Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 1)

Thụy Khuê

Chương 1- Ý thức phê bình

 

Phê bình là một trong những sinh hoạt hàng ngày của đời sống, là một phản xạ trước mỗi lựa chọn, mỗi hành động, phát xuất từ ý thức bản thân: khi nghe một lời nói, một bản tin, một bài diễn văn, xem một phim, đọc một cuốn sách… ý thức phê bình luôn luôn hiện diện, “nó” âm thầm làm việc trong đầu, chỉ cho ta biết điều này nghe được, điều kia ngụy biện, đoạn văn này thâm thuý, bức tranh này xấu, bản nhạc kia hay, v.v.

Ý thức phê bình ai cũng có, nó tiềm ẩn trong óc, nhưng nếu muốn hiện ra bằng lời nói hay trên văn bản, nó phải “có gan” vượt thử thách qua hai môi trường gia đình và xã hội.

Ở phương Tây, sinh hoạt tri thức này sớm được vun xới trong gia đình: Con cái có thể tự do phát biểu trong bữa ăn, đưa ra những nhận xét độc đáo để phê bình cha mẹ, mà ít khả năng bị mắng, bị đánh. Do không bị ảnh hưởng Nho giáo và được sống dưới chế độ dân chủ, người Tây phương, thường có ý thức phê bình cao. Ý thức ấy, chẳng những không bị tiêu diệt từ trứng nước, mà còn có điều kiện phát triển trong toàn bộ sinh hoạt con người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Ở phương Đông thời trước, quyền huynh thế phụ là mẫu mực của trật tự xã hội; vì vậy, phê bình không những thiếu điều kiện phát triển mà còn bị đàn áp ngay từ đầu: Con cái chỉ có quyền nghe lời cha mẹ, chứ không được quyền phản đối. Việc đối thoại với cha mẹ, trong các gia đình Việt, cho đến nay hầu như vẫn chỉ ở mức độ thấp so với người Âu, ngay cả những gia đình quen thuộc văn hoá Tây phương, hoặc đang sống ở nước ngoài.

Truyền thống này có ảnh hưởng tới cá tính con người: sự rụt rè, e ngại, không dám phát biểu ý kiến của mình trở thành quán tính, đặc sản của người Á đông. Đó là hậu quả của nền giáo dục ảnh hưởng đạo Nho trong nhiều thế kỷ.

Tại những nước toàn trị phương Đông, vấn đề còn trầm trọng hơn: con người bị hai lần quản thúc: nề nếp Nho giáo trong gia đình kết hợp với hệ thống chính trị không chấp nhận bất cứ sự phê bình nào đến từ phía quần chúng, biến con người thành trẻ thơ vĩnh viễn, thành một bộ máy nhận lệnh mà không còn khả năng phán xét và phản bác những lệnh đó.

Yeonmi Park, một nhà văn trẻ gốc Bắc Triều Tiên, chạy khỏi nước năm 13 tuổi, kể lại trong một buổi phỏng vấn rằng: Khi cô sang Hàn quốc, đi học, được thầy đặt những câu hỏi như: em thích mầu gì, em muốn làm gì sau này, v.v. cô bé ngỡ ngàng không biết trả lời, bởi vì từ lúc sinh ra, chưa ai hỏi cô như thế. Tóm lại, phần gọi là ý thức phê bình hay khả năng lựa chọn trong cô hoàn toàn thiếu vắng. Chế độ khắt khe của Bắc Triều đã triệt hại đến cả khả năng lựa chọn của con người.

Nhưng có ý thức phê bình cũng chưa đủ để trở thành nhà phê bình.

Vận trình phê bình của nhân loại đã đi qua nhiều thế kỷ, những kết quả tìm thấy trong ngành phê bình không phải một ngày mà có, nó là một hành trình liên tục, xuyên nhiều thử thách, với những phương pháp, đến rồi đi, có cái dùng được, có cái lỗi thời, phải bỏ.

Việc bình văn thơ theo lối dạy học, khen, chê, câu này hay, câu kia dở, nơi nào, thời nào cũng có, nhưng phê bình văn học như một khoa học về văn chương, là một sản phẩm của Tây phương, chủ yếu phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX.

Dĩ nhiên Đông phương cũng có Kim Thánh Thán (1660(?)-1661). Khi Thánh Thán chú giải thơ Đường[1], cách làm việc của ông chính là một hình thức phê bình. Trước hết, ông đưa ra những nhận xét tinh vi, xoáy về ý nghiã của một chữ, về lịch sử chữ đó, về bối cảnh xã hội bao quanh chữ đó, rồi mới phát hiện ra cái hay của chữ, trước, và của câu thơ và bài thơ, sau. Vậy có thể nói Thánh Thán là cha đẻ đường lối phê bình ngôn ngữ họctriết ngữ học, ở phương Đông. Cách phê bình của Thánh Thán ngày nay vẫn không bị lỗi thời bởi ông trực tiếp khám nghiệm thân xác và linh hồn của chữ. Phan Khôi trong Chương Dân thi thoại chịu ảnh hưởng của Thánh Thán.

Tại Việt Nam, phê bình được đưa vào với nền Tây học, đã phát triển khá mạnh thời điểm 1934-35, với những tên tuổi nổi tiếng như Lê Thanh, Thiếu Sơn, Hải Triều, Trương Tửu, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan… Ngày nay nhìn lại những tác phẩm của họ, phần lớn đều đã lỗi thời, nhưng vẫn có những điểm vượt qua được sự gạn lọc của thời gian và tồn tại.

Người ta thường chỉ đề cao Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan, tác giả Thi nhân Việt NamNhà văn hiện đại, là hai “ngôi sao sáng”, còn một số những tác giả có giá trị khác, như trường hợp Lê Thanh, bị bỏ quên, hoặc bị gạt ra ngoài lịch sử văn học trong một thời gian dài, như Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa.

Trương Tửu xuất hiện và nổi tiếng ngay từ 1935 với loạt bài trên tuần báo Loa, nhan đề Văn học Việt Nam hiện đại, trong đó ông đã phê bình Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Vàng và máu của Thế Lữ, và các tác phẩm của Lan Khai, Lưu Trọng Lư và Tam Lang[2]. Loạt bài này bị bỏ dở, nhưng đã cho thấy một khuynh hướng phê bình mới: khác với các lối phê bình luân lý, tiểu sử, giáo khoa, cảm tính… đang thịnh hành thời ấy, Trương Tửu đã sớm xác định phê bình là nghiên cứu phong cách nhà văn xây dựng tác phẩm và ông đã tìm thấy phong cách riêng của từng người.

Từ 1940 đến 1945, dưới tên Nguyễn Bách Khoa, Trương Tửu đi vào phê bình mác-xít và vận dụng chút ít phân tâm học của Freud, trong những tác phẩm Kinh Thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và truyện Kiều (1944), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1944), Văn chương truyện Kiều (1945).

Trong số những tác phẩm này, có lẽ chỉ Kinh Thi Việt Nam, sẽ còn trụ được lâu dài bởi khi vận dụng phương pháp mác-xít, Trương Tửu đã chứng minh được ca dao mà ông coi là Kinh Thi của Việt Nam, là hình thức cách mạng thường trực của người dân chống lại hệ thống quan lại và đạo đức khắt khe trong xã hội Khổng Mạnh.

Riêng các phần phê bình Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ qua tiểu sử tác giả và bằng phương pháp mác-xít, đối với thập niên 40, là tân kỳ, và ông cũng đưa ra những nhật xét mới lạ, gần như tàn nhẫn về con người Nguyễn Du qua phân tâm học. Nhưng ông đã lấy đấu tranh giai cấp làm căn bản, để phân tích xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, một cách không khoan nhượng. Lập luận này, ngày nay đã thấy lộ những nhược điểm không thể chối cãi được: Một là, vì chúng ta không biết rõ tiểu sử Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, và xã hội Việt Nam thời ấy như thế nào. Hai là, trong xã hội Việt Nam cũng không có sự đấu tranh giai cấp như xã hội Âu Châu, không có các tầng lớp “bóc lột” như hoàng gia, giáo hội, quý tộc, trưởng giả, v.v. Vì vậy, những gì Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa trình bày trong những sách này, chỉ là những giả tưởng về giai cấp, về cuộc đời Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, cốt sao cho phù hợp với quan điểm đấu tranh của ông mà thôi.

Còn về phân tâm học, Freud cũng chỉ dùng phương pháp phân tâm cho những người bệnh tâm thần hiện diện trước mắt, vì vậy không thể dùng phân tâm học để “phân tâm” Nguyễn Du, bởi vì chúng ta không đứng trước mặt Nguyễn Du, chúng ta không biết gì về ông, trừ vài dòng tiểu sử ghi trong Liệt truyện. Khi áp dụng vào phê bình văn học, Freud cũng chỉ dùng phân tâm để giải thích những giấc mơ và giải nghiã những đoạn văn bí mật, khó hiểu.

Phê bình phân tâm cũng như phê bình mác-xít, đã được các tác giả tôn vinh một thời và sử dụng như những phương pháp mới lạ: Hồ Xuân Hương cũng được nhiều người dùng phân tâm học để “phân tích” những “ẩn ức dục tính” của bà. Vấn đề ở đây vẫn là: Vì ta không đứng trước mặt Hồ Xuân Hương, chúng ta chưa xác định được Hồ Xuân Hương có thực hay không, Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký, không thể là tác giả những bài thơ oái oăm, dâm, tục. Tạ Trọng Hiệp đưa ra giả thuyết: có một hay nhiều ông đồ Nghệ cợt nhả làm những bài thơ này. Vậy ta không thể “phân tâm” một người mà ta chưa biết là ai, có hay không, đàn ông hay đàn bà, và gán cho họ những “ẩn ức dục tình, dâm đãng”…

Vấn đề Hồ Xuân Hương đã được Nguyễn Văn Trung phân tích từ năm 1978, trong bộ Lược khảo văn học, tập 3, một cách sâu sắc và toàn diện.

Tóm lại, hai phương pháp phê bình mác-xít và phân tâm, xuất hiện cuối thế kỷ XIX, có những giới hạn của nó, đòi hỏi sự thận trọng, khi vận dụng.

Trường hợp Lê Thanh, cho ta một kinh nghiệm khác, ông sử dụng lối phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve (1804-1869), được truyền vào Việt Nam qua bộ văn học sử Pháp của Lanson (1857-1934): Histoire de la littérature française, 1894 (Lịch sử văn học Pháp), mà hầu hết các nhà phê bình và nhà giáo Việt Nam đều chịu ảnh hưởng.

Lê Thanh cũng dùng phương pháp này, trong thời kỳ 1934-1935. Như trên đã nói, Lê Thanh không được mọi người chú ý như trường hợp Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Nhờ Lại Nguyên Ân sưu tầm tập Lê Thanh Nghiên cứu và phê bình văn học[3] mà chúng ta có cái nhìn toàn diện về công việc của Lê Thanh (1913-1944) trong buổi đầu của phê bình Việt Nam.

Lê Thanh, theo phương pháp phê bình lịch sử của Sainte-Beuve (sẽ nói đến trong một chương sau), trong những cuốn Thi sĩ Tản Đà (1939), Tú Mỡ (1942), Trương Vĩnh Ký (1943) ngoài việc phê bình thơ Tản Đà, Tú Mỡ, ông còn nghiên cứu kỹ về cuộc đời các tác giả, về xã hội Việt Nam. Chưa ai soạn thư mục Trương Vĩnh Ký đầy đủ như Lê Thanh. Đặc biệt cuốn Cuộc phỏng vấn các nhà văn (1943), ông tìm hiểu con người nhà văn bằng cách trực tiếp phỏng vấn những học giả, nhà văn cùng thời với ông như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Đào Duy Anh. Những bài phỏng vấn này đào sâu tâm lý, cách suy tưởng, lối làm việc và lối sống của nhà văn, là những tư liệu quý giá, ít có ở Việt Nam; bởi vì, khác với Tây phương, người Việt không chú ý đến việc ghi lại tiểu sử đầy đủ và đúng của nhà văn, thậm chí chúng ta không một cuốn sách nghiên cứu tiểu sử sâu sắc nào về một nhà văn lớn, từ trước đến giờ.

Tóm lại, phê bình đã có những thăng trầm, các khuynh hướng đến rồi bị đuổi đi, lối phê bình tiểu sử đã bị coi là lỗi thời, nhưng các tác phẩm của Lê Thanh sẽ còn tồn tại lâu dài, bởi ngoài việc phê bình, ông còn để lại những chân dung văn học đúng đắn và chi tiết của một số người cùng thời, qua đó ta có thể hiểu thêm được về đời sống văn học.

Nếu ngày nay các tác phẩm của Trương Tửu, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan đã ít nhiều bụi bậm, thì tác phẩm của Lê Thanh, một người gần như xa lạ đối với chúng ta, sẽ còn trụ lại như những tư liệu văn học quý giá cho hôm nay và mai sau.

Nói về Lê Thanh, chúng tôi không quên câu ông viết năm 1944, trước khi mất về bệnh lao:

Vào khoảng năm 1934, 35… trong văn học đã có một cái dịch phê bình; giở những tạp chí, những tờ báo xuất bản vào trong những năm ấy, ta thấy nhan nhản những bài phê bình […] một số nhà văn ta tưởng rằng phê bình dễ. Đọc một quyển sách, họ cứ việc khen chỗ này, chê chỗ kia, rồi muốn dài dòng thêm nữa, họ thêm: Ở trang 90, có một câu văn viết không đúng mẹo, ở một đoạn kia thiếu một cái phẩy…””[4]

Vấn đề Lê Thanh đề cập tới năm 1944, vẫn còn tồn tại đến bây giờ nhưng dưới một dạng thức khác: Nếu thời trước, Lê Thanh cho rằng cái “dịch phê bình” là người ta viết “phê bình” một cách ngẫu hứng “tức cảnh sinh tình”, thì ngày nay, cũng có nhiều người lấy phê bình làm một dạng phô trương “trí thức”, họ thường độn vào bài biết những danh từ to lớn, những luận thuyết thời thượng, những tên tuổi triết gia nổi cộm, mà dường như họ cũng không hiểu gì.

Bởi cái gì người ta cũng muốn biết, biết nhanh, biết gấp, cho nên, tất cả đều chớp nhoáng, đến độ chóng mặt. Nạn dịch này, không chỉ ở Việt Nam, mà đâu cũng có, nhà xã hội học Pháp Pierre Bourdieu, đã từng gọi là “dịch chữ mới” (novlangue) do sự toàn cầu hoá đem lại.

Đối với Việt Nam, còn có một lý do khác: Sau thời gian dài khép kín với thế giới Tây phương, đến thời đổi mới, kinh tế được mở cửa, hàng hoá ùa vào trong đó có cả văn chương.

Có hai sự kiện nổi bật, tiêu biểu cho lối tiếp thu quá nhanh theo “kinh tế thị trường”, đôi khi tai hại này:

1- Gần đây có cuốn sách đả phá Bakhtin khá ồn ào. Việc này thực ra chẳng cần nói, nhưng vì Ngô Tự Lập làm rùm beng trên các mạng, nên chúng tôi xin có vài lời giải thích với độc giả không chuyên, nhất là với những người mới tiếp cận với phê bình văn học:

Năm 2011, xuất hiện cuốn sách tựa đề Bakhtine démasqué: Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif (Bakhtine bị lột mạt nạ: Câu chuyện một kẻ man trá, một sự lừa đảo, và một sự hôn mê tập thể) của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota, thuộc đại học Genève, Thụy Sĩ.

Câu chuyện nguyên do như sau: Mihail Bakhtin (Pháp phiên âm là Mikhail Bakhtine) là nhà phê bình lớn vào bậc nhất của Nga, trong thế kỷ XX, trong thời kỳ ông còn bị chế độ Xô-viết cấm in sách (1925-1929), có bốn cuốn sách của ông phải in dưới tên mượn của hai người bạn và cũng là môn sinh của ông: Volochinov và Medvedev[5]. Hiện giờ, trong bản dịch tiếng Pháp, những sách này được in lại dưới tên Bakhtine, kèm theo tên Volochinov và Medvedev trong ngoặc. Việc này cũng không có gì đáng nói vì những tác phẩm chính của Bakhtin vẫn in tên Bakhtin mà thôi.

Cuốn sách Bakhtine démasqué, của Bronckart và Bota, với cái tựa “giật gân” như bom nổ, chắc muốn nhắm vào số đông người đọc hiếu kỳ, hy vọng sách sẽ bán chạy và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tiếc rằng Bakhtin không phải là một tác giả “bình dân”, “ăn khách”, đại đa số quần chúng không biết ông là ai, cho nên có “lột mặt nạ” ông cũng vô ích. Sách này ra được năm năm mà mới có hai bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giới văn học chân chính không mấy chú ý.

Chính cái tựa: Bakhtine bị lột mặt nạ: Câu chuyện một kẻ man trá, một sự lừa đảo, và một sự hôn mê tập thể đã có tính chất quá tải: đổ lên đầu Bakhtin tới ba tội: giả mạo bị lột mặt nạ, man trá, lừa đảo, và đổ lên đầu những người làm văn học là một lũ mê muội. Những chữ đao to búa lớn như thế, thích hợp với môi trường anh chị mà các học giả không quen dùng. Bởi vì, bất cứ việc nghiên cứu nào cũng phải lấy sự cẩn trọng của mình và sự tôn trọng người mình phê phán làm đầu, người nghiên cứu đích thực không kết án hồ đồ, cũng không mạ lỵ, trước khi chứng minh.

Hai tác giả người Thụy Sĩ này viết tiếng Pháp, để “chứng minh” Bakhtin “đạo văn” qua các bản dịch văn và lời nói của Bahktin từ tiếng Nga sang tiếng nước khác, vì họ không rành hay không biết tiếng Nga. Sự việc này chẳng khác nào một người Pháp “chứng minh” Nguyễn Du đạo văn qua một bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, với những lời tuyên bố của Nguyễn Du được dịch sang tiếng Pháp. Theo Serge Zenkine, những bản dịch này nhiều chỗ dịch sai, trái nghiã với lời nói và văn bản của Bakhtin.

Việc “lột mặt nạ” này không phải là hiếm trong lịch sử văn học Tây phương, người ta đã từng “chứng minh” Homère không phải Homère, Shakespeare không phải Shakespeare. Bakhtin cũng không qua khỏi cái nạn này.

2- Còn một trường hợp thứ hai nữa cũng khá tiêu biểu: Muốn biết nhanh, biết hết, người ta học trước cái ngọn mà không cần biết cái rễ: Lý thuyết Hậu Hiện Đại được một số người trình bày như một chân lý tân kỳ, có nhiệm vụ “chỉ đạo cho sáng tác”.

Tình trạng này đã làm rối loạn giới sáng tác, nhất là đối với các nhà văn trẻ có tài, mới bước vào đời văn, chưa hiểu rõ các quy luật sáng tạo, đã vấp phải bóng ma Hậu Hiện Đại, như một con khủng long có nhiều chân rết, mỗi người nắm một mảng mà không biết toàn thể nó thế nào. Con khủng long này gây áp lực gián tiếp, ép buộc người viết trẻ lúc nào cũng phải viết cho “mới” cho “hậu hiện đại”, khiến họ hoảng loạn, chùn bước, mỗi khi đặt bút, sợ mình viết không đủ “mới”, không đủ “hậu hiện đại”. Một số khác lại hiểu “hậu hiện đại” là sốc, là xếch, là dám viết những dâm ô, thô tục, dã man, tàn bạo, chưa ai viết, v.v.

Cần phải nói rõ rằng: các lý thuyết văn học phần lớn chỉ để tìm hiểu sáng tác chứ không chỉ đạo cho sáng tác. Sáng tác là việc làm cá nhân, cô đơn, không ai giống ai, không ai bắt chước ai, nếu có bắt chước cũng chỉ lúc đầu, sau phải tách rời thầy để làm nên sự nghiệp riêng của mình.

Những cái gọi là phong trào hay trường phái là do những người làm văn học, chủ yếu những người viết văn học sử, đặt tên để gọi những trào lưu đã xuất hiện trong khoảng thời gian nào đó, như trào lưu cổ điển, trào lưu lãng mạn, trào lưu siêu thực, trào lưu hiện thực… và mỗi trào lưu này, lại gắn bó với một tư tưởng triết học cùng thời. Nhà văn nhà thơ có thể đưa ra những bản tuyên ngôn hay quy luật sáng tác cho phong trào mà họ làm chủ soái, như Breton với siêu thực và Alain Robbe-Grillet với tiểu thuyết mới, tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy ước, với siêu thực là “sáng tác trong mơ, với tiểu thuyết mới là “truyện không có chuyện” và các tác giả trong cùng một trường phái cũng vẫn hoàn toàn sáng tác theo chủ ý của mình.

Hậu Hiện Đại là một triết thuyết của J.F. Lyotard, bàn về vấn đề số phận của tri thức trong thời kỳ tin học. Ra đời năm 1979, cho đến nay, nó chưa có một ảnh hưởng nào có thể gọi là thực tiễn trong sáng tác văn học. Bởi vì cuốn sách triết học này không chủ yếu nói về lý thuyết văn chương. Nhưng được đại học Mỹ thổi phồng trước tiên và sau đó nó chạy đi khắp thế giới như một cái “dịch”. Sở dĩ có hiện tượng này vì sau phong trào Hippies ở Mỹ và cuộc “cách mạng văn hoá 1968” ở Pháp, khiến de Gaulle, được coi là độc tài vì kiểm duyệt truyền thanh, truyền hình, phải từ chức, mọi người khát khao một lập thuyết mới, làm kim chỉ nam để xây dựng một “xã hợi mới”. Lyotard chủ trương phải đào thải những gì có tính cách kinh điển, như hệ thống triết học của Hegel, của Mác… để lập một “thế giới tự do và bình đẳng” hơn.

Triết thuyết của Lyotard chỉ nổi lên một thời như một cái mốt, và sau đó bị bỏ rơi ở Pháp (chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề Hậu Hiện Đại trong chương chót của cuốn sách này). Nhưng ảnh hưởng của nó đã đi quá xa, sang Mỹ, sang Nga, đến nước ta, và đi vào mọi ngõ ngách, chỗ nào cũng thấy hơi hướm hậu hiện đại, thậm chí có những bài phê bình đem cả các tác giả từ Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, v.v. vào danh sách hậu hiện đại!

Đó cũng là hậu quả của việc thiếu ý thức phê bình, khiến chúng ta nhắm mắt tiếp nhận những lý thuyết mới của nước ngoài mà không đào sâu, phân tích và tìm hiểu đến nơi đến chốn.

Kinh nghiệm trên đây, giúp chúng ta thận trọng hơn trong việc phê bình: Nên học từ gốc chứ không từ ngọn. Nếu chưa biết rõ lịch sử tiến hoá của phê bình, thì khó có thể hiểu và tiếp nhận những lý thuyết mới một cách khách quan, có ý thức. Vì vậy việc tìm hiểu tiến trình phê bình của thế kỷ XX là cần thiết.

Cách đây gần 50 năm, một cái nhìn đại cương về phê bình thế giới, đã được giáo sư Nguyễn Văn Trung trình bày trong bộ Lược khảo văn học, tập 3, tựa đề Nghiên cứu và phê bình văn học[6]. Bộ sách này cho đến nay vẫn là tác phẩm giá trị giới thiệu những phương pháp mới của phê bình văn học thế giới vào Việt Nam. Nhưng sách của Nguyễn Văn Trung viết từ những năm 1966-67, cho nên chưa đề cập đến những trường phái phê bình lớn của Nga và của Đức, mà thập niên 60, vẫn chưa được thế giới bên ngoài biết đến.

Chúng tôi muốn tiếp nối công việc của bậc đàn anh, với chủ đích giúp độc giả, nhất là sinh viên ban văn chương trong nước ngày nay, có một cái nhìn sâu rộng hơn về phê bình văn học thế giới trong thế kỷ qua, để tạo một nền tảng vững chắc cho mình, trước khi tìm đến những lý thuyết mới trong thế kỷ XXI; và cũng để đáp ứng nhu cầu của một số bạn đọc chuyên nghiệp, muốn biết thêm về nền phê bình thế kỷ XX, nhưng chưa có điều kiện tiếp cận.

Đây chỉ là những nét phác đầu tiên, với những thiếu sót hiển nhiên, hy vọng trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu khác, đầy đủ và đào sâu hơn.

Chúng tôi đã bắt đầu công việc từ năm 2005, với loạt bài đọc trên chương trình Văn học Nghệ thuật đài RFI. Năm 2012 ghi lại trên mạng. Hôm nay, chúng tôi tập hợp những bài này, viết lại, bổ sung những chương mới và hệ thống hoá thành sách, gửi đến các bạn trẻ.

Nền phê bình văn học của chúng ta chỉ có thể phát triển được trên một quá khứ đã được soi sáng, không chỉ quá khứ phê bình “nước mình” mà cả quá khứ phê bình thế giới. Để mượn lời bà De Staël: “Một nền văn chương không có quá khứ, không phải là văn chương đích thực”, chúng tôi muốn nói: Một nền phê bình không có quá khứ, chưa phải là phê bình.

Paris, ngày 1/4/2016

Thụy Khuê


[1]Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường”, Trần Trọng San biên dịch, Tủ sách Đại học Tổng hợp tpHCM, 1990.

[2] Trên báo Loa, từ số 75 ra ngày 25/7/1935 đến số 86, ra ngày 10/10/1935.

[3] Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

[4] Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, t. 311-312.

[5] Đó là: Chủ nghiã Freud (Le Freudisme, 1925) và Chủ nghiã Mác và triết lý ngôn ngữ (Marxisme et philosophie du language, 1929), in dưới tên Volochinov và cuốn Phương pháp hình thức trong khoa học văn chương (La Méthode Formelle en science de la littératue, 1929) và Thi học xã hội nhập môn (Introduction à la poétique sociologique, 1928) dưới tên Medvedev. Thông tin này ghi trong Từ điển bách khoa văn chương của Pháp.

[6] Nam Sơn xuất bản tại Sài Gòn, 1968. Xuân Thu tái bản tại California, 1990.

Comments are closed.