“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng nghỉ… nghỉ làm” (phần 33)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng nghỉ (dấu hỏi)/nghỉ làm vào thời LM de Rhodes sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Sau đó khoảng 2 TK, chữ nghỉ lại xuất hiện trong Truyện Kiều qua các dạng chữ Nôm và cũng là một chủ đề gây nhiều tranh luận cho đến ngày nay. Chủ đề này còn cho thấy một khuyết điểm của chữ Nôm là cách đọc không chính xác vì thiếu quy ước (chuẩn hóa): dấu hỏi (nghỉ) hay dấu ngã (nghĩ) khi đọc chữ 擬, 平 đọc là bình hay bằng (td. Cao Bằng, Quảng Bình), 化 đọc là hoa, hóa hay huế chẳng hạn… Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Các nét nghĩa của nghỉ theo thời gian

1.1 Nghỉ là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba đã hiện diện trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380–1442) hay trong Thiên Nam Ngữ Lục như

Người đua sắc khuở xuân dương

Nghỉ chờ thu cực lạ dường (Cúc, Hoa Mộc Môn)

Ba năm luống những kể đồn

Đẻ sao tròn vậy chẳng khôn nghỉ tròn (Thiên Nam Ngữ Lục câu 251-252)

Sang làm đô hộ nước ta

Nghỉ hay tướng địa, xưng là Cao vương (Thiên Nam Ngữ Lục, câu 2841-2842)

Học giả Paul Schneider, trong cuốn "Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens" (1992), còn ghi cách dùng liên hệ là "Tính nghỉ ham" trong Truyền Kỳ Mạn Lục, v.v.

1.2 Chữ nghỉ có ba nét nghĩa vào thời VBL (năm 1651)

clip_image002VBL trang 526

VBL ghi lại ba nét nghĩa của nghỉ (1) ở dưng (nhưng), nhàn hạ, nghỉ ngơi (quiesco/L) (2) người ấy, kẻ ấy là cách nói lễ phép/lịch sự – cùng một nghĩa với người (3) dễ (facilis/L) – như nghỉ làm là dễ làm (facile factu/L) không phải là nghỉ làm (không làm nữa) trong tiếng Việt hiện đại. Ta hãy xem qua các trường hợp dùng nghỉ qua văn bản.

1.2.1 Nghỉ là không làm việc, ở không: PGTN trang 291 "đến ngày thứ bảy thì có nghỉ mà chẳng có làm việc mới… sáu ngày mà ta làm việc vàn mà không chịu ở dưng", v.v.

1.2.2 Nghỉ là nó, người (is/L) hay đại từ nhân xưng ngôi thứ ba – đây là cách nói lễ phép/lịch sự. Người viết có đọc qua các tác phẩm Nôm của LM Maiorica như bộ Các Thánh Truyện, Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, Đức Chúa Giê Su, Mùa Ăn Chay Cả, Thiên Chúa Thánh Mẫu nhưng chưa thấy dùng nghỉ cũng như PGTN… Cụ Đàm Duy Tạo (Truyện Kiều, sđd) đã ghi nhận câu nói "Nghỉ ngây, nghỉ dại, nghỉ tin người (Mỵ Châu ngay, dại và tin Trọng Thủy)" trong một truyện cổ về Mỵ Châu.

1.2.3 Nghỉ là dễ (nét nghĩa thứ 3) còn xuất hiện trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

Khôn nghỉ vời so kịp mấy trùng

Của tự nhiên ấy bởi ai cho

Nghỉ có thừa lưa khắp dãy phô (Phẩm vật, b.10)

Hay còn xuất hiện trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa

Cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần (trang 74)

Hay trong PGTN trang 83 "Vậy thì ma quỉ dữ xem thấy chồng khôn ngoan hơn, mà chẳng nghỉ chịu lời nó cám dỗ… cho gặp đàn bà ở một mình, mà khỏi mặt chồng, cho nghỉ dối đàn bà được", trang 90 "cho ông ấy xưng ngay tội mình, mà nghỉ chịu được tha vậy", trang 118 "vì vậy hai phép nhất ấy, thật chẳng có dùng xác, mà lại khi khỏi xác thì càng nghỉ làm việc ấy", trang 189 "và sự nào dữ còn giấu trong lòng, cũng nghỉ trách bằng bằng việc lỗi đã làm ra bề ngoài", trang 248 "Lại cho việc ấy ra nghỉ làm và cho làm nhiều việc, thì cho làm phép lạ nhiều, kể chẳng xiết", trang 275 "Đến khi lo lại, kẻ khác có lên chịu vui vẻ đời đời, mà mình phải sa dưới địa ngục, chịu hình phạm tôi, cũng nghỉ xưa khỏi được, nếu chịu vâng lời đức Chúa trời răn (Chúa viết hoa/NCT)", v.v.

1.3 Nghỉ và câu 12 Truyên Kiều "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung"

1.3.1 Vào đến gần cuối TK 18 hay thời Nguyễn Du ra đời, cách dùng lễ phép nghỉ vẫn được Đàng Trong và Đàng Ngoài dùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: dựa vào tài liệu viết tay như tự điển Bồ Việt/Đàng Ngoài và tự điển Béhaine (1772/1773).

clip_image004Tự điển chép tay[2] từ VBL có hiệu đính, Đàng Ngoài

clip_image006

Tự điển chép tay Béhaine (1772/1773) ghi nghỉ là người ấy, nó (kẻ trên hay bằng vai) – không hàm ý tiêu cực.

Sau đó LM Taberd (1838) cũng ghi các cách dùng rất linh hoạt của đại từ nhân xưng ngôi thứ ba trong tiếng Việt, dựa vào tự điển trước đó của LM Béhaine – hình sau chụp lại từ cuốn "Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum" (1838, tự điển La Tinh – Việt):

clip_image008

1.3.2 Tuy nhiên vào đầu TK 19 trở đi, nghỉ đã bắt đầu chỉ kẻ thuộc hàng dưới hay hạ cấp như ghi nhận trong tự điển của LM Joseph Morrone (khoảng 1810-1820) và Theurel (Ninh Phú, 1877) ở Đàng Ngoài và tự điển Aubaret (1867, Đàng Trong):

clip_image010

Morrone (khoảng 1810-1820, Đàng Ngoài)

clip_image012

Theurel (1877 Đàng Ngoài)

clip_image014

Aubaret (1867)

Các tài liệu trên từ VBL đến Morrone, Theurel, Aubaret cho thấy khả năng nghỉ là một từ dùng phổ thông từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong, không thấy có dùng có giới hạn như một phương ngữ. Tuy nhiên, lại có khuynh hướng đổi cách dùng của tiếng Việt từ kiểu nói lịch sự thành dân dã (và mang tính cách thân mật, địa phương) xuất hiện trong lịch sử hình thành tiếng Việt – thí dụ như đại từ nhân xưng tao, qua chẳng hạn:

1.3.2.1 Tao dùng cho người trên nói với người dưới (hay “rất thấp”/VBL trang 724): (a) cha với con cái (b) chủ với đầy tớ (c) chồng với vợ hay khi nói chuyện có ngụ ý khi thường (BBC). Trong PGTN, đức chúa Giêsu từng phán “…Tao bởi chết mà sống lại …” (trang 202), “…Tao đã ra đời đến phán xét thế này …” (trang 199), v.v. Trích từ TNNL, một dạng chữ Nôm của tao là 蚤 (tảo) hay 月蚤 (tao, bộ nhục) 騷 (tao ~ thối thúi hôi) :

Vua rằng còn có mặt tao (c. 7101)

Bụt liền biết ý thốt ra rằng vầy

Tao đi áng hội mấy chày

Vắng nhà phá giới là mày đã cam (c. 7349-7351), v.v.

Cũng nên nói thêm ở đây về cách dùng tao/tau thời VBL: trong công thức rửa tội, câu khẩu ngữ ghi lại vào năm 1645 (hội nghị ở Ma Cao) là

“Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo”

(Tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirito santo)

Cách nói như trên là rất trân trọng vào thời đó chứ không được hiểu như tiếng Việt hiện đại (kiểu nói thô tục), v.v.

1.3.2.2 Qua dùng cho người trên nói với người dưới. Qua còn bảo lưu trong một số vùng ở Nam Bộ, khi các cộng đồng cư dân (Việt, Hoa, Khme…) đã ổn định đời sống ở vùng đất mới này. Một dạng chữ Nôm là 戈 (qua), đại từ này cũng hiện diện trong TNNL (td. câu 3670). Một cách giải thích hiện tượng qua dùng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long so với miền nam Trung Bộ (thời VBL) là kết quả của quá trình Nam Tiến, một số cách dùng đã được nhập vào Nam Bộ từ Đàng Ngoài (VBL ghi cách dùng qua trang 615).

1.3.2.3 Có thể cách dùng nghỉ với nét nghĩ hắn/y/nó cũng trải qua một quá trình tương tự: tính cách lễ phép và trân trọng đã không còn nữa và phần nào bảo lưu qua phương ngữ (td. Nghệ Tĩnh – theo học giả Vân Hạc Lê Văn Hòe/1952). Chính vì không biết đến cách dùng lễ phép của nghỉ (thời VBL) mà học giả Đào Duy Anh đã lý luận "từ nghỉ là đại từ chỉ Mã giám sinh và Sở khanh. Nhưng từ này có ý nghĩa khinh bỉ, không thể dùng để chỉ Vương ông được. Với từ nghĩ là ước chừng thì câu thơ thành nhẹ nhàng" (hết trích từ trang 281, Từ Điển Truyện Kiều, sđd).

Vấn đề đọc là nghỉ chỉ người (đại từ) hay nghĩ (động từ) đã được ghi nhận cách đây 12 thập niên trong bản Đoạn Trường Tân Thanh của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (KOM) chú thích (1902) – xem hình chụp lại bên dưới. Chữ nghỉ KOM ghi là với bộ nhân bên trái, hàm ý chỉ người – đoạn chú thích ghi 或作 nghỉ hoặc tác nghĩ phi (nghỉ chỉ người, dùng chữ nghĩ là không đúng/NCT). Có thể vì có vấn đề với chữ nghỉ/nghĩ nên bản Chiêm Vân Thị đã đổi chữ này thành xem 䀡 và bản Liễu Văn Đường (Giáp Dần 1914) đổi chữ này thành thì 時.

clip_image016

Không biết đến chiều dày thời gian (Quốc Âm Thi Tập, Truyền Kỳ Mạn Lục, Thiên Nam Ngữ Lục, VBL) và không gian (Đàng Ngoài, Đàng Ngoài – không có giới hạn địa lý) của cách dùng nghỉ (đại từ nhân xưng), cũng như sự thay đổi cách dùng nên học giả Nguyễn Quảng Tuân đã phê bình "Nhưng cách giải thích như thế (thổ âm Nghệ Tĩnh) cũng không đúng vì truyện Kiều chỉ có rất ít thổ âm Nghệ Tĩnh. Nguyễn Du tuy nguyên quán ở Hà Tĩnh nhưng đã sinh trưởng ở đất Thăng Long nên phải được coi là một nhân vật của Bắc Hà… Ông là một nhà nho nặng về lễ giáo thì không lẽ gì ông lại dùng một chữ kém tao nhã để gọi Vương viên ngoại... câu 12 trong Truyện Kiều phải viết là nghĩ mới đúng với nguyên bản của Nguyễn Du (cùng ý với Đào Duy Anh/NCT) " (trang 127-128, Chữ Nghĩa Truyện Kiều, sđd).

1.3.3 Các ý kiến khác nhau về nghỉ hay nghĩ (câu 12 Truyện Kiều)

Bảng liệt kê dưới đây tóm tắt các ý kiến khác nhau về chữ nghỉ/nghĩ – ký hiệu A chỉ tác giả dùng nghỉ (đại từ nhân xưng), B dùng nghĩ và # nghĩa là có bàn thêm về hai cách dùng nghỉ và nghĩ.

1. Nguyễn Văn Vĩnh (1943) A (ông dịch ra tiếng Pháp nghỉ là de lui)

2. Kiều Oánh Mậu (1902) A – chữ Nôm nghỉ có bộ nhân đứng trước – xem chi tiết ở trên

3. Bùi Kỷ/Trần Trọng Kim (1925) A

4. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1941) A (ông chú thêm "nghỉ là hắn, là ông ấy, chữ này bây giờ không dùng thường")

5. Trương Vĩnh Ký (1875) A

6. Nguyễn Hữu Lập (1870) theo Đào Thái Tôn – A

7. Gustave Hue (1937) A (ông ghi nghỉ là pronom personnel de la troisième personne, và cho thêm ba cách dùng nghỉ ta là elle, nghỉ va là lui và chú nghỉ là lui, sau đó ông ghi lại thí dụ là nguyên câu 12 của Truyện Kiều)

8. Thế Anh – Liễu Văn Đường (Thế Anh hiệu đính, 1866 trong "Truyện Kiều" NXB Đà Nẵng 2005) A

9. Nguyễn Thạch Giang ("Truyện Kiều" in lần 6, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp – Hà Nội – 1986) A # – ông cho rằng Truyện Kiều có ba chỗ dùng nghỉ: câu 610, 894 và 1188. Các tác giả khác thường chỉ dùng nghỉ cho hai câu 894, 1188.

10. Nguyễn Tài Cẩn A B ("Tư liệu Truyện Kiều" NXB Văn Học/2004) – Dựa vào sách này thì số tác giả dùng nghỉ là khoảng 22 % (~ 2/9).

11. Lê Văn Hòe (Truyện Kiều Chú Giải, 1952) A #

12. Đàm Duy Tạo (Truyện Kiều, bản chép tay/điện tử – 1986/2020) A #

13. Ngô Đê Mân (Edmond Nordemann, 1911) A

14. An Chi (trao đổi "Chữ “nghỉ” có phải là từ địa phương Nghệ Tĩnh?" 24/8/2017) A #

15. Lê Trung Hoa (bài viết "Nghĩ về một số từ khó hiểu trong Truyện Kiều" trong tạp chí Kiến thức ngày nay, số 96 Xuân Bính Thân, ngày 20-1-2016) A #

16. Nguyễn Vinh Quang/Nguyễn Tiến Dũng (bài viết "Một vài ý kiến về chữ thư ba của câu Kiều thứ 12") A #

17. Bùi Thiết ("Truyện Kiều" NXB Văn Học 2002) A #

18. Cao Xuân Hạo A B #

19. Chu Mạnh Trinh (Kim Vân Kiều Tân tập năm 1906, theo tác giả Thế Anh trong "Truyện Kiều") B

20. Phạm Kim Chi (Sài Gòn, Kim Túy Tình Từ 1917) B

21. Văn Học Trung Đại VN (sách giáo khoa, Truyện Kiều) B

22. Nguyễn Quảng Tuân (“Chữ Nghĩa Truyện Kiều”, NXB Văn Học TP HCM 2004) B #

23. Hồ Đắc Hàm (“Kiều Truyện Dẫn Giải”, 1929 Huế) – theo Nguyễn Quảng Tuân B

24. Ứng Dự – theo Nguyễn Quảng Tuân B

25. Bùi Khánh Diễn – theo Nguyễn Quảng Tuân B

26. Nguyễn Can Mộng – theo Nguyễn Quảng Tuân B

27. Nguyễn Văn Hoàn – theo Nguyễn Quảng Tuân B

28. Đào Duy Anh (Tự điển Truyện Kiều, bản thảo 1965) B # (ông chú thêm "với từ nghĩ là ước chừng thì câu thơ thành nhẹ nhàng")

29. Đào Thái Tôn (Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, NXB Khoa Học Xã Hội 2006) B #

30. Đinh Gia Khánh (“Tìm hiểu từ nghỉ trong Truyện Kiều” TC Ngôn Ngữ số 1-1979 trang 59-68) B #

31. Nguyễn Thế/Phan Anh Dũng B #

32. Truyện Kiều (Đào Duy Anh hiệu khảo) B

33. Duy Minh Thị, (1872) – theo Nguyễn Tài Cẩn là B (trong "Tư liệu Truyện Kiều" NXB Văn Học/2004 – ông so sánh văn bản, dùng dấu cộng + để chỉ cách dùng nghĩ)

34. Lâm Nọa Phu (1870) – theo Nguyễn Tài Cẩn là B

35. Thịnh Mỹ Đường (1879) – theo Nguyễn Tài Cẩn là B

36. Quan Văn Đường (1879) – theo Nguyễn Tài Cẩn là B

37. Abel des Michels (1884) – theo Nguyễn Tài Cẩn[3] là B

38. Bản VNB-60 – theo Nguyễn Tài Cẩn là B

39. Nguyễn Khắc Viện (1965) B

40. Lê Hữu Mục (1993, trong mục bàn về chữ nghĩa Truyện Kiều) B # (ông đề nghị nghỉ còn có thể là dễ, theo tự điển Việt Bồ La)

41. Lê Xuân Thủy (bản dịch ra tiếng Anh, NXB Khai Trí – 1968) B

42. Ngô Minh Trực (2018, bản điện tử pdf) B

43. Truyện Kiều (trang Hoa Vô Ưu, bản điện tử pdf – không thấy ghi tên tác giả dịch ra chữ quốc ngữ) B. Thường khi dùng nghĩ (dấu ngã) thì dễ hiểu câu 12 theo tiếng Việt hiện hành và không cần phải giải thích thêm.

Như vậy là có khoảng 37% (~ 16/43) tác giả đọc là nghỉ (đại từ nhân xưng) cho câu 12. Đây là không kể đến cách đọc nghĩ (dấu ngã) nhưng nghĩa lại là người ấy/nó (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba) như theo Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (Từ Điển từ Việt cổ, NXB Văn hóa Thông Tin, 2001). Nên nhắc ở đây cách dùng min – một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – xuất hiện một lần trong Truyện Kiều, câu 964 "Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi". Min cũng từng xuất hiện trong VBL, mốt số bản Nôm của LM Maiorica, Thiên Nam Ngữ Lục… Các đại từ nhân xưng min, nghỉ bây giờ không còn dùng trong tiếng Việt hiện đại nữa.

2. Bàn thêm về các nét nghĩa của nghỉ qua những liên hệ mở rộng

2.1 Xem lại các cách đọc của chữ nghĩ (thanh mẫu nghi 疑 vận mẫu chi 之, thượng thanh khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

魚己切 ngư kỉ thiết (TVGT/Đoàn Ngọc Tài chú) -TVGT/NT/QV/TV ghi nghĩa là độ dã 度也

魚理切 ngư lí thiết (NT, TTTH)

魚紀切 ngư kỉ thiết (ĐV, QV)

偶起切,疑上聲 ngẫu khởi thiết, nghi thượng thanh (TV, LT, VH)

魚紀翻 ngư kỉ phiên (BH 佩觿)

宜起乀 nghi khởi phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 以 㠯 已 苡 苢 迆 迤 也 崺 酏 匜 衪 螘 蛾 齮 艤 檥 礒 錡 轙 顗 矣 掜 擬 薿 儗 (dĩ nghĩ nghĩ/nga hĩ *dã nghễ)

養里切 dưỡng lí thiết (CV)

語綺切 ngữ khỉ thiết (TVi) TVi/CTT ghi âm nghĩ 音蟻

牛起切 ngưu khởi thiết (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là nǐ so với giọng Quảng Đông ji4 ji5 và các giọng Mân Nam 客家话: [东莞腔] ji3 [陆丰腔] gni3 [梅县腔] ngi3 [宝安腔] ngi3 [客英字典] ngi3 [台湾四县腔] ngi3 [客语拼音字汇] ngi3 ni3 [海陆丰腔] ngi3, tiếng Nhật là go. Một dạng âm cổ phục nguyên là *ŋɯʔ đọc gần như ngởi tiếng Việt hiện đại – so với âm người (nghĩa và âm tươmg ứng với nghỉ ~ ông/anh nói với tính cách tôn trọng[4] – theo VBL trang 541), so với cách dùng từ láy nghĩ ngợi… Để ý Tập Vận ghi nghĩ cũng dùng làm nghi 疑, điều này trong Khang Hi tự điển cũng có ghi lại《註》擬,疑 也 <chú> nghĩ, nghi dã. Tóm lại có khả năng đọc chữ 擬 thành nghĩ, nghỉ hay nghi (tuy nhiên không thấy TV hay tài liệu nào ghi bình thanh). Tuy nhiên, nghỉ còn có khả năng liên hệ đến y HV (cùng nghĩa là hắn, nó), chữ này không thấy dùng vào thời VBL hay trong Truyện Kiều – sau này nghỉ không dùng nữa thì y trở nên phổ thông hơn.

2.2 Chữ y (thanh mẫu ảnh 影 vận mẫu chi 脂 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

於脂切 ư chi thiết (TVGT, NT, ĐV, QV, TTTH)

於夷切 ư di thiết (TV, LT)

幺夷切 yêu di thiết (VH)

於宜切 ư nghi thiết (CV, TVi) TVi ghi âm y 音衣

TNAV ghi thanh mẫu ảnh 影 vận mẫu 齊微 (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 伊 猗 欹 禕 椅 旖 漪 洢 咿 黟 衣 依 醫 噫 譩 意 懿 鷖 繄 翳 㙠 䃜 瑿 黳 (y *ý *ế)

於欺切, 音衣 ư khi thiết, âm y (ý) (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là yī so với giọng Quảng Đông ji1 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] j1 [台湾四县腔] ji2 [客英字典] ji1 [客语拼音字汇] yi1 [海陆丰腔] ri2 [陆丰腔] ji1 [宝安腔] ji2 ji1 [东莞腔] ji1 潮州话:i1.

Một dạng âm cổ[5] phục nguyên của y là *ʔi mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng *ŋi hay nghỉ vào thời VBL. Một điểm đáng nhắc ở đây là dựa vào phiên thiết, y còn có thể đọc là *ɲi (nhi tiếng Việt) so với cách đọc chữ nhất 一: 於悉切 ư tất thiết (TVGT, ĐV, QV, LT), 於逸切 ư dật thiết (NT, TTTH), v.v. Tuy nhiên VBL[6] còn cho thấy khuynh hướng hầu (họng hay cuối lưỡi) hóa của các âm ngạc cứng như nhành – ngành, nhiệp – nghiệp, nhiêng – nghiêng, dàm – ngàm (mục nhè VBL): tuy nhiên một số đã trở thành phổ thông như ngà (~ nha 牙), ngắm (~ nhẫm 恁) … Do đó, ta có cơ sở[7] để thiết lập tương quan giữa dạng *ɲi (nhi, di thời VBL) và *ŋi hay nghỉ.

Không những nét nghĩa nghỉ (hắn/nó) có khả năng liên hệ đến y HV, nét nghĩa nghỉ là dễ còn có thể liên hệ đến dị HV – cho thêm cơ sở để kết nối các cách dùng này.

2.3 Chữ dị/dịch 易 (thanh mẫu dĩ 以 vận mẫu tịch 昔 hay chi 支 nhập hay khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các đọc theo phiên thiết

羊益切 dương ích thiết (TVGT, ĐV, QV, LT)

夷益切,音亦 di ích thiết, âm diệc (TV, VH, CV, TG 字鑑, TVi)

余亦切 dư diệc thiết (NT)

是義切 thị nghĩa thiết (TV, LT) – TV ghi nghĩa là khinh dã 輕也

以豉切 dĩ thị thiết (QV, TV, TTTH, TG 字鑑)

吕豉切 lữ thị thiết (LTCN 六書正譌)

TNAV ghi thanh mẫu ảnh 影 vận mẫu tề vì 齊微 (khứ thanh) và nhập thanh tác khứ thanh 入聲作去聲

CV ghi cùng vần/nhập thanh 繹 睪 醳 懌 譯 嶧 驛 墿 圛 斁 掖 亦 腋 奕 弈 㴒 帟 液 射 埸 蜴 易 弋 杙 黓 㚤 釴 翼 翊 翌 廙 (dịch *dặc *dực)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 異 肄 肆 勩 廙 隶 易 㑥 敡 施 貤 袘 衪 异 詒 貽 義 誼 議 儗 劓 (dị *tứ nghị *nghĩa *nghĩ *nhị)

以智切, 音異 dĩ trí thiết, âm dị/di (CV, TVi) – CV ghi khứ thanh

延知切 diên tri thiết (CV) CV ghi bình thanh

以支切 dĩ chi thiết (TVi)

伊益切,音亦 y ích thiết, âm diệc (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là yì so với giọng Quảng Đông ji6 jik6 yet6 và các giọng Mân Nam 客家话:[客语拼音字汇] yi4 yid6 [海陆丰腔] ri5 rit8 [梅县腔] j5 jit8 [宝安腔] ji3 | jit8 [东莞腔] ji3 jit8 [沙头角腔] ji5 [客英字典] ji5 jit8 [台湾四县腔] ji5 jit8 [陆丰腔] ji5 jit8 潮州话:goi7 i6 êk8 iah8, tiếng Nhật eki i và tiếng Hàn yeok i. Một dạng âm trung cổ phục nguyên của dịch là *jeh mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng dễ. Dựa vào khuynh hướng hầu (họng hay cuối lưỡi) hóa (xem mục 2.2 bên trên), *jeh cò tương ứng với *ŋeh hay *ŋih để cho ra dạng nghỉ như trong cách dùng "nghỉ làm" (VBL trang 526) – nghĩa là là dễ làm, chứ không phải là ngưng/không làm nữa – như cách hiểu trong tiếng Việt hiện đại.

Sau đây là bảng tóm tắt các tương đồng *ŋi *ɲi – các âm này đều có thanh mẫu là ảnh 影 theo Trung Nguyên Âm Vận và khai khẩu tam đẳng theo Quảng Vận:

疑 (âm BK bây giờ yí  nǐ) nghi (hồ nghi VBL, nghi ngờ)

易 (âm BK bây giờ là yì) nghỉ (dễ, VBL)

伊 (âm BK bây giờ là yī) nghỉ (người ấy – nói một cách lễ phép, VBL)

義 (âm BK bây giờ là yì) nghì – nghĩa – ngãi

議 (âm BK bây giờ là yì) nghị (hội nghị, nghị lực)

擬 (âm BK bây giờ là nǐ) nghĩ (để ý cách đọc 養里切 dưỡng lí thiết theo CV ~ *yih)

Ngay cả nét nghĩa ngưng/ở dưng của nghỉ (xem mục 1.2 ở trên) còn có thể liên hệ đến nghĩ bộ mộc hay nghĩ[8] bộ chu 艤 hàm ý dừng thuyền lại (cột hay neo thuyền/dừng lại).

Phần trên bàn về cách dùng nghỉ và chưa đi sâu vào ngữ pháp: thí dụ như câu nói (khẩu ngữ) "của cải thường thôi ~ tài sản thường ~ tài sản bình thường/thường thường" thì Truyện Kiều (thi cú) viết "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung": so với tiếng Việt vào TK 17, các câu thường lặp lại ý bằng các đoản ngữ theo sau ý chính, nhưng cũng lặp lại ý đó. Thí dụ như PGTN trang 277 "được vui vẻ thanh nhàn vô cùng đời đời lời nói chẳng hết", Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 28 "trọng hơn nữa muôn vàn trùng, đời đời suy[9] chẳng đến là trọng thể nào"… Ngữ pháp tiếng Việt trong văn xuôi và thi ca về so sánh, cũng như cách dùng từ láy là một chủ đề rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

Tóm lại, để hiểu rõ cách dùng nghỉ, như trong câu 12 Truyện Kiều, thì phải biết cách dùng này trước đó hay vào thời VBL – khi mà các nét nghĩa của nghỉ được ghi lại khá chi tiết bằng con chữ La Tinh. Khó mà thông cảm được các cách dùng như nghỉ làm, nghỉ xem, mực tàu, nhà xe, sinh thời/thì, con mày vào thời trước (TK17, 18) dựa vào tư duy và tiếng Việt hiện đại: nghỉ làm là dễ làm, nghỉ xem là dễ xem, mực tàu là dây (dụng cụ) vẽ đường thẳng, nhà xe là nhà gỗ che quan tài (xe tang), sinh thì là chết, con màycon nuôi, v.v. Điều này cho thấy một tính chất của ngôn ngữ là thay đổi (language change/A). Hi vọng bài viết này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt, nhất là các cách dùng rất thú vị trong Truyện Kiều mà nếu không hiểu khả năng kế thừa của ngôn ngữ thì dễ sinh ra nhiều ngộ nhận – và dĩ nhiên là những tranh cãi không có hồi kết.

3. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông → Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

6) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

7) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

(1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – SAIGON

8) Vương Lộc (2002) "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) "Lexicon Cochin-sinense Latinum" đăng trong cuốn "A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing" viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích.

11) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

(2016) "Từ điển song ngữ Hán Việt: Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa" khảo cứu, phiên âm, chú giải/Hoàng Thị Ngọ – NXB Vă Học (Hà Nội).

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) "Từ điển từ Việt cổ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

14) Paul Schneider (1992) "Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens" Vol. 1 & 2 – Universite de Nice-Sophia Antipolis, Unite de Recherches Interdisciplinaires sur l’Asie du Sud Est, Madagascar et les Iles de L’Ocean Indien RIASEM.

15) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

(1838) "Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum" (tự điển La Tinh – Việt)

16) Nguyễn Cung Thông (2018) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min… Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2)" – có thể tham khảo bài viết này trên trang này chẳng hạn https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24647, v.v.

17) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu tự điển, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ trương

(1) Trích từ tự điển Génibrel/1898 sđd)

Sau đây là bảng tóm tắt các tương đồng *ŋi*ɲi – các âm này đều có thanh mẫu là ảnh 影 theo Trung Nguyên Âm Vận và khai khẩu tam đẳng theo Quảng Vận.

疑 (âm BK bây giờ yí  nǐ)       nghi (hồ nghi VBL, nghi ngờ)

易 (âm BK bây giờ là yì)        nghỉ (dễ, VBL)

伊 (âm BK bây giờ là yī)        nghỉ (người ấy – nói một cách lễ phép, VBL) so với âm y HV

義 (âm BK bây giờ là yì)        nghì – nghĩa – ngãi (lễ nghĩa)

議 (âm BK bây giờ là yì)        nghị (hội nghị, nghị lực)

擬 (âm BK bây giờ là nǐ)        nghĩ (suy nghĩ, để âm 養里切 dưỡng lí thiết theo CV ~ *jih)

艤 hay 檥 (âm BK là yǐ) nghĩ (dừng/neo thuyền)

顗 (âm BK bây giờ là yǐ) nghị hay nghĩ – (trang trọng – theo CV ~ *jih) (1)

薿 (âm BK bây giờ là nǐ) nghị hay (mầu mỡ/cây cỏ – theo CV ~ *jih) (1)

(2) Trích từ trang洪武正韻牋 (Hồng Vũ Chánh Vận Tiên) https://ytenx.org/zim?dzih=%E6%98%93&dzyen=1&jtkb=1&jtkd=1&jtdt=1&jtgt=1

洪武正韻牋 (Hồng Vũ Chánh Vận Tiên)

Để ý hai dạng âm cổ phục nguyên là (ŋ)ji˨˦ (so với dạng nghỉ trong VBL) và jiʔ(k)˩ (so với dạng dịch HV) rất khác với dạng (âm BK bây giờ theo pinyin).

clip_image027


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Chụp lại từ bản điện tử, thư viện Tòa Thánh La Mã (Biblioteca Apostolica Vaticana).

[3] Abel des Michels dùng chữ nghỉ (dấu hỏi), dịch ra tiếng Pháp nghỉ cũngen la comparant (~ xem ra, so ra).

[4] Thời VBL thường dùng nước người so với ngoại quốc, quốc ngoại, nước ngoài trong tiếng Việt hiện đại.

[5] Nhìn rộng ra hơn, so sánh với các đại từ nhân xưng ngôi thứ ba HV như cừ (âm trung cổ *ɡɨʌ), hay đều bắt đầu bằng phụ âm cuối lưỡi – và các dùng tương ứng trong tiếng Khme như គេ /kee/, គេហ៍ /kei/, គេ /kei/… gợi ý cho ta về nguồn gốc cách gọi *ŋi: đây là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này. Tham khảo thêm các trang 420-421, 436 cuốn "ABC Etymological Dictionary of Old Chinese" của GS Axel Schuessler, University of Hawai’i Press 2007.

[6] Thời VBL vẫn thường dùng dạng nhiệm nhặt so với nghiêm ngặt trong tiếng Việt hiện đại.

[7] Tiếng Mường (Bi) nhí là nghỉ – nhí nhoc là nghỉ cho đỡ mệt (nhọc ~ mệt).

[8] Đọc là 魚羈切 ngư ki thiết (TVGT), 語綺切 ngữ khỉ thiết (QV, TV, VH) – giọng BK bây giờ là yǐ.

[9] Nên nhắc ở đây là các tài liệu bằng chữ quốc ngữ như VBL, PGTN hay các bản Nôm của Maiorica, mà người viết (NCT) từng đọc qua, không thấy dùng động từ nghĩ, so với các cách dùng liên hệ và thường gặp hơn như suy (cogito/L ~ nghĩ), tưởng (tưởng đến ~ nghĩ đến/VBL trang 848), ngắm, lo, lường… Ngay cả đến thời Béhaine thì cũng chỉ dùng động từ kép như suy nghĩ, nghĩ lại… Động từ nghĩ xuất hiện 49 lần trong Truyện Kiều so với nghỉ (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba) xuất hiện 3 lần và động từ nghỉ (ngơi) xuất hiện 1 lần.

Comments are closed.