Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 311): Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Tôi Bán Đường Tơ – Thẩm Oánh

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 311): Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Tôi Bán Đường Tơ – Thẩm Oánh

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

Tôi bán đường tơ – Nhạc và Lời: Thẩm Oánh

Ca sĩ trình bày: Vũ Khanh

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Thẩm Oánh – Người bán đường tơ

Nguyễn Thụy Kha

Cuộc đời Thẩm Oánh đã được chính ông viết ra trong ca khúc “Tôi bán đường tơ”: “Tôi bán đường tơ – Ca ca hát hát, điên điên rồ rồ – quên quên nhớ nhớ, mơ mơ hồ hồ – thương vay khóc mướn – khéo vui cợt đùa, khéo se tình hờ – rút tơ lòng ra, chiều nhân thế say ước mơ…”

Sau ngày 30-4-1975 một thời gian, học sinh một số trường trung học ở Sài Gòn được học ngoại ngữ của thầy giáo đã ở tuổi lục tuần tên là Thẩm Oánh. Nhiều học sinh, nhất là những học sinh từ miền Bắc vào, chỉ biết đó là thầy giáo Thẩm Oánh, ít ai biết rằng đó là một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam từng lừng lẫy tiếng tăm.

Xuất thân danh gia vọng tộc

Nhạc sĩ Thẩm Oánh sinh ngày 14-8-1916 tại Hà Nội. Tên khai sinh của ông là Thẩm Ngọc Oánh, xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc. Hiệu thuốc tây nhà họ Thẩm ở Cửa Nam đã tồn tại vững chãi từ lâu. Ngày toàn quốc kháng chiến, thuốc của cửa hiệu đã được các chiến sĩ bám trụ thủ đô sử dụng rất hữu hiệu. Trong căn nhà ấu thơ, Thẩm Oánh đã được học vỡ lòng từ một thầy đồ. Nhờ thầy mà ông biết chơi các loại đàn Đông phương, tạo nên ý niệm về thẩm mỹ âm nhạc. Sau khi học thầy đồ, Thẩm Oánh tiếp tục học âm nhạc qua một số sách tiếng Pháp, ở Viễn Đông Âm nhạc học và ở các trường trung học thời ấy. Năm 1938, Thẩm Oánh đã bắt đầu dạy nhạc và tham gia nhóm nhạc Myosotis cùng Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Nguyễn Thiện Tơ…

Tuy cùng trong nhóm nhạc, nhưng Thẩm Oánh có chủ trương âm nhạc khác Dương Thiệu Tước mặc dù người yêu ông (sau là vợ ông), bà Trần Anh Đào cũng vốn là một nhạc sĩ và là em họ Dương Thiệu Tước. Ông có chủ trương theo đạo “Trung dung”. Theo ông, những sáng tác tân nhạc phải theo ý nhạc Việt Nam và phải có những cảm xúc thuần túy Á Đông. Ông đã viết ra hàng loạt các tác phẩm như “Hồ xưa”, “Xuân về”, “Tiếng khóc trong phòng the”, “Khúc yêu đương”, “Trên mây”…

Sự nghiệp sáng tác đồ sộ

Thẩm Oánh có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ tới cỡ cả ngàn bài hát như “Vương tơ”, “Gió hoan ca”… và đặc biệt là “Vợ chồng Ngâu”, “Thiếu phụ Nam Xương” đầy âm hưởng ca trù, có khi nằm ở những rung động, có khi nằm ở những không gian khác biệt và có khi nằm ở những quan niệm thẩm mỹ. Ba nhạc kịch của ông là “Quán giang hồ”, “Bá Nha – Tử Kỳ”, “Đoàn kết là sức mạnh”. Ngay từ khi khai sinh tân nhạc, ngày 13-9-1938, bài hát “Khúc yêu đương” của ông đã được biểu diễn cùng bài hát của Dương Thiệu Tước tại rạp Olympia trước buổi chiếu phim do Hội Ánh sáng tổ chức. Một năm sau, ông có “Nhà Việt Nam”: “Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông… Bốn ngàn năm văn hiến…” ai ai cũng biết.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh. (Ảnh tư liệu)

Sau cuộc diễn thuyết về âm nhạc cải cách của Nguyễn Văn Tuyên tại Hội Trí Tri 1938, năm 1941, Thẩm Oánh cũng có cuộc diễn thuyết tại đây cùng đề tài này. Năm 1942, khi chùa Quán Sứ khánh thành, ông viết bài hát “A di đà phật”, sau đó, ông làm phó hội trưởng Hội Khuyến nhạc, chủ bút tờ bán nguyệt san “Khuyến nhạc”.

Tìm ra ca sĩ Thanh Hằng

Toàn quốc kháng chiến, Thẩm Oánh cùng Dương Thiệu Tước ở lại Hà Nội. Ông phụ trách văn nghệ Đài Pháp – Á và chủ bút bán nguyệt san “Việt Nhạc”, nhiều lần đăng đàn về tân nhạc Việt Nam tại các trường đại học và Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mùa hè 1953, ông tổ chức cuộc thi hát cho thanh niên Hà Nội ở Đài Pháp – Á. Ban giám khảo toàn các nhạc sĩ tên tuổi như Dương Thiệu Tước, Hùng Lân, Vũ Văn Tuyên… Cuộc thi đã trao giải nhất cho nữ thí sinh Thanh Hằng, giải nhì cho nam thí sinh Trần Ngọc, giải ba cho nam thí sinh Trần Hiếu… Thanh Hằng ngay lập tức đã lọt mắt xanh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và trở thành “người tình áo xanh” hát nhạc Đoàn Chuẩn hay nhất thời kỳ ấy. Sau giải phóng thủ đô, Thanh Hằng trở thành ca sĩ Lê Hằng nổi tiếng với những ca khúc “Trước ngày hội bắn” (hát với Trịnh Quý – tác giả ca khúc), “Lời anh vọng mãi ngàn năm”…

Trần Ngọc cũng như Thẩm Oánh di cư vào Nam và trở thành nhạc sĩ Tuấn Khanh với ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” nổi tiếng. Hai ca sĩ vẫn thân nhau cho đến sau này. Cuộc thi có câu chuyện vui sau sàn diễn Nhà hát Lớn là để bảo đảm cho người đẹp Thanh Hằng chắc chắn giải nhất, nhạc sĩ Tu My – tác giả “Tan tác” nổi tiếng đã chơi trò tinh nghịch làm lỏng chân cắm đèn điện tử của máy tăng âm khi Trần Ngọc hát, nên mặc dù hát rất tốt ở vòng ngoài, Trần Ngọc chỉ được giải nhì ở vòng trong do khi hát, micro bị rè. Khi gặp Trần Ngọc ở Đài Phát thanh Sài Gòn, Thẩm Oánh – lúc đó đã biết chuyện, rất đàng hoàng xin lỗi Trần Ngọc về quyết định ngày ấy. Cả thầy trò đều cười vì chuyện cũ đã qua rồi.

Rút tơ lòng ra chiều nhân thế

Ở Sài Gòn, Thẩm Oánh vừa làm hiệu trưởng Trường Âm nhạc – Kịch trường, vừa phụ trách văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong Hội nghị Âm nhạc Đông Nam Á, ông là ủy viên thuyết trình tại Manila, Philippines. Nữ diễn viên kịch Thẩm Thúy Hằng vốn tên thật là Nguyễn Thị Minh Phụng vì kính trọng ông đã lấy họ Thẩm của ông để tạo thành nghệ danh Thẩm Thúy Hằng.

Có thể nhận ra những đề tài chính trong ngàn bài hát của Thẩm Oánh. Đó là nhạc hùng ca, nhạc Phật giáo, nhạc tuổi thơ, nhạc tình cảm. Bài “Việt Nam cùng tiến” đã từng được dùng làm nhạc hiệu cho đài Pháp – Á ở Hà Nội và Sài Gòn. Rồi “Nhà Việt Nam”, “Trưng nữ vương”, “Chu Văn An hành khúc”… Bài “Xuân về” dùng ngũ cung (nhưng ngũ cung Trung hoa có biến cung) rất đặc sắc:

“Xuân về rồi muôn đóa hoa đào tươi. Cười trong nắng sáng tươi. Buông mành xuống tơ liễu soi hồ gương…”

Có thể là họ Thẩm của ông có gốc gác Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử chăng? Nhưng với bài hát đầu tay “Khúc yêu đương” thì lại thuần khiết, tự nhiên ngũ cung Việt: đồ – rê – fa – sol – la tuy ở hóa biểu vẫn ghi nốt si giáng như viết theo điệu thức fa trưởng hoặc rê thứ của thất cung, nhưng trong giai điệu không hề xuất hiện một nốt si giáng nào:

“Ngọn trào gió cuốn mang đến nơi đâu. Chiếc thuyền tình xa chìm nổi. Thuyền ơi hãy ghé vào bờ. Để tôi đỡ phải mong chờ. Mượn lái thuyền mà đi kiếm người mơ…”.

Cuộc đời Thẩm Oánh đã được chính ông viết ra ở “Tôi bán đường tơ”: “Tôi bán đường tơ – Ca ca hát hát, điên điên rồ rồ – quên quên nhớ nhớ, mơ mơ hồ hồ – thương vay khóc mướn – khéo vui cợt đùa, khéo se tình hờ – rút tơ lòng ra, chiều nhân thế say ước mơ…”.

(*) Xem Báo Người Lao Động số thứ bảy từ ngày 26-8

Hưởng đủ “Phúc – lộc – thọ – khang – sinh”

Ở lại Sài Gòn tới năm 1991, Thẩm Oánh sang định cư ở Mỹ. Nhưng với cách suy tư của ông, hẳn ông không thể quen nơi đất lạ và lòng vẫn nhớ nhung, vương vấn quê hương. Bởi thế, năm 1993, tại thủ đô Washington D.C, các học sinh của ông đã tổ chức đêm nhạc nhân 60 năm làm nghề cho ông và xuất bản tuyển tập “Nhớ nhung” vinh danh ông. Thẩm Oánh từ trần năm 1996, thọ 80 tuổi, cùng hưởng đủ “Phúc – lộc – thọ – khang – sinh” như Dương Thiệu Tước. Nhưng mang tâm sự “Thân tàn đất lạ chơi vơi – Nhìn lên chỉ thấy bầu trời là quen”.

(Nguồn: NLĐ)

Comments are closed.