Trần Vinh Dự
Bần cùng hóa của giai cấp vô sản là “xu hướng biến đổi theo chiều hướng xấu đi những điều kiện sống của giai cấp vô sản và những người lao động trong các nước tư bản” – định nghĩa của Chủ nghĩa Marx.
Phần lớn lãnh thổ Việt Nam đang áp dụng các mức độ “giãn cách xã hội” khác nhau tùy theo tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương. Ở Thành phố HCM và một số tỉnh thành có dịch bệnh covid-19 lan mạnh, chỉ đạo của nhà nước quy định “ai ở đâu ở yên đó”. Quá 6 giờ tối, dân không được ra đường. Hàng rào sắt được dựng lên ở khắp nơi bịt kín từng con đường, từng ngõ hẻm. Các biển cấm dựng sát nhau. Số liệu về giao thông ở HCMC cho thấy lưu lượng giao thông những ngày này giảm tới hơn 90% so với thời kỳ trước giãn cách xã hội.
Nhìn ở khía cạnh chống dịch, thực trạng này thể hiện quyết tâm cao độ của chính quyền trong việc dập dịch. Nó cũng thể hiện sự tuân thủ cao độ của người dân trước các quyết định sắt thép của chính quyền.
Nhưng có cái gì đó rất không ổn.
HCMC bắt đầu áp dụng việc giãn cách xã hội từ đầu tháng 5 với các mức độ khác nhau. Tới giờ đã sang tháng thứ 5. Số ca nhiễm hàng ngày theo công bố chính thức của nhà nước những ngày đầu tháng 9 gấp cả chục lần so với những ngày đầu tháng 5. Mỗi ngày, có hàng trăm ca tử vong. Tình hình dịch bệnh rõ ràng không giảm và thành phố đã tổn thất rất nhiều về sinh mạng con người.
Trên tất cả các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, lý do chính thường được đưa ra là việc giãn cách xã hội được “thực hiện chưa nghiêm”. Và vì thế, các nấc thang của giãn cách xã hội ngày càng tăng thêm, tới mức cao nhất ở là “ai ở đâu ở yên đó”, kể cả việc tự đi mua thực phẩm cũng bị cấm. Nhưng kể cả tới biện pháp này, sau 2 tuần áp dụng, số ca nhiễm mới hàng ngày được công bố chính thức vẫn ở mức cao nhất nhì với hơn 6000 ca mỗi ngày.
Các biện pháp đang thực hiện tại Việt Nam dần thu hút sự chú ý của thế giới. Báo chí phương Tây bắt đầu xuất hiện những bài viết giật tít như “Việt Nam biến thành nhà tù lớn ngoài trời” để chống covid-19. Không phải vô cớ mà họ viết như vậy. Trong những nơi từng thực hiện “lockdown” hay “giãn cách xã hội”, chưa có nơi nào trên thế giới, trừ những nơi không có số liệu công bố như Bắc Hàn, có mức độ giãn cách nghiêm ngặt, khắc nghiệt, và kéo dài như ở HCMC và một vài địa phương khác ở Việt Nam. Mức giãn cách xã hội, thể hiện qua mức độ giảm giao thông của những nơi khác trong giai đoạn lockdown khắc nghiệt nhất của họ chỉ trong khoảng -40% tới -65% so với ngày thường. Còn ở HCMC, tôi nhắc lại, là hơn -90%. Các mức độ cấm đoán của họ liên quan đến các hoạt động kinh tế cao nhất cũng chỉ dừng ở mức độ tương đương chỉ thị 15 hoặc 15+ từng được áp dụng ở VN giai đoạn trước.
Hậu quả là gì? Không có bất kỳ công bố nào về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay tại HCMC. “Ai ở đâu ở yên đó” dĩ nhiên không tước đi công ăn việc làm của tất cả. Một tỷ lệ lớn cư dân của thành phố vẫn có thể làm việc tại nhà. Một số rất nhỏ vẫn được đi làm vì công việc của họ liên quan đến phòng trống dịch hoặc các dịch vụ rất thiết yếu, hoặc tại các sơ sở sản xuất thỏa mãn điều kiện phòng chống dịch của nhà nước như “3 tại chỗ”. Nhưng chắc chắn có một tỷ lệ rất lớn không có việc làm. Và những người này đã không có việc làm trong nhiều tháng.
CÔNG DÂN CÓ QUYỀN LÀM VIỆC
“Công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” – Hiến pháp Việt Nam 2013.
Giãn cách xã hội không tước đi quyền được làm việc theo quy định của Hiến pháp Việt Nam đối với những người có thể làm việc tại nhà. Nó cũng không tước đi quyền được làm việc của những người vẫn còn có thể đi làm. Nhưng giãn cách xã hội, đặc biệt là các biện pháp cực mạnh như chỉ thị 16 và cao hơn, chắc chắn đã và đang tước đi quyền làm việc của rất nhiều người.
Dĩ nhiên, covid-19 là đại dịch chưa có tiền lệ. Và sự hi sinh sinh kế ở mức độ nhất định là việc không tránh khỏi để đánh đổi lấy sự an toàn. Thế nhưng, sự đánh đổi này phải có giới hạn. Nếu không, nó là sự bần cùng hóa tuyệt đối dành cho những người lao động, đặc biệt là lao động chân tay.
Trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ phát biểu của các nhà lãnh đạo, tới các bình luận và tư vấn chính sách, cái chúng ta vẫn được nghe trong những ngày này là “hi sinh tăng trưởng”, “hi sinh mục tiêu kép” để chống dịch. Nói thẳng, đó là những mĩ từ của người giàu. Nó là sự hi sinh của người có điều kiện. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất tốt, và giá bất động sản vẫn tăng chứ không giảm. Cuộc sống của người giàu, đặc biệt là siêu giàu, xem ra không có biến động nhiều.
Thế nhưng, cá nhân tôi chưa từng nghe ai nói về sự bần cùng hóa của hàng chục triệu người trên khắp cả nước. Chúng ta đang CHỐNG DỊCH TRÊN SỰ BẦN CÙNG HÓA CỦA HỌ, sinh kế của họ không còn, các kế hoạch tương lai bị vỡ vụn, phải đối mặt trực tiếp với đói nghèo và chạy ăn từng bữa. Tôi không có số liệu về con số tiền tiết kiệm trung bình của các tầng lớp lao động chân tay, nhưng theo một chia sẻ của giới chuyên gia, con số này ở thành phố HCM là khoảng 2 tháng. Giãn cách xã hội ở HCMC đang bước sang tháng thứ 5!
Dĩ nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy tràn ngập các hình ảnh về các “gói dân sinh”. Tôi không nghi ngờ gì về thiện chí của chính quyền trong các chính sách này. Nhưng bản chất của các gói dân sinh là cứu đói để người ta không chết đói, kéo dài sự tồn tại trong lay lắt của họ. Chứ nó không nhằm ngăn chặn bần cùng hóa. Nó không làm cho cuộc sống của những con người này tốt đẹp hơn hay tươi sáng hơn.
Sẽ có người nói khi mở cửa trở lại, công việc của người lao động sẽ quay lại. Vì thế sự chịu đựng này chỉ là trong thời gian ngắn. Cũng không sai, nhưng ngắn là bao lâu thì chưa ai trả lời được. Và khi mở cửa trở lại, việc tìm kiếm việc làm có dễ dàng không cũng không có câu trả lời. Chưa kể, sẽ mất rất lâu để những người không còn đủ tiền tiết kiệm trả được nợ nếu họ phải dựa vào nợ nần để tồn tại. Và cuối cùng, để cảm nhận được sự mất mát của họ, hãy thử tưởng tượng toàn bộ các khoản tiết kiệm & dự trữ của mình sẽ biến mất sau 2 tháng để chống dịch.
“MỞ THẬN TRỌNG"
Những ngày gần đây, các chỉ đạo của chính quyền, cũng như các thảo luận trên mạng xã hội bắt đầu nghiêng dần theo hướng “mở thận trọng”. Mở thận trọng là thế nào thì vẫn là câu chuyện chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn nó sẽ gắn liền với chữ “an toàn”. Tôi đã đọc kỹ, xem nhiều các phát biểu của các quan chức nhà nước, tôi luôn thấy cụm từ “mở phải đi đôi với an toàn”.
Điều này không có gì sai. Nhất là nó đặt trên những trả giá và mất mát trong nhiều tháng qua. Nhưng “an toàn” là thế nào? Tôi cũng chưa thấy nhà nước đưa ra một quan điểm cụ thể và nhất quán. Có vẻ như từng địa phương đang tự mò mẫm để xây dựng ra các nguyên tắc của riêng mình về cái gọi là “vùng xanh” và việc vận hành các vùng xanh này như thế nào.
Nhưng cái tôi không thấy nhiều người nói đến là mở vì ai? Tôi chỉ thấy các thảo luận trên những phạm trù vĩ mô như mở để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, để tránh đổ vỡ kinh tế, để doanh nghiệp FDI nước ngoài không bỏ chạy khỏi Việt Nam… Khi gắn liền với chữ “mở phải đi đôi với an toàn”, nó tạo ra một loạt các dự trù chính sách. Thí dụ, phải tiêm được vaccine mới được đi làm (một số nơi tính đến đủ 2 mũi, một số nơi tính đến 1 mũi tùy độ phủ), doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nào đảm bảo điều kiện phòng dịch mới được hoạt động, doanh nghiệp nào thiết yếu hơn thì được ưu tiên, những khu dân cư nào xanh hơn thì được mở trước… Điều này không phải tôi tưởng tượng. Đã có một lãnh đạo thành phố phát biểu nên để các doanh nghiệp lớn, các cơ sở đủ điều kiện mở trước, cũng như đã có những cuộc thảo luận của lãnh đạo thành phố về thí điểm vùng Xanh.
Những quan điểm này cũng không sai nếu xét theo cái trục ưu tiên của chúng. Nói thẳng, các nhà làm chính sách, các chuyên gia tư vấn, và những người đóng góp ý kiến khả năng đa phần đều là những người KHÔNG MẤT VIỆC LÀM, KHÔNG MẤT THU NHẬP, không chứng kiến khoản tiết kiệm của gia đình mình tiêu tán. Thật khó để họ nhìn dưới góc nhìn của những người yếu thế.
Thế nhưng, nếu quay lại câu hỏi “mở vì ai” thì, cũng giống như điều trị F0 ở HCMC phải ưu tiên những ca bệnh nặng trước, việc mở cửa đúng ra phải để giúp những người khốn khổ nhất quay lại có được sinh kế sớm nhất.
Nhưng không ổn rồi, người nghèo nhất thường sống ở những nơi chật chội nhất, và vì thế bệnh dịch nhiều nhất. Người nghèo nhất cũng là những thường là những người lao động tự do, hoặc làm việc tại những nơi điều kiện kém hơn nhiều các doanh nghiệp lớn để đảm bảo điều kiện phòng dịch. Thậm chí, họ cũng thường là những người được tiêm vaccine sau. Thế nên, xét theo bộ tiêu chí liệt kê ở trên, thì họ sẽ là những người sau cùng được ra khỏi nhà tù mang tên giãn cách.
BẾ TẮC ĐỦ ĐƯỜNG?
Không có giải pháp nào hoàn hảo. Giải pháp nào cũng có sự hi sinh. Vấn đề chỉ là sự hi sinh đó là gì, và nhóm người nào sẽ phải hi sinh nhiều nhất.
Chết chóc luôn luôn là sự hi sinh lớn nhất. Chắc chắn rồi. Nếu phải đặt giữa hai lựa chọn ở nhà hoặc là chết, thì có lẽ không mấy ai chọn chết. Ở nhà, dù chết dần, cũng còn có thời gian và hi vọng, thay vì chết ngay.
Nhưng với mỗi mức độ rủi ro, thì cần mức độ phản ứng (và hi sinh) tương ứng. Việc những nơi khác, kể cả những nước giàu đủ điều kiện và thực hiện rất nhiều chính sách theo kiểu trả tiền để dân ở nhà, cũng không thực hiện các biện pháp giãn cách hà khắc như Việt Nam, cho thấy mức độ hi sinh / đánh đổi mà họ sẵn sàng chấp nhận để bảo vệ công chúng khỏi dịch covid-19.
Chúng ta chấp nhận hi sinh nhiều hơn, và đã hi sinh nhiều hơn phần còn lại của thế giới để chống covid-19. Điều này không thay đổi được nữa. Nhưng sự hi sinh này còn đến bao giờ, và những người lao động trong nhóm đang bị bần cùng hóa còn tiếp tục bị bần cùng hóa đến bao giờ? Logic của sự hi sinh khủng khiếp này trên vai họ là gì? Và lấy gì để bù đắp cho họ ngoài những túi an sinh?
Cá nhân tôi cho rằng giai đoạn “hi sinh cưỡng bức” này cần phải dừng lại. Sự hi sinh của những người lao động này đã quá nhiều rồi. Quyền lao động theo Hiến pháp của họ cần phải được khôi phục.
Tôi cho rằng đã đến lúc cả nước cần phải xem lại các biện pháp giãn cách xã hội của mình và tham chiếu với phần còn lại của thế giới để qua đó xác định mức độ hi sinh có thể chấp nhận được. Mức độ lockdown gắt gao nhất của chúng ta phải ở mức tương đương nước khác, tức là đâu đó chỉ ở mức chỉ thị 15 hoặc 15+. Giãn cách xã hội nhưng phải cho dân đi làm. Những ngành nghề nào nhà nước cấm không cho làm trong giai đoạn giãn cách thì nhà nước phải trả tiền cho dân để dân ở nhà chứ không phải chỉ những túi dân sinh. Đừng bắt phải tiêm vaccine đủ mới cho dân đi làm, trừ khi dân không chịu tiêm (vaccine còn lâu mới có đủ cho cả nước, dù cục bộ vài nơi đã có lúc thừa như HCMC thừa Sinopharm). Nếu muốn hạn chế tử vong, cần các giải pháp y tế và đầu tư cho y tế. Việc các bệnh viện công thiếu máy thở trầm trọng và làn sóng tài trợ máy thở cho BV ồ ạt cho thấy khoảng trống cực lớn về chính sách của nhà nước. Đừng đẻ ra các loại giấy đi đường, thậm chí cả “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ xanh vaccine” mà thay vào đó là quy định, hướng dẫn, hỗ trợ, và giám sát việc phòng dịch tại nơi làm việc.
Quan điểm này có lẽ sẽ không có nhiều người ủng hộ, kể cả giới chuyên gia, phân tích, bình luận, báo chí, và các nhà lập chính sách. Trong thâm tâm nhiều người, nhà tù mang tên giãn cách 16+ vẫn rất cần thiết, và họ chỉ ủng hộ các chính sách "an toàn" miễn là họ trong nhóm được thả tự do. Và điều này cũng dễ hiểu và bình thường như cân đường hộp sữa. Những người dân đang bị bần cùng hóa vốn không thể ngồi trong những nhóm này. Quan điểm của họ, nếu có, cũng không thể được viết ra một cách tường minh và giải trình trong những cuộc họp lớn. Nhưng vì họ là những người lao động chân tay, khi bị ép đến đường cùng, phản ứng của họ có thể sẽ là những phản ứng chân tay.
(Bài viết thể hiện quan điểm hoàn toàn cá nhân, không phản ánh hoặc đại diện quan điểm của bất kỳ tổ chức nào).
Nguồn: FB Trần Vinh Dự