“Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các khuynh hướng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt: trường hợp bản Kinh Kính Mừng” (phần 26)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các khuynh hướng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt qua bản Kinh Kính Mừng. Bắt đầu từ bản gốc bằng tiếng La Tinh trung cổ và các bản bằng Hán ngữ vào đầu TK 17 so với các bản Nôm sau đó và cuối cùng là chữ quốc ngữ. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJsprintsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (TCTGKM), Kinh Kính Mừng (KKM), Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (TGYLQN). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Đầu tiên hãy xem qua các bản KKM vào TK 17 khi truyền đến ĐNA.

1.1 Bản Kinh Kính Mừng bằng La Tinh

Ave Maria, gratia plena, Dominus tecum. Benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui, Iesus. Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae. Amen”. Đây là bản KKM La Tinh[2] có 32 chữ mà các LM de Rhodes và Maiorica đã học thuộc lòng từ nhỏ cho đến khi xuất ngoại để truyền đạo. Trang 149-150 PGTN có ghi đoạn đầu của KKM "Ave gratia plena, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus" nghĩa là (tạm dịch/NCT) "Chào mừng (đức Mẹ Maria) đầy gratia (ân sủng), đức Chúa Trời (Thiên Chúa) ở cùng bà, trong giới phụ nữ thì bà có phước".

clip_image002PGTN

Để ý PGTN dùng trực tiếp dạng gratia tiếng La Tinh và cấu trúc câu "nữ trung Bà có phúc lạ", ngoài ra LM de Rhodes viết hoa chữ bà thành (danh từ riêng hàm ý đức mẹ Maria) và chữ Chúa. Đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ viết hoa dựa vào ngữ pháp và quy ước Tây phương. Chữ Nôm không có khả năng diễn tả danh từ riêng bằng cách viết hoa so với hiện tượng kỵ húy tránh trùng tên của vua chúa.

1.2 Các bản KKM bằng Hán ngữ vào đầu TK 17

羅明堅譯本

拜告,仙媽利亞,天主聖母娘娘,爾有大福,娠孕熱所,普世婦人,唯爾最尊大,得近天主。我聖母娘娘,為我告於天主,赦宥我等在生罪過,及死後魂靈,亞明

La Minh Kiên dịch bản (59 chữ)

Bái cáo tiên Ma Lợi Áthiên chủ thánh mẫu nương nương nhĩ hữu đại phúc thần dựng nhiệt sở phổ thế phụ nhân duy nhĩ tối tôn đại đắc cận thiên chủ ngã thánh mẫu nương nương vi ngã cáo ư thiên chủ xá hựu ngã đẳng tại sanh tội quá cập tử hậu hồn linh á minh (A Men)

La Minh Kiên là giáo sĩ dòng Tên người Ý, Michele Ruggieri (1543-1607), viết tên theo kiểu Đông phương với tên họ (viết tắt Ruggieri > La, Michele > Minh Kiên) đứng trước. Bản KTM của LM Ruggieri có 59 chữ (kể hai chữ A Men).

利瑪竇譯本

亞物,瑪利亞,滿被額辣濟亞者,主與爾偕焉,女中爾為讚美,爾胎子耶穌,並為讚美。天主聖母瑪利亞,為我等罪人,今祈天主,及我等死候。亞孟

Lợi Mã Đậu dịch bản (54 chữ)

Á vật, Mã Lợi Á, mãn bị ngạch lạt tế á giả, chủ dữ nhĩ giai yên, nữ trung nhĩ vi tán mĩ, nhĩ thai tử Da Tô, tịnh vi tán mĩthiên chủ thánh mẫu Mã Lợi Á, vi ngã đẳng tội nhân, kim kì thiên chủ, cập ngã đẳng tử hậuá mạnh (A Men).

Lợi Mã Đậu là giáo sĩ dòng Tên người Ý, Matteo Ricci (1550-1610), một cộng tác viên của LM Ruggieri trong việc soạn các tài liệu truyền đạo ở Trung Hoa vào đầu TK 17. Bản KKM của LM Ricci có 55 chữ gồm hai chữ cuối A Men. Để ý cách dùng chữ khác hơn bản của LM Ruggieri, nhưng có những cách dùng HV gần với bản KKM tiếng Việt sơ khai.

2.1 Bản Kinh Kính Mừng bằng chữ Nôm – tiền bán TK 17

LM Maiorica đã dịch ra chữ Nôm bản KKM trong TCTGKM và giải thích rất chi tiết từ trang 109 đến trang 116 (sđd). Từ các trang này, người viết/NCT tạm phục nguyên Kinh A Ve thời LM Maiorica như sau "A Ve Ma Ri A, đầy ga ra sa, Chúa Dêu ở cùng Bà, nữ trung Bà có phúc lạ, Bà thai tử Giê Su , Người là Mẹ Đức Chúa Trời, thì xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội , lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời" – có khoảng 54 chữ không kể 2 chữ A Men. Nhận xét về các bản KKM Nôm (Maiorica) và chữ quốc ngữ (PGTN, de Rhodes) vào giữa TK 17:

a. Kinh Kính Mừng có tên là kinh Ave (so với cách gọi Kinh Lạy Cha là kinh Thiên Chúa/kinh Tại Thiên vào cùng thời kì), dùng hai chữ đầu để gọi tên kinh.

b. Ghi âm các tiếng La Tinh trực tiếp như Ave, Maria, gratia, Giê Su (~ Da Tô), Deo (hay Dêu ~ Chúa trời), A Men – không có dịch ra ngôn ngữ bản địa như bây giờ.

2. Bản Kinh Kính Mừng bằng chữ Nôm từ cuốn TGYLQN – cuối TK 18

2.1 Bản lưu trữ trong thư viện tòa thánh Vatican – Đàng Trong

Hình chụp bản Nôm trong cuốn TGYLQN (thư viện tòa thánh La Mã) có 56 chữ và có các cách dùng khác như Kinh A Ve (so với Kinh Kính Mừng), Sang Ta (so với thánh), không có "đầy ân phúc" – bản Nôm từ thư viện Rome gọi là bản A

clip_image004

TGYLQN trang 52r – bản Nôm A

Tạm dịch/NCT với o là cách ngắt câu trong nguyên bản "Kinh o A Ve Ma Ri A o đầy ga ra sa o đức Chúa Trời ở cùng bà o có phúc lạ hơn mọi nữ o và Giê Su con lòng bà gồm phúc lạ o Sang Ta Ma Ri A o đức Mẹ Chúa Trời o khi nay cầu cho chúng tôi o là kẻ có tội o đến khi chết lại cầu giữ o A Miên (Men)".

Để ý lang HV 郎 phải đọc là sang (Nôm, tương quan l-s lực-sức, lãng-sóng, lạp-sáp…) và bản Nôm trên có 57 chữ gồm hai chữ A Men (A miên). Tuy nhiên, cũng bản Nôm TGYLQN do hai tác giả Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải gần đây hơn có vài khác biệt:

clip_image006

TGYLQN – Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh – bản Nôm B

Tạm dịch từ bản Nôm trên/NCT ) "Kinh kính mừng Ma Ri A đầy ân phúc đức Chúa Trời ở cùng Bà , có phúc lạ hơn mọi nữ , và Giê Su con lòng Bà gồm phúc lạ , Thánh Ma Ri A đức Mẹ Chúa Trời , khi nay cầu cho chúng tôi là kẻ có tội , đến khi chết lại cầu giữ , A men".

Có thể nhận ra ngay là bản Nôm B trên xuất hiện sau bản Nôm A vì tên gọi kinh là Kinh Kính Mừng Ma Ri A (so với bản Nôm A dùng Kinh A Ve Ma Ri A), thánh (so với Sang Ta của bản Nôm A), không có "đầy ân phúc" (so với cách dùng "đầy gratia" của thời các LM de Rhodes và Maiorica).

2.2 Bản Kinh Kính Mừng thời LM Philphê Bỉnh (1759-1833) – Đàng Ngoài

Trong các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh, rất là đặc biệt vì có bản Nôm và bản bằng chữ quốc ngữ (tuy ở trong hai cuốn sách khác nhau) – sau đây là hình chụp bản Kinh Ave Maria (Kinh Kính Mừng) chữ Nôm

clip_image008Kinh A Vê – trích từ tài liệu chép tay "Các Kinh Thường Đọc" bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ và chữ Bồ Đào Nha của LM Philiphê Bỉnh (khoảng cuối TK 18 và đầu TK 19). Tạm dịch từ bản Nôm/NCT (có tất cả 53 chữ) "A ve Ma Ri A o đầy ga ra sa o Chúa Dêu ở cùng Bà o nữ trung Bà có phúc lạ o Bà thai tử Giê Su o gồm phúc lạ o San Ta Ma Ri A o Đức Mẹ Chúa Dêu o cầu cho chúng tôi o kẻ có tội khi nay o cập thần đẳng tử hầu o A men o". Bản Nôm này giống y như bản chép tay bằng chữ quốc ngữ của LM Philiphê Bỉnh trong cuốn "Các Truyện Thánh và phép lạ" (theo NCT[3])

clip_image010

Trong các tài liệu chép tay khác, LM Philiphê Bỉnh cũng thường ghi lại các lời Kinh Ave Maria như trên, để ý là các cách dùng từ TK 17 như "nữ trung bà có phúc lạ", "Bà thai tử Jesu gồm phúc lạ", "khi nay cập thần đẳng tử hầu" (so với bản KKM của LM Matteo Ricci). Tên gọi kinh này cũng dựa vào các chữ đầu trong kinh là Ave và Maria giống như cách gọi Kinh Tại Thiên hay Kinh Lạy Cha. Câu cuối khó hiểu (vì lẫn lộn tiếng Việt và HV) được chính LM Philiphê Bỉnh dịch ra tiếng Việt cho dễ hiểu hơn (tiếng Việt vào cuối TK 18 và đầu TK 19, thủ bút của LM Philiphê Bỉnh) – trích từ cuốn Sách Các Kinh (theo NCT) mã số thư viện Vatican Borg.tonch.16:

clip_image012

3. Bản Kinh Kính Mừng bằng chữ Nôm năm 1869

Trích từ cuốn "Năm 2000 đọc và học các kinh Thánh qua các bản dịch tiếng Việt" của LM Cao Vĩnh Phan – trang 192 dịch ra chữ quốc ngữ/NCT "A Ve Ma Ri A đầy ga ra sa chúa Deo ở cùng bà nữ trung bà có phúc lạ bà thai tử Giê Su gồm phúc lạ Sang Ta Ma Ri A đức mẹ chúa Deo cầu cho chúng tôi kẻ có tội khi nay cập thần đẳng tử hầu". Tài liệu trích này gọi KKM là Kinh A Ve Sang Ta (Sang Ta viết chữ Nôm là 郎 些 là ghi âm tiếng Bồ Đào Nha santa, nghĩa là thánh nữ) và có tất cả 53 chữ.

4. Kinh Kính Mừng vào cuối TK 19 và đầu TK 20

Bản KKM sau đây trích từ cuốn "Chrestomathie annamite contenant 180 textes en dialecte tonkinois…" của tác giả Edmond Nordemann (tên Việt là Ngô Đê Mân 吳低旻 hay Tô Năng Văn 蘇能文 đây là những dạng đọc đơn âm hóa từ tên họ Nordemann). Bản này có 53 chữ. Số chữ ghi âm trực tiếp từ tiếng Bồ và La Tinh là 19 trong 53 chữ, hay khoảng 36 % so với các từ HV rõ nét cũng cùng một số lượng 38 %. Đặc biệt là ngữ pháp như "nữ trung bà có phúc lạ, bà thai tử Giê Su, cập thần đẳng tử hậu". Bản KKM này có 53 chữ:

clip_image014

Vào giai đoạn này thì Đàng Ngoài gọi Kinh Kính Mừng là Kinh Ave (A Vê), Kinh Ave Sang Ta so với Đàng Trong gọi là Kinh Kính Mầng (Mừng), dựa vào các tự điển của học giả P. Vallot/Ravier-Dronet và Trương Vĩnh Ký (sđd). Sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai miền đã phôi thai khi Đàng Trong bắt đầu mở rộng biên giới từ TK 17 (Nam Tiến). Một nhận xét ở đây là Đàng Ngoài có khuynh hướng bảo lưu các dạng cổ hơn so với Đàng Trong, có thể từ lịch sử tiếp cận ngôn ngữ liên tục trong quá trình Nam Tiến và khả năng liên lạc (rất khó khăn) giữa các miền vào thời buổi cấm đạo CG. Thời đại này cũng còn để lại vết tích qua lời kể chuyện bà nội LM Vũ Khởi Phụng[4] đọc KKM, trong bài viết "Ôn lại những lời kinh xưa" như sau:"Thuở xưa, bà nội tôi đọc kinh theo kiểu cổ. Công Đồng Đông Dương đã sửa kinh, nhưng cả chục năm sau đó bà vẫn đọc những lời kinh bà quen từ hồi còn trẻ… Kinh Kính Mừng thì bà tôi đọc: <Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giê-su gồm phước lạ. Xăng-ta Maria, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen>. Ga-la-ti-a đây tức là Gratia ( tiếng Latinh ): ân sủng, ân phước. Chúa Dêu, tức là Deus, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, phát âm theo kiểu Bồ Đào Nha. Hết âm hưởng của tiếng La-tinh thì đến những từ Hán Văn: “Nữ trung bà có phước lạ”, dịch lại là: “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”, còn “khi nay và cập thần đẳng tử hậu” thì dịch lại là “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chỉ có “Amen” là đi xuyên suốt từ thời Kinh Thánh, bất kể phương Tây hay phương Đông, thời xưa hay thời nay" (hết trích, sđd). Thật ra A Men đã từng dịch ra tiếng Việt là chớ gì hay chớ chi (td. "Sách Các Phép" của LM Hilario de Jesu, sđd), viết chữ Nôm là 渚之 chử chi HV, nhưng không thấy thông dụng và không thấy dùng nữa so với A Men.

5. Kinh Kính Mừng hiện đại

KKM hiện đại có 56 chữ và số chữ ghi âm trực tiếp từ tên người là 10, hay khoảng 18 % so với số chữ HV rõ nét là 32 %. Ngữ pháp trong KKM hiện đại hoàn toàn phù hợp với thứ tự và cấu trúc tiếng Việt thời nay: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc (phước), Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ, hơn mọi người Nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này (nay) và trong giờ lâm tử. Amen".

6. Bàn thêm về các bản KKM

6.1 Cách dùng "nữ trung" rất đáng chú ý, phản ánh cách dùng từ HV nữtrung cùng thứ tự chữ của Hán văn, đã hiện diện ngay trong bản KKM Hán ngữ của LM dòng Tên Matteo Ricci vào đầu TK 17. LM Ricci dùng "nữ trung nhĩ" (nhĩ 爾 là nhân xưng đại danh từ ngôi thứ hai ~ bà) theo đúng nguyên bản La Tinh, nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì là "nữ trung bà" theo ngữ pháp linh hoạt của đại từ nhân xưng ngôi thứ hai phái nữ (nhĩ ~ bà, chị, em, cô, mày…). Cách dùng đặc biệt này được LM de Rhodes ghi lại trong PGTN (xem bên trên) và trong VBL trang 837

clip_image016

VBL trang 837

LM Maiorica đã dành một trang để giải thích câu "nữ trung bà có phúc lạ" – TCTGKM trang 112-113 (sđd). Điều này cho thấy tầm quan trọng của câu nói này, cũng là câu chúc của nữ thánh Elisabeth cho đức mẹ Maria (Luke 1:42). Phần trên của câu này là lời chào của thiên thần Gabriel đến đức mẹ Maria (Luke 1:28). Một điểm đáng chú ý là LM Maiorica chỉ giải thích chi tiết đến câu "bà thai tử Giê Su" trong KKM, phần còn lại trong kinh thì ông nhập chung thành một đoạn nhỏ là "giảng phần sau trong kinh Ave". Một lý do là phần sau của KKM chỉ được chính thức hóa sau công đồng Trentô và công bố bởi tòa thánh La Mã vào năm 1568. Sau đó khoảng hai thập niên thì LM Maiorica mới ra đời, cho nên phần sau KKM vẫn còn tương đối khá mới mẻ đối với ông. Ngay cả đến thời LM Philiphê Bỉnh, Kinh Ave cũng chấm dứt ở câu "bà thai tử gồm phúc lạ", và ông viết là tên Giê Su, Ma-Ri-A hay phần sau cùng là do hội thánh La Mã thêm vào sau này, phần thêm vào ông gọi là Kinh Santa – trích từ cuốn Sách Các Kinh (theo NCT) mã số thư viện Vatican Borg.tonch.16.

6.2 Các cách dịch chữ ‘gratia’

Gratia là tiếng La Tinh, PGTN dùng trực tiếp chữ này trong bản dịch ra chữ quốc ngữ và thường thêm vào một cụm từ (phrase) để cho rõ nghĩa hơn "là nghĩa cùng đức Chúa trời" trong bản tiếng Việt dù không có trong bản La Tinh – thí dụ như trang 140 (PGTN) bên dưới

clip_image018

PGTN trang 140

Gratia (L) có một phạm trù nghĩa rất rộng như trong tự điển La Tinh – Việt của LM Taberd (sđd): ơn (ân), huệ, ơn nghĩa, tha (thứ tha), ân xá, tiện (lợi), ích lợi, nhan sắc, xinh, tốt lành, lịch sự, v.v. Trong bản Nôm TCTGKM, gratia được kí âm bằng cách đơn âm hóa thành ca la sa [犭歌][5] clip_image020 沙 nhưng vào thời LM Béhaine thì là 歌羅沙 (ca la sa HV). Gratia là gốc của các từ grace (tiếng Anh), grâce (tiếng Pháp), graça (tiếng Bồ Đào Nha), graza (tiếng Tây Ban Nha)… Gratia còn là gốc của các cách nói cảm (cám) ơn (gratias agere/L – VBL trang 82 ~ thank you, thanks/A, merci/P) của tiếng Tây-Ban-Nha (> gracias), tiếng Ý (> grazie), tiếng Catalan (> gràcies), tiếng Maltese (> grazzi), tiếng Quechua Cuzqueño (ở Peru, > grasias), tiếng Romansch (ở Thụy Sĩ, > grazia/grazie/grazcha), tiếng Visayan (Cebuano ở Phi-Luật-Tân > gracia), tiếng Walloon (thời xưa ở Bỉ, > Gråces), v.v. Cách nói trên[6] phản ánh phần nào ảnh hưởng của văn hóa CG vào đời sống bình thường và ngôn ngữ ứng xử của xã hội. VBL ghi cám ơn là gratias agere (L). Hình vẽ sau cho thấy một gia đình nông dân Âu Châu (năm 1653) đọc kinh nguyện cầu cám ơn[7] (đức Chúa trời) trước bữa ăn. Như vậy là ít nhất ba lần trong một ngày thì một gia đình CG, theo truyền thống, phải cầu nguyện để "cám ơn" Thiên Chúa trong ngôn ngữ của mình.

clip_image022

Trích từ trang https://www.nga.gov/Collection/art-object-page.10806.html

Vấn đề trở nên thú vị khi người Việt hay bổn đạo CG không đọc được chữ gratia theo giọng của thầy giảng ngoại quốc (giọng Bồ Đào Nha thì khác với giọng Pháp…), thí dụ như phải đơn âm hóa thành ga ra sa để dễ đọc như trên, và trường hợp này tạo ra nhiều mâu thuẫn như LM Philiphê Bỉnh đã từng ghi nhận "Chúng tôi còn phải chịu khốn khó hơn nữa, vì chưng Vít Vồ[8] Feciliano có bắt chúng tôi bỏ những thói đã quen và dễ, vì các thầy cả Vutughê đã dạy chúng tôi khi trước, thì cấm các bổn đạo khi đọc Ave Maria đầy Garasa, mà bắt phải đọc gracia, có đọc thì rằng tiếng ấy là tiếng Vutughê[9], garasa là mỡ lợn béo[10], vì sự ấy bên Roma đã cấm, cho nên truyền cho các bổn đạo thay thảy phải đọc gracia, mà chẳng được đọc garasa, ai chẳng vâng cứ như vậy, thì chẳng được chịu phép Sacramento, bởi đấy thì có nhà bổn đạo chết không chẳng được xưng tội chịu lễ, mà con trẻ mới sinh chẳng được chịu phép rửa tội, bởi cha mẹ con trẻ ấy chẳng khứng vâng lời" trích từ trang 236 "Nhật trình kim thư khất chính chúa giáo” (sđd). Trong cuốn "Truyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong" trang 402, LM Philiphê Bỉnh cũng ghi lại các lấn cấn gây ra bởi âm đọc gratia trong tiếng Việt ".. song bổn đạo Anam khó nói tiếng graça, thì người thêm một chữ a nữa cho dễ nói, mà đọc rằng: garasa, thì cũng như tiếng graça, vì cùng một nghĩa ấy, song Vít Vồ Phê chẳng muốn cho bổn đạo ta đọc tiếng Poetuguez nữa, thì truyền đọc gracia, là tiếng Hispanho[11]" (sđd). Để ý rằng cũng có khi gratia được ghi bằng dạng bốn âm tiết trong tiếng Việt: trong Sách Các Phép, LM Hilario de Jesu ghi gratia qua dạng Nôm/quốc ngữ là ga-ra-s-a. Dạng bốn âm tiết này còn thấy qua dạng ga-la-ti-a trong bản KKM của bà nội LM Vũ Khởi Phụng trích lại ở trang trước.

6.3 Chúng trong cách dùng ‘chúng tôi, chúng con’

Chỉ trong khoảng một trăm năm nay mà đại từ nhân xưng số nhiều chúng tôi trong KKM đã đổi thành chúng con cũng như trong Kinh Lạy Cha. Một chữ dùng chung là chúng rất đáng chú ý. Đại từ chỉ số nhiều tiếng Việt là loại từ ghép gồm một từ chỉ số đông/nhiều) như chúng, mớ và phô (hàm ý kính trọng) vào thời VBL. Tuy VBL không có mục chúng riêng so với chúng tôi (trang 121, ghi thêm chúng nó), nhưng giải thích chúng là một tiếng đệm (particula/L) chỉ số nhiều. Chúng[12] là âm đọc HV của chữ 眾. Từ điển Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi thêm chúng qua, cho tới thời Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (sđd, 1895). Sự hiện diện của mớ qua (Béhaine/Taberd/Huỳnh Tịnh Của) cho thấy cách dùng qua[13] (tôi) đã trở nên phổ thông ở Đàng Trong từ thế kỉ XVIII. Bây giờ thì ít thấy ai dùng qua (tôi) ở Nam Bộ, trừ vài trường hợp người già hay ở các vùng quê hẻo lánh. Tiếng Mường Bi còn dùng tàn (đàn) để chỉ số nhiều như tàn ủn (đàn em), tàn pổ (đàn bố ~ các bố, các ông), tàn pay (đàn bay ~ chúng bay) tàn miềnh (chúng mình), tàn nả (chúng nó), tàn qua (chúng tớ, chúng em), tàn pà (đàn bà), tàn ông (đàn ông), tàn ong (đàn ong ~ bầy ong) so với cách dùng đàn người ta trong VBL (trang 198).

Xem lại chữ chúng[14] 眾 衆 乑 众 㐺 (thanh mẫu chương 章 vận mẫu đông 東 khai khẩu tam đẳng, bình/khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết 之仲切,終去聲 chi trọng thiết, chung khứ thanh (TVGT, NT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TTTH, TG 字鑑, LTCN 六書正譌, TVi/CTT) – TVGT/NT ghi 多也 đa dã – TVGT ghi 古平聲 cổ bình thanh dẫn đến dạng phục nguyên *chung < *đung/*đông

TNAV ghi vận bộ 東 đông (khứ thanh)

之戎切 chi nhung thiết (TV, LT) TV ghi bình thanh

職戎切 chức nhung thiết (QV)

CV ghi cùng vần/bình thanh 中 衷 忠 終 螽 衆 鍾 鐘 忪 彸 橦 (trung chung đồng)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 衆 中 衷 種 穜 㼿 潼 重 (chúng trúng/trung chủng/chúng *đồng trọng)

陟隆切 trắc long thiết (CV)

諸仍切,音蒸 (TVi, KH) chư nhưng thiết, âm chưng

諸良切, 音章 chư lương thiết, âm chương (TVi)

才淫切,音蒸 tài dâm thiết, âm cầm (KH) – đây là một cách đọc cổ của 众 㐺 là 魚音切 ngư âm thiết (TV), v.v.

Giọng BK bây giờ là zhòng so với giọng Quảng Đông zung3 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] zung5 [客英字典] zhung5 [海陆丰腔] zhung5 [客语拼音字汇] zung4 [梅县腔] zung5 [宝安腔] zung5 潮州话:zêng3 [揭阳]zong3, giọng Mân Nam/Đài Loan chèng/chiòng, tiếng Nhật chu và tiếng Hàn chung. Một dạng âm cổ phục nguyên của chúng là *tuŋ-s mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng đông (đông đảo, đông người…). Như vậy cách dùng chỉ số nhiều dùng các từ mớ, phô, bọn, chúng (~ đông) đều hợp lý trong tiếng Việt rất khác với ngữ hệ Ấn Âu. Tuy để chỉ số nhiều, đại từ nhân xưng chúng tôi/chúng con[15] không bao gồm người nghe – so với chúng ta – một đặc tính của ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic) khác hẳn với ngôn ngữ Âu Châu và Hán ngữ. Tương quan ch/tr-đ của chúng/chung – đông còn thấy trong các liên hệ[16] 遁 độn – trốn – chuồn, 窀 truân – chôn so với 屯 đồn – truân, 點 điểm – chấm so với chiêm/chiếm , 突 đột – chợt, 獨 độc – trọc so với 蜀 thục, 團 đoàn – tròn và 團 chuyên, 壜 đàm – chuôm, 助 trợ – đỡ so với 筯 trợ – đũa, v.v.

6.4 Số chữ và tỉ số chữ tiếng Việt và La Tinh của Kinh Kính Mừng

Bản Kinh Kính Mừng bằng La Tinh (có 32 chữ) hầu như không thay đổi trong những thế kỉ gần đây nên dùng làm “bản mẫu” để so sánh các bản dịch KKM bằng tiếng Anh, Pháp, Việt. Tiếng La Tinh lại khác với loại hình hình đơn lập (Isolating language – td. tiếng Việt): thí dụ như một chữ decalogus có bốn âm tiết nhập vào tiếng Anh thành decalogue (hay thường gọi là The Ten Commandments) khi dịch ra tiếng Việt có khi phải dùng 6 chữ cho rõ nghĩa[17] “Mười điều răn Đức Chúa Trời” (Đàng Ngoài) hay “Mười giới răn Đức Chúa Trời”, “Mười giới răn” (Đàng Trong). 32 chữ La Tinh khó mà chuyển (dịch) thành 32 chữ quốc ngữ hay chữ Nôm để cho thật rõ nghĩa. So với số chữ KKM bây giờ (56 chữ) thì tỉ số chữ quốc ngữ so với số chữ La Tinh là 56/32 = 1.75. Xem lại tỉ số chữ Việt và La Tinh của KLC bây giờ là 72/49 = 1.5. Dao động của tỉ số này đáng chú ý: td. tỉ số cũng được dùng để khảo sát các loại hình ngôn ngữ là tỉ số tổng hợp (index of synthesis) hay số (lượng) hình vị chia cho số (lượng) từ; thí dụ như câu “The boys saw the girl” có 5 từ nhưng có 8 hình vị trong tiếng Anh, tỉ số tổng hợp là 8/5 = 1.6, trung bình của tỉ số này cho tiếng Anh là 1.68 so với tỉ số (trung bình) của tiếng Việt là 1.06, tiếng Ba Tư là 1.52, tiếng Phạn là 2.59, tiếng Anh Cổ (Old English) là 2.12 và tiếng Eskimo là 3.72, v.v.

Biểu đồ số chữ quốc ngữ của Kinh Kính Mừng theo thời gian cho thấy khá ổn định từ tiền bán TK 17 (56 chữ), khác hẳn với biểu đồ số chữ trong Kinh Lạy Cha cho thấy cực tiểu (49 chữ) vào năm 1855 (là mốc thời gian) báo hiệu cho cuộc xâm lăng Pháp vào năm 1859.

clip_image024

clip_image025

Có nhiều lý do giải thích sự khác biệt giữa hai biểu đồ KKM và KLC bên trên: từ những yếu tố phức tạp trong việc phiên dịch (từ lăng kính thần học, tín ngưỡng và chủ đề có mức độ "nhạy cảm" cao…), tần số đọc hay dùng kinh cho đến tên riêng (nhân danh). Đây là một chủ đề thú vị không nằm trong phạm vi bài viết này.

6.5 Một số cách đọc chữ Nôm trong Kinh Kính Mừng

a) Tên đức Mẹ Maria được kí âm chữ Nôm là Mã Di A 瑪移阿 có lẽ dùng âm mã (thượng thanh 上聲, thanh ngã tiếng Việt) so với ma (bình thanh) để chỉ trọng âm của tên La Tinh Maria (ba âm tiết) và mang một nghĩa đặc biệt hơn. Ngoài ra có khuynh hướng lẫn lộn giữa các phụ âm đầu d và r (LM de Rhodes cũng ghi nhận điều này trong BBC, thành ra ri được kí âm là di 移 (và dạng xát hóa xi) phản ánh một cách đọc ở Đàng Ngoài. Đây là dạng Nôm từ thời LM Maiorica trong các sách Nôm (sđd) và còn hiện diện trong "Sách Các Phép" của LM Halario de Jesu và trong KKM chữ Nôm của LM Philiphê Binh. Tuy nhiên khi vào Đàng Trong thì cách đọc phụ âm đầu lưỡi/rung r có khác biệt nên ri được kí âm bằng bộ khẩu 口 hợp với chữ 苳, chữ [口苳] có thể đọc là ri hay rỉa (Béhaine/Taberd, sđd).

b) Giê Su có nhiều dạng chữ Nôm vào thời LM Maiorica: 支秋 (chi thu HV), 吱秋 (chi thu HV), 枝秋 (chi thu HV) và tới thời LM Hilario de Jesu, Philiphê Bỉnh và bản Nôm 1869 thì dùng dạng 支秋. Đáng chú ý là cả hai LM Hilario de Jesu và Philiphê Bỉnh đều ghi chữ quốc ngữ tương ứng là Jesu. Đến thời các LM Béhaine/Taberd thì Giê Su viết chữ Nôm bằng bộ trúc hợp với chữ chi 支 và chữ chu 朱 (xem các bản Nôm A và B bên trên), dù rằng dạng Da Tô HV đã hiện diện trong các tự điển của các vị này (1772/1773-1838). Da Tô 耶穌 cũng là âm HV rất khác với dạng kí âm ye su (yē sū theo pinyin). Tên riêng Jesus có gốc La Tinh Iesus, kí âm của tiếng cổ Hi Lạp Ἰησοῦς (Iesous) cũng do tiếng Do Thái ישוע‎ (Yeshua) hay יהושע‎ (Yehoshua), có nghĩa nguyên thủy là giải thoát (cứu nguy):"mà ông sẽ gọi tên là Iesus, vì chưng có cứu (kớu) dân mình cho khỏi tội đã phạm" PGTN trang 158, "đặt tên cho con là Giê-Su, nghĩa là chữa đời" TCTM quyển thượng trang 60. Các dạng su (su si, su/sui gia) và thu đã được VBL ghi nhận, nhưng Giê Su lại được kí âm bằng chi thu HV 支秋: điều này có thể do phụ âm xát s- đã chưa hoàn toàn trở thành phụ âm tắc t- vào thời VBL cũng như cách đọc vi sang/vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua, nguyệt sa… Một cách giải thích là là âm HV thời VBL (thu) lấy trực tiếng từ âm đọc tiếng Hán đương thời (*su), hay duy trì (tôn trọng truyền thống) cách đọc cổ hơn của thu – điều sau này khó xẩy ra vì tên riêng Giê-Su chỉ vừa mới nhập vào tiếng Việt thời VBL. Tóm lại, không nên đọc 支秋 là chi thu vì phụ âm xát s- (*su) vẫn còn hiện diện vào thời VBL. Nên nhắc ở đây tên loại thực phẩm truyền thống nổi tiếng của Nhật sushi: viết theo chữ Hán là 壽司 thọ ti, nếu là đọc thọ ti/tư thì thật là không phù hợp dù đúng theo âm HV, so với dạng shou si (shòu sī đọc theo pinyin) thì ai cũng có thể hiểu được vì là âm đọc gần với dạng sushi tiếng Nhật.

c) Thánh là nghĩa của tiếng Bồ Đào Nha santo (santa – bà thánh), gốc tiếng La Tinh sānctus. Thánh chữ Nôm thời LM Maiorica viết là san tô 山蘇 phản ánh cách đọc Đàng Ngoài (山 đọc là san so với sơn ở Đàng Trong). Do đó bản Nôm Kinh Kính Mừng của LM Philiphê Bỉnh dùng dạng san tô 山蘇. Tuy nhiên vào Đàng Trong thì không có đọc san nên các bản Nôm của LM Béhaine/Taberd dùng sang (< lang 郞, xem hình chụp KKM bên trên).

Tóm lại, so sánh các bản Kinh Kính Mừng từ La Tinh đến chữ Nôm, chữ quốc ngữ cho ta thấy khuynh hướng kí âm trực tiếp từ tiếng La Tinh các tên riêng (Maria, Jesus/Giê Su) hay các khái niệm tôn giáo đặc biệt hơn (gratia, santa, Dêu/Dêo) lúc ban đầu. Đồng thời một số từ Hán Việt và ngữ pháp cũng được sử dụng thời kì đầu như "nữ trung 女中", "thai tử 胎子", "cập thần đẳng tử hầu 及我等死候". Hiện tượng này cũng thấy trong hay công thức rửa tội "khi lấy một phép và một danh đức Cha, cùng đức Con, cùng đức Spirito Santo" (PGTN trang 248) so với "nhân danh Cha và Con và Phi Ri Tô Sang Tô" (TCTGKM trang 22) so với "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần 聖神"; cũng như cách dịch địa danh/nhân danh như Frank (thời trung cổ hàm ý người/nước Bồ Đào Nha) so với "Hoa Lang 花郎", France so với "Pha Lang Sa 坡郎沙", Paris so với "Ba Lê 巴黎"…v.v… Tên gọi kinh cũng có nhiều dạng như kinh Ave, kinh Ave Maria, kinh Ave Sangta, Thánh Mẫu kinh 聖母經 (TQ), kinh cầu nguyện Thánh Mẫu, kinh mừng đức Mẹ, Kinh Kính Mừng (hiện đại). Cách gọi Kinh Kính Mừng xuất hiện từ Đàng Trong trước nhất, cũng như một số cách dùng chữ Nôm cũng khác với Đàng Ngoài phản ánh các âm đọc khác nhau (phương ngữ) cũng như khuynh hướng bảo lưu kinh/ngôn ngữ cổ hơn của một số địa phương. Hi vọng bài này sẽ là động lực cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt từ thời các LM de Rhodes/Maiorica sang ĐNA truyền đạo và hiểu rõ hơn quá trình hình thành tiếng Việt ngày nay.

7. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

clip_image026 (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Phillipe Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

clip_image027 (khoảng 1794-1802) "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh. Các sách viết tay khác như Sách Các Kinh, Các Truyện Thánh và phép lạ, Các Kinh Thường Đọc (Nôm) ‘theo NCT’ – có thể đọc từ thư viện Vatican.

3) Jean Bonet (1899) "Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire" NXB Imprimerie nationale, E. Leroux – Paris (Pháp quốc).

4) Đỗ Quang Chính (2003) "Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam" có thể xem toàn bài trên trang https://dongten.net/2014/02/13/nhin-lai-giao-hoi-hoa-minh-trong-xa-hoi-viet-nam/…v.v…

5) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

6) Hilario de Jesu (tiền bán TK XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

7) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

clip_image028 (1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – SAIGON

8) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỉ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn – Đại Học Sư Phạm Hà Nội

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Vũ Khởi Phụng (2010) "Ôn lại những lời kinh xưa" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://giadinhanphong.blogspot.com/2010/06/lm-vu-khoi-phung-cssr-on-lai-nhung-loi.html

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image029 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image030 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image031 "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

13) Nguyễn Cung Thông (2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5A” có thể đọc toàn bài trên trang này http://chimviet.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_TiengVietDeRhodes_P05A_KinhLayCha.pdf hay http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/242899.htm, v.v.

clip_image032 (2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5B” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes—kinh-lay-cha-phan-5b-d-45232, v.v.

clip_image032[1] (2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5C” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2020/02/18/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha-phan-5c/, v.v.

clip_image033 (2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5D” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://vandoanviet.blogspot.com/2020/12/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh.html

14) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Phần đầu KKM có gốc từ bản kinh bằng tiếng Hi Lạp, lịch sử KKM không nằm trong phạm vi bài viết này.

[3] Một số lớn sách chép tay của LM Philiphê Bỉnh không có tên chính thức (ở ngay đầu trang), do đó người viết dựa vào đầu đề của các trang chép tay này để gọi tên các tài liệu này (~ theo NCT).

[4] LM Vũ Khởi Phụng (1940-2016) – thuộc Dòng Chúa Cứu Thế – đến từ giáo phận Bùi Chu (ông học tiểu học ở giáo sứ Trung Lao), những địa danh thân quen của LM dòng Tên Philiphê Bỉnh (đề cập nhiều lần trong bài viết này). Do đó, bản KKM mà bà nội ông đọc (học thuộc lòng, dù bà không biết tiếng La Tinh) cũng là bản KKM từ thời trước truyền lại ở Đàng Ngoài tuy không thấy đoạn "kẻ có tội".

[5] Để ý chữ Nôm ga viết bằng bộ khuyển , nhưng theo TS Nguyễn Thị Tú Mai thì viết bằng bộ lực (sđd).

[6] cám ơn (~ cảm ân HV 感恩) đã hiện diện trong tiếng Việt vào thời VBL: cám ơn (trang 82) và cám ơn đức Chúa trời (trang 586). Tiếng Trung (Quốc) thường dùng 謝謝 tạ tạ, 感謝 cảm tạ, 謝了 tạ liễu… Để ý VBL trang 712 trong mục tạ cũng ghi cách dùng tạ ơn (agere gratias/L).

[7] Truyền thống cầu nguyện khi ăn đã có rất lâu đời (td. dân Do Thái) để cám ơn những gì Thiên Chúa ban cho…

[8] Vít-Vồ là kí âm tiếng Bồ-Đào-Nha bispo, phụ âm môi b > phụ âm môi răng v, nghĩa là giám mục/đức cha/đức thầy/thầy cả (LM de Rhodes dùng thầy cả trong PGTN/VBL). Vít-Vồ viết chữ Nôm là viết vô HV 曰無.

[9] Vutughê là kí âm của Português hay Bồ Đào Nha bây giờ (phụ âm môi p > phụ âm môi răng v), các dạng khác là Hoa Lang (cổ hơn), phutughê. LM Maiorica kí âm Portugaes/dạng cổ là phu tu ca HV 夫須歌 (TCTGKM). LM Philiphê Bỉnh có lúc dùng dạng Vutughê và có lúc dùng dạng Portuguez trong các bản chép tay.

[10] Tiếng Pháp gras là mỡ thú vật (mỡ lợn…) cũng như dạng graisse. có thể tạo sự hiểu lầm qua các âm đọc giống nhau này! LM Philiphê Bỉnh trong phần sau có nhắc đến các âm đọc và kinh tiếng Bồ đã học từ xưa (từ các LM dòng Tên) và không muốn thay đổi theo các LM dòng khác. Về vấn đề mỡ lợn, đã từng có thời gian bị cấm dùng như trong bài viết "Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam" (sđd) của LM Đỗ Quang Chính "Ăn chay kiêng thit: có những vị thừa sai ở VN xưa giải thích rất ngặt việc kiêng thịt trong ngày buộc kiêng, đến nỗi cấm anh chị em bổn đạo không được phép dùng mỡ nước heo để chiên xào".

[11] Hispanho chỉ Tây Ban Nha (có gốc La Tinh là hispanus). Các giáo sĩ Tây phương như Matteo Ricci và Michele Ruggieri thường dùng tiếng Bồ Đào Nha để phiên âm bản ngữ hay khi đọc kinh kệ, LM Philiphê Bỉnh không muốn thay đổi truyền thống dòng Tên này. Khi ở Lisbon (Lisboa), ông đã trình bày các lấn cấn trên với vua Bồ Đào Nha cũng như mong ước vua gởi thêm các thừa sai người Bồ sang An Nam để truyền đạo.

[12] Có những cách dùng tùy thuộc vào địa phương như chúng ông (miền Bắc) so với bọn ông (miền Nam). Chúng sau này còn dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều, chỉ họ/người ta.

[13] Cũng như mỗ (tôi), qua (tôi, ta) thường xuất hiện trong ca dao tục ngữ và tác phẩm Đàng Trong như Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên), Hồ Biểu Chánh…

[14] Để ý cách viết cổ của chúng là ba chữ nhân hợp lại (ba người > đông) 乑 众 㐺

[15] So với đại từ nhân xưng tiếng Anh we (~ chúng tôi/chúng ta/ta) kể luôn người nói và người nghe (tính chất này gọi là clusivity/A). Ngôn ngữ như tiếng Việt có khả năng ‘nhận thức’ môi trường chung quanh và tiếp thu vào ngữ pháp, phản ánh một tư duy tổng hợp, thí dụ như "Tôi *bị lên chức" > "Tôi được lên chức" (thể bị/thụ động – passive voice), v.v.

[16] Phụ âm đầu đ- và tr/tl- có liên hệ lâu đời như đồ 徒 còn là trò và điền 田 còn có thể đọc là trần 陳: sách Xuân Thu ghi Trần Hoàn 陳完 thì Luận Ngữ ghi Điền Hoàn 田完… TVGT ghi rõ là điền: 田 trần dã 陳也…

[17] Để ý mười điều răn CG dịch ra tiếng Trung (Quốc) là 十誡 thập giới, rất dễ nhầm với thập giới của Phật giáo, càng ít chữ thì nội dung thông tin càng ít đi và độ chính xác cũng giảm đi. Trong Sách Các Phép trang 175 (sđd), LM Hilario de Jesu, hay còn gọi là Hilario Costa/Đức Thầy Hy rất rành Hán và Nôm, cũng từng ghi nhận sự khó khăn trong quá trình phiên Nôm "dù mà ta đã ra sức cứ một tiếng An Nam chỉ về cắt nghĩa một tiếng La Tinh cho bằng nhau, song le hai giống tiếng ấy là khác nhau xa cho nên chẳng có lẽ nào mà cứ được như thế ấy mãi được vậy, có nhiều khi phải dùng nhiều tiếng An Nam cho được cắt nghĩa một tiếng La Tinh".

Comments are closed.