Vài lời giới thiệu cuốn “CHÂN-THIỆN-MỸ trong tầm nhìn đương đại” của Howard Gardner

Hiếu Tân

1.

CHÂN-THIỆN-MỸ – vốn là một chủ đề muôn thuở, dường như quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng ít sách viết về nó. Howard Gardner cho rằng quan tâm đến nó “là nền tảng của điều kiện làm người của chúng ta trong cả ngàn năm”. Cuốn sách “CHÂN-THIỆN-MỸ trong tầm nhìn đương đại” (nguyên tác "Truth, Beauty and Goodness Reframed") của ông ra đời từ một mối lo âu của ông về những nguy cơ của thời nay, xói mòn, làm lung lay cái nền tảng ấy. Là nhà tâm lí học giáo dục hàng đầu thế giới, ông muốn truyền nguồn cảm hứng của ông về bộ ba phẩm tính ấy cho lớp trẻ, cũng như gợi ra những biện pháp để giữ lại và nâng cao những giá trị ấy, trong xã hội và trong giáo dục.

Quả thật nỗi lo lắng của ông nếu không nói là tràn ngập, thì cũng bàng bạc khắp nơi trong cuốn sách. Ông đặt ba phẩm tính CHÂN-THIỆN-MỸ trong tầm nhìn của người đương thời, và ông nhìn thấy gì? Ông thấy trong xã hội, đặc biệt những xã hội tiên tiến, hiện lên sừng sững hai lực lượng hùng mạnh, dường như không chỉ ảnh hưởng mà còn có khả năng chi phối mọi ngóc ngách của tâm thức con người thời nay. Một là tâm thức hậu-hiệnđại hay như ông gọi phê bình hậu-hiệnđại (HHĐ), và hai là truyền thông kĩ thuật số (TTKTS), đặc biệt là không gian mạng. Ông để nhiều tâm sức vạch ra những mối nguy tiềm tàng trong hai lực lượng mới này, chúng có những nguồn gốc và động lực khác nhau nhưng cùng mạnh, cùng hiệu quả và đáng ngại như nhau. Trước hết tác giả khẳng định mạnh mẽ vai trò và ý nghĩa của CHÂN-THIỆN-MỸ trong tư duy và hiểu biết của con người theo truyền thống, (tức là trước khi có lối suy nghĩ hậu-hiệnđại và truyền thông kĩ thuật số). Trong khoa học và trong việc con người tìm hiểu về thế giới, có những chân lý đã được chứng minh; trong cuộc sống, trong lịch sử có những sự thật không thể phủ nhận. Trong nghệ thuật và trong thiên nhiên, và ngay cả trong cái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, có Cái Đẹp, làm thỏa mãn những nhu cầu thẩm mĩ của con người. Còn trong quan hệ giữa người với người, luôn có cái xấu và cái tốt, cái tốt ở tầm cao là cái THIỆN. Như vậy CHÂN-THIỆN-MỸ phải là cái đích để người ta vươn tới, về phương diện tinh thần. Ý nghĩa của CHÂN-THIỆN-MỸ ổn định và bền vững trong nhiều nghìn năm, và phần lớn người ta dễ dàng nhất trí với nhau về điểm này.

269812788_4285714084863427_4796809624485048941_n

Thách thức và đe dọa

Thế nhưng ngày nay, phê bình hậu-hiện đại, đã thách thức bất kì cố gắng nghiêm túc nào nhằm phác họa – chưa nói đến tôn vinh – cái thật, cái đẹp, cái tốt khiến cho nên nếu chứng kiến cảnh này, chắc ông tổ của triết học phê phán Immanuel Kant cũng phải bối rối. Trước sự tràn lan của tư tưởng hậu-hiệnđại và truyền thông kĩ thuật số, dường như người ta không còn tin rằng trên đời này còn có cái gì gọi là cái Thật, cái Đẹp, cái Thiện nữa.

2.

CHÂN (Cái Thật)

Chủ nghĩa hậu-hiệnđại là mối đe dọa đối với cảm giác của chúng ta về sự thật, nó bi quan về khả năng có những sự thật vững chắc, đáng tin cậy và khách quan; nó phủ hoài nghi lên mọi chân lí mà các môn khoa học và lịch sử có thể mang lại. Với chủ nghĩa hoài nghi hậu-hiệnđại thì sự thật chỉ còn là một khái niệm trống rỗng. Người ta cho rằng trong một xã hội đơn cực, quyền lực quyết định tất cả, rằng trong một thế giới tương đối, đa văn hóa, việc đánh giá cái gì là thật, hoặc đẹp, hoặc tốt, bị chi phối bởi sở thích thất thường của những kẻ nắm quyền lực, tại từng thời điểm nhất định. Ý kiến sau đây về lịch sử thật sự tiêu biểu cho tinh thần hậu-hiệnđại: "Chúng tôi là những tác giả của lịch sử, còn tất cả các anh chỉ việc nghiên cứu những gì chúng tôi làm. Chúng tôi tạo ra hiện thực riêng của chúng tôi, và các anh nghiên cứu cái hiện thực ấy" (cố vấn cao cấp của tổng thống George W. Bush). Người ta nói rằng vấn đề chỉ có thể bàn cãi trong những cuộc tranh luận mà ý kiến chia rẽ không thể hòa giải. Chẳng hạn, tuyên bố của Albert Camus, người đoạt giải Nobel: “Chỉ có một thứ trên đời này dường như là tốt hơn lẽ công bằng, đó là, nếu không phải bản thân sự thật – thì là việc theo đuổi sự thật” bị đập lại chan chát bởi một người đoạt giải Nobel khác, Harold Pinter: “không có sự khác biệt gay gắt giữa điều gì là thật và điều gì là giả, có thể có cái vừa là thật vừa là giả”. Về truyền thông kỹ thuật số: những thiên lệch của nó làm cho việc quyết định cái gì là thật trở nên mơ hồ. Trước các nguồn tin, mỗi người thấy sự thật theo thiên kiến của mình. Trước sự hỗn loạn, lệch lạc của thông tin đầy rẫy trên bất kì công cụ tìm kiếm nào, làm sao chúng ta biết được cái gì là thật, thậm chí việc đi tìm kiếm sự thật đã trở thành chuyện vớ vẩn. Chẳng hạn, chúng ta hi vọng tìm thấy gì trong một từ điển bách khoa mở cho phép bất kì ai truy cập và cung cấp, chỉnh sửa thông tin mà độ tin cậy không được ai kiểm chứng? Cuối cùng, có lẽ sự thật không gì hơn là ý kiến của đa số trên một trang mạng, quyền phán xét của chúng ta bị đánh bạt bởi ý thích ngẫu hứng của đám đông.

 

3.

THIỆN

Cái Thiện là khái niệm trong lĩnh vực quan hệ giữa con người, Gardner phân biệt:

1) đạo đức thông thường, giữa những con người gần gũi, có gặp gỡ tiếp xúc trong đời thực, ông gọi là "đạo đức láng giềng", và

2) "đạo lí của các vai trò", như đạo đức nghề nghiệp của các công nhân (những người làm việc) và trách nhiệm xã hội của các công dân. Không có lĩnh vực nào của cuộc sống mà chủ nghĩa tương đối hậu-hiện đại có hiệu lực mạnh mẽ như lĩnh vực đạo đức và đạo lý. Trong quá khứ, đạo đức (thông thường) được giáo dục trong các truyền thống tôn giáo. Ví dụ (như ở Mỹ) truyền thống bao dung của Quaker và khắc nghiệt của Thanh giáo. Những truyền thống ấy đương nhiên vẫn được duy trì, tuy nhiên tác giả không đặt nhiều kì vọng vào chúng trong công cuộc giáo dục thế hệ tương lai. Ông cho rằng việc theo đuổi điều thiện không nhất thiết phụ thuộc vào bất kì một tôn giáo cụ thể nào, ông không muốn gắn đời sống đạo đức và đạo lý vào bất kì một thiết chế cụ thể nào, kể cả thiết chế tôn giáo. Thời nay tác động của chủ nghĩa hậu-hiện đại làm trầm trọng thêm dấu hiệu đặc trưng của lớp trẻ (thiếu niên, tuổi teen). Lớp trẻ rất thường tin rằng chúng đang nổi loạn chống lại những sở thích của cha mẹ và thầy giáo (bất kính và đạp đổ thần tượng). Ảnh hưởng này không đáng lo ngại ở tuổi đầu đời, nhưng là vấn đề của tuổi mới lớn. Phần lớn thiếu niên đi theo đám đông của chúng một cách có thể nói là nô lệ, cho dù những sở thích ấy được mô tả là tiền-hiện đại, hiện đại, hay hậu-hiện đại. Lớp trẻ khao khát tự khẳng định, tự thể hiện bản sắc cá nhân trên các mạng truyền thông, nhưng khi người ta có thể bịa ra quá nhiều diện mạo, với phần lớn thông tin không đáng tin cậy, thì việc tìm ra bản sắc đích thực của cá nhân trở thành thách đố. Chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hậu-hiện đại thường đi kèm thái độ khuyển nho (bất cần đời) làm giảm đi đòi hỏi nghiêm khắc đối với hành vi và thái độ sống. Phần đông người ta có xu hướng tương đối chủ nghĩa về đạo đức, “Sống và để người khác sống”, thái độ “bao dung”, không muốn phê phán hành vi và lối sống của người khác. Việc sử dụng ma túy và rượu, những sở thích và lối sống tình dục khác nhau… ngày càng được chấp nhận nhiều hơn. Trong một buổi họp thậm chí tác giả đã không thể yêu cầu các sinh viên nhất trí đưa Hitler vào danh sách “những người không được ngưỡng mộ.” Nhà khoa học chính trị Alan Wolfe còn gợi ý rằng Mỹ có thể áp dụng “bộ luật tự do đạo đức”: Nên tin tưởng ở mỗi cá nhân để họ phát triển bộ luật đạo đức cho riêng mình và sống cuộc sống của mình đúng theo bộ luật ấy.

Trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số lan tràn, với sự xuất hiện của những cộng đồng ảo, chúng ta tiếp xúc, xử lý trên mạng với những người mà chúng ta biết hoặc không biết, rõ ràng cần có những chuẩn mực đạo lí mới. Ăn cắp một món đồ trong siêu thị là một việc xấu hổ, nhưng người ta có thể thản nhiên, không mấy băn khoăn khi ăn trộm bản quyền của một tác phẩm download trên mạng. Lĩnh vực quyền sở hữu và quyền tác giả của sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải suy nghĩ lại. Việc tham gia vào một cộng đồng trên mạng phải theo những quy tắc gì? Làm sao giữ được quyền riêng tư khi mà người ta có khả năng khai thác nó cho những mục đích mờ ám? Đạo đức hành nghề hay đạo lý nghề nghiệp đặc thù của những nghề như nghề luật, nghề báo, nghề giáo, nghề thầy thuốc… có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội.

4.

MỸ (Cái Đẹp)

Quan niệm truyền thống về cái đẹp thường là lí tưởng hóa, cân xứng, hài hòa, thăng bằng, trung thực với vẻ ngoài của thế giới. Chủ nghĩa hậu-hiệnđại thoát li khỏi mọi truyền thống, mở rộng khái niệm về cái đẹp. Quan niệm truyền thống về những đối tượng đẹp không còn là đủ nữa: nghệ thuật không phải là sự phản ánh, “ghi chép” hiện thực, người ta không còn đề cao những bài thơ có âm điệu nghiêm chỉnh, những sáng tác âm nhạc chứa những hợp âm giáo khoa và nhịp phách đều đều nữa, hay những tác phẩm văn học có cốt truyện “anh hùng” cổ điển, bao gồm một nhân vật chính (hero), một trở ngại, rồi trở ngại được vượt qua, và kết thúc tất cả – hay ít nhất những người tốt – rốt cuộc đều sống hạnh phúc. “Chúng tôi những người sống trong cái xã hội hối hả, hỗn tạp, ít nhiều dân chủ, trong thâm tâm khá nghi ngở về cái đẹp. Cái đẹp dựa trên một trật tự tôn ti nó dán nhãn một cách không thể từ chối cho một số sự vật là “đẹp”, và một cách không thể cứu vãn cho những sự vật khác là “xấu”. Các nghệ sĩ đương đại nghiêm túc nhất, sáng tạo nhất và “sống động” nhất không muốn chỉ nhai lại những yếu tố của cái trật tự tôn ti bền vững này” (nhà mĩ học Laurie Fendrich). Trong khi một quan niệm hậu-hiệnđại mềm mỏng có thể thách thức, không thừa nhận hội họa Ấn tượng là đẹp, cho rằng đó chỉ là cái mốt của một thời đã chiếm lĩnh được vị trí ưu thế trong các sách giáo khoa, thì quan niệm hậu-hiệnđại hung hăng vứt bỏ hoàn toàn khái niệm cái đẹp… coi như chủ quan và vô nghĩa. Nhiều tác giả viết về nghệ thuật ngày nay hoàn toàn tránh khẳng định về cái đẹp, nhắc đến cái đẹp bị coi là đầu óc giản đơn. Thay đổi cơ bản về cách nhìn này không phải là hậu quả trực tiếp của chủ nghĩa hậu-hiệnđại, thật ra nó đã có từ đầu thế kỷ 20, từ chủ nghĩa hiện đại của những James Joyce, Picasso, Stravinsky… – hậu-hiệnđại chỉ là xúc tác cho sự phổ biến của nó. Ngày nay, cảm thức về cái đẹp còn bị tàn phá bởi những “chiêu trò” trong truyền thông kĩ thuật số, khi người ta có thể sửa đi sửa lại đến vô tận những tác phẩm nghệ thuật qua Photoshop, thực hiện vô số mash-up các đoạn nhạc, trộn lẫn hàng chục câu thơ của những nhà thơ nổi tiếng và những nhà thơ không ai biết đến, sửa lại lời nhiều hay ít theo ý mình. Những xét đoán có căn cứ về “đẹp” bị thay thế bằng những cái thất thường của thị hiếu cá nhân và những cố gắng dồn lại của vô số những người “sáng tác” mà tác phẩm chưa bao giờ được làm ra hoặc luôn bỏ dở; xét đoán về các tác phẩm nghệ thuật do số đông bỏ phiếu bình chọn được coi là có trọng lượng hơn bình chọn của các chuyên gia…

5.

NHÌN LẠI

Nghe tác giả ‘kể tội’các khía cạnh phá hoại của cả chủ nghĩa hậu-hiện đại lẫn truyền thông kỹ thuật số, ta dễ có cảm tưởng tác giả có tư tưởng cực đoan và bảo thủ. Nhưng không phải thế. Là một nhà giáo dục, ông có cái nhìn cẩn trọng và cân bằng:

“Tôi tin rằng mọi cá nhân có suy nghĩ cần tiếp xúc với phê bình hậu-hiện đại và suy nghĩ sâu về những chủ trương và những hàm ý của nó. Theo ý nghĩa này sự phê phán ấy có thể có ích. Tuy nhiên, tới mức mà thái độ hoài nghi về những khái niệm này đóng lại những xem xét về cái nào có thể có giá trị trong số những quan điểm về chân-thiện-mĩ đã qua thử thách của thời gian, thì nó là phá hoại”.

Ông nhắc đến quan niệm mộng mơ coi truyền thông như thiên đường của nền dân chủ –“Người dân chủ trên mạng đều đặn đọc-quét hàng chục nguồn tin, giảm bớt những thiên kiến cá nhân của họ, và đi đến sự thật (hay những sự thật), hoặc có thể: Sự thật của chính mình”

Ông hoan nghênh những công nghệ truyền thông mới bằng cách trình bày nội dung quen thuộc của phương tiện cũ dưới hình thức của phương tiện truyền thông mới. Đó là một quan niệm đúng đắn. Dù truyền thông có tối tân đến đâu thì nó cũng chỉ là phương tiện. Lợi hay hại là ở cách sử dụng nó. Và đấy chính là nhiệm vụ đề ra cho giáo dục.

“…truyền thông và công nghệ tối tân, nhưng chúng không thể thay thế cho sự trong sáng của quan điểm, mục đích và phương pháp. Thâu nhận mọi thông tin mà bạn có thể, tổ chức chúng tốt nhất có thể, nhưng đừng đánh mất khả năng nhìn thấy cái gì thực sự quan trọng, thực sự có giá trị, và bạn có thể sử dụng tri thức ấy vào việc phục vụ cho cái thiện như thế nào”.

Thậm chí ông còn lạc quan coi sự trùng hợp của chủ nghĩa hậu-hiện đại với truyền thông kỹ thuật số có thể tạo ra tiềm năng cho một thời đại “Khai sáng thứ hai”. Và lí tưởng của ông là hướng đến sự phổ quát:

"Khai sáng vẫn còn quá ‘phương Tây’. Các tư tưởng Khai sáng không phài thật sự phổ quát; chúng được tôi rèn chủ yếu ở Tây Âu, bởi một nhóm nhỏ các triết gia ăn nói lưu loát trôi chảy, và các triết gia thì tất cả là đàn ông, tất nhiên, gần như tất cả theo đạo Cơ đốc. Nếu chúng ta sẽ có một khuôn khổ đạo lý thật sự là phổ quát, nó cần tính đến, xây dựng trên, phối hợp những tư tưởng mạnh mẽ với những quan niệm từ những truyền thống triết học và tôn giáo quan trọng khác, từ đạo Khổng đến đạo Hồi, từ đạo Phật đến chủ nghĩa nhân văn thế tục, và không loại trừ những huấn lệnh then chốt và những tập tục bắt nguồn từ những cư dân bản xứ của nhiều lục địa. Những trí khôn sâu sắc đặc trưng cho nhiều truyền thống văn hóa. Trong những lớp vỏ khác nhau và tại những nơi chốn khác nhau, nhiệm vụ này đã bắt đầu – nhưng nếu nó củng cố và đạt được sự đổng tình rộng rãi, thành tựu của nó sẽ cần đến những cuộc đối thoại kéo dài, sự học hỏi lẫn nhau và thật nhiều khiêm nhường” (Sđd).

Comments are closed.