Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 3)

Thụy Khuê

 

Chương 3- Thi học Aristote

Từ thế kỷ IV trước Tây lịch, Aristote (384-322) đã phân tích và mổ xẻ bản chất của nghệ thuật, xác định nguồn cội và những nguyên tắc chính của sáng tạo trong cuốn Poétique (Thi học).

Chữ poiesis của Hy Lạp có nghiã rộng hơn poésie trong tiếng Pháp, thi ca hay thơ trong tiếng Việt, nó bao trùm lên tất cả các ngành nghệ thuật nói chung. Thi học của Aristote, do đó, đồng nghiã với nghệ thuật học.

Aristote đưa ra hai định đề:

– Poiesis, hay tất cả các ngành nghệ thuật, đều phát sinh từ Mimésis (Bắt chước).

– Có được một Hình thức (Forme) là có Tất cả (Tout).

Nghiã là: Hình thức là toàn diện bởi vì hình thứcnội dung không thể tách rời. Nói khác đi, khi ta tạo ra được một bài thơ, một bức họa, một bản nhạc… là ta đã sáng tạo toàn thể nội dung lẫn hình thức của tác phẩm này.

Hai định đề bất di bất dịch này là tính chất căn bản của sáng tạo nghệ thuật. Hầu như tất cả các nhà phê bình, nhà văn Tây phương đều dùng làm cẩm nang: Khái niệm Hình thức sống lại trong trường phái Hình Thức Nga, khái niệm Mimésis trong lý thuyết phê bình của Auerbach với cuốn Mimésis, và khái niệm Poétique, trong Bakhtin với cuốn Thi pháp Dostoievsky

Vì vậy, không những Poétique được coi bản tuyên ngôn văn học của chủ nghiã cổ điển Tây phương, Aristote còn là cha đẻ của phê bình văn học Tây phương.

Mimésis (Bắt chước) và cấm bắt chước, thời Socrate, Platon

Định đề đầu tiên về nghệ thuật mà Aristote đưa ra là Mimésis hay Bắt chước. Tuy nhiên bắt chước hay nhái, không do Aristote sáng tạo, mà là sản phẩm của Socrate (470-399) và Platon (428/427-348/347), trước Tây lịch[1]. Socrate không để lại sách viết, lời ông được môn sinh Platon viết lại dưới dạng đối thoại. Như vậy, ta có thể coi những lời Socrate được Platon ghi lại cũng là lời Platon, vì ta không biết Socrate nói gì, và cũng không biết Platon trung thành với lời thầy đến độ nào.

Trong République (Cộng Hoà), quyển III, Platon ghi lại cuộc đối thoại giữa Socrate với môn sinh Adimante, trong đó Socrate nói đến khái niệm Bắt chước. Đoạn này như sau:

– Ta có vẻ là một ông thầy hay giỡn, không biết ăn nói rõ ràng; vậy ta sẽ làm như những người không biết diễn tả, nghiã là, thay vì làm rối rắm vấn đề trong cái toàn thể, ta sẽ chỉ lấy một phần, và cố gắng tỏ cho ngươi thấy cái mà ta muốn nói. Vậy ngươi hãy trả lời ta: Chắc ngươi thuộc lòng đoạn đầu Iliade của Homère[2] chỗ nhà thơ kể rằng Chrysès [là Tư tế (Prête) của thần Apollon] van nài Agamemnon trả lại con gái cho ông ta, nhưng Agamemnon nổi giận từ chối khiến vị tư tế đã cầu thần trừng phạt dân Hy Lạp, chứ?

– Vâng.

– Ngươi có thấy rằng cho tới câu thơ này:

Và y đã nài nỉ tất cả những người Hy Lạp, đặc biệt hai vị thủ lãnh Atrides[3]

nhà thơ đã nhân danh mình để kể chuyện mà không giấu giếm hay cho ta cái cảm tưởng là một người khác kể. Nhưng đến đúng đoạn ấy, nhà thơ lại kể như chính ông là Chrysès và đã cố cho ta cái ảo tưởng không phải ông nói mà chính ông già tư tế của Apollon [Chrysès] nói. Cứ như thế Homère đã sáng tác tất cả diễn biến xảy ra ở Ilion, Ithaque và trong cả cuốn Odyssé.

– Dạ đúng.

– Vậy khi ông trình bày những lời nói khác nhau [của các nhân vật] xen kẽ với [lời ông kể] những biến cố xảy ra, thì có phải là truyện (récit) không?

– Dĩ nhiên là phải.

– Nhưng khi ông nói thay một người khác, chúng ta có nên nói rằng ông đã cố gắng theo sát ngôn ngữ của nhân vật này?

– Nên lắm.

– Vậy, việc làm y hệt người khác, bằng lời nói, bằng cử chỉ, chẳng phải là bắt chước ư?

– Đương nhiên.

– Vậy có phải Homère và những thi sĩ khác đã dùng đến phương pháp bắt chước trong các truyện của họ?

– Chắc chắn rồi.

Ngược lại, nếu nhà thơ không bao giờ giấu mình, thì sẽ không có sự bắt chước trong trước tác và trong tất cả các truyện của ông ta. Để ngươi đừng nói mãi là ngươi không hiểu tại sao lại như thế, ta sẽ giải thích cho ngươi điều đó: Nếu Homère, sau khi kể rằng Chrysès đến với tiền chuộc con gái và van nài những người Achéens[4], đặc biệt các vua, lại tiếp tục kể, không bằng giọng Chrysès, mà vẫn bằng giọng Homère, thì ngươi sẽ thấy là không có sự bắt chước, mà chỉ có sự kể chuyện đơn giản (simple récit). Hình thức này dưới dạng văn xuôi, sẽ đại khái như sau, vì ta không biết làm thơ:

Vị tư tế đã đến cầu các thần cho họ [người Hy Lạp] chiếm thành Troie mà không bị tiêu diệt, và ông đã đến xin người Hy Lạp vì lòng kính trọng thần [Apollon] hãy cho ông chuộc lại con gái bằng tiền. Khi ông dứt lời, tất cả người Hy Lạp đều tỏ ý quý trọng và đồng ý trừ Agamemnon nổi giận, ra lệnh đuổi đi, cấm không cho trở lại nữa […]”

Đó ngươi thấy chưa, một truyện kể đơn giản (simple récit) là như thế, không có sự bắt chước.

– Dạ, con hiểu.

Nhưng ngươi nên biết có một loại truyện, trái ngược hẳn với lối viết kể trên, tức là, bỏ hẳn những lời nhà thơ kể [bằng giọng của mình] giữa hai câu nói, mà chỉ giữ lại lời đối thoại mà thôi.

– Dạ con cũng hiểu, đó là dạng thức của bi tráng kịch (tragédie).

Vậy ta nên xét chính điểm đó. Ta nghĩ rằng bây giờ, ngươi đã nhìn rõ những gì mà lúc trước ngươi chưa nhận ra, đó là nghệ thuật (poésie) và hư cấu (la fiction) bao gồm một thể loại hoàn toàn bắt chước, đó là bi tráng kịch (la tragédie) và hài kịch (la comédie); rồi đến loại thứ hai là loại truyện thi sĩ kể, mà ngươi đã thấy rõ trong tụng ca (le dithyrambes)[5] và sau cùng, loại thứ ba, pha trộn hai loại trên, là anh hùng ca (l’épopée)[6] và nhiều thể loại khác. Ta nói có rõ không?

– Dạ có, con nghe rõ những gì thầy muốn nói.

– Ngươi nên nhớ, trước đây, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng, ngoài việc khảo sát điều phải nói, ta còn phải khảo sát cả cách phải nói điều đó như thế nào.

– Dạ, con nhớ.

– Nay, ta nói chắc chắn rằng chúng ta phải quyết định nếu chúng ta có cho phép nhà thơ làm cho chúng ta những truyện hoàn toàn bắt chước, hay chỉ [cho phép] bắt chước một sự này, mà không cho bắt chước một sự khác […] hay là chúng ta cấm tiệt sự bắt chước.

– Con đoán thầy đang nghĩ gì: [thầy đang tự hỏi] nếu chúng ta nên cho phép bi tráng kịch (tragédie) có mặt trong nước ta, hay ta cấm.

– Có thể, có thể còn có sự khác nữa, hiện nay ta chưa rõ lắm; nhưng ở đâu có ngọn gió luận lý thổi tới, là ta có đó.

– Thầy nói hay quá.

– Adimante, bây giờ ngươi hãy khảo sát, xem có nên để cho những nhà bảo tồn truyền thống (les gardiens) có hay không có thẩm quyền bắt chước […]

[Socrate thuyết phục Adimante việc phải cấm các nhà Bảo Tồn (les Gardiens) không được bắt chước].

Trong đoạn tiếp theo, Socrate thuyết phục Adimante việc cấm bắt chước trong toàn bộ nhà nước, bằng lập luận đại lược như sau:

Có hai loại người, loại tử tế, cao cả, và loại thấp hèn, xấu xa. Nay nếu ta để cho tự do, thì các nhà thơ (tức là các nghệ sĩ) tha hồ bắt chước đủ loại hạng người và họ cho chúng nó ăn nói, trình diễn khắp nơi, kể cả những kẻ say sưa, tội lỗi… thì sự lũng đoạn nhà nước sẽ đến độ nào. Vì vậy, ta chỉ có thể cho phép những nhà hùng biện bắt chước những giọng cao cả, nói những điều đạo đức mà ta mong muốn.

Kết quả: “Vì lý do đạo đức và giáo dục, nhà thơ bị đuổi khỏi Thành quốc (La Cité)[7].

(Platon, République III, Poétique, Appendice I, t. 161, 168).

Trong République, Platon trình bày Mimèsis (Bắt chước) như một bản sao chụp tồi tệ về thế giới hữu cảm (le monde sensible), mà thế giới này cũng đã rời xa thực tế rồi; vì vậy, bắt chước “xa rời thực tế tới cấp ba”, nó gửi đến phần thấp nhất trong con người. Kẻ bắt chước là một thứ lang băm chỉ loè bịp được những người ngây thơ.

Platon giải thích: phải cấm thi sĩ, theo đòi hỏi của tâm lý và siêu hình. Bởi vì “Tất cả những tác phẩm loại này [tức là bắt chước] đều phá hoại tâm hồn những người đọc hoặc nghe, nếu không có thuốc giải độc, tức là sự hiểu biết thực sự chúng là những thứ gì.

Platon từ chối giá trị tinh thần của nghệ thuật và trong Ion, ông định nghĩa nghệ thuật như một sản phẩm bí mật, một thứ mê sảng, một sự điên cuồng có nguồn gốc thần linh.

Socrate trở thành “kẻ thù” của tất cả các thi sĩ đời sau. Họ nguyền rủa Socrate và ca tụng Dionysos, thần thảo mộc, đặc biệt nho và rượu vang, biểu hiệu của say sưa và tự do sáng tác. Sự tôn sùng Dionysos bắt nguồn với tụng ca, từ thời cổ đại, tiền Socrate, đã góp phần vào việc phát triển bi tráng kịch và nghệ thuật trữ tình. Nhưng đến thời Socrate, Platon, thi sĩ bị đuổi ra khỏi Thành quốc, tất cả nghệ thuật thi ca bị khựng lại.

Nhưng Socrate cũng là người đầu tiên đã làm công việc phân tích “bản thể” của sáng tác, tuy ông làm để giải thích việc phải triệt hạ tự do sáng tác. Lập luận này đã được các thể chế độc tài đời sau chép lại, đặc biệt nơi các chế độ toàn trị: Chỉ cho một giọng nói đúng như ý “nhà nước”, tức là giọng chính thống, được quyền tồn tại.

Và những gì Socrate đưa ra về tính đa âm, đa giọng trong tác phẩm, cũng sẽ được đời sau sử dụng, chủ yếu trong phê bình của Bakhtin.

Aristote (384-323/322)

Aristote sinh năm 384 trước Tây Lịch, tại Stagire[8], miền nam Macédoine[9] gần núi Athos. Mẹ là Phestias. Cha, Nicomaque, là bạn và thầy thuốc của vua Macédoine. Năm 367, Aristote rời Stagire đi Athènes. Từ 365 đến 347 ông là môn sinh của Platon tại Hàn Lâm Viện và trở thành học trò nổi tiếng nhất của Platon.

Aristote có giọng nói nhỏ nhẹ, chân yếu, mắt nhỏ, luôn luôn ăn mặc kiểu cách, đeo vòng và cạo râu nhẵn nhụi.

Năm 347, Platon qua đời. Aristote rời Athènes, vì không đợi thầy từ trần mà đi trước, nên Platon có lời oán trách, coi Aristote như “con cừu non, vừa sinh ra, đã tìm đường chống mẹ. Aristote sang Atarnée[10], phò Hermias và ở lại 3 năm (từ 346 đến 343). Khoảng 345, ông cưới Pythias, cháu gái (?) Hermias, sinh hai con, một gái, một trai; và nàng hầu Herpyllis cũng sinh một trai đặt tên là Nicomaque.

Năm 343, Aristote rời Atarnée cùng với môn sinh Théophraste về Lesbos[11] tức Mytilène quê của Théophraste. Năm sau, ông trở lại Macédoine, được vua Philippe II vời làm thầy dạy Alexandre, lúc đó 14 tuổi. Ông vận động Philippe II xây dựng lại Stagire, quê hương ông đã bị nhà vua tàn phá, và chính Aristote thiết lập luật lệ cho dân chúng.

Năm 338, Philippe II đại thắng quân Athènes và quân Thèbes tại trận Chéronée[12]. Athènes mất chủ quyền. Hai năm sau, 336, Philippe II bị ám sát.

Alexandre lên ngôi, sau trở thành đại đế[13]. Năm 335, xét thấy đã làm xong bổn phận với học trò Alexandre. Aristote tiến cử cháu mình là Callisthène – một người trực tính hay chỉ trích và coi thường mệnh lệnh của nhà vua – rồi về Athènes mở Ecole du Lycée, dạy học trong 13 năm (335-323).

Năm 327, Callisthène tham dự vào một cuộc đảo chính, bị Alexandre bắt giam trong cũi sắt bêu một thời gian, để cho bẩn thỉu và giòi bọ xâu xé, rồi ném cho sư tử.

Tháng 6 năm 323, Alexandre chết. Làn sóng chống Macédoine nổi dậy ở Athènes.

Mùa hè năm 323, Aristote bị buộc tội “nghịch đạo”. Ông lui về ở ẩn tại Calchis, quê mẹ. Théophraste thay thầy làm hiệu trưởng Ecole du Lycée.

323/322 Aristote qua đời tại Calchis.

Chủ thuyết giảng dạy

Aristote dạy học bằng cách nói chuyện với học trò trên một chủ đề đã định, đồng thời dạy cho họ phương pháp hùng biện (rhétorique). Những lời đối thoại của ông đối với môn sinh được ghi chép và truyền lại.

Theo Diogène Laërce[14], toàn bộ tác phẩm của Aristote, gồm bốn trăm bốn mươi lăm ngàn hai trăm bẩy mươi dòng.

Chủ thuyết giảng dạy của Aristote dựa trên căn bản:

Triết học gồm hai phần: lý thuyết và thực hành.

Phần thực hành lại chia đôi: đạo đức và chính trị.

Phần lý thuyết cũng chia hai: vật lý và luận lý với hai mục đích: thuyết phục và tìm sự thực. Dùng chứng biện (dialectique) và hùng biện (rhétorique) như lợi khí để thuyết phục và dùng sự phân tíchtriết học để khám phá sự thực.

Aristote đưa ra những Thông cứ (Les Topiques d’Aristote)[15] tức là những luận điểm đi sát vấn đề và những khảo luận về phương pháp luận, thực sự là những kho kiến luận lợi hại giúp người đọc rút ra những lập luận vững chắc để thuyết phục bất cứ vấn đề gì[16].

Tác phẩm của Aristote chia làm hai phần:

Loạt sách khảo luận, được gọi là công truyền (exotérique) bao gồm: biện chứng pháp, vạn vật học, hay khoa học, tương đối dễ đọc, dành cho quần chúng ngoại đạo, có thể từ từ bước vào những tiếp cận chính xác và nghiêm chỉnh về một hiện tượng.

Loạt sách khảo luận bí truyền (ésotérique), dành riêng cho môn sinh, là những người có thể hiểu được lời giảng của thầy đến nơi đến chốn.

Theo Aulu-Gelle[17], lớp sáng dạy giáo trình bí truyền và lớp chiều dạy giáo trình công truyền.

Aristote chỉ cho in những sách công truyền, phần lớn dưới dạng đối thoại, nhưng tất cả đều bị thất lạc. Riêng phần giáo trình bí truyền, được giữ dưới dạng ghi chép, chú giải (notes).

Khi ông mất, toàn bộ gia tài đồ sộ này về tay đệ nhất môn sinh Théophraste (372-287), nhưng người học trò trung thành này cũng không in được các bài giảng của thầy. Khi Théophraste từ trần, tất cả tư liệu được cất giấu trong một cái hầm để tránh sự săn lùng bản thảo của vua Pergame[18]; và chỉ được khai quật lại vào đầu thế kỷ thứ I (hay cuối thế kỷ II) trong tình trạng hết sức tồi tệ. Từ đó người ta mới bắt đầu chép lại sách của Aristote, nhưng số lượng quá nhiều, làm không xuể, nhà xuất bản nản chí, và cuối cùng chỉ chép lại phần bí truyền, phải bỏ phần công truyền, vì thấy không sâu sắc, do đó phần này bị mất hẳn.

Sylla (138-78), vị thống lãnh La Mã đã chủ lệnh xuất bản, chăm sóc kỹ càng bộ sách khảo luận của Aristote, nhờ vậy mà những khảo luận lớn của Aristote được tồn tại đến ngày nay như Luận lý toàn thư (Orgagnon), Chính trị học (La Politique), Vạn vật học (L’histoire des animaux), v.v.

Tác phẩm Poétique được truyền đến bây giờ trong một tình trạng thiếu sót và lộn xộn, thuộc địa hạt bí truyền, dành cho học trò có trình độ cao. Dường như chưa bao giờ được tác giả dàn dựng lại, bởi nó còn ở dạng những mảnh vụn, với những câu tỉnh lược, những lời bàn rộng, những liệt kê khó đoán, những chỗ mâu thuẫn, có chỗ cú pháp dị kỳ, có lẽ Aristote chưa hề đọc lại…

Bỏ qua khổ nạn của những nhà dịch thuật và chú giải Aristote, chúng ta đi thẳng vào những điểm chính mà Aristote, người thầy đầu tiên khảo sát về nghệ thuật của nhân loại đã để lại cho hậu thế, đặc biệt trong lãnh vực ngữ học và phê bình văn học.

Poétique được viết với chủ đích đưa ra những khuôn vàng thước ngọc cho học trò dựa vào để sáng tác một bi tráng kịch, một anh hùng ca, tương tự như cuốn Rhétorique (Thuật hùng biện) Aristote chỉ ra những luật vàng để viết một bài diễn thuyết.

Trong khi phân tích và phê bình thể loại anh hùng ca bi tráng kịch qua các tác phẩm Iliade, Odysée của Homère, và Oedipe của Sophocle[19], Aristote, chỉ ra những kỹ thuật sáng tác của hai tác giả lớn này, đồng thời ông phân tích sự khác biệt giữa thơ, ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ hàng ngày. Ông đã xây dựng những bước đầu cho ngữ học, bởi ông không chỉ dừng lại ở một chữ mà còn phân tích tới cả từng ngữ âm, để đào sâu ý nghiã, âm thanh của tiếng nói. Aristote đã biện hộ cho cách nói “trái khoáy” của nhà thơ, đặc biệt Homère, trong cách dùng chữ, trong cách lập ngôn “lạc đường” thậm chí còn “viết sai” chính tả, sai văn phạm…

Aristote là người đầu tiên đưa ra quan niệm: ngôn ngữ thơ là sự vi phạm vào quy luật của ngôn ngữ hàng ngày, để tránh sự nhàm chán của tiếng nói thông dụng và tạo sự ngạc nhiên cho độc giả, tạo một thế giới mà sự tương đồng và dị biệt cùng chung sống trong một thế giới phổ quát và toàn diện.

Thi học vì thế, không chỉ là một cẩm nang dạy học trò các phương pháp sáng tác, mà còn điều tra nguồn cội nghệ thuật và trình bày những nền móng cơ bản để khảo sát cấu trúc thơ văn.

Mimèsis hay Bắt chước, nhái là nguồn cội nghệ thuật

Sự khác biệt sâu xa giữa Aristote và Platon:

Platon, trong République (Cộng hòa), tiếp tục luận điểm của thầy Socrate, chối bỏ giá trị tinh thần của thi ca (tức nghệ thuật), cho thơ là sản phẩm của sự mê sảng, trong đó “bắt chước đã rời xa thực tế đến cấp độ ba, nó gửi tới phần thấp hèn nhất của con người và ông biện giải cho việc đuổi nhà thơ (tức nghệ sĩ) ra khỏi Thành quốc, bằng lý do đạo đức và giáo dục.

Aristote, chối bỏ quan niệm của thầy Platon, cho rằng: Hình thức hay Thể (la Forme) đã nằm trong nội tại sự vật.

Điều này có nghiã là: con người là một (toàn) Thể, “ngoại hình” của con người cũng là “nội dung” con người. Cây là một (toàn) Thể: “hình thức” cây liễu cũng là “nội dung” của cây liễu.

Vì vậy, theo Aristote, sự bắt chước trong nghệ thuật, không chỉ dừng lại ở chỗ bắt chước cái ngoại hình, mà còn phải đi sâu vào nội tại cái mà mình bắt chước. Đạt được mức đó, mới là nghệ thuật.

Trong Thi học, Aristote coi Mimèsis như nguồn cội của các ngành nghệ thuật, tuy nhiên ông không định nghĩa trực tiếp thế nào là Mimèsis.

Chữ Mimèsis, dường như đã được những người theo trường phái Pythagore (thế kỷ VI trước Tây lịch) dùng lần đầu để chỉ âm nhạcvũ điệu, và nó còn có liên hệ từ nguyên với chữ mimoi, chỉ nghệ thuật tuồng câm. Vậy từ nguyên thuỷ, Mimèsis đã gắn bó với nghệ thuật trình diễn.

Dịch giả Pháp chia làm hai trường phái: một phái dịch là Imitation (bắt chước, nhái), một phái dịch là Représentation (trình bày, trình diễn).

Trong Thi học, Aristote dùng cả các nghiã: bắt chước, nhại, trình bày, trình diễn nhưng đặt trọng tâm trên sự bắt chước, nhái.

Erich Auerbach, nhà phê bình lớn của Đức trong thế kỷ XX, dùng từ Mimèsis làm tên bộ sách phê bình đồ sộ của ông với tiểu đề có tính giải thích chữ Mimésis: Sự trình bày thực tế trong văn chương Tây phương.

Mimèsis như trên đã nói, không được Aristote định nghiã trực tiếp mà gián tiếp, bằng cách giải thích hành động nghệ thuật:

Đầu tiên hết, Aristote xác định: nghệ thuật bắt nguồn từ sự bắt chước, nhái.

Từ tuổi thơ, con người đã biếtthích bắt chước, thích nhái lại. Khả năng bắt chước, nhái, phân biệt con người với muôn loài và nhờ đó mà ngôn ngữ nảy sinh. Toàn bộ nghệ thuật thi ca, từ nguồn cội, dường như có hai nguyên do tự nhiên:

1- Bắt chước, nhái, là khuynh hướng tự nhiên đầu tiên của con người, từ nhỏ.

Aristote viết: “Anh hùng ca (l’épopée) và bi ca (la poésie tragique) cũng như hài ca (comédie), tụng ca (dithyrambe)[20] và phần lớn nghệ thuật trình diễn của những nhạc công thổi sáo và chơi lục huyền cầm[21] đều là bắt chước, nhái.

Nhưng họ bắt chước theo ba cách khác nhau:

Hoặc bắt chước bằng các phương tiện khác nhau.

Hoặc bắt chước các đối tượng khác nhau.

Hoặc dùng những lối bắt chước, nhái, khác nhau[22].

Sau đó, Aristote kể đến các hình thức bắt chước khác nhau trong nghệ thuật.

Để cho dễ hiểu, chúng ta lấy thí dụ: Cùng một đối tượng, ví dụ con chim, hoạ sĩ bắt chước bằng màu sắc và nét vẽ, ca sĩ bắt chước bằng giọng hát, nhạc sĩ bắt chước bằng tiếng đàn… điều này đúng cho tất cả mọi ngành nghệ thuật.

Tóm lại theo Aristote:

Những ngành nghệ thuật mà ta đề cập đến, đều thực hiện việc bắt chước bằng nhịp điệu (le rythme), ngôn ngữ (le langage) và âm giai (la mélodie)- dù cả ba thứ này được dùng riêng rẽ hay pha trộn với nhau. Thí dụ: người thổi sao (flute), người chơi đàn thất huyền hay lục huyền (cithare), hoặc chơi khèn (syrinx), bắt chước bằng nhịp điệu và âm giai, trong khi vũ công chỉ dùng nhịp điệu để bắt chước tính tình, cảm xúc, và hành động qua những bước nhảy[23].

Aristote cũng nhắc đến một số thể loại chưa có tên: như tuồng câm của Sophron và Xénarque, như đối thoại của Socrate… Các loại thơ đều có vần điệu, nhưng tất cả những thứ có vần chưa phải là thơ, thí dụ một bài thơ về thuốc, thì không phải là thơ, vì thế không phải ai làm văn vần cũng trở thành nhà thơ.

Kết luận, theo Aristote nghệ thuật phát sinh từ sự bắt chước:

– Hoặc bắt chước bằng các dụng cụ khác nhau như: đàn, sáo…

– Hoặc bắt chước các nhân vật khác nhau.

– Hoặc chước bằng các hình thức nghệ thuật khác nhau: thơ, văn, ca, vũ, nhạc, hoạ…

Hoạ sĩ dùng mầu và nét để vẽ bắt chước đối tượng. Diễn viên dùng tiếng nói và cử chỉ để bắt chước đối tượng. Nhạc công dùng âm giai và nhịp điệu để bắt chước đối tượng. Vũ công dùng nhịp điệu để bắt chước tình tình, cảm xúc và hành động của đối tượng.

2- Trình bày, theo Aristote, là khuynh hướng tự nhiên thứ nhì. Ví dụ: Đối với những đối tượng quá khiếp đảm, phũ phàng như xác chết, chúng ta thích xem những hình ảnh, hình tượng (image) trình bày lại đối tượng ấy, hơn là nhìn xác chết đích thực.

Bởi vì những hình ảnh, hình tượng (image) này, không những cho ta những kiến thức đầy đủ về đối tượng (xác chết) mà còn có khả năng tạo ra một toàn thể hoàn tất về đối tượng (sự chết).

Nói khác đi, chúng ta thích nhìn tranh họa sĩ vẽ cảnh chiến tranh hơn là nhìn cảnh thực những xác người. Chúng ta thích đọc tiểu thuyết, xem phim chiến tranh hơn là nhìn thấy tận mắt cảnh chém giết đẫm máu.

Vậy, Mimèsis là sự chuyển thể từ thực tế sang các mô hình nghệ thuật, và định nghiã này có giá trị cho tất cả các loại nghệ thuật.

Tóm lại, bắt chước, nháitrình bày là hai động tác căn bản của sáng tác:

Anh hùng ca (épopée) là bắt chước những mẫu người cao cả. Bi tráng kịch (tragédie) là bắt chước những hành động cao cả và ca kịch (comédie) là bắt chước những mẫu người tầm thường. Nhưng muốn đạt đến nghệ thuật thì điều kiện hiển nhiên là tất cả những hình thái “bắt chước” này đều phải dẫn đến một toàn thể hoàn chỉnh và có tầm vóc phổ quát[24].

Theo Aristote, sự khác biệt giữa một sử gia và một nhà thơ, không phải là sử gia viết văn xuôi và thi sĩ làm thơ, mà là sử gia viết những gì đã xảy ra trong thực tế còn nhà thơ viết những gì mà ta chờ đợi. Vì vậy, thi ca chứa đựng triết lý và cao cả hơn sử học, vì nhà thơ nói cái chung, cái phổ quát còn sử gia nói cái riêng[25].

Tạo kinh ngạc, thủ pháp thứ nhất của nghệ thuật

Sau khi đã định nghĩa: Mimèsis là sự chuyển thể thực tế sang các mô hình nghệ thuật, Aristote, đưa ra ba thủ pháp chính của nghệ thuật, mà tạo kinh ngạc (l’étonnement) là thủ pháp đầu tiên.

Chủ đích bắt chước trong nghệ thuật, không chỉ là sự mô tả một hành động từ đầu tới cuối; mà còn phải tạo ra những diễn biến thế nào để kích thích sự sợ hãi và sự thương cảm khán, thính và độc giả, tức là phải làm cho họ động lòng[26]. Nói một cách dễ hiểu: tác giả bi tráng kịch phải đạt đến một trình độ nghệ thuật nào đó, khiến cho, ta chỉ cần nghe tuồng Oedipe không thôi, chưa xem trình diễn, mà ta đã bị hớp hồn, ta đã “nổi da gà”. Những cảm giác này chỉ có thể xuất hiện khi diễn biến (của kịch bản, của truyện) xảy ra trái với chờ đợi của chúng ta, và nếu sự trái khoáy này lại đến một cách tự nhiên, hoặc tình cờ mà như cố ý, thì sự kinh ngạc càng lớn: Ví dụ trường hợp bức tượng của Mitys ở Argos giết kẻ là thủ phạm cái chết của Mitys bằng cách rơi xuống kẻ đó đúng lúc y đang coi hát[27].

Yếu tố gây kinh ngạc này, được Aristote đưa ra đầu tiên, sẽ là một trong những giá trị nền tảng của tác phẩm nghệ thuật: Một câu thơ, một bức họa tuyệt vời đều gây cho ta sự kinh ngạc. Yếu tố tạo kinh ngạc sẽ trở thành yếu tố tạo sự lôi cuốn, được áp dụng triệt để trong các phim, truyện, đặc biệt phim trinh thám.

Ẩn dụ, thủ pháp thứ nhì của nghệ thuật

Aritote đưa ra thủ pháp thứ nhì của nghệ thuật: dùng ẩn dụ.

Ðịnh nghĩa xa xôi và sâu xa nhất về ẩn dụ, đến từ Aristote:

Ẩn dụ là đem gán cho một vật cái tên để chỉ vật khác, cách chuyển vận này có thể đi từ loại sang thể loại, từ thể loại sang loại, từ thể loại sang thể loại, hoặc theo mối tương quan tương đồng[28]. Câu này có nghiã là: Ẩn dụ là thay tên cho một đối tượng bằng một tên khác có nghiã tương tự, ví dụ thay vì nói tuổi trẻ ta nói đầu xanh.

Aristote giải thích như sau: sự chuyển từ loại sang thể loại có nghiã là, thay vì nói “thuyền tôi thả neo”, tôi nói: “thuyền tôi dừng lại thả neo cũng là dừng lại.

Hoặc từ thể loại sang loại, như câu: “Ulysse đã hoàn tất mười ngàn công trạng” thì mười ngàn ở đây có nghiã là nhiều lắm.

Hoặc từ thể loại sang thể loại, như câu: “sự sắt đá đã hủy hoại đời nó” và câu “nó đã cắt đứt sự bền gan sắt đá, bởi vì trong cả hai câu trên, chữ hủy hoại trong câu thứ nhất cũng có nghiã là cắt đứt, và chữ cắt đứt trong câu thứ hai cũng có nghiã là hủy hoại, và cả hai trường hợp đều có nghiã là lấy đi.

Hoặc mối tương quan giữa tuổi già với cuộc đời cũng giống như mối tương quan của buổi chiều với một ngày, vì vậy, Empédocle[29] nói: “buổi chiều của cuộc đời hay “hoàng hôn của cuộc đời”.

Aristote đã định nghiã ẩn dụ theo nghiã rộng nhất.

Ản dụ, như thế, đồng nghiã với tu từ.

Sau này, người ta chia ra nhiều phép tu từ khác nhau:

– Ẩn dụ (métaphore) là sự thay thế hai yếu tố giống nhau: như hoàng hôn với tuổi già.

– Hoán dụ (métonymie) là sự thay thế, dựa trên những tương quan: nhân và quả; bình chứa và cái được chứa trong bình; ký hiệu và vật chỉ định; một phần và toàn thể, v.v. như má hồng với người phụ nữ.

– Đề dụ (synecdocque) là tương quan nội tại giữa chữ và nghiã, ví dụ: trong chữ sắt đá đã ẩn nghiã cắt đứt

Tóm lại, các loại ẩn dụ giúp ngôn ngữ thoát khỏi sự tầm thường, nhạt nhẽo của tiếng nói hàng ngày, đem cái lạ vào văn chương, tạo hình ảnh, tạo chiều sâu cho ngôn ngữ. Lối nói này dường như đã tiềm ẩn trong các nhà thơ, nhưng khi được Aristote đưa ra, đề cao và hệ thống hoá như một thủ pháp, nó trở thành thông dụng và tất cả mọi người đều có thể học và áp dụng để làm mới ngôn ngữ của mình.

Lạ hoá ngôn ngữ, thủ pháp thứ ba của nghệ thuật

Thủ pháp thứ ba của nghệ thuật, được Aristote đề ra, là sự lạ hoá ngôn ngữ hay sự tìm chữ hiếm, sáng tạo chữ mới.

Aristote viết: “Giá trị của một phát biểu nằm ở chỗ sáng sủa mà không bằng phẳng, vô vị. Cách phát biểu sáng sủa nhất là dùng các từ thông dụng, nhưng nó lại tầm thường, nhạt nhẽo, ví dụ như thơ của Cléophon hay Sthénélos[30].

Muốn thoát khỏi sự tầm thường nhạt nhẽo, để tiến đến cách diễn đạt cao quý, thì phải dùng các từ lạ (termes étranges).

Bằng chữ từ lạ tôi muốn nói đến những từ hiếm, như một ẩn dụ, một chữ biến đổi, hay tất cả những gì thoát ra khỏi lối nói thông thường.

Nhưng nếu một văn bản chỉ toàn những từ như vậy, sẽ bí hiểm, hoặc xí xa xí xố như tiếng ngoại quốc: Bí hiểm nếu nó chỉ có ẩn dụ, và xí xa xí xố nếu chỉ có những từ hiếm[31].

Vậy phải trộn cả hai yếu tố: những ẩn dụ, những lời hoa mỹ, hoặc những lối tu từ, giúp ta tránh khỏi sự tầm thường, nhạt nhẽo, trong khi những tiếng thông dụng hàng ngày giúp cho lời văn sáng sủa[32].

Thủ pháp này cũng sẽ được các phê bình văn học đời sau chép lại, làm thành “phương pháp” của riêng mình.

Tóm lại, Aristote đã mở ra ba con đường:

1- Xác định nguồn cội của hành động sáng tạo, được gọi là Mimèsis hay Sự chuyển thể từ thực tế sang các mô hình nghệ thuật.

2- Phân tích nội dung hành động sáng tạo: gồm hai thao tác bắt chướctrình diễn.

3- Xác định ba thủ pháp chính của hành động sáng tạo: Tạo kinh ngạc, dùng ẩn dụlạ hoá ngôn ngữ.

Aristote đã sử dụng những điểm này trong quy phạm giáo trình bí truyền, dạy cho học trò cách “sáng tác” anh hùng ca, bi tráng kịch và kịch, nhưng chúng đã trở thành những nguyên tắc chung cho mọi hành động sáng tạo của con người.

Các nhà ngữ học và nhà phê bình đời sau đều dựa trên những nền móng cơ bản mà Aristote đã đưa ra về thi học trên đây, đào sâu và mở rộng thành những lý thuyết trong ngôn ngữ học thi pháp học hay nghệ thuật học.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/


[1] Những năm tháng ghi trong chương này đều là trước Tây lịch.

[2] Homère, được coi là sống vào khoảng 850 trước Tây Lịch và là tác giả hai thiên anh hùng ca IliadeOdysée. Theo truyền thuyết, Homère là một ông già mù, đi lang thang hết thành phố này đến thành phố khác đọc thơ của mình. Thơ Homère, được đọc trong những dịp lễ trọng thể và giảng dạy cho con trẻ, ảnh hưởng sâu xa đến các triết gia, nhà văn và giữ địa vị quan trọng trong nền văn học và giáo dục Tây phương từ thượng cổ tới ngày nay.

[3]Atrides là dòng họ trong thần thoại Hy Lạp, nổi tiếng vì định mệnh bi đát, hai người tiêu biểu là Agamemnon và Ménélas.

[4] Achéens là gia đình chủng tộc cổ nhất ở Hy Lạp; nguồn gốc Thessalie (trên bờ biển Égée, phiá Nam Olympe), những người Achéens chiếm bán đảo vào đầu thiên niên kỷ thứ II. Họ xây dựng một nền văn minh rực rỡ, ở hai trung tâm Mycènes và Tirynthe, và bị người Doriens tiêu diệt vào khoảng 1200, trước Tây Lịch.

[5] Dithyrambe (Tụng ca) có nguồn gốc mập mờ, không rõ từ đâu, là bài thơ soạn cho ban đồng ca quây vòng tròn hát, giọng bay bổng, ca tụng thần Dionysos (thần thảo mộc, đặc biệt nho và rượu vang, biểu tượng của say sưa). Ngôn ngữ trong Tụng ca rất giầu có, đầy chữ mới và chữ kết hợp. Bài tụng ca gồm có nhiều tiết (strophe), được một người đơn ca, gọi là ca trưởng (coryphée), và những điệp khúc do ban đồng ca phụ hoạ. Người ta cho rằng bi tráng kịch (tragédie, pha trộn sự trình diễn của diễn viên với ban đồng ca) bắt nguồn từ tụng ca (dithyrambe). (Poétique, note 1, t. 184). Ở đây, các triết gia Hy Lạp phân tích những thể văn thơ thịnh hành nhất thời cổ đại, là: Dithyrambe (tụng ca), épopée (anh hùng ca), tragédie (bi tráng kịch), comédie (hài kịch)…

[6] Epopée là anh hùng ca, kể những cuộc phiêu lưu hùng tráng, như IliadeOdysée của Homère.

[7] Cité hay Thành quốc là đơn vị chính trị thời cổ, được thiết lập bằng một thành phố và vùng lân cận.

[8] Nay là Stavro, thành phố thuộc Hy Lạp cổ đại, trên bờ biển Égée.

[9] Vùng đất lịch sử thuộc bán đảo Balkans, chủ yếu đồi núi, mở xuống các vịnh, lớn nhất là Vardar. Macédoine thuộc địa phận các nước Bulgarie, Hy Lạp và Nam Tư (Yougoslavie) cũ.

[10] Xứ Atarnée thuộc vùng tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

[11] Lesbos hay Mytilène, đảo Hy Lạp trên biển Egée, gần Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Alcée và Sappho là ba kinh đô của thơ trữ tình (poésie lyrique, nguyên thuỷ là thơ được hát theo đàn lyre, tức ly cầm, đàn thời cổ đại).

[12] Chéronée, thành phố gần Thèbes.

[13] Alexandre (356-323) tức Alexandre đại đế (336-323), vua Macédoine, bình định Hy Lạp, chiếm Ai Cập, xây hải cảng Alexandrie, chiếm Babylone, đánh Ba Tư, đốt Persépolis, đánh sang Ấn Độ. Quân đội kiệt quệ, Alexandre trở về Babylone tổ chức lại định chế, nhưng chết ở Babylone.

[14] Diogène Laërce, nhà văn Hy Lạp thế kỷ III sau Tây lịch, viết về các trường phái triết học và chân dung văn học thời cổ đại, miêu tả và trích dẫn nhiều tác phẩm nay không còn dấu vết.

[15] Thông cứ (Topique) hay luận cứ thích đương là luận điểm đi sát vào vấn đề.

[16] Theo trích đoạn cuốn Vie d’Aristote (Đời Aristote) của Diogène Laërce, in trong bản dịch Poétique (Thi học) của Michel Magnien, Poche, 1990, t. 5-17.

[17] Aulu-Gelle là tiểu luận gia La tinh, thế kỷ II, sau Tây lịch.

[18] Pergame, thành phố ở Mysie, vùng Tiểu Á, bị Hy Lạp đô hộ. Từ 282 đến 133, Pergame là kinh đô của triều đại Attalides và là một trong những trung tâm văn hoá Hy Lạp, nổi tiếng với Thư viện Pergame, gần 200.000 cuốn sách.

[19] Sophocle (khoảng 495-406) thi sĩ bi tráng HyLạp, tác giả các bi tráng kịch: Ajax, Antigone, Oedipe roi, Electre… được coi như kịch tác gia bi tráng lớn nhất thời cổ đại.

[20] Dithyrambe có nguồn gốc mập mờ, không rõ, là bài thơ soạn cho ban đồng ca hát, ca tụng Dyonisos (thần của say sưa, biểu tượng nghệ thuật tự do). Người ta cho rằng bi tráng kịch (tragédie, pha trộn sự trình diễn của diễn viên với ban đồng ca) bắt nguồn từ tụng ca (dithyrambe).

[21] Lục huyền cầm là đàn cithare, thể mới của đàn lyre, một thứ đàn cổ, ta dịch là thất huyền cầm hay thiên cầm. Từ lyre sinh chữ lyrique là bài thơ hát hoạ theo thiên cầm, sau này trở thành nghiã trữ tình.

[22] Aristote, Poétique, Michel Magnien dịch và chú giải, Livre de Poche, 1990, t. 101-102.

[23] Aristote, Poétique, t.102.

[24] Aristote, Poétique, t. 114.

[25] Aristote Aristote, Poétique, t. 117.

[26] Aristote, Poétique, t. 118-119.

[27] Truyện này không biết chép ở đâu, Plutarque cũng viết như thế, Poétique, t. 118.

[28]La métaphore est le transport à une chose d’un nom qui en désigne une autre, transport ou du genre à l’espèce, ou de l’espèce au genre, ou de l’espèce à l’espèce ou d’après le rapport d’analogie” (Poétique, bản dịch của Michel Magnien, t. 139).

[29] Empédocle, triết gia Hy Lạp, thế kỷ V trước Tây lịch, gieo mình vào miệng núi lửa Etna.

[30] Hai người này chỉ thấy tên do Aristote nhắc đến.

[31] Từ hiếm (nom rare) đối với Aristote là những chữ do nhà thơ tạo ra.

[32] Poétique, bản dịch của Michel Magnien, trang 142.

Comments are closed.