Sau bài báo “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính” ngày 14/5/2008, trong trại giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã bị thẩm vấn như thế nào?

Cách đây 10 năm, vào ngày 14/5/2008, trang nhất báo Thanh Niên đã đăng bài báo gây chấn động dư luận xã hội trong và ngoài nước “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính” kèm theo bức ảnh của nhà báo Nguyễn Việt Chiến.
Dưới đây là nguyên văn các bài báo đó:
“Đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về tòa soạn Thanh Niên phản đối việc bắt giam hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi Trẻ. Các đường điện thoại của Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước gần như bị nghẽn liên tục bởi “cơn bão” điện thoại của bạn đọc bức xúc gọi tới. Tất cả đều toát lên một đòi hỏi: việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo là không có đầy đủ căn cứ xác đáng, không có lợi cho sự nghiệp chung, và cần trả lại tự do cho các anh càng sớm càng tốt. Báo Thanh Niên chân thành cám ơn sự chia sẻ chân tình đầy trách nhiệm của bạn đọc.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ – luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao, nếu như Tổng biên tập Báo Thanh Niên chính thức có yêu cầu. Thật cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của các luật sư.
Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, một số đại biểu Quốc hội, các nhà luật học và chuyên gia đã lên tiếng:
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ĐBQH Bến Tre): Tôi không biết khởi tố vì cái gì?
Về nguyên tắc, nhà báo nếu đưa tin không chính xác thì chỉ vi phạm luật báo chí và nếu điều chỉnh cũng điều chỉnh theo luật báo chí. Khi thông tin không chính xác (nếu có) thì phải đính chính, nặng hơn thì kiểm điểm về mặt hành chính, nghiêm trọng nữa có thể chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cụ thể trong vụ việc này tôi thấy tội danh khởi tố 2 nhà báo là không rõ ràng. Để khép vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thì phải chứng minh được có vụ lợi, phải cố ý, nhằm mục đích khác và gây hậu quả, nhưng ở đây tôi không thấy có cái đó nên không biết khởi tố vì cái gì? Có lẽ mục đích là họ khởi tố mấy ông bên điều tra của họ nên mấy ông (nhà báo) bị dính vào?
An Nguyên (ghi)
Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (ĐBQH Đồng Nai):Đây là tội gắn với hành vi tham nhũng, phải chứng minh
Tôi không nắm được chi tiết chuyện này nên không thể trả lời cụ thể được, nhưng hôm qua tôi cũng có nói chuyện với anh Vượng (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng – TN), anh ấy nói sẽ có họp báo để giải thích việc này. Tôi thì thấy rằng không nên, phải làm hết sức thận trọng vì sau khi các cơ quan tố tụng công bố miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Việt Tiến lại là khởi tố và bắt giam các nhà báo cũng liên quan đến vụ việc này khiến dư luận dễ hiểu rằng có chuyện gì uẩn khúc? Đây là chuyện hết sức phức tạp. Theo thông tin trên báo chí mà tôi thấy thì các nhà báo bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đây là tội gắn với hành vi tham nhũng. Để chứng minh hành vi này của các nhà báo thì phải chứng minh được những thông tin hoặc bài báo mà họ đưa có động cơ cá nhân, có hành vi vụ lợi, nhưng cũng theo tôi được biết thì vào thời điểm đó có rất nhiều tờ báo cùng đưa thông tin chứ không riêng Thanh Niên và Tuổi Trẻ nên việc nói họ vụ lợi là rất khó.
An Nguyên (ghi)
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật Vì Dân, Trưởng ban pháp chế Hiệp hội ngân hàng Việt Nam: Tôi khẳng định, quyết định khởi tố là rất yếu lý
Theo quy định của pháp luật, dù nhà báo hay cán bộ điều tra hoặc bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng cụ thể trong trường hợp này thì đã đủ yếu tố để khởi tố các nhà báo tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” hay chưa? Họ lợi dụng gì, lợi dụng quyền hạn đến đâu? Cơ quan ngôn luận có quyền điều tra, thu thập thông tin phản ánh trên mặt báo. Tài liệu đó ai cung cấp thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp này, báo chí phản ánh vụ việc (PMU18) trong bối cảnh đã được khởi tố, bí mật coi như không còn nữa. Tôi khẳng định rằng, quyết định khởi tố rất yếu lý. Nếu được mời, tôi sẵn sàng tham gia bảo vệ các nhà báo. Ngoài ra, việc khởi tố vụ án này (chưa nói đến việc bắt giam các nhà báo) trong điều kiện cũng rất bất lợi. Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng để lấy lại lòng tin, yêu của dân, nhưng trong một vụ án nghiêm trọng như PMU 18 lại hành xử như thế này thì, thứ nhất gây hoang mang cho chính các cán bộ điều tra các vụ án tham nhũng, thứ hai các nhà báo, các tờ báo sẽ không còn xông xáo đưa thông tin tiêu cực lên nữa. Như vậy những gì nhức nhối trong xã hội sẽ bị bóp méo, gây bất ổn.
Tôi cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam phải có quan điểm rõ ràng, rành mạch, đúng pháp luật. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là cần xem xét lại vấn đề này; bởi vì nhà báo nhiều khi đăng một phát ngôn nào đó là quyền thông tin, đúng hay sai thì cá nhân hay tổ chức cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ này, các luật sư có quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án PMU 18 để xem xét các thông tin nhà báo đưa là đúng sự thật hay không, và có quyền phân tích. Có thể, theo tôi, sẽ phải điều tra lại từ đầu vụ án PMU 18.
Vân Ánh (ghi)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển:Quy cho các phóng viên cái tội ấy, tôi nghĩ là oan
Tôi cho rằng đây là việc rất không hay. Họ làm hơi vội vã, bởi quy cho các phóng viên cái tội đấy (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ), tôi nghĩ là oan. Người nào cung cấp thông tin sai thì truy tội người ta được, vì người đó có ý đồ. Bản thân nhà báo chỉ nghe thông tin từ những người có trách nhiệm thì không đáng bị xử như thế. Cách làm của các nhà chức trách như thế này là không tốt. Tôi cho rằng giờ bắt người ta thì dễ, rồi sau thả hai nhà báo này thế nào thì lại là chuyện đau đầu với họ, và hình ảnh của Việt Nam sẽ không đẹp đẽ gì với bạn bè thế giới. Cách hành xử với nhà báo như thế là rất dở.
Trương Định (ghi)

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân:
Chúng tôi rất mong anh Chiến sớm được trả tự do
* Ông nghĩ gì về câu chuyện hai nhà báo viết bài chống tham nhũng bị bắt?
– Việc cơ quan công an điều tra, thẩm vấn nhà báo là chuyện bình thường. Nhưng việc bắt tạm giam thì tôi thực sự bất ngờ. Từ sáng đến giờ, sau khi đọc bài trên Báo Thanh Niên, tôi cứ luẩn quẩn những suy nghĩ đó. Nếu cơ quan điều tra bắt tạm giam anh Nguyễn Việt Chiến chỉ với những gì như thông báo của họ thì theo tôi là quá vội vàng và chưa đủ cơ sở. Bắt tạm giam một nhà báo viết bài chống tiêu cực là một việc rất nặng nề, và càng nặng nề hơn ở thời điểm này, khi cả nước đang đồng lòng chống tiêu cực và đang chung sức chuẩn bị đại lễ Phật đản quốc tế, với sự chứng kiến của hàng trăm nhà báo quốc tế. Sự việc này sẽ gây xáo trộn và tạo dư luận không tốt trong nước và quốc tế.
* Nghĩa là ông cho rằng hành động của cơ quan điều tra là chưa thấu đáo?
– Tất cả nhà báo vi phạm pháp luật đều bị khởi tố. Nhưng trường hợp của anh Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ), theo cá nhân tôi, nếu có vi phạm thì cũng chưa đến mức bị bắt tạm giam. Vả lại, trong quá trình đưa tin về vụ PMU18, khi có yêu cầu đính chính, Báo Thanh Niên đã đáp ứng ngay trong số báo sau, vậy tại sao phóng viên của báo vẫn bị bắt? Dù chưa có đầy đủ thông tin từ phía cơ quan điều tra song tôi vẫn có cảm giác hành động của cơ quan điều tra chưa thấu đáo, chưa thấu tình đạt lý.
Về tư cách công dân và phẩm chất nghệ thuật, anh Chiến đều có đủ, vì thế, anh ấy đã được kết nạp vào Hội Nhà văn lâu lắm rồi. Trước khi chuyển sang Báo Thanh Niên, anh Chiến có thời gian công tác tại Báo Văn Nghệ (ông Huân hiện là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ- PV), tôi cũng không nghe thấy điều tiếng gì về anh Chiến.
* Có ý kiến cho rằng việc bắt giữ hai nhà báo có thể sẽ làm chùn bước những nhà văn, nhà báo có tâm huyết với đất nước, với dân tộc và “nhắc nhở” họ hãy lo đến sự “an toàn” của bản thân trước tiên. Ông nghĩ sao?
– Một trong những trọng trách lớn lao của người cầm bút là chống tham nhũng, bởi vì tham nhũng làm băng hoại đất nước, băng hoại giống nòi. Tôi rất ủng hộ những bài báo chống tiêu cực. Tuy nhiên, qua sự việc của anh Chiến, tôi cũng nhận thấy khi viết bài chống tiêu cực, nhà báo phải vô cùng thận trọng, hạn chế tối đa mọi sai sót, sơ hở.
Thực ra, hồi cuối năm ngoái, tôi cũng nghe phong thanh chuyện bắt giữ nhà báo. Nhưng nghe là nghe vậy thôi, chứ không thể tin đó là sự thật. Ở góc độ nghiệp vụ, việc báo chí sơ sểnh cũng khó tránh khỏi, nhất là báo ra hằng ngày. Nếu không có chuyện gì, tôi rất mong cơ quan điều tra sớm trả lại tự do cho anh Nguyễn Việt Chiến.
* Thực tế, trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam, đã không ít trường hợp người cầm bút vì dám nói thẳng, nói thật đã bị phiền hà?
– Đúng là có trường hợp người cầm bút bị phê bình, nhưng không nặng nề như lần này.
Y Nguyên

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh:
Hội Nhà báo bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của hội viên trên cơ sở pháp luật
Bên hành lang QH, phóng viên các báo phỏng vấn ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về quan điểm của Hội Nhà báo sẽ bảo vệ quyền lợi hội viên của mình ra sao, khi cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo của Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ.
* Ông nghĩ gì khi nhận được thông tin hai nhà báo chuyên viết về chống tham nhũng bị bắt vì đưa các thông tin liên quan đến tham nhũng?
– Thực ra Hội cũng như các báo mới nghe thông tin hôm qua, sáng nay chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng, tìm hiểu, sau đó mới có thể có ý kiến.
* Trước đó lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có làm việc và thông báo rằng sẽ xem xét hành vi một số phóng viên, Hội đã có động thái gì?
– Hội cũng nghe như vậy thôi, chưa biết hội viên nào, cơ quan báo chí nào.
* Hai nhà báo bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn phải đi đôi với việc trục lợi thì mới có tội, chứ hai nhà báo này viết bài chống tiêu cực trong vụ PMU 18 thì trục lợi cái gì, thưa ông?
– Cái này các đồng nghiệp phải xin gặp cơ quan chức năng để tìm hiểu, Hội cũng sẽ tìm hiểu.
* Ông có nghĩ, việc bắt 2 PV sẽ làm giảm ý chí của các PV khác trong đấu tranh chống tiêu cực?
– Làm sao giảm được ý chí của anh em, vì báo chí chúng ta là một kênh thông tin rất quan trọng trong việc đấu tranh này, làm sao giảm ý chí đó được.
* Hội có đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh em?
– Đương nhiên, trên cơ sở pháp luật, Hội sẽ đứng ra để bảo vệ.
* Trong lịch sử, Hội đã lần nào đứng ra can thiệp bảo vệ như vậy chưa?
– Đó là một trong những chức năng của Hội, được ghi trong Luật và Điều lệ Hội: bảo vệ hội viên theo quy định, theo điều lệ, bảo vệ quyền hành nghề chính đáng trên cơ sở pháp luật.
* Hội đã lần nào đứng ra bảo vệ chưa?
– Có, những lần nhà báo bị cản trở hành nghề chính đáng, Hội đã đứng ra bảo vệ, có ý kiến.
* Hội có động thái tiếp theo như thế nào để bảo vệ quyền lợi của 2 phóng viên bị bắt?
– Chiều nay, sau khi Hội tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng sẽ có ý kiến, chứ bây giờ chưa có thông tin cụ thể.
* Là nhà báo, ông suy nghĩ gì khi nhận được tin này?
– Tôi rất buồn vì điều đó.
* Nhưng đó là hai nhà báo tích cực chống tham nhũng?
– Việc này phải có đủ thông tin đã.
* Ông đánh giá thế nào khi trong suốt quá trình hành nghề, các cơ quan chức năng không hề cảnh báo về việc đưa tin, nay lại áp dụng hình sự?
– Trước hết, nhà báo chúng ta phải làm đúng chức năng, đúng pháp luật đã. Còn cảnh báo đó chỉ là một mặt vấn đề, không phải chưa cảnh báo thì ta được làm việc này, việc kia. Nhưng chính chúng ta cũng phải làm đúng pháp luật đã, phải trên cơ sở sự thật.
* Là PV viết về vụ PMU18, tôi thấy lúc đó rất ít thông tin chính thống, rất khó đánh giá độ chính xác của tin, ông đánh giá thế nào về sự tác nghiệp trong điều kiện đó?
– Thông tin chính thống là căn cứ pháp luật. Nhưng chỉ căn cứ nguồn chính thống thì rất hạn chế. Báo chí phải tìm hiểu thông tin, vấn đề khó cho những người làm báo chúng ta là phải thông tin đúng sự thật.
* Nhưng rất ít cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí, điều này có mâu thuẫn không?
– Mâu thuẫn thế nào được! Khó cho chúng ta, nhưng nghề nghiệp của chúng ta là thế. Việc đã ngã ngũ rồi thì không cần đòi hỏi đến trách nhiệm và công việc của nhà báo chúng ta nữa.
Xuân Toàn – Tuyết Nhung (ghi)

Sức khỏe nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang xấu trầm trọng
Ngày 13.5, chị Phùng Thị Bích Ngọc (vợ của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên) và Báo Thanh Niên đã chính thức gửi đơn xin bảo lãnh bị can tới Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến được tại ngoại. Theo chị Ngọc, sức khỏe của anh Việt Chiến hiện đang rất yếu và mắc nhiều bệnh cùng lúc.
Khoảng 2 tuần gần đây, sức khỏe của anh Việt Chiến rất kém bởi bệnh trĩ nặng khiến anh đi đại tiện ra máu có vòi, gây choáng. Bên cạnh đó, chứng suy nhược thần kinh nặng kèm với các bệnh viêm đại tràng, dạ dày mãn tính khiến anh Việt Chiến ăn được rất ít, không ngủ được. Kể từ 2 tuần gần đây, anh Việt Chiến luôn bị các cơn đau co thắt vùng ngực, khó thở, sau khi đi khám, bác sĩ đã cho anh Việt Chiến uống thuốc về tim để hỗ trợ. Vào đầu tháng 4, khi đi khám về bệnh trĩ, bác sĩ đã yêu cầu anh Chiến phải phẫu thuật sớm. Theo dự kiến, anh Chiến sẽ đi mổ trong tuần này thì bị khởi tố và bắt tạm giam. Ngoài ra, anh Việt Chiến còn mắc chứng huyết áp thấp.
Trước khi bị đưa vào trại giam tại B16, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, chị Ngọc (vợ anh Chiến) đã chuẩn bị nhiều loại thuốc cần thiết để anh uống hằng ngày. Tuy nhiên, chị Ngọc cho biết: “Vào ngày bị bắt, anh Chiến đã có biểu hiện căng thẳng thần kinh quá mức… Điều tôi lo lắng nhất là anh Chiến có thể bị đột quỵ, đứt mạch máu não bất cứ lúc nào do thần kinh bị căng thẳng quá mức khi ở trong trại giam”.
Chị Ngọc cũng cho biết thêm, hơn 1 năm trở lại đây, tiến trình điều tra kéo dài đã tác động không nhỏ tới sức khỏe của anh Chiến, cộng với việc thần kinh yếu, ăn rất ít khiến cho sức khỏe của anh Chiến đã ở mức báo động. “Ngay cả khi được gia đình chăm sóc rất cẩn thận mà sức khỏe anh Chiến còn như vậy huống hồ là lại bị đưa vào trại giam. Năm nay anh ấy đã 57 tuổi rồi. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng cho phép chồng tôi được tại ngoại trong quá trình điều tra để gia đình có điều kiện chăm sóc anh ấy tốt hơn. Điều này cũng phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra và anh Chiến cũng sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ hoặc đứt mạch máu não. Gia đình cam đoan là anh Chiến sẽ ở nhà và có mặt tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ngay khi được triệu tập”.
Trao đối với chúng tôi vào chiều 13.5, bác Vũ Thị Nguyệt (79 tuổi) – một hàng xóm lâu năm của anh Chiến nói: “Chiến sống rất tình cảm với hàng xóm và hay giúp đỡ hàng xóm mỗi khi có việc cần. Nhưng sức khỏe hơi yếu, không được người thân chăm sóc cẩn thận thì cũng phức tạp”.
Tình trạng sức khỏe của nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang xấu một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề là những chứng cứ mà Báo Thanh Niên đã công bố, nhà báo Nguyễn Việt Chiến không phạm tội hình sự. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn cấp xem xét để sớm trả tự do cho nhà báo.
H.Ly

TRÍCH NHẬT KÝ CỦA NHÀ BÁO, NHÀ THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN
“…Chiều 12/5/2008, tại cuộc khám xét của cơ quan an ninh điều tra ở tòa soạn báo Thanh Niên, tôi đã nổi giận kinh hoàng với ngọn lửa bùng cháy của ý chí quật khởi trước những bất công mà một nhà báo phải hứng chịu. Sau này tôi mới biết, qua vụ bắt giữ này, họ muốn đánh sập ý chí chiến đấu chống tham nhũng, chống tiêu cực ở 2 tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất nước. Họ đã chọn hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ để “ra đòn” chứ không phải gần 40 tờ báo khác đều có bài viết chống tham nhũng trong vụ án PMU 18 và đều có các phóng viên bị triệu tập, thẩm vấn trong suốt hơn một năm về vụ việc này. Và hai nhà báo của các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã trở thành nạn nhân của một vụ án đi vào lịch sử báo chí với nhiều diễn biến khá bi hài. Tại sao tôi không phải là người ngoài cuộc trong vụ việc này?!
Khi tôi bị bắt giữ, mọi người trong nhà giấu nhẹm chuyện tôi bị bắt, không cho mẹ tôi biết vì cụ đã 81 tuổi rồi. Bố tôi hơn mẹ tôi một tuổi, tưởng chết trước đó ít tháng vì bị xe máy đâm phải, nhưng may mắn qua khỏi, ông chỉ bị hỏng một mắt. Đến tận chiều tối ngày 12-5-2008, khi không thấy tôi quay trở lại thăm nhà (trước lúc lên cơ quan công an, tôi có hẹn sẽ quay lại), bố tôi mới đoán rằng có thể tôi đã bị bắt.
Trong suốt 6 tháng nằm ở khu biệt giam trên tầng hai, tôi hầu như không ngủ. Đầu óc cứ lan man toàn chuyện bi phẫn và mộng mỵ. Người cùng buồng cứ nghĩ là tôi ngủ được. “Anh đêm nào chẳng ngáy đến rung cả sàn”- cậu ta nói thế. Thật ra, ngay từ khi nhập trại, bị nhét vào cái phòng biệt giam hôi hám, bẩn thỉu này, ngay lập tức mũi tôi bị đặc tịt lại. Không hiểu đấy có phải là phản ứng nhậy cảm của một cơ thể trong lành trước sự ô nhiễm lưu cữu của trại tù hay đấy là dấu hiệu của việc thiếu ô-xy trong phòng biệt giam. Biệt giam là cách gọi một khu giam đặc biệt, nơi tù nhân suốt ngày phải ở trong buồng kín (mỗi buồng chỉ giam một hoặc hai người) trừ những lúc bị dẫn đi hỏi cung. Và, họ quanh năm suốt tháng không được tiếp xúc với nắng trời. Do hệ thống hô hấp có vấn đề và mũi bị đặc tịt, ban đêm tôi thường chỉ thở được một bên mũi và thở khá to, làm cho người bên cạnh cứ tưởng tôi ngủ ngáy khá ngon lành.
Ngày nào cũng thế, tiếng chim vào lúc rạng sáng chính là chiếc đồng hồ báo thức khua dậy cả khu biệt giam. Các tù nhân chui ra khỏi màn, lục sục đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh. Khoảng 6 giờ sáng, một người quản giáo giám sát hai người tù tự giác ở tầng dưới đi lên khu biệt giam. Một người tù đến từng phòng, thu nhặt các túi rác vứt từ bên trong ra, còn người kia gánh hai thùng nước nóng chia cho khắp lượt buồng giam. Mỗi tù nhân được chia một bát nước nóng để ăn mỳ lót dạ vào buổi sáng. Mỳ ăn liền do gia đình gửi vào hay do tù nhân mua bằng tiền lưu ký gửi trại. Một số ít tù nhân gia đình ở xa, không được người nhà gửi đồ ăn tiếp tế và không có tiền gửi lưu ký, thường phải nhịn ăn sáng. Họ là những người tù đáng thương nhất, vì cả ngày chỉ trông chờ vào hai bữa cơm nhạt của trại, nếu không xin được muối ăn của người ở buồng bên cạnh, họ bị phù thũng là chuyện không tránh khỏi. Cơm tù theo tiêu chuẩn của trại chỉ có hai bữa trưa và tối, mỗi bữa được một tô cơm hẩm và lưng bát canh rau muống dai nhách hoặc canh bí lõng bõng, nhạt thếch. Mỗi tuần, trại cho tù nhân ăn tươi một lần vào thứ tư, mỗi người được dăm miếng thịt mỡ rang lèo nhèo hoặc một miếng cá tanh lòm toàn xương. Tôi may mắn được gia đình tiếp tế đồ ăn và gửi tiền 2 tuần một lần, nên không phải kham khổ lắm. Một tháng, trại cho mỗi tù nhân được mua đồ ăn, thức uống 3 lần tổng cộng không được quá 500.000 đồng. Tôi và bạn tù cùng phòng thường gửi mua trứng và hoa quả để ăn dần trong tuần. Tuy bị giam cầm khắc nghiệt, nhưng chúng tôi sống cũng không đến nỗi nào.
Ngay trong ngày đầu tiên ở trại giam, căn bệnh trĩ đã hành hạ tôi, máu ra bê bết, máu loang đỏ bồn cầu. Thậm chí, khi bị dẫn đi hỏi cung, tôi phải nhét cả một nắm giấy vệ sinh vào quần lót để thấm máu. Một tuần liền sau ngày bị bắt, tôi vẫn tiếp tục bị ra máu do trĩ. Tôi nói với điều tra viên hoãn các cuộc hỏi cung vì sức khoẻ bị suy sụp do mệt mỏi. Khi tôi móc trong quần lót ra nắm giấy vệ sinh đỏ ngầu máu cho xem, họ lắc đầu chán hẳn. Tôi được đưa vào phòng y tế của trại giam để khám bệnh. Tôi được một nữ bác sĩ nghe tim phổi, đo huyết áp, bắt mạch. Chị này khá dễ chịu và dịu dàng, vừa khám vừa hỏi han tôi về bệnh tật. Tôi nói về một số căn bệnh kinh niên mà mình đang mắc phải như: thiểu năng tuần hoàn não, trĩ cấp, những cơn đau co thắt ngực và bệnh mất ngủ. Tôi đề nghị chị ta cho tôi mang vào phòng giam một số loại thuốc điều trị bệnh mà tôi đã mang theo từ nhà. Nữ bác sĩ đồng ý cho tôi mang vào, bất chấp sự xoi mói của mấy tay quản giáo khu giam. Tôi cũng bộc bạch với chị ta về chuyện hai nhà báo chống tham nhũng bị bắt giữ. Chị ta động viên:
– Đành phải chấp nhận số phận thôi, vào đây, anh phải xác định giữ gìn sức khoẻ, không nên nghĩ ngợi gì nhiều. Anh có ăn, ngủ được không?
-Thưa bác sĩ, làm sao ăn, ngủ được, suốt đêm tôi cứ chong chong thao thức trong đầu một câu hỏi: vì sao một nhà báo viết báo chống tham nhũng như tôi lại bị bắt giữ?
Chị ta cười nhẹ nhàng như vỗ về, rồi phát cho tôi mấy viên thuốc cầm máu và mấy viên thuốc bổ. Trong suốt 8 tháng bị giam giữ, có lẽ hình ảnh dễ chịu nhất về cảnh sát trại giam còn đọng lại trong ký ức của tôi chính là hình ảnh về nữ bác sĩ này. Chồng của chị ta cũng là lính canh gác trong trại. Gương mặt sáng sủa đầy nữ tính của nữ bác sĩ này làm cho khung cảnh trại giam bớt đen tối hơn. Dáng chị ta thanh mảnh như một cây vĩ cầm và tôi cảm nhận được ở đâu đó, một vài nốt nhạc còn sót lại của thời thanh xuân đang ngân lên trong một giai điệu mơ hồ nào đấy.
Khi tôi còn đang mơ màng trong cảm nhận nói trên thì một giọng nói khô cằn cắt ngang: “Anh Chiến đi theo tôi!”. Tôi lầm lũi đi theo viên quản giáo lên tầng trên. Họ đưa tôi vào một căn buồng có khá nhiều thiết bị phục vụ cho việc chụp ảnh, lăn tay làm hồ sơ tội phạm. Một thợ ảnh của ngành an ninh làm công việc đó một cách cần mẫn và tỉ mỉ. Cứ nghĩ tới việc từ nay trở đi, hình ảnh, nhân dạng và dấu vân tay cả mười ngón của một nhà báo chống tiêu cực như tôi bị họ lưu giữ trong tàng thư tội phạm của Bộ Công an cùng với bọn lưu manh, trộm cắp, giết người và những bị can tham nhũng trong vụ PMU18 là máu trong người tôi lại như sôi lên. Tôi cố gắng kìm nén cảm xúc để mọi chuyện qua mau. Tay thợ ảnh không hiểu vì sao cứ chụp đi, chụp lại và nhiều lần phải lăn tất cả mười ngón trên hai bàn tay tôi vào mực dấu đen nhẻm để có được bản in rõ nhất. Sau khi lăn tay, chụp ảnh, họ dẫn tôi trở về buồng giam. Nhìn hai bàn tay đen ngòm mực của tôi, anh bạn tù cùng buồng cười diễu nhưng cũng lấy nước giúp tôi rửa ráy. Thế là hết một ngày. Cánh cửa sắt buồng giam đóng lại…”
Tại trại giam, quá trình thẩm vấn tôi xoay quanh vấn đề làm rõ trách nhiệm của một số lãnh đạo tờ báo của tôi trong vụ án này là câu chuyện khá thú vị. Chợt có hôm, đang ngồi trong phòng xét hỏi, một điều tra viên hé mở cho tôi thấy theo kiểu “nửa kín, nửa hở” mấy trang giấy dày đặc chữ “Anh có nhận ra chữ viết của ai đây không?”. Tôi gật đầu, thấy dòng chữ quen quen những không thể đọc được nội dung gì ghi trong đó. Người xét hỏi lật úp các trang giấy xuống bàn và nói: “ Phó Tổng biên tập Quốc Phong của anh đấy!Anh ta khai nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc này hết cả rồi mà tại sao đến giờ, bản thân anh vẫn cứ khăng khăng không chịu khai nhận gì về trách nhiệm, tội lỗi của mình cả. Nếu vậy thì không thể khoan hồng, giảm nhẹ tội cho anh được đâu!”.
Tôi vẫn bình tĩnh trình bày: “Tôi đã nói với các anh toàn bộ sự thật về vụ án này, về các tài liệu, chứng cứ, các nguồn tin tôi thu thập trong quá trình tác nghiệp, viết báo về vụ án. Tôi đã nghiêm túc xem xét lại toàn bộ các bài viết đã đăng báo và tôi thấy bản thân mình không có gì sai trong việc đưa tin, viết bài về vụ án đánh bạc, đưa hối lộ và tham nhũng. Không riêng gì tờ báo của tôi, mấy chục tờ báo khác cũng phản ánh thông tin tương tự, thậm chí còn sâu hơn, nhiều hơn báo tôi. Vậy tại sao, các anh chỉ truy xét mình tôi? Các anh có thấy sự thiếu công bằng của cơ quan điều tra trong vụ này không? Chính các anh đã thống kê, cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án nghiêm trọng PMU18, chỉ trong vòng hơn một năm đã có những thông tin liên quan tới vụ án bị lộ, lọt ra ngoài được đăng tải với 1200 tin, bài của 40 phóng viên có liên quan đến vụ án này. Thông tin tôi đưa trên tờ báo của mình chỉ bằng 1/17 (hoặc 5%) lượng tin, bài các báo đã đăng về vụ án này. Vậy phải chăng tôi đã bị cố tình trù dập trong vụ việc này? Các anh cho tôi xin mấy tờ giấy để tôi làm đơn kêu oan lên cấp trên của các anh và gửi tới các cơ quan trung ương để khiếu nại về vụ việc này. Khi vụ án tham nhũng chưa điều tra xong mà đã bắt các nhà báo viết bài chống tham nhũng và cán bộ điều tra án tham nhũng thì đó là vì mục đích gì, động cơ gì?”.
Thấy tôi chất vấn lại một cách bộc trực như vậy, một điều tra viên nói mát: “Cứ đợi đấy, chỉ ít ngày nữa thôi, một số đồng nghiệp của anh sẽ nhập trại vào đây, trong đó có cả Phó tổng biên tập Quốc Phong và Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân của anh đấy, tha hồ mà vui!”. Tôi đáp luôn: “Các anh không thể bắt mấy người đó được đâu! Phó tổng biên tập Quốc Phong là cháu một vị khai quốc công thần của đất nước này từ những năm cách mạng tiền khởi nghĩa 30- 45 là ông Trường Chinh đấy, còn Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân lại là người của một cơ quan tình báo Tổng cục II đấy. Không khéo, có thể sau đó, cơ quan này lại điều tra ngược các anh đấy, tôi nói không phải là không có lý đâu!”.
Tuy nói ra miệng cứng như vậy, những khi về phòng giam, tôi đã phải thức suốt nhiều đêm liền để lắng nghe xem, bạn bè đồng nghiệp của anh, liệu có ai bị bắt giữ tiếp đưa vào trại này không, vì những người bị bắt thường được đưa vào trại lúc ban tối. Tôi rất thương người bạn thân của mình là Phó tổng biên tập Quốc Phong. Nếu không may Quốc Phong mà bị bắt thì tôi rất ân hận vì anh là một người rất tử tế, nhân hậu và trong sáng. Một người tốt lành, ngay thẳng như thế mà bị đày ải vào nơi địa ngục trần gian này chắc sẽ không cầm cự nổi, và có thể sẽ tự sát vì không chịu được sự cay đắng, vùi dập của số phận. Với tôi thì khác, tôi đã trải qua nhiều lần đối mặt với cái chết trong gang tấc từ cuộc chiến tranh cách đây gần bốn chục năm. Và tôi là một thứ thép không tồi khi đã được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh và trường đời khốn khó vài chục năm sau đó. Thêm nữa, tôi là một nhà thơ, và thơ thật sự là một thứ “Nước Thánh” về mặt tinh thần sẽ cứu rỗi tôi trong những ngày tháng tuyệt vọng này. Còn Quốc Phong chỉ là một nhà báo, không phải một nhà thơ, Quốc Phong làm sao cầm cự nổi? Câu hỏi ấy cứ dằn vặt tôi trong những đêm lao tù thao thức: “Người sau song sắt thương người ngoài song sắt/Còn người ngoài đời thương nhớ người trong ngục tối biết bao nhiêu”.
Những đêm lao tù ấy, tôi luôn bị dằn vặt bởi biết bao nỗi lo. Thứ nhất, tôi lo bị kẻ xấu ám hại trong tù để bịt đầu mối, vì tôi biết khá nhiều chuyện “thâm cung bí sử” trong vụ án này và đã từng tiếp xúc với nhiều vị tướng có số phận liên quan đến vụ án PMU18, nghe họ kể về những sự thật “chưa thể công bố” về vụ án nghiêm trọng mà gần 1200 bài báo của 40 nhà báo đã góp phần phanh phui, đưa ra ánh sáng pháp luật. Vì lo ngại như vậy, nên những ngày mới bị bắt, được ăn tiêu chuẩn riêng bồi dưỡng cho người có bệnh, tôi không dám ăn, thậm chí sợ rằng thịt gà họ cho mình ăn có thể có vi rút gây bệnh H5N1. Thứ hai, tôi lo cho vợ, con người thân của mình ngoài xã hội bị kẻ xấu hãm hại. Thứ ba, tôi lo cho những đồng nghiệp thân thiết cùng tờ báo, bị bắt do liên lụy với mình.
Thứ tư, tôi cũng lo cho Tướng Phạm Xuân Quắc (Trưởng ban điều tra chuyên án đánh bạc, đưa hối lộ và tham nhũng) là người tôi khá thân, đã từng cung cấp thông tin một số vụ việc cho báo Thanh Niên, có thể sẽ bị cơ quan điều tra bắt giữ về việc để lộ, lọt thông tin điều tra cho các báo. Nếu tướng Quắc bị bắt thì vụ việc sẽ rất phức tạp và sẽ diễn biến rất xấu đối với cả tướng Quắc và tôi. Nỗi lo này mãi tới 5 tháng sau khi tôi bị bắt mới được giải tỏa. Hôm ấy, khi đứng cạnh tướng Quắc tại phiên tòa xử các nhà báo và cán bộ điều tra, tôi hỏi nhỏ “Bác có được tại ngoại không?”. Tướng Quắc cho biết, tuy bị khởi tố và truy tố, ông vẫn được ở bên ngoài. Tôi gật đầu: “Thế là ổn rồi, em cứ lo bác bị bắt, già rồi mà phải vào trong ấy thì cay cực lắm!”.
Sống trăn trở với ngần ấy nỗi lo thì thần kinh của tôi trong 251 ngày lao tù có thể cũng được liệt vào loại thần kinh thép. Sở dĩ ngày tháng ấy, tôi không bị phát điên lại chính là nhờ việc tôi biết làm thơ và lấy sáng tạo thi ca làm lẽ sống nơi “địa ngục trần gian”. Ban ngày tôi bị dẫn giải đi hỏi cung cả sáng lẫn chiều, ban đêm thì tôi chuyện trò tào lao với người bạn tù cùng buồng và lẩm nhẩm trong đầu những câu thơ mới viết, cứ thế tôi cầm cự từng ngày một trong khu biệt giam.
Thật ra, người bạn tù cùng buồng với tôi cũng là người khá tốt. Anh ta nhiều khi động viên và hướng dẫn tôi tập thể dục đều đặn để rèn luyện thân thể và giữ gìn sức khỏe trong điều kiện giam giữ khắc nghiệt. “Anh lười lắm, suốt tối ngày chỉ nằm, dậy tập và chạy đi, có chạy thì người mới khá được”. Tôi vùng dậy, chạy dậm chân tại chỗ, tập các động tác đứng lên, ngồi xuống. Lưng tôi kêu răng rắc, đầu gối tôi cũng răng rắc kêu. “Thấy chưa, ngày nào cũng phải tập lấy vài tiếng, trong tù nếu không tập luyện là có ngày anh sẽ gục xuống đấy!”. Tôi cảm ơn người bạn tù và xí xởn tập thật lực một chốc.
Vợ tôi gửi vào cho tôi một cuốn sách dạy các thế tập luyện của trường phái Yoga. Như bắt được vàng, ngày nào tôi cũng tập theo sách dạy với các tư thế và hít thở kiểu Yoga. Tôi nghĩ, đầu óc thì luyện tập bằng thơ còn thân thể thì luyện tập bằng Yoga, hai thứ vũ khí ấy sẽ giúp ta lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống lao tù để đợi tới ngày được trả lại tự do. Tôi nhìn qua khe cửa ra khoảng sân trống của trại giam, ở đấy chiều nào các phạm nhân cũng chạy bách bộ huỳnh huỵch từ đầu sân tới cuối sân. Họ còn tập nâng tạ bằng các cục xi măng. Cả đống người chiều nào cũng ào ào tập luyện, những cánh tay, những bắp chân săn chắc. Đấy là những người đã thành án, đang trong thời gian cải tạo ở trại này. Còn tôi đang trong thời gian điều tra, tôi ở biệt giam nên chỉ có thể tập chạy trong chiều dài 3 m buồng giam, cứ chạy đi chạy lại và chạy dậm chân tại chỗ, rồi Yoga, vậy là ổn rồi, tập ít còn hơn là không tập gì. Tôi chợt bật cười khi nhớ tới câu nói của nhà thơ Lê Đạt khi tôi phỏng vấn nhà thơ ít ngày trước khi ông qua đời: Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi. Trong động tác chân, tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng; trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử”…

Trong hình ảnh có thể có: Việt Chiến Nguyễn

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Việt Chiến Nguyễn

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: 7 người, bao gồm Việt Chiến Nguyễn, mọi người đang đứng

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Nguồn: FB Nguyễn Việt Chiến

Comments are closed.