Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 4)

Học thuyết Dramatica: Nền tảng và mô hình

Ngu Yên


(Ghi: Học thuyết Dramatica đòi hỏi phần thực hành, sử dụng software, mới có thể nắm vững lý thuyết. Trong phần này chỉ giới thiệu tổng quát, xin xem phần thực hành trong tập tiếp theo.)

Học thuyết Dramatica chọn con đường độc lập với những học thuyết văn học đã có từ trước đến giờ. Không sử dụng kết quả của những phân tích tác phẩm, tác giả; những đúc giải giá trị của tiểu thuyết và truyện ngắn. Nó nguyên bản, độc đáo, cấu tạo trên phương trình toán học, xây dựng chương trình điện tử và sử dụng dữ liệu bộ nhớ, với những tuyến nối mở rộng vô tận, nếu cần thiết. Nhưng để kềm chế phần nào những sáng tạo sa đà không dứt khoát của tác giả, truyện Dramatica được giới hạn trong khái niệm “Grand Argument Story”, Truyện Tranh Luận Lớn, có thể gọi tắt là Đại Luận Truyện. Chữ Đại không có nghĩa là những tranh luận về vấn đề lớn, mà chỉ có ý nói, vấn đề được tranh luận một cách sâu rộng.

Đại Luận Truyện, Grand Argument Story

Như tên gọi, thể hiện một cuộc tranh luận lớn. Để gọi là lớn, cuộc tranh luận phải hoàn tất và có giá trị, bao gồm tâm sức xem xét một vấn đề và tìm ra một cách phù hợp để giải quyết nó. Rõ ràng điều này giới hạn rất nhiều nghệ thuật sáng tác và những sáng tạo quan trọng, nhưng nhờ vậy, nó không ra khỏi phạm vi truyện của con người.

Grand Argument Story là một loại truyện đặc biệt, “là khái niệm về câu truyện hoàn chỉnh bao hàm cả hai: tình cảm và lý trí. Có một số phẩm chất để nhận diện câu truyện có phải là Grand Argument Story hay không? Những phẩm chất này thể hiện trong truyện trên cấu trúc, động lực, nhân vật, chủ đề, cốt truyện và thể loại.” (Huntley 2001: 15.)

Trong khi, một số tác giả đặc biệt viết để lý luận với bản thân và với độc giả, một số khác viết theo cảm hứng riêng tư. Đôi khi viết vì một hứng khởi hoặc vì muốn khám phá nội tâm. Một số tác giả viết để chia sẻ kinh nghiệm hoặc quan điểm. Một số khác xây dựng lối đi cho độc giả đi theo, hoặc có lẽ, chỉ trình bày nguồn cảm xúc để người đọc tự tìm ra cách nhìn riêng của họ. Có rất nhiều phương pháp, đường lối khác nhau để truyền đạt đến độc giả, thông thường tùy tác giả muốn ảnh hưởng đến người đọc như thế nào.

Đại Luận Truyện bao gồm năm yếu tố, Năm yếu tố này phối hợp với nhau để hoàn tất việc sáng tác hình thể câu truyện; như bản sơ đồ xanh (blue print), trình bày những thành phần dính líu, liên hệ nhau như thế nào và liên quan đến câu truyện ra sao.

1- Cấu Trúc: Những tương quan cơ bản giữa các thành tố của truyện tạo nên cấu trúc. Đại luận truyện có một cấu trúc rất rõ ràng, phải được tìm hiểu triệt để, trước khi đi vào những phần kỹ thuật của Dramatica.

2- Động Lực: Diễn tiến, phát triển, thay đổi thành phần trong truyện, tạo nên động lực. Đại Luận Truyện có tám động lực căn bản. (Sẽ trình bày chi tiết trong phần thực hành, tập 3.)

3- Nhân Vật: là động cơ di chuyển nội dung, là nguồn cung ứng những kinh nghiệm, ý nghĩa cho độc giả. Nhân vật thường là yếu tố có khả năng mạnh để tạo ra ấn tượng và không khí toàn truyện.

4- Chủ Đề: Trong Đại Luận Truyện, chủ đề gắn bó với yếu tố cơ cấu và động lực. Chủ đề đưa ra nhiều ý kiến chênh lệch và quan điểm khác nhau để chuyển tải ý nghĩa câu truyện.

5- Cốt Truyện: là một chuỗi diễn biến thể hiện trong một cấu trúc chuyên đề. Cốt truyện trình bày những chi tiết thứ tự mà hư cấu xảy ra theo tình tiết và tình cảnh.

6- Thể Loại: Trong Đại Luận Truyện, theo nghĩa rộng, thể loại phân loại kinh nghiệm của độc giả về câu truyện. Thể loại bao gồm các yếu tố cấu trúc, động lực, nhân vật, cốt truyện, và chủ đề, để xác định sự khác biệt cần thiết giữa các Đại Luận Truyện khác nhau.

Mô hình Dramatica

Ngay từ lúc khởi đầu, những lý thuyết gia đã cố gắng truy tầm những mẫu mực, những mô hình lập lại của “kể truyện”. Những kết quả này trở thành mấu chốt sáng tác và tiêu chuẩn cho phê bình. Những lý thuyết gia của Giải Cấu Trúc, Ký Hiệu Học, Cảm Nhận Thuyết (Reception Theory), v.v. nhắm tới khả năng sáng tạo qua cấu trúc của truyện và qua sự đối ứng giữa sáng tác và thưởng ngoạn.

Dramatica chọn con đường khác: Lý luận rằng, khi một câu truyện đã được kể lại, nó đơn thuần chỉ là một diễn tiến. Diễn tiến đó ví như sự xây dựng sau màn ảnh truyền hình. Những điện năng “quét” những điện tử theo thứ tự lên màn hình cho đến khi đầy đủ, hình ảnh sẽ hiện ra. Và hình ảnh này quan trọng hơn bất kỳ những thành phần nào đã cấu tạo ra nó. Truyện ngắn cũng tương tự, từng câu một thành hình, liên kết hàng ngang hàng dọc, cho đến khi cốt truyện hoàn tất. Ý nghĩa toàn thể mới là chủ yếu và quan trọng.

Muốn nhận thức “ý nghĩa toàn thể”, “hình ảnh lớn”, phải tách rời “hình thái truyện ngắn” (form) ra khỏi sự “kể truyện” (storyteller). Hình Thái truyện là sự dàn trải độc đáo tạo thành cấu trúc và động lực tạo ra kịch bản cho mỗi câu truyện. Trong khi Kể Truyện là cách dàn trải sắp xếp những minh họa. Ví dụ, tác giả muốn trình bày một người đang mâu thuẫn giữa lý tưởng và sự lợi ích cá nhân, điều này thuộc về hình thái, trong khi tác giả chọn những tứ văn, những hình ảnh diễn đạt, việc này thuộc về kể truyện. Có nghĩa là, một hình thái có nhiều cách minh họa.

Bình thường khi sáng tác, việc tách rời hình thái và cách diễn đạt là một việc khó khăn, nếu không muốn nói trong nhiều trường hợp là bất khả. Viết theo dàn bài hoặc viết theo tự nhiên đều phó thác cho cách diễn đạt, dẫn đưa câu truyện. Có nhà văn để nhân vật lèo lái diễn tiến. Có nhà văn dùng cốt truyện để phát triển câu truyện. Đối với điện tử, việc tách rời này trở thành dễ dàng và chính xác

Khi hình thái và kể truyện kết hợp với nhau, bản chất của vấn đề mất đi sự cụ thể và những giải đáp dường như vô hạn. Sự phối hợp này tạo ra sự đa dạng và đa diện cho câu truyện, làm cho sự phát hiện những mô hình (mẫu mực) căn bản trở nên khó khăn. Giới hạn sự nghiên cứu của chúng tôi vào hình thái cần thiết không có sự kể truyện, số lượng của biến số được rút ra rất nhiều, cho phép một giải pháp duy nhất cho bất cứ hình thái nào, để thỏa mãn tất cả các thông số trong phương trình kịch bản.

Khi loại bỏ sự kể truyện trong câu truyện, sẽ thấy một cấu trúc hết sức trật tự, được điều khiển bởi một động lực cụ thể, gọi là hình thái truyện ngắn.” (Huntley, A New Theory of Story.)

Hình ảnh hóa riêng về cấu trúc, giống như bốn khối lập phương bốn chiều, gọi là Bốn Thành Phần Gia Đình của Dramatica. Bao gồm: Yếu tố (element), Biến đổi (variation), Kiểu cách (type), và Lãnh vực (domain). Mỗi thành phần có mỗi chức năng. Khi thời gian theo cấu trúc trải ra, sự phối hợp giữa các chức năng của Bốn Thành Phần Gia Đình tạo ra vô số những kết quả để chọn lựa và trình bày.

imageĐây chỉ là bốn khối chính, mỗi khối cưu mang bốn khối khác bên trong, tức là 16 khối đứng thẳng. Trong mỗi khối chia ra nhiều tầng. Tổng cộng 256 đơn vị truyện tính (dramatic unit) trong hình thể truyện. Sơ lược qua cách cấu trúc của chương trình điện tử để có thể thấy được sự phức tạp khi hệ thống điện tử hành động và đề nghị những kết quả. Với bộ nhớ lớn chứa nhiều dữ liệu và những tuyến nối kết mạng lưới, Dramatica có ưu điểm về diện “nguồn cung ứng hầu như vô hạn.”

Sơ lược về kỹ thuật

Thử xem xét một thành phần điển hình của gia đình Dramatica, thành phần “Lãnh Vực”, bao gồm bốn khối bên trong “Vũ trụ”, “Vật lý”, “Trí tuệ”, và “Tâm lý”.

Có thể thấy ngay luận lý của bốn khối. Mỗi khối lãnh vực chứa nhiều dữ liệu. Mỗi khối lãnh vực giao tương với nhau, tùy vào đòi hỏi của cốt truyện hoặc của tác giả. Sự giao tương của bốn khối lãnh vực trong mỗi khối thành phần, rồi những khối thảnh phần giao tương với nhau, theo những phương trình điện toán đã sắp đặt, sẽ đưa ra những kết quả, những đề nghị, những giải pháp cho truyện.

imageMỗi lãnh vực mô tả một vùng chứa đựng những vấn đề mà câu truyện nhắm tới. Vấn đề của lãnh vực Vũ trụ liên quan đến tình huống, tức là trạng thái trong hoàn cảnh. Vấn đề của lãnh vực Vật lý liên quan đến hoạt động, sinh hoạt, tức là diễn tiến trong hoàn cảnh. Vấn đề của lãnh vực Trí tuệ liên quan đến thái độ nhất định, tức là trạng thái của tinh thần. Vấn đề của lãnh vực Tâm lý liên quan đến thái độ suy nghĩ, tức là diễn trình của tâm tư. Vì vậy, ví dụ, nếu tác giả chọn vấn đề “thất tình” làm chủ yếu, sẽ phải chọn lãnh vực Tâm lý để chương trình điện tử cung ứng dữ liệu, phương tiện và hiệu quả.

Điểm quan trọng, khi mới sử dụng chương trình điện tử này, cần phải am tường chức năng và phạm vi của bốn khối thành phần và chức năng cùng nội dung của bốn khối lãnh vực.

image

Sơ đồ của tấm hình trên: người viết chọn lãnh vực “Vật lý”, chương trình điện tử sẽ dẫn đưa người đến tầng “Type” (Kiểu cách), chọn “Obtaining” (Kiếm được), sang tầng “Variation” (Biến đổi), chọn “Morality” (đạo đức), sang tầng “Yếu Tố” (Element), chọn “Temptation” (Quyến rũ). Đi qua hết các tầng lớp lãnh vực trong thành phần “Vật lý”, tác giả có được hầu hết những thông tin và dữ liệu về bản chất của vấn đề phải giải quyết trong truyện

“Một khi tác giả đã quyết định một yếu tố cụ thể để làm tâm điểm vấn đề, nó sẽ trở thành “đinh ghim chặt” cho tất cả các động lực của truyện. Yếu tố quan yếu này là điểm nút: Đơn vị duy nhất mà chung quanh tất cả những mâu thuẫn được xây dựng. Bấy giờ, tất cả động lực có thể áp dụng vào cấu trúc để hướng đến điểm đó. Nếu người nào giữ nguyên những động lực đã chọn nhưng chỉ đơn thuần chọn một yếu tố quan trọng mới, kết quả của truyện có thể có một ý nghĩa hoàn toàn khác.” (Huntley, A New Theory of Story.)

Điểm lợi ích là tác giả có thể dự đoán trước một cách chắc chắn về tác động toàn bộ, nếu lựa chọn yếu tố quan trọng khác, mà không cần phải phát triển toàn thể câu truyện để xem nó dẫn đến nơi nào.

Tóm lại, để xây dựng hình thái truyện ngắn (story form) Dramatica sử dụng ưu điểm của vi tính: 1- Bộ nhớ vô hạn để chứa tất cả dữ liệu, mỗi ngày mỗi phong phú và chi tiết hơn. 2- Sự tính toán chi li, nhanh chóng, ít lầm lẫn của chương trình điện tử. 3- Sự mở rộng những chọn lựa và giải đáp vấn đề, không bị giới hạn. Người viết có cơ hội nhìn thấy nhiều hình thái trong một khoảng thời giờ giới hạn của sáng tác.

Bước tiếp theo là động lực về kể truyện được xác định lối đi nào, diễn tiến nào cho hình thái sẽ thành hình. Diễn tả một cách nôm na, dựa trên sơ đồ hình thái, từng bước một, từng chi nhánh một, Dramatica đưa ra sự chọn lựa để xây dựng diễn tiến, bao gồm nhân vật, mưu đồ, hoàn cảnh, sự kiện, ý nghĩa trong chủ đề. Nói một cách khác, cấu tạo một nội dung theo quyết định của người viết. Những dữ liệu dùng để lựa chọn là những dữ liệu được rút ra từ thống kê, từ nghiên cứu, từ chiết tính, tâm lý quần chúng, sự kiện đặc thù, sự kiện thông dụng của cá nhân và xã hội. Quan trọng, có lẽ là những phương trình tái tạo, sử dụng dữ liệu theo ý tác giả, đưa ra những giải đáp mới lạ, đa diện để cung cấp cho người viết một tầm nhìn rộng rãi, một hiểu biết rõ rệt hơn, để sự chọn lựa có ý nghĩa. Và Dramatica lèo lái những chọn lựa trong phạm vi của ý nhất quán, giữ sự xuyên suốt trong tinh thần thống nhất. “Đến khi chấm dứt, Dramatica không máy móc hóa sự sáng tạo câu truyện, nhưng phản ảnh các diễn trình riêng tư của mỗi tâm trí, hỗ trợ bản năng của tác giả và mở ra những chiều hướng mới cho sáng tạo phiêu lưu.” (Huntley, A New Theory of Story.)

Trở ngại trong thực hành

Chúng tôi đã phát triển một mô hình hoàn chỉnh, mô tả tất cả những bộ phận của câu truyện và chúng tương quan với nhau như thế nào. Nhưng điều đó có nghĩa gì? Nếu hình thái là một quan niệm quá phức tạp, một mô hình quá tinh vi [khó hiểu], thì tại sao phải dính líu tới nó ngay từ đầu? Nó đại diện cho cái gì?” (Huntley, A New Theory of Story.) Huntley nói rằng, nếu chúng ta bước lùi một chút, nhìn ngắm toàn diện các loại ý nghĩa của hình thái, chúng ta sẽ nhận thấy giá trị của những yếu tố thường xảy ra trong mô hình: Động lực thúc đẩy, phương pháp, phương tiện đánh giá và mục đích. Những yếu tố này xảy ra trong mỗi tầng lớp, mỗi thành phần, nhất là trên những nhân vật và hành động của họ, vì nhân vật thường xuyên đại diện cho quan điểm của tâm trí đối phó với những vấn đề. Trong khi hình thái trình bày tất cả những khái niệm cơ bản liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Hình thái vừa là bản đồ vừa là phương tiện chuyên chở cho minh họa tường thuật. [Những lý thuyết về kỹ thuật rất khó hiểu, khi thi hành sẽ dễ thông cảm hơn. Trong phần Học Thuật, chúng tôi sẽ sử dụng Dramatica để diễn giải một câu truyện làm ví dụ. Việc này sẽ dễ cho người đọc nắm bắt.]

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phản đối, nhiều phê phán, nhiều đề nghị, trên những mạng lưới kỹ thuật sáng tác và trên những tạp chí văn học. Điều này không có gì xa lạ. Những sản phẩm mới, nhất là loại sản phẩm về sáng tạo, chẳng bao giờ hoàn chỉnh. Bản chất của chương trình điện tử là sự cải thiện sau khi tìm thấy những khó khăn hoặc sai lầm trong lúc ứng dụng. Bản mới nhất là Dramatica Pro 4.1, so với bản đầu tiên, đã là một tiến bộ về diện trình bày và luận lý.

(Viết truyện từ xưa đến nay, chẳng bao giờ đạt được sự hoàn chỉnh. Và chúng ta cũng biết rất rõ, còn có những con đường khác dẫn về cùng mục tiêu. Ví dụ như học thuyết Transrealism, học thuyết Neo Realism, học thuyết Megamodernism, và nhiều học thuyết khác đang ở trong tình trạng hoang mang, mà phê bình gia James Wood gọi là Hysterical Realism, Hiện Thực Hỗn Loạn. 50 năm đầu tiên của mỗi thế kỷ đều sôi sục nhiều lý thuyết, nhiều vấn đề, để được giải quyết và áp dụng trong phần nửa thế kỷ sau. Thế kỷ 21 chắc sẽ không ngoại lệ. Những học thuyết mới liên quan đến sáng tác truyện ngắn, sẽ được tìm hiểu trong tập tiếp theo.)

Qua những tranh cãi về chương trình điện tử viết truyện (bao gồm truyện ngắn và tiểu thuyết), một nhận xét của người sử dụng khá chính xác về Dramatica, xin trích dẫn: “Các khái niệm căn bản đàng sau Dramatica là tối đa hóa những mâu thuẫn giữa các nhân vật và cốt truyện dọc theo diễn tiến. Đây là một phương tiện tốt để tìm hiểu cụ thể những xây dựng của các xung đột, đã và sẽ phát triển qua thời gian như thế nào. Đây là phương tiện hữu ích nhất trong tay những tác giả muốn bắt đầu từ các nhân vật để xây dựng câu truyện, hoặc nơi mà các nhân vật tồn tại, từ đó nhiều câu truyện khác có thể xuất hiện. Đó là lý do nó rất hữu ích cho nhà văn viết phim tập trên truyền hình, cùng nhân vật, nhiều hồi diễn tiến.

Nếu bạn là nhà văn suy nghĩ về nhân vật trước rồi mới dựng truyện (tôi muốn nói, cốt truyện xảy ra sau sự suy nghĩ), Dramatica đáng được quan tâm. Ngược lại, những nhà văn bắt đầu bằng cốt truyện rồi dựng nhân vật cho phù hợp, Dramatica sẽ thể hiện vụng về và gây nhiều rối rắm.” Nói một cách đơn giản hơn, Dramatica sẽ giúp cho những nhà văn viết truyện theo phong cách thả lỏng cốt truyện. Tuy có dự định nhưng không nhất thiết phải theo sát, mà để nhân vật và diễn tiến cấu tạo nên cốt truyện. Những nhà văn dựng truyện với dàn bài chặt chẽ, cốt truyện là con đường đã định, sẽ bị chi phối hoặc khó hiểu với những kết quả chọn lựa của Dramatica.

Dramatica chỉ là một trong một số chương trình điện tử viết truyện đang phát triển trong thị trường, nhất là trong các lớp học. Bên cạnh là các chương trình điện tử khác: NewNovelist, The Marshall Plan Software, và Story Weaver….

Quan điểm chủ yếu khiến cho giới truyền thống bảo thủ nghi ngờ và phản đối chương trình điện tử viết truyện, cũng như sự phấn khởi tích cực của giới cấp tiến đứng trước sự bế tắc của truyện, đó là sự sáng tạo mâu thuẫn với sự tái tạo.

Cho đến hiện nay, năm 2016, những gì của chương trình điện tử đưa ra chỉ là tái tạo, trong khi sáng tác chủ yếu là sáng tạo. Liệu tái tạo có thể nào là sáng tạo? Hoặc sáng tạo quá mơ hồ, quá trừu tượng, quá tuyệt đối; hoặc tái tạo cụ thể hơn, thực tế hơn, tương đối hơn? Chương trình điện tử sáng tác truyện có thể nào là một tái tạo tiếp cận sáng tạo, có thể gần gũi sự cụ thể, vì trong thực tế, sáng tạo luôn luôn giữ vị trí trừu tượng.

[Xin mời xem những quan niệm, những chi tiết và những kỹ thuật sáng tác trong tập tiếp theo, khi trình bày toàn bộ học thuyết Dramatica và cách sử dụng software để viết truyện.]

Comments are closed.