Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 7)

Phạm Kỳ Đăng dịch

BÀI THƠ “NGƯỜI DU KHÁCH NGOÁI NHÌN VỀ PHÍA SAU” CỦA GÜNTER KUNERT

Christian Gampert

Bài thơ in trong tập thơ cuối cùng của Günter Kunnert “Làm khách trong mê cung”. Cuốn sách không bày vẽ và giản dị, một khúc hát vĩnh biệt. Thi tập nói rất ít, nhưng mà cái ít ỏi và cái chung cục này kèm với sự kiệm lời ghê gớm. Ẩn dụ mang tính baroque cổ xưa về cuộc đời như là một chuyến du được láy lại trong nhiều biến thể, những dặm trường không đếm, những con đường kéo dài vô tận. Những con đường, những lối lầm lạc, sự biệt tăm biệt tích lớn lao. Thần chết đứng trước cánh cửa, người già Kunert 90 tuổi nhìn vào mắt hắn.

Và ông làm việc ấy dài hẳn bằng một cuốn sách. Âm hưởng của bài thơ sáng tỏ từ những bài thơ văn xuôi ngắn khác của tập, có thể đọc trong hơi thở của nó. Tỉ dụ như vậy, không xót thương, với bác sĩ Benn (1): “Từng con người/ Một huyệt vùi hồi ức/ Bọc bằng thịt/ giam trong tế bào, chúng tàn tạ/ vẫn như thói thường.” Hay là với Heine, trong vần điệu “Thế giới đã xa lạ với tôi./Đứa bé của một thành phố tàn rồi / Một người khách trong miền Bắc Đức/ Thấy lịch sử ôi dào chán ngắt.”

Günter Kunnert, sinh năm 1929 trong thành phố Berlin “tàn úa”, đã chia tay CHDC Đức vào năm 1979 sau khi ông đứng nhập về phía những người bảo vệ cho Wolf Biermann (2), người bạn của ông, và sự kiện này đã mãi mãi gây tổn thương cho đảng SED (3). Sau nhiều chuyến đi Anh, Italia và Hoa Kỳ phần nào mang đến cho ông không khí tươi mát ở CHDC Đức thiếu vắng đến quặn lòng, ông đã cùng người vợ ở lại một ngôi làng nhỏ nằm trong bang Schleswig – Holstein và sống tại đó với vai trò kẻ hoài nghi có năng khiếu hài hước, là người ngoài rìa, như xưa ở Đông Berlin mình đã từng là, rồi viết, vẽ, phản chiếu – luôn trong một ý thức, rằng ông sẽ không thay đổi thế giới này. Hoàn toàn khác Biermann người anh em tinh thần nhiều khi cảu rảu càu ràu, người – hôm nay thì khó hình dung ra –, vào cuối những năm bảy mươi, bằng những buổi biểu diễn concert của mình đã đưa sinh hoạt cánh tả của CHLB Đức vào địa chấn, ông làm điều đó từ phòng khách của mình và cũng tương tự từng khá gây tác động ở CHDC Đức.

Một ánh sáng ma trơi trên đồng gặt trụi

Đương thời khi còn sống, Kunert xuất thế như một kẻ “thần bí bi quan” xa cách và tinh tế, như Biermann – người tự nhìn nhận bản thân như kẻ “thần bí lạc quan” – gọi ông như vậy. Hiển nhiên hai anh em sinh đôi từ hai buồng trứng. Cả hai đều từ những gia đình Do thái mất mát người họ hàng thân quyến. “Những nẻo đường cô đơn/ phủ nhận đi những dấu đế giày in” được người du hành nhắc tới, có thể có nguồn cội của chúng nơi đây. Những con đường vòng Kunert đề cập trong bài thơ, dẫn qua khóa học đồ họa tại Berlin-Weißensee và Johannes R. Becher (4) – người khuyến khích ông đi vào sinh hoạt văn chương của CHDC Đức, vào vị trí đối kháng và sau này tới Améry (5) người bạn và người sống qua Tận thiêu (Holocaust), tới những thất vọng về chủ nghĩa xã hội có thực (6) và những thất vọng về chủ nghĩa tư bản có thực. Cho tới những “trò chơi người lớn”, như tiêu đề cuốn hồi ký của Kunert, làm con người thành ra nhỏ mọn.

Truyện kể có tiếng nhất của Günter Kunert có tên “Nhà ga trung tâm”. Một cái gã “Người nào đấy” được yêu cầu tìm đường tới cuộc treo cổ gã ở một cái nhà ga, trên một cái bàn cầu của đàn ông. Kafka tinh ròng, nhưng là sự biếm nhại nền quan liêu của CHDC Đức. Kết cục khói bốc lên trên tòa nhà, như ở Auschwitz. Hay đó là sự vấy bẩn môi trường? Dẫu Kunert, một người “bị bứng mất quê hương”, như ông tự gọi, đương thời khi còn sống đã dẫn dụ mối quan hệ thâm thiết với cái chết, thì thế đó sự buồn thương trong những bài thơ cuối cùng nhiều nín lặng hơn sẻ chia thế đó làm ta ngạc nhiên. Bởi Kunert từng là một nhân vật náo hoạt với sự hoạt bát chất Berlin và một năng lực kháng cự trào lộng chống lại quan hệ xã hội bị biến thành ngớ ngẩn. Ông không bắt tay làm được gì nhiều với Berlin mới, thứ kiến trúc lên gân lên cốt, văn hóa tiệc tùng và tự phô phang mình của những người trẻ tuổi. Ông đứng ở bên lề, trên miền đất Kaiserborstel và viết thơ về “Ngọn gió Tây Nam” và “Ánh sáng ma trơi trên đồng vừa gặt trụi.”

Nếu như kết vần, thơ Kunert đôi khi có hơi hướng Erich Kästner (7), cũng như vậy vỡ mộng, tinh quái và hướng về đạo đức. Một tập mang tiêu đề “Khi cuộc đời đi không”, với cái nghĩa kép đẹp. “Từ vương quốc bóng đen của tôi” là tên một tập khác. Sự khôi hài kết cục đã rời tập thơ đi mất – và cả nhiều sức lực. Trên đất này chúng ta chỉ là một người khách. Những con đường lầm lạc, đường vòng của một con đường về nhà duy nhất và độc nhất. Dòng cuối cùng thành hoàn toàn nhỏ bé.

Trong thời corona, việc một nhà thơ trữ tình quan trọng như vậy tin rằng không để lại gì dấu vết gây xúc động lạ lùng. Vì những nẻo “phủ nhận vết in của đế giày”. Những người già rồi chết đi, những cụ tuổi chín mươi còn có thể kể cho chúng ta đôi điều. Cùng với họ chết đi một mẩu lịch sử Đức. Chúng ta cần chăm chú nghe họ, cũng như ta cần đọc Kunert đã tạ thế trong năm qua. Để lịch sử khỏi cuốn đi như tờ lịch cuối cùng trong gió.

Nguồn: Frankfurter Anthologie

NGƯỜI DU KHÁCH NGOÁI NHÌN VỀ PHÍA SAU

Günter Kunert (1929 – 1919)

Người du khách ngoái nhìn về phía sau

ngỡ ngàng về chặng đường

bỏ lại, những dặm qua không đếm,

những con phố dài vô tận, những lối cô đơn,

phủ nhận đi những vết đế giày in.

Tất cả, những đường lầm lỡ, đường vòng của

một con đường về nhà duy nhất. Cuối cùng

thế đấy cánh cửa sập đóng vào ổ khóa,

tờ lịch cuối cùng thả buông theo gió,

kiệt sức qua những gắng gổ

của những thời hối hả

như tôi.

Nguyên tác tiếng Đức:

DER REISENDE BLICKT ZURÜCK

Günter Kunert (1929 – 1919)

Der Reisende blickt zurück

verwundert über die zurückgelegte

Strecke, die ungezählten Meilen,

die endlosen Straßen, die einsamen Pfade,

die den Abdruck der Sohlen verleugnen.

Alles Irrwege, Umwege des einen

und einzigen Heimwegs. Am Ende

fällt doch die Tür ins Schloss,

verweht das letzte Kalenderblatt,

kraftlos durch die Mühen

der hastigen Zeiten

wie ich.

Chú thích của người dịch:

(1) Gottfried Benn (1886-1956): Bác sĩ, nhà thơ và nhà tiểu luận Đức.

(2) Wolf Biermann (sinh năm 1936): Nhà thơ, ca sĩ, nhà viết tiểu luận. Việc tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức phê phán chế độ, phản kháng chủ nghĩa toàn trị ở Cộng hòa Dân chủ Đức.

(3) SED: Đảng XHCN thống nhất Đức – đảng cộng sản nắm quyền tại CHDC Đức

(4) Johannes Becher (1891-1958); Nhà thơ phái Biểu hiện, chính trị gia, Bộ trưởng Bộ văn hóa CHDC Đức.

(5) Jean Améry (1912-1978): Nhà văn Áo.

(6) Khái niệm được các nhà lý luận của đảng SED đưa ra, nhắm khẳng định bản sắc chế độ XHCN của CHDC Đức.

(7) Erich Kästner (1899-1978): Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Đức.

Christian Gampert (sinh năm 1964, học ngữ văn, triết học và xã hội học): Nhà báo tự do.

Günter Kunert (1929-2019): Nhà thơ, nhà văn Đức.

Tiểu sử: Dưới thời quốc xã học hết Tiểu học, không được học cao hơn vì mẹ người Do Thái. Sau thế chiến học trường Cao đẳng Nghệ thuật tạo hình tại Đông Berlin, vào đảng SED. 1973 được mời thỉnh giảng tại University of Texas, 1975 tại University of Warwick (Anh).

Thuộc về những người đầu tiên ký kháng thư phản đối việc tước quốc tịch nhà thơ, ca sĩ Wolf Biermann, ông bị tước đảng tịch. 1979 rời bỏ CHDC Đức, định cư và lập nghiệp tại Karborstel.

Günter Kunert là một trong những nhà văn đương đại đa năng và quan trọng nhất. Ngoài thơ, truyện ngắn và truyện kể, tiểu luận, ký sự, cách ngôn, cổ tích, châm biếm, du ký, kịch tương thanh, ông còn viết nhiều bài giới thiệu các tác gia, và vẽ tranh.

Ông nhận nhiều giải thưởng, có thể kể một số: Giải thưởng Heinrich Mann (DDR, 1962), Giải thưởng Heinrich Heine (1985), Giải thưởng Friedrich Hölderlin (1991), Giải thưởng viết tiểu luận Ernst Robert Curtius (1991), Giải thưởng Georg Trakl (1997), Giải thưởng của Hợp tuyển Frankfurt (2011).

BÀI THƠ “ ĐIỆU VŨ VÒNG” CỦA INGEBORG BACHMANN

Gisela Trahms

Khi viết những câu thơ đó Bachmann tròn 27 tuổi và vừa được trao giải thưởng của Nhóm 47 (1). Với một cách thức đọc thơ sáng tạo bà muốn ghi dấu ấn cho tương lai.

Đúng ra, rùng rợn có lẽ là sự nêu danh thích đáng cảm giác đầu tiên đọc thấu bài thơ này. Ngay sau câu thơ mào đầu sáng ấm bất ngờ kế đến một cú ngã nhào xuống một vùng chết chóc (“tắt rồi”, “lạnh”, “trống rỗng kinh hoàng”, “chết”), từ đó hai câu thơ cuối cùng cũng không tìm được đường ra. Một văn bản rùng mình, gợi nhớ đến những phim câm, nơi những nhân vật chính nhợt nhạt, mắt viền quầng thâm trân trân nhìn vào camera.

Tuy nhiên, title và chữ đầu gợi lên những liên tưởng khác: “Điệu vũ vòng” của Max Ophüls (2) – một phim kinh điển của Pháp từ năm 1950 – vẫn còn sống động trong trí nhớ, khi bài thơ của Ingeborg Bachmann xuất trên tờ tạp chí Merkur (3) vào năm 1953. Bộ phim được quay dựa trên vở kịch hóng xì-căng-đan của Arthur Schnitzler (4) gồm một serie phơi bày phóng túng những hoạt cảnh gợi dục luôn theo chương trình dàn dựng giống nhau. Ban đầu bị cấm, sau đó gặt hái thành công, chúng biểu diễn sự nhàm chán tăng tiến của tình yêu, từ cuộc gặp gỡ trên giường này tới cuộc trên giường khác. Chắc chắn bài thơ cùng tên của Bachmann đánh thức sự ngóng chờ những nó vận động trong một khuôn khổ ý nghĩa giống vậy chăng? Nhưng nữ thi sĩ, vừa 27 tuổi và được trao giải thưởng của của Nhóm 47 chẳng những không nói về tội lỗi, về thủy chung, hứng thú và tình dục, mà chỉ về sự “tắt vùi của đôi mắt”. Điều này nghe có vẻ cực đoan hơn câu thành ngữ về tình yêu làm cho mù quáng. “Tắt vùi” gợi nhớ về “dập xóa” và đánh thức dậy những hình ảnh hủy diệt. Rằng ngọn lửa của tình yêu đến một lúc nào đó tàn lụi, đó là một xác tín phổ cập; nhưng tình yêu như một người tàng hình ve vuốt lên mắt của những người đang yêu, để dập tắt và làm chúng giống như đôi mắt tắt ngấm của chính mình gây ám ảnh ma quỷ.

Điệu vũ ma quỷ

Tình yêu, dẫu mang tính phá hủy, mà thế bảo tồn “bền lâu nhất”, điều trong văn cảnh của tai ương nghe như một sự đe dọa. Và cả ảnh hình của núi lửa ùn ra “khói lạnh” mâu thuẫn với mọi liên kết thông thường. Khói ám chỉ về lửa, hơi nóng, nhưng mà cái núi lửa này chỉ hàm chứa sự trống không và băng giá. Tất cả không sự an ủi và cách xa cái nhìn chính xác của Schnitzler về tình cảnh xã hội và nỗi khốn khổ của cá nhân. Bài thơ của Bachmann cất tiếng trong những trình bày phổ quát, hàm chứa ý nghĩa, nhưng nghe ra như cung đường ma quỉ.

Phá vỡ trình tự của thơ, cái kiến trúc câu thông dụng, và thông qua một số khái niệm đưa vào bà lôi kéo người đọc đến tâm trạng buồn bã, gợi nhớ đến một nhà thơ trữ tình dạo đó đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng; “ Cúc họa mi – những ngày âm ỉ./ Sự cầu khấn cũ, ấy lời nguyền…” Đó chính là Gottfried Benn (5), không trộn lẫn đi đâu được. Ông ấy yêu khổ thơ dân ca dung dị, nhưng rồi đã biến nó vào một chất tinh cô của những quyến rũ gây liên tưởng: “ Tình yêu – Những vì sao đứng canh gác những nụ hôn, / Biển cả – Eros của xa xăm-/ rì rầm, và đêm rì rào kể…. Một số dòng tiếp theo : Tình yêu – mi chuyển lời/ đi tiếp, đã được nói tới mi, /Điệu vũ vòng – như các địa phận / bị săn lùng bởi cái cuốn theo”. Bài thơ mang tên “Tình yêu” và xuất hiện cùng với “Cúc họa mi” và những bài thơ khác xuất hiện vào tháng Giêng năm 1936 trên tạp chí “Bài thơ”, sau chiến tranh chúng được đưa vào thi tập nổi tiếng “ Những bài thơ tĩnh lực.” Và như vậy ở trong tập đó cũng có một “ Điệu vũ vòng”, có họ hàng với các khổ thơ của Bachmann trong hình thức và nỗi trầm tư.

Đối với nhà thơ nữ sinh năm 1926, Benn thuộc về những người tội lỗi của thế hệ cha anh. Với tập thơ ra mắt “ Thời đáo hạn” gồm bài “Điệu vũ vòng”, bà muốn bắt đầu một cách thức đọc thơ khác sáng tạo cần ghi dấu ấn cho tương lai. Những câu thơ của bà đã tạo tiếng vang sâu đậm, những hình ảnh mới, âm sắc riêng biệt gây ra sự ngưỡng mộ. Một số biểu đạt đã trở thành lời có cánh (“Rồi những ngày dữ dội hơn đang tới”).

“Điệu vũ vòng” trước nhất là một văn bản dẫn đường, hoàn hảo và xuyên suốt trong trò chơi phối hợp với âm tiết và vần trùng hợp ít khi sử dụng. Từ những khổ thơ tăm tối của bài, những năm năm mươi trực diện đến chúng ta, những lời thơ biến thành khúc chanson huyền ảo một người nữ xướng đã có thể ca lên trong một quán bar tầng hầm ám khói. Và cái có thể hát được, những từ khóa chất nặng, và nỗi u buồn…Không chỉ trong “Điệu vũ vòng” có những âm vọng gửi tới rung động thống thiết từ phố Bozener Straße, và người ta rất thích biết nữ thi sĩ nghĩ gì và nói gì về cái thứ có-và-không quan hệ này, nếu như bà đạt được độ tuổi tác đủ để nhìn trở lại.

Nguồn: Frankfurter Anthologie

ĐIỆU VŨ VÒNG

Ingeborg Bachmann (1926-1973)

Vũ vòng – tình yêu thư thoảng

khựng trong tàn lụi mắt người,

và ta nhìn vào trong mắt

riêng của tình yêu tắt vùi.

Khói lạnh từ miệng núi lửa

bén hàng mi của ta loang;

ấy sự trống rỗng kinh hoàng

chỉ một lần dừng hơi thở.

Ta nhìn những đôi mắt chết,

chẳng khi quên lãng, làm ngơ.

Tình yêu mãi còn lâu nhất

chẳng nhận ra ta bao giờ.

Nguyên tác tiếng Đức:

REIGEN

Ingeborg Bachmann (1926-1973)

Reigen — die Liebe hält manchmal

im Löschen der Augen ein,

und wir sehen in ihre eignen

erloschenen Augen hinein.

Kalter Rauch aus dem Krater

haucht unsre Wimpern an;

es hielt die schreckliche Leere

nur einmal den Atem an.

Wir haben die toten Augen

gesehn und vergessen nie.

Die Liebe währt am längsten

und sie erkennt uns nie.

Chú thích của người dịch:

(1) Gruppe 47: Nhóm các nhà văn nhà thơ Đức gặp gỡ hàng năm trong khoảng thời gian từ 1947-1967 làm nên diện mạo văn học Đức sau Thế chiến II.

(2) Max Ophüls (1902-1957): Đạo diễn phim, đạo diễn sân khấu người Pháp-Đức.

(3): Một trong những tạp chí uy tín nhất trong khu vực nói tiếng Đức.

(4) Arthur Schnitzler (1862-1931): Bác sĩ, nhà viết kịch, nhà viết truyện ngắn người Áo, nhà văn quan trọng của phái Hiện đại Vienna.

(5) Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20.

(6): Thần tình yêu, biểu trưng cho đòi hỏi và thèm khát.

Gisela Trahms, sinh tại Westfalen, sống tại Rheinland, học ngữ văn và triết học, viết phê bình và tiểu luận.

Đôi nét tiểu sử Ingeborg Bachmann: Nữ thi sĩ Áo sinh năm 1926 tại Klagenfurt – mất trong một tai nạn ở Roma, Ý năm 1973 * Ingeborg Bachmann lấy bằng tiến sĩ Triết học, làm việc tại đài phát thanh Áo. Là một nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận, bà nổi tiếng trong văn chương Đức ngữ * Năm 1952, bà đã đọc những bài thơ đầu tay trước “Nhóm 47” và đã được nhóm này trao tặng một giải thưởng vào năm kế đó * Sau sự kiện đó bà chỉ chuyên chú vào văn chương, viết nhiều tập thơ, kịch truyền thanh, truyện ngắn , rồi mười năm sau, cuốn tiểu thuyết rất đẹp tựa là Malina, được trình bày như “một tác phẩm tiểu thuyết về nhiều cách chết khác nhau”* Những cuốn truyện khác của bà là FranzaKinh cầu hồn cho Fanny Goldmann gây tiếng vang. Bà còn là tác giả tập tiểu luận Những bài giảng ở Frankfurt: Những vấn đề của thơ hiện thời và tập Berlin, một nơi may rủi (với 13 hình vẽ của Gϋnter Grass). * Trong cuộc đời thực, cũng như trong thơ và truyện (Malina), Ingeborg Bachmann bày tỏ tình yêu mến nhà thơ Paul Celan (tác giả của bài thơ Tẩu khúc Tử thần) người bà đã gặp lần đầu tiên vào tháng giêng 1948 tại Vienna, rồi 1950, 1952 và mùa thu 1957. Từ năm 1976, thành phố Klagenfurt trao giải thưởng Ingeborg Bachmann mang tên bà, là một trong những giải thưởng văn chương quan trọng nhất trong khu vực nói tiếng Đức.

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt

Comments are closed.