Bài thơ để lại trên mộ

Truyện Đỗ Kh.

Người con gái đẹp, vào loại nếu cô có lướt qua góc mắt thì người ta phải quay lại nhìn.

Tôi nói thế là về khuôn mặt của cô, chứ ngay bán thân của cô tôi cũng không hề thấy.

Cô có là một khuôn mặt gợi sự chú ý, một cái đẹp xinh tươi và sức sống tràn đầy. Thì cô mười tám tuổi.

Cô mười tám tuổi và mới tốt nghiệp tú tài Pháp. Nơi cô nằm là ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi tại Sài Gòn. Cô nằm giữa các cụ già thọ tám mươi và các sĩ quan Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu. Tôi mới lướt qua bia mộ cô bằng góc mắt. Tôi dừng lại nhìn cho kỹ. Bia mộ này mới tinh, tấm ảnh cô cười nhún nhảy nổi bật giữa những hàng chân dung nghiêm nghị của các cụ già và mắt nhìn xa vắng của các quân nhân mà tổ quốc ghi ân.

Trên bia nằm, có một bài thơ tám câu mà tôi chỉ còn nhớ có câu đầu:

Nuối tiếc đau lòng mẹ khóc con…

Tôi xin người anh họ đi cùng cho tôi một tờ giấy. Tôi làm một bài ngay tại chỗ:

Nhung nhớ khôn lành anh khóc em

Trăm năm từ đó đã buông rèm

Bước chân nhún nhảy đau lòng ngực

Anh mờ đôi mắt lệ lem nhem

Đại loại là như vậy, tôi dằn tờ giấy ở dưới chậu nhang.

Ngay lúc ấy tôi đã biết là tôi ác, có lẽ vì cô đẹp, bia lại khắc tốt nghiệp toàn phần tú tài Pháp, chảnh chịu không được. Tạng này mà còn sống, mặc váy ngắn đi ngang, tôi dám bò xuống đất mà dòm. Cô nói, dòm cái gì, em có tú tài Pháp! Và tôi đáp
Rrose Sélavy*

Rose c’est la culotte aussi

Vậy là hai người yêu nhau.

Nhưng Rose chết rồi, chạy Honda bị xe nhà binh đụng hay ngủ quên đắp mùng, bị muỗi sốt rét cắn hay ăn quà sáng chưa nấu kỹ bị đau bụng. Làm sao tôi biết được, và chuyện tới đó chỉ có vậy.

***

Sau khi đào ngũ và có giấy truy nã, tôi không về ở nhà mà ở nhờ nhà một ông cậu. Đó là một biệt thự trên đường Nguyễn Huệ ở Gia Định, chẳng bao giờ lại sợ phường đến xét sổ gia đình. Từ đó đến quán Mơ có vài trăm mét và tôi mỗi ngày đi bộ đến, ngồi sáng hay chiều, đợi em tôi đến hay là hẹn bạn. Đây là một cái quán đầu hẻm, loại cao cấp mùi hương đồng nội, mái lá mát mẻ và bàn ghế bằng tre. Nó nằm ở mặt tiền của căn vườn lớn, phía sau có nhà ở và một ngôi chùa nhỏ trong sân. Coi quán là hai chị em người Đà Lạt. Cô em mười sáu xinh mượt mà ẻo lả, cô chị ngoài hai mươi đã có chồng và gợi cảm đẫy đà.

Tôi đến đây vì nó gần nhà. Trên lộ mà đi bộ thì qua được chốt xét giấy tờ dễ dàng, muốn chắc ăn thì cởi áo ra mà vắt trên vai và bước chân thủng thẳng thì chẳng ai hỏi. Độ vài bận như vậy, lính gác chốt quen mặt là hết có vấn đề, còn nếu đi xe là hay bị thổi còi dưng lại xét giấy tờ quân dịch.

Thằng em tôi hay đến đây vì cô em là Lan. Huệ, cô chị đã có chồng, là một anh lớn xác. Anh trước là quân cảnh của rừng thông rì rào gió thổi mù sương, giờ thì ra khỏi nhà hay về đến chỉ thấy kín đáo mặc đồ ci-vin và tay cầm một cái túi thể thao. Cái túi này là anh để quân phục và cây X-M16 bá xếp với lại khẩu ru-lô Smith & Wesson. Anh thuộc đại đội phòng vệ Phủ Tổng thống, tức là lực lượng cận vệ của ông Thiệu. Các bạn này có cái giấy rất oai, toàn quyền đi lại và không ai được bắt giữ, có chuyện gì thì nhà chức trách phải báo với võ phòng của dinh. Họ ăn mặc thường phục, khi lên quân phục thì áo hoa rừng mang trên ngực cái phù hiệu phủ đầu rồng to bằng nắm tay.

Thoạt tiên tôi quen là qua cô vợ mặn mà này nhưng dần dà thì ra gốc ra tích. Tôi từng đi hướng đạo với anh em bà con của anh. Mẹ của anh là em gái của một nhân sĩ nổi tiếng. Nhờ thế, hay đúng ra là nhờ thần thế, anh mới được vào phủ để đứng đằng sau lưng anh Tám Thẹo và gương mặt hầm hầm làm ra vẻ quan trọng, mắt thì liếc dọc liếc ngang, một tay thọc túi cầm bá súng. Thì anh gốc quân cảnh, ngoại hình phù hợp và đai đen nhu đạo đệ nhị đẳng, nhưng anh thuyên chuyển về đây phần lớn là nhờ con nhà gia thế được gửi gắm.

Vì quen biết gia đình anh từ thủơ bé, cho nên anh thân tôi ngay và cởi mở. Chứ bình thường ngay trong xóm cũng chẳng ai biết anh công tác ở đâu và làm gì. Có lúc anh đòi bán cho tôi một khẩu Browning Hi-Power 9 ly với giá rẻ 9.000 đồng. Mua bán súng ngắn lậu ở miền nam lúc đó là chuyện phức tạp. Tôi nói súng ngắn vì súng dài ai mua làm gì. Chuyện này tựa như buôn xì ke ma túy và cần có sự tin cậy. Nhưng tôi suy nghĩ, 9.000 đồng thì vào động bình dân, chơi đĩ cũng được cả tháng, tức là ba mươi bận, tuy là cây súng này có hiếm chứ không phải là súng ngắn phổ thông cảnh sát hay là quân đội.

Tôi với anh quan hệ tốt nên có bận tôi lên Cercle làm loạn và đánh người, anh nhận xách cái túi thể thao để đi theo bảo vệ an ninh. Tôi không nhờ anh đánh ai hết, tôi đánh mình tôi, nhưng tôi là đào binh. Cercle thì có cảnh sát canh bên trong, bên kia đường Hồng Thập Tự thì đầy công sở nhà nước và công an nổi chìm, gọi quân cảnh đến còng tôi lại thì mấy nỗi. Cho nên tôi nhờ anh trấn ở lối vào xe, công an tuần cảnh đến thì anh chặn lại giúp, chuyện bên trong tôi tự xử lấy là được rồi. Anh mang theo cái điện đàm cầm tay, bảo đảm là anh gọi một tiếng, từ cổng sau của dinh Độc Lập cách có mấy phút sẽ có xe của đại đội phòng vệ đến ngay vào việc, tôi cứ an tâm mà hành hiệp giúp đời.

Nhà anh này ở phía sau quán, nhưng trong sân có một cái chùa nhỏ như đã nói, mang cái tên chẳng có gì phật pháp là Mỹ Linh. Tôi không để ý đến chuyện này, thường nhật thấy vài ông sư vào ra tụng niệm. Huệ mới kể, Mỹ Linh quá cố này là em dâu của Huệ, mới mất hơn một năm, và được mẹ xây chùa cho ngay trong sân nhà để tưởng nhớ mỗi ngày.

Mỹ Linh có một thanh niên theo đuổi, chắc cũng có nắm tay và thì thầm Pierre de Ronsard trong góc tối của quầy bar. Nhưng phụ nữ mà, ai chẳng lúc này lúc kia và đổi ý. Mà người ta đã đổi ý rồi thì đừng có đeo đuổi, chỉ tổ làm người ta bực mình thôi. Mignonne dứt tay ra! Anh người yêu cũ vào một sáng xấu trời, đến quán không gọi hột gà ốp la chiên lạp xưởng mà rút ra một khẩu Colt 45 nhắm vào ngực Mỹ Linh bắn một phát chết tươi. Anh quay súng lại, tự chĩa vào đầu mình bóp cò. Viên đạn sau lại lép và không nổ nhưng anh vì quá xúc động, lăn ra tại chỗ bất tỉnh nhân sự.

Nhờ vậy, khi ra tòa, anh được giảm khinh, trường hợp đam mê hay mất trí, gia đình lại giúi một nắm tiền nên anh hưởng án nhẹ. Anh này đã xuất trại, nhà cũng ở gần nên thỉnh thoảng vẫn thấy đi qua. Huệ bảo, tướng anh giờ thiểu não thẫn thờ, chắc nghiện ngập gì đó nên cũng đáng tội.

Mỹ Linh rất là đẹp, Huệ bảo. Biết bao người mê mẩn. Sau khi cô chết một năm rồi, còn có người lại thăm mộ và làm thơ để lại!

Tôi giật mình bảo, sao có chuyện đó được!

Huệ vào nhà, lấy cuốn album ép giấy kính ra cho tôi xem. Tôi xem ảnh Linh lúc nhỏ, lúc lớn, lúc quần cộc, lúc áo đầm và quả là Mỹ Linh có đẹp thật, tươi mát mà quyến rũ, một nhan sắc chết người và chết mình. Nguyên một trang có ép một tờ giấy trắng, ở trên có tám câu thơ chép tay và nét chữ cẩu thả, chẳng có nắn nót gì hết nhưng khiến mẹ của Linh cảm động rớt nước mắt khi đi thăm mộ con và nhìn thấy. Chuyện này cũng dun rủi thế nào vì Sài Gòn khi mưa khi nắng, chỉ một ngày hay hai là tờ giấy rách bươm hay nét mực nhạt nhòa.

Câu chuyện này hoàn toàn có thật, tôi lấy danh dự là tác giả của bài thơ trên mà bảo đảm. Nó thuật lại trắm phần trăm chính xác, ngoài những câu thơ mà thi sĩ đã quên và các tên nhân vật đã được đổi. Chuyện thuật lại thì chính xác trắm phần trăm nhưng còn những chuyện bên ngoài râu ria và ly kỳ không kém, có khi lại ly kỳ còn hơn, thì tôi cảm thấy là chưa thuật lại được.

Còn nếu mà hư cấu và bịa đặt thì sau đây.

Một tối, không ngủ được, tôi nghe sột soạt ở trong vườn. Tôi ra xem thì thấy một cô gái rất đẹp đứng ở dưới cây chanh thơm mùi lá. Tôi giật mình nhận ra đó là Mỹ Linh. “Rose!”, tôi thảng thốt!

Vâng, Rose là em đây, Rose Sélavy và Rose quần lót, nàng vén váy lên cho tôi xem. Nhưng tôi chi thấy trên ngực nàng một đốm lớn đỏ sẫm đang lan dần.

Cô nói, em chưa đi được. Em cám ơn anh về tám câu anh làm tặng. Nhưng giờ, anh làm cho em thêm tám câu nữa đi.

(*) Rrose Sélavy, “Hồng thì là đời” là một phát minh của nhóm Dada ở Pháp, được Marcel Duchamp dùng làm tên hiệu để ký nhiều tác phẩm, sau đó là một nhân vật tưởng tượng được nhóm Siêu thực phổ biến trong nhiều tác phẩm. Năm 1965, Duchamp còn tổ chức ăn sinh nhật lần cuối của nhân vật này tại Paris.

Hồng thì đã vậy là đời
Và ngay quần lót cũng tươi màu hồng

Comments are closed.