Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 16)

Thụy Khuê

Chương 10

Phê bình bác ngữ học Đức

(Bài 1)

I- Đại cương

Gundolf và Curtius

Nếu nước Nga là cái nôi của trường phái Hình thức và Bakhtin, thì nước Đức là quê hương của nền phê bình Bác ngữ học (Philologie).

Vào khoảng 1915, một số nhà bác ngữ học (philologue) người Đức chủ trương khảo sát văn chương Âu Châu như một khối văn học toàn diện, có nguồn gốc tiếng La-tinh, từ thời cổ La-Hy đến ngày nay, không phân chia ranh giới quốc gia. Nhóm này được gọi là Philologie romane – Bác ngữ học những tiếng có nguồn gốc La-tinh hay Bác ngữ học Rô-man.

Từ năm 1915, khuynh hướng phê bình bác ngữ học Rô-man đã quy tụ một số nhà nghiên cứu tên tuổi có kiến thức bách khoa, hoạt động trong lòng các đại học Đức như: Friedrich Gundolf (1881-1931), Ernst-Robert Curtius (1886-1956), Léo Spitzer (1887-1960) và Erich Auerbach (1892-1957).

Phát triển cùng thời với trường phái Hình thức Nga và Bakhtin, trường phái Bác ngữ học Đức là một trong những khuynh hướng nền tảng đầu tiên của nền phê bình hiện đại.

Chương 10 này, dành cho Phê bình bác ngữ học Đức, vì vậy, sẽ chia làm ba phần:

Phần I, gồm ba chủ đề: A/ Đại cương. B/ Gundolf. C/ Curtius.

Phần II, dành riêng cho Léo Spitzer.

Và phần III viết về Erich Auerbach.

A -Đại cương

Nước Đức, cái nôi của bác ngữ học

Trong chương 6, bài 1, về Ngôn Ngữ Học, chúng tôi đã nói sơ lược về tiến trình lịch sử của Ngôn ngữ học, trong đó có Bác ngữ học, nay xin nhắc lại lời Saussure trong Giáo Trình Ngôn Ngữ Học Đại Cương xác định lịch sử, vị trí và định nghiã Bác ngữ học trong lòng Ngôn ngữ học như sau:

Khoa học được hình thành xung quanh những dữ kiện của tiếng nói, đã trải qua ba giai đoạn liên tiếp trước khi nhận biết đối tượng duy nhất và thực thụ của nó.

Người ta đã bắt đầu làm cái mà người ta gọi là văn phạm. Sự khảo sát này, do người Hy Lạp mở đầu và người Pháp chủ yếu tiếp nối, đã xây dựng trên luận lý học […] Văn phạm chỉ nhắm vào việc đưa ra những lề luật để phân biệt những hình thức (viết) đúng và những hình thức (viết) sai, đó là một môn học có tính chất quy phạm, rất xa với sự quan sát thuần tuý, vì vậy mà quan niệm này tất nhiên là hạn hẹp.

Sau đó là sự xuất hiện của bác ngữ học. Đã có một trường phái bác ngữ học ở Alexandrie. Nhưng từ này được dùng, trước hết, để chỉ khuynh hướng khoa học do Friedrich August Wolf chủ xướng bắt đầu từ năm 1777[1] và còn hiện diện tới ngày nay.

Tiếng nói không phải là đối tượng duy nhất của bác ngữ học, môn học này, trước hết, muốn quy định, giải thích và phê bình văn bản. Sự khảo sát đầu tiên này dẫn tới sự quan tâm cả đến lịch sử văn học, phong hoá, thể chế, v.v.

Bác ngữ học có một phương pháp riêng, là phê bình, dùng cho mọi địa hạt […]

Thời kỳ thứ ba, bắt đầu khi người ta khám phá ra rằng: có thể so sánh những tiếng nói với nhau. Và đó là nguồn gốc của bác ngữ học so sánh còn gọi là văn phạm so sánh.

Năm 1816, trong tác phẩm tựa đề Hệ thống chia động từ trong tiếng Phạn (Système de la conjugaison du sanscrit), Franz Bopp khảo sát những mối liên hệ giữa tiếng Phạn với tiếng Nhật Nhĩ Man[2], tiếng Hy Lạp, tiếng La-tinh, v.v. Bopp không phải là người đầu tiên nhận thấy những sự tương tự này và chấp nhận rằng tất cả mọi thứ tiếng cùng phát xuất từ chung một gia đình; điều đó đã được làm trước ông, chủ yếu là nhà Đông phương học người Anh, W. Jones (1746-1794) […]

Vậy Bopp không phải là người có công khám phá ra tiếng Phạn có họ hàng với một số thổ âm (idiome) ở Âu Châu và Á Châu, nhưng ông đã hiểu rằng những liên hệ giữa những thứ tiếng có họ hàng với nhau có thể là chất liệu để hình thành một ngành khoa học độc lập. Soi sáng một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, giải thích hình thức của một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, đó là những điểm, cho tới bấy giờ, chưa ai làm.[3]

Tóm lại, Saussure đã xác định một số điểm:

– Sự liên hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ học và bác ngữ học.

– Ngôn ngữ học có đối tượng là tiếng nói và bác ngữ học có đối tượng là văn bản.

– Tiếng Phạn là nguồn gốc tiếng Hy-Lạp và La-tinh. Tiếng La-tinh là nguồn gốc nhiều thứ tiếng ở Âu châu. Sự kiện họ hàng này dẫn đến sự cần thiết một khoa văn học so sánh.

– Sự khảo sát tiếng nói và văn bản, cần phải kinh qua giai đoạn, như lời Saussure là “soi sáng một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, giải thích hình thức của một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, vì vậy, phương pháp so sánh trở thành một trong những phương pháp hữu hiệu để phân tích văn học.

Saussure nêu danh một số tác giả, tác phẩm nền tảng cho nền bác ngữ học so sánh, đều là người Đức, như:

– Jacob Grimn (1785-1863) và bộ sách Văn phạm Nhật Nhĩ Man (Deutsche grammatik) in năm 1822, được coi là người xây dựng nền móng Bác ngữ học Đức.

– Wilhelm G. Grimn (1786- 1859), là em Jacob. Hai anh em Grimn sưu tầm thần thoại Nhật Nhĩ Man, in trong Truyện thần thoại của trẻ em và gia đình (Contes d’enfants et du foyer).

– Franz Bopp (1791-1867) ngoài cuốn Hệ thống chia động từ trong tiếng Phạn còn viết cuốn Văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Âu (Grammaire comparée des langues Indo-Européennes), 1833-1852, được xem là nguồn gốc của Ngữ học so sánh.

Trong khuynh hướng so sánh, ba người đặc biệt có đóng góp lớn:

– Max Muller (1823-1900), học trò của Bopp, cổ động cho phương pháp so sánh trong cuốn Những bài học về khoa ngôn ngữ (Leçons sur la science du langage), 1861.

– Georg Curtius (1820-1885), thầy dạy Saussure, tác giả Những nguyên tắc từ nguyên Hy-Lạp (Principes d’étymologie grecque), 1879, là người có công hoà hợp Văn phạm so sánh với Bác ngữ học cổ điển.

– August Schleicher (1821-1862), chuyên về Văn phạm so sánh, tác giả cuốn Yếu lược văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Nhật Nhĩ Man (Abrégé de grammaire comparée des langues Indo-Germaniques), 1861. Schleicher muốn tái thiết ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy, tác phẩm của ông phản ánh diện mạo trường phái so sánh trong giai đoạn đầu của nền ngữ học Ấn-Âu.

Nhưng trường phái So sánh chỉ giới hạn trong sự nghiên cứu và so sánh ngôn ngữ Ấn-Âu, là những tiếng nói thời thượng cổ, quá xa vời, không đưa đến những kết quả thực tiễn cho nền văn học Âu Châu, thoát thai từ tiếng La-tinh, gần với chúng ta hơn. Do đó, phải cần có một nền bác ngữ học khảo sát những nền văn học phát xuất từ ngữ tự La-tinh. Trường phái bác ngữ học Đức, trong thế kỷ XX, đã đáp ứng đúng những đòi hỏi này.

Trường phái bác ngữ học Đức

Nhóm Bác ngữ học Rô-man (Philologie romane) gồm những nhà bác ngữ học khảo sát những thứ tiếng có nguồn gốc La-tinh, như trên đã nói, bắt đầu hoạt động khoảng 1915, nhưng sau đó, khi Hitler lên cầm quyền, họ cũng chịu chung số phận như những nhà hình thức Nga dưới thời Staline: một số nhà bác ngữ học Đức cũng phải sống lưu vong. Từ 1933, khi chủ nghĩa Đức Quốc Xã phát triển, Spitzer và Auerbach phải trốn ra ngoại quốc, viết những tác phẩm chủ yếu ở nước ngoài. Chống lại chính sách dân tộc cực đoan của Hitler, họ muốn xây dựng một Âu Châu đoàn kết toàn diện trong tương quan liên đới và phổ quát của ngôn ngữ văn chương.

Khi chính quyền Đức Quốc Xã chủ trương xâm chiếm các nước láng giềng, đặc biệt là Pháp, thì các nhà phê bình Đức đem văn học Pháp ra làm đối tượng nghiên cứu ưu tiên. Tinh thần đoàn kết Âu Châu mà họ mở ra từ đầu thế kỷ XX, trước hai thế chiến, sẽ được Âu Châu – sau hai thế chiến – hưởng ứng triệt để. Đại chiến thứ hai chấm dứt, mọi người dường như đã nhìn ra và chấp nhận nguyên tắc xây dựng một Âu Châu hợp nhất trong tình đoàn kết để phát triển. Có thể nói: tinh thần Âu Châu văn học là một khối “thịnh vượng chung” đã được các nhà phê bình trong nhóm Bác ngữ học Rô-man phát triển trước, Âu Châu kinh tế và Âu Châu chính trị đến sau. “Cộng đồng Âu Châu” và đồng Euro hợp nhất ngày nay, là hoa trái của một quan niệm khởi đi từ đầu thế kỷ XX, do các nhà phê bình Đức đề ra để khảo sát văn bản và ngôn ngữ các dân tộc Âu Châu như một toàn thể hợp nhất, sinh ra từ tiếng mẹ La-tinh.

Về mặt phương pháp, điểm khác biệt cơ bản giữa trường phái Nga và trường phái Đức là nếu những nhà hình thức Nga chuyên về khảo sát văn bản và gạt tác giả sang một bên, thì những nhà bác ngữ học Đức đi từ văn bản để tìm hiểu tác giả, tìm hiểu xã hội và thời đại lịch sử mà tác giả đã sống. Có thể nói trường phái Đức, dù hoàn toàn cách biệt với các nhà phê bình Nga, nhưng về phương pháp, tình cờ, vẫn là sự hợp nhất giữa trường phái hình thức Nga và phong cách Bakhtin.

Đến đây, cần phải xác định lại một lần nữa: bác ngữ học là gì?

Bác ngữ học là khoa nghiên cứu văn bản bao gồm phê bình, tìm hiểu nguồn cội chữ, lịch sử chữ, và mối tương quan của văn bản ấy đối với toàn bộ nền văn minh đang được khảo sát. Philologie romane là khoa nghiên cứu những ngôn ngữ có nguồn gốc La-tinh. Một chủ trương khảo sát toàn diện nền văn học Âu Châu như vậy, giải quyết nhiều vấn đề trong nghiên cứu và rọi những ánh sáng mới cho phê bình.

Hai khái niệm văn học so sánh (littérature comparée) và liên văn bản (intertextualité) tuy đã xuất hiện từ trước, thuật ngữ liên văn bản đã được Bakhtin sử dụng, nhưng chính nhờ những khám phá và thực hành cụ thể của trường phái bác ngữ học Đức, đặc biệt phong cách phê bình của Auerbach trong cuốn Mimésis, in năm 1946, mà người đọc thấy rõ lợi thế của việc so sánhkết hợp các mối liên hệ giữa các văn bản xuất hiện ở các thời điểm khác nhau, nhưng cùng có chung một nguồn gốc văn minh.

Nhân chủng học cấu trúc của Lévi-Strauss cũng chứng minh điều quan trọng là xây dựng các liên hệ nối kết chủng tộc, con người, ngôn ngữ… Khi tìm ra được các mối liên hệ là chúng ta đã giải quyết được phần lớn của vấn đề. Nói dễ hiểu hơn: chúng ta không ở trên trời rơi xuống, và cũng không ai tự sáng tác ra tất cả những điều mình viết. Những điều chúng ta biết và viết, phát xuất từ một nguồn gốc nào đó, và chính cái nguồn gốc ấy đã trợ giúp cho chúng ta nảy sinh ra các tư tưởng mới, đến sau. Ví dụ, nếu không có Homère, thì khó có thể có một nền văn chương Âu Châu cường thịnh và vô tận, rút ra từ những truyền thuyết trong OdysséeIliade, do Homère kể lại. Nhưng Homère cũng lại khởi đi từ những truyền thuyết mẹ, mà ông đã học được của người đi trước, v.v.

Sự khảo sát những sợi dây chuyền trong tư tưởng của nhân loại là đối tượng của khoa học liên văn bản khởi đi từ Bakhtin và Auerbach.

Vậy trước khi đi xa hơn, chúng tôi muốn dừng lại ở khái niệm mấu chốt được gọi là liên văn bản, mà ngày nay, người ta thường sử dụng, coi như một khám phá mới và không nói rõ nguồn cội. Thực ra, khái niệm này đã được Bakhtin nói đến, và Auerbach sử dụng trong phương pháp phê bình của ông, rồi Gérard Genette một trong người đi sau nối tiếp phát triển thành lý thuyết.

Gérard Genette phát triển Liên văn bản ở Pháp

Trong số các nhà phê bình lớp sau, Gérard Genette, được coi là chủ soái một phương pháp thi học mới ở Pháp gọi là Liên văn bản (L’intertextualité). Genette viết cuốn Nguyên cảo (Palimpsestes) in năm 1982. Palimpseste nghiã là: “Nguyên cảo viết trên tấm da đã chùi chữ cũ để viết chữ mới. Genette đã dùng hình ảnh này để tượng trưng sự kiện: tác phẩm nào cũng được “viết đi viết lại, tức là người đi sau chỉ viết lại những gì người đi trước đã viết, trong một ngôn ngữ mới, và đó là đối tượng nghiên cứu của ngành Liên văn bản học.

Nguyên cảo là tác phẩm chính của ông, Genette tiếp tục phát triển con đường mà Auerbach đã khai phá, thành một phương pháp khảo sát văn bản, được ông gọi là xuyên văn bản (transtextualité) thuật ngữ này dùng để chỉ tất cả những mối liên hệ giữa một văn bản với các văn bản khác. Gérard Genette liệt kê 5 loại liên hệ:

– Liên văn bản (L’intertextualité): là sự hiện diện một văn bản trong một văn bản khác.

Cận văn bản (La paratextualité): là mối liên hệ giữa văn bản đang khảo sát với những yếu tố phụ thuộc như: tên sách, bài tựa, chú thích, lời đề ở đầu sách, tranh ảnh đi kèm, lời kinh, cầu xuất hiện trong sách và điểm chủ yếu làm cho văn bản tác động đến độc giả.

Siêu văn bản (La métatextualité) hay văn bản của văn bản: là sự phê bình văn bản bằng một văn bản khác.

Kiến trúc văn bản (L’architextualité): gồm toàn bộ yếu tố xác định chủ đề, hình thái, phương thức, liên quan đến thể loại của văn bản. Kiến trúc văn bản lấy từ khái niệm kiến trúc chủ âm (formes architectoniques) của Bakhtin. Theo Genette, kiến trúc văn bản là đối tượng cố hữu của thi pháp học.

Khuếch trương văn bản (L’hypertextualité): chỉ tất cả những liên hệ nối liền giữa văn bản A, sinh sau, được gọi là hypertexte – hậu bản – với văn bản B xuất hiện trước nó, được gọi là hypotexte – tiền bản: Ví dụ L’EnéideUlysse là hai “hậu bản” của cùng một “tiền bản” L’Odyssée. Kiều Nguyễn Du là hậu bản của tiền bản Kiều Thanh Tâm Tài Nhân, v.v.

Gérard Genette trong Palimpsestes đã có công đào sâu và mở rộng phạm vi nghiên cứu phê bình sang các vùng đất liên quan trước, sau, gần cận trong, ngoài với một tác phẩm.

Nếu ở Á Châu có một trường phái nghiên cứu văn học các ngôn ngữ có nguồn gốc chữ Hán, gồm các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, thì chúng ta sẽ tìm thấy biết bao nhiêu mối tương quan đặc biệt lý thú. Ví dụ người ta sẽ không mất thì giờ đặt những câu hỏi đại loại: tại sao Nguyễn Du lại “viết lại” truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân? Tại sao những hình tượng trong thơ cổ điển của chúng ta lại mang khí hậu, phong thổ nước Tàu? Bởi nếu nhìn toàn bộ các nền văn học ở Á Châu có nguồn gốc chữ Hán như một toàn khối, ta sẽ thấy việc Nguyễn Du sử dụng truyện Kiều, hoặc dùng các hình tượng văn học Trung Hoa là điều tất yếu vì cùng một gốc văn hóa, giống hệt như người Âu Châu sử dụng các “tích” trong Thánh Kinh, các “truyện” trong OdysséeIliade

Hiện tượng trùng hợp này, là một thực tế văn học cần khảo sát hơn là chê bai, miệt thị mà một số “học giả” người Tàu đã làm. Mối tương quan văn bản giữa Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân là một đề tài nghiên cứu liên văn bản rất lý thú. Chúng ta không có gì phải “cải chính”, cũng không có gì phải mặc cảm, và cũng chẳng cần phải trả lời những câu hỏi mỉa mai của một số ngòi bút “nghiên cứu” Trung Hoa, vì dốt đã hoạnh họe tại sao Nguyễn Du không “sáng tác” cốt truyện mới mà lại “dịch” một cuốn tiểu thuyết tầm thường của Tàu. Thực ra, Nguyễn Du chỉ lấy lại một cốt truyện có sẵn trong văn chương và lịch sử Trung Hoa để hình thành một kiệt tác thi ca bằng tiếng Việt. Ngoài ra, cả văn bản Nguyễn Du lẫn văn bản Thanh Tâm Tài Nhân cũng chỉ là “hậu bản” của một “tiền bản” truyện Kiều đã có trong lịch sử Trung Hoa.

Khi nghiên cứu tác phẩm của Murasaki, Kawabata, chúng tôi cũng tìm thấy nhiều hình tượng nghệ thuật giống như trong Trương Chi, Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán của ta. Và đó cũng là điều tất nhiên, bởi tiếng Việt và tiếng Nhật cùng phát xuất từ nguồn chữ Hán.

Tóm lại, sự khảo sát những yếu tố nhất quán của một toàn cảnh văn học cùng một nguồn gốc văn minh, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Đó là tinh thần chủ yếu của trường phái bác ngữ học Đức.

B- Friedrich Gundolf

Friedrich Gundolf (1880-1931) là con một giáo sư đại học về toán, ông đã theo ban triết và văn chương ở các Đại học Berlin, Heidelberg và Munich. Năm 1911, Gundolf cho xuất bản tác phẩm phê bình quan trọng đầu tiên của ông tựa đề: Shakespeare và tinh thần Đức (Shakespeare et l’esprit allemand). Năm 1916, cho in cuốn Goethe và năm 1924, ra đời cuốn César, lịch sử và huyền thoại (César, histoire et légende). Gundolf là một trong những cây bút cột trụ, đã có ảnh hưởng không những đến giới phê bình Đức mà còn tới cả những nhà phê bình ý thức ở Genève như Marcel Raymond và Georges Poulet.

Gundolf coi tác phẩm thơ như điểm nối kết giữa cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ. Theo ông, thơ là tấm gương phản chiếu cuộc đời của thi sĩ, là nguồn cội có thể rút ra tiểu sử cao siêu, đích thực và sâu kín nhất của nhà thơ.

Gundolf đặc biệt chú ý đến tính nhất quán của người sáng tạo xuyên qua các tác phẩm nghệ thuật: nhất quán tinh thần và nhất quán thể xác hiện ra trong tác phẩm vừa như một dòng chảy vừa như một hình thái nghệ thuật. Gundolf cho rằng người nghệ sĩ sống trong một khối cầu khác hẳn người không phải là nghệ sĩ. Những người không phải là nghệ sĩ cứ tưởng là Shakespeare bắt chước thực tại, thực ra “nghệ thuật chẳng bắt chước đời sống mà cũng chẳng phải là trực giác của đời sống; nghệ thuật là một hình thức nguyên khai của đời sống, nó không vay mượn những lệ luật tôn giáo, đạo đức, khoa học nhà nước, hay tất cả những hình thức đầu tiên hay thứ yếu khác.

Theo Gundolf, hiểu Goethe, có nghiã là đã “sống lại toàn thể, trước khi xếp loại những tác phẩm của Goethe và không thể coi những tác phẩm này như những lời tâm sự của Goethe. Người phê bình là một thứ “sử gia văn hoá”, đã có chất liệu, là tư tưởng, là người sáng tác và cuộc đời, thông qua ngôn ngữ của tác giả. Vậy, một “sử gia văn chương có bổn phận phải giải thích bằng lời cái tư tưởng mà Goethe diễn tả bằng hình ảnh. Cho nên, một hình ảnh vô cùng nhỏ của một nhà thơ lớn cũng quý giá như một sinh vật cực nhỏ qua lăng kính của một nhà khoa học lớn.

Ernst-Robert Curtius

Curtius (1886-1956) là nhà phê bình thực sự đề cao và khảo sát nền văn chương Âu châu có nguồn gốc La-tinh, theo phương pháp bác ngữ học. Curtius cùng với Spitzer và Auerbach là ba nhà phê bình lớn nhất của Đức trong thế kỷ XX.

Thân Pháp và cực lực chống chế độ Đức Quốc Xã, từ 1933 đến 1945, Curtius không in một cuốn sách nào. Hơn nửa sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ của ông viết về văn chương Pháp, nghiên cứu các tác giả Pháp như: Ferdinand Brunetières, Maurice Barrès, Balzac, Proust, Valéry Larbaud, Charles Du Bos, Aragon, André Gide; phần còn lại dành cho Âu Châu. Curtius chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan bằng nhiều cách: Ông nghiên cứu kỹ càng nền văn chương Pháp; tìm hiểu bối cảnh văn hóa Đức trong lòng văn minh Âu Châu; và đề cao nền văn chương viết bằng tiếng La-tinh thời Trung Cổ.

Nền tảng phương pháp nghiên cứu của Curtius được trình bày trong cuốn Văn chương Âu Châu và thời Trung Cổ La-tinh (La littérature européenne et le Moyen Âge latin) in lần đầu năm 1948; năm 1954 tái bản và 1956 dịch sang tiếng Pháp[4]. Tác phẩm có chỗ đứng đặc biệt trong sự nghiệp trước tác đồ sộ của Curtius, gồm 18 tác phẩm, 6 dịch phẩm, trong đó có ba cuốn dịch André Gide và hàng trăm bài viết, không kể 6 tập trao đổi thư từ về văn học là những tài liệu bên lề, xác định đường hướng tư tưởng của nhà bác học này.

Văn chương Âu Châu và thời Trung Cổ La-tinh được coi như một kiệt tác, là một công trình gồm hơn 30 bài, viết rải rác từ 1932 đến 1952, trong điều kiện thiếu tư liệu dưới thời Đức Quốc Xã và chiến tranh. In năm 1948, Văn chương Âu Châu và thời Trung Cổ La-tinh, là kết quả của gần 20 năm làm việc và tìm kiếm. Chủ đích của tác giả là vượt qua biên giới văn chương quốc gia, để tiến tới sự hợp nhất văn chương Âu châu. Theo ông, sự nhất quán này có từ cuối Đế quốc La Mã tới thế kỷ XVI-XVII.

Đối với Curtius, Văn chương Âu Châu phải được coi như một toàn thể nhất quán. Lịch sử văn học thông thường chỉ cho ta cái nhìn liệt kê bề mặt của nền văn chương này. Muốn tìm hiểu sâu xa sự nhất quán này, phải xuyên sâu và tận dụng cả hai phương pháp: bác ngữ học và văn sử học. Nhưng lối khảo sát văn chương như thế, chưa có ở đại học (thời đó) vì thế phải sáng tạo ra.

Điều mà Curtius gọi là lịch sử, không phải là thứ lịch sử Âu Châu mà người ta phân chia từng mảng theo không gian và thời gian. Đối với Curtius, nếu ta coi Âu Châu và văn chương Âu Châu xuất phát từ hai nền văn minh thượng cổ Địa Trung Hải và Tây Phương hiện đại, thì phải chấp nhận rằng: cho tới thời Trung cổ, toàn bộ nền văn chương này được viết bằng tiếng La-tinh: và như vậy, về 26 thế kỷ văn chương Âu Châu, từ Homère tới Goethe, người ta chỉ biết độ khoảng 6, 7 thế kỷ; và đã bỏ qua ít nhất khoảng 10 thế kỷ thuộc thời Trung cổ La-tinh. Tuy vậy, theo Curtius, văn chương quá khứ vẫn hiện diện, mặc thời gian chia cắt, vẫn giao thoa với hiện tại: Nghìn lẻ một đêm và Calderon[5] giao tiếp với Hofmannsthal[6]. L’Odyssée truyền tới Joyce, Eschyle, Petron, Dante, Tristan Corbière. Sự huyền bí Tây Ban Nha nhập vào T.S. Eliot. Những cách diễn đạt cũng thế: các thể loại, vần, đoạn, hình thức, chủ đề, phương pháp và nhân vật cũng “sống lại trong nhau” như vậy. Tác phẩm cuối cùng và cũng là tác phẩm hay nhất của Gide là một Thésée[7].

Thế giới xưa không ngừng xâm nhập vào thế giới nay, vậy cần gì phải chia cắt hai thế giới này. Dưới bề mặt chia cách sâu xa là sự tiếp nối liên tục: cho nên khi nghiên cứu, khảo sát văn chương, ta cần và phải di động tự do trong không gian và thời gian. Văn chương La-tinh phải được coi là sự đóng góp quý giá của La Mã vào nền văn minh Trung cổ Âu châu.

Phương pháp dùng để khảo sát toàn bộ nền văn chương này phải là phương pháp vi mô và vĩ mô. Phải “quan sát” trước tiên, nghĩa là “đọc thật nhiều” để tìm thấy những dữ kiện có ý nghĩa. Khi tìm ra một hiện tượng hay một dữ kiện có thể tách rời sang một bên là ta đã bắt đầu “thấy”. Kỹ thuật hiển vi áp dụng vào bác ngữ học sẽ cho phép ta khám phá, trong những văn bản khác nguồn, những yếu tố cấu trúc đồng nhất, có thể coi như là bất biến trong văn chương Âu Châu. Điều đó chứng minh là có một lý thuyết và một lối thực hành phổ quát trong cách thể hiện văn chương Âu Châu.

Curtius chứng minh sự nhất quán sâu xa của nền văn học Âu Châu này nằm trong tiếng La-tinh: tiếng La-tinh đã là ngôn ngữ văn hóa trải dài trong 13 thế kỷ, từ Virgile đến Dante (tương tự như nền văn hoá Á Đông đến đầu thế kỷ XX vẫn dùng chữ Hán). Nền văn chương Âu Châu trong giai đoạn La-tinh, đã vượt trên biên giới quốc gia, và nó đã nhất quán từ sau khi đế quốc La Mã sụp đổ cho đến thế kỷ XVI, XVII, ít nhất trong ba lãnh vực:

1/ Nhất quán về ngôn ngữ: tiếng La-tinh.

2/ Nhất quán về nguồn gốc: văn chương Hy-La.

3/ Nhất quán về cảm hứng.

Curtius trình bày những nét đặc thù trong các khuynh hướng văn chương Âu Châu và làm nổi bật những mối tương quan mật thiết giữa văn học Trung cổ (Moyen Âge) và văn học La-Hy (Antique), ông đặc biệt chú ý đến sự biến chuyển tư tưởng La-Hy trong thời kỳ Thiên Chúa Giáo. Tác phẩm, mặc dù tụ họp tất cả những yếu tố lịch sử văn học, nhưng vượt trên tính chất văn học sử của thời kỳ La tinh-Trung cổ, với nhiều quan điểm đặc thù, nhiều sự khám phá lại những tác giả, tác phẩm bị bỏ quên, đưa ra một cái nhìn rất mới về các thời kỳ văn học được ông khảo sát.

Curtius cho rằng: mục đích tối hậu của một nhà phê bình là phải phục hồi tính nhất quán của một tác phẩm, của một thời kỳ, của một nền văn học, bằng cách sống với nó, bằng cách luôn luôn nghĩ đến nó, và yêu thích nó. Đó là sự đòi hỏi của tâm hồn, vừa mạnh mẽ, vừa u tối, vừa bí mật vừa sâu xa, nó kích thích ta, làm ta vượt lên trên những hoạt động khác.

Trong tập Tiểu luận phê bình văn chương Âu châu (Essais critiques sur la littérature européenne) in ở Berne, Đức, năm 1950 và 1955, Curtius đề cập đến ba nhà văn lớn: Virgile, Goethe và Balzac. Theo ông, phải rút hẳn Virgile ra khỏi bàn tay những nhà giáo, và nếu muốn đọc và hiểu Virgile theo đúng giá trị của văn hào này thì phải bỏ hết những quan niệm đọc có sẵn, phải đưa Virgile ra khỏi những quan niệm phê bình lỗi thời dựa trên đặc trưng “thiên tài”. Bàn về phê bình của Goethe, ông cho rằng cái lớn lao của nền phê bình Đức trong khoảng 1750-1830, là nó đã hiểu và làm nổi bật toàn bộ truyền thống Âu Châu.

Nếu triết học là “tư tưởng của tư tưởng”, phê bình là “trí tuệ của trí tuệ”, theo Schlegel, thì Curtius cho rằng phê bình là “văn chương của văn chương”.

Đối với Balzac, Curtius có một cảm tình đặc biệt. Hoàn toàn bị “Balzac lôi cuốn”, ông cho rằng, tác phẩm của Balzac hiện ra tính “nhất quán phi thường”. Phải sửa lại những bất công đối với Balzac, lâu nay vẫn được giới phê bình coi như một “thiên tài lực lưỡng, phàm tục”, không tế nhị về tâm lý và không có văn phong đặc biệt. Curtius quả quyết rằng khi đã xâm nhập được vào “cái cao cả vô cùng” của Balzac rồi, ta sẽ thấy tác phẩm của văn hào này là một vũ trụ có cấu trúc đặc biệt cần phải khảo sát. Cái bí mật trong vũ trụ đó nằm trong thời thơ ấu của nhà văn.

Có thể nói: Cấu trúc, tính nhất quán bí mật là ba yếu tố chính trong phê bình của Curtius. Theo ông, nhà phê bình không cần tìm cách giải mã những bí mật trong tác phẩm mà nên chấp nhận nó, thẩm thấu nó, hấp thụ nó, “âu yếm nhìn nó” và Curtius đã áp dụng cách nhìn “âu yếm” này khi ông đọc các nhà văn, nhà thơ như Eliot, Proust… Về Proust, đi từ những nét đặc thù trong văn của Proust, Curtius xây dựng lại “đời sống tinh thần” của Proust và theo ông, Proust không phân chia ranh giới giữa thể xác và tâm linh, mà hội tụ cả hai trong văn phong: Nghệ thuật của Proust là muốn biểu dương toàn diện hiện thực.

Curtius còn đưa ra một quan niệm độc đáo về văn học sử: Những cuốn sách phân chia văn chương thành những dòng chảy, những trường phái khác nhau, như lãng mạn, hiện thực, tự nhiên, tượng trưng, v.v. tức là những sơ đồ có tính cách quy ước như thế, theo ông, rất tức cười. Vì người ta cứ theo thói quen mà cắt văn chương thế giới ra làm từng mảnh, từng khúc, phân chia lãnh vực sắp xếp theo ngôn ngữ, dân tộc, thế kỷ, v.v. làm cho chúng ta mất hẳn cái nhìn toàn diện.

Hãy nói riêng về hiện thực không thôi, thì cái ý diễn tả hiện thực hằng ngày không phải là sáng kiến của nghệ thuật thế kỷ XIX đâu, mà ngay từ ngày xửa ngày xưa người ta đã làm rồi: người ta đã làm trong thơ văn Hy-Lạp, trong những tiểu thuyết viết bằng tiếng La-tinh thời đế chế La Mã, trong những truyện cổ tích Bắc Âu thế kỷ XII, rồi đến các nhà văn như Rabelais, Cervantès, thế kỷ XVI, v.v. Hiện thực trong hội họa bắt đầu từ ngày có những hình vẽ trên đá thời kỳ thạch khí. Tóm lại, những khuynh hướng hiện thực luôn luôn có từ mọi thuở, mọi đời. Có đến hàng tá, nếu không muốn nói đến hàng trăm thứ hiện thực khác nhau, bản chất khác nhau, tình cảm khác nhau, kỹ thuật khác nhau… Vì vậy, khoa học văn chương cũng như lịch sử văn chương phải nhận diện được những hình thức khác nhau ấy trong toàn bộ hiện thực của mọi thời.

Curtius phân biệt những chiều hướng khác nhau ấy, ông đã phác họa, tìm hiểu nguyên do nào đã phát sinh những khuynh hướng hiện thực khác nhau này. Một số tên tuổi mà theo ông, đã diễn tả được “toàn diện thế giới”, như Virgile, Dante, Goethe, thời trước; đến thế kỷ XX có Proust, Joyce, Eliot, Claudel. Balzac có chỗ đứng riêng trong tâm hồn Curtius, theo ông, Balzac diễn tả được toàn diện thế giới. Trong Balzac, “tất cả đều đứng vững”.

Có thể nói Curtius, đã dùng “chủ nghĩa thế giới” của các nhà văn, để chống lại chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Đức Quốc Xã, cũng như ông đã xây dựng một thứ “chủ nghĩa La-tinh” để thay thế chủ nghĩa Đại Nhật Nhĩ Man của Đức Quốc Xã.

Thụy Khuê

(Còn nữa)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/


[1] Sách Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của de Saussure ghi Friedrich August Wolf, năm 1777, đã mở đầu cho môn bác ngữ học này. Nhưng năm đó, Wolf mới 18 tuổi, chưa có công trình gì. Các học trò khác của de Saussure, có người ghi: “F. A. Wolf, năm 1777, lúc còn là sinh viên, đã mong được gọi là nhà bác ngữ học. Thực ra, trong đơn xin vào Đại học Gottingen, Wolf ghi tên học ban Philologie nhưng ông khoa trưởng từ chối vì chưa có “ban” này, ông sửa lại theo tên truyền thống Théologie (thần học). Nhưng Wolf cứng đầu, cứ tiếp tục tranh đấu và cuối cùng môn Philologie được đưa vào danh sách của đại học. Saussure dựa vào chi tiết này để xác định sự hiện diện của môn bác ngữ học từ năm 1777, nhờ Wolf (Cours de linguistique générale, chú thích số 23, t. 410).

[2] Nhật Nhĩ Man (Germanie, Deutsche) là vùng nước Đức xưa (chúng tôi dùng tiếng Nhật Nhĩ Man để phân biệt với tiếng Đức bây giờ). Tiếng Nhật Nhĩ Man là nguồn gốc của tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hoà Lan, tiếng Frisesland (quần đảo ở Bắc hải thuộc Hoà Lan và Đức) và các tiếng Bắc Âu.

[3] Cours de linguistique générale, Bibliothèque Scientifique Payot, 1972, Paris, t. 13-14.

[4] Bản dịch Presses Universitaires de France, 1956; Presses-Pocket, 1986.

[5] Pedro Calderon de la Barca (1600-1681), nhà thơ Tây Ban Nha, kịch tác gia bi kịch.

[6] Hugo von Hofmannsthal (1874-1928), nhà văn Áo, tác giả bi kịch ba-rốc và tượng trưng. Ba-rốc, phiên âm chữ Baroque, từ gốc Ý Barroco có nghiã là chuỗi hạt trai không đều, dùng để chỉ phong cách nghệ thuật và văn chương dị kỳ phát sinh ở Ý, nhờ phong trào Cải cách Thiên Chúa Giáo trải rộng ở Âu Châu và Châu Mỹ La-tinh trong hai thế kỷ XVII và XVIII.

[7] Thésée, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là vua Athènes, tương truyền đã giải phóng kinh thành khỏi sự đô hộ của Minos (vua đảo Crète) và giết Quỷ Ngưu Đầu (Minotaure), quái vật đầu bò hình người.

Comments are closed.