Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phạm Văn Song
從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史
黎蝸藤
CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM
ĐÀI BẮC-2017
IV.4. Pháp và Nam Việt
Bước vào thập niên 1950, sự thống trị của Pháp ở Đông Dương ngày càng lực bất tòng tâm. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đánh dấu sự thất bại của Pháp ở Việt Nam, Pháp không đủ sức tiếp tục cuộc chiến. Ngày 20/7/1954, Ngoại trưởng 9 nước Mĩ, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Hoa Cộng sản, Bắc Việt, Nam Việt, Campuchia, Lào kí kết “Hiệp định Geneva” (Geneva Accords) tại Geneva,[448] Pháp tuyên bố sẽ rút khỏi Đông Dương, Việt Nam bị chia làm hai với vĩ tuyến 17° N là ranh giới, tạm thời thành lập hai chính phủ ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam, trước tháng 7/1956 hai bên thông qua tổng tuyển cử để quyết định việc thống nhất. Tuy nhiên, tháng 10/1955, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam) Ngô Đình Diệm đã truất phế Hoàng đế Bảo Đại của Quốc gia Việt Nam thông qua cuộc trưng cầu dân ý có thao túng, thành lập nước Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). Còn Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Democratic Republic of Vietnam) cũng không muốn tiến hành tổng tuyển cử. Theo đó Bắc và Nam Việt Nam bắt đầu cuộc đối đầu và chiến tranh lâu dài. Phe Cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô là đại biểu chỉ công nhận chính phủ Bắc Việt, không công nhận chính phủ Nam Việt. Phe phương Tây thì ngược lại.
Do Hoàng Sa và Trường Sa đều ở phía Nam Vĩ tuyến 17° Bắc, nên thuộc về miền Nam Việt Nam; còn đảo Bạch Long Vĩ ở vịnh Bắc Bộ thì thuộc về miền Bắc Việt Nam. Ở phía Hoàng Sa, tháng 2/1956, tàu chiến Pháp Francis Garnier đến Hoàng Sa, sau khi phát hiện quân Cộng sản Trung Quốc đã đổ bộ lên cụm đảo An Vĩnh (Tuyên Đức) nên không còn hứng khởi trong việc giúp Việt Nam phòng thủ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 28/4/1956, quân Pháp rút khỏi đảo Hoàng Sa (San Hô) và quân đội Nam Việt tiếp quản.[449] Như vậy, Pháp chuyển giao quyền lợi ở Hoàng Sa cho Quốc gia Việt Nam, nước Việt Nam Cộng hòa lại kế thừa quyền lợi của Quốc gia Việt Nam. Trong toàn bộ quá trình này, Việt Nam đều không hề từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đầu những năm 1950, quân đội Trung Quốc (Bắc Kinh) cũng tiến vào chiếm đóng đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) thuộc Hoàng Sa. Trung Quốc và Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì tình trạng đối đầu Đông và Tây ở Hoàng Sa như giữa Trung Quốc và Pháp trước năm 1949.
Tình hình Trường Sa thì phức tạp hơn một chút. Sự thống trị của Pháp ở Việt Nam ngày càng lực bất tòng tâm, nhưng vẫn khăng khăng chủ quyền Trường Sa là của Pháp chứ không phải của Việt Nam. Ví dụ vào ngày 8/9/1953, trong một văn bản, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ ra: Khi Pháp chuyển Nam Kì cũ lại cho Việt Nam vào năm 1949, các đảo này không thuộc về Việt Nam.[450] Một quan chức Pháp khác chỉ ra trong văn bản chuyển nhượng Nam Kì năm 1949 có viết rõ bao gồm đảo Côn Lôn (Poulo Condore, Côn Đảo), nhưng không có viết quần đảo Trường Sa, điều này cho thấy quần đảo Trường Sa không phải là một phần để bàn giao.[451] Tháng 1/1956, quân đội Pháp phái tàu chiến Francis Garnier đến tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời ra lệnh dỡ bỏ tất cả cột mốc của nước khác, dựng lại cột mốc của Pháp. Thời gian này, hải quân Viễn Đông của Pháp liên tục có hoạt động ở Trường Sa. Tháng 8/1951, một chiếc máy bay Pháp đã tuần tra trên bầu trời đảo Trường Sa Lớn, xác nhận trên đảo không có quân đội; tháng 5/1955, hải quân Pháp ở Viễn Đông còn tiến hành trinh sát Trường Sa lần cuối.
Việt Nam luôn luôn khẳng định có chủ quyền đối với Trường Sa. Như trình bày ở trên, trong Hội nghị San Francisco năm 1951, Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng yêu sách lãnh thổ của mình đối với Trường Sa (và Hoàng Sa). Từ năm 1949 đến 1955, hai bên Pháp, Việt liên tục tranh cãi về vấn đề này. Ngoài mâu thuẫn ở Trường Sa, quan hệ giữa nước Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) và Pháp vào lúc này cũng xấu đi toàn diện. Đầu năm 1955, Pháp chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, miền Nam Việt Nam do phe thân Mĩ kiểm soát. Sau khi được Bảo Đại chỉ định làm Thủ tướng, Ngô Đình Diệm đã triệt để dựa vào Mĩ. Cuộc tranh giành Trường Sa giữa Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở nên công khai.
Tháng 4/1956, Nam Việt lục soát căn cứ của Pháp ở vịnh Cam Ranh khi chưa được phép, đồng thời muốn ngăn chặn các hoạt động của quân đội Pháp ở vịnh Cam Ranh, và cuộc đối đầu giữa hai bên càng trở nên tồi tệ hơn.
Sau sự kiện Cloma, ban đầu Pháp không coi trọng vấn đề này. Quan chức ngoại giao Pháp ở Manila dường như không biết Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa từ lâu Trong điện văn báo cáo về Paris, họ chỉ dùng cụm từ “cuộc tranh cãi lố bịch của ‘bọn người lùn’” (ridiculous quarrel of “pygmies”) để miêu tả tranh cãi giữa Philippines với Trung Quốc (Đài Loan), đồng thời cho rằng Philippines tạo cho Trung Quốc (Đài Loan) một cái cớ để can thiệp vào biển Đông.[452]
Nhưng Việt Nam cũng nhanh chóng có phản ứng. Do Việt Nam là nước mới độc lập, cũng do tình hình chính trị phức tạp thời gian dài, quan hệ giữa Quốc gia Việt Nam và Philippines không quá sâu sắc. Mãi đến tháng 7/1955, Philippines mới công nhận Quốc gia Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa mới đầu không có phản ứng quá nhanh đối với sự kiện Cloma, nhưng lại rất lưu ý đến chiều hướng hoạt động của Trung Quốc. Vì vậy, sau khi cộng sản Trung Quốc ra tuyên bố có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa ngày 29/5/1955, họ đã phản ứng ngay lập tức. Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam:
Trước tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29/5 về quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam cho rằng cần phải nhắc lại một lần nữa chủ quyền truyền thống đối với hai quần đảo này. Chủ quyền này từng được công nhận trong Hội nghị San Francisco. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị hòa bình từng ra tuyên bố vào ngày 7/9/1951 nói rằng để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam. Không gặp bất cứ sự phản đối nào lúc đó.[453]
Vì vậy, Bộ Ngoại giao Pháp cũng không thể không nhanh chóng có phản ứng. Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm cho Philippines và Đài Loan, tái khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Trường Sa, và lưu ý rằng các tàu Pháp thường xuyên tuần tra quần đảo Trường Sa, lần gần đây nhất chỉ cách đó vài tháng (ám chỉ tàu Francis Garnier).[454]
Sở dĩ Pháp vẫn một mực đòi chủ quyền đối với Trường Sa là vì sau khi kí “Hiệp định Geneva”, hải quân Pháp ở Viễn Đông vẫn có ý định đóng lâu dài ở vịnh Cam Ranh, do cho rằng nếu như có căn cứ hải quân này thì Trường Sa sẽ có điều kiện xây dựng thành một căn cứ tình báo tiền duyên.[455]
Tin tức truyền đến Sài Gòn, gây ra phản ứng mạnh mẽ của chính phủ miền Nam. Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Nam Việt ra một bản tuyên bố khác, công bố lí do Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa: (1) Trường Sa trong lịch sử thuộc Việt Nam; (2) Sau năm 1933 Pháp bắt đầu kiểm soát Trường Sa, giao cho Nam Kì quản lí, sau khi Nam Kì được chuyển lại cho Việt Nam, Việt Nam đương nhiên đã kế thừa chủ quyền đối với Trường Sa. Ngày 31/6, Công sứ Việt Nam tại Philippines đưa ra kháng nghị với Philippines , đồng thời tuyên bố Trường Sa thuộc Việt Nam.[456]
Lúc này, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn không đồng ý chủ trương của chính phủ Pháp và yêu cầu Bộ Ngoại giao Pháp làm sáng tỏ lập trường của mình, hoặc là ủng hộ chủ quyền của Nam Việt đối với quần đảo Trường Sa, hoặc nói thẳng rằng Pháp có chủ quyền đối với quần đảo này. Paris liên tiếp tổ chức mấy hội nghị liên bộ, kết luận rằng đó là tình thế khó xử, một số người cho rằng Trường Sa thuộc Việt Nam, hơn nữa nước Pháp không đáng vì chuyện này mà trở mặt hoàn toàn với Việt Nam, nhưng một số người khác lại cho rằng cho dù phải từ bỏ Trường Sa cũng cần trải qua trình tự pháp luật, do quốc hội chính thức biểu quyết. Lúc này đang gặp khủng hoảng kênh đào Suez và chiến tranh độc lập ở Algeria, nước Pháp ngày càng bị cuộc chiến ở Bắc Phi làm cho suy sụp, không có khả năng ủng hộ ý tưởng của hải quân Pháp, nhưng nếu từ bỏ lãnh thổ lần nữa sẽ tạo thành hiệu ứng tâm lí tiêu cực cho người Pháp. Sau 9 tháng tiến hành thảo luận kéo dài, cuối cùng hội nghị quyết định đối phó một cách thụ động, luôn giữ lập trường mơ hồ, bỏ mặc vấn đề trôi đi. Dù sao Pháp cũng biết rõ rằng nếu không thể tiếp tục ở lại vịnh Cam Ranh thì việc giành chỗ đứng ở Trường Sa sẽ không còn thực tế.[457] Cuối cùng, sau năm 1956 hải quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Nam Á.
Vì vậy, mặc dù về pháp lí Pháp không từ bỏ chủ quyền Trường Sa, nhưng trên thực tế nước này đã rút khỏi tranh chấp Trường Sa tế từ năm 1957, tình huống giống như Anh. Việc Pháp từ bỏ Trường Sa nằm trong dự liệu. Ngoài đảo Ba Bình ra, Trường Sa hoàn toàn không có nguồn nước ngọt. Mất đi sự chi viện của Việt Nam, Pháp không có bất cứ căn cứ nào ở biển Đông, về cơ bản không thể đứng chân ở Trường Sa. Đơn độc thành lập tỉnh hải ngoại ở quần đảo hoang vắng này là một ý tưởng không thực tế.
Vậy thì theo pháp luật, Việt Nam Cộng hòa có kế thừa “chủ quyền” của Pháp đối với Trường Sa không? Khi Pháp bàn giao miền Nam cho chính quyền Bảo Đại có bao gồm Trường Sa không? Trường Sa không thuộc Nam Kì lúc giao cho Việt Nam là quan điểm chủ đạo trong nội bộ chính phủ Pháp. Ví dụ tiêu biểu về căn cứ pháp lí cho quan điểm này có thể dùng công thư ngày 16/6/1955 của Toàn quyền Pháp (General Commmisioner of France) kiêm Quyền Tổng Tư lệnh Đông Dương (Acting Commander in Chief in Indochina) Pierre Jacquot gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.[458] Căn cứ chủ yếu là lập luận cho rằng trong hiệp định bí mật giữa Pháp và Hoàng đế Bảo Đại ngày 15/3/1949 có nêu “đặt quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn dưới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” (The Paracel and Poulo Condor Island fall under Vietnamese territorial sovereignty), nhưng quần đảo Trường Sa không được đề cập đến trong văn kiện này. Tuy nhiên, các khía cạnh pháp lí của quan điểm này đáng để thảo luận.
Thứ nhất, nguyên văn của phần liên quan trong hiệp định giữa Pháp và Hoàng đế Bảo Đại ngày 8/3/1949 như sau:
Notwithstanding previous treaties of which she might have taken advantage, France solemnly reaffirms her decision to pose no obstacle in law or in fact to the inclusion of Cochin China within Viet-Nam, defined as formed by the union of the territories of Tonkin (North Viet-Nam), Annam (Central Viet-Nam), and Cochin China (South Viet-Nam).[459]
(Bất chấp việc Pháp có thể đã có lợi trong các hiệp ước trước đây, Pháp long trọng tái khẳng định quyết định của mình không gây trở ngại về luật pháp hay trên thực tế đối với việc đưa Nam Kì vào Việt Nam, được định nghĩa như được hình thành từ sự hợp nhất lãnh thổ của Bắc Kì (Bắc Việt Nam), Annam (Trung Việt Nam), và Cochin China (Nam Việt Nam).)
Trong toàn bộ hiệp định cũng như phụ lục giải thích của nó đều không xuất hiện quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn. Trong hiệp định chính thức nêu Cochin China (Nam Kì) với tư cách một chỉnh thể khi hợp nhất với Bắc Kì và Trung Kì. Còn cụm từ “đặt quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn dưới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” do công thư năm 1955 nói trên chỉ ra là nằm trong hiệp định bí mật ngày 15/3/1949[460], chứ không phải là một bộ phận của hiệp định không chính thức.
Thứ hai, ngày 4/6/1949, Đại hội Quốc dân Pháp thông qua hiệp định Nam Kì sáp nhập vào Việt Nam có một bộ phận có liên quan như sau:
Article II, The territory of Cochin China is reattached to the Associated State of Viet-Nam in accordance with the terms of the joint declaration of June 5, 1948, and the declaration of the French Government of August 19, 1948. Cochin China in consequence ceases to have the status of an overseas territory.[461]
(Điều II, Lãnh thổ Nam Kì được sáp nhập vào Quốc gia Liên hiệp Việt Nam theo các điều khoản của tuyên bố chung ngày 5 tháng 6 năm 1948, và tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 19 tháng 8 năm 1948. Do đó, Nam Kì không còn tư cách của một lãnh thổ hải ngoại.)
Đây là luật chính thức “trao trả” Nam Kì cho Việt Nam, trong đó không đề cập đến bộ phận nào đó của Nam Kì không được “trao trả”. Hiệp định ngày 5/6/1948 (tức Hiệp định Vịnh Hạ Long)[462] và tuyên bố của chính phủ ngày 19/8/1948[463] mà hiệp định này đề cập đến cũng đều không nói đến việc Nam Kì sẽ bị “phân chia”. Do đó, dựa vào lí giải pháp lí thì Nam Kì được “trao trả” cho Việt Nam với tư cách là một chỉnh thể.
Thứ ba, trong thời gian Pháp cai trị, Trường Sa không phải là một khu vực hành chính độc lập, mà trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Vì vậy, về hành chính, Trường Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam với tư cách là một khu vực hành chính. Trừ phi có sắc lệnh, hiệp ước hay tuyên bố khác, không có cách nào phủ nhận rằng Trường Sa cũng được trao trả cho Việt Nam cùng với Nam Kì khi Pháp trao trả. Trong luật quốc tế có một quy tắc quy định rằng khi thuộc địa giành được độc lập thì có quyền xác lập biên giới quốc gia dựa theo biên giới quốc gia hoặc khu vực hành chính thời thuộc địa, điều này cũng áp dụng cho Việt Nam và quần đảo Trường Sa.
Thứ tư, theo ghi chép trong các tài liệu của Pháp, khi kí hiệp ước bí mật vào ngày 15/3/1949 phía Việt Nam chủ động đề xuất liệt kê riêng Hoàng Sa và đảo Côn Lôn (có thể vì cảm thấy hai vùng đảo xa này rất quan trọng);[464] nếu như Việt Nam không chủ động đòi hỏi như vậy, Pháp căn bản sẽ không liệt kê riêng đảo xa nào là bộ phận của Nam Kì để “trao trả” cho Việt Nam, mà chỉ ngầm thừa nhận toàn bộ khu vực quản lí của Nam Kì, bao gồm toàn bộ các đảo xa đều thuộc loại “trao trả”, vì vậy không thể nói rằng trong mật ước không liệt kê Trường Sa thì có nghĩa là Trường Sa cũng có thể không nằm trong danh sách “trao trả”.
Cuối cùng, khi đó ở Việt Nam, khái niệm địa lí quần đảo Hoàng Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa (xem sắc lệnh số 143 bên dưới). Việt Nam cũng có thể tranh biện khi nhận bàn giao quần đảo Hoàng Sa đã cũng đã nhận bàn giao Trường Sa rồi[465] (kiểu lí giải này đương nhiên có kẽ hở, vì Hoàng Sa và Trường Sa khi đó không thuộc về cùng một khu vực hành chính).
Tóm lại, trừ phi có hiệp ước hoặc tuyên bố chính thức, hoạch định ra giới hạn của Nam Kì “trao trả” cho Việt Nam, loại bỏ Trường Sa ra ngoài; nếu không thì quan điểm Trường Sa được trao trả cho Việt Nam cùng với Nam Kì càng có thể đứng vững trong luật quốc tế. Vì vậy, việc Pháp (không còn chọn lựa nào nào khác) từ bỏ Trường Sa lúc đó không hề ảnh hưởng quyền kế thừa hợp pháp của Việt Nam đối với Trường Sa. Hơn nữa, trong bày tỏ thái độ, Pháp chủ yếu dùng hình thức công văn nội bộ, lần bày tỏ thái độ công khai duy nhất là trong tuyên bố của Đại sứ Pháp tại Philippines, điều đó không hề có hiệu lực pháp luật đối với Việt Nam. Hơn nữa, sau năm 1957, nước Pháp đã không bày tỏ ý kiến về vấn đề này, cũng không phản đối hành động chiếm đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam. Vì vậy, dù về pháp lí hay về ngoại giao, bằng chứng của Việt Nam cũng đều đầy đủ.
Bất luận như thế nào, Việt Nam từ đó thay thế Pháp trở thành bên có liên quan trong tranh chấp Trường Sa. Ngày 22/8, Việt Nam Cộng hòa phái tàu hộ vệ “Tốt Động”, dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần Văn Phương đổ bộ lên đảo Trường Sa Lớn. Họ hạ quốc kì Trung Hoa Dân Quốc xuống, kéo quốc kì Việt Nam lên, lập bia đá, chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Sau khi Đài Loan biết tin, lập tức đưa ra kháng nghị với Việt Nam.[466] Nam Việt sau đó lập tức đưa ra phản bác, tuyên bố ngạc nhiên và cũng bất ngờ đối với sự phản đối của Trung Quốc, vì quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và Nam Việt đã nhiều lần nhắc lại trong văn bản hồ sơ, đồng thời yêu cầu Đài Loan không được tiến hành bất cứ hành động quân sự nào.[467] Thời gian này, Đại biện Mĩ tại Đài Loan James B. Pilcher hẹn gặp Diệp Công Chiêu, nói rằng có được cam kết của phía Nam Việt, nếu Đài Loan không thực hiện hành động ở Trường Sa, chính phủ Nam Việt cũng không nhắc đến việc này nữa. Do đó, Bộ Ngoại giao Mĩ hi vọng Đài Loan không nên để chuyện này leo thang vượt quá cấp độ ngoại giao.[468]
Bộ Quốc phòng vẫn mong muốn đến đảo Trường Sa Lớn thực hiện hành động. Nhưng Bộ Ngoại giao khuyến cáo phải nghĩ đến đại cục, nếu phát hiện quốc kì Nam Việt ở đảo Trường Sa Lớn thì có thể hạ xuống, nhưng không cần dựng quốc kì Trung Hoa Dân Quốc lên.[469] Thế là Đài Loan phái “đội Ninh Viễn” thực hiện chuyến đi thứ 3 đến Trường Sa, ghé đảo Trường Sa Lớn một lần nữa.
Nam Việt không hề có phản ứng ngoại giao đối với việc này, mà chỉ sáp nhập thêm một bước quần đảo Trường Sa vào khu vực hành chính trên giấy tờ. Ngày 22/10, trong Sắc lệnh số 143 (Edict 143/VN, hình 25), Nam Việt thay đổi việc phân chia các tỉnh và khu vực, đưa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy mới.[470] Đáng chú ý là khi đó Việt Nam vẫn gọi chung Trường Sa và Hoàng Sa là “Hoàng Sa”, nên cách viết Trường Sa trong Sắc lệnh này là “Hoàng Sa (Spratley)”. Chemilier- Gendreau cho rằng Sắc lệnh này sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Phước Tuy,[471] điều này là sai. Đài Loan ngay sau đó đã kháng nghị việc này, đồng thời nhắc lại chủ quyền Trường Sa thuộc Trung Quốc. Nam Việt phản bác rằng đây là việc nội bộ của mình.[472]
Hình 25: [Danh sách đính kèm] Sắc lệnh 143 của Việt Nam
Mặc dù có những mâu thuẫn này, đối với Đài Loan, Nam Việt dễ giao thiệp hơn nhiều so với Philippines. Nguyên nhân quan trọng nhất đại khái là do bản thân tình hình trong nước của Nam Việt không ổn định, không thể dành hết sức tranh giành lợi ích ở biển Đông như Philippines được. Hơn nữa thủ đoạn ngoại giao của Philippines linh hoạt cũng là điều Nam Việt khó so sánh được.
IV.5. Sự bày tỏ thái độ của Bắc Kinh và thái độ của Bắc Việt
Sau sự kiện Cloma, vào ngày 29/5/1956 Bắc Kinh tuyên bố một lần nữa rằng họ có tất cả quyền lợi ở quần đảo Trường Sa: “Đảo Thái Bình (Ba Bình) và đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn) kể trên ở biển Nam Trung Hoa, cũng như một số đảo nhỏ xung quanh chúng, tên gọi chung là quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Những đảo này từ trước đến nay là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền hợp pháp không thể tranh cãi đối với những đảo này”.[473] Nhưng Bắc Kinh không phái bất cứ đơn vị vũ trang hoặc hành chính nào đến chiếm giữ Trường Sa.
Thái độ như vậy của Bắc Kinh có thể là một hành động làm cho có. Thứ nhất, khi đó hải quân và không quân Trung Quốc hết sức yếu, Trường Sa cách đất liền Trung Quốc khoảng 2000 km, rất xa xôi, dù cố gắng đến được cũng rất khó duy trì việc đóng quân; thứ hai, Cộng sản Trung Quốc nếu tiến vào Trường Sa, tất nhiên đầu tiên sẽ dẫn đến xung đột với Đài Loan vốn đã quay trở lại Trường Sa, mà hải quân Trung Quốc so với hải quân Đài Loan vẫn có khoảng cách. Thứ ba, nhân tố quan trọng hơn là khi đó Mĩ là quốc gia kiểm soát thực tế tình hình biển Đông, ba quốc gia trong tranh chấp biển Đông- Philippines, Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa đều là đồng minh của Mĩ. Mĩ có thể giữ trung lập với các nước này, nhưng nhất định không thể khoan nhượng cho thế lực cộng sản như Trung Quốc và Bắc Việt thâm nhập biển Đông. Còn hải quân Trung Quốc thì rõ ràng không phải là đối thủ của hải quân Mĩ. Từ những năm 1960 Việt Nam đã bắt đầu tuần tra ở Trường Sa, Trung Quốc không có khả năng can thiệp vào việc này. Lúc đó Trung Quốc và Ấn Độ thù địch nhau, hải quân Trung Quốc thậm chí không có cả khả năng hộ tống kiều dân bị Ấn Độ xua đuổi, nói chi đến việc giao tranh với hải quân Nam Việt hay hải quân Đài Loan, cho nên không thể không né tránh các tàu chiến của Đài Loan đi tiếp tế quân trú đóng trên đảo Ba Bình.[474] Vì vậy, tất cả những gì mà Trung Quốc có thể làm chỉ là phản đối suông.
Khi đó, ngoài tuyên bố chủ quyền bằng miệng ra, Trung Quốc còn tiến hành thu thập tư liệu và hồ sơ để tiện chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Khi vừa mới xây dựng chế độ, hiểu biết của Đảng Cộng sản về Hoàng Sa và Trường Sa rất ít ỏi, chủ yếu đều là từ xã luận và bài viết của báo chí cuối những năm 1940. Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về mình, nhưng không nêu ra được bằng chứng lịch sử và pháp lí. Năm 1950, khi Tổng thống Philippines Quirino đưa ra chủ quyền đối với Trường Sa, Trung Quốc chỉ tuyên bố “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyệt đối không cho phép quần đảo Đoàn Sa (Trường Sa) và bất kì nào đảo khác thuộc Trung Quốc ở Nam Hải bị nước ngoài xâm phạm.”[475] Năm 1951, khi Chu Ân Lai tuyên bố phản đối bản dự thảo “Hòa ước San Francisco”, tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, nhưng vẫn không nắm rõ quan hệ giữa đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy) và quần đảo Trường Sa. Bài “Giới thiệu đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)” đăng trên “Nhân dân Nhật báo” có nhiều chỗ sai sót.[476] Để đảo ngược tình trạng này, năm 1951 Vụ trưởng Vụ châu Á Trần Gia Khang bắt đầu chủ trì công tác thu thập hồ sơ và tư liệu. Từ năm 1951 đến năm 1956, đã thu thập được 14 mục lục hồ sơ và 16 mục lục tư liệu tham khảo. Chỉ từ đó mới xem là có hiểu biết sơ bộ về lịch sử, tranh chấp và pháp lí của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, khi xảy ra sự kiện Cloma, vào ngày 5/6 và 8/7, Thiệu Tuân Chính ở Khoa Lịch sử, Đại học Bắc Kinh đã đăng hai bài trên “Nhân dân nhật báo” lập luận để chứng minh chủ quyền của chính phủ Trung Quốc đối với biển Đông, chứng lí đã phong phú hơn rất nhiều.[477]
Đầu những năm 1950, Trung Quốc chỉ có thể giới hạn các hành động thực tế của mình ở Hoàng Sa. Về thời gian Trung Quốc tiến vào chiếm đóng đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) ở Hoàng Sa có nhiều tường thuật khác nhau. Ở Trung Quốc, thường được cho là vào ngày 13/5/1950,[478] nhưng cụ thể tiến vào chiếm đóng như thế nào thì không rõ. Ngay cả khi năm 1950 là đúng thì mức độ kiểm soát của Trung Quốc đối với Hoàng Sa vào thời điểm đó vẫn là điều còn đáng nghi ngờ. Tháng 1/1951, tình báo Pháp không phát hiện tàu tiếp tế qua lại định kì giữa đảo Phú Lâm và Đại lục nên phía Pháp suy đoán rằng không có quân Trung Quốc đóng trên đảo Phú Lâm.[479]
Tháng 5/1954, 7 ngư dân Hải Nam bị mắc cạn ở Hoàng Sa nhưng không được người Trung Quốc cứu, cuối cùng thì được máy bay tuần tra của Mĩ phát hiện, đưa về căn cứ không quân Clark ở Philippines. Sau đó Mĩ thông qua kênh ngoại giao Anh giao thiệp để đưa những ngư dân này trở về Trung Quốc, nhưng kết quả cuối cùng không biết thế nào.[480]
Một tường thuật khác nói là năm 1955.[481] Theo một tài liệu giải mật của Mĩ, ngày 25/8/1955, cơ quan tình báo Mĩ trinh sát thấy quân đội Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm.[482] Xét thấy khi đó máy bay của Mĩ, Pháp và Đài Loan thường xuyên bay qua Hoàng Sa để tuần tra do thám, nếu như trước năm 1955 trên đảo có quân đội Trung Quốc trú đóng thì khó có khả năng không bị phát hiện. Vì vậy, đó có thể là năm Trung Quốc bắt đầu thực sự chiếm đóng đảo Phú Lâm bằng quân sự. Tài liệu đó cũng nhắc đến ngày 9/6/1956, máy bay tuần tra TF72 của Đài Loan phát hiện trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) có các hoạt động của quân đội hoặc dân binh Trung Quốc. Đài Loan lập tức thông báo cho Mĩ và Nam Việt phát hiện này, hai nước đều rất lo lắng. Quân đội Mĩ thậm chí còn xem xét đến việc ba bên Đài Loan, Mĩ, Việt Nam cùng nhau phối hợp đánh đuổi quân cộng sản, và cũng dự tính điều động máy bay của quân đội Mĩ tiến hành oanh tạc đảo Phú Lâm.[483] Nhưng sau đó dường như quân đội Trung Quốc đã chủ động rút khỏi đảo Hữu Nhật, nhờ đó tránh được nguy cơ xảy ra xung đột. Do đó, sẽ chính xác hơn khi nói rằng quân đội Trung Quốc chính thức đóng quân tại đảo Phú Lâm ở Tây Sa vào năm 1955. Còn trước đó trên đảo Phú Lâm có thể chỉ có ngư dân, nhân viên điều tra, tàu cá vũ trang hoặc dân binh Trung Quốc,[484] chứ không phải quân lính chính quy.
Năm 1959, Trung Quốc thành lập “Văn phòng Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa” thuộc Khu Hành chính Hải Nam, tỉnh Quảng Đông, củng cố quyền kiểm soát đối với phía Đông Hoàng Sa. Năm 1969, Văn phòng này đổi tên là “Uỷ ban cách mạng quần đảo Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa”. Trung Quốc mặc dù ngoài miệng khẳng định lại chủ quyền đối với Tam Sa, nhưng khi đó chỉ kiểm soát được đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) thuộc Hoàng Sa (Tây Sa). Đối với Trường Sa và bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham) Trung Quốc vừa không có khả năng kiểm soát vừa không đưa ra bất cứ yêu sách nào. Do lo lắng ngư dân khi đi biển đánh cá bỏ trốn hoặc bị mua chuộc làm gián điệp, bắt đầu từ giữa những năm 1950 (khoảng năm 1956)[485], Trung Quốc đã cấm ngư dân đến Trường Sa đánh cá, mãi đến năm 1984 lệnh cấm này mới được bãi bỏ[486]. Đối với bãi Scarborough, hoàn toàn không có ghi chép nào về việc ngư dân Trung Quốc từng đến đây đánh cá trước đó, sau Thế chiến thứ hai quân Mĩ và Philippines đã kiểm soát vùng biển ở khu vực đó nên càng không có tàu cá Trung Quốc ở đó (xem V.8).
Bắc Việt khi đó không có bất cứ sự quan tâm nào đối với Hoàng Sa và Trường Sa, và cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào về Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1956. Sau khi Bắc Kinh ra tuyên bố, ngày 15/6, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm hội kiến Đại biện lâm thời Đại sứ quan Trung Quốc tại (Bắc) Việt Nam Lí Chí Dân, trịnh trọng tuyên bố: “Theo tài liệu của phía Việt Nam, về mặt lịch sử thấy rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa nên thuộc lãnh thổ Trung Quốc.” Khi đó có mặt Quyền Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Lê Lộc cũng nói: “Từ lịch sử thấy rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa ngay vào thời nhà Tống đã thuộc Trung Quốc rồi”.[487] Có người chất vấn tư liệu này có thật hay không, do tư liệu này chỉ là bày tỏ thái độ bằng lời nói chứ không phải văn bản, hơn nữa phía Việt Nam có vẻ cũng không thừa nhận phát ngôn này (không được nhắc đến trong tư liệu chỉnh lí của phía Việt Nam). Nhưng tác giả vẫn thiên về hướng việc này là có thật. [Xét tới việc chính phủ Bắc Việt phải nhờ các học giả như Nguyễn Đổng Chi… cung cấp tư liệu về Hoàng Sa để có phản ứng thích hợp sau trận hải chiến tháng 1/1974, khó tin Ung Văn Khiêm và Lê Lộc dám trả lời khẳng định về lịch sử kiểu đó – ND)
Ngày 23/8/1958, giữa Trung Quốc và Đài Loan bùng nổ trận pháo kích Kim Môn, khủng hoảng eo biển Đài Loan bùng phát bất cứ lúc nào. Ngày 2/9, 4 pháo hạm và 8 tàu ngư lôi của Quân Giải phóng Trung Quốc phát động cuộc tấn công vào tàu đổ bộ USS Meijian của Mĩ chở vật tư quân sự cùng đoàn đi thăm trận địa gồm cố vấn quân sự Mĩ và nhà báo trong ngoài nước hợp và vào 3 pháo hạm Đài Loan đang hộ tống.
Có khả năng do muốn có cơ sở để phản đối việc Mĩ xâm nhập ranh giới cho trận hải chiến ở eo biển Đài Loan ngày 2/9 một cách hợp pháp, vào ngày 4/9, Trung Quốc ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải 12 hải lí:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lí. Quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm đại lục Trung Hoa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Macclesfield), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc ngăn cách với đất liền và các đảo ven bờ bởi vùng biển quốc tế (high seas).
……………………………….
(4) Các nguyên tắc quy định tại các điểm 2) và 3 ) cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa , quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc..[488]
Tuyên bố này đã khẳng định một lần nữa chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa. Mĩ đưa ra phản đối về tuyên bố này, thứ nhất không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ Đảng Cộng sản, cũng như không thừa nhận tính có hiệu lực của đề xuất 12 hải lí, và nói chung cũng không tin rằng bề rộng 12 hải lí phù hợp với luật pháp quốc tế (Mĩ chỉ thừa nhận bề rộng 3 hải lí). Mĩ còn cho rằng theo luật quốc tế, máy bay và tàu chiến có quyền đi qua vô hại ở “lãnh không và lãnh hải”, không cần được Trung Quốc phê chuẩn. Ngoài ra, Mĩ cũng bảo lưu ý kiến đối với sự quy thuộc của Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.
Ngày 24/3/1972, Mĩ điều máy bay quân sự bay vào vùng trời trong phạm vi 12 hải lí của quần đảo Hoàng Sa, bay bên ngoài vùng trời 3 hải lí để tỏ thái độ không thừa nhận Hoàng Sa có lãnh không 12 hải lí.[489] Mĩ cũng có nhu cầu trinh sát quân sự lâu dài với Trung Quốc Đại lục.
Dưới tác dụng chung của các nhân tố kể trên, trong thời gian dài Mĩ điều máy bay và tàu quân sự tiến vào lãnh hải và lãnh không Trung Quốc. Trung Quốc không có cách gì ngăn chặn hành động của Mĩ, chỉ có thể liên tục đưa ra “cảnh cáo nghiêm khắc” trên báo chí. Thời gian từ 1958 đến 1971, trên “Nhân dân nhật báo” và báo “Quân Giải phóng”, Trung Quốc đã đưa ra tổng cộng 497 lần “cảnh cáo nghiêm khắc”, trong đó 235 lần là nhằm vào quần đảo Hoàng Sa.[490] Còn ở quần đảo Trường Sa, do Trung Quốc vừa không đóng quân lại vừa không có khả năng kiểm soát tới, thậm chí nói chung không có cách gì biết được hành động của Mĩ tại đó nên không đưa ra cảnh cáo đối với hành động của Mĩ tại Trường Sa.
Còn Bắc Việt Nam thì bày tỏ sự tán đồng tuyên bố ngày 4/9 của Bắc Kinh. Ngày 7/9, báo “Nhân dân” của Bắc Việt Nam đăng bài bình luận: “Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán thành tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về lãnh hải”.[491] Ngày 14/9, trong công hàm ngoại giao (Hình 26) Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng bày tỏ việc Bắc Việt công nhận và tán đồng bản tuyên bố của Trung Quốc về quyết định lãnh hải. Đây là lần thứ hai Bắc Việt Nam bày tỏ thái độ về mặt ngoại giao, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa, chính thức hơn so với lần thứ nhất:
Thưa Đồng chí Tổng lí,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lí rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lí của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lí của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lí lời chào rất trân trọng.[492]
Hình 26: Công hàm Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958
Trong công hàm này, Phạm Văn Đồng nêu “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải. Điều này chắc chắn hàm chứa “ghi nhận và tán thành” tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong bản tuyên bố của Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân vì sao sau này Trung Quốc chỉ trích Việt Nam “lật lọng”.
Ngày 9/5/1965, để đáp lại việc quân đội Mĩ xác định vùng biển bao gồm cả Hoàng Sa trong đó là “khu vực chiến đấu” (Combat Zone) lúc đó, Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Lê Trang đưa ra tuyên bố: “Ngày 24/4/1965, Tổng thống Mĩ Johnson quy định toàn bộ Việt Nam và vùng biển lân cận – trong phạm vi cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lí và một phần lãnh hải quần đảo Hoàng Sa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mĩ. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng Mĩ quyết định công khai điều một số đơn vị của Hạm đội 7 và cái gọi là ‘Đội cảnh vệ bờ biển’ vào vùng biển này tiến hành hoạt động và kiểm tra tàu thuyền qua lại”, “điều này trái với luật pháp quốc tế.”[493]
Trong những phát biểu này, Bắc Việt một lần nữa xác định rõ việc coi quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Kiểu bày tỏ thái độ này có bối cảnh thời đại nhất định. Trước năm 1965, việc Mĩ tiến vào vùng biển Hoàng Sa tác chiến có chút nghi ngại, bởi vì Hoàng Sa mặc dù ở phía Nam vĩ tuyến 17° N nhưng do có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nếu tiến vào Hoàng Sa tác chiến thì có khả năng vi phạm luật quốc tế.[494] Trong cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mĩ và Trung Quốc ở Ba Lan, Mĩ cũng từng giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này.[495] Mãi đến năm 1965, căn cứ vào nhu cầu của tình hình, Tổng thống Johnson mới ban bố khu vực chiến đấu này, gặp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.[496] Hiển nhiên, nếu Bắc Việt ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh, thì Mĩ sẽ không dám đóng quân ở Hoàng Sa để làm căn cứ tấn công Bắc Việt vì lo ngại sự phản ứng của Bắc Kinh, hoặc ít nhất sẽ không tuần tra ở Hoàng Sa, điều này đương nhiên có lợi cho Bắc Việt.
Còn từ góc độ luật quốc tế, có thể thấy rằng những bày tỏ thái độ này đồng nghĩa với việc khẳng định thái độ của Bắc Việt về vấn đề này lần nữa. Ngoài ra, rất nhiều báo, bản đồ, sách giáo khoa… của Bắc Việt Nam xuất bản lúc đó đều coi Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc.
Ngày 13/5/1965, báo “Nhân dân” của Bắc Việt có bài báo nói rằng:
“ngày 10/5, một chiếc máy bay quân sự của Mĩ vượt qua lãnh không Trung Quốc phía trên đảo Vĩnh Hưng và đảo Đông thuộc quần đảo Tây Sa, tỉnh Quảng Đông”.[497] Xét vị thế của báo “Nhân dân” vốn là một tờ báo của đảng (tương đương với “Nhân dân nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc) thì đây cũng có thể coi là thái độ chính thức của chính phủ Bắc Việt.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp trong các bản đồ và sách giáo khoa của Bắc Việt công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Ví dụ, năm 1970 sách “Địa lí tự nhiên Việt Nam” do Nhà xuất bản Giáo dục và “Phân vùng lãnh thổ tự nhiên Việt Nam” do Nhà xuất bản khoa học kĩ thuật Việt Nam của Bắc Việt xuất bản đều chỉ rõ cực Đông của lãnh thổ Việt Nam là 109° 21’ E, còn Hoàng Sa và Trường Sa đều ở phía Đông của kinh tuyến này.
Năm 1974, trong “Sách giáo khoa địa lí lớp 9 Trung học phổ thông” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có viết “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, Châu Sơn… làm thành một bức “trường thành” bảo vệ lục địa Trung Quốc” (Hình 27).
Hình 27: “Địa lí tự nhiên Việt Nam”
Tháng 5/1972, trong “Tập bản đồ thế giới” (Hình 28) do Cục Đo đạc và Bản đồ, Phủ Thủ tướng Việt Nam in ấn không dùng tên gọi của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa mà dùng tên gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa để đánh dấu hai quần đảo này.[498]
Hình 28: “Tập bản đồ thế giới” do Cục Đo đạc và Bản đồ, Phủ Thủ tướng Việt Nam in ấn (1972)
Sự kết hợp của những bằng chứng này và các tuyên bố chính thức của Bắc Việt Nam ở trên cho thấy đầy đủ rằng Bắc Việt đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của Trung Quốc trước năm 1974. Sự công nhận này có ý nghĩa gì về mặt luật pháp quốc tế sẽ được thảo luận sau.
IV.6. Giao thiệp giữa Đài Loan và Nam Việt về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa
Sau năm 1956, sự kiện Cloma nhạt dần. Cho đến cuối những năm 1960, Đài Loan và Nam Việt không xảy ra xung đột ở Hoàng Sa và Trường Sa dù rằng vẫn có một loạt giao tranh ngoại giao. Hai bên đều mong muốn “bình thường hóa” lãnh thổ mà mình kiểm soát trên thực tế. Do khu vực kiểm soát trên thực tế của hai bên khác nhau, Nam Việt và Đài Loan công thủ khác nhau trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa: ở Trường Sa, Đài Loan ở vào thế công; ở Hoàng Sa, Nam Việt Nam ở vào thế công.
Ở Hoàng Sa, hành động của Nam Việt dồn dập. Từ năm 1938, quân đội Nam Việt (hoặc lính bảo an) bắt đầu cùng quân Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (San Hô). Sau Thế chiến thứ hai, Nam Việt cũng cùng quân đội Pháp quay trở lại đảo Hoàng Sa. Tháng 4/1956, theo hiệp định Geneva quân Pháp rút toàn bộ khỏi quần đảo Hoàng Sa, do đó Việt Nam phải phái quân đến thay thế. Như vậy, đảo Hoàng Sa thuộc Hoàng Sa hoàn toàn do quân đội Nam Việt đóng giữ.[499] Tháng 2 cùng năm, qua tình báo, Đài Loan biết được cộng sản Trung Quốc đã tiến chiếm đảo Phú Lâm, xây dựng doanh trại cũng như các cơ sở khác.[500] Điều này đặt Đài Loan, vốn ngoài tầm với đối với Hoàng Sa, vào tình thế lưỡng nan. Một mặt, Đài Loan xuất phát từ nhu cầu chủ quyền, không muốn Nam Việt đóng quân ở Hoàng Sa; mặt khác xuất phát từ nhu cầu chống cộng lại không muốn nhìn thấy Nam Việt dễ dàng rút khỏi Hoàng Sa, để cộng sản Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo này. Vì vậy, họ chỉ có thể ngầm đồng ý để Nam Việt đóng quân ở Hoàng Sa trong khi lại một mực đòi chủ quyền với Nam Việt. Như đã đề cập trong phần trước, Đài Loan và Nam Việt đã trao đổi tin tình báo về việc quân đội cộng sản Trung Quốc đổ bộ lên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền), thậm chí có thể cùng nhau hành động, điều đó cho thấy tâm lí mâu thuẫn của Đài Loan,
Tháng 1/1959, Nam Việt chuẩn bị khai thác phân chim ở quần đảo Hoàng Sa, “Công ti khai thác Quần đảo Tây Sa” được thành lập để khai thác kí hợp đồng với Công ti Hữu Phát Singapore (đại diện là Trần Gia Phát). Đài Loan lại rơi vào thế lưỡng nan, Đài Loan liên tục nghe ngóng tin tức nhưng lại không hành động lần nữa. Sau đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế đều thúc giục Bộ Ngoại giao tỏ rõ thái độ. Cuối cùng, vào tháng 11, Bộ Ngoại giao mới giải thích với Bộ Quốc phòng: “Xét thấy đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) thuộc Tây Sa đã bị cộng phỉ chiếm lấy từ năm 1952, quần đảo này lại không nằm dưới sự kiểm soát thực tế của phía ta, hơn nữa quan hệ của hai nước Trung-Việt trên lập trường cùng chống cộng sản đang tốt đẹp và phía ta cũng đã tuyên bố với phía Nam Việt lập trường của ta về chủ quyền Tây Sa, vậy có lợi hay không khi đưa ra phản đối với phía Việt Nam về vụ này, không tăng giao lưu mà chỉ gây tranh chấp qua lại giữa hai nước đồng minh là điều vô bổ”.[501] Cuối cùng Đài Loan bỏ mặc việc này. Nam Việt có thể cùng công ti của Singapore khai thác quặng phốt phát thuận lợi.
Nhưng việc này lại gây ra sự chú ý của Bắc Kinh. Bắc Kinh bắt đầu thâm nhập vào các đảo do Nam Việt kiểm soát, phương pháp áp dụng là phái “ngư dân” (thật ra là quân Giải phóng hoặc dân quân) lén lút đến các đảo do Việt Nam kiểm soát để tiến hành xâm chiếm từng bước. Ngày 19/2, Bắc Kinh phái 81 “ngư dân” đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Sâm Hàng, Duncan Island), dựng doanh trại và treo quốc kì. Hành động này bị phía Nam Việt phát hiện. Chẳng bao lâu, đội tuần tra của hải quân Nam Việt đổ bộ lên đảo, cùng với quân trú đóng trên đảo (khoảng 10 người) tạm giữ “ngư dân” Trung Quốc, ban đầu áp giải đến đảo Hoàng Sa (San Hô), đồng thời tịch thu hai máy phát sóng và một lô khí tài, rồi lại đưa về Đà Nẵng thẩm vấn. Trong số “ngư dân” này lại có người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, rõ ràng không phải là ngư dân bình thường. Nhưng Nam Việt cũng không muốn vì việc này mà lật mặt cộng sản Trung Quốc, vì vậy tuyên bố họ là “ngư dân bình thường”, lấy lí do nhân đạo đưa họ trở lại Hoàng Sa, cấp cho nước và lương thực, rồi trục xuất.[502] Đồng thời Nam Việt thông qua Campuchia tỏ rõ lập trường mình với Trung Quốc (Campuchia là quốc gia duy nhất có thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước Nam và Bắc Việt Nam, khi đó trở thành kênh chính thức duy nhất để Nam Việt tiếp xúc với Bắc Kinh). Hành động của Nam Việt đã ngăn chặn kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào phía Tây Hoàng Sa của Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó chưa dám manh động, ngoài lí do hải quân còn nhỏ yếu, chủ yếu là do Mĩ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên không ở các khu vực bao gồm Hoàng Sa và bờ biển đông nam Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố lãnh hải 12 hải lí vào năm 1958[503] (Bắc Kinh gọi đây là xâm phạm lãnh không và cảnh cáo nghiêm khắc). Bắc Kinh hoàn toàn không muốn mạo hiểm chiếm lấy toàn bộ Hoàng Sa để xảy ra xung đột với quân Mĩ. Đối với hành động ngăn chặn cộng sản Trung Quốc xâm nhập của Nam Việt, Đài Loan cũng vui mừng, phấn khởi, ngoài việc nhắc lại lập trường chủ quyền với phía Việt Nam (để đảm bảo chắc chắn có căn cứ khi giao thiệp sau này), hoàn toàn không can thiệp cũng như không bác bỏ các tài liệu về chủ quyền mà Nam Việt liên tục chỉnh lí và đưa ra.[504] Từ phân tích trên có thể thấy rằng trừ đảo Phú Lâm ra, đại bộ phận các đảo của Hoàng Sa đều nằm trong sự kiểm soát của Nam Việt.
Nam Việt còn thử khẳng định chủ quyền theo phương thức khác, nhưng Đài Loan đều cố biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ. Ví dụ tháng 8/1960, Nam Việt dự định phát hành tem kỉ niệm Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi biết chuyện, Đài Loan vội vàng thương thuyết với Nam Việt, và kế hoạch này bị dừng lại. Tháng 12 cùng năm, Hoàng Sa và Trường Sa được đưa vào bản đồ trong các ấn phẩm của Bộ Kinh tế Nam Việt. Đại sứ quán Đài Loan tại Việt Nam tiến hành giao thiệp về việc này, hai bên đồng ý không tuyên truyền xuất bản phẩm này.[505] Ngày 13/7/1961, Nam Việt Nam ban bố Sắc lệnh số 174/NV,[506] chuyển Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam, đặt tên là xã Định Hải, thuộc huyện Hòa Vang.[507] Đối với mấy sự việc trước, do tương đối bí mật nên quan chức Đài Loan có thể xử lí linh hoạt, nhưng việc công bố sắc lệnh này của Nam Việt gây ra phản ứng mạnh mẽ của dư luận Đài Loan và Hoa kiều, Bộ Ngoại giao Đài Loan buộc lòng phải đáp trả.
Ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo báo chí, nhắc lại chủ quyền đối với Hoàng Sa; ngày 29/7, Đài Loan chính thức đưa ra phản đối ngoại giao với Nam Việt.[508] Ngày 3/8, Nam Việt trả lời rằng việc này thuần túy thuộc công việc nội bộ của Nam Việt, không thể không bác bỏ yêu sách mà Đài Loan đưa ra.[509] Do có sự phản đối của Đài Loan, Nam Việt đã chỉnh sửa và đưa ra tuyên bố về chủ quyền tương đối chi tiết lần đầu tiên đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[510] Kể từ đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng thừa nhận rằng khó thể thực hiện thêm bất kì hành động nào nữa. Bộ Nội chính Đài Loan nghiên cứu về khả năng di dân đến Hoàng Sa, nhưng Bộ Ngoại giao trả lời: quần đảo đã bị Nam Việt và cộng sản Trung Quốc chiếm đóng, thực hiện điều đó rất khó.[511] Vì vậy, kế hoạch này cũng đã bị huỷ bỏ. Năm 1969, Nam Việt sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long.[512]
Ở Trường Sa, chính Đài Loan khơi mào tranh chấp. Tháng 4/1956, sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Diệp Công Chiêu đến thăm Nam Việt, trên đường quay trở về bay qua vùng trời quần đảo Trường Sa “thị sát”.[513] Nam Việt đưa ra kháng nghị, nhắc lại chủ quyền của mình đối với Trường Sa. Sự kiện này chỉ dấy lên sóng gió nhỏ.
Tranh cãi lớn hơn là Đài Loan chuẩn bị kế hoạch khai thác ở Trường Sa. Sau khi xảy ra sự kiện Cloma, Đài Loan liền chuẩn bị khai thác Trường Sa. Tháng 6/1956, Hội phát triển Ngư nghiệp, Bộ Kinh tế đề xuất việc xây dựng một khu vực nền tảng nghề cá ở đảo Ba Bình thuộc Trường Sa trong hai vòng năm. Cụ thể, 8 dự án lớn sẽ được thực hiện trên đảo, bao gồm đài phát sóng và trạm quan sát khí tượng, đê chắn sóng và bến tàu, hải đăng và biển báo, nhà công cộng và nhà kho, bể chứa dầu, nhà máy nước đá và kho lạnh, thiết bị cấp nước, và xưởng sửa chữa tàu thuyền để cho 200 tàu đánh cá nhỏ sử dụng. Hội trưởng “Lưu Cầu cách mạng đồng chí hội” của người Lưu Cầu (Ryukyu) tại Đài Loan là Thái Chương đã chủ động đề xuất hợp tác giữa Trung Quốc và Ryukyu, với ngư dân Ryukyu là những người tiên phong trong việc khai thác. Cũng có đề nghị đưa ngư dân đại lục chạy trốn từ Hồng Kông đến quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, có không ít Hoa kiều Philippines cũng đề xuất đến Trường Sa khai thác phát triển nghề cá. Những đề xuất này đã khơi dậy sự quan tâm của chính phủ Đài Loan.
Từ tháng 8 đến tháng 10, Đài Loan tổ chức nhiều hội nghị báo cáo để tiến hành nghiên cứu. Trong một thời gian, việc khai thác Trường Sa trở thành chủ đề nóng, thậm chí có phương án đầy tham vọng (ví dụ ban đầu chỉ đề nghị khai thác đảo Ba Bình, sau đó thì đề nghị khai thác tất cả các đảo). Tuy nhiên, do các đảo ở xa xôi, kinh phí hạn hẹp, ngoại giao phức tạp, việc liên quan đến nhiều bộ, các bên đùn đẩy cho nhau, thậm chí bàn mà không quyết, quyết mà không làm, mãi đến năm 1959 vẫn chưa có hành động thực tế. Cho đến tháng 8/1958, Đài Loan mới lấy lí do Hội nghị Hàng không dân dụng quốc tế năm 1955 yêu cầu Đài Loan xây dựng trạm khí tượng trên đảo Thái Bình, để gửi công hàm cho Mĩ, yêu cầu phía Mĩ giúp đỡ xây dựng trạm khí tượng. Còn về vấn đề khai thác, cuối cùng phương án dè dặt nhất đã được quyết định, dùng quân nhân đã giải ngũ đến Trường Sa khai thác khoáng sản ở “ biên giới thực”.[514]
Mặc dù quan chức Đài Loan nhiều lần yêu cầu phải bảo mật trong giai đoạn thảo luận, nhưng qua thảo luận tất bật nhiều năm, tin tức bị phát tán, Nam Việt cũng đã biết được tin từ báo chí Hồng Kông và Đài Bắc. Ngày 27/4/1959, công sứ Nam Việt tại Đài Loan Nguyễn Công Huân đưa ra kháng nghị chính thức với Bộ Ngoại giao Đài Loan về dự định phái người đến Trường Sa khai thác.[515] Ngày hôm sau Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Hoàng Thiếu Cốc gặp Nguyễn Công Huân, Nguyễn Công Huân đã đưa ra 3 bằng chứng cho cho thấy Nam Việt có chủ quyền ở Trường Sa: năm 1933 Pháp chiếm hữu Trường Sa và sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa, Trung Quốc không bày tỏ ý kiến phản đối; sau khi độc lập, Nam Việt Nam đã kế thừa chủ quyền của Pháp ở Trường Sa; tại Hội nghị San Francisco Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không có ai phản đối. Đài Loan chưa thương lượng với Việt Nam đã đơn phương bí mật chuẩn bị kế hoạch khai thác, Nam Việt không thể không coi đó là hành vi xâm lược. Hoàng Thiếu Cốc thì tuyên bố các đảo ở biển Đông mấy trăm năm nay đều là lãnh thổ Trung Quốc, và khuyên Nam Việt lấy đại nghiệp chống cộng làm trọng, chớ nên gây ra tranh chấp, đồng ý sẽ gửi cho Nam Việt trả lời chính thức.[516] Mười mấy ngày sau, Đài Loan gửi thư trả lời cho Nam Việt, đầu tiên làm rõ “Việc AFP đưa tin ngày 18/4 rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã quyết định phái quân nhân giải ngũ đến quần đảo Trường Sa để khai thác khoáng sản trên quần đảo này là không chính xác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chưa bao giờ đưa ra phát ngôn như vậy.” Thứ hai, nhấn mạnh 3 điểm quan trọng trong chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa: (1) mấy trăm năm nay cấu thành một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc; (2) sau Thế chiến thứ hai, tiếp thu từ Nhật Bản và Bộ Nội vụ đã công bố tên gọi của các đảo, bãi ngầm, đá của quần đảo này, chính phủ Pháp, Việt Nam không đưa ra phản đối; (3) năm 1956 Việt Nam tuyên bố sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (ngày 20/10, Việt Nam công bố Sắc lệnh số 143/NV, sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy[517]), Đài Loan đưa ra kháng nghị.[518] Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng gửi thư cho Bộ Quốc phòng, trách Bộ Quốc phòng bảo mật không tốt, sau này phải tránh phát tán tin tức trên báo chí, “để tránh gây ra sự nhòm ngó các nước láng giềng, làm trở ngại quan hệ Trung-Việt và gây thêm khó khăn cho chúng ta.”.[519] Sau đó, Nam Việt nhờ Mĩ tiến hành hòa giải. Lúc này, quan hệ Đài-Việt vẫn khá tốt. Đài Loan xử lí nhún nhường, việc khai thác qua một năm vẫn dừng lại ở bước thu thập tư liệu và các công tác thực nghiệm. Cho đến sau này cũng không thực thi thực sự.
Nhưng Nam Việt không tin tưởng phía Đài Loan, quyết định áp dụng biện pháp mạnh dạn hơn ở Trường Sa, tức là phái hạm đội đến Trường Sa tuần tra, giống như Đài Loan đã làm. Ngày 13/6/1961, hai tàu tuần tra của hải quân Nam Việt đến gần đảo Ba Bình, bị quân trú đóng Đài Loan phát hiện. Khi được hỏi, phía Nam Việt Nam nói là đó là chuyến huấn luyện đi xa, đi nhầm vào nơi này, quân trú đóng Trung Quốc không tìm hiểu thêm, yêu cầu họ rời đi.[520] Thật ra tàu Nam Việt không hẳn không có ý điều tra. Ngày 23/4/1962, lại có hai tàu chiến Nam Việt đến gần đảo Ba Bình và yêu cầu đổ bộ lên đảo, bị quân Đài Loan từ chối.
Ngày 18/5/1963, Nam Việt Nam lên giọng tuyên bố rằng một hạm đội gồm 10 tàu hợp thành xuất phát trong ngày, đi đến “quần đảo Trường Sa mà Philippines yêu sách để xác định lại lần nữa chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này”, và còn tuyên bố là đó là “tuần tra theo thông lệ” hàng năm từ năm 1959 đến nay.[521] Ngày 22/5, quân Nam Việt đến đảo Ba Bình thả neo, thuyền trưởng Nguyễn Nguyệt Trường lên đảo hội đàm với Tư lệnh quân trú đóng Diêu Bình Luân, hỏi trên đảo có cư dân không, đồng thời tuyên bố Trường Sa vẫn là lãnh thổ Việt Nam. Sau đó rời đảo đi đến đảo khác. Trong chuyến đi này, Nam Việt đã phá huỷ bia đá Đài Loan dựng trên đảo Trường Sa Lớn năm 1946 và lập bia đá của Nam Việt, đồng thời cũng dựng bia đá của Nam Việt ở một số đảo không người khác. Đài Loan vội vã ra lệnh cho quân trú đóng đến các đảo kiểm tra xem xét. Tháng 6, chi đội Dương Uy đến đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm), đảo Nam Yết (Hồng Hưu) và đảo Loại Ta (Nam Thược) kiểm tra, phát hiện Nam Việt đã dựng bia đá bằng xi măng trên đảo Loại Ta, sĩ quan và binh lính lập tức phá bỏ. Tháng 10, chi đội Dương Uy lại tuần tra các đảo lần nữa, đổ bộ lên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy), bãi An Bang (An Ba), đảo Thị Tứ (Trung Nghiệp) và đá Song Tử Đông (Bắc Tử), đã phá huỷ cột mốc ranh giới mà Nam Việt dựng lên.[522] Ngày 19/5/1964, Nam Việt lại tiến hành tuần tra “theo thông lệ”, đến gần đảo Ba Bình, đo đạc thuỷ văn và yêu cầu lên đảo, sau khi bị quân trú đóng Đài Loan từ chối thì rời đi. Tháng 5/1967, hai tàu chiến của Nam Việt lại đến đảo Ba Bình. Loại hành động dựng cột mốc của mình, phá huỷ cột mốc của đối phương này hầu như trở thành tiết mục theo thông lệ hàng năm.[523] Hai bên Đài-Việt mỗi lần đều triển khai giao thiệp về vấn đề này, mỗi bên đều nhắc lại chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng cũng đồng ý dùng phương thức ngoại giao để giải quyết, không làm to chuyện. Trong những năm 1960, tranh chấp Trường Sa chủ yếu triển khai giữa Nam Việt và Đài Loan, đến năm 1968, Philippines bắt đầu tiến vào Trường Sa một lần nữa, gia nhập đội ngũ đổ bộ lên đảo dựng mốc giới.[524]
[448] http://highered.mheducation.com/olc/dl/35271/7_4.html.
[449] Vietnam Dossier II, p.132
[450] “Ces îles, françaises, n’ont pas été rattachées au Vietnam lors de la cession à cet état associé de l’ancienne colonie de Cochinchine, en 1949. Elles dépendent, en conséquence, du Ministère d’outre-mer” (Các đảo này của Pháp, không được sáp nhập lại vào Việt Nam lúc thuộc địa cũ Nam Kì được nhượng lại cho quốc gia liên hiệp này vào năm 1949. Do đó, chúng phụ thuộc vào Bộ Hải ngoại.). Note a/s des îles Spratley, signée J.R. J.Roux, MAE, 8.9.53, dos.213, s.~s. Chine, AO 1944-1955, MAE. From SCSAED, p.39.
[451] SCSAED, p.40.
[452] SCSAED, p.51.
[453] “Toàn văn tuyên bố của chính phủ Việt Nam”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 4-6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 629 Trung mật thám (46), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1171.
[454] SCSAED, p.52.
[455] Annex 40, SOPSI, p.249-252.
[456] “Điện Đại sứ quán tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao”, ngày 12/6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 773, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.988.
[457] SCSAED, p.52.
[458] Annex 40, SOPSI, p.249-252.
[459] Allan W. Cameron, Viet-Nam Crisis, A documentary history Vol.1: 1940-1956. Cornell University Press, 1971, p.120-128, at p.121.
[460] Tác giả vẫn chưa thể tìm thấy nguyên văn hiệp định bí mật này.
[461] Allan W. Cameron, Viet-Nam Crisis, A documentary history Vol.1: 1940-1956. Cornell University Press, 1971, p.128-129.
[462] Allan W. Cameron, Viet-Nam Crisis, A documentary history Vol.1: 1940-1956, 1971, p.117.
[463] Allan W. Cameron, Viet-Nam Crisis, A documentary history Vol.1: 1940-1956, 1971, p.118-120.
[464] Annex 43, SOPSI, p.265.
[465] Vietnam Dossier II, p.130 &132.
[466] “Về việc tàu Việt Nam đổ bộ ở Nam Sa”, ngày 3/9 năm Dân Quốc 45 (1956), số 780 chuyện hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1180. “Sử liệu vị biên”, tr.136.
[467] SCSAED, p.52.
[468] “Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời điện số 408810A của Công sứ tại Việt Nam”, ngày 8/9 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1182-1183.
[469] “Biên bản tóm tắt đàm thoại Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu tiếp kiến Đại biện Mĩ James B.Pilcher”, ngày 14/9 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1183-1184.
[470] EOVS, p.123. Decree No 143, Vietnam Dossier II, p.27. “Tạp chí sử địa số 29”, tr. 288.
[471] SOPSI, p.43
[472] “Về sự việc quần đảo Trường Sa”, Điện Công sứ quán ở Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao, ngày 22/11 năm Dân Quốc 45 (1956), Việt công (45) phát tự số 1323, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1189-1190.
[473] “Nhân dân nhật báo”, ngày 30-5-1956, “Đại sự kí”, tr.7.
[474] Sưu tập hồ sơ của Bộ Ngoại giao, “Tàu Trung Quốc Quang Vũ Quang của Bộ Tư lệnh hải quân nhằm vào tình hình địch ở Nam Sa”, số hồ sơ 118 – ********-10 (vốn trích dẫn như vậy), ngày 18/6/1963, chuyển trích dẫn từ Trương Thiệu Đạc, “Nhận thức và chính sách của nước Trung Quốc mới đối với vấn đề Nam Hải”, Trương Dĩ Bình… biên soạn, “Thám vi lịch sử văn hóa khu vực Nam Hải”, Nxb Đại học Ký Nam, 2012, tr. 269-276.
[475] “Nhân dân nhật báo”, ngày 20/5/1950, “Đại sự kí”, tr.3.
[476] “Nhân dân nhật báo”, ngày 23/8/1951. Chỗ sai sót xem phần ở chương có liên quan trong “Lịch sử biển Đông bị bóp méo”, trong đó sai lầm của cái gọi là “năm 1883 Trung Quốc phản đối Đức đo vẽ Nam Sa” vẫn di họa đến nay.
[477] Trương Thiệu Đạc, “Nhận thức và chính sách của nước Trung Quốc mới đối với vấn đề Nam Hải”, Trương Dĩ Bình… biên soạn, “Thám vi lịch sử văn hóa khu vực Nam Hải”, Nxb Đại học Ký Nam, 2012, tr. 269-276.
[478] “Nghiên cứu cương vực”, tr.198. Xem thêm
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%B0%B8%E5%85%B4%E5%B2%9B
[479] Annex 37, SOPSI, p.242.
[480] FRUS, 1955-1957, Vol II, p.278.
[481] SFPIA, p.68.
[482] Memorandum, From Director, Politico-Military Policy Division to Chief of Naval Operation, Subject Paracel Islands, 11 June 1956.
[483] Memorandum, From Director, Politico-Military Policy Division to Chief of Naval Operation, Subject Paracel Islands, 11 June 1956.
[484] Ngày 30/1/1980, trong văn kiện của Bộ Ngoại giao “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa” viết: “Từ năm 1950 đến 1956 các ngành liên quan của Khu hành chính Hải Nam, tỉnh Quảng Đông liên tục phái nhân viên đến quần đảo Tây Sa điều tra thám trắc, vớt thuỷ sản, khai thác phân lân, xây dựng đài khí tượng và tiến hành quản lí ngư dân ở quần đảo Tây Sa”.
[485] Ngày 3/1/1960, trong văn kiện của Bộ Ngoại giao “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa” viết: “Từ năm 1950 đến 1956 nhiều ngư dân Trung Quốc ở huyện Quỳnh Hải tỉnh Quảng Đông liên tục đến quần đảo Nam Sa đánh cá”. Có thể thấy thời gian từ 1956 đến 1957 Trung Quốc cấm ngư dân đến Trường Sa đánh cá.
[486] Trần Nhược “Giấc mộng Hải Nam khi triều xuống triều lên”, “Địa lí quốc gia Trung Quốc”, số 2 năm 2013. Trong đó ghi chép việc năm 1983 một ngư dân Hải Nam lén đến Trường Sa bị tước giấy phép.
[487] http://history.people.com.cn/GB/205396/15179668.html
[488] “Tuyên bố của chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải”.
[489] FRUS, 1969-1972, Vol.XVII, p.873.
[490] “Sử liệu vị biên”, tr. 484-492.
[491] “Sử liệu vị biên”, tr. 543.
[492] Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa”, ngày 30/1/1960, Văn kiện đính kèm 4. Xem thêm “Nhân dân nhật báo” bản in số 5 ngày 8/9/1956.
[493] Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa”, ngày 30/1/1960, Văn kiện đính kèm 4. Xem thêm “Nhân dân nhật báo” bản in số 5 ngày 10-5-1965.
[494] FRUS, 1961-1963, Vol.I, p.233.“Sử liệu vị biên”, tr.544.
[495] FRUS, 1961-1963, Vol.XXII, p.168.
[496] FRUS, 1961-1963, Vol.XXII, p.178.
[497] SOPSI, p.44.
[498] Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa”, ngày 30/1/1960, Văn kiện đính kèm 5.
[499] Vietnam Dossier II, p.132.
[500] “Thư Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu trình Viện trưởng Viện Hành chính Du Hồng Quân”, ngày 29/2 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 647.
[501] “Thư về tình hình chính phủ Việt Nam khai thác quần đảo Tây Sa xin nghiên cứu tham khảo lí do”, ngày 9-11 năm Dân Quốc 48 (1959), Bộ Ngoại giao gửi Bộ Quốc phòng, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.697-698
[502] “Việt Nam đã thả ngư dân Trung Cộng bị bắt”, ngày 28/2 năm Dân Quốc 48 (1959), Đại sứ quán tại Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.673-674. “Việt Nam bắt 81 ngư dân Trung Cộng đánh cá ở quần đảo Tây Sa”, ngày 10/4 năm Dân Quốc 48 (1959), tr.687.
[503] “Trung Cộng lên án hải quân và Không quân Mĩ xâm phạm quần đảo Tây Sa”, ngày 1/8 năm Dân Quốc 48 (1959), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.690-691.
[504] Quyền Phó Trợ lí Ngoại trưởng Mĩ nhấn mạnh “Nhiệm vụ tuần tra của phía Mĩ tại eo biển và quần đảo Hoàng Sa vẫn đang tiếp tục như trước”.
[505] “Tờ trình vắn tắt của Vụ châu Á”, ngày 24/7 năm Dân Quốc 50 (1961), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 711-712.
[506] “Tuyển tập Việt Nam”, tr.174. Decree, No.174, Vietnam Dossier II, p.29.
[507] EOVS, p.124. Decree No.709-BNV-HCDP-26
[508] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 720.
[509] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 723.
[510] “Tạp chí sử địa”, số 29, tr.345. Tân Phong. “Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Quê hương, bộ III, số 27, tr.178-190.
[511] “Về việc tiến hành khai thác và di dân ở quần đảo Tây Sa”, ngày 12/12 năm Dân Quốc 60 (1971), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.737-739.
[512] Decision no.709-BNV/HCDP/26 of 1969/10/21, Vietnam Dossier II, p.29.
[513] “Sử liệu vị biên”, tr. 87.
[514] Xem“Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1061-1161.
[515] “Về việc Việt Nam kháng nghị ta khai thác quần đảo Nam Sa”, ngày 28/4 năm Dân Quốc 48 (1959), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1204.
[516] “Sau khi Bộ trưởng Hoàng Thiếu Cốc và Đại biện Việt Nam thảo luận vấn đề chủ quyền quần đảo Nam Sa, gửi tờ trình vắn tắt cho Viện trưởng Viện Hành chính Trần Thành”, ngày 29/4 năm Dân Quốc 48 (1959), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1205-1209.
[517] “Tuyển tập Việt Nam”, tr.174.
[518] “Về các điểm trả lời phía Việt Nam trong vụ quần đảo Nam Sa”, Bộ Ngoại giao điện Đại sứ quán tại Việt Nam, ngày 9/5 năm Dân Quốc 48 (1959), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1212-1213.
[519] Mật “Về vụ việc kế hoạch khai thác quần đảo Nam Sa”, Bộ Ngoại giao gửi thư cho Hội Phụ đạo và Bộ Quốc phòng, ngày 20/5 năm Dân Quốc 48 (1959), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1213-1214.
[520] “Trích nội dung chính tranh chấp giữa hai nước Trung-Việt (Pháp) về chủ quyền quần đảo Tây Sa, Nam Sa”, Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.741-743.
[521] “Về việc báo chí đưa tin Việt Nam phái tàu đến quần đảo Nam Sa”, Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán tại Việt Nam, ngày 27/5 năm Dân Quốc 52 (1963), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1235.
[522] “Tuyển tập Việt Nam”, tr. 94-95, tr. 139.
[523] Tháng 7/1973, phía Việt Nam đổ bộ lên đảo Nam Yết (Hồng Hưu) là lần cuối cùng của thứ trò này. “Sử liệu vị biên”, tr. 141.
[524] “Thư về nhân viên hai nước Việt Nam và Philippines xâm nhập phi pháp quần đảo Nam Sa xâm phạm ranh giới phá huỷ cột mốc xin nghiên cứu tham khảo lí do”, thư Bộ Nội chính gửi Bộ Ngoại giao, ngày 12/8 năm Dân Quốc 57 (1968), số 283-435 phông nội địa Đài Loan, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1288-1289.