Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 20)

Thụy Khuê

Chương 11

Phê bình ý thức

(Bài 2)

Georges Poulet (1902-1991)

Georges Poulet sinh tại Chênée (Liège), Bỉ, ngày 29/11/1902, và mất tại Bruxelles ngày 31/12/1991. Sau khi tốt nghiệp Đại học Liège, ông giảng dạy tại nhiều đại học trên thế giới: Edinbourg, Baltimore (1952), Zurich (1956), Nice (1968). Georges Poulet coi Marcel Raymond như một người bạn, một người cha của trường phái ý thức. Khi được nhận chức giáo sư danh dự tại Đại học Genève, trong thư gửi Marcel Raymond, Poulet viết:

Đúng là tôi thấy mình có liên hệ chặt chẽ với Đại học Genève, vì đó là trường của anh, nhờ anh […] mà một trường phái phê bình đã phát sinh tại đây, và có thể nói, mỗi ngày tôi đều cảm thấy mình hân hạnh và sung sướng đã có phần đóng góp.[1]

Từ bộ Nghiên cứu thời gian của con người (Études sur le temps humain) (1949-1968) 4 tập, đến bộ Tư tưởng trung gian (La pensée intermédiaire) (1985-1989) 3 tập, Poulet đã viết trên 20 tác phẩm, bao quát các lãnh vực rộng lớn của văn chương, ông viết về nhiều tác giả không kém gì Sainte-Beuve trong thế kỷ XIX, và đã có ảnh hưởng lớn đến phê bình mới của Pháp.

Tác phẩm tổng quát và đúc kết tư tưởng và phương pháp phê bình ý thức là cuốn Ý thức phê bình (La conscience critique), in năm 1971.

Bài này giới thiệu hai khía cạnh: lý thuyết về phê bình ý thức của Poulet và cách phê bình của ông.

Lý thuyết phê bình ý thức của Georges Poulet

Georges Poulet kết luận cuốn Ý thức phê bình bằng một xác định: “Phê bình nào cũng khởi thuỷ và cốt yếu dựng trên phê bình của ý thức (Toute critique est initialement et fondamentalement une critique de la conscience)[2]. Xác định rất chủ quan, bởi theo Sartre, ta không thể “xuyên vào” ý thức của người khác, vì ý thức không phải một thể chất (substance) để có thể xâm nhập vào.

Vậy phê bình ý thức mà Poulet nói đến ở đây là gì?

Trong cuốn Ý thức phê bình (La conscience critique), Georges Poulet làm hai việc: trình bày danh sách những nhà phê bình được ông xếp vào “khuynh hướng ý thức” đồng thời định nghĩa phương pháp ý thức bằng cách xây dựng chân dung của họ. Tác phẩm chia làm hai phần:

Phần thứ nhất, viết về những nhà phê bình: Madame de Staël, Baudelaire, Proust, nhóm N.R.F[3], Charles du Bos, Marcel Raymond, Albert Béguin, Jean Rousset và Gaëtan Picon, Georges Blin, Gaston Bachelard, Jean-Pierre Richard, Maurice Blanchot, Jean Starobinski, Jean-Paul Sartre và Roland Barthes.

Phần thứ nhì, Poulet đúc kết phương pháp luận của ông.

Dòng đầu tiên trong bài tựa cuốn Ý thức phê bình Georges Poulet xác định ý nghĩa việc đọc: Hành động đọc (mà mọi tư tưởng phê bình đích thực quy tụ vào) tiềm ẩn sự trùng hợp giữa hai ý thức: ý thức của người viết và ý thức của người đọc[4].

Tiếp đó, Poulet nhắc đến mối tương quan giữa phê bình mới và tiểu thuyết mới:

Người ta nói đến phê bình mới cũng như người nói đến tiểu thuyết mới. Có tiểu thuyết mới của Michel Butor, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon thì cũng có phê bình mới của Gaston Bachelard, Marcel Raymond, Maurice Blanchot, Jean Rousset, Jean-Pierre Richard và Jean Starobinski. Hai phong trào này quy tụ những cá tính khác nhau nhưng cùng quan tâm đến một số vấn đề tương đồng. Riêng về phía những nhà phê bình mới, họ gặp nhau vì cùng khai thác những hiện tượng của ý thức: Mỗi người (phê bình) cố gắng sống lại và nghĩ lại những kinh nghiệm và những tư tưởng mà người khác (nhà văn) đã sống và đã nghĩ.”[5]

Như vậy, ngoài những tên tuổi “chính thức” trong nhóm, Poulet còn xếp vào “loại” phê bình ý thức hay phê bình mới cả những triết gia như Bachelard, Blanchot, bởi vì ở họ, theo ông, ý thức phê bình được xây dựng trên ý thức hiện hữu. Nói khác đi, khởi điểm phê bình của họ là sự nhận thức chính mình, trước khi nhận thức người khác. Và một định nghĩa rộng như vậy, dẫn đến rất nhiều ngòi bút phê bình khác nhau. Nhưng điểm đáng chú ý đầu tiên của nhóm phê bình ý thức, dưới ngòi bút của Poulet, là triệt để bác bỏ các quan điểm phê bình cũ, xuất hiện trong thế kỷ XIX, đặc biệt của Sainte-Beuve.

Sự chống đối này, chúng tôi đã trình bày trong chương 4, chống Saint-Beuve, chủ yếu là quan điểm của Marcel Proust. Ở đây chỉ xin tóm tắt lại như sau:

Marcel Proust phản bác Sainte-Beuve ở điểm đã đồng hoá tác phẩm với tác giả. Proust cho rằng chẳng có mối liên hệ nào giữa cái tôi bên trong (le moi intérieur) của kẻ ngồi viết tác phẩm với cái tôi bề ngoài (le moi extérieur) của nhà văn, mà xã hội trông thấy. Theo Proust, cái tôi bên trong của nhà văn, “cái tôi đó, nếu muốn hiểu nó, ta phải thử tái tạo lại nó trong sâu thẳm của tâm hồn ta. Proust phê bình Baudelaire, de Nerval, Balzac,… bằng cách nhập vào tác phẩm của họ và ông tìm thấy ở Baudelaire sự pha trộn hai yếu tố nhạy cảmbạo tàn, rất gần gụi với ông. Marcel Proust là nhà văn Pháp đầu tiên nói đến cách phê bình sống với tác phẩm từ bên trong. Marcel Raymond, Georges Poulet và nhóm phê bình ý thức đã lấy lại tư tưởng này, và trình bày dưới dạng hơi khác. Vì vậy, Proust đã được coi là một trong những ngòi bút “phê bình mới” tiên phong của Pháp trong thế kỷ XX.

Để phê bình Sainte-Beuve, Georges Poulet chọn ra một câu của Sainte-Beuve “Tôi cố gắng nhập vào những nhân vật mà tôi phản ảnh”, (Proust cũng nói tương tự) nhưng Sainte-Beuve còn nói thêm: “Tôi cố gắng đưa tâm hồn mình vào tâm hồn người khác; tôi lìa mình; tôi kề má họ, tôi trang phục cho họ, tôi cố gắng ngang hàng với họ”, v.v. Những lời (quá lố) này, theo Poulet, chứng tỏ lối “hoà đồng” của Sainte-Beuve là “trơ trẽn quá, lộ liễu quá, không thật. Nếu có một mối giao cảm thật sự bên trong giữa người phê bình và tác phẩm thì hay biết mấy, nhưng Sainte-Beuve chỉ nói miệng mà không làm, không có gì cho ta thấy đã có một mối giao cảm thực thụ ở bên trong (tâm hồn) giữa Sainte-Beuve và người viết[6].

Để phê pháp lối phê bình ấn tượng của Jules Lemaitre khi đọc Pierre Lotti, Poulet trích câu Lemaitre: “Khi lật xong trang chót, tôi cảm thấy lòng mình ngây ngất, tràn đầy hồi tưởng dịu dàng buồn bã về muôn vàn tình cảm sâu xa, lòng nặng một mối xúc động mơ hồ, toàn diện. Và ông chỉ trích: “Cái say sưa mà ông [Lamaitre] nói đến ở đây, không phải là cái say sưa từ tác giả (qua tác phẩm) truyền sang ông mà là cái say sưa tự ông cảm thấy. Một thứ tình cảm chủ quan, nửa thật, nửa giả, không phải là sự giao cảm đích thực giữa tác phẩm và người đọc[7].

Những yếu tố chính trong phê bình ý thức

1- Cogito

Sau đã khi “bài trừ” cái cũ, Georges Poulet mới nói đến cái mới trong phê bình ý thức, và điểm đầu tiên được ông đề cập đến cũng là điểm cơ bản của phương pháp này, là sự đồng quy của hai ý thức: ý thức người viết ý thức người đọc. Sau đó, ông khoanh tròn địa hạt phê bình ý thức: Phê bình ý thức, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả những hướng phê bình tìm cách khảo sát thực thể viết và thực thể đọc như hai hiện tượng, hoặc dính chùm, hoặc tách rời. Tất cả những cách tìm tòi đi sâu vào khía cạnh viết và đọc, trở thành đối tượng của phê bình ý thức. Như vậy, theo Poulet, phê bình ý thức, hiểu theo nghĩa rộng, là phê bình hiện tượng luận, tức là nhà phê bình khảo sát hiện tượng viết và hiện tượng đọc bằng phương pháp của triết học hiện tượng. Ở đây, đã thấy xuất hiện mầm mống triết học Husserl (1859-1938).

Phê bình ý thức, vẫn theo Poulet, không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ thời lãng mạn: ở Đức trong phê bình lãng mạn và tiền lãng mạn của Bodmer và anh em Schelgel. Ở Anh với Coleridge, Hazlitt. Tại Pháp với Mme de Staël (1766-1817). Theo ông, ý thức phê bình của bà de Staël, bắt nguồn từ ý thức thán phục (admiration), tức là một tình cảm rất riêng tư kết nối người viết với người đọc: đặc biệt là sự thán phục J.J. Rousseau. Những thán phục, ca ngợi của bà về tác giả này hay tác giả kia, đối với chúng ta ngày nay, có thể là ngây thơ, lỗi thời, nhưng điểm cốt yếu là sự thán phục ấy đã dẫn bà đắm mình trong tác phẩm. Bà thán phục và ca tụng cái mà bà đã khám phá ra ở người khác, cái ấy đã thấm sâu vào tâm hồn bà và nó trở thành một nhận thức, một hiện hữu.

Đến đây, Georges Poulet đưa ra khái niệm Cogito, khái niệm đầu tiên và cũng là nòng cốt của ông về phê bình, ông viết:

Như thế, điểm đầu tiên hiện ra, ngay trang nhất, trong tác phẩm của de Staël, có thể gọi là cái Cogito phê bình. Không phải: Tôi phán đoán, vậy tôi hiện hữu [non pas je juge, donc je suis], bởi đây không phải là sự phán đoán thuần lý, mà là tôi thán phục, vậy tôi hiện hữu [j’admire, donc je suis] nghĩa là tôi tự khám phá ra tôi trong tình cảm thán phục (người khác) mà tôi cảm nhận được[8]

Từ nay Cogito trở thành yếu tố chính trong phê bình của Georges Poulet.

Xin nhắc lại: chữ Cogito lấy từ công thức nổi tiếng của Descartes: cogito, ergo sum (je pense, donc je suis – tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu), ngụ ý: tôi không chắc điều gì hết, nhưng tôi biết chắc là có tôi bởi vì tôi đang suy nghĩ. Hành động suy nghĩ xác định sự có mặt của tôi.

Poulet thay mệnh đề “je pense, donc je suis” của Descartes bằng mệnh đề: “j’admire, donc je suis (tôi thán phục, vậy tôi hiện hữu) để áp dụng cho bà de Staël: Tôi thán phục tác phẩm mà tôi đang đọc, điều đó chứng tỏ tôi đang sống, tôi đang có mặt ở đây, vậy tôi hiện hữu. Hành động đọc, hành động phê bình của bà de Staël, theo Poulet, là hành động tiên khởi, là kinh nghiệm đầu tiên về ý thức phê bình như một ý thức về sự hiện hữu.

Ông viết tiếp: “Đó là phê bình của de Staël, một lối phê bình ích kỷ nhất và vô vụ lợi nhất, đưa đến sự tìm biết sâu xa chính mình, trong say đắm, đem cái tôi của mình hoà nhập với cái tôi của người khác. Phê bình của bà de Staël chính là sự tác hợp giữa thiên tài phê bình và thiên tài nhà văn. Nó đặt nền móng cho một tư thế tương đồng giữa bản thể của mình và bản thể của kẻ mà mình thán phục[9].

2- Sự thấu minh

Khái niệm thứ nhì trong phê bình của Poulet là sự thấu minh (transparence), tức là sự thông suốt, giữa người viết và người đọc.

Ông viết: “Theo đuổi huyền thoại Rousseau (và Julie), Mme de Staël mơ đến một tình trạng thấu minh lẫn nhau [transparence réciproque] giữa những thực thể: chồng vợ, bạn bè, người yêu, tác giả, độc giả, cùng có với nhau sự giao hưởng tâm hồn trong động tác yêu thương. Và đó là hạnh phúc […] Sự hoà hợp giữa những tâm hồn qua văn chương cũng giống như một cuộc hôn nhân hạnh phúc[10].

Ông cho rằng bà de Staël là một trong những tâm hồn đầu tiên ở Âu Châu đã cảm thấu và làm cho người khác thấu cảm nỗi buồn trong thơ; và nếu bà là người đã thấu cảm được nỗi buồn trong thơ người khác thì bà cũng sẽ là người đầu tiên thấu cảm được nỗi đau của chính mình. Poulet viết tiếp: “Thực thể nào ý thức được nỗi đau của mình – những nỗi đau – thì cũng ý thức được chiều sâu của mỗi hạn kỳ đau đớn, ý thức được chúng nối tiếp nhau, hết khúc đoạn này đến khúc đoạn khác, tạo thành dây xích dài nối hiện hữu với định mệnh[11].

Và ông nhấn mạnh thêm một lần nữa về sự thấu minh tương cảm: “Hiểu một tư tưởng mà mình yêu thích, một tác phẩm mà mình đã tha thiết khâm phục, không chỉ là gắn bó vào những nổi trôi biến động mà tác phẩm mang lại, mà còn phải làm hiện ra trong tư tưởng của mình, sự bội phân những nổi trôi biến động đó như một toàn bộ nhất quán. Một cái nhất quán có hai nghĩa, bởi vì nó vừa là cái nhất quán trong ý thức của người viết mở ra cho mình khi mình cầm cuốn sách lên đọc, vừa là cái nhất quán trong ý thức của mình với những cảm thức khác nhau, khi mình lặn vào tác phẩm của người khác[12].

3- Trí nhớ, quá khứ và kỷ niệm

Vấn đề thứ ba trong phê bình ý thức, theo Poulet là vai trò của trí nhớ, quá khứ kỷ niệm: “Hiểu một tiểu thuyết gia, một nhà thơ, một nghệ sĩ, một triết gia, có nghĩa là nối vào cái tôi hôm nay của mình, để nó ghi lại trong trí nhớ, trước tiên những kinh nghiệm sống của một người khác được chuyển tải đến mình, và thứ đến là những kinh nghiệm mà sự chuyển tải này sinh ra hoặc gợi lại trong ta[13].

Như vậy, trí nhớ là một trong những yếu tố chủ chốt: Trí nhớ khắc ghi những gì xảy ra khi ta đang đọc và trí nhớ còn tồn ghi những gì ta đã đọc trong quá khứ, và quá khứ đi đôi với kỷ niệm. Ông viết:

Tóm lại, để thấu triệt một tác giả, chỉ biết tác giả thôi thì chưa đủ, mà còn phải tự biết mình, biết soi mình trong tác giả đó, phải lần đi lần lại, từng giai đoạn, tìm thấy toàn bộ những cảm thức mà tác giả đem lại cho ta. Việc biết một tác giả không chỉ ngừng lại ở sự thán phục riêng tư tác giả đó, mà còn phải nhờ kỷ niệm, dẫn ta tìm lại những chuỗi cảm thức khác nhau đã đến với mình suốt hành trình đọc trong quá khứ[14].

Theo Poulet, bà de Staël đã nhìn thấy mối tương quan này khi bà viết: “Người Hy Lạp sống với tương lai, người La Mã, giống chúng ta, có cái nhìn về quá khứ. Bà còn viết: “Tuy người Hy Lạp vinh danh người chết… nhưng sự u uẩn, những nuối tiếc mẫn cảm lâu dài không có trong bản chất của họ, mà những chuỗi dài kỷ niệm lại được tàng trữ trong trong tim người phụ nữ[15].

Poulet nhận định tiếp: “Một cách đọc mới vừa xuất hiện. Người phê bình không còn đứng ngoài để phê phán một tác phẩm, như một đối tượng khách quan nữa, mà nhà phê bình sẽ phải hoà mình vào tác phẩm, góp phần vào chuyển động chủ quan mà tác phẩm biểu lộ và chuyển tải. Rồi trở lại vai trò tiên phong của bà de Staël, Poulet viết tiếp: “Bà de Staël có thể là nhà phê bình đầu tiên đã có cái ý tưởng lớn và mới này trong văn học, là phát lộ con người bên trong, làm nó hiện lại trong ý thức phê bình với những nét đặc trưng của nó trong chiều dầy quá khứ. Một nền văn chương không có quá khứ, không có kỷ niệm, theo bà de Staël, không phải là văn chương đích thực[16].

4- Thời gian và khoảnh khắc

Vấn đề thứ tư trong phê bình Poulet là vai trò quan trọng của thời gian và khoảnh khắc. Ông viết: “Nhờ ký ức qua những khoảnh khắc khác nhau của một đoạn đời, mà tôi phân biệt được tình cảm khâm phục của tôi đối với một tác giả. Tôi ý thức được tôi, trong dòng lịch sử, trên cái nền kính bái những điều đáng khâm phục. […] Tôi không chỉ là một kẻ, qua dòng thời gian, thấy mình đã ý thức được tác phẩm này hay tác phẩm khác. Mà tôi còn là kẻ, đã nắm bắt được tác phẩm như sự biểu hiện ý thức của một kẻ khác, cũng đang đi như tôi trong dòng thời gian[17].

Tóm lại: cogito, thấu minh, ký ức, khoảnh khắc là những yếu tố chính trong phê bình Georges Poulet.

Trong bài viết về Baudelaire (1821-1867) mà ông coi là người kế nghiệp de Staël trong dòng phê bình ý thức, Poulet nhận định:

Baudelaire là một người bị ý thức bản thân ám ảnh. Đối với Baudelaire, trò chiếu gương, tức là đem hình ảnh chính bản thân mình ra trình bày với mình, được nhân lên đến độ chóng mặt, như một thể nghiệm chết chóc ma quái. Cái ý thức về mình ở Baudelaire là ý thức tội lỗi. Vì vậy sự hoà mình trong tư tưởng người khác đối với ông, phải được hiểu như một sự cắt đứt cái vòng địa ngục ấy, như một hành động giải thoát. Cho nên, nếu nhà thơ dạo trong công chúng, tiếp xúc với ý thức phát tán của công chúng cũng chỉ là để gỡ bỏ cái ý thức bản thân, luôn luôn ám ảnh mình. Sự quên mình đối với Baudelaire có một giá trị vừa đạo đức vừa trị liệu[18].

Với Marcel Proust, người thứ ba mà Poulet xếp vào hàng tiên phong trong phê bình ý thức, Poulet viết:

Qua cuốn Chống Sainte-Beuve (Contre Sainte-Beuve) chúng ta được biết tiểu thuyết của Proust bắt nguồn từ một dự trình nghiên cứu văn học. Sự tìm kiếm không ngừng khoảng thời gian đã mất, với những nhân vật, những luận đề, những cảnh sắc, với vô vàn biến thiên tâm lý, tất cả những thứ đó, bây giờ chúng ta mới biết là chúng khởi đi – như Combray trong chén trà – từ một suy nghĩ về phê bình. Cũng như câu chuyện của nhân vật chính, một người trẻ tuổi cảm thấy mình có thiên bẩm nhà văn, tự hỏi phải làm sao để hoàn thành tác phẩm mà anh mơ ước, như thế cuốn Chống Sainte-Beuve là ý thức của một nhà phê bình tương lai, về những gì mà anh ta cho là phương pháp phê bình hay nhất. […] Nói cách khác, Proust, trước khi có hành động sáng tạo, đã có một suy nghĩ về sáng tạo, về cái gì hình thành nên sáng tạo, về nguồn gốc, về bản chất, và cứu cánh của sáng tạo[19].

Câu chót trong đoạn Poulet nhận xét trên đây về Proust, rất đáng cho những người sáng tác lưu ý. Bởi nó đưa người viết trở về khởi điểm của sáng tạo: phải khám phá ra hành động viết, trước khi bắt tay vào việc viết. Nói gọn, phải hiểu viết là gì trước khi viết văn. Chưa hết, Poulet viết tiếp: “Hành động viết đòi hỏi một sự khám phá văn chương trước và sự khám phá này dựa trên một hành động khác, đó là hành động đọc […] Marcel Proust là một người đọc, một người phê bình, trước khi sáng tác […] Hành động phê bình, ở Proust, không phải là thứ nhì mà là thứ nhất, nó là bước đầu tiên của tư tưởng, trước khi phiêu lưu trong một lãnh vực lớn, phải vượt qua bước đầu quyết định […] Cùng thời điểm với Mallarmé, và trước du Bos, trước Sartre, Marcel Proust là một trong những người đã đặt câu hỏi chủ yếu: Văn chương là gì?[20]

Nhưng theo Poulet: “Người thầy đích thực của phê bình hiện đại là Montaigne […] Montaigne là người đầu tiên có ý tìm trong tư tưởng người khác một vật thể mà ông có thể nhắm tới và đạt được. Có thể nói phê bình ngày nay bắt chước đường lối ấy. Nó tìm cách soi gương đời mình trong đời người khác, nó lẻn vào những cuộc đời xa lạ bằng trí tưởng tượng[21].

Phải đến những dòng gần cuối sách, mới thấy được cái Cogito của Georges Poulet:

Tôi đã đọc các triết gia, nhất là những tác giả suy nghĩ đến ý nghĩa của chữ Cogito. Hầu hết các triết gia hiện đại, từ Montaigne đến Husserl đều xây dựng một nền suy tưởng dựa trên ý thức […] Họ luôn luôn mô tả điểm khởi đầu của lý luận, bằng một động tác bất di bất dịch: tâm trí nổi lên từ khoảng trống để có ngay trực giác tức khắc về mình. Như vậy, mỗi suy nghĩ triết học đối với tôi hình như đều xuất phát từ giây phút ấy, giây phút đầu tiên của ý thức, tức là lúc mà cái tôi – và qua cái tôi, thế giới – hiện ra.

Sự vận hành, mà tư tưởng mô tả như thế, dường như mỗi lần, đều có một điểm đi và một điểm đến, và tư tưởng – trong khi di chuyển giữa hai điểm đó – được thành hình. Nhưng điều đáng chú ý là sự vận hành tinh thần này, không chỉ dành riêng cho triết học. Mà tất cả mọi loại văn bản: tiểu luận, tiểu thuyết, thơ, đều có điểm khởi hành như thế; tất cả mọi phát ngôn có tổ chức đều nẩy sinh từ cái ý thức ban đầu để tiến đến những điểm tới. Như vậy, không có sự khác biệt sâu xa giữa một văn bản văn chương và văn bản triết học. Văn chương có thể là triết học và triết học có thể là văn chương; và bất cứ ở trang nào tôi đang đọc, tôi cũng thấy ở mỗi dòng cái hành trình tư tưởng ấy, ngay từ đầu.

Làm sao mà tôi đã bỏ qua điểm tối quan trọng này? Tác phẩm luôn luôn bắt đầu bằng một sự Cogito hoá [cogitation], và phê bình lấy tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu, cũng phải có một khởi điểm như thế. Trước đây, tôi cứ tưởng nhà văn thả mình trong dòng hỗn loạn của đời sống tâm linh. Bây giờ tôi mới hiểu rằng, phẩm chất cơ bản của nhà văn là trong mỗi khoảnh khắc phải đi đến tận cùng nhiệm vụ của mình, tức là đi lại từ đầu, từ con số không, và phía nhà phê bình cũng vậy, cũng phải đi từ con số không, tức là phải biết xoá mình đi, ngay từ đầu.

Vậy có thể nói mà không sợ sai rằng: nhà văn bắt đầu bằng sự xây dựng cái Cogito của mình và nhà phê bình tìm thấy điểm khởi hành trên cái Cogito của người khác […] Tất cả bắt đầu từ: Tôi suy tư, tôi hiện hữu [Je pense, je suis].

Với tôi, sự khám phá này quan trọng vô cùng: Phê bình là sự nhái lại hai lần một hành động tư tưởng. Nó không tùy thuộc vào cái cao hứng thất thường. Việc bắt đầu lại từ trong sâu thẳm của mình, cái Cogito của một nhà văn hay một triết gia, tức là phải tìm lại cách cảm giác và cách suy nghĩ của họ, tìm hiểu cách ấy đã phát sinh và hình thành như thế nào, đã gặp những trở ngại gì, việc ấy cũng là khám phá lại ý nghĩa một cuộc đời đã được xây dựng nên từ ý thức rút ra ở chính cuộc đời đó[22].

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng, trong cuốn La conscience critique, Georges Poulet đã lấy ý thức phê bình của mình chiếu vào ý thức phê bình của người khác để tạo ra tác phẩm, một tác phẩm có chủ đích phê bình các nhà phê bình. Văn bản phê bình, dưới ngòi bút của Poulet, trở thành tấm gương hội tụ và phản ảnh văn chương, và nó có thể bội phân nhiều lần, mỗi lần nẩy sinh một tác phẩm mới. Ông trình bày gần 20 quan điểm phê bình khác nhau, từ bà de Staël, Baudelaire, Marcel Proust, Marcel Raymond, Gaston Bachelard… đến Jean-Paul Sartre, Roland Barthes, mỗi người có một ý thức phê bình khác nhau, đôi khi hoàn toàn đối lập nhau: Phê bình Bachelard dựa trên tưởng tượng, không màng đến ý thức. Sartre chối bỏ hoàn toàn lập luận: phê bình là nhập vào bên trong ý thức của người khác, bởi theo ông ý thức chẳng có bên trong bên ngoài, và có muốn nhập vào cũng bị đẩy ra. Với tác giả nào, Poulet cũng gắng tìm cho được cái Cogito của họ. Poulet tìm ra cái Cogito của người khác đồng thời xác định cái Cogito của chính mình. Như thế phê bình ý thức là sự hoà tan giữa triết học và văn chương, trên con đường truy tìm Cogito, hay tư tưởng chủ yếu dựa trên ý thức của người viết. Một định nghĩa như thế có thể bao trùm lên hầu hết các nhà phê bình đi theo hướng mới trong nửa sau thế kỷ XX.

Ý thức phê bình là một thành công của Poulet, bởi vì không những lột được hết những tư tưởng chủ yếu của ông về phê bình mà ông còn tìm ra được cái sườn chính trong tư tưởng phê bình của mỗi tác giả, mà ông gọi là cái Cogito của họ. Bây giờ chúng ta thử xem Cogito phê bình của Goerges Poulet là gì, khi ông phê bình một nhà văn, trong bộ sách đồ sộ Nghiên cứu thời gian của con người (Etudes sur le temps humain) của ông.

Nghiên cứu thời gian của con người

Cuốn Nghiên cứu thời gian của con người tập 1, in năm 1949, khởi hành sự nghiệp của Poulet, được giới phê bình nồng nhiệt đón nhận như một biến cố mới lạ. Người ta để ý đến khía cạnh thời gian trong văn chương, được đưa ra lần đầu tiên. Thời gian ở đây được hiểu theo nghĩa hiện sinh, tức là hoàn toàn mới lạ đối với thời đó. Thời gian của Poulet chính là thời gian tính (temporalité) theo nghĩa Heidegger, tức là cơ cấu của Dasein, khác với thời gian của sự vật trong triết học cổ điển hay thời gian theo nghĩa thông thường. Nói vắn tắt: Dahiện diện, seinhiện hữu, theo Heidegger: bản chất của con người là tự “ném mình” về phía trước: nó đang ở hiện tại mà đã ném mình về tương lai, và cả về phía sau lưng nó nữa. Khả năng này được Heidegger gọi là thời gian tính (temporalité). Vậy chính con người tạo nên thời gian.

Poulet dùng chữ thời gian, khi thì theo nghĩa hiện sinh của Heidegger, khi thì theo nghĩa cổ điển, để đo lường sự dồn dập (hay mật độ) các biến cố xảy ra trong một khoảnh khắc, và coi đó như nguồn ánh sáng mới, dùng để chiếu vào Racine, Diderot, Rousseau, Flaubert, … Ở đây, cá thể (phê bình) đã lần từng khoảnh khắc để khám phá một cá thể khác (nhà văn), cha đẻ của tác phẩm.

Curtius, một trong những nhà phê bình chủ chốt của nhóm Bác ngữ học Đức, đã từng xác định: trong văn chương quá khứ luôn luôn hiện diện, mặc thời gian chia cắt, quá khứ vẫn giao thoa với hiện tại: L’Odyssée sống lại trong các tác phẩm của Eschyle, Dante, Joyce… Sự huyền bí Tây Ban Nha nhập vào T.S. Eliot. Ngay cả những cách diễn đạt, như thể loại, vần, đoạn, hình thức, chủ đề, phương pháp, nhân vật cũng “sống lại trong nhau” như vậy. Thế giới xưa không ngừng xâm nhập vào thế giới nay, vậy cần gì phải chia cắt hai thế giới này. Dưới bề mặt chia cách sâu xa giữa hai thế giới, là sự tiếp nối liên tục.

Từ ảnh hưởng Curtius, Poulet chứng minh rằng quá khứ không hề cắt đứt với hiện tại mà nằm trong hiện tại: qua André Gide, người đọc thấy lại Montaigne, Diderot báo trước Bergson[23]… Poulet khám phá ra đằng sau cái khách quan của tác phẩm, tác giả luôn luôn tìm đến cái bên trong của con người và thấy nó trong hành động sáng tạo.

Trong cuốn Nghiên cứu thời gian của con người, tập 2, hay Khoảng cách nội tại (La distance intérieure) in năm 1952, Poulet tiếp tục khảo sát các nhà văn từ một chiều kích khác mà ông gọi là khoảng cách nội tại. Đây là một thứ không gian vừa là trung tâm vừa là rìa ngoài của tư tưởng. Một loại khoảng cách từ ta tới ta. Poulet giải thích: tư tưởng của tôi là một không gian có những ý tưởng của tôi; những ý tưởng này đến rồi đi, có cái biến mất. Vậy tư tưởng của tôi không chỉ là tổng cộng những ý tưởng mà còn bao gồm toàn thể các khoảng cách nội tại chia rẽ các ý tưởng ấy hoặc nối liền chúng lại với nhau. Áp dụng vào nhà văn, cái mà Poulet gọi là “khoảng cách nội tại” chính là khoảng cách giữa tư duy sáng tạo với cuộc đời thoát thai từ sáng tạo.

Trong cuốn Nghiên cứu thời gian của con người, tập 3, 1964, hay Điểm xuất phát (Le point de départ) Poulet tìm điểm xuất phát, trách nhiệm văn cách của 9 tác gia hiện đại: Whitman, Bernanos, Char, Supervielle, Éluard, Perse, Reverdy, Ungaretty, Sartre. Điểm xuất phát này sẽ được ông xác định là cái Cogito của nhà văn.

Trong cuốn Nghiên cứu thời gian của con người, tập 4, hay Đo khoảnh khắc (Mesure de l’instant) in năm 1968, Poulet đề nghị: “Phải sáng chế ra một đơn vị khoảnh khắc vì chiều kích của khoảnh khắc luôn luôn thay đổi. Theo ông, khoảnh khắc đu đưa giữa cái không và cái có, nó có thể co lại thành một điểm hay giãn ra đến vô cùng. Khoảnh khắc sẽ trở thành yếu tố thứ nhì sau cogito, trong hành trình của nhà văn. Poulet viết:

Đơn vị khoảnh khắc đi từ cái không đến cái toàn thể, từ cực co đến cực giãn. Giống như trong dạng thức sinh vật học của sự phân liệt, khoảnh khắc có thể tự đơm đầy và cũng có thể, vì mật độ quá lớn, tự bùng vỡ, sinh ra một quần thể đồng loại; trong một lúc nó vừa là nó, lại vừa là cái khác; đang là hiện tại, mà đã tương lai. Phải chăng đó là khoảnh khắc của Proust – trái ngược với những gì mà ta tưởng – phân chia cái bây giờ và cái mai sau, trong một khoảnh khắc đang bắt đầu và đã chấm dứt. Proust gọi đó là một khoảnh khắc nhân đôi, ở giữa thời gian. Và phải chăng đó cũng là trường hợp của khoảnh khắc hạnh phúc (và bất hạnh) ở Julien Green, luôn luôn đặt ở đầu một thời đoạn và chấm dứt ở ngưỡng cửa một thời đoạn vừa mới bắt đầu? Khoảng khắc biểu dương cái hữu hạn và cái vô hạn. Ai biết làm sao sáng chế ra được một đơn vị khoảnh khắc?[24]

Có thể xác định lối phê bình của Poulet là phê bình theo chủ đề, và chủ đề ở đây là khoảnh khắc (instant). Mặc dù thời gian không phải là chủ đề của mỗi tác phẩm được phân tích, nhưng thời gian, hay đúng hơn, khoảnh khắc được coi là nền tảng mà nhà văn dựa vào, và nhà phê bình “cắt” nó ra để tìm hiểu nhà văn; tương tự như Spitzer “cắt” ra một chữ hay Auerbach “cắt” một đoạn văn để phân tích toàn bộ tác phẩm. Nhưng Poulet chỉ giống những bậc thầy này ở chỗ “cắt” thời gian ra từng khoảnh khắc mà thôi.

Sau đó, cách phê bình của Poulet là như thế nào? Chúng ta thử xem ông phân tích Mme de Staël trong Etudes sur le temps humain, tập 4.

Trước tiên, Poulet xác định: vinh quang và hạnh phúc, lúc đầu không phân biệt rõ ràng trong óc người con gái tên Germaine, sau này sẽ trở thành nhà văn Mme de Staël, bằng cách ông trích dẫn hai câu của de Staël, trong hai bối cảnh khác nhau:

Chỉ có vinh quang mới giúp ta thoát được thời gian” (La gloire seule nous affranchit du temps) (trong vở kịch Sapho), và “Em đặt ở anh tất cả kỳ vọng, tất cả tương lai của em” (J’ai placé sur vous toutes mes espérences, tout mon avenir) (Germaine de Staël nói với người yêu).

Hai câu này dẫn Poulet đến kết luận về Germaine de Staël: “Nàng ném trí tưởng tượng, ném sức sống nhiệt tình, lòng tham vọng, khả năng yêu đương vào một thời gian chưa đến và gọi nó với tất cả mong ước của nàng[25]. Tiếp đó ông tìm thêm những câu khác của de Staël, vẫn rút trong những bối cảnh khác nhau, nhưng có chữ thời gian hay khoảnh khắc, như: “[Sự đam mê bỏng cháy] coi thường tất cả những gì thuộc về tương lai và chạy theo mỗi khoảnh khắc như duy nhất có,Không có gì đau đớn cho bằng giây phút sau khi xúc động, Sự hưởng thụ [khoái lạc] chỉ tồn tại trong khoảnh khắc… Để đưa ông đến những nhận định về de Staël như sau:

Trước nhất, ta phải hình dung ra diện mạo một con người chưa sống, gần như chưa có quá khứ, mở mắt tỉnh dậy giữa một hiện hữu hãy còn trong tương lai, và chờ đợi cái gì sẽ đến. […]

Hiện hữu ở ngoài mình, đó là điều mà Germaine de Staël ước muốn, tức là hiện hữu ở bên ngoài hiện tại để xô đẩy dòng chảy, buộc nó phải nhượng chỗ sớm hơn cho tương lai. Tư tưởng ở đây không chỉ hướng về tương lai, tương lai không phải là giới hạn thời gian đã định cho tất cả mọi sinh hoạt tâm thần, là mục đích nhắm tới, là lúc thành đạt mong mỏi. Mà cái lúc ấy, còn phải khả dĩ cận kề và cần một quyết định đặc biệt, tư tưởng bực bội, thúc nó hiện ra. Sự vội vã sống này là dấu ghi sớm nhất tính khí của Mme de Staël.[26]

Câu văn này khá tiêu biểu cho lối bình văn của Poulet, và ta thấy nhiều cách viết như vậy trong phê bình mới: lời văn hàm súc, cô đọng gần như khó hiểu, ý tưởng cao siêu, khiến người đọc bình thường dễ bị lạc trong khối tư duy trừu tượng.

Lối phê bình trên đưa đến những nhận xét:

1- Trước hết nhà phê bình chọn một chủ đề, ở đây là thời gian, đúng hơn là khoảnh khắc, hiểu theo nghĩa triết học Heidegger, nghĩa là con người tự phóng mình về phiá trước và cũng tự quay lại phía sau. (Nói nôm na: khi ta đang ngồi (hiện tại) rồi ta đứng dậy, tức là ta đã “phóng mình” về phiá trước (tương lai). Mọi chuyển động của ta đều là “phóng mình” về “tương lai”, mọi suy nghĩ của ta đều là phóng mình về trước, hoặc về sau (tương lai hay quá khứ), vì vậy Heidegger cho rằng con người “làm nên” thời gian).

2- Sau đó Poulet tìm những câu trong thư từ hay tác phẩm của de Staël, ở những hoàn cảnh khác nhau, câu nào có những chữ liên quan đến thời gian, khoảnh khắc, quá khứ, kỷ niệm… và ông hội tụ lại, để chứng minh rằng: de Staël là một con người “như vậy” tức là một người luôn luôn “phóng mình về phiá trước”, đợi những gì “sắp tới” và ông nói một cách triết học hơn: de Staël chọn sự hiện hữu ở ngoài mình, bà đứng ra ngoài cuộc hiện sinh để “giật dây” cho cuộc sống của bà chạy mau hơn, cho tương lai đến sớm hơn dự định, để đưa ông đến nhận định: đó chính là tính khí “sống vội” của de Staël từ thời trẻ. De Staël “tôn thờ tương lai”, sống vì tương lai, nhưng lại “phá hoại tương lai”, vì sự “sống vội” của mình. Và cuối cùng ông kết luận: De Staël có khiếu đớn đau (le don de souffrir), cái khiếu của đàn bà hơn là đàn ông; và tác phẩm của bà toát ra một sự nuối tiếc (le regret) khôn nguôi[27].

Đối với chúng ta, những nhận xét có tính cách triết lý trên đây của Poulet, có thể cao siêu thật đấy, nhưng không giúp gì cho việc đọc và hiểu de Staël. Bởi vì, nếu nhà phê bình chỉ đưa ra những nhận xét đại loại như: de Staël là người, nên bà có “tính khí” phóng mình ra ngoài, như định nghĩa con người của Heidegger, thì thực là vô bổ, tuy đọc thấy lạ. Cùng phương pháp này, Poulet cũng nhìn thấy ở thơ Lamartine: “thơ ông trở thành thơ của kỷ niệm và nuối tiếc. Sự nuối tiếc này…[28].

Vì làm việc và suy luận như vậy: lấy một số chữ trong tác phẩm liên quan với chủ đề mà nhà phê bình định sẵn, để chứng minh cho chủ đề hay cho quan niệm nhân sinh của mình, cho nên nhà phê bình dễ bị dẫn đến những ngõ cụt: hoặc chỉ viết nên những chân dung văn học na ná giống nhau vì đồng nhất với quan niệm của nhà phê bình, mà không đưa ra được những nét đặc thù thực sự của nhà văn đang khảo sat. Phê bình mới, thường mắc phải lối viết như vậy, tức là nhà phê bình tạo ra một văn bản “rất hay”, có tính triết lý, nhưng đôi khi không ăn nhằm gì tới cấu trúc văn phong và tư tưởng của tác giả.

Tuy nhiên, trường phái phê bình ý thức đã làm được hai việc cơ bản: Thứ nhất, đẩy lùi ảnh hưởng của nền phê bình thực nghiệm, dựa trên triết học thực nghiệm của Auguste Comte (1798-1857) đã chi phối đời sống văn học trong thế kỷ XIX, mà đại diện tầm vóc nhất là Sainte-Beuve. Điểm thứ nhì: Trở về với triết học Descartes (1586-1650), tìm lại “sự thực” đầu tiên: Cogito, Je pense, donc je suis Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu. Việc khám phá sự hiện hữu của tôi là biểu hiệu đúng nhất của sự “biết chắc”, nó mang tính cách tuyệt đối hiển nhiên, và cho phép ta, đi đến một hiện hữu hiển nhiên khác, hiện hữu phê bình: tôi thán phục, vậy tôi hiện hữu. Và từ đó, mở rộng con đường ý thức trong địa hạt phê bình. Georges Poulet đã đặt cái cogito đó, làm nền cho phương pháp phê bình của mình cũng là điều dể hiểu. Tuy nhiên từ lý thuyết đến thực hành không phải là dễ, và dường như Poulet chưa thực sụ thành công trong việc này. Phải chăng khi Sartre nói: anh không thể xâm nhập được vào ý thức của người khác, là ông đã “báo trước”, từ năm 1939, cho Poulet biết sự thực hiển nhiên này?

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/

Kỳ 18: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-18/

Kỳ 19: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-19/


[1] Marcel Raymond – Georges Poulet, Trao đổi (Correspondance) (1950-1977), Corti, 1981.

[2] La conscience critique, t. 314.

[3] NRF tức là La Nouvelle Revue Française, tuyển tập văn chương Pháp, nguyệt san xuất hiện trong khoảng 1920-1935, về phê bình có những ngòi bút chính: Albert Thibaudet, Jacques Rivière, du Bos, Raymond Fernandez.

[4] La conscience critique, t. 9.

[5] La conscience critique, t. 9.

[6] La conscience critique, t. 11-12.

[7] La conscience critique, t. 12.

[8] La conscience critique, t. 16.

[9] La conscience critique, t. 16.

[10] La conscience critique, t. 17-18.

[11] La conscience critique, t. 20.

[12] La conscience critique, t. 21.

[13] La conscience critique, t. 21.

[14] La conscience critique, t. 21.

[15] La conscience critique, t. 23-24.

[16] La conscience critique, t. 23.

[17] La conscience critique, t. 22.

[18] La conscience critique, t. 29.

[19] La conscience critique, t. 49.

[20] La conscience critique, t. 50.

[21] La conscience critique, t. 301.

[22] La conscience critique, t. 307.

[23] Henri Bergson (1859-1941), triết gia Pháp, chủ trương trực giác là phương tiện duy nhất để nhận biết thời gian và cuộc đời.

[24] Etudes sur le temps humain, tập 4, Plon, 1964, Pocket, 1990, Avant-propos, t. 12-13.

[25] Etudes sur le temps humain, tập 4, t. 193.

[26]En premier lieu donc, il faut nous figurer un être qui n’a pas encore vécu, qui n’a presque pas de passé, et qui, ouvrant les yeux, s’éveillant à une existence encore future, attend ce qui va venir […]

Exister au-delà de soi, voilà donc ce à quoi Germaine de Staël aspire, c’est-à-dire exister au-delà du présent pour en précipiter le cours, pour l’amener à céder plus tôt sa place à l’avenir. La pensée ici n’est pas seulement dirigée vers le futur; celui ci n’est pas simplement le terme assigné à toute activité mentale, le but visé, le moment d’accomplissement rêvé. Il faut encore que ce moment soit aussi imminent que possible, et que par un acte spécial la pensée impatiente en accélère l’apparition. Cettte hâte de vivre est ce qui marque le plus précocement le caractère de Mme de Staël, Etudes sur le temps humain, tập 4, t. 194.

[27] Etudes sur le temps humain, tập 4, t. 195, 207.

[28] Etudes sur le temps humain, tập 4, t. 214.

Comments are closed.