Chữ tin còn một chút này

Phạm Quang Long


Trước hết xin cụ Nguyễn đại xá vì kẻ hậu sinh đã dám mượn một câu thơ hay mà đau của cụ vốn để nói về cô Kiều vận vào cuộc đời hôm nay.

Kiều của cụ đã ” thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” mà vẫn cho rằng mình trong trắng và chữ trinh “cũng có năm bảy đường”, chứ không phải chỉ theo quan niệm của đám hủ nho mà không chú ý đến những hoàn cảnh phải ” tòng quyền”. Cuộc đời không đơn giản và có phải lúc nào cũng trải hoa đón ta đâu? Càng cảm phục cụ sâu sắc, trải đời.

Chuyện tôi nói đây không liên quan đến phẩm hạnh của phụ nữ mà nói đến cái sự đổi thay liên tục của ngành giáo dục, làm cho năm nào đến kỳ thi tốt nghiệp, xét vào đại học cũng làm xã hội sôi lên vì những cải cách.

Giáo dục đòi hỏi sự ổn định, chuẩn mực trong một khoảng thời gian nào đó, ít nhất không phải và không thể theo nhiệm kỳ của Bộ trưởng. Ai thay ai cũng không được làm đảo lộn các quy định, quy trình mang tính pháp lệnh như chương trình, nội dung đào tạo, phương thức thi cử, tuyển sinh, chế độ sử dụng, đãi ngộ …đã được luật hoá. Bởi sự ổn định này tác động đến con người, không chỉ một số đông mà đến nhiều thế hệ. Ba mươi năm nay chúng ta liên tục đổi mới từ nội dung, chương trình, mạng lưới, phương thức tổ chức đào tạo, đánh giá từ cấp mẫu giáo tới sau đại học. Cuộc “đảo lộn vĩ đại này” không đem laị hiệu quả như mong muốn bởi mỗi đời Bộ trưởng lại có những sáng kiến riêng vì họ chui vào cái áo khoác “đổi mới” như lá bùa hộ mệnh. Hầu như ít có cơ quan quyền lực nào giám sát việc này từ tầm chủ trương cho đến quá trình tổ chức thực hiện xem những thay đổi ấy có chệch hướng không? Mới chỉ thấy sự đánh giá theo kiểu kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác điều hành, mà đánh giá như thế cũng không biết thắng hay bại ở đâu, vì sao một cách khoa học. Ví dụ năm nay tuyển sinh đại học không ít em điểm 29,30 vẫn trượt và người ta lại chọn tiêu chí phụ để lấy vào trường. Điểm đỗ vào trường Công an, quân đội cao nhất… trong khi điểm vào Sư phạm thấp hơn nhiều, vào Cao đẳng Sư phạm chỉ có 12, 13 điểm nhưng vẫn được đánh giá là thắng lợi thì hỏi còn trời đất gì nữa. Lẽ ra Bộ Giáo dục phải ngừng tuyển sinh vào ngành Sư phạm do điểm đầu vào thấp thế nhưng Bộ không làm. Nếu Bộ không làm thì Chính phủ, Quốc hội phải không cho tuyển sinh khi điểm số quá thấp như vậy để tránh cho các thế hệ sau phải gánh chịu sai lần của thế hệ trước mới đúng.

Năm nay, lại nghe nói Bộ Giáo dục đang nghiên cứu phương án tuyển sinh mới. Tôi không đủ tri thức và căn cứ để bàn nhưng xin kể những chuyện người thực, việc thực và xin nêu mấy việc mà bản thân đã trải nghiệm như sau:
-Hồi còn phụ trách đào tạo ở trường dại học năm nào trường tôi cũng phải nhận khoảng 30-50 em là học sinh đạt giải quốc gia một môn nào đó hoặc thi tốt nghiệp đạt loại xuất sắc. Nhưng học xong giai đoạn 1 thế nào cũng có vài em bị đuổi vì tổng số các môn thi đi thi lại vẫn không đạt yêu cầu. Chúng tôi đoán các em này lúc chấm thi tốt nghiệp đã có sự gian lận nào đó vì thực lực rất kém ngay cả ở những môn đạt giải ở địa phương. May sao, chủ trương này sau phải bỏ.
– Năm ngoái tôi dạy một lớp có 80 em. Các em học Sư phạm Ngữ văn. Nhưng năng lực tư duy văn chương quá yếu. Tôi hỏi thì chỉ có 20 em đăng ký thi vào Sư phạm. Số còn lại không muốn học Ngữ văn, không muốn học ngành Sư phạm nhưng do cách tuyển sinh như thế, các em đã đỗ đại học. Đã đỗ thì chả lẽ lại không học? Thành ra xác ở trường nhưng hồn ở nơi khác. Bởi thế không ít em đã bỏ dở, xin thi lại ngành khác vì không thích học và cả không thể học được.
-Chủ trương học suốt đời và không nhất thiết một đời chỉ làm một việc là đúng nhưng hiện đang bị nhiều người ngộ nhận theo nghĩa không cần chuyên sâu mà chỉ cần hướng đến mục tiêu chuyển đổi ngành nghề. Tôi nghĩ đây là sai lầm nghiêm trọng. Xã hội phát triển cần tri thức dưới dạng liên ngành nhưng không phải ở tầm thấp mà đòi hỏi chuyên sâu. Học đại học mà lại đưa chương trình giống như phổ thông cấp 4, coi trang bị tri thức phổ cập cần hơn chuyên ngành là hỏng rồi. Họ lý giải trình độ Thạc sĩ mới là chuyên sâu thì như hiện nay, e rằng điều này cũng chưa đúng.

Nói về giáo dục hiện nay là cả đại vấn đề. Xã hội đang lo lắng và bất an về nhiều chuyện của ngành. Lỗi này có ở đội ngũ nhà giáo, trong đó có tôi,có ở chính sách, có ở xã hội. Ở tầm “ếch ngồi đáy giếng”, “gái goá” xin nêu mấy ngu ý sau:
1. Chính phủ, hoặc Quốc hội cần có giám sát các chủ trương của ngành sát sao hơn, không thể để những sáng kiến liên tục đưa ra như vậy. Kiên quyết không cho thực hiện những chủ trương chưa phù hợp, những công việc chưa được nghiên cứu kỹ để không đưa lại những xáo trộn cho xã hội.
2. Thay đổi trong giáo dục có ảnh hưởng tới xã hội ở nhiều mặt. Do đó cần nghiên cứu thật kỹ rồi mới triển khai, không làm giáo dục theo kiểu phong trào, không chắp vá, cải lương.
3. Trong xu hướng hội nhập cần có một ban nghiên cứu (ta có HĐGD Quốc gia) nghiên cứu trong hai, ba năm và đề xuất một chương trình đào tạo mới đảm bảo tính khoa học, hiện đại, chuẩn mực, mạnh dạn loại bỏ những gì thừa ở tất cả các cấp học, một quy trình đánh giá, thi cử, tuyển sinh…thật khoa học rồi trình Quốc hội thông qua như là chương trình ổn định, một quy trình chuẩn trong vài thập niên để thực hiện. Khi ấy ai làm Bộ trưởng cũng phải tuân thủ. Ai vi phạm thì miễn nhiệm.

Lòng tin với ngành không phải đã hết nhưng cũng suy giảm. Nếu tự kiểm điểm thì thấy mình cũng đang thoái hoá vì không thể tin tưởng tuyệt đối vào những chủ trương, cách làm đang diễn ra. Vẫn biết, mình chỉ là hạt cát, không đủ tư liêu, không đủ tri thức để nói về những cái hay, cái dở của ngành. Cái hay không ít nhưng còn những cái chưa hay? Chả lẽ, hơn 40 năm làm nghề, bây giờ nhắm mắt, bưng tai? Cũng biết rằng rất có thể mình hồ đồ, sai lầm. Vậy nếu có vị nào hiểu biết chỉ ra những sai lầm tôi cũng rất cám ơn vì như thế, tôi có dịp điều chỉnh những sai sót của mình thì may lắm.

Nguồn: FB Phạm Quang Long

Comments are closed.