Nan giải về bài toán hòa giải dân tộc

Tô Văn Trường

Trong mọi vận động và phát triển của xã hội cũng như các thành phần của xã hội luôn tồn tại mâu thuẫn ở quy mô khác nhau về lợi ích, cần có nhu cầu giải quyết. Tùy theo mức độ mâu thuẫn và cách ứng xử mà việc giải quyết mâu thuẫn có thể được sử dụng là biện pháp bạo lực (ở quy mô lớn là chiến tranh) hay phi bạo lực được gọi là giải pháp hòa giải.

Bản chất của hòa giải là giải pháp bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần của mỗi bên mâu thuẫn dựa trên sự tôn trọng những chuẩn mực pháp lý, đạo đức, văn hóa xã hội đã được thừa nhận hay quy định để giải quyết mâu thuẫn. Để thực hiện được hòa giải thực sự đối với những sự việc đã xảy ra và hậu quả không mong muốn đang tồn tại cần phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá, hàn gắn các vết thương, thấy được các lỗi lầm, sai sót, đó là xét đúng sai của việc đã rồi, để không lặp lại quá khứ.

Trong thực tế đã có nhiều người và tổ chức bàn về hòa giải, hòa hợp. Trong khi chủ quyền đất nước vẫn còn đang bị xâm lấn, nền kinh tế đất nước vẫn nghèo khó và đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng bởi nạn tham nhũng… mà chỉ bàn hòa giải bằng những từ kêu gọi hoa mỹ về hòa hợp dân tộc, đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch sáo mòn. Hay hòa giải chỉ bảo đảm lợi ích tức thời cho một nhóm nhỏ (nhóm lợi ích) mà làm tổn hại đến lợi ích dân tộc và tương lai thì đó là sự vô trách nhiệm đồng nghĩa với tội ác, còn tệ hại hơn câm lặng nhiều lần.

Nói theo ngôn ngtrong toán học, hòa giải là loại bài toán không dễ giải (loại NP-hard). Chừng nào người dân còn chưa được hưởng quyền tự do dân chủ thực sự, chừng nào 61 người ký tên vào bản thư ngỏ, chắc chắn còn là nguyện vọng của nhiều trí thức đảng viên có tâm huyết với đất nước, còn được liệt vào danh sách đen, chừng nào xã hội nhiều mặt còn không được tử tế như xưa và chừng nào ngay trong nội bộ phe thắng cuộc cũng còn chưa hoà giải được, thì đừng nói chi đến hoà giải với bên thua cuộc.

Hòa giải dân tộc chỉ có được khi chính dân tộc này tự vượt lên được chính mình để thay đổi chính mình. Một khi có được Việt Nam của hòa giải dân tộc, đấy sẽ đúng là một Việt Nam của người Việt Nam với tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất, như khi nó đã trở thành ước nguyện và hành động của mọi tầng lớp xã hội để làm nên Cách mạng Tháng Tám.

Nhà triết học giáo dục Mỹ John Dewey từng nói: “Một gam kinh nghiệm tốt hơn một tấn lý thuyết”. Với lịch sử chiến tranh triền miên, sự đô hộ của nhiều chế độ đế quốc phong kiến và hơn 40 năm thống nhất đất nước của dân tộc ta thì cần phải thêm vào đó sự trải nghiệm mới thấy hết được sự cần thiết của vấn đề hòa giải dân tộc. Theo tôi hiểu, kinh nghiệm hay trải nghiệm hai từ này nhiều người vẫn lẫn lộn là một! Bởi vì “kinh nghiệm”, có thể lấy (vay mượn) từ người khác, làm sao sánh được với “trải nghiệm” – trả giá bằng chính cuộc đời mình, của cả một thế hệ!

Viết bài “nhạy cảm” này, dễ đụng chạm, nhưng vào đúng dịp năm hết, tết đến, con người ta dễ xuề xòa, chín bỏ làm mười, “đại xá” cho nhau. Người xưa thường nói “lạt càng mềm thì buộc càng chặt”, và “nói ngọt lọt đến xương” cho nên có “rào” (với vua, quan) và “đón” với cả bên “thắng” và bên “thua” cuộc (thực ra là cả hai bên đều thua, mỗi bên thua một phách mà thôi!).

Trong mâm ngũ quả ngày tết, trên ban thờ tổ tiên đầy ắp trái cây màu xanh, màu vàng mươn mướt thì sẵn nhưng vào dịp tết xưa hơi hiếm trái cây màu đỏ nên có người còn mạnh tay ghim vào, điểm xuyết cả mấy trái ớt đỏ au, roi rói cho rộn ràng, đa sắc. Ớt là cái tên dân dã để chỉ cái trái cay xé lưỡi, còn tên chữ nghĩa của nó là “phản biện” đấy, cay nhưng không thể thiếu nó trong các mâm cơm, nhất là ngày tết.

Một vài bài học lịch sử về hòa giải, hòa hợp

Lịch sử nhân loại cũng như ở nước ta lưu truyền nhiều lắm những sự kiện – bài học lịch sử về hòa giải, hòa hợp đã đem lại động lực bảo đảm sự bình yên phát triển của xã hội, và cũng không ít sự kiện không tận dụng được sức mạnh của hòa giải đã gây ra bao đau khổ, tàn phá ở nhiều nước và cả nhân loại.

Kể về câu chuyện thời nhà Trần sử xanh còn ghi lại: Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải đã có mối hiềm khích từ rất lâu, do mâu thuẫn chi tộc (dòng chính, dòng thứ) và bất hòa cá nhân, ai ai cũng đều biết, kể cả binh tướng. Giữa lúc binh hùng tướng mạnh của đế quốc Nguyên Mông đang lăm le ào tới như thác đổ chỉ trong ngày một, ngày hai… Quốc gia lâm nguy, ngàn cân treo trên sợi tóc – trong / ngoài bê bối, rối như canh hẹ!

Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải cũng nói: Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Cuộc tắm gội lịch sử đó diễn ra ở ngay mũi thuyền, ba quân tướng sĩ đếu thấy, như trút được gánh nặng, toàn quân đều nức lòng đánh giặc giữ nước. Ôi, những gáo nước thơm thiêng liêng xối xuống đã làm trôi tuột đi những mối hận riêng tư, những vết mờ không đáng có trong lịch sử, giúp cho xã tắc có một sức mạnh quật cường hơn cả những ngọn sóng thần, nhấn chìm tan tác lũ sói lang xâm lược xuống đáy sông! Những cái cọc vô tri vô giác trên sông Bạch Đằng vẫn còn đó, lập lờ dưới dòng linh giang như nhắc nhở những ai còn nghĩ tới nợ nước thì hãy khép lại thù nhà nhỏ nhoi cho khỏi mang lỗi với tổ tông!

Sau khi đánh bại quân Nguyên, các quan dâng lên vua Trần Nhân Tông tài liệu về những người từng đầu hàng giặc, xin xử lý, thì nhờ có vua anh minh, nhìn xa, trông rộng, chủ trương hòa giải, nên không đọc mà ra lệnh đốt hết tài liệu để yên lòng người.

Cũng chưa lâu lắm, mới chỉ ở thời Hậu Lê trong hoàn cảnh đất nước đã đánh đuổi được ngoại xâm, chỉ vì mâu thuẫn lợi ích của các Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã gây ra cuộc chiến phân tranh kéo dài hàng trăm năm. Nếu hòa giải và hòa hợp được sử dụng, chắc chắn lịch sử nước nhà đã có được một cơ hội phát triển tốt đẹp hơn nhiều.

Thập niên 30, Hoàng đế Nhật Bản chinh phục Mãn Châu và thành lập Mãn Châu Quốc. Hai vị lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Nhật, đã chủ động từ bỏ lý tưởng của mình, để ủng hộ Hoàng đế Nhật. Họ cho rằng phải làm như thế vì lòng yêu thương những người thân trong gia đình, ý thức coi mình là người của nhân dân, và thay đổi lại ý thức hệ vì lợi ích của dân tộc. Từ đó, phong trào Đảng Cộng sản Nhật Bản suy yếu hẳn đi như ngày nay chúng ta đều biết.

Sau Cách mạng tháng tám, Hồ Chí Minh sử dụng các nhà trí thức và giới tư sản của chế độ thuộc địa, cả vua Bảo Đại, nhờ thế có nguồn lực nhân tài và tài chính mà xây dựng chính quyền và kháng chiến. Rõ ràng mục tiêu của Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập tự do của tổ quốc.

Sau 1954, mặc dù Hồ Chí Minh còn sống, nhưng bị chi phối bởi hai phe nhất là Trung Quốc (ai thắng ai, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, v.v.) nên tư tưởng dân tộc bị phai nhạt dần, còn đấu tranh giai cấp đã chen vào, nên việc hòa giải giữa người kháng chiến với nguời vùng địch chiếm gặp trở ngại, mang màu sắc phân biệt, kỳ thị kéo dài.

Lạm bàn về hòa giải

Bản chất sự xáo trộn, xâm hại trong lịch sử cho rằng nhóm người này, sắc tộc này hơn các sắc tộc khác, tự cho mình quyền xâm hại. Đấy là nguồn gốc của chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn, quan điểm chính trị lỗi thời cần xóa bỏ. Ngày nay, không quốc gia nào, dân tộc nào được phép coi mình là thượng đẳng, không đảng phái chính trị nào tự cho mình là duy nhất, là đạo đức là văn minh. Thừa nhận vô điều kiện sự bình đẳng, sự tồn tại của các quốc gia sắc tộc, các đảng phái khác là nhận thức chính trị hiện đại, phù hợp với chuẩn mực con người văn minh trong thế giới ngày nay. Đấy là tín hiệu tốt đẹp đầu tiên và nguyên tắc của sự hòa giải.

Người dân vẫn còn nhớ năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, hào khí chiến thắng của cả dân tộc cùng với cơ sở vật chất, cơ chế sản xuất theo xu thế thị trường ở miền Nam đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1976 đạt mức kỷ lục là 16,8%. Thời kỳ đó, giá như Việt Nam chúng ta nhớ đến vị danh tướng Napoléon của Pháp, người không biết sợ là gì. Khi được hỏi: “Điều gì làm ngài sợ nhất?”, ông nói: Sợ nhất là sau khi chiến thắng làm ru ngủ con người, quên đi những thiếu sót, khuyết điểm, không cẩn trọng để bước vào cuộc chiến mới”. Tiếc thay, lịch sử lại không có hai từ “giá như”!

Miền Nam đã trải qua sóng gió của hợp tác hoá và cải tạo kinh tế tư bản, tư doanh. Các chương trình đưa dân thành thị đi phát triển các vùng kinh tế mới, cùng với một số biện pháp sai lầm trong quản lý kinh tế đã tách người lao động và quản lý ra khỏi tư liệu sản xuất, thực sự chuyển nền kinh tế thị trường sang kinh tế chỉ huy bao cấp, đã triệt tiêu mọi động lực khuyến khích người lao động. Riêng năm 1980, nước ta phải nhập lương thực đến 1,6 triệu tấn. Kết quả phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế tụt xuống chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75% dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là 774,7%.

Khủng hoảng kinh tế và chính sách cải tạo làm lòng dân bất an, bế tắc, nhiều người dân ở miền Nam khác ý thức hệ, cùng quẫn, đã phải tìm mọi cách đi vượt biên, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng ngoài biển khơi, do thiên tai, cướp biển. Cha mất con, vợ mất chồng, tang tóc đau thương của “thuyền nhân” là bài học đắt giá để lại hậu quả đau đớn, rất tệ hại. Nên nhớ rằng vết thương lớn trong tâm thức khó phai hơn nhiều so với nỗi đau mất mát trong chiến tranh.

Ngày nay, thế hệ người Việt chịu di chứng nặng nề của chiến tranh, có lớp con cháu thành đạt ở xứ người. Họ đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, cuộc sống tôi luyện họ, học tập và lao động trưởng thành khiến người dân các nước sở tại khâm phục, ngưỡng mộ sự nhẫn nhục, cần cù sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò vị thế của mình trong xã hội văn mình. Hay nói cách khác, bằng tình yêu Tổ quốc họ đã tự hòa giải chính bản thân mình.

Thế hệ người Việt ở xứ người, đáng trân trọng biết bao khi vẫn duy trì vốn văn hóa Việt, vẫn hướng con cháu về quê hương đất nước. Họ lao động miệt mài không chỉ vì mưu sinh bản thân mà còn nghĩ đến những người thân ở quê hương xứ sở, những bà con ruột rà còn chịu nhiều khó khăn thiệt thòi về kinh tế, giáo dục, y tế lạc hậu, v.v. Chỉ tính riêng từ năm 1991 đến nay, nguồn tiền kiều hối gửi về Việt Nam vượt 90 tỉ đô la Mỹ, riêng năm 2014 ước tính khoảng 12 tỉ đô la, là phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng cho nhiều gia đình để góp phần ổn định và phát triển kinh tế của đất nước.

Muốn hòa giải với những người gọi là “thua cuộc” ở xứ người, trước hết phải có tâm thức thực sự văn minh đối với ngay cả những người “thắng cuộc” ở trong nước, kể cả với những người thân của kiều bào.

Trong cuộc chiến vừa qua, ở một góc nhìn khác, tất cả chúng ta đều là kẻ “thua cuộc”. Chúng ta đã bị các cường quốc lợi dụng đẩy vào cuộc chiến tranh bằng xương, bằng máu và bằng thịt của người Việt để thực hiện các ý đồ tranh dành quyền lực và ảnh hưởng. Dân tộc bị chia rẽ nên mới cần hòa giải.

Nước Pháp đô hộ Việt Nam cả thế kỷ, người Mỹ đổ bom đạn, gây bao đau thương chết chóc trên cả hai miền nước ta. Mọi chính sách hòa giải đến từ nhà nước nhưng vai trò đi tiên phong rất quan trọng từ các cựu binh Pháp và Mỹ hối lỗi thực sự gặp sự tha thứ chân thành của người dân Việt Nam.

Ngẫm suy, nỗ lực của hai nhà nước Việt-Trung cùng lời lẽ hoa mỹ, tốt đẹp lớn gấp nhiều lần đã làm với Mỹ nhưng thử hỏi người dân Việt Nam hiện nay “dị ứng” với Trung Quốc hay Mỹ? Cần nhớ rằng, không nhà nước nào có thể thay thế được suy nghĩ của người dân Việt Nam trong lĩnh vực hòa giải.

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 đến nay đã hơn 30 năm, nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đã tốn bao công sức, hành động, lời lẽ tuyên truyền tình hữu nghị 4 tốt và 16 chữ vàng để hòa giải nhưng đến nay kinh tế càng lệ thuộc vào Trung Quốc, đảo biển vẫn bị xâm chiếm gặm nhấm từng ngày. Sự xâm lấn của Trung Quốc thể hiện qua từng bữa ăn, quần áo mặc của người dân, bản tin thời sự, lễ nghi nhà nước, v.v.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Việt Nam muốn hòa bình, hòa giải với Trung Quốc nhưng để có hòa giải đó thì trước hết, Trung Quốc phải từ bỏ chính sách bá quyền, bành trướng đối với Việt Nam, nói một đằng làm một nẻo. Ai cướp đoạt, lấn chiếm Mục Nam Quan, thác Bản Giốc và vùng rộng lớn ở biên giới phía Bắc của Việt Nam? Ai đã cướp Hoàng Sa, Gạc Ma và giết hại hàng vạn chiến sĩ đồng bào ta trong chiến tranh biên giới 1979 mà ngày nay vẫn đang tiếp tục lấn chiếm xây sân bay trên đảo Chữ Thập ở Trường Sa của ta?

Hòa giải bằng hành động thực tế và tôn trọng nguyên tắc bình đẳng

Ai cũng kêu là mấy chục năm rồi sao chưa hòa giải được. Mặc dù đường lối thì luôn tuyên bố hòa giải, nhưng thực tế thì còn chưa làm được nhiều. Muốn hòa giải thì phải biểu hiện ra thành những hành động thực tế. Người dân chỉ cần nhìn vào đường lối, chỉ thị của Đảng, Chính phủ để đánh giá thiện chí của nhà cầm quyền.

Đúng là không thể nói hòa giải khi thiếu một môi trường, một thể chế chính trị – xã hội dân chủ, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng để từ đó mà tạo ra nguồn sinh lực bền bỉ và dồi dào. Khi chưa có một thể chế như vậy thì mọi sự hòa giải dân tộc đều chỉ là gượng ép, khiên cưỡng và làm rạn nứt thêm khối đoàn kết dân tộc.

Nhớ lại, đầu thập niên 90, từ Thái Lan tôi đi Mỹ tham dự hội thảo, gặp đoàn đại biểu từ trong nước do GSTS Trần An Phong làm trưởng đoàn. Trong lúc hội thảo, bên ngoài khá đông kiều bào trương biểu ngữ hô to “đả đảo cộng sản”! Giờ giải lao, tôi ra gặp đoàn biểu tình trò chuyện, trao đổi về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm. Với thái độ thân thiện, chân tình, đối thoại, tôi nhận thấy ở họ nhất là thế hệ trẻ rất quan tâm đến vận nước.

Tuy nhiên, một số người đã phải bỏ nước ra đi vì chống cộng sản, không hề nguôi ngoai hận thù này, và coi chừng nào còn chế độ đã đánh bại họ chừng đó không thể có hòa giải. Ngày nay, vẫn còn nhiều người coi Bùi Tín, Cù Huy Hà Vũ chỉ là những người nửa đường đứt gánh và quay sang chống Cộng, người như Điếu Cày, thì họ cố quàng vào cổ ông cái cờ vàng. Một cách nghĩ cực đoan như vậy thật khó dẫn tới đoàn kết dân tộc được!

Những người vẫn coi 30 tháng 4 năm 1975 là ngày giải phóng miền Nam, vẫn coi những người tỏ thái độ chống Trung Quốc bành trướng xâm lược dưới nhiều hình thức, trong đó có biểu tình không bạo động, là phản động, vẫn coi việc bắt giam những người phản đối những hành động mà họ coi là không dân chủ, không hợp hiến, là đúng, vẫn gọi những người đã phục vụ trong chính quyền Nam Việt Nam là Ngụy, cách nghĩ của họ không hề khác trước khi Trung Quốc nổ súng đánh ta, thì làm sao có thể dẫn tới đoàn kết dân tộc được!?

Nếu có được đoàn kết dân tộc, những người Việt Nam một thời khác biệt về chính kiến sẽ góp sức mình cho một Tổ quốc Việt Nam cường thịnh, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là diaspora như người Do Thái. Làm thế nào để chúng ta có được sự đồng thuận đó? Quả bóng đang ở trong chân lãnh đạo Việt Nam trong nước.

Cụ thể như những chương trình truyền hình. Cần đưa vào đó thân phận, cuộc sống không chỉ của bên thắng cuộc, mà cả bên kia nữa. Họ đã có thân phận như thế nào sau mấy chục năm hòa giải. Hòa giải ngay trong cách nói nữa. Trong các chương trình truyền hình, những nhân vật lên nói vẫn có cách nói còn thể hiện sự phân biệt. Trong những chương trình phim, văn nghệ, những nhân vật trong đó vẫn thể hiện sự phân biệt, và cả sự kỳ thị. Đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ thôi. Còn nhiều điều diễn ra trong cuộc sống. Nếu để cho những người “thua cuộc” được lên tiếng, được biểu lộ quan điểm thì sẽ đẩy nhanh sự hòa giải bởi vì sẽ khó có thể hòa giải khi mà hai bên không giãi bày, không đối thoại, không thể hiện hết suy nghĩ của mình, nếu bên kia không lắng nghe, không thấu hiểu.

Vấn đề hòa giải dân tộc, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất sâu sắc và nhân văn khi khơi dậy vấn đề “hòa giải dân tộc” bằng cách đề nghị thay thế từ “giải phóng” bằng từ “thống nhất” cho ngày 30 tháng 4. Ông là chính khách đi tiên phong trong vấn đề này với câu nói nổi tiếng “Ngày 30 tháng tư có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Ai cũng hiểu rằng nếu không thống nhất được lòng dân thì dân tộc Việt sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được.

40 năm trôi qua, mỗi khi nghĩ về cuộc chiến đẫm máu và nước mắt Việt ở cả hai phía, người ta mới nhận ra cái vô nghĩa và hậu quả dai dẳng khủng khiếp của nó. Nhà thơ Bảo Sinh có cái nhìn rất dân gian và sâu sắc:

Kìa trong Hán Sở tranh hùng,

Quân kỳ ca khúc trùng trùng khắp nơi

Trông gần chính nghĩa sáng ngời

Nhìn xa chỉ thấy lũ người giết nhau

Hòa giải là vấn đề còn rất nan giải. Có chuyên gia, trí thức Việt kiều danh tiếng, luôn quan tâm đến vận nước, nói thẳng rất đáng suy ngẫm nguyên văn như sau: “Tôi cho rằng sẽ không bao giờ có hòa giải. Những người cộng sản nói hòa giải thực chất là kêu gọi qui hàng, trước đây qui hàng thì được bỏ tù không bị giết. Còn bây giờ qui hàng là hợp tác những gì mà họ cho hợp tác. Sau nội chiến về chính sách kỳ thị ở Nam Phi, Tổng thống Mandela đã cho điều tra tội ác nhưng không để xét xử, và không cho phép xét xử người phạm tội trước đó, mà chỉ làm rõ trắng đen. Sau nội chiến ở Mỹ, Tổng thống Lincoln tuyên bố và ra luật cấm trả thù, mọi người đều được đối xử ngang nhau. Ở Việt Nam thì chính sách trả thù là rõ ràng. Và cho đến bây giờ vẫn chỉ với một đảng, dựa vào cái gọi là “đấu tranh giai cấp” nhằm loại trừ dựa vào lý lịch thì dù ông Võ Văn Kiệt có tốt bụng cũng không thể có hòa giải. Họ chỉ tha chết, tha tù, chứ không thể làm người bình thường.

Ngẫm suy, muốn cho người khác hiểu mình thì cách tốt nhất vẫn là hành động. Nói sáo rỗng và lý thuyết suông sẽ chẳng thuyết phục được ai. Cải cách thể chế và thực hiện dân chủ vẫn là con đường tốt nhất để dẫn đến “hòa giải dân tộc”. Ngạn ngữ có câu “một gam thực tế có giá trị hơn một tấn lý thuyết”.

Chỉ có hành động thực sự và tôn trọng sự thật mới mong cứu vãn được tình thế và lấy lại được lòng tin. Đừng u mê, lú lẫn trong đám hỏa mù của sự ích kỷ và lừa gạt của các thế lực ngoại bang. Hãy sáng suốt hành động vì chính mình và dân tộc mình! Vấn đề “hòa giải dân tộc” là một trong những nền tảng cơ bản của nước Việt để xây dựng một quốc gia phát triển hùng mạnh, có đầy đủ khả năng đối đầu với các thách thức nhiều mặt của thời đại.

Trong tiểu thuyết Dòng đời cách đây 10 năm, ông Nguyễn Trung, một sĩ phu Bắc Hà (nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã nêu ra nhiệm vụ của cả nước mình về hòa giải dân tộc, cốt truyện cũng nói lên tinh thần này, phần nào làm rõ trong kháng chiến chống Mỹ còn có một cuộc nội chiến ác liệt. Truyện nêu rõ việc xé đôi đất nước và xé lòng mỗi người dân Việt ta. Đây là lần đầu tiên trong một tiểu thuyết ở nước ta dưới thời nay dám nêu lên vấn đề nội chiến, phúc đức bảy mươi đời là truyện dày quá (4 tập, khoảng 1500 trang) nên thoát được kiểm duyệt. Tôi hiểu và chia sẻ với tác giả Nguyễn Trung về hòa giải dân tộc trong tâm khảm của ông lớn quá mức chịu đựng, đến nỗi gần như phát ốm mỗi lần đụng chạm đến vấn đề này. Bởi vậy, ông vừa chia sẻ, vừa thương cảm chân thành khuyên tôi, đừng mất công sức, thời gian đụng đến đề tài “Hòa giải dân tộc” vì nó vô vọng trong thể chế hiện nay.

Thay cho lời kết

Khi xã hội còn tồn tại hay nảy sinh mâu thuẫn, hòa giải luôn là giải pháp khắc phục ít bị tổn thương nhất. Con đường đi đến hòa giải còn rất gian nan nhưng là cần thiết và bức xúc, cần có thiện chí của cả hai bên nhưng chủ yếu quả bóng đang ở trong chân lãnh đạo Việt Nam ở trong nước và nhìn rộng hơn, đấy còn là vấn đề được đặt ra ở quy mô thế giới chứ không chỉ trong nội bộ nước ta.

Hòa giải không phải là tự xưng tụng, nhắc đến chiến thắng của mình một cách cao ngạo. Hòa giải là vấn đề tự thân và tình cảm, tâm thế thì phải chân thành, khiêm nhường. Bản chất của hòa giải hiện nay không còn là ý thức hệ, không còn là chiến tranh thắng thua mà bản chất vướng nhất của sự hòa giải nằm chính trong xã hội chúng ta đó là sự yếu kém, tụt hậu về kinh tế xã hội so với khu vực. Quyền và vai trò của người dân đối với nhà nước và xã hội vẫn bị giả tạo. Nhu cầu cơ bản, trong xã hội của người dân vẫn bị coi thường, xem nhẹ. Dân Việt vốn rất xứng với cái danh xưng “ngàn năm văn hiến”, vậy mà giờ đây suy thoái đủ đường – từ lời ăn tiếng nói cho tới cách hành xử. Về bản chất, tất cả những vấn đề bất cập nói trên đã ngăn trở sự hòa giải.

Điều đau đáu lớn nhất đối với bà con Việt kiều là mong đất nước phát triển, người dân được hưởng càng sớm, càng tốt, càng nhiều các thành tựu văn minh của loài người như các nước phát triển trên thế giới.

Cầu mong cho đất nước này sẽ mãi không có chiến tranh và cũng không có “kẻ thua, người thắng” và xin mượn lời ông Nguyễn Trung để kết luận bài báo này: “Hòa giải dân tộc chỉ có được khi chính dân tộc này tự vượt lên được chính mình để thay đổi chính mình và một khi có được Việt Nam của hòa giải dân tộc, đấy sẽ đúng là một Việt Nam của người Việt Nam với tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất, như khi nó đã trở thành ước nguyện và hành động của mọi tầng lớp xã hội để làm nên Cách mạng Tháng Tám.”

Comments are closed.