu thơ mượn giọng của Kiều

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!

Việc khắc họa logic của Kiều này đặt tầm quan trọng của việc nạn nhân hóa cá nhân người Việt Nam lên trên việc nạn nhân hóa phụ nữ Việt Nam. Nó đặt cái nữ tính và tinh thần Việt Nam được Kiều thể hiện trong sự đối lập với tính duy lí và lừa dối của nhà nước [phong kiến – N.D], bởi vì logic của Kiều là một loại duy lí được mềm hóa. Việc khắc họa nhấn mạnh vào sự ngây thơ như là để chống lại các thủ đoạn chính trị. Huỳnh Sanh Thông nói bóng gió về sự ngây thơ và việc nạn nhân hóa này trong bài giới thiệu về văn bản dịch:

“ở một phương diện nào đó, bài thơ hàm ẩn một điều trong hạt nhân của kinh nghiệm Việt Nam, nó nói đến họ gần gũi như là những nạn nhân, như là những người từ chối hay những người sống sót. Trong lịch sử nhiều biến động của Việt Nam, cá nhân, như Kiều, đã trở thành món đồ của sự cần thiết,  được phát triển trong sự gắn chặt với những lực lượng xa lạ, để phục vụ một “minh chúa hơn là cho những người [ví dụ như gia đình chẳng hạn – N.D] mà cô ấy hay anh ấy đáng lẽ là thuộc về”.

Điều đáng để băn khoăn trong cách giải thích này là nó chung chung hóa Việt Nam và giả thuyết là chỉ có một kinh nghiệm Việt Nam duy nhất mà tât cả người Việt Nam chia sẻ cho dù là nam hay là nữ, nghèo hay giàu. Nó khẳng định rằng, Việt Nam, như là một đất nước, luôn luôn là một nạn nhân dù là luôn sống sót. Hơn nữa, việc đồng nhất người phụ nữ Việt Nam với cá nhân người Việt Nam đã lờ đi những nỗ lực thực sự mà phụ nữ Việt Nam đối đầu trong đời sống hàng ngày. Mọi người không cần phải nhìn vào lịch sử đầy biến động hay những quyền uy xa lạ để đánh giá vị trí khách quan của người phụ nữ; mọi người chỉ cần nhìn sự đồng nhất của Kiều đối với các minh chúa thật sự của mình. Mọi người có thể xem xét mối quan hệ phụ quyền trong gia đình riêng của mình: Kiều bị đối xử như là đối xử với trẻ con ngây thơ. Cách đối xử này có ngay cả trong mối tình đầu tiên của nàng. Vậy mà, trong Truyện Kiều, Kiều giả thuyết một cái cá thể. Cái cả thể này, tuy nhiên, là cái thể hiện kinh nghiệm Việt Nam hay kinh nghiệm dân tộc. Do đó, câu chuyện về Kiều không thể là một bài thơ mang tính nữ quyền bởi vì sự ưu tiên đối  với chủ nghĩa dân tộc.

Truyện Kiều không chỉ thể hiện giá trị và niềm tin Việt Nam, nó còn xây dựng và kiến tạo các giá trị thông qua việc sử dụng ngôn ngữ. Với Nguyễn Du, Truyện Kiều làm đẹp chữ Nôm, thứ chữ dùng kí hiệu chữ Hán để ghi âm tiếng nói người Việt. Truyện Kiều không chỉ là một bài thơ đẹp giàu hình ảnh, nó còn phục vụ cho dự án kiến tạo bản sắc dân tộc Việt Nam khác biệt với vương triều Trung Quốc. Nguyễn Đình Hòa giải thích điều này trong nghiên cứu văn học Việt Nam:

“ngôn ngữ của Nguyễn Duđạt được đỉnh cao của sự tinh khiết và sáng rõ và cuốn tiểu thuyết 3254 dòng với thể lục bát này có thể được ngâm chứ không chỉ đọc ở những cuộc tụ họp. Các học giả thích thú hát Kiều bởi vì các dòng thơ thừa nhận những đặc điểm tinh tế khác biệt với các nhà thơ Trung Quốc. Người bình thường, mặt khác, lại trích dẫn những dòng Kiều như là khi họ hát các bài hát dân gian mỗi khi làm việc hay nghỉ ngơi”

Ở thời điểm Truyện Kiều được viết ra, hầu hết các nhà thơ khác chọn thơ hơn là văn xuôi bởi vì tính nhạc của ngôn ngữ thanh điệu và đơn âm cùng với vẻ đẹp và sự độc nhất vô nhị của ngôn ngữ để từ đó nhấn mạnh bản sắc dân tộc. Nguyễn Dungoài việc phục vụ triều Gia long và lòng vẫn trung thành với triều Lê, ông giữ các vị trí quan chức khác nhau. Mặc dù những vị trí này không có quyền lực chính trị trực tiếp như là Nguyễn Đình Hòa miêu tả, những vị trí đó đem đến cho Nguyễn Du vốn văn hóa, đó là sự tiếp cận với những tác phẩm văn học vĩ đại cả ở trong nước và nước ngoài cũng như là có thể đạt được sự ghi nhận toàn dân tộc về tài năng văn học. Thẩm quyền văn hóa này đem đến cho ông phương tiện để viết một bài thơ về sự gắn kết cộng đồng trong một giai đoạn rối ren và sự phân  chia.

Tôi nhấn mạnh quyền lực văn học và sự hiến dâng về mặt nghệ thuật của Nguyễn Du là để nhấn mạnh hai điểm của sự phân hóa. Thứ nhất, trong khi Nguyễn Du thừa hưởng một nền giáo dục hoàn hảo và hưởng thụ vị trí của một người thuộc tầng lớp đặc tuyển của triều đình, sự lựa chọn nhân vật chính của ông lại là một phụ nữ từ giai cấp thấp. Sự lựa chọn một người nông dân để thể hiện một dân tộc thể hiện xu hướng muốn đóng góp cho việc giữ lại những phẩm chất bản chất của Việt Nam qua hàng thế kỉ dưới ách đô hộ thực dân: đó là phẩm chất thuộc về tầng lớp lao động và nông dân. Thứ hai, ngôn ngữ mang tính dân tộc của Nguyễn Du khác với ngôn ngữ của nhân vật Kiều trong bài thơ. Tài năng văn chương của Kiều được ôm choàng trong sự thông minh về cái đẹp và nghiêng về khía cạnh tinh thần: điều này được thể hiện trong sự đồng hóa nhân vật Kiều với Đạm Tiên, người nổi tiếng vì vẻ đẹp và tài năng. Quyền lực văn chương mà Nguyễn Du được hưởng trong vương triều, vị trí mà người phụ nữ không thể tiếp cận được ở thời đại ông, phải khác biệt với sự thông minh văn chương mà ông khắc họa Kiều trong bài thơ. Khả năng nghệ sĩ của Kiều là để nói về sự đoàn kết dân tộc của Nguyễn Du, nhưng mục đích này không được hoàn thiện trên cùng kênh ngôn ngữ với Nguyễn Du, bởi vì nếu dùng kênh ngôn ngữ của Nguyễn Du thì sẽ làm lộ việc người phụ nữ bị thiếu vắng chủ thể. Thay vào đó, tài năng thơ của Kiều được đồng nhất với ngôn ngữ của tinh thần, cảm xúc, tình yêu, lòng trung thành và tôn trọng bổn phận.

Những chủ đề nhỏ này không phải là không có định kiến về giới; chúng thường xuyên được tự sự hóa và được thi vị hóa như là tính nữ. Sự lựa chọn của Nguyễn Duvề nhân vật nữ, chứ không phải một nhân vật nam vốn đáng lẽ sẽ thể hiện đúng hơn câu chuyện của ông, một lần nưa thể hiện những trách nhiệm đặt lên vai người phụ nữ như là người mẹ của dân tộc hay như là những người phải mang gánh nặng về kiến tạo dân tộc và bản sắc hóa cộng đồng. Ngôn ngữ về tình yêu, bổn phận và nghiêng về khía cạnh tinh thần của Kiều có thể được tìm thấy trong toàn văn bản, nhất là ở những đoạn miêu tả sự thông minh của nhân vật này.

Trong lần đầu đối diện với Đạm Tiên, Nguyễn Du miêu tả

Này mười bài mới mới ra,

Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.

Kiều vâng lĩnh ý đề bài,

Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.

Xem thơ nấc nở khen thầm:

Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường!

Ví đem vào tập đoạn trường,

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!

Kiều sở hữu tài năng tú khẩu cẩm tâm tương tự. Hơn nữa, trong tầm quan trọng của tự sự, Kiều sử dụng điêu luyện ngôn ngữ về vẻ đẹp và sự sùng tín để kết nói với các nhân vật khác như với Kim trọng, sau đó là Từ Hải và thậm chí là với Nguyễn Huệ. Nàng dùng những ngôn ngữ ngọt ngào để làm dịu cơn phẫn nộ trong chiến thắng Từ Hải. Ngôn ngữ của Kiều không chỉ giải thích sự tinh tế và sự ngọt ngào của chữ Nôm, nó thực sự là cất giữ tất cả niềm tin và các giá trị quan trọng đối với dự án dân tộc Vệt Nam. Do đó, Truyện Kiều không phải là một bài thơ mang tính nữ quyền: việc đồng hóa phụ nữ Việt Nam với cá nhân người Việt Nam nói chung làm cho quyền lực của người phụ nữ không thể chuyển động được; trái lại, sự đồng hóa này nhấn mạnh sự bất lực của phụ nữ trong một xã hội.

Chủ đề thứ ba của văn học Việt Nam thể hiện qua hình ảnh Kiều của Nguyễn Du là niềm tin tôn giáo và đạo đức. Tôi sẽ xem xét ảnh hưởng tôn giáo qua sự ưu tiên của số mệnh và tự nhiên lên trên ý chí, sự ưu tiên của bổn phận lên trên khát vọng cá nhân, và sự ưu tiên của truyền thống lên trên hiện đại. Do bất kì hệ tư tưởng tôn giáo nào tự nó là một huyền thoại về nguồn gốc, việc xem xét tính thiêng liêng của tổ ấm là rất quan trọng. Trong bài thơ của mình, Nguyễn Duvận dụng đa huyền thoại, như là mất tổ ấm, mất gia đình, mất người yêu. Ông cũng hư cấu hóa ngôi nhà nông thôn đã mất – ngôi nhà ông đối lập với thành phố đồng tiền có lầu xanh và những tên quan biến chất. Thành phố Lâm Tri và Vô Tích đều là những không gian đầy đau thương của Kiều, chiếm giữ một không gian công cộng và chính trị trong khi không gian tinh thần, gia đình, riêng tư lại là một sự tiếp cận khác:

Kiều từ trở gót trướng hoa,

Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

Gương nga chênh chếch dòm song,

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.

Hải đường lả ngọn đông lân,

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.

Tất nhiên, để cái huyền thoại về ngôi nhà nông thôn này đi đến hoàn thiện, nó phải bị phá hủy. Sự phá hủy này được hoàn thiện bởi lòng tham của một người đàn ông – Mã Giám Sinh. Một trong hai cách giải thích này đáp ứng những miêu tả của Nguyễn Du về chủ nghĩa vật chất kinh tế, điều ông có vẻ như đánh đồng với cái hiện đại. Ví dụ, nhà thơ viết: “một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Cái hiện đại này và sự tham lam này được đặt trong sự đối lập với Kiều hay với truyền thống. Kiều  bù lại gia đình đã mất và mối tình đã mất qua sự gắn bó của mình với các giá trị bản chất và niềm tin vốn được cho là cần thiết cho tinh thần dân tộc, cụ thể là lòng tôn sùng bổn phận, trung thành, sự hiến dâng và một lần nữa, là sự trinh trắng vô giá của mình. Bài thơ bắt đầu với sự hiến dâng khát vọng cá nhân khi Kiều yêu cầu Kim Trọng là hoãn lại mối quan hệ xác thịt để tôn trọng bổn phận đạo đức; bài thơ cũng kết thúc với sự kìm nén vĩnh viễn khát vọng tình dục như là một sự tự trừng phạt cho những tủi hồ mà nàng phải chịu.

Nàng rằng: Chút phận hoa rơi,

Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.

Tính rằng mặt nước chân mây,

Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?

Được rày tái thế tương phùng.

Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay!

Đã đem mình bỏ am mây,

Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa.

Mùi thiền đã bén muối dưa,

Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.

Sự đời đã tắt lửa lòng,

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!

Định mệnh vốn điều khiển cả câu chuyện này là cái yêu cầu về kìm nén khát khao tình dục, một định mệnh yêu cầu sự hi sinh tự do cá nhân vì con đường của hòa bình dân tộc. Quan trọng hơn, đó là định mệnh trong dạng một câu chuyện và công cụ thi ca của Nguyễn Du. Ở đầu câu chuyện cho thấy chính sự kêu gọi của Kiều về nghĩa vụ với cha mẹ của mình đã dẫn tới cuộc đời trôi nổi của nàng: bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.

Duyên hội ngộ đức cù lao,

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Quyết tình nàng mới hạ tình

Ở đây thật thú vị khi lưu ý là bản dịch tiếng Anh, Huỳnh Sanh Thông viết hoa chữ “Cha” để nhấn mạnh tôn giáo thờ cúng tổ tiên và lòng trung thành với gia đình và sự hiến dâng cho văn hóa Việt Nam. Ở cuối tác phẩm, điều đưa Kiều trở về cuộc sống là định mệnh được hiện thân qua nhân vật Giác Duyên. Nếu Nguyễn Du nghi ngờ tính chất đời thương của phật giáo thì ông không thành công. Bởi vì, nhân vật chính của ông – thân thể, ngôn ngữ và niềm tin – đã khắc họa nguyên nhân của sự đoàn kết dân tộc. Người phụ nữ suy cho cùng, trong Truyện Kiều, là một nhân vật mang tính dân tộc. Bài thơ sử thi của Nguyễn Du giới thiệu cho người đọc một người mẹ Việt Nam.

Phạm Chi dịch

[1] Tiêu đề do người dịch đặt. Đây là đoạn trích dịch từ  Tạp chí American Journal 23:2 (1997) 27-53.

[2] GS Văn học So sánh. Hiện công tác tại Khoa Văn học So sánh và Ngoài ngữ – Trường Đại học California, Riverside (Hoa Kỳ).

 

Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=12776

Comments are closed.