Để những báu vật quay về

Trần Đức Anh Sơn

Lâu lắm rồi mới có một bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Cũng vì lâu lắm mới đăng, nên đã đăng thì bài phải dài cho “phỉ” sức. Tuy vậy, bài in trên số báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 2-2022 (1974), phát hành hôm nay ngày cũng chỉ bằng một nửa bài gốc dưới đây.

Ngày 11/12/2021 báo Ngày Nay đăng bài “Tượng Quan Âm độc nhất vô nhị Việt Nam sắp ‘hồi hương’ nhờ công nghệ số”, phản ánh việc “pho tượng” Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm, xuất xứ từ chùa Báo Ân ở Hà Nội, nhưng nay là tài sản của Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), sắp được “hồi hương” bằng phiên bản in 3D, và sẽ được trưng bày tại Tổ hợp Complex 01 (ở phố Tây Sơn, Hà Nội) trong 4 ngày, từ 14 đến 17/12/2021 để công chúng thưởng ngoạn.

Theo bài báo trên thì pho tượng Quán Thế Âm “nghìn mắt, nghìn tay” này được tạo tác từ thế kỷ XIX và thờ tự trong ngôi chùa to nhất miền Bắc lúc đó. Nhưng do chiến tranh nên chùa Báo Ân bị tàn phá, pho tượng được Gustave Dumoutier, thành viên của Académie Tonkinoise (Viện hàn lâm Bắc Kỳ) đưa về Pháp và tặng cho Bảo tàng Guimet vào năm 1889.

Pho tượng này từng bị nhận lầm là tượng của Trung Hoa và bị bỏ quên trong kho của bảo tàng. Đến năm 2014, mới được đưa ra trưng bày tại cuộc triển lãm “L’Envol du dragon – Art royal du Vietnam” (Rồng cất cánh – Nghệ thuật Cung đình Việt Nam) sau một quá trình thẩm định và phục chế rất công phu.

Cũng theo bài báo trên thì là pho tượng duy nhất tạo hình Quán Thế Âm “nghìn mắt nghìn tay” trong hình tướng đứng, khác với các tượng Quán Thế Âm “nghìn mắt nghìn tay” ở các chùa: Bút Tháp (Bắc Ninh), Mễ Sở (Hưng Yên), Đào Xuyên (Hà Nội)… đều là tượng ngồi; đồng thời đánh giá “pho tượng là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng” Việt Nam.

Vì không thể hồi hương bản gốc tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm (bởi pho tượng này là “tài sản” của một bảo tàng hàng đầu về nghệ thuật châu Á ở Paris), nên bài báo trên coi việc làm bản sao pho tượng bằng công nghệ in 3D và đưa bản sao này về Việt Nam để triển lãm là một thành công rất lớn, đáng được khen ngợi.

Tôi đồng ý với nhận định này của tác giả bài báo. Nhưng tôi lấy làm tiếc và buồn khi đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không tìm cách hồi hương bản gốc của pho tượng trên về nước, khi đã biết rõ gốc tích pho tượng, vốn là một di sản văn hóa của Việt Nam? Và liệu chúng ta có cơ hội hồi hương các cổ vật của Việt Nam đang ở lưu lạc ở nước ngoài hay không?

♣ CỔ VẬT VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2016, tôi đã nhiều lần đi du học, công tác và du lịch ở nước ngoài, nên có cơ hội viếng thăm nhiều bảo tàng và sưu tập cổ vật ở xứ người. Tôi nhận thấy có rất nhiều cổ vật Việt Nam đang được trưng bày, lưu giữ ở những nơi này. Qua tìm hiểu, tôi được biết cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo những con đường sau:

(1) Các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân, đế quốc từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ XIX – XX, đã cướp đoạt nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật của các triều đại phong kiến Việt Nam, chuyển về chính quốc (Box 1).

(2) Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính từng tham chiến ở nước ta đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước, coi đó là vật kỷ niệm một thời chinh chiến của họ ở Việt Nam.

(3) Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài đã mang theo nhiều cổ vật gia truyền. Vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) đã mang những món gia bảo ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin, New York… Những cổ vật này đã được các bảo tàng, các nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại.

(4) Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau, đã sưu tầm nhiều tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt Nam để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của họ.

(5) Nạn buôn bán cổ vật trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là trong các thập niên 1980 – 2000 (đến nay vẫn chưa chấm dứt).

Từ các con đường này, nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài đã sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam, trong đó nhiều nhất là cổ vật thời Nguyễn (1802 – 1945). Hậu quả là trong lúc các bảo tàng công lập, cũng như những nhà sưu tập cổ vật nổi danh ở Việt Nam hiếm có cơ hội để lưu giữ, trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật Việt Nam, nhất là các món vàng bạc châu báu, thì nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở ngoại quốc đang sở hữu những bảo vật này. Thậm chí, nhiều quốc bảo của Việt Nam đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật ở London, Paris, Berlin, New York…, hay được rao bán công khai trên các trang web thương mại như: eBay, Spink, Amazon…

Dưới đây là những gì tôi đã chứng kiến trong hành trình “theo dấu cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài” mà tôi đã âm thầm thực hiện từ thập niên 1990 đến nay:

* Gốm cổ Việt Nam ở Nhật Bản

Năm 1992, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, tổ chức triển lãm Betonamu no Toki (Gốm Việt Nam), giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam có niên đại từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII, được huy động từ 13 bảo tàng trên khắp Nhật Bản. Đây là cuộc triển lãm quy mô nhất về gốm cổ Việt Nam từ trước đến nay ở Nhật Bản.

Năm 1996, Bảo tàng Gốm sứ Kyushu mở cuộc triển lãm Sekai no sometsuke (Gốm sứ xanh trắng của thế giới), quy tụ 249 món gốm sứ thuộc dòng thanh họa của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Iran, Hà Lan và Đức. Trong đó, Việt Nam góp mặt 10 cổ vật thuộc 2 dòng gốm Chu Đậu và Bát Tràng. Đáng chú ý là tất cả những món đồ gốm đưa ra trưng bày trong triển lãm này đều là tài sản của các bảo tàng Nhật Bản.

Năm 1997, Nhật Bản phối hợp với Trung Quốc và Hàn Quốc, tổ chức cuộc triển lãm lưu động mang tên O sara (Những chiếc đĩa lớn), ở 3 thành phố: Osaka, Masuda và Tokyo, giới thiệu những chiếc đĩa làm bằng gốm có kích thước lớn. Ngoài những chiếc đĩa đến từ các bảo tàng của Trung Hoa và Hàn Quốc, còn có 3 đĩa gốm Chu Đậu góp mặt trong triển lãm này, đều thuộc sở hữu của Bảo tàng Machida.

Tháng 2/1998, tôi đến thăm Bảo tàng Machida nằm ở ngoại ô Tokyo. Tại đây, tôi gặp TS. Yajima, quản thủ kho gốm sứ, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Gốm Việt Nam thời Lê” ở Đại học Tokyo. Tôi được TS. Yajima hướng dẫn đi xem tất cả đồ gốm Việt Nam đang trưng bày và bảo quản ở đây. Theo lời TS. Yajima, phần lớn đồ gốm Việt Nam trong bảo tàng này là quà tặng của ông Yamada Yoshio, thương gia kiêm sưu tập gia. Yamada Yoshio từng qua kinh doanh ở các Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam từ trước Thế chiến II, và đã sưu tập nhiều món gốm sứ ở các nước này mang về Nhật Bản. Trước lúc qua đời, Yamada Yoshio đã hiến trọn bộ sưu tập này cho Bảo tàng Machida, thành phố quê hương của ông.

TS. Yajima cho biết thêm khoản 20 bảo tàng ở Nhật Bản có sưu tập đồ gốm Việt Nam, nhưng những món đồ gốm Việt Nam quý nhất tìm thấy ở Nhật Bản, phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu. Các bảo tàng này đang lưu giữa các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý – Trần, gốm hoa lam thời Lê (nhiều nhất là gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu), gốm thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn… Nhờ vào nguồn hiện vật của các bảo tàng này, Yajima đã hoàn thành luận án tiến sĩ về gốm Việt Nam thời Lê mà không cần phải đến Việt Nam nghiên cứu.

TS. Yajima viết thư giới thiệu tôi với các quản thủ ở Bảo tàng Gốm sứ Kyushu và Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka. Rời Tokyo, tôi tìm đến Kyushu và Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Việt Nam đang lưu trữ tại các bảo tàng này. Đó là những cổ vật tuyệt mỹ, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng. Cần lưu ý rằng vào thời điểm tôi đến thăm những bảo tàng trên, con tàu đắm Cù lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều như sau này. Vì thế, việc các bảo tàng ở Nhật Bản sở hữu những món đồ gốm Chu Đậu toàn bích từ dáng kiểu đến men màu là điều đáng khâm phục. Trong số đó, có những món đồ gốm quý hiếm, tôi chưa hề gặp ở trong nước, nhưng lại có dịp chiêm ngưỡng trong các bảo tàng ở Nhật Bản.

* Cổ vật Việt Nam ở Bỉ

Từ năm 2001 đến nay, tôi đã sang Bỉ nhiều lần, và thường xuyên viếng thăm các bảo tàng ở Brussels, Gent, Lière và Morlanwelz. Tôi thấy có rất nhiều cổ vật Việt Nam đang trưng bày, lưu giữ trong các bảo tàng ở những nơi này. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels và Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz là những nơi có nhiều cổ vật Việt Nam nhất.

Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia nơi có gần 3.000 cổ vật Việt Nam, có phòng trưng bày mang tên Nghệ thuật Việt Nam, trưng bày nhiều đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn… Sưu tập cổ vật Việt Nam quan trọng nhất ở bảo tàng này 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, được đánh giá là sưu tập trống đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại.

Phần lớn cổ vật Việt Nam hiện diện trong Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia đều có xuất xứ từ sưu tập của Clément Huet, một nhân vật lừng danh trong giới sưu tập, khảo cổ và bảo tàng ở châu Âu trong những năm 1910 – 1940 (Box 2).

Ngoài sưu tập trống đồng, phòng trưng bày Nghệ thuật Việt Nam ở bảo tàng này còn có 12 tủ cổ vật Việt Nam, gồm: cổ vật thời tiền sơ sử, đồ đồng Đông Sơn và Sa Huỳnh, cổ vật trong các mộ Hán khai quật ở Thanh Hóa và Hải Phòng, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý – Trần, gốm hoa lam thời Lê, sưu tập chân đèn và lư hương thời Mạc, đồ gốm và đồ đồng Champa, tượng đá Champa, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn… Trong số đó, có những cổ vật Đông Sơn “khét tiếng” như: chiếc dao găm có chuôi đúc hình vũ nữ; chiếc trống đồng minh khí tùy táng theo người chết và một tổ hợp trang trí gồm hình người và động vật cách điệu, được coi là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Di sản đồ gốm có sự góp mặt của bộ đĩa gốm men ngọc thời Lý, hũ gốm hoa nâu thời Trần và những chân đèn và lư hương thời Mạc, đều xứng đáng liệt hạng “trân ngoạn”. Ngoài ra, còn có pho tượng Phật bằng đồng, niên đại vào thế kỷ IX, do Clément Huet sưu tập ở Thanh Hóa, là trân bảo của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam trước thời tự chủ. Trong nhóm cổ vật Champa, ngoài những tượng Vinus, Apsara, vũ nữ… bằng đá có nguồn gốc từ Trà Kiệu và Mỹ Sơn, còn có chiếc bình tế bằng đồng, cũng được giới khảo cứu và sưu tầm cổ vật Champa tôn xưng là báu vật.

Địa chỉ thứ hai ở Bỉ có nhiều cổ vật Việt Nam là Bảo tàng Hoàng gia Mariemont. Sưu tập cổ vật Việt Nam ở đây có khoảng 150 hiện vật, được sưu tầm muộn hơn so với Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Brussels, nhưng lại có nhiều cổ vật đặc sắc và giá trị. Bảo tàng Hoàng gia Mariemont cũng mua được vài chục món từ sưu tập của Clément Huet vào năm 1952. Trong những năm 1990, các quản thủ của bảo tàng này thường xuyên có mặt trong các cuộc bán đấu giá cổ vật Việt Nam thuộc các sưu tập: Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long… do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức ở Paris, để mua thêm cổ vật Việt Nam cho bảo tàng này. Đáng chú ý là sưu tập trống đồng, bình đồng, thạp đồng, rìu lưỡi xéo và vòng tay của văn hóa Đông Sơn; đồ gốm tùy táng trong các mộ Hán ở Bắc Bộ; gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý – Trần; gốm hoa lam thời Lê mua từ cuộc bán đấu giá con tàu đắm ở Cù lao Chàm và đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh – Nguyễn. Sưu tập cổ vật Champa ở đây cũng góp mặt nhiều pho tượng quý, thuộc các giai đoạn Mỹ Sơn, Đồng Dương và Trà Kiệu.

Cổ vật Việt Nam ở Đức

Tháng 7/2004, tôi được Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cấp học bổng sang Đức “học nghề” bảo tàng và triển khai nghiên cứu Cổ vật Việt Nam ở Đức trong 3 tháng. Nhờ vậy mà tôi có dịp tiếp cận nhiều cổ vật Việt Nam hiện hữu ở Đức. Trong số đó có những món là trân bảo của nghệ thuật chế tác gốm sứ Việt Nam:

Bảo tàng Nghệ thuật Dresden hiện lưu giữ 2 bảo vật: 1 chiếc đĩa lớn và 1 cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê. Chiếc đĩa có đường kính 32 cm, tình trạng hoàn hảo. Lòng đĩa vẽ hoa cúc và 2 dải hồi văn hoa lá bao quanh. Đáy đĩa tô men màu chocolate, một đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thời Lý – Trần – Lê. Chiếc ang thực sự là một vưu vật. Ang cao 28 cm, đường kính thân 35 cm, thành ngoài chia ô trang trí các đồ án hoa cúc và hoa mẫu đơn, cùng các dải hồi văn đầu cánh hoa. Kỹ thuật tạo dáng, chất liệu thai cốt và màu men của chiếc đĩa và chiếc ang này rất tuyệt hảo. Các họa tiết được vẽ với bút pháp tinh xảo, chứng tỏ chúng được làm ra bởi một tay nghề điêu luyện vào lúc thịnh thời của kỹ nghệ chế tác gốm hoa lam thời Lê. So sánh với nhiều đồ gốm được giới thiệu trong cuốn sách Cổ vật Việt Nam do Bộ VHTT Việt Nam xuất bản năm 2003, tôi cho rằng hai cổ vật này xứng đáng được xếp vào “chiếu trên”, thuộc nhóm hàng “độc” của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê.

Bảo tàng Dân tộc học München cũng là nơi sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam. Không kể những cổ vật Việt Nam đang trưng bày trong gian Nghệ thuật Đông Á ở tầng 2, trong kho của bảo tàng này còn có nhiều chiếc mai bình (meiping) men trắng và đĩa gốm men ngọc thời Lý; vài chiếc thố hoa nâu thời Trần; nhiều thạp, hũ hoa lam thời Lê và 1 chân đèn thời Mạc. Cổ vật Việt Nam quý nhất ở đây là chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40 cm, trang trí đồ án chim phượng và mây.

Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin có trưng bày 2 cổ vật Champa rất đặc biệt: 1 kosa-linga bằng vàng và 1 bức tượng Siva bằng đồng. Một người có trách nhiệm ở bảo tàng này cho biết bảo tàng đã mua kosa-linga này trong một phiên đấu giá ở London. Ngoài kosa-linga ở Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin, tôi còn thấy có 3 kosa-linga khác đang được Nhà đấu giá Spink (Đức) rao bán vào tháng 12/2003.

Bảo tàng Dân tộc học Linden Stuttgart cũng là một trong những bảo tàng ở Đức có nhiều đồ Champa quý hiếm. Nơi đây có khoảng 10 tượng bằng đá, đồng cùng hàng chục món đồ gốm Champa đang trưng bày trong phòng Mỹ thuật Đông Nam Á và lưu giữ trong kho. Đáng chú ý là 4 hiện vật: đầu tượng Siva (thế kỷ X – XI); tượng bán thân Avalokitecvara phát hiện ở Mỹ Đức, Quảng Nam (thế kỷ IX – X); đầu tượng Avalokitecvara (thế kỷ VII – VIII) và đầu tượng Prajnaparamita ở Đồng Dương, Quảng Nam (thế kỷ IX). Đặc biệt, Bảo tàng này đang sở hữu pho tượng Avalokitesvara Padmapani bằng đồng (thế kỷ VII – VIII), cao 31 cm, thuộc vào hàng quý hiếm bậc nhất trong số những cổ vật Champa lưu lạc ở nước ngoài.

Gallery đồ cổ Asiatica Georg L. Hartle ở trung tâm thành phố München mà tôi có dịp ghé qua, cũng bày bán hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu trục vớt từ con tàu đắm Cù lao Chàm, với giá rao bán từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro. Nơi đây còn bày bán 1 sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn khoảng mươi món, rất hoàn hảo; 1 trống đồng Đông Sơn được đề giá 6.400 euro; 1 cặp độc bình pháp lam Huế ghi giá 7.900 euro… Tôi hỏi Mathias Spanaus, người phụ trách gallery: “Tất cả những cổ vật được bày bán trong gallery này đều có nguồn gốc hợp pháp?”. Ông ấy đáp: “Các cổ vật này có thể có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến châu Âu. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery, hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở thành hợp pháp”.

* Cổ vật Việt Nam ở Pháp

Tôi sang Pháp vào tháng 10/2004, tìm đến Bảo tàng Guimet ở Paris để viếng thăm sưu tập cổ vật Champa lừng danh ở đây. Bảo tàng này hiện có hơn 100 cổ vật Champa, trong đó có 3 hiện vật xứng đáng liệt hạng quốc bảo: tượng thần Siva ngự trên tòa sen làm bằng sa thạch (thế kỷ XI – XII), nguyên thủy được thờ trong tháp Bánh Ít ở Bình Định; tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda (thế kỷ VIII – IX) làm bằng sa thạch, có lớp tô màu đỏ phủ bên ngoài, là pho tượng Champa duy nhất có tô màu được biết đến từ trước đến nay; linga bằng bạc có gắn kosa bằng vàng (thế kỷ VIII), vốn là niềm khao khát của bất kỳ nhà sưu tập mỹ thuật Champa nào. Hiện nay, chỉ có 7 kosa được nhận diện trong các bảo tàng và sưu tập trên khắp thế giới, trong đó Bảo tàng Guimet đang sở hữu 2 kosa. Một trong 2 kosa ấy là cổ vật cực kỳ hoàn hảo: linga làm bằng bạc, cao 26,5 cm, gắn với kosa bằng vàng mang khuôn mặt của Siva với con mắt thứ 3 ở giữa trán.

Bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) thuộc Điện Phế binh quốc gia (Hôtel National des Invalides) ở Paris đang trưng bày thanh Thái A kiếm. Theo nhà nghiên cứu Dominique Rolland, đây là bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại Nội Huế nhưng đã bị người Pháp cướp đi sau vụ “Thất thủ Kinh đô” vào tháng 7/1885.

Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (vùng Bretagne) cũng là nơi có nhiều cổ vật Việt Nam. Trong số đó có sưu tập pháp lam của hai triều Minh Mạng (1820 – 1841) và Thiệu Trị (1841 – 1847). Đó là những quả hộp, chậu kiểng và các bộ đồ uống trà ở trong hoàng cung Huế trước đây. Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (Trung Kỳ). Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 món pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Rennes lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. TS. Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê-dương (légion) quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng, trong đó có những món đồ này”.

Ngoài những cổ vật Việt Nam mà tôi thấy tận mắt ở những nơi nêu trên, tôi còn thu thập thông tin về những cổ vật Việt Nam đang thuộc sở hữu các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở nhiều nơi trên thế giới từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Trong số đó, có những bảo vật đã từng được rao bán trong các phiên đấu giá ở Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ…, như: chiếc quán tẩy bằng vàng, vốn là đồ thờ tự tại miếu thờ các vua nhà Nguyễn trong Đại Nội Huế, đã bị cướp đoạt sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7.1885, đến năm 1926 thì được bán lại cho ông Ralph Marty ở Anh, nhưng đến năm 2008 thì nhà buôn đồ cổ Roger Keverne (ở London) mang ra đấu giá; sách phong bằng vàng do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa Nguyễn Phúc Lan (1601 – 1648) là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu, và sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ Lương tần lên Lương phi vào năm 1846, được hãng Sotheby’s đưa ra đấu giá vào ngày 16.12.2010; cành vàng lá ngọc chưng trong chậu pháp lam được một nhà sưu tầm cổ vật ở Hoa Kỳ rao bán với giá 30.000 USD trên eBay…

♣ GIAN NAN “HỒI HƯƠNG CỔ VẬT”

Là một người từng công tác nhiều năm trong ngành bảo tồn – bảo tàng ở Huế, tôi rất quan tâm đến việc “hồi hương” cổ vật Việt Nam nói chung, cổ vật triều Nguyễn nói riêng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là một nhiệm vụ gian nan, vì các lý do sau: [1] Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài; [2] Có quá ít thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể các cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá; [3] Chưa có chính sách thích hợp để “hồi hương cổ vật”. Vì thế, rất khó để hồi hương những di sản văn hóa Việt Nam bị tước đoạt về lại nước nhà. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng sinh động:

Ngày 6/12/1988, nhà đấu giá Hotel Drouot ở Paris tổ chức đấu giá 288 món đồ cổ của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do 1 nhà sưu tập giấu tên, được đặt bí danh là “Monsieur X.” ủy thác. Thông tin về cuộc đấu giá này đã được in trên một catalogue phát hành trước phiên đấu giá 3 tháng. Cựu hoàng Bảo Đại, bấy giờ đang sống ở Paris, tình cờ biết đến cuộc đấu giá này. Ông nhận thấy trong các món cổ vật Việt Nam mang ra đấu giá lần đó có rất nhiều cổ vật thuộc hoàng cung triều Nguyễn ở Huế trước đây. Đó là những đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; các món đồ ngự dụng bằng ngà và bạc ở trong hoàng cung Huế; đặc biệt là một chiếc bàn trà mặt làm bằng sứ, khung bằng gỗ sơn son thếp vàng và một bộ đầu hồ bằng gỗ, vốn là di vật của vua Tự Đức.

Vua Bảo Đại liền đâm đơn lên một tòa án dân sự ở Paris, cho rằng đây là những bảo vật của nhà Nguyễn đã bị đánh cắp, vì thế, phải ngưng cuộc đấu giá và hoàn trả những cổ vật này cho Việt Nam. Tuy nhiên, đơn kiện của Cựu hoàng Bảo Đại bị tòa án bác bỏ, vì Cựu hoàng không có tư cách đại diện cho Việt Nam trong vụ kiện này. Cựu hoàng Bảo Đại liền liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để nhờ can thiệp. Sau đó Đại sứ quán Việt Nam đã có công văn gửi về các bộ, ngành liên quan ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế yêu cầu cung cấp thông tin về các hiện vật này để làm cơ sở pháp lý theo đuổi vụ kiện.

Nhận được yêu cầu trên, UBND thành phố Huế đã thành lập một hội đồng do Chủ tịch UBND thành phố Huế đứng đầu, với sự tham gia của nhiều chuyên viên trong lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu lịch sử ở Huế để xem xét vụ việc. Hội đồng đã mời hai cụ Bửu Hàn và Ưng Tương, từng là quản thủ Viện Bảo tàng Huế (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện nay) trong giai đoạn 1958 – 1979, để tham vấn và nhờ họ cung cấp thông tin về hiện vật để lập hồ sơ gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Lúc này, tại Paris, luật sư Việt kiều Đào Văn Thụy thừa ủy quyền của Đại sứ quán Việt Nam tạp Pháp, tiền hành thủ tục thưa kiện.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi theo luật của Pháp, bất kỳ của cải bất minh nào mà không có ai tranh chấp, thưa kiện, thì sau 30 năm sẽ mặc nhiên thuộc quyền sở hữu của người đang giữ của cải đó. Cổ vật, tác phẩm văn hóa, mỹ thuật cũng vậy. Vì thế, cho dù Đại sứ quán Việt Nam có chứng minh được những cổ vật trên thuộc về triều Nguyễn ở Việt Nam, nhưng do trong 30 năm qua không có ai đả động gì về quyền sở hữu những hiện vật này, thì chúng đương nhiên thuộc về “Monsier X.”, và ông ấy có quyền đưa ra bán đấu giá.

Tuy vật, do phía Việt Nam trưng ra những bằng chứng xác thực về nguồn gốc chiếc bàn trà và bộ đầu hồ của vua Tự Đức, nên tòa án đã cho phép đương sự có 1 thỏa thuận. Đó là “Monsier X.” trả lại hai cổ vật trên cho Việt Nam, còn mấy chục món đồ sứ ký kiểu, đồ ngà, đồ bạc ngự dụng của triều Nguyễn thì ông ta được quyền bán đấu giá.

Vụ kiện trên cho thấy, việc đòi lại cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài là rất cam go, do pháp luật của các nước này có những điều khoản để bảo vệ những tài sản văn hóa của quốc gia khác, đã bị cướp bóc và mang về chính quốc trong thời kỳ thực dân. Điều này gây bức xúc cho các quốc gia có di sản văn hóa bị tước đoạt và bị xâm hại.

Tại hội nghị Bảo vệ di sản văn hóa trong trường hợp có xung đột vũ trang do Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và UNESCO đồng tổ chức ở Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 12/2004, mà tôi là một thành viên của đoàn Việt Nam sang tham dự, Samdech Norodom Ranariddh, Chủ tịch Quốc hội vương quốc Campuchia, đã có bài phát biểu rất gay gắt khi nói về tình trạng di sản văn hóa của các nước thuộc địa bị các nước thực dân đánh cắp. Ông nói: “Hiện nay, di sản văn hóa của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, không chỉ trong trường hợp có xung đột vũ trang, mà ngay trong thời bình. Nhiều cổ vật của Campuchia, và của nhiều nước châu Á khác, đang được trưng bày trong các bảo tàng sang trọng ở London, Paris, New York… Nếu có một đạo luật quốc tế nào đó cho phép hồi hương tất cả những cổ vật này trở về tổ quốc của chúng, tôi e rằng những bảo tàng sang trọng đó sẽ trở nên trống rỗng”. Đó là một thực tế đáng buồn, vì vào thời điểm Samdech Norodom Ranariddh phát biểu như trên, thì luật lệ ở các quốc gia “thực dân” chưa có dòng nào nói về việc hoàn trả di sản văn hóa cho các nước từng bị họ xâm chiếm, nô dịch.

Câu chuyện được giới thiệu trong Bảo tàng Thực hành Frankfurt (Đức) là một ví dụ: Tại phòng trưng bày của bảo tàng có trưng bày một đầu tượng Phật bằng đồng của Trung Hoa. Bên cạnh tượng Phật là tấm biển thuyết minh ghi bằng tiếng Anh, có tiêu đề Why she cried… (Vì sao cô ấy khóc…), ghi lại lời kể của vị giám đốc bảo tàng này (tạm dịch): “Tôi thường viếng thăm bảo tàng cùng với du khách. Lần này, khách của tôi là Cheng, một cô gái Trung Hoa. Chúng tôi dừng chân trước tượng Phật. Một khối điêu khắc trầm tư, sâu lắng, hiện hữu đơn độc trên chiếc bệ trắng toát. Cheng bắt đầu khóc. Tôi nghĩ, có lẽ, cô ấy khóc do bất ngờ bắt gặp một kiệt tác Trung Hoa trong một bảo tàng ngoại quốc. Tôi đã sai. Cheng đã nhìn thấy những gì tôi không thấy được: đầu tượng Phật này đã bị những lát cắt tàn bạo lấy khỏi một ngôi chùa cổ; bị đâm xuyên bởi một chiếc cọc để trưng bày ở một nơi xa xứ.

Tấm biển cũng cho biết thêm về xuất xứ của tượng Phật này: Đầu thế kỷ XX, một nhà ngoại giao người Đức đến Trung Hoa công cán. Ông ta sống nhiều năm ở Bắc Kinh, nơi đang bị “chia năm sẻ bảy” bởi những nhượng địa của các nước phương Tây và Nhật Bản. Cũng như nhiều kẻ thực dân khác, nhà ngoại giao người Đức này bị mê hoặc bởi văn hóa và cổ vật Trung Hoa. Ông đã cất công sưu tầm nhiều cổ vật gồm tượng đồng, đồ gốm và đồ sơn mài. Khi mãn nhiệm, những cổ vật Trung Hoa ấy đã theo nhà ngoại giao lên tàu về Đức, trong đó có đầu tượng Phật này. Để rồi, bằng một con đường nào đó, có thể là mua bán, chuyển nhượng hay được hiến tặng, đầu tượng Phật này đã xuất hiện trong phòng trưng bày của Bảo tàng Thực hành Frankfurt. Bao nhiêu du khách đã đến đây để chiêm ngưỡng kiệt tác điêu khắc ấy nhưng không ai trong số họ hiểu được nét ưu tư hiển hiện trên nét mặt của tượng Phật. Cho đến một ngày, có một cô gái Trung Hoa đã rơi lệ vì cái đầu tượng tưởng như vô tri, vô giác ấy.

♣ NHỮNG TIA HY VỌNG

Trước sự đấu tranh kiên trì của các nước có di sản văn hóa bị cướp bóc trong thời kỳ thuộc địa, bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép, các quốc gia [từng là thực dân] ở châu Âu đã dần dần thay đổi quan điểm đối với các di sản văn hóa của nước khác đang “lưu lạc” trên đất nước của họ. Nhiều chính khách có quan điểm tiến bộ ở các nước phát triển đã vận động quốc hội và chính phủ nước họ thay đổi luật lệ, tạo các hành lang pháp lý để hoàn trả cổ vật cho “các nước bị đánh cắp di sản văn hóa”.

Không chỉ các nước có cổ vật bị tước đoạt bất bình, mà chính những quan chức của chính quyền thực dân trước đây (Box 3), hay những trí thức cấp tiến của các nước phát triển hiện nay cũng phẫn nộ trước việc chính phủ của họ hoặc đồng lõa, hoặc im lặng trước thực trạng trên. (Box 4)

Áp lực toàn cầu đã đè nặng lên các bảo tàng và phòng trưng bày ở châu Âu trong việc trả lại các cổ vật về cội nguồn của chúng diễn ra trong nhiều thập kỷ, đã tác động đến thái độ và chính sách của các nước cựu thực dân. Nhờ vậy, các nước này đã có những động thái đầu tiên trong “lộ trình hoàn trả di sản văn hóa” cho các nước bị đánh cắp:

Từ năm 1977, đã có những vụ dàn xếp để hoàn trả cổ vật về bổn quán giữa Bỉ và Zaire (nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo) và giữa Hà Lan và Indonesia [nguồn: https://www.washingtonpost.com/…/the-controversial-mask…];

Năm 2005, Ý trả lại cho Ethiopia hiện vật 1.700 năm tuổi, vốn đã bị quân đội của Benito Mussolini lấy đi vào năm 1937. Năm 2018, Na Uy đã đồng ý trao lại các vật phẩm lấy từ Đảo Phục sinh của Chile bởi nhà thám hiểm Thor Heyerdahl [nguồn: https://www.abdn.ac.uk/news/15479/];

Năm 2017, trong khi công du Burkina Faso, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: “Di sản của châu Phi không thể bị giam cầm trong các bảo tàng châu Âu thêm nữa”. Đến tháng 11/2018, Chính phủ Pháp đã trả lại cho Benin 26 tác phẩm nghệ thuật thuộc vương quốc Dahomey (Benin ngày nay) sau khi nhận một bản báo cáo do nhà sử học nghệ thuật người Pháp là Bénédicte Savoy và nhà kinh tế học người Senegal Felwine Sarr trình lên, khuyến nghị các bảo tàng ở Pháp nên trả lại các cổ vật của châu Phi đã bị nước Pháp tước đoạt trong thời kỳ thực dân. Tháng 12/2020, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu nhất trí thông qua đạo luật trả lại những hiện vật thời thuộc địa cho Benin và Senegal [nguồn: https://www.dw.com/…/france-hands-back-looted-artifacts…];

Hà Lan tuyên bố trao trả không điều kiện các cổ vật bị đánh cắp từ các thuộc địa cũ của nước này. Chính phủ Hà Lan đã chi 4,5 triệu euro để rà soát các cổ vật trong các bộ sưu tập quốc gia và lọc ra các cổ vật từng bị đánh cắp để trả lại cho các thuộc địa. Tháng 1/2020, Hà Lan hồi hương 1.500 cổ vật cho Indonesia, một thuộc địa cũ của Hà Lan, sau khi Bảo tàng Nusantara ở Delft (Hà Lan) đóng cửa [nguồn: https://www.abdn.ac.uk/news/15479/]. Hà Lan là quốc gia dẫn đầu châu Âu trong nỗ lực vận động trả lại các cổ vật bị đánh cắp từ các nước thuộc địa, đang hiện diện trong các bảo tàng công lập và trong các sưu tập tư nhân ở nước này [nguồn: https://www.theartnewspaper.com/…/netherlands-takes…].

Sau một cuộc vận động ráo riết, ngày 29/4/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Monika Grütters và lãnh đạo 25 bảo tàng hàng đầu ở nước này, nơi đang sở hữu những cổ vật của Hoàng gia Benin (thuộc Liên bang Nigeria), đã bị quân đội Anh cướp phá vào năm 1897, và được các tay buôn đồ cổ người Anh mua và bán lại cho các bảo tàng ở Đức, đã ký vào bản Tuyên bố chung cam kết hoàn trả hàng trăm cổ vật Benin bằng đồng và ngà voi cho Nigeria. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi muốn đóng góp vào sự hiểu biết và sự hòa giải với hậu duệ của dân tộc có những kho báu văn hóa từng bị cướp trong thời thuộc địa”. Đức sẽ bàn giao những cổ vật đầu tiên cho Nigeria vào năm 2022 [nguồn: https://www.theartnewspaper.com/…/german-culture…];

Ngày 27/10/2021 Đại học Aberdeen ở Anh đã bàn giao toàn bộ những cổ vật bằng đồng quý hiếm của Hoàng gia Benin, mà đại học này đã mua được trong một cuộc đấu giá vào năm 1957 cho Bảo tàng Quốc gia Lagos (Nigeria), sau khi có yêu cầu chính thức của Chính phủ Liên bang Nigeria và phán quyết của một Tòa án Đại học ở Anh vào tháng 3/2021 [nguồn: https://www.abdn.ac.uk/news/15479/].

Những sự kiện trên chính là tín hiệu tốt lành cho các quốc gia có cổ vật bị đánh cắp trong thời kỳ thuộc địa, hay bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép khởi động những chiến dịch “hồi hương cổ vật” về lại quê hương bản quán, trong đó có cổ vật Việt Nam.

♣ LÀM GÌ ĐỂ HỒI HƯƠNG CỔ VẬT?

Theo tôi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam nên nhanh chóng thành lập các tổ công tác, gồm những nhà sử học, các chuyên gia về bảo tàng, các nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành ra soát trong các tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở Việt Nam, các kho lưu trữ tài liệu từ thời kỳ Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng có cổ vật nói riêng, di sản văn hóa nói chung, bị mất cắp trước đây, để lập danh sách những di sản văn hóa Việt Nam bị mất cắp, thất thoát. Sau đó, cử các chuyên gia đến các bảo tàng ở nước ngoài, nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. Đó là những chứng cứ trình lên Chính phủ Việt Nam, yêu cầu Chính phủ Việt Nam liên hệ với chính phủ các nước liên quan để kêu gọi, vận động các chính phủ đó ban hành những chính sách, văn bản pháp lý nhằm yêu cầu các bảo tàng, các sưu tập tư nhân ở những nước này hoàn trả các cổ vật, di sản văn hóa của Việt Nam mà họ đang sở hữu.

Đối với các cổ vật đang được rao bán trên thị trường cổ vật, nhà nước Việt Nam cần ban hành những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập mua lại những cổ vật này chuyển về nước.

Theo tìm hiểu của tôi, trong các văn bản pháp lý hiện hành ở Việt Nam liên quan đến hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, chưa có điều khoản cụ thể nào cho phép các tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc cho phép thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Vì thế khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang rao bán ở nước ngoài, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép tham gia đấu giá.

Mặt khác, các bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam rất hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về các sưu tập cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể cả các phiên đấu giá công khai, hay thông tin rao bán cổ vật ở trên internet.

Trong khi đó, các bảo tàng ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thường tiếp nhận thông tin đấu giá cổ vật do các hãng đấu giá cung cấp từ 3 đến 6 tháng trước khi diễn ra phiên đấu giá. Nhờ vậy họ có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về những cổ vật được rao bán để quyết định tham gia đấu giá hay không, cũng như có đủ thời gian huy động tài chính để mua những cổ vật mà họ quan tâm. Các bảo tàng này còn cử chuyên gia thường xuyên đi “săn lùng” cổ vật Việt Nam ở các cửa hiệu đồ cổ và sưu tập tư nhân. Nhờ vậy mà nhiều bảo tàng ở nước ngoài mới có được những cổ vật quý hiếm của Việt Nam.

Giá cổ vật in trên các catalogue trước khi đấu giá chính thức chỉ là giá dự kiến (estimate), thường cách biệt rất xa so với giá bán sau cùng (hammed price). Ngoài số tiền trả theo hammed price, người mua phải trả thêm lệ phí cho nhà đấu giá (thường từ 10 % đến 15 % giá bán món đồ), cùng tiền thuế giá trị gia tăng, tiền đóng gói và vận chuyển cổ vật từ nơi đấu giá đến địa chỉ của người mua (tổng chi phí các khoản này xấp xỉ 25 % so với giá bán sau cùng). Đây là một thách thức lớn cho những bảo tàng công lập ở Việt Nam khi muốn mua cổ vật đấu giá ở nước ngoài. Bởi lẽ không ai biết trước cổ vật sẽ được đấu giá bao nhiêu để đề xuất nhà nước cấp kinh phí mua những cổ vật này. Sự thất bại trong việc đấu giá bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ.

Ngoài ra, những thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập cần phải tuân thủ khi mua cổ vật cũng là một trở ngại đáng kể. Một bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật nào đó ở trong nước, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép, thì phải thành lập một hội đồng xét duyệt (gồm đại diện bảo tàng, các nhà chuyên môn, đại diện ngành tài chính, công an…) để thảo luận xem có cần thiết mua hay không; thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật (và cả lai lịch của người bán hiện vật); đàm phán về mức giá do người bán đề xuất và đưa ra giá mua mà hội đồng cho là thích hợp… Đây cũng là nguyên nhân khiến việc mua cổ vật cho bảo tàng gặp nhiều trở ngại, bởi nhiều thành viên hội đồng không thực sự am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật nhưng lại có những can thiệp quá sâu và không cần thiết trong việc mua cổ vật.

Trong khi đó, tại các bảo tàng nước ngoài, việc mua cổ vật hoàn toàn do các nhà chuyên môn của bảo tàng quyết định. Lãnh đạo bảo tàng chỉ chuẩn y và cấp kinh phí để mua, không can thiệp vào việc giám định giá trị (khoa học, lịch sử, kinh tế…) của cổ vật. Các chuyên gia sẽ bị mất uy tín chuyên môn (thậm chí mất việc) nếu mua phải cổ vật giả, và phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ bị phát hiện đã thông đồng với người bán để mua cổ vật với giá cao nhằm hưởng tiền hoa hồng từ người bán. Nhờ vậy, mà các bảo tàng này đã chủ động trong việc mua, nhận chuyển nhượng và trao đổi cổ vật từ các nhà sưu tập, các hãng đấu giá và từ các bảo tàng khác.

Từ thực tế trên, theo tôi, để không phải “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài và để có thể hồi hương những cổ vật ấy, nhà nước Việt Nam cần có những chính sách hợp lý và thông thoáng. Cụ thể:

– Cần ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài;

– Cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được Nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi một hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng. Cần tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như: Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction, Loudmer, Spink… tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật phẩm ở Việt Nam;

– Các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia chuyên sưu tầm thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài để sớm có được những thông tin cần thiết. Từ đó, bảo tàng mới có thể lập kế hoạch và đề xuất các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí mua những cổ vật này;

– Sau cùng, nhà nước cần có những chính sách thích hợp để khuyến khích “hồi hương” cổ vật (không chỉ cổ vật Việt Nam) từ nước ngoài như cách làm của các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. (Box 5)

Tôi được biết nhiều Việt kiều hiện đang sở hữu những sưu tập cổ vật Việt Nam rất có giá trị. Họ muốn “hồi hương” những cổ vật này nhưng còn e ngại vì không biết rõ chính sách của nhà nước Việt Nam đối với những cổ vật “hồi hương” này.

Làm được những việc trên, thì chúng ta mới có cơ may “hồi hương” những cổ vật thật sự, chứ không chỉ hồi hương bản sao cổ vật bằng công nghệ in 3D như trường hợp của pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm trên đây.

Box 1:

Sau vụ “Thất thủ kinh đô” ngày 5/7/1885, quân Pháp do tướng Prudhomme chỉ huy đã tràn vào hoàng cung Huế, cướp bóc các bảo vật của vương triều Nguyễn trong gần 3 tuần lễ.

Trong một điện tín do Thống tướng De Courcy gửi từ tòa Khâm sứ Pháp ở Huế gửi về cho Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris vào ngày 24.7.1885, có viết: “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim thư giá đáng bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.

Một chứng nhân bấy giờ là Linh mục Pène – Siefert đã kể lại rằng: “Họ [người Việt Nam] khiến cho quý vị hết sức lúng túng khi có sẵn trong tay bảng tổng kê tài sản trước ngày 5 tháng 7. Họ nói rằng người Pháp đã lấy trong trại Cấm vệ quân 113 lạng vàng, 742 lạng bạc, 2.627 quan tiền; tại cung bà Thái hậu Từ Dũ (sinh ra vua Tự Đức) 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng, 1.258 nén bạc, 3.416 lạng vàng; tại các tôn miếu thờ các đức vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, chứa đầy vật phẩm riêng của các tiên đế dùng lúc sinh thời, hầu hết những thứ có thể tiện mang đi như: mũ miện, đai áo, thảm, đệm, triều phục, long sàng và bàn tròn xoay chạm trổ, hoành treo vũ khí, tráp trầu, ống phóng, chậu thau, hỏa lò, mùng và màn the hoa, đỉnh trầm, bình pha trà và khay chén, tăm xỉa răng… Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá lâu đài nghỉ mát của Thanh đế ở Bắc Kinh và chỉ làm suy đốn tinh thần binh sĩ…”.

[Nguồn: Mémoires et Documents Asie, quyển 47, tr. 121, lưu trữ tại Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp, Paris. Dẫn bởi: Nguyễn Xuân Thọ (Nguyễn Ngọc Cư dịch), “Cuộc bạo hành tại Huế ngày 05/7/1885 – Vụ cướp phá hoàng cung – Cuộc đề kháng của vua Hàm Nghi và triều Đồng Khánh”, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 14 – 15 (1969), tr. 15].

Box 2:

Clément Huet sinh ngày 11/7/1874 tại Brussels, Bỉ. Ông là một nhà sưu tầm đồ dân tộc học ở Trung Phi từ năm 1898, rồi làm đại biện thương mại cho Bỉ ở Công ty Cao su Ấn Độ (1900 – 1905), về sau là đại biện ở Bordeaux, Pháp (1908 – 1912). Song Clément Huet gần như dành trọn đời mình để sống, làm việc và sưu tầm cổ vật ở Đông Dương. Từ năm 1914 đến năm 1919, Huet làm nhân viên kế toán cho Hãng sợi Bắc Kỳ ở Nam Định. Sau đó, ông thành lập một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội, chuyên xuất nhập hàng hóa giữa Đông Dương với vương quốc Bỉ. Tuy nhiên, Clément Huet không toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh của mình, ông dành phần lớn thời gian cho việc sưu tầm cổ vật ở An Nam và các xứ khác ở Đông Dương. Clément Huet là cộng tác viên thân thiết của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội. Ông hợp tác với Emile Pajot khai quật di chỉ Đông Sơn ở Thanh Hóa lần đầu tiên vào năm 1924. Clément Huet còn là người sưu tập cổ vật cho Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) và Bảo tàng Khải Định ở Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Ngoài những hiện vật sưu tầm theo đặt hàng của các quản thủ ở hai bảo tàng trên, trong suốt 26 năm ở Việt Nam, Clément Huet đã sưu tập được 7.297 hiện vật cho riêng ông, gồm: 6.027 món đồ gốm, 122 đồ ngọc, 289 gương đồng, 440 hiện vật khảo cổ học thời tiền sơ sử, 229 món đồ đồng thuộc các nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, 1 tượng Phật bằng đồng thế kỷ IX, 1 cổ vật bằng đồng và 5 pho tượng đá của văn hóa Chămpa, 1 tượng Phật bằng đồng của Trung Hoa và 1 tượng nhà sư Thái Lan bằng đồng.

Năm 1938, Clément Huet mang về Bỉ 170 hiện vật khảo cổ của các nền văn hóa thời kỳ tiền sơ sử ở Việt Nam, tặng cho Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Brussels. Sau khi Clément Huet qua đời (năm 1951), người thừa kế là Léon Huet, sống tại bang Colorado (Mỹ), đã phát mãi bộ sưu tập của Clément Huet vào năm 1952.

Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Brussels chỉ mua được của Huet 2.851 cổ vật; 86 cổ vật khác thuộc quyền sở hữu của một số bảo tàng ở châu Âu, như Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ), Bảo tàng Dân tộc học Linden Stuttgat (Đức), Bảo tàng Guimet (Pháp)… Những cổ vật còn lại được bán cho các nhà sưu tập khác ở khắp châu Âu.

[Nguồn: Janine Schotsmans, “Clément Huet and the origin of Vietnamese Collections of the Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Brussels”, Southeast Asian Archaeology 1986, pp. 241-250].

Box 3:

Trong bản báo cáo trình lên Toàn quyền Đông Dương Richaud ngày 28/02/1889, Khâm sứ Trung Kỳ Paul Rheinart bày tỏ phẫn uất của mình đối với sự mất mát các bảo vật của triều đình Huế sau vụ “Thất thủ Kinh đô”:

“Ngày 5/7/1885, nhân vụ biến cố ở Huế, một số lớn bảo vật đã bị cướp đoạt và người ta phải hổ thẹn khi nghĩ tới những cảnh tượng đã xảy ra vào dịp đó: con voi bằng vàng đúc rất khéo, rất quý giá, bị chặt làm đôi vì sự tranh chấp giữa hai kẻ muốn giành được cho mình một phần nguyên chất của bảo vật. Điểm đáng buồn hơn cần phải nhắc lại, là một vị tướng lãnh, thiếu tướng Prudhomme, đã chẳng ngần ngại chiếm đoạt những vật phẩm quý giá, và chẳng hề có ai nghĩ cách giác ngộ lương tri của mãnh nhân ấy, báo chí cũng không đả động gì, và người ta cũng chẳng yêu cầu kẻ tham bạo trả lại Triều đình Huế một phần các chiến lợi phẩm. Nhận định hiện trạng nghèo nàn, túng bấn của Triều đình Huế, người ta phải quên đi ác ý cũ do chính chúng ta đã gây ra bằng những hành động khó mà biện bạch nổi, và người ta rất tiếc không còn ai có thể bắt phải hoàn lại một phần những thứ đã bị cướp đoạt một cách trắng trợn…”.

[Nguồn: J. Chesneaux, “Contribution à l’Histoire de la Nation Vietnamienne”, p. 134. Dẫn bởi: Nguyễn Xuân Thọ (Nguyễn Ngọc Cư dịch), “Cuộc bạo hành tại Huế ngày 05/7/1885 – Vụ cướp phá hoàng cung – Cuộc đề kháng của vua Hàm Nghi và triều Đồng Khánh”, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 14 – 15 (1969), tr. 17-18].

Box 4:

Vị giám đốc Bảo tàng Thực hành Frankfurt đã viết tiếp trên tấm biển thuyết minh Why she cried…:

“Đây chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện tương tự. Dù cho bây giờ nó không còn phổ biến như những ngày đầu của chế độ thực dân, nhưng nó vẫn tiếp diễn trong thế kỷ XXI này. Việc trộm cắp [cổ vật], nạn buôn bán trái phép và sự quản lý lỏng lẻo đã đóng vai trò trong việc mang các tác phẩm nghệ thuật [của các quốc gia khác] đến châu Âu. Dù cho đang có sự gia tăng các luật lệ, nhưng những bảo vật của Trung Hoa và của các nước khác trên thế giới vẫn tiếp tục được mua bởi các nhà sưu tập [ở các nước phát triển], kể cả những bảo tàng – những kẻ đã giả đui giả điếc về nguồn gốc và chủ nhân thực thụ của những báu vật ấy”.

Box 5:

Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực hiện thành công việc “hồi hương cổ vật” của các quốc gia này bằng nhiều chính sách rất linh hoạt và hữu dụng. Cụ thể:

– Họ áp dụng thuế suất nhập khẩu bằng 0 % và đơn giản thủ tục nhập khẩu đối với tất cả vật phẩm văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… có niên đại hơn 100 năm. Nhờ vậy, không chỉ các cổ vật đã “châu về hợp phố” sau nhiều năm lưu lạc mà nhiều di sản văn hóa của các quốc gia khác cũng tìm về với hai nước này.

– Cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho những cổ vật của đất nước, đặc biệt là bảo vật quốc gia, đang lưu lạc ở nước ngoài và in thành vựng tập. Sau đó mời các nhà sưu tập, các bảo tàng ở nước ngoài đang sở hữu cổ vật đó đưa chúng về trong nước trưng bày, triển lãm với quan điểm “chưa thể đưa về hẳn thì tạm thời đưa về để công chúng trong nước được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia đang lưu lạc”.

– Thương lượng để trao đổi hoặc mua lại những cổ vật này cho các bảo tàng hay các sưu tập tư nhân ở trong nước. Nhà nước còn vận động những người giàu có bỏ tiền mua các cổ vật này để giữ chúng lại và nếu được thì tặng các bảo tàng công lập. Những người này sẽ được chính phủ miễn, giảm thuế thu nhập nhờ vào các hoạt động hiến tặng cổ vật này.

Box 6:

Vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, đã tới lúc cần có một sách lược tổng thể để “hồi hương” những di vật đó.

T.Đ.A.S.

Nguồn: FB Trần Đức Anh Sơn

Comments are closed.