Thomas Stearns Eliot, nhà cách tân thơ đầu thế kỷ XX (kỳ 1)

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch

Thomas Stearns Eliot (1888-1965) là gương mặt thơ hàng đầu thế giới của thế kỷ XX, mà trường thi The Waste Land – Đất hoang được coi như tác phẩm cách tân trọng yếu mở ra thời hiện đại trong thơ tiếng Anh. Một giải thưởng hằng năm mang tên ông hiện là giải thưởng loại lớn nhất về thơ tiếng Anh, mà nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vuong đã nhận được năm 2017 cho tập “Sky Night with Exit Wounds” (bản dịch của Hoàng Hưng “Trời đêm những vết thương xuyên thấu” đã xuất bản ở VN năm 2018 – NXB Hội Nhà văn & Phanbook).

Nhân cuộc trao đổi về Thơ & Cách tân Thơ trên Văn Việt, chúng tôi xin giới thiệu một tài liệu nghiên cứu về T.M. Eliot, trích từ sách “Creating Minds” (Trí khôn sáng tạo) của nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner, bản dịch chưa xuất bản của Hoàng Hưng.

Văn Việt


Image result for thomas stearns eliot

The Waste Land – Đất hoang thu hồi được

Năm 1968, một bản thảo trong một thời gian dài được coi là đã mất, về nằm trong Bộ sưu tập Berg của Thư viện Công cộng New York. Gói bản thảo gồm 54 trang, phần lớn đã đánh máy, nhưng có vài trang viết tay hai mặt. Vài trang có một số ghi chú, trong khi những trang khác được biên tập rất kỹ bởi nhiều bàn tay khác nhau, và nhiều trang bị gạch bỏ hoàn toàn. Bản thân ngôn ngữ của bản đánh máy cũng khác nhau, nhiều đoạn là tiếng Anh hội thoại, nhiều đoạn là một thứ tiếng Anh lịch lãm hay khó hiểu, và có những dòng rải rác là những ngôn ngữ châu Âu cũng như chữ Phạn.

Không phải là bản thảo thông thường, những trang thu hồi được là các bản nháp tạm thời của The Waste Land – Đất hoang, có thể được coi (tuy còn tranh cãi) là bài thơ nổi tiếng nhất, và hoàn toàn có vẻ là bài thơ tiếng Anh có ảnh hưởng nhất của thế kỷ này. T.S. (Thomas Stearns) Eliot, một nhà thơ sinh ra ở St Louis (Hoa Kỳ), định cư ở Anh, đã bắt đầu viết bài thơ hay những vần thơ sẽ trở thành một đoạn của bài thơ vào khoảng năm 1914, và kết thúc hoàn toàn bản thảo gồm gần 1000 dòng vào cuối năm 1921. Ông đã tặng bản thảo này cho hai người, vợ ông là Vivien (đôi khi đọc là Vivienne) và một bạn thân, Ezra Pound, một nhà thơ gốc Mỹ cũng định cư ở châu Âu. Cùng với Eliot, những “nhà phê bình thân thiện” này đã làm ra những thay đổi căn bản cho bài thơ, trong đó có những thay đổi do gợi ý của Pound làm cho bài thơ giảm bớt khoảng một nửa độ dài. Theo lời của nhà Eliot học Helen Gardner: “Pound làm cho mớ lộn xộn những đoạn hay và dở trở thành một bài thơ”.

Eliot ngay lập tức đánh giá cao ý nghĩa sự giúp đỡ của Pound. Tin chắc rằng bài thơ sẽ được coi như một tác phẩm có ý nghĩa, Eliot đưa nó, như một món quà, cho một nhà môi giới xuất bản người Mỹ là John Quinn; ông này đã đại diện (không lấy thù lao) cho các quyền xuất bản của Eliot ở Hoa Kỳ. Quinn đã chết một năm sau khi nhận bản thảo, và trong quá trình chuyển đổi tài sản nhà đất của ông, bản thảo bị thất lạc; thực tế là Eliot đã đi đến chỗ tin rằng nó đã mất. Việc tìm ra nó 45 năm sau không chỉ giải đáp được một bí mật của văn học, mà còn cho phép nhìn sâu vào sự sinh thành một tác phẩm văn học quan trọng, phát lộ vai trò có thể có của một người phê bình thiện cảm nhưng hồn nhiên. Và nó cũng cô đúc lại câu hỏi vì sao một cặp người Mỹ lưu vong lại viết về sự suy vong của nền văn minh từ lợi thế của họ sau Đại chiến.

Những bến bờ khác nhau trong lý lịch của Eliot

Mặc dù sinh trưởng ở St Louis bên dòng sông Mississipi, Eliot cũng lớn lên trong bóng mát vùng New England. Tổ tiên ông ở cả hai bên nội ngoại đều đến từ vùng Boston, ở đó họ đã là những thủ lãnh về tôn giáo và giáo dục kể từ TK 17. Ông nội của ông, William Greenleaf Eliot đã di chuyển đến vùng St Louis, ở đó, là một thủ lãnh tôn giáo phi học thuyết và một nhà tài chính do năng khiếu, cụ đã sáng lập trường Đại học Washington. Cha của T.S. Eliot, Henry Ware Eliot, một nhà kinh doanh giàu có chỉ lấy thành công làm mục tiêu, là chủ tịch một công ty ép thuỷ lực; mẹ của ông, Charlotte Champe Eliot, là một nhà thơ có tham vọng đáng kể và một tài năng vừa phải thường tự coi mình là một thất bại vì đã không hoàn tất được việc học hành chính thức. Cả hai bậc cha mẹ đều hết sức đạo hạnh, nếu không là quá trọng đạo lý, họ là những người tin tưởng vào một cuộc sống suốt đời “làm việc tốt”; họ cũng là những người cầu toàn. Một người anh em họ xa, Charles William Eliot, đã trở thành chủ tịch Đại học Harvard gần 20 năm trước khi T.S. Eliot ra đời; một thành tích như thế không được xem là không điển hình cho họ nhà Eliot.

Eliot có phần là đứa trẻ ốm yếu được mẹ che chở. Vây quanh cậu là những người phụ nữ – không chỉ mẹ và các chị mà cả những bà con xa cũng như một vú nuôi yêu quý người Ireland, Annie Dunne. Được thừa nhận là cực kỳ thông minh và có tài ngay từ sớm, cậu được trông đợi đạt những tiêu chuẩn rất cao về học thức và đạo đức. Eliot cảm thấy mình mang trong người những ước vọng của tổ tiên Thanh giáo của mình và những sự khắc khổ ấy gây áp lực lớn cho cậu. Niềm vui thích của cậu đến từ những kỳ nghỉ hè chơi dọc bờ sông Mississipi, ở đó cậu đọc sách và thả thuyền. Cậu cũng yêu quý trải nghiệm sống dọc con sông Mississipi hùng vĩ. “Tôi cảm thấy có cái gì đó đã đi qua tuổi thơ của một người sống bên dòng sông lớn, không thể truyền thông cho những ai không có nó”, ông đã viết như thế lúc cuối đời.

Theo mọi lời kể, thì Tom Eliot là đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm. Theo người chị của ông, khi Eliot còn đang học nói, cậu đã hay tạo ra nhịp điệu của câu nói không thành lời. Cậu say mê những ấn tượng cảm giác – mùi, tiếng động, hình ảnh – và bị lôi kéo về những hình tượng, cây nến, nén hương. Nhiều thập niên về sau cậu cũng nhớ lại tiếng còi tàu thuỷ rúc ngày đầu năm mới, con sông ngập lụt với xác người trên tàu, xác thú, và những mảnh vỡ đủ loại, cũng như những lời cầu nguyện của bà vú Ireland và những lời bàn của bà về sự tồn tại của Thượng đế. Bị thu hút rất mạnh bởi những ấn tượng cảm giác như thế, tự bản thân nó là không bình thường. Lại càng không bình thường là năng lực của Eliot nhớ lại chúng một cách sống động ngay cả nhiều thập niên về sau và có khuynh hướng thể hiện những ấn tượng ấy trong các dòng thơ.

Ngôn ngữ viết đã là phương tiện truyền thông quan trọng ở cả hai bên nội ngoại của Eliot trong nhiều thế hệ. Charlotte Eliot đã viết nhiều thơ tôn giáo, nhiều bài mang tính giáo huấn. Chàng Eliot trẻ tuổi đã có một trí nhớ về ngôn ngữ rất tốt. Cậu xuất bản tờ báo của riêng mình ở trường học, trong đó có nhiều chuyện khôi hài. Cậu cũng viết các câu chuyện về hàng hải, thơ hài, và thơ nghiêm túc vào tuổi thiếu niên. Cậu nuôi dưỡng đời sống huyễn tưởng của mình bằng cách bịa ra những câu chuyện về Nam Thái Bình Dương và Hawaii. Tuy không thật sự là thần đồng, thơ của Eliot cũng thể hiện một bản năng về hình thức và một giọng điệu rõ ràng. Và năng khiếu giễu nhại của cậu đã được thấy trong một bài thơ bắt chước Ben Johnson mà cậu làm vào năm 16 tuổi.

Eliot cũng là một học sinh đáng để ý. Cậu học rất giỏi ở Smith Academy (cũng do ông nội lập nên) ở St Louis và xuất sắc trong năm học thêm ở Massachusett’s Milton Academy. Cậu đọc rất rộng rãi các sách tiếng Anh, Latin, Hy Lạp, và Pháp, và nhớ được nhiều cái đã đọc. Chỉ có một địa hạt khó khăn với cậu là vật lý; suốt đời, cậu tỏ ra ít hứng thú hay có năng khiếu về khoa học, mà đứng vững chãi trong khoa học nhân văn, là ngành hàn lâm lâu đời hơn trong hai ngành mà nhà khoa học-nhân văn học C.P. Snow mô tả.

Trật chìa ở Harvard

Thật sự mọi cơ sở đều có thể cho ta dự tưởng là Eliot thích hợp hoàn toàn với trường Harvard hồi đầu thế kỷ 20. Gia đình Eliot đã duy trì mối quan hệ lâu dài với Harvard, và đã qua những mùa hè bên vùng bờ biển phía bắc Boston. Eliot là người mọt sách, sính văn chương và sắc sảo – mọi tính cách đáng mong muốn cho một người của Harvard. (Điều thú vị là bản thân Eliot cũng coi mình là kẻ tự cao, trong khi những người đồng thời mô tả anh không giống nhau, như thông minh, dè dặt, ác ý, hấp dẫn, và duyên dáng). Thêm một nét, Eliot là thành viên của một lớp học có lẽ là xuất sắc nhất xưa nay – lớp 1910, trong đó có nhà viết luận văn tương lai Walter Lipmann, chính khách Hamilton Fish, và nhà cách mạng John Reed – giữa một đám sinh viên từ những lớp phụ trong đó có nhà thơ Conrad Aiken, bạn suốt đời của Eliot, và nhà phê bình Van Wyck Brooks.

Phản chiếu sự lãnh đạo của Chủ tịch [Harvard] Eliot và thời của Tổng thống Theodore Roosevelt (bản thân ông cũng tốt nghiệp Harvard), không khí nhà trường nhìn chung được coi là tự do, dân chủ, tiến bộ, duy vật, cá nhân chủ nghĩa, và đa nguyên. Đáng ngạc nhiên nhất, những nét ấy không hấp dẫn Eliot. Harvard đập vào Eliot như cái gì lạnh lẽo, và anh bối rối vì cảm nhận rằng những môn nhân văn là ở tầm thấp kém.

Eliot khám phá trong bản thân những xung động tương phản. Anh coi các tác phẩm văn chương Mỹ của thời đại là rỗng tuếch. Anh khám phá ra rằng mình bị thu hút bởi thứ văn chương khó hiểu của quá khứ và của những miền đất ngoại quốc, hơn là những vần thơ dễ dãi và mang tinh thần ái quốc cực đoan của nhà thơ được ưa thích ở trường Cambridge, Henry Wadsworth Longfellow; anh tìm đến những ông thầy như Irving Bobbit, người được đồng nhất với những lý tưởng bảo thủ và Công giáo La Mã; anh ưa thích sự huyền bí phương Đông hơn là tín điều Một Ngôi giản dị của giới bình dân La Mã [plebeian Unitarian: tín điều của giới bình dân cổ La Mã coi Chúa chỉ có Một Ngôi, không phải Ba Ngôi – Trinity – như niềm tin của Nhà thờ Công giáo – ND] mà tổ tiên anh đã theo.

Tiếp tục viết, Eliot góp thơ cho tờ tạp chí Advocate của sinh viên đại học; những đề tài về sự nhơ bẩn của đô thị và thiên nhiên héo tàn, cũng như một tính nhạy cảm phương Đông chớm nở, có thể thấy được trong những gì mang một tâm hồn trẻ trung không rõ rệt. Cũng như trong thơ của nhiều tác giả trẻ, cảm xúc mạnh nhưng chưa khác biệt rõ và thể hiện rõ bằng ngôn từ của tác giả, và tất nhiên đối với người đọc thì những cảm xúc này vẫn còn xa mới hiển nhiên trong tự bản thân.

Một sự biến then chốt trong khi học ở Harvard là việc Eliot khám phá ra cuốn sách The Symbolist Movement in Literature – Phong trào Tượng trưng trong văn học của Arthur Symon. Eliot nồng nhiệt hưởng ứng sự bác bỏ của Symon đối với chủ nghĩa tả thực tầm thường, việc ông này đối xử với nghệ thuật như một kiểu tôn giáo, việc đi tìm một thị ảnh tâm linh ở đó những biểu tượng thơ có thể bắt được tinh chất của sự vật, và niềm tin rằng một bài thơ có thể tạo nên thế giới của chính nó, không tham chiếu bất cứ gì bên ngoài những yếu tố của chính nó. Symon dẫn dắt sự chú ý của Eliot tới thơ Pháp, và đặc biệt tới tác phẩm của Jules Laforgue, một nhà thơ cuối thế kỷ 19 ít nổi danh.

Eliot lập tức khám phá ra một sự “gần gũi tự chọn” với các tác phẩm của Laforgue, người đã thử nghiệm những giọng khác nhau để thể hiện sự đau đớn, lời ăn tiếng nói thông thường, và sự bình phẩm hống hách. Nhìn thế giới như suy đồi và trầm uất, Laforgue có năng lực đặt liền kề sự nhàm chán của tuổi trẻ với sự thoái lui của tuổi già; ông nhìn những ý tưởng nghiêm túc qua sự mỉa mai, hài hước và xa cách về cảm xúc. Sau này Eliot nói: “Tôi càng cảm thấy biết ơn ông hơn là với bất kỳ ai khác. Tôi không nghĩ rằng mình đã gặp bất kỳ nhà văn nào khác có ý nghĩa với mình nhiều như ông vào thời điểm đặc biệt ấy”.

Chắc chắn là được khuyến khích bởi thơ tượng trưng Pháp mà mình mới khám phá, cũng như tấm gương của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire trước đó, Eliot cũng phát triển một sự nhạy cảm cá nhân cao hơn. Anh thấy bản thân mình bước đi qua những vùng thối rữa của Boston, xen kẽ giữa cảm xúc hấp dẫn và khước từ. Cùng lúc, anh vẫn đến những phòng khách của giới Quý tộc Boston [Boston Brahmins], và những câu lạc bộ thời trang và những quán rượu của giới đặc tuyển Harvard. Anh cảm thấy rằng Boston, một thời từng sống động và năng động, giờ đây ù lì, công dân của nó căng thẳng và tha hoá. Đời sống Thanh giáo nhất quán, cũng có thể là khắc khổ, đã bị thay thế bằng chủ nghĩa con buôn ngu xuẩn và sự đổ nát thị thành. Sự xung đột giữa những thế giới ấy – thế giới nhà ổ chuột và thế giới quý phái Cambridge, sự khổ sở của kẻ nghèo và sự đạo đức giả của các nhóm xã hội trung lưu – gây ấn tượng bất ổn sâu xa cho chàng sinh viên trẻ nhạy cảm. Trong những bài thơ viết năm 1908 và 1909, anh đi tìm cách thể hiện tổng thể những tình cảm mới nổi lên của mình.

Đôi khi, những trải nghiệm kết tinh của Eliot thật là chuyên biệt, như trong việc khám phá ra bản in thứ hai cuốn sách của Symon ở Union Harvard vào tháng 10 năm 1908, hay lần đầu anh bị khích động khi đọc Jules Laforgue vào mùa xuân năm sau. Năm sau đó, Eliot có một trải nghiệm ảnh hưởng rất lớn đến mình nhưng không bao giờ anh nói lên được rõ ràng, chính xác. Vào thời gian tốt nghiệp Harvard, trong khi lang thang qua thành phố Boston, anh cảm thấy phố xá chìm xuống và phân cách, và bản thân mình thì chìm đắm trong sự yên lặng lớn lao. “Bạn có thể gọi nó là sự cộng thông với Cái Thiêng liêng hay sự kết tinh tạm thời của tâm trí”, sau này Eliot bình luận về cái dường như đã là một trải nghiệm ảo giác.

Theo tôi, bản thân trải nghiệm tượng trưng cho một thay đổi đang diễn ra trong chàng trai trẻ Eliot – sự chuyển đổi về tình cảm mà anh có thể bắt được qua một hình ảnh thơ. Cho đến thời điểm này trong đời, anh đã phần nhiều đi theo con đường mà gia đình vẽ ra cho mình. Anh đã học chăm, thể hiện giỏi, viết hay, và đi qua dường như không cần nỗ lực những bước đi trong nhà trường và xã hội mà mọi người trông đợi ở anh. Bởi anh đã bị lôi cuốn vào môn triết, nên mọi người cho rằng anh sẽ tiếp tục học ở Harvard và cuối cùng trở thành giáo sư triết.

Tuy nhiên, với ý thức của riêng mình, Eliot đã đi đến chỗ cảm thấy mình ngày càng bị tha hoá. Anh không thích Boston, St Louis, nước Mỹ của thời đại mình. Anh cảm thấy xa cách như nhau với các sinh viên tụ tập trong các câu lạc bộ, giới quý tộc Boston, và tầng lớp dưới hèn mọn của đời sống đô thị. Xuất thân từ một gia tộc trong đó các bà già áp đảo, anh không biết làm sao quan hệ với những cô gái cùng lứa tuổi; anh cảm thấy bị họ đe doạ và thất vọng vì bất lực trong việc xử lý những đòi hỏi sinh lý của mình.

Eliot bị thu hút tới một thế giới khác và một con đường ít người đi hơn. Có cái gì đó cám dỗ về nước Pháp và nước Anh, với lịch sử lâu đời hơn, sự tinh khéo hơn về văn chương, sự định giá cao hơn về những vấn đề tôn giáo và tâm linh, và tinh thần mỉa mai sâu hơn. Trong khi bị lôi cuốn bởi việc nghiên cứu triết học, anh cũng đi tìm một giọng thơ có thể tổng hợp những cảm giác cụ thể, những xúc cảm mạnh mẽ, và những ý tưởng về cuộc sống và văn minh đè nặng lên mình.

“Thời khắc kết tinh” ở Boston, với dấu hiệu của cảm hứng thiêng liêng, đưa ra một khả năng đối xử với những khuấy động cảm xúc mâu thuẫn ấy, và thể hiện sự tha hoá của anh qua thơ. Eliot nhấn mạnh tầm quan trọng của thời khắc bất ngờ này – như anh viết trong Đất hoang, “sự táo bạo tuyệt vời của sự đầu hàng trong khoảnh khắc… mà bởi nó, và chỉ bởi nó, chúng ta đã tồn tại”. Con phố tách làm đôi trở thành một hình ảnh sống động, và những con phố sẽ trở lại như những biểu tượng hoài thai qua suốt những trang viết của Eliot. Nhưng thị ảnh, thời khắc bất ngờ, thì chỉ là một dấu hiệu thoáng qua; trong những năm sau đó, Eliot phải đi tìm lối của mình để thực hiện sự tổng hợp mà anh cảm thấy lờ mờ này.

Comments are closed.