Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 7)

Tiểu thuyết Khuất Đẩu

LÃO TIỀN BỐI

6

Nữ chủ tịch ủy ban quân quản huyện được tin cha mình về lúc đang ngồi ăn cơm bằng đũa hai đầu với hai cán bộ thông tin và giáo dục được tăng cường từ miền bắc. Câu khẩu hiệu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm vừa mới kẽ xong hãy còn ướt sơn đỏ chói như đít chim chào mào. Đưa cái đám con cái ngụy quân ngụy quyền đi chỗ khác, bà nói với chủ tịch ủy ban quân quản xã tên KhấuThẹo (được đổi thành Hùng Tiến), cho người dọn dẹp sạch sẽ, bố trí cho đồng chí ấy ở tạm rồi sẽ tính. Trên này nhiều việc cần giải quyết gấp, danh sách ngụy quân ngụy quyền đưa đi cải tạo cần rà soát lại để không bỏ sót, ít bữa tạm ổn tôi sẽ về. Cứ thế nhé, chào thắng lợi!

Chủ tịch quân quản xã đưa tay lên vành mũ tai bèo chào theo kiểu quân đội, nhưng chân thì bước chứ không chụm lại kêu cái rụp. Bà khoác tay cho thuộc hạ trong khi vẫn cầm ngang đôi đũa bằng tre, nói với hai cán bộ miền bắc, cha tôi đi tập kết từ năm lăm, tôi cũng đi nhưng đến Tam Quan thì xuống ghe lộn lại. Anh em ở đây chỉ biết có chiến đấu chứ có được học hành gì mấy đâu mà biết lo cho giáo dục và thông tin. Xin các đồng chí bước đầu giúp chúng tôi khai giảng năm học mới và tuyên truyền chính sách của Mặt Trận. Nhé, vậy nhé, cơm xong chúng ta bắt tay vào việc.

Lúc ấy hai cán bộ đã ăn xong, không biết vì không tìm thấy tăm hay vì thói quen mà họ trở đầu đũa cào cào trên răng rồi nghiêng qua mép gạt xuống một cái thay cho lau miệng. Mặc dù có ghế nhưng họ vẫn ngồi chồm hổm, là cách ngồi quen thuộc của loài khỉ tổ tiên của loài người. Đó là tư thế nhanh nhất để tranh cướp hay trốn chạy theo bầy đàn.

Cô Thảnh, người đã một thời hét ra lửa (vì căm thù) trong chín năm kháng chiến, giờ trở thành đồng chí chủ tịch một cái ủy ban to cũng phải thôi, sau bao nhiêu năm chui rúc dưới những địa đạo bí mật và chịu tù đày ở Côn đảo. Với một bộ đồ màu xanh xám, một cái xanh tuya rông thắt ngang lưng nhưng không có súng lục, đầu đội mũ tai bèo, cô có vẻ giống o du kích nhỏ được đại thi hào Tố Hữu ca ngợi trong bức ảnh nổi tiếng áp tải một thằng Mỹ giặc lái to lênh khênh mà học sinh từ mẫu giáo đến trung học đứa nào cũng thuộc. Cô chưa có vẻ gì là một quan huyện phụ mẫu chi dân lúc nào cũng xa cách, nhưng cũng không gần đến nỗi ngủ chung giường như lúc cô lén lút vận động họ đi biểu tình hay phá ấp chiến lược. Cô giữ một nét mặt lạnh như cái hơi lạnh giữ cho cá khỏi ươn, để không một ai được biết ngay cả những đồng chí thân cận nhất, những chương trình, những kế hoạch mà cô ấp ủ sẽ thực hiện, nhất là công cuộc truy tróc những kẻ phản động do Mỹ ngụy cài lại để chống phá cách mạng.

Cô được tặng rất nhiều huân chương và trong ngày lễ quốc khánh 2 tháng 9 vừa rồi, đứng trên lễ đài, ngực cô lấp lánh và rung rinh trông thật đã con mắt, tuy có kẻ xỏ xiên, cười bảo dưới đó chỉ là hai cái vú xẹp lép, teo nhách. Vẫn cái giọng the thé đến muốn thủng màng nhĩ như ngày nào, cô kể lại cuộc hành quân tốc chiến tốc thắng thần kỳ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, dù lúc đó cô đang ở trong tù. Đám dân bị Mỹ ngụy kềm kẹp trong mấy chục năm qua, thức dậy trong sợ hãi từ lúc 1 giờ sáng để đến ngồi co ro trong cái lạnh thống nhất trên sân vận động trước đây là nơi đặt hai khẩu đại bác 155 ly, bắn cầm canh vào những vùng mất an ninh để cho ngài quận trưởng ngủ.

Không đợi đến lúc bà chủ tịch quân quản huyện về làng, chủ tịch quân quản xã, chẳng những cho du kích quét dọn cái miễu thượng còn sót lại của làng sau cơn đập phá đình miễu của ông Khứ, mà còn phát quang khu vườn, dọn dẹp gạch ngói trên nền nhà cũ để có thể xây nhà mới cho xứng với vị trí của người khai sinh ra cách mạng ở làng An Định. Cụ Chánh nhạc khi đón nhận tin con gái sau hai chục năm giờ là bà chủ tịch quân quản huyện cũng cảm thấy được an ủi và tự hào. Chỉ buồn là anh con trai bị vướng phải mìn mà chết trong trận Mậu Thân, xác bị đem bày ra ở công viên mà vợ con ở tận ngoài bắc nên chẳng biết chôn lấp ở đâu. Tính ra thì gia đình cụ mất nhiều hơn được, nhưng như vậy cũng còn hơn không.

Một năm sau cô Thảnh mới về làng, cũng là lúc trước đó một tháng huyện và xã đã xây cất xong một cái nhà cho cụ cách mạng tiền bối (huyện lo vật liệu, tức là cây gỗ và tôn lấy ra từ các trại gia binh, còn xã thì lo công…). Cô về không phải để khánh thành, không phải để thăm người cha hơn hai chục năm mới gặp lại, mà là “bị” bố trí công tác khác. Cô bước vào nhà với vẻ mặt sưng sưng sỉa sỉa như bị chồng vừa tát, giả như cô đã có chồng, đến nỗi cụ chánh ngơ ngác tưởng cô là mụ Dĩa khi đấu tố tổng Bá. Cô không buồn hỏi thăm cha, gieo mình đánh sầm lên tấm ván ép của Mỹ dự tính để đóng đi văng cho cụ. Cô úp mặt lên hai cánh tay, trong khi vai cô rung lên và những sợi tóc trên đầu của cô đã chớm bạc rung theo. Với kinh nghiệm của tuổi già, cụ để cho cô khóc chán thì thôi. Cụ đi đun một ấm nước, pha chút trà Thái Nguyên, ngồi uống một mình. Hai con thằn lằn cắn nhau trên trần nhà, một con rớt xuống ngay chân cụ, hốt hoảng chạy trốn, bỏ lại cái đuôi ngo ngoe như kêu cứu.

Không hỏi cụ cũng biết vì sao cô lại nằm vật ra như thế. Khi bị quăng lên Điện Biên, cụ cũng đã từng muốn chết quách cho rồi. Đó là tâm trạng của kẻ vừa bị đá văng ra khỏi cái nơi mà mình tưởng là sẽ tận tụy suốt đời. Đó cũng là hình ảnh của miếng vỏ chanh vừa bị ném vào sọt rác sau khi đã vắt hết nước. Đang ngắm cái đuôi thằn lằn tội nghiệp, bỗng cụ nghe cô thét lên, tao mà phản đảng à? Tao mà phản đảng thì thằng chó nào trung thành? Rồi cô ngồi bật dậy, quay mặt nhìn cha, lại gào lên, tụi nó bảo con phản đảng, con bị đánh tơi tả nhưng có khai gì đâu mà nó vu oan như thế. Con mà phản thì cả tỉnh ủy, huyện ủy bị bắt và giết hết rồi, có đâu nghênh ngang lên mặt kỷ luật đảng để chụp lên đầu con cái mũ khốn nạn như thế.

Thôi im đi, im đi, cụ dỗ dành, có gào đến ra máu cũng chẳng ai thèm nghe đâu. Con không biết rằng cha cũng đã từng bị nghi ngờ là dấu vàng của cách mạng sao. Đó là những cái cớ để hất mình đi chỗ khác vậy thôi. Lúc gian khổ, lúc khó khăn hay lúc có vàng, nó ngợi ca mình lên tận mây xanh. Đến lúc này, của cải Mỹ ngụy để lại làm nó lóa mắt, nó không hất mình ra mới là chuyện lạ. Cô lại nói tuy giọng nhỏ hơn, nó bảo không khai sao bao nhiêu cơ sở sau Mậu Thân đều bị phá, bao nhiêu hầm bí mật bị khui, bao nhiêu đồng chí bị bắt. Nó quy hết tội cho con. Thực ra là tụi nó ra chiêu hồi cả đống. Chính tụi chiêu hồi khai ra để lấy công chuộc tội. Thằng chủ tịch thay con là một thằng như thế, nhưng nó bảo tổ chức cho ra chiêu hồi để nắm tình hình cho chiến dịch mùa xuân đại thắng!

Cô bị bố trí công tác sinh đẻ có kế hoạch, tức là đi phát bao cao su và chỉ cách tròng cái bao lên cái của nợ đó trong khi cô chưa biết nó nằm xuôi hay nằm ngược trong háng. Như thế có nhục không! Từ đó cô không ra khỏi nhà, đếch thèm nhận công tác, cũng không đi sinh hoạt đảng nhưng chẳng ai dám động đến cô. Vả lại động đến mà làm gì, cô câm họng lại như thế là tốt. Vẫn bố thí cho sổ lương hưu, vẫn cho hưởng tiêu chuẩn của gia đình có công cách mạng, vẫn được công nhận là chiến sĩ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chẳng ai dại gì sổ toẹt công lao của cô, không khéo cô kiện đến Trung ương thì khổ. Bọn họ nói thầm với nhau, hãy thảy cho con cọp cái đó một chút thịt để nó nằm mà liếm láp những vết thương oanh liệt của mình.

Hai cha con, sau hơn hai mươi năm không ngờ bị đẩy vào bóng tối. Họ sống chập chờn với những hình bóng cũ. Càng nhớ lại họ càng thấy thấm thía. Chẳng những chỉ đau không thôi mà còn thấy nhục. Phải chi ngày đó đem vàng nộp lại cho Tây, không chừng được thưởng cũng đủ sống một đời. Cái tinh thần cách mạng mà những ngày đầu kháng chiến mọi người phải ra sức học tập ở cụ, thực ra là cái lòng tham từ trong máu huyết của tổ tiên khi vừa đặt chân tới đất Chiêm Thành. Từ tham tiền đến tham danh chỉ có mỗi một bước rất ngắn. Ông khoái mấy tiếng địa chủ tiến bộ, bà thích làm mẹ chiến sĩ, con trai ham hai tiếng cứu nước, con gái ưa hai tiếng anh hùng. Toàn là những danh từ rổng và kêu được mạ vàng treo nhỏng nhảnh trước ngực như cái chuông đeo dưới cổ những con dê con cừu.

Cụ giờ như các vị quan cáo lão về vườn ngày xưa, mũ ni che tai, mặc cho hết vào HTX lại khoán, lại chia, rồi lại đổi mới, lại hòa nhập chứ không hòa tan. Cô, vì chưa chồng nên đành gọi như thế, như một khuê nữ già, ngồi nhìn từng chiếc lá vàng rơi mà đếm những mùa thu đi qua, trong nỗi buồn dài, chán dài, hận dài. Hai người suốt ngày không tiếng nói, yên lặng đến nỗi những hạt bụi cũng không buồn xê dịch, những hạt bụi đứng im như thể chờ được đông cứng. Trong khi đó, ngoài cái giếng Hời, đêm đêm những con ma mới của du kích và lính ngụy, những con ma mới nhiều vô số kể của làng An Định, lặng lẽ ngồi ngó nhau thỉnh thoảng lại đi dạo lòng vòng, gặp hai kẻ sống như bóng ma, cũng chào hỏi nhau trong tiếng chào vô thanh.

7

Họ sống trong sự lãng quên buồn hiu như vậy cho đến một ngày mùa thu của năm hai ngàn, bức tường Bá Linh đã sụp đổ, kéo theo khối Đông Âu, Liên Xô cũng tan ra như băng trên sông Vôn ga và nước Trung Hoa mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình vừa dạy cho nước Việt đàn em một bài học bằng những cái tát méo mặt ở sáu tỉnh biên giới phía bắc…tưởng chừng báo trước ngày tận thế như trong kinh thánh. Một ngày mà cu Thắng cháu đích tôn của cụ, lúc mẹ bồng đi tập kết chỉ mới 3 tháng tuổi, giờ đã là một ông bộ trưởng khả kính của nội các đổi mới hay là chết, về thăm cụ nội của mình. Cả một đoàn xe bóng lộn bóp còi tin tin đi trong bụi mù giữa đám trẻ con trần truồng đang nhảy tưng tưng vì được hít mùi xăng thơm phức.

Xe phải dừng lại ở cây vông bị sét đánh đến hai lần vẫn không chết ở đầu xóm, bên cạnh một cái máy gạo đang kêu phành phạch. Bà vợ liệt sĩ, con dâu của cụ đi dẫn đầu vì ông bộ trưởng đâu có biết đường vào nhà, theo sau là một đoàn dài những tỉnh ủy huyện ủy, những người trong mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, người cao tuổi… Đoàn người bước vào sân giữa tiếng chó hàng xóm sủa đủ giọng. Hai cái bóng mờ liu xiu, một quá già, một cũng sắp già được dựng dậy.

Cụ ông được đặt ngồi trên ghế để ông bộ trưởng vấn an sức khỏe và nghe ông chủ tịch mặt trận run rẩy vì quá xúc động bày tỏ ước muốn của tỉnh nhà được vinh dự tổ chức lễ mừng thọ đúng trăm tuổi cho cụ.

Con vừa xem lại đảng tịch của cha, bà con dâu nói, ngày mười tám tháng chín năm một ngàn chín trăm chẵn là ngày sinh của cha, tức là chỉ còn ba mươi mốt ngày nữa là tròn một trăm tuổi. Thế à, cụ hỏi, chứng tỏ tai cụ còn tốt chưa nghẽnh ngãng. Cô Thảnh cũng nói, vậy mà em quên mất. Một ai đó đúng nép bên vách nói nhỏ với người bên cạnh, người Việt mình chỉ nhớ ngày chết chứ không nhớ ngày sinh. Chủ tịch hội người cao tuổi nghe được mắng, nói bậy nào, sao lại nói tới ngày chết trước mặt cụ.

Ông bộ trưởng cầm tay cụ nói, cháu sắp phải đi công tác ở Nga, mọi việc có các đồng chí ở đây lo. Sẽ tổ chức lễ trăm năm mừng thọ cho nội. Cháu rất tiếc là không về kịp để uống rượu chúc mừng. Giờ cháu xin đi, nội nhớ giữ gìn sức khỏe. Quay ra sau, ông bộ trưởng nhận hai hộp sâm và yến từ tay một nữ thư ký, đặt trước mặt cụ. Cháu xin gửi nội ít quà. Quà à? Cụ nói, quý hóa quá! Một giọt nước mắt đục như nước vo gạo bất ngờ nhỏ xuống.

Lúc đó là bốn giờ chiều. Đây là cái phút giờ cảm động nhất trong suốt một trăm năm của cụ. Đoàn người đã ồn ào ra về mà cụ vẫn còn ngồi nhìn ra sân, trông thấy ánh nắng mùa thu sao mà đẹp.

A, té ra mình đã sống đến 100 tuổi, một trăm tuổi là bao nhiêu ngày quên mất, nhưng sống tròn một thế kỷ đúng là xưa nay hiếm. Trên bốn mươi năm sống trong bóng mờ của sự quên lãng, bỗng dưng cụ được lôi ra ngoài ánh sáng rực rỡ của lòng hiếu thảo, không xúc động sao được. Vậy là cái dòng máu cách mạng của nhà cụ cứ tưởng đã khô kiệt, không ngờ vẫn âm thầm luồn lách chảy để đến hôm nay sáng bừng lên như thế. Cái thằng cháu đích tôn ấy thế là đã nên người, mẹ nó cũng thật là tài giỏi, linh hồn vất vưởng của cha nó ở công viên Nguyễn Huệ chắc cũng đã mỉm cười mà về nơi chín suối. Cụ cảm thấy mình giống như những tượng Chàm cụt đầu nằm lăn lóc trong vườn bỗng dưng được đem ra kỳ cọ chùi rửa để các nhà buôn đồ cỗ ồn ào tranh nhau trả giá.

Năm hôm sau, cô con dâu cùng với các bác sĩ đông và tây y, một lần nữa đến thăm cụ. Bọn họ bắt mạch, đo huyết áp, đo điện tâm dồ, khám răng (chỉ còn có hai cái, một trên một dưới nằm chếch nhau), khám mắt (mắt bị cườm cả hai), lấy nước tiểu (nước tiểu vàng đậm như nước trà nguội) và tranh luận đến cả tiếng đồng hồ về việc làm thế nào để cụ sống ít ra là tới cái ngày 18 tháng 9. Tỉnh ủy đã ra nghị quyết là với bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được cái mạng sống của cụ cho đến cái ngày trọng đại đó. Đây không chỉ là ngày báo hiếu vẻ vang của gia đình ngài bộ trưởng mà còn là ngày làm sống lại cuộc cách mạng của cả tỉnh.

Họ thảo thực đơn, lên lịch dùng thuốc, cắt cử người chăm sóc từng lúc ăn lúc ngủ, làm vệ sinh đái ỉa, tắm rửa bơm thụt mỗi ngày. Cô Thảnh, người bị huyện ủy đá văng hơn hai mươi năm trước, giờ lại được ân cần dặn dò trông coi đội ngũ y tá bác sĩ, cứ như bộ trưởng bộ y tế. Sau một trăm năm, cụ trở lại làm đứa bé sơ sinh, nhưng không là một đứa bé quê mùa khỏe mạnh mà là một đứa bé cầu tự cọc còi của một nhà quyền quý. Bỗng dưng cụ đổi tính đổi nết. Sâm khộng uống, yến không chịu ăn, gà ác tiềm hạt sen không chịu nuốt…cụ cứ phun phèo phèo, lắc đầu nguầy nguậy, cứ như con của bà phó Đoan em chả, em chả!

Đến nước này người ta phải truyền đạm cho cụ, lại gắn bình oxy thọc ống vào mũi cho cụ thở, nhưng đường vẽ nhịp tim của cụ trên màn hình cứ muốn nằm dài ra một đường thẳng. Thế có chết người ta không chứ. Thiệp đã in rồi, ngày tổ chức lễ mừng đã định rồi, nếu cụ tịch thì biết tính sao! Bao nhiêu người từ quan nhớn đến quan bé không chừng phải chuyển đổi công tác. Thế thì chỉ có nước húp mắm.

Đang lúc bối rối như thế thì lão phù thủy phó Ba, người đã từng bị kết tội là làm tay sai ba đời cho giặc, được thằng cháu nội cõng vào thăm, để xem thử cái thằng được bạc năm xưa đã sắp …chết chưa? Người ta tuy hơi bất ngờ nhưng cũng tránh ra cho lão đến gần cụ Chánh, vì dẫu sao lão cũng đã từng là người cùng xóm, từng chơi với nhau từ lúc tắm truồng. Lão hỏi, biết tui hông, gật đầu hả, thế thì còn tỉnh táo lắm, để tui coi thử. Vừa nói lão vừa luồn tay vào quần lọ mọ một lúc rồi rút ra, nói như thánh phán: bú! Khi lão leo lên lưng cháu định ra về có người chặn lại hỏi, bú là sao? Lão gắt: là bú chớ sao, chỉ có mỗi một việc bú mà cũng không biết, vậy mà đòi làm cách mạng. Nhưng bú gì nào? Thì bú vú chứ chẳng lẽ bú c…!

Còn hơn bị một trái lựu đạn ném vào, đám người hoảng loạn nhốn nháo. Có tiếng nói lớn, du kích đâu, gông cổ cái thằng già này lại. Ăn nói phạm thượng bậy bạ như thế hả. Nhưng chẳng có ai chịu trói lão vì gần như những người có mặt trừ bà con dâu và cô Thảnh đều bụm miệng để dấu một nụ cười.

8

Một tuần sau, nghĩa là chỉ còn 19 ngày nữa là đến ngày mừng thượng thọ, cụ Chánh vẫn cứ nằm thở pheo pheo với đủ thứ dây nhợ chằng chịt. Một nữ tiến sĩ tâm lý được mời đến. Người ta nghĩ rằng cơ thể cụ tức là cái bộ máy đã chạy gần đúng một thế kỷ đó vẫn chưa đến nỗi bệ rạc, chỉ có điều là cái đầu óc cụ có vấn đề. Người ta cho rằng đây là cách hờn dỗi của một người đã rất nhiều năm bị bỏ quên. Nữ tiến sĩ khoảng 50 tuổi chưa chồng, nên có vẻ thèn thẹn của một cô gái già khi cầm tay một người khác giới, cho dù là đã sắp về với ông bà ông vải.

– Chào đồng chí, tôi là tiến sĩ y khoa tâm lý đây, xin được hỏi, đồng chí có nhớ là sắp được bao nhiêu tuổi không?

-….

– sắp được 100 tuổi rồi đấy, xin chúc mừng đồng chí.

-….

– Đồng chí thích gì, muốn gì hãy nói cho chúng tôi biết.

– Muốn gọi bằng anh!

– Liệu có nghe nhầm không?

– Không!

Lúc này thì nữ tiến sĩ choáng váng, cô hoang mang đến nỗi chính cô cũng cần có một tiến sĩ đẳng cấp cao hơn để tháo gỡ cả mớ bòng bong trong đầu.

– Không dám gọi à?

– Dám chớ, nhưng sao …anh lại thích…

– Vì ta chán hai tiếng đồng chí lắm rồi. Lúc nào cũng đồng chí, đồng chí!

– Làm cách mạng mà.

– Ta cũng chán cách mạng!

– Đồng chí…à. anh thích gì nữa?

– Thích hun!

Nữ tiến sĩ bực bội đứng dậy. Theo cô thì lão già này sắp điên, nếu không thì cũng mắc chứng cuồng dâm trong tư tưởng. Nhưng chợt nhớ ra đây là cụ nội của ngài bộ trưởng, nên cô vội vàng cúi xuống hôn phớt lên trán cụ, thỏ thẻ một cách nũng nịu: chào anh, em về! Mọi người nghe nữ tiến sĩ òn ẻn như thế đều thích thú vỗ tay. Và, dường như trong đôi mắt mờ đục của cụ và trên làn môi thâm xịt, cũng ánh lên một chút gì mơ hồ như nét cười.

Bỗng dưng người ta sực nhớ tới cái trò “bú vú” của lão phó Ba, nhất là các vị bác sĩ đông y. Trước đây người ta cho rằng lão nói nhảm, một kẻ phản động như lão, ai mà tin được. Nhưng giờ, người ta nhớ lại các món thuốc trường sinh bất tử của các hoàng đế Trung Hoa, thì cái món sữa người từ xưa đến nay vẫn là thứ thuốc hồi dương cực tốt cho các ông già gần đất xa trời. Nhưng sữa phải ngậm vào vú mà bú chứ không phải nặn ra uống như uống sữa bò. Người ta tin cái tính âm từ một đôi vú trẻ trung thấm qua cặp môi khô héo sẽ kích cái tính dương thoi thóp trong cơ thể già nua của cụ tỉnh lại. Như cái cách kích điện của bác sĩ tây y vậy. Cụ mà được cái thứ nước cam lồ nọ rót vào miệng thì thế nào cụ cũng sống được qua cái ngày đáng sống ấy. Không chừng cụ còn sống hơn thế nữa, chứ không chỉ một trăm năm thôi.

Vậy là nổ ra một cuộc tranh cãi ồn ào về việc làm thế nào kiếm cho cụ một chị vú, một chị phải thực sự khỏe mạnh, trẻ trung, mới có con so và nhất là lý lịch phải trong sạch. Bỡi vì với một vị cách mạng tiền bối, dòng máu anh hùng ấy không thể chấp nhận thứ sữa của những kẻ lý lịch không rõ ràng. Như bọn vượt biên, bọn đi kinh tế mới, bọn ngụy quân ngụy quyền dù có làm đơn xin được hiến cũng nhất quyết không chấp nhận. Đương nhiên ưu tiên cho con nhà những người có công cách mạng.

Nói là vậy, chứ trong cái làng An Định này biết tìm đâu ra một chị vú đạt được những điều kiện khắt khe như thế. Con nhà cách mạng thì được bố trí công tác chỗ nọ chỗ kia, toàn những chỗ ngon lành có thiếu thốn chi đâu. Với lại, có thằng chồng nào dù ngu đến mấy cũng không dại gì chịu để cho người đàn ông khác ngậm vào cái vú của vợ mình. Mặc dù quyền lợi đưa ra khá là lý tưởng. Ngày ba bữa cơm canh thịt cá đầy đủ, muốn gạo có gạo, muốn tiền có tiền, muốn vải vóc đường sữa tiêu chuẩn gì cũng có, còn cao hơn cả chủ tịch tỉnh. Nhưng tin bắn ra mấy ngày rồi mà chẳng thấy có ma nào vác vú tới để đăng ký. Ngày trọng đại sắp đến gần mà cụ chẳng chịu ăn uống gì, cứ truyền dịch khơi khơi như thế thì “đi” sớm là cái chắc.

Đến ngày thứ 10, nếu đếm thụt lùi như Mỹ bắn hỏa tiễn lên cung trăng, đứa cháu ngoại của Khấu Thẹo mới đầy tháng bỗng lăn ra chết. Người ta cho rằng tại bầy vịt đẻ của gã đã lây bệnh cho cháu. Đứa con gái quá uất, xách sào đập lung tung khiến bầy vịt suốt mấy đêm liền không chịu đẻ. Gã đang buồn chảy ra thì cô Thảnh tới. Dù hai người không còn là chủ tịch huyện và xã nữa, nhưng vẫn là những người kề vai sát cánh trong cuộc chiến đấu, nên thông cảm và hiểu nhau. Thấy cấp trên cũ của mình bước vào nhà, gã vội vàng đứng dậy kiếm ghế mời ngồi. Cô Thảnh bảo thôi, tôi đi ngay bây giờ, có chút việc muốn trao đổi với chú. Rồi cô kéo gã lại gần, nói nhỏ vào tai. Gã khịt khịt mũi nhăn nhó, khó quá, nhưng để tôi nói thử xem nó có chịu không. Gì mà không chịu, cô Thảnh vỗ vào vai gã, bảo chiều nó tới gặp tôi.

Con nhỏ ấy là đứa con gái út của gã. Từ khi bỏ chức vì đánh giặc Mỹ thì được chứ sao học bổ túc khó quá, gã tậu một bầy vịt theo nghề cũ của cha, sống cũng tạm được. Bao nhiêu ruộng HTX gặt xong đều ưu tiên cho gã đưa vịt tới ăn mà không phải đóng tiền lạc túc. Nghề chăn vịt được bao nhiêu năm thì con gái gã được bấy nhiêu tuổi. Mười chín, hai mươi gì đó, trong những lần theo cha đi bán trứng, trong một đêm tối trời nào đó, trên một bờ ruộng cũng nào đó, một thằng phải gió đã đè con nhỏ ra và để lại một cái bụng mỗi ngày một lớn. Gã căm lắm, định xách cái súng lục cũ không thèm nộp đi tìm mà phầm một phát. Nhưng không biết bỏ bầy vịt lại cho ai, nên gã đành an ủi, cháu ngoại mới thực là cháu của mình.

Giờ nó ngủm không chừng lại hay. Có như thế mới lại có chồng được chứ. Gã rù rì rủ rỉ nói mãi, nhưng con nhỏ cứ ngồi im lúc lắc đầu. Nước mắt khóc con đã khô nhưng sữa vẫn âm thầm trào ra ướt cả áo. Nó ngúng nguẩy bỏ đi, bảo mắc cỡ chết đi được, ai mà làm vậy. Gã chạy theo bảo, bà ấy hứa sẽ cho một chiếc xe Honda nếu mày chịu. Con nhỏ tránh qua một bên như tránh một chiếc xe đang chạy tới, hỏi thiệt hôn? Thiệt mà, gã nói, có mất mát gì đâu con. Nó không lắc cũng không cãi, thế là gã đưa nó tới, như cái cách mà bọn bần cố nông ngày xưa đưa con đi ở đợ cho các nhà địa chủ.

K.Đ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.