12 năm tạp chí Hợp Lưu (kỳ 2)

Trần Vũ

HỢP LƯU SAU 12 NĂM, TRANG TÔN KINH

HUYỀN HOẶC HẬU HIỆN ĐẠI (kỳ 2)

***

Tôi bước chân vào nghĩa trang Gò Vấp một tối vừa dứt mưa. Phần còn lại của nghĩa trang đã di dời, cải tạo chỉ là những vừng cây um tùm lá. Một góc tường đổ, chăng ngang sợi kẽm gai rỉ, đây đó lác đác vài gốc mả hoang không thân quyến nằm lẫn những hố sình. Buổi tối đen như mực. Càng bước vào sâu càng tối ám. Nhật Tuấn biến đâu mất. Tôi không biết anh ngồi ở đâu, cảm giác mình đi lạc. Tối quá, tôi mầy mò cố tránh những vũng nước bẩn và những bụi mía, đám trúc đâm tua tủa. Ai trồng mía ở đây? Bóng thiếu nữ vụt hiện ra.
– Anh tới mả em!
Những cánh tay trắng bất ngờ chập chờn vẫy. Những lùm cây lạo xạo. Ánh đèn cầy leo lét ở đâu cháy trong các hốc mả. Một tim đèn dầu phựt lên ma trơi.
– Anh ơi, mả em đằng này!
– Em ở mả này anh!
Tôi bắt đầu nhận rõ những chiếc bóng mảnh khảnh đang vây quanh vồ vập. Tiếng cười của các cô gái khiến khu mả vụt trở nên sinh động. Ðám con gái ăn sương cười rú chọc ghẹo.
– Anh tới mả em.
Tôi chọn cô gái đã mời đầu tiên. Thiếu nữ dắt tôi ra sau tấm bia. Các ngọn nến phụt tắt. Những chấm tim dầu đỏ cũng tắt ngấm. Khu mả trở lại tối tăm lạnh lẽo.
Cô gái trắng nhờ nhợ, chậm rãi bóc nhãn, rót bia. Lúc đi ra sau mộ tìm chỗ tiểu, tôi bật quẹt để nhìn gương mặt người chết: Nguyễn Thị Thanh Hương, hưởng dương 21 tuổi, không có ảnh. Ngọn gió chao khiến diêm quẹt tắt. Ý nghĩ cô gái ngồi cạnh cũng đang nằm phía trước, nhưng Thanh Hương đã đút nhãn, xé mực, mời bia. Ðêm nghĩa địa giống đêm trong bất cứ một quán bia ôm nào. Tôi đứng lên khi nghe tiếng Nhật Tuấn tìm. Thanh Hương chìa tay:
– Hoá vàng đi anh.
– Hoá vàng? Tôi không hiểu. Cô gái cười khúc khích:
– Tám lăm ngàn, tống đạt cho em đi.
Tôi đưa tiền, cô gái dặn với:
– Mả em ở lô 12/40, rảnh ghé chơi em.
Gò Vấp buổi tối khuya khoắc, đường về phía bệnh viện Cộng Hoà cũ vắng vẻ. Tôi rủ Nhật Tuấn đi ăn cháo Nhà Xác, nhưng anh nói xa lắm, tối quá không chắc còn bán. Chúng tôi ăn cháo rắn ở sạp Ả Oai. Ánh điện néon xanh mướt. Gương mặt cô bán cháo tím tái tựa xác chết, vô cảm trước những lời chòng ghẹo của vài khách nhậu. Tôi nghĩ đến cô gái bán bia ôm lúc nãy. Nhật Tuấn trách :
– Mày nhát quá. Ði chơi, chơi cho đáng tiền!
– Không thể nào làm giữa bãi tha ma như vậy. Với phải có tình cảm, trở lại nhiều lần thành bạn gái thân thì mới có thể…
Tôi không biết giải thích sao cho anh hiểu, cũng không sao phân biệt được trứng rắn với hạt sen trắng nõn trong tô cháo bốc khói nghi ngút.
– Mày lãng mạn công tử máy lạnh quá! Ăn cháo đi, ở đây rất ngon và rất rẻ.
Tôi húp cháo, vẫn nghĩ đến Thanh Hương. Làm sao cô gái biết sử dụng ngôn ngữ hay đến vậy? Hoá vàng? Tống đạt? Phải rồi vì đồng tiền tiêu ở quán bia ôm là đồng tiền ma quỷ. Ðồng tiền Việt kiều đổi ra bạc triệu như giấy cũng không có thật. Tất cả chỉ là vàng mã. Làm sao người viết ở ngoài nước với bill, voucher có thể nghĩ ra một câu gọi tính tiền văn chương hay hơn? Làm sao Thanh Hương, một cô gái trẻ bỏ học rất sớm, quê quán Cần Thơ chưa bao giờ đọc tiểu thuyết có thể nghĩ ra điều đó? Ðồng tiền đang tiêu trên đất nước này là đồng tiền ma quỷ. Không phải tiếng lóng của giới son phấn, chưa cô gái bia ôm nào nói với tôi ngôn ngữ đó và đồng nghiệp của Thanh Hương không đòi Nhật Tuấn trả tiền giống vậy. Hỏi Nhật Tuấn chuyên viên Ði Về Nơi Hoang Dã, hỏi Cung Tích Biền tác giả Cái Chết Của Một Con Ðĩ Ngựa, hỏi Nam Dao tác giả Người Mình, Phạm Xuân Nguyên, Phan Nguyên, nhị nguyên rất rành, rất am tường cũng chưa bao giờ nghe…
Sáng hôm sau, tôi bước chân vào quán bia-rượu-cà phê của thi sĩ Triệu Từ Truyền, chủ biên tạp chí thơ Gieo Mỡ. Sàigòn tháng 7, nắng gay gắt. Ðường Phan Thanh Giản-Ðiện Biên Phủ giữa trưa hầm hơi thiêu đốt. Càng tiếp xúc, tôi càng nhận ra cuộc đời tinh thần của giới sáng tác diễn ra nơi hàng quán. Tôi đã lê la bao nhiêu quán với Mai Thảo, Khánh Trường ở Cali, đã ngồi chiếu thịt cầy Nhật Tân với Nguyễn Huệ Chi, ăn bún chả Hàng Mành với Dương Thu Hương, uống cà phê Hồ Xuân Hương với Bảo Ninh, chui dưới gầm cầu Gia Hội ăn bánh khoái với Hoàng Phủ, leo dốc Nam Dao ăn bún dấm nuốt với Ngụy Ngữ, bar Thiên Ðường, Guns n’ Roses với Cung Tích Biền, cá sấu chấm chao, trúc, cheo, nhím, rắn, cóc, dơi, khỉ ở quán Tri Kỷ, Quê Hương, Thuyền Quang, Hàng Xanh, Hoàng Ty… Kể lại kỷ niệm hàng quán ở câu lạc bộ Triệu Từ Truyền trưa đó để giải thích thêm hiện tượng bản thảo trong nước đến tay chủ biên Hợp Lưu đôi khi vòng vo tam quốc thật tình cờ. Trưa nóng, tôi với Cung Tích Biền đánh cờ. Tôi thử đánh liên tiếp pháo trùng, pháo lồng, song pháo, thua xiểng liểng… Cung Tích Biền tác giả Ngoại Ô Dĩ An đánh cờ cũng huyền ảo như ông viết Dị Mộng. Tôi loay hoay cố nhớ truyện ngắn tâm lý Ván Cờ của Vĩnh Hảo để tìm lối thoát. Triệu Từ Truyền dẫn một thanh niên to, cao đến giới thiệu:
– Ðây là Bùi Chí Vinh, đây Trần Vũ viết trên Hợp Lưu.
– Ai cho đăng bài thơ Con Ngựa trên Hợp Lưu?
Bùi Chí Vinh đầy bia bọt, da sạm, đẹp trai, và du côn.
– Mày phải hỏi thằng Khánh Trường, hỏi chi ở đây. – Anh Cung Tích Biền đỡ hộ.
– Chính Vũ chép lại gởi cho Khánh Trường bài thơ Con Ngựa. – Tôi trả lời.
– Ai cho? Sao không xin phép? – Bùi Chí Vinh đã ngồi xuống, hất hàm.
– Anh Nam Dao sang Pháp đọc cho nghe, rồi chép lại.
Tôi kể lại chuyện những buổi tối cùng Nam Dao lê la các hầm rượu Paris, Nam Dao ngâm bao nhiêu bài thơ Bùi Chí Vinh đã đọc cho nghe năm 80. Tôi chép bài Con Ngựa ưng ý nhất gởi cho Khánh Trường.
– Hà, hà.. tay Nam Dao. Nam Dao thì toàn quyền…
Bùi Chí Vinh cười rung người, rồi lại bực bội:
– Nhưng sao không trả nhuận bút?
– Trên Hợp Lưu ai cũng viết chùa. Khánh Trường rất nghèo, không có tiền trả nhuận bút, nhưng nếu Vinh đòi thì trả.
– Trả một chai Whisky đi. – Bùi Chí Vinh đề nghị.
– Rồi.
Triệu Từ Truyền đem ra một chai Johnnie Walker nắp đỏ. Tôi đếm 180.000 đồng trả. Không khí tưng bừng trở lại. Cung Tích Biền dẹp cờ tướng, Triệu Từ Truyền ngâm thơ, đãi rượu rắn, cả đám cạn thêm két bia, khui chai rượu nhuận bút uống cho hết một buổi chiều hoang vu nữa trên mặt đất. Chép lại bài thơ Con Ngựa đã đăng trên Hợp Lưu số 11, để nhớ người thơ ngang tàng Bùi Chí Vinh và nhớ Khánh Trường còn thiếu nợ chai rượu ứng trước.

Tụi nó cưỡi lên anh làm ngựa
Khiến lưng anh trổ lông
và gáy mọc ra bờm
Anh vừa hí
vừa vặn mình nôn mửa
Một đống lạ lùng nửa áo nửa cơm
Tụi nó lại treo trước đầu anh
một giỏ hoa thơm
Có mùi văn chương có hương nghệ thuật
Anh nghiến răng nhai vội cuống cuồng
Ðến khi ợ mới biết mồm tàn tật
Tụi nó lại bắt anh ăn tươi sự thật
Nên nước mắt em đã đông đặc thành chuông
Anh cố sải dù bốn chân cà nhắc
Ðể thấy rằng mình còn một quê hương

Bài thơ thẳng băng không ẩn dụ. Giống đời sống tinh thần của giới sáng tác cũng diễn ra không ẩn dụ ở hàng quán, và giao lưu văn hoá, có lẽ, sau chót là giao lưu hàng quán với đầy tình cờ như tất cả đã gặp gỡ. Nếu qua cung cách đối xử trở thành bạn, thì giữ được tình bạn mới khó. Hợp Lưu đã thành công, giữ được Hợp Lưu còn là một thách đố.

* * *

Ðã điểm qua giai đoạn hình thành lịch sử, những khó khăn triền miên, những thành tựu nhất định, không thể không tiếp tục dàn bài mà các giáo viên văn chủ nhiệm không ngừng nhắc nhở: Ðã có thành tựu, phải có giới hạn và truy xét kinh nghiệm bản thân… những tiêu chuẩn đòi hỏi của văn học chính quy. Giới hạn của Hợp Lưu nằm ở đâu?
Mở lại các trang báo cũ, bạn đọc nhận ra ngay từ Hợp Lưu số 3, chủ đề văn chương nữ đương đại, Khánh Trường đã tham vọng… khai phá, vung lựu đạn đòi hỏi quyết liệt cách tân, đổi mới sáng tác. Hiện đại hoá văn chương Việt, hậu hiện đại hoá, hay đương đại hoá sẽ là khẩu hiệu, lá cờ quyết chiến-quyết thắng, quyết tử cho văn chương quyết sinh của chủ biên mặc dù anh không thể định nghĩa thế nào là hậu hiện đại. Ðiều kỳ lạ, rất đông đảo giới sáng tác đã đồng loạt lên đường trong giai đoạn đầu, đồng loạt khởi phát một phong trào sẽ để lại nhiều tiếng tăm lẫn tai tiếng: Phong trào sinh dục hoá thi ca. Song song, nẩy sinh một hiện tượng khác: Các sáng tác trên Hợp Lưu (và tạp chí Thơ, một tạp chí đồng hành, chuyên ngành, đồng tâm huyết) thường rất khác lạ, trên hình thức, trong kỷ thuật, với đầy liều lĩnh.
Nhưng làm sao tổng biên tập Hợp Lưu, Khánh Trường, chưa khoác lên mình áo hoàng bào trưởng thượng, chưa đội vương miện thi bá, chưa xuống tay đao phủ văn xuôi, chưa lập thuyết có thể triệu tập tinh hoa của sáng tác ngoài nước? Và tại sao tất cả cùng đi tìm dâm tính, noạ tính trong văn chương như Trương Vũ nhận xét? Tôi không tin Khánh Trường có khả năng giao tế đến mức quy tụ hào kiệt, anh đôi lúc rất vụng về miền viễn tây, khiến một số sáng tác first choice như trường hợp truyện ngắn xuất sắc Trong Buốt Pha Lê, Kịch Câm, Treo Ðầu Dây Quan Họ của Nam Dao, do tôi chuyển đến Hợp Lưu trước nhất, cuối cùng vì Khánh Trường chậm trễ đã xuất hiện trên Văn Học. Có thể giải thích, bằng ý chí quyết tâm khai phá, bảo vệ môi sinh hoang dã, hỗ trợ tối đa mạch văn không chính quy, giao hẳn mấy chục hectare đất trên Hợp Lưu cho các tác giả trẻ muốn làm gì làm, Khánh Trường đã lôi kéo về anh sức mạnh của sáng tác. Chính tự do tuyệt đối trong sáng tác, trên Hợp Lưu, không bài vị, không kỵ huý, không Khổng Mạnh, không quốc cấm, “no care” như Khánh Trường thường hãnh diện, đã tạo cơ hội mới cho sáng tác. Nguyễn Hưng Quốc nhận xét hiện tượng đó một cách tổng quan và đại cương hơn trên Hợp Lưu số 40:
“Nếu quan sát kỹ sinh hoạt văn học hải ngoại từ trước đến nay, chúng ta sẽ thấy hiện tượng thú vị: thỉnh thoảng, có lúc, hình như, tự dưng một số nhà văn, nhà thơ (đặc biệt là các nhà thơ), một cách hoàn toàn tự phát nhưng lại gần như đồng loạt, từ giã tờ báo này để cộng tác với một tờ báo khác. Sự ‘chuyển luồng’ ấy thú vị ở chỗ: nó tự phát nhưng lại khá đồng loạt. Và nó để lại dấu ấn không nhỏ trên diện mạo của cả tờ báo trước lẫn tờ báo sau. (Theo tôi, những hiện tượng ‘chuyển luồng’ như thế thể hiện rõ hơn đâu hết quá trình vận động lặng lẽ của ý thức văn học của từng thời kỳ). Những sự chọn lựa âm thầm ấy của giới cầm bút góp phần quan trọng, chắc chắn còn quan trọng hơn cá tính của người chủ biên, trong việc định hình diện mạo và giá trị của tờ báo, từ đó, dẫn đến hiện tượng có thể có hai tờ báo có những cộng tác viên chính tương đối giống nhau mà chất lượng vẫn khác hẳn nhau: một tờ khá, một tờ kém; một tờ cấp tiến, một tờ bảo thủ; một tờ trăn trở đi tìm cái mới, một tờ tiếp tục ầu ơ những bài ca cũ. Ðại khái, cũng chỉ chừng ấy người viết chính” (trích Vài Ý Nghĩ Thoáng Về Báo Văn Học, Nguyễn Hưng Quốc, HL 40).
Nhà phê bình chụp bắt chính xác điều mà giới sáng tác đã cảm nhận từ rất lâu. Phân tích đó đặc biệt đúng với Hợp Lưu, một tạp chí chia sẻ người viết với các báo bạn, Văn, Việt, Văn Học, Diễn Ðàn… nhưng sự ‘chuyển luồng’ đó khác thường ở chỗ tập trung vào mặt hình thức, dâm tính hoá văn chương cùng cực dưới tên gọi: Khai Phá – mục tiêu chánh thức thứ nhì của Hợp Lưu.
Có thể chia lớp người viết trẻ – hiểu theo nghĩa trung niên trẻ mà Thế Uyên định nghĩa- tham dự trên Hợp Lưu làm hai nhóm. Nhóm phá phách nổi: Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam, Ðinh Linh, Trân Sa, Trần Vũ, Vũ Quỳnh Nh., Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hoàng Bắc (trong thơ), Huỳnh Mạnh Tiên, Thế Uyên, Nam Dao, Chân Phương, Mai Ninh… và nhóm nghịch ngầm: Khế Iêm, Ngu Yên, Hoàng Mai Ðạt, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Tấn Hải, Dã Tượng, Ngọc Khôi, Phạm Việt Cường, Lê Thị Huệ, Nguyễn Hương, Lê Bi, Thuận Ánh… Những tác giả khác, hoặc thầm kín như trường hợp Hồ Ðình Nghiêm, hay tách bạch trầm tĩnh, tĩnh mịch riêng rẽ và độc lập tiếp tục văn nghiệp đã định hướng như Võ Ðình, hoặc thu gọn trong trường phái nhất quyết không phát vãng trinh tiết: Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, Thơ Thơ, Hồ Minh Dũng, Phan Thị Trọng Tuyến, Vĩnh Hảo, Miêng, Trần Thị Diệu Tâm, Sông Phố, Song Thao, Trần Mộng Tú… Nếu Chân Phương, Khế Iêm nhanh chóng chiếm chức lý thuyết gia của phong trào, trên mặt thi ca, trong văn xuôi chưa ai lý thuyết hoá những điều mình muốn viết. Tất cả chỉ biết ra đấu trường giác đấu với một chủ biên no care, với một tinh thần hung hãn của Mai Thảo.
Khai phá – phải hiểu là một cách nói đoạn tuyệt lịch sự. Giống Mai Thảo đã đoạn tuyệt với Tự Lực, chấm dứt một thời đại văn học, khởi sinh một thời kỳ Sáng Tạo nguy nga mới ngay khi ông vào Nam. Ðoạn tuyệt với Ðoạn Tuyệt của Khái Hưng, Nhất Linh. Ðoạn tuyệt với cái Tôi xã hội, Tôi chung của mùa thu tiền chiến. Lên đường, chất nổ đã ném vào, cờ đã phất lên, dù chưa biết đi về đâu. Có thể xem đây là nền tư tưởng chính của ban chủ biên Hợp Lưu cùng hai nhóm nổi-chìm trong suốt giai đoạn vừa qua. Một lập lại tư tưởng đoạn tuyệt của Mai Thảo, nhưng với chính… Mai Thảo. Ðoạn tuyệt với các bạn bè ông: Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Ðỗ, Thanh Nam, Võ Phiến, Túy Hồng, Tô Thuỳ Yên, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, v.v… Ðoạn tuyệt với cái Tôi Trí Tuệ của Thanh Tâm Tuyền! Ðoạn tuyệt luôn với hai thập niên hải ngoại thừa kế vừa qua. Lớn lao, khổng lồ, đầy tham vọng nếu đọc lại những gào thét của chủ biên Khánh Trường trong những lá thư toà soạn, nhưng đằng sau tư tưởng đó, là cả một vực thẳm sương mù trùng điệp mênh mông dài sâu hun hút, không đáy, không tiếng động, không hình dáng, không có gì rõ rệt. Vùng tuyệt Mù, như Thụy Khuê sẽ thật nhanh nắm bắt.
Trong đấu trường mờ mịt ở Châu Âu, Úc và Bắc Mỹ, trong chốn vắng tư duy đó, các tác giả hung hãn nhất, nhất quyết ra khơi. Phải nhìn nhận, trong những số Hợp Lưu đầu tinh thần ra trận của Phạm Tiến Duật đã có. Ðường ra trận mùa này đẹp lắm, trường sơn đông hú gọi trường sơn tây… Tất cả đã đồng loạt cùng một lúc thay đổi bút pháp, hình thức, câu chữ và đăng tập trung trong vài số báo. Nếu đại đa số chọn khuynh hướng biểu trưng đậm đặc, một số khác chọn trường phái dã thú, nhưng tất cả đều đã ùa đi tìm ấn tượng. Truyện ngắn Sắc Màu của Vũ Quỳnh Nh. đã mở đầu bằng ba câu nhập hết sức khiêu khích:
– Gái tơ, trẻ đẹp đủ cỡ, ông thích không?
– Gái trẻ đẹp biết cách chiều chuộng, mời ông vô?
– Gái…
(trích Vũ Quỳnh Nh, Sắc Màu, HL3)
Chỉ với ba chữ Gái rao mời sáng tác khai phá, Vũ Quỳnh Nh. đã khẳng định mình không thuộc trường phái Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, vứt trả hết cho thầy Trần Trọng Kim những tâm huyết của nghề văn. Cùng trên Hợp Lưu số 3, Trân Sa viết truyện tình Thời Nàng Còn Ðiên và chứng tỏ Sa biết điên. Bốn số sau, Bản Chính trên Hợp Lưu 7, kể lại những ám ảnh hốt hoảng của một thiếu nữ chạy đuổi bắt chính mình thời nhỏ đang lao xuống vực thẳm của đời sống. Hốt hoảng trước những vuốt ve si mê của Vũ Anh, một người bạn gái, hốt hoảng trước những ngón tay mảnh dẻ cởi cúc xoa êm dịu làn da trần dịu mát của buổi chiều vừa chấm nắng. Sau ân ái, Trân Sa lặng lẽ bước ra vườn, tắt đèn ngồi ở bậc tam cấp lắng nghe những im lặng của chính mình. Truyện ngắn đã cố dấy lên một luồng gió.
Trước 75, Trần Thị Ngh, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng cũng táo bạo, nhưng chủ yếu ở suy nghĩ, thường chay tịnh ở mặt hình thức. Trần Thị Ngh vẫn bấm cúc mặc áo dài ra đường sau mỗi trận làm tình ẩm ướt mồ hôi trong căn nhà hẹp có cửa khoá trái. Túy Hồng nhìn lên vách chiếc bóng sinh lý của đời sống vợ chồng. Nguyễn Thị Hoàng nằm suốt đêm trên đất, giữa căn biệt thự vắng vẻ Ðà Lạt, chỉ với những ngón tay xoắn xít trong tóc, chỉ dám mơn trớn cườm tay của cậu học trò dậy thì tên Minh. Lê Hằng loạn luân trong bản Tango cuối cùng và yêu rất nhiều cha xứ, nhưng chưa làm vị linh mục nào xuất tinh. Trân Sa, Vũ Quỳnh Nh, Phạm Thị Ngọc trong văn xuôi, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong thơ không vậy. Nguyễn Thị Hoàng Bắc vén áo dài thản nhiên ngồi tiểu, nghe tiếng nước đái nhỏ giọt trong bồn cầu tí tách, thứ nước ấm sóng sánh vàng hổ phách trong người tôi tuôn ra (HL35). Phạm Thị Ngọc không mặc lại áo lót sau khi làm tình nằm trần truồng nghĩ ngợi miên man, cho phép các nữ sinh chơi trò cô dâu-chú rể, cho phép trò Ngà đưa tay mân mê vú của trò Uyên giữa trưa nắng đứng ngọ giữa đồng (HL15). Lê Thị Thấm Vân năm 15 tuổi ngực dậy thì con gái, đầu vú nở bung (HL13), liếm sạch những giọt mồ hôi tình, sau Cuộc Tình (HL40) và Nguyễn Thị Thanh Bình, Trân Sa thích trần truồng dẫy dụa như con nhộng đưa ngực cho người tình… điểm tâm không chút nuối tiếc (HL18). Các tác giả nam còn táo bạo hơn nữa, Ðỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam nhanh chóng khiến các độc giả cao niên phải đội mũ bảo hộ mỗi khi đi xe ôm văn chương trên Hợp Lưu. Có thể nói, phong trào sinh dục hoá văn chương đã đem đến cách ân ái mới trong thơ văn ở ngoài nước. Mai Ninh, một tác giả chuyên trị nhục thể đến sau với Mây Một Ngày, với những tấm màn trắng phất phới phập phồng trên thân thể hai người đàn bà xiết chặt đùi ướt đẫm cùng giao hợp thân xác trong căn phòng xanh xao trông xuống cảnh vườn chùa u uẩn. Ðêm Rượu Ðợi của cùng tác giả này, đăng ngay sau đó trên Hợp Lưu, đánh dấu một cách nhìn tâm sinh lý khác. Lần đầu tiên, trong văn xuôi, nhân vật nữ chính xưng tôi yêu mê đắm một người đàn ông, chờ đợi suốt buổi chiều người tình lỗi hẹn, rồi quyết định làm tình với ông lão gác dan để thoả mãn dục vọng. Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng, Tuý Hồng, Trùng Dương, Trần Thị Ngh, Nguyễn Thị Thụy Vũ thời lao vào lửa đã chưa bao giờ cho phép sinh lý lấn lướt tình yêu đến như thế. Các truyện ngắn khác, Apocalypse Now của Vũ Quỳnh Nh., truyện ngắn dâm dật chủ ý của Thế Uyên, Không Khí Thời Chưa Chiến của Ðỗ Kh. với đối thoại sinh dục trắng trợn trong một căn phòng khách sạn Hồng Kông, hoặc Chỗ Trọ Trong Vườn Chuối của Ngọc Khôi, một tác giả bình thường không phát vãng trinh tiết, bất ngờ miêu tả những dòng nước lạnh chảy trên thân thể đàn ông hâm hấp rắn chắc trong một vựa chuối của hai mẹ con chuyên nuôi bệnh nhân trốn khỏi nhà thương điên, hưởng dương vật của người bệnh rồi lấy đá đập đầu cho đến chết! Với những miêu tả rõ ràng không dấu giếm, truyện ngắn đã đi tìm trận gió kinh thiên. Góp mặt của tôi giai đoạn đó, không khác bạn bè cùng đến với Hợp Lưu, nếu Giấc Mơ Thổ không nằm ngoài phong trào sinh dục, Mùa Mưa Gai Sắc là nỗ lực đoạn tuyệt với Nguyễn Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ (xin hiểu đoạn tuyệt với cách nhìn chính thống, không với tác giả Nguyễn Mộng Giác, nhà văn đàn anh đã đem đến say mê bao ngày Mùa Biển Ðộng).
Nhưng chính các thi sĩ mới là những kẻ đã lên đường quyết liệt nhất. Cùng trên Hợp Lưu số 3, số của thời nàng còn điên, số có gái tơ trẻ đẹp chiều chuộng đủ cỡ, Ðỗ Kh. chính thức lập khai sanh cho phong trào sẽ in đậm bàng quang anh: Âm đạo rung rinh có động cơ điều khiển, Âm hạch xẻo luôn cho mày hết đường động cỡn, Tôi kiếm con nào chừng mười ba mười lăm, Vừa lú nhú li ti lông xoăn, trả Cash! Chân Phương thừa nhận và lập thuyết: Trong thơ phải có vú… Rất nhanh, Linda Mặt Ngang, Trong Túi Việt Kiều Cái Gì Tôi Cũng Có của Ðỗ Kh, thơ rách toạc slip, soutien, mông, đít của Nguyễn Hoàng Nam, thơ yêu chồng cho chồng sờ mó của Lê Thị Thấm Vân làm thay đổi hẳn hình ảnh quý phái của thi ca.
Võ Phiến, một thời, đã định giá thơ một cách tôn nghiêm sùng bái: Thơ, con đường vương giả trong văn chương. Mai Thảo, cuối nghiệp văn, bỗng dưng quên hết những Chuyến Tàu Trên Sông Hồng, Ðêm Giả Từ Hà Nội, những Viên Ðạn Ðồng Chữ Nổi, những Hạnh Phúc Ðến Về Ðêm, quên hết gia sản của ba mươi năm viết tiểu thuyết, gia sản có Karen, người tình của Viễn, người đàn bà Thụy Ðiển tóc vàng nở nang, dâm đãng, khoả thân tự do đi lại trong căn appartement đường Catina mở tung cửa cho mọi người cùng nhìn ngắm.. quên hết những ngày ông Gần Mười Bảy Tuổi để tự định nghĩa lại mình: Thơ là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương! Tôi. Thơ.
Cuối nghiệp văn, có lẽ, Mai Thảo lẫn Võ Phiến đã ngỡ ngàng nhìn con đường chung quyết trở thành bãi tắm truồng, và thi sĩ mua dâm đứng phóng uế nhan nhản ở mỗi ngã năm bùng binh vương giả. “Chúng mày không đi ngã tắt vào văn chương, thơ không phải là chỗ cho chúng mày bôi bẩn, chúng mày không được bựa! Phất phơ hồn của bông hường, nghe trong phiêu bạt còn vương máu hồng.. Thơ của người ta biển trời, trí tuệ, chúng mày không bao giờ có thể cất cánh được, thơ của chúng mày ở dưới đất!” Mai Thảo, sinh thời hay bẳn gắt, cáu giận mỗi khi nghe bàn đến thơ hải ngoại. Ông xứng đáng… làm trưởng thượng của lớp người muốn đoạn tuyệt với ông. Trưởng thượng mắng lúc nào cũng nặng, nhưng thi sĩ tỉnh bơ, như Chân Phương vẫn giả vờ cười hoát ngộ, nghe ma quỷ vỗ tay (HL18).
Nhưng nếu Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trân Sa còn giữ được chiếc quần tắm nhỏ xíu xinh xắn dù mỏng manh của các nhà thời trang Elisabeth Arden, Prada, Hermès, Valentino; Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam, thêm Âm Hộ Ðịt của Trần Minh Quân, đã khơi khơi phóng xe máy thơ tốc độ cao với thân thể tô hô tồng ngồng không mảnh vải của họ. Chưa có thời nào thi sĩ làm thơ ngon lành vậy, và cũng chưa giai đoạn văn học nào bạn đọc thơ ngã xe gắn máy vỡ óc chết tươi nhiều như vậy. Nguyễn Hoàng Nam nhanh chóng tìm ra niêm luật của thơ khai phá. Dành đường, lấn trái, phóng nhanh, vượt ẩu bỗng nhiên, chỉ qua dăm bài thơ, một sớm chiều vụt trở thành tấm bảng chỉ đường của cả một nền thi ca hậu hiện đại.
Phản ứng của độc giả dữ dội, chắc chắn. Phản ứng của các đồng nghiệp tiết hạnh sôi nổi, qua Trần Mộng Tú, một thi nhân trong sạch, gởi bạch thư kháng cáo. Hồi (hiếp) (d)âm tức khắc ân cần của Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam. Trong Tổng Tập 20 Năm Văn Học Hải Ngoại, Nguyễn Hoàng Nam tự giới thiệu: Phục vụ tận tâm, giá cả phải chăng, giao tận nhà… Tận tâm đến mức Phạm Trọng Luật, ngòi bút tiểu luận Phật tử thuần hành khúc chiết của tạp chí, phải nhảy bổ vào làm Ðường Tăng phá vây cho Trần Mộng Tú sắp… bị khai phá. Ðường Tăng chưa kịp lần chuỗi hạt, Phạm Thị Hoài đã tiếp ứng Dương-Quá Ðỗ Kh. bằng ngọc nữ tâm kinh Sờ Linda, sờ luôn Ðường Tăng. Vương Trùng Dương của Toàn Chân Phái Hoàng Nguyên Nhuận dùng nhứt dương chỉ điểm mặt, và phái Võ Ðang chính giáo Mộc Hương, Ngô Nhựt Tân lao vào tiếp chiến với Ỷ thiên kiếm. Tây Ðộc Âu Dương Phong Thương Nguyên cứu Dương-Quá hạ độc thủ hàm mô công: Nguyễn Du bây giờ sống lại có thể viết Linda mặt ngang! Hợp Lưu các số 31, 33, 36, chủ đề tranh luận Thanh-Tục, bỗng chốc trở thành sân tinh võ, đấu chưởng hay hơn phim bộ. Giữa những tuyệt chiêu và giữa những đường gươm nguyên bá, Võ Ðình trầm tĩnh lập lại lời một hoạ sĩ Nhật Bản: Tôi không vẽ con két, tôi chỉ vẽ không gian két vừa bay qua. Võ Ðình muốn nhắc khéo tất cả: Trong thơ, văn, không gian mới là quan trọng, hơn sự vật. Ðỗ Kh đã có thể trả lời Trần Mộng Tú: Tôi không miêu tả bộ phận sinh dục, tôi chỉ tả không gian bộ phận sinh dục vừa đi qua… Duy phản ứng khác, trầm trọng hơn, nhà văn Nhật Tiến có lẽ đã nghĩ lớp viết trẻ dâm bôn ưa phá phách, không coi trọng chuyển động tâm huyết Hợp Lưu, xa rời dần tờ báo. Nói sao cho thầy hiểu, về người tình dễ thương bao ngày bọn em say đắm…
Nhưng tư tưởng chính đằng sau những bộ phận sinh dục treo, móc, dán, ướp, xâm trong thơ nằm ở đâu? Và thế nào là nền thẩm mỹ mới? Chân Phương, Khế Iêm, Hoàng Ngọc-Tuấn đã viết nhiều bài lý thuyết đăng trên Hợp Lưu, Việt, Thơ, nhưng với rất đông, hố thẳm sương mù vẫn sâu thăm thẳm. Tất cả đã cố gắng bơi về những bến bờ cận đại của thế giới. Sương mù phủ trùm lấp khó phân biệt đâu là bến hậu hiện đại, bến Ða Ða, bến lập thể, bến hiện thực huyền ảo.. Mặc, mù vẫn ra khơi. Không thấy đường vẫn cứ lên đường. Ði đâu chưa biết, tách bến, nhổ neo, sửa soạn chất nổ, chỗ nào có viện bảo tàng thì ném vào! Không gìn giữ tiếng mẹ đẻ, phải phá bể tiếng mẹ đẻ. Không bảo tồn di sản văn hoá, phải sắm sửa thêm cho văn hoá theo đúng thời trang thế giới, áo thun hở rún, quần xệ có đinh, slip string, piercing mũi, lưỡi, môi, rốn, văn chương ăn nhịp chuyển động toàn cầu, hết rồi thần tượng Che, hết rồi Marx, xa rồi Jane Fonda, phải bắt cho kịp dòng nhạc Kim Khí Ðen Black Metal, căn bệnh u trầm của Kurt Cobain và phơi bày cho bằng được cái đẹp sinh dục trần trụi lõa thể không phân biệt giới tính… Có thể tóm lược nền thẩm mỹ hình thức nỗ lực tối đa trên Hợp Lưu qua những dòng trên. Một nền thẩm mỹ giao (hợp) lưu như tên gọi bổn hiệu tạp chí. Giao hợp trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen với thế giới, với nhân loại, với những người đồng tính, với tất cả những gì có thể giao hợp. Nhưng cũng có thể tóm lược một cách nghiêm túc như Thụy Khuê đã nhạy cảm nắm bắt: Vùng Tuyệt Mù.
Vùng Tuyệt Mù? Phê bình thơ Nguyễn Thị Thanh Bình, một gương mặt khai phá cấp tiến trên Hợp Lưu, Thụy Khuê trích dẫn định nghĩa của Vũ Khắc Khoan: Cái đó, cái mà cho đến hôm nay, chưa một vị thiện-trí-thức, chưa một vị bồ tát nào mô tả được hình tướng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng, hiện hữu rất tự nhiên -mặt trời lại mọc lúc đêm tàn- nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện khôn lường.. Cái đó -chính nó- đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hoá trang thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rứt, lãng đãng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhoà dần, biến hẳn, tuyệt mù (Ðọc Kinh, Vũ Khắc Khoan, nxb An Tiêm & Sóng Từ Trường 1, Thụy Khuê, nxb Văn Nghệ).
Vùng tuyệt mù của con hùm xám Vũ Khắc Khoan, cách đây nửa thế kỷ đã vô cùng phức tạp. Ngắn gọn và trực tiếp hơn: Camille Claudel, nữ điêu khắc gia nổi tiếng của Pháp, viết thẳng: Il y a toujours quelque chose d’absence qui me tourmente. Luôn có điều gì đó vắng mặt tra khảo tôi. Thú nhận đau đớn của nữ điêu khắc gia đầu tiên đã tạc tượng bộ phận sinh dục đàn ông.
Ðiều gì đó vắng mặt, chính là vùng tuyệt mù hay vùng sân khuất, mà tất cả nghệ sĩ trên thế giới lùng kiếm. Ðổi mới sáng tác trên Hợp Lưu, do đó, trước tiên và sau hết, là đổi mới hình thức ghi khắc vùng tuyệt mù này. Chính trước những tra khảo của bản thân, Ðỗ Kh. viết: Tôi rất thích đĩ. Chính trước những dằn vặt mà Camille Claudel hứng chịu đưa đến cái chết trong điên loạn lúc cuối đời, khiến Ðỗ Kh. tra vấn: Ðàn bà là đồ chơi của đàn ông? Nguyễn Thị Thanh Bình làm thơ trả lời: Ðàn bà không là đồ chơi của đàn ông, cùng lúc thú nhận những tra khảo của chính mình – và tham dự khai phá – Thanh Bình vô tình chấp nhận làm đồ chơi, chơi chung trò chơi mới: Trò chơi thân xác của ngôn ngữ. Những dòng thơ xối xả của Lê Thị Huệ, những dòng thơ say mê không dứt gợi cảm của Lê Thị Thấm Vân, những dòng thơ nghịch ngợm trong trẻo tràn đầy phung phá của Trân Sa tiếp tục đi tìm điều gì vắng mặt đang xâu xé hay chưa biết đến. Bằng diễn đạt hình thức, đặt trọng tâm thể xác, những nhà thơ sinh dục hoá thi ca đã đi tìm sự chuyển hoán cái Tôi Trí Tuệ của Thanh Tâm Tuyền sang cái Tôi Thân Xác. Một tiếp nối bắt buộc và không tránh khỏi trong thời đại tín ngưỡng cơ thể Âu Mỹ. Nhưng nếu Sinh dục hoá thi ca là thành công duy nhất, trong khai phá, cái Tôi Thân Xác là một thất bại đậm nét.
Lý do? Khám phá và gìn giữ cái Tôi thuần thân xác vô cùng khó. Ða số các nhà thơ muốn cách điệu nâng cao thân xác, nhưng càng thăng hoa họ càng lìa xa thân xác, đến gần với cái Tôi trí tuệ mà những thi sĩ giác đấu muốn đoạn tuyệt. Tất cả thơ của Thường Quán, Khế Iêm, Chân Phương, Thấm Vân, Thanh Bình, Trân Sa, Trầm Phục Khắc, Nguyễn Mạnh Trinh, Phạm Việt Cường.. đều mang dấu ấn của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên – ngay cả trong những lúc cách tân đoạn tuyệt nhất. Cái Tôi thân xác như thế cứ lấp lửng giữa trí tuệ và thể xác, hồn không rõ hồn, xác không hoàn xác, hồn xiêu phách lạc. Hiện tượng đó thấy rõ trong tâm trạng của những cây viết nữ được xem bạo dạn, phá phách, hay thách đố nhục cảm. Ở họ, những băn khoăn chia cách phần trí tuệ và thân xác thể hiện rõ qua hai thể loại thơ và truyện ngắn, làm như đến với thể loại này là một chọn lựa ma quỷ, đến với thể loại kia là hướng thượng thiên thần. Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hoàng Bắc chỉ dâm trong thơ, bước sang truyện ngắn họ là phụ nữ có chồng con ngăn nắp, thao thức cho đất nước, xã hội, con người. Trân Sa, Mai Ninh ngược lại, trong truyện ngắn, nếu cả hai ưa làm tình sôi nổi, thèm những mơn trớn cháy bỏng, thích vuốt ve dịu dàng người cùng phái, bước vào thơ họ hốt hoảng sợ hãi hoá thân thành nữ tu thánh thiện. Chính hai mặt ác quỷ và thiên thần này đã gieo hỏa mù, không cho thấy rõ nỗ lực khai phá. Ðâu là quỷ, đâu là ma, đâu là trí tuệ, đâu lời buồn thánh…? Chính phần đối trọng thân xác, về sau nhiều thêm lên, đã đè nặng cán cân trí tuệ, dẫn đến thất bại sau này. Thi ca trở về ngắm liên đêm mặt trời với Thanh Tâm Tuyền, nhổ tóc bạc cho Tô Thùy Yên, sau vài số báo đi hoang làm tình mệt nhoài. Ðến năm thứ 12, Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam là những thi sĩ lãng mạn cuối cùng trong cõi nhân gian bé tí.
Nỗ lực khai phá thơ trên Hợp Lưu không chỉ ngừng ở sinh dục. Chân Phương đã thay nhớt ẩn dụ, Khế Iêm xoáy cylindre ngữ nghĩa, Thường Quán thay mặt nạ cấu trúc, Phạm Việt Cường tăng sên câu chữ, Nguyễn Ðăng Thường thay bửng, Diễm Châu lắp bạc đạn nhạc tính, Ngu Yên đổi phuộc nhún nhạc điệu, Huỳnh Mạnh Tiên gạt chống ngang, Nguyễn Mạnh Trinh so căm, Lê Bi đổi lốp, Du Tử Lê chỉnh/ga/nhịp/lục/bát. Chiếc xe máy thi ca được thay đổi mẩu mã hoàn toàn, kiểu dáng VN, lắp ráp tại Úc, Mỹ, Gia Nã Ðại, Pháp, toàn bộ do thợ VN, giá thành rẻ và thường xuyên khuyến mãi. Các thi sĩ chỉ chưa thay động cơ hai thì của Thanh Tâm Tuyền, bốn thì của Tô Thùy Yên, và tất nhiên vẫn tiếp tục chạy xăng super của các hãng xăng dầu phương tây: Paul Valéry, Paul Celan, Pablo Neruda, Nicanor Parra, Johannes Bobrowski, Cavafy… cung cấp.
Trường hợp văn xuôi không khác.
Văn xuôi không đợi Ðỗ Kh. phát động sinh dục mới viết bạo. Trước đây Ngô Nguyên Dũng với tiểu thuyết Ðêm, Hồ Trường An với truyện dài Hợp Lưu, Diệu Tần trong Mùa Xuân Và Hố Thẳm, Nguyễn Xuân Quang với Hái Thận đã vô cùng bạo liệt những lúc làm tình và Vũ Quỳnh Hương đã cho những cụ già hút xì gà bằng âm hộ trong Miền Vĩnh Phúc. Khai phá táo bạo mạnh tay trên Hợp Lưu chỉ nhấn mạnh thêm nữa, xã hội không còn chay tịnh. Lối viết tiết hạnh khả phong tránh né, không đề cập, không băn khoăn, không đi hết tận cùng hố thẳm con người, đã không phản ảnh lối sống tự do tình dục của xã hội Âu Mỹ, nơi tuyệt đại đa số di dân VN sinh sống. Giống thi ca, khai phá văn xuôi tập trung vào hình thức, cố gắng cách tân, cập nhật kỹ thuật của Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ vào truyện ngắn Việt Nam. Ðiều đó thấy rõ ở Phạm Thị Hoài, dù Hoài đã tự định hướng ngay khi khởi nghiệp văn. Ðiều đó thấy rõ trong loạt truyện Nhà Cho Thuê (chủ đề văn học lạ lùng, mà tiêu đề lẽ ra… phải nằm trong mục rao vặt của nhật trình Người Việt). Trong 12 truyện ngắn đăng trên Hợp Lưu số 54, 12 tác giả đã nỗ lực sắp xếp dàn bài, chỉnh trang cấu trúc, chuyển hoán nhân vật và hệ thống kết cấu. Kỹ thuật lộ liễu trông thấy ở các truyện ngắn Trăng Thuê Ảo Ảnh (Nam Dao), Phép Lạ, Venezia (Dã Tượng), Vách Mận Trắng (Mai Ninh), Già Rossy Và Hương Cô Quạnh (Phan Nguyên). 12 tác giả, chỉ một thành công duy nhất: Eric Nguyễn Việt, một tác giả trẻ thuộc Hội y sĩ Không Biên Giới, công tác tại Sierra Leone, đã nhấn chìm kỹ thuật vào trong sáng tác, đã lôi cuốn bạn đọc vào không khí bất an loạn lạc với một người đàn bà nóng bỏng dữ dội không buông tha, yêu chết chóc, yêu đến ghiền, đến nhớ mùi, để cuối cùng thổ lộ: Người đàn bà ấy, không ai khác hơn “Chiến Tranh” đã ăn nằm bao ngày với vùng đất nghèo khổ lạc hậu này. Văn chương Việt Nam cần thật nhiều những Eric Nguyễn Việt.
Một số khai phá khác, đi tìm cái Tôi Lịch Sử, cái Tôi Dân Tộc trách nhiệm, thể hiện rất nhiều trong tác phẩm Nam Dao, đặc biệt qua hai bộ trường thiên Gió Lửa và Ðất Trời. Nam Dao thổi suốt 1500 trang tiểu thuyết một cái nhìn mới: Không chỉ nhìn lại các nhân vật lịch sử ở góc độ con người tầm thường như Nguyễn Huy Thiệp đã làm, nhưng nhìn lại chính bản sắc của dân tộc u mê và tăm tối đã đưa đến thảm kịch của quá khứ. Nam Dao không chỉ phán xét anh hùng, nhưng phán xét cả đất nước, đồng loại và văn hoá Á Ðông. Ðây là một tinh thần mới trong văn xuôi Việt Nam, nhưng hãy còn là một cố gắng cá nhân biệt lệ. Mai Ninh, tác giả nổi bật của hai năm sau cùng, tác giả ngoài phóng đãng còn chở mang một tâm hồn, đã cố gắng trau chuốt hình thức, mỗi chữ là một viên ngọc, mỗi dấu chấm là một hạt trai, và mỗi dấu ngã là giải lụa mỏng hiếm quý. Mai Ninh không ngừng đào bới cốt truyện, tìm kiếm những âm, những chữ mới, thật hợp, thật trùng, cách điệu cho câu văn. Truyện ngắn Mai Ninh giống một tấm gương quý phái, đặt trên chiếc bàn phấn cổ xưa có chiếc lược bạc, còn vướng những lọn tóc rối của một người đàn bà đẹp, vừa vắng mặt, vừa chải tóc. Tất cả không gian của bàn phấn im lặng chỉ tấm gương còn phản chiếu những hình ảnh thác loạn điên cuồng vừa xẩy ra trước mặt kiếng. Mai Ninh, cây bút nổi nhất của năm 2000, thành công với nỗ lực thẩm mỹ hóa tối đa câu văn, nhưng cùng lúc đánh mất sự tự nhiên không thể thiếu trong văn xuôi. Nguyễn Thị Ngọc Nhung là một trường hợp ngược hẳn, không chải văn, không đi tìm thẩm mỹ trong câu chữ, giữ sự tự nhiên ở giọng văn, tìm cái đẹp trong đời sống năng động của xã hội phô diễn vây quanh nhân vật. Văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung mạnh, cốt truyện chắc, tuy thời gian đơn điệu, không đa chiều và tỏa ra từ nhân vật thay vì nhân vật phải mọc ra từ mạch suy nghĩ chủ đạo của truyện. Cốt truyện, nhân vật do đó làm nền chính. Còn nhiều tác giả khác, Nguyễn Hương với kiến trúc mới lạ trong truyện ngắn, Thuận Ánh thông minh nghịch ngợm chịu nhiều ảnh hưởng của Phạm Thị Hoài trong các truyện A & B, Vô Va, Ðinh Linh thích giác hơi xã hội Hoa Kỳ…
Khai phá văn xuôi như thế đã đặt nặng vấn đề kỹ thuật, cốt truyện, và nhìn toàn cảnh, là một thất bại. Truyện ngắn đã đi tìm trận gió kinh thiên, nhưng chỉ thổi lên được luồng gió mát, làm giật mình bất chợt các độc giả đang thiu thiu ngủ. Thất bại ở thực tế không gây thành phong trào. Song Thao, Sông Phố, Ngự Thuyết, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Hồ Ðình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Mộng Tú, Phan Thị Trọng Tuyến, Phạm Chi Lan, Trần Thị Diệu Tâm, Miêng, Thơ Thơ, Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, Vĩnh Hảo… không hề chịu tác động của khai phá, vẫn tiếp tục lối viết cũ của họ, không mảy may bận tâm luồng gió kinh thiên đang réo bên ngoài. Phạm Chi Lan tiếp tục viết truyện hoà bình, yêu cỏ cây thiên nhiên, biển cả, vạn vật. Phan Thị Trọng Tuyến tiếp tục viết hài kịch không đối thoại. Hồ Ðình Nghiêm tiếp tục những bứt rứt thầm kín của những mối tình lặng lẽ trong khuya khoắt của một xã hội không lối thoát. Trần Doãn Nho, sau Vết Xước Ðầu Ðời, một truyện ngắn tâm lý xuất sắc, bớt sôi nổi. Song Thao đi tìm những mối tình bình nhật. Miêng thủ thường với các truyện ngắn của mình. Trần Thị Diệu Tâm quá hài lòng những truyện đã viết. Thơ Thơ, Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, lớp người viết trẻ cuối cùng, qua sáng tác đã chứng tỏ họ có giọng văn gẫy gọn, truyền cảm, xúc tích, nhưng cả ba, cho đến bây giờ đều thiếu liều lĩnh trong cách dựng truyện, không nổi loạn trong suy nghĩ, chưa dứt khoát Tự Lực. Ðây là những người viết đều tay nhất, chuyên cần và mẫn cán, chính những nhà văn này đã sáng tác không ngơi nghỉ, đã lấp đầy 66 số Hợp Lưu. Ðiều đó cho thấy rõ, phong trào cải cách ruộng đất trong văn xuôi, trên Hợp Lưu, hoàn toàn thất bại, ít ai hưởng ứng.
Tại sao? Quá chú trọng vào kỹ thuật chỉ là một nguyên nhân. Chọn lựa khai phá nhục cảm, khiến… tô phở ít nước của Mai Thảo đầy thịt, chóng ngán, mau nguội? Có thể. Ai cũng biết, nhiều tình dục dễ đưa đến ít lý trí. Dành nhiều chỗ cho sạp bán thịt, khiến truyện ngắn, một thể loại không rộng bằng chợ Bà Chiểu, phải giải tỏa các sạp hàng khác. Nhưng đó vẫn chỉ là những lý do kỹ thuật, mà mọi tác giả tài hoa đều có thể vượt qua. Không thiếu những tác phẩm đầy dâm tính vẫn chở mang triết lý con người.
Với hai nhóm chìm-nổi khai phá trên Hợp Lưu, ngoài vài truyện ngắn hay, nổ lực cách tân thất bại. Kỳ lạ, với các tác giả không tham gia cách tân, các sáng tác của họ cũng thất bại, không chỉ trên Hợp Lưu mà cả trên các báo bạn Văn, Văn Học. Chính sự thất bại chung của sáng tác đã khiến không khí văn học trở nên đưa đám, cáo phó, u trầm, mất hẳn sinh khí, buồn chán đến thờ ơ lạnh lùng. Không ai còn dám khen văn xuôi đang khởi sắc và tất cả vụt trở nên thích đọc… bút chiến hơn sáng tác! Chúng ta có quyền tiếc một số đông tác giả đã không khai thác hết khả năng của truyện ngắn, đã không đi tìm điều khác thường trong văn chương, dù không nhất thiết dâm bôn, không nhất thiết phải đổi mới. Mỗi khi được hỏi về tình hình sáng tác ở ngoài nước, tổng biên tập Khánh Trường than vãn: Cứ viết làng nhàng mãi! Với tôi, đây là lý do khiến anh đánh mất đam mê làm báo, và quyết định buông tay.
Làng nhàng, như thế, là tên gọi của một giai đoạn văn học. Chắc chắn, không phải đánh giá riêng của Khánh Trường, các chủ bút khác, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mộng Giác qua một số bài viết, cũng nhận định như vậy và đa số người viết đều đồng ý.
Ðến đây, có một sự trùng hợp nghiêm trọng: Sáng tác quốc nội sau giai đoạn rực rỡ 87-92, giai đoạn của Thiên Sứ, Những Trận Gió Hua Tát, Những Mảnh Ðời Ðen Trắng, Ði Về Nơi Hoang Dã, Nổi Buồn Chiến Tranh, Mảnh Ðất Lắm Người Nhiều Ma, Bến Không Chồng, Ác Mộng, Dị Mộng, Ðảo Ngụ Cư, Giấc Ngủ Nơi Trần Thế, v.v… bỗng dưng tắt phụt trong nhiều năm, và nếu sự xuất hiện của Nguyễn Bình Phương, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Tư mới đây cứu vãn phần nào, nhìn chung với dân số 70 triệu, vẫn là một đám ma văn chương lê thê, im phắc, không kèn trống. Và ở tất cả mọi bộ môn nghệ thuật, làng nhàng đã biến thành tình trạng chính, một tình trạng kinh hoàng cho đám con rồng cháu tiên có bốn ngàn năm văn hiến. Ở thời điểm hôm nay, chưa thấy có dấu hiệu thay đổi.
Tại sao? Câu trả lời nằm trong chốn vắng tư duy, mà nguồn gốc khởi sinh từ sự thất lạc ở trong từng người Việt, đặc biệt, trong từng người viết. Không ngẫu nhiên Văn Cao, lúc sinh tiền trả lời phỏng vấn của Nguyễn Châu Phong, nghiêm khắc nhận xét: “Ngoài Hoàng Hưng không còn ai cả. Tôi ít đọc, nhưng thỉnh thoảng đọc thơ trên báo Văn Nghệ cứ nghe chuồi chuội, có một vài câu thơ ngồ ngộ vui vui, nhưng không có tư tưởng mà con chữ cứ sền sệt xúm xít nối đuôi nhau” (HL13). Không ngẫu nhiên Lê Ðạt thích chơi chữ, chỉ đùa giỡn với bóng chữ, xác chữ. Không ngẫu nhiên Khế Iêm, Chân Phương bày cuộc chơi tung ném tự vị bách khoa rồi xếp lại theo sức hút của trọng lực. Không ngẫu nhiên Ðỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam thích nhìn âm hộ, mông, vú phụ nữ. Không ngẫu nhiên mà phẩm chất trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, từ Sang Sông, Thiên Văn, hát bội Xuân Hồng, giảm sút đến mức không hiếm bạn đọc phải mua thêm hợp đồng bảo hành văn chương đọc kèm với tác phẩm mới của ông. Trường hợp Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê tương tự. Không ngẫu nhiên Phan Thị Vàng Anh im lặng sau khi đi Hoa Kỳ và Châu Âu… Không ngẫu nhiên văn học hải ngoại lạnh dần rồi băng giá. Không phải tất cả không còn tài hoa, ngược lại, chưa bao giờ giới sáng tác kinh nghiệm và tự do như bây giờ. Tất cả chỉ cùng một lúc thất lạc với chính mình. Phân tích sự thất lạc đó, đòi hỏi cả một viện nghiên cứu tâm thần.
Thất lạc vì nhân loại đổ xô đi đào vàng? Thế giới lao vào kỷ nguyên khoa học kỹ thuật? Thất lạc vì sức tàn phá hung hãn của kinh tế thị trường lên người viết văn trong nước? Thất lạc vì cánh cửa bất chợt mở toang khiến nắng ập vào nhà chói chang loá mắt? Thất lạc vì phải hướng tác phẩm đến nhân loại nhưng không sao hiểu thấu đáo nhân loại vì chưa kịp trang bị đầy đủ? Ðó chỉ là những lý do nổi. Cũng nổi như giải thích đánh mất căn cước cá nhân của người viết ngoài nước. Sau đánh mất căn cước chính trị, sau đánh mất căn cước lưu vong, người viết ngoài nước trở về nhà, kinh ngạc nhận ra mình không còn giống người Việt ở trong nước, không giống suy nghĩ, không giống cung cách sống, và kinh khủng hơn, nhà văn Việt kiều khám phá mình không muốn trở về sinh sống tại quê nhà. Muộn mất rồi, con trùng hội nhập đã cắn nát trái tim. Sự chọn lựa lưu vong lần thứ nhì, đầy đau đớn vì là hành động tự nguyện. Lần đầu tiên, người Việt ngoài nước sau trở về, ý thức mình không còn Việt. Ðánh mất căn cước cá nhân khởi đầu từ lúc này. Một đánh mất khác hẳn buổi chiều 30/ 04 chôn thẻ bài, đốt giấy tờ tùy thân, khác hẳn mất mát lý lịch khi mua khai sanh gốc Hoa vượt biên bán chánh thức, lên trại đảo khai trụt tuổi, lấy một cái tên nào đó của anh em họ hàng trong gia đình. Chắc chắn, trong tiềm thức của những kỹ sư tâm hồn, những kẻ vô cùng nhậy cảm, đã trổi dậy vô số câu hỏi cắn xé: Tại sao mày không đủ can đảm trở về sống với dân tộc mày, lúc này, cùng chia sẻ vận mệnh của đất nước mày đang bước vào thế kỷ 21? Ðất nước mày sẽ đi lên, hoặc sẽ lụi tàn trong những thập niên sắp tới, mày bám víu tiện nghi ở đây để làm gì? Không. Ðất nước không xem tôi là người Việt, mà là Việt kiều. Ðất nước bắt tôi gia hạn khai sinh mỗi ba tháng, không cho mua nhà, mọi thứ bắt trả giá gấp đôi mọi người. Ðất nước không cho tôi viết văn tự do… Lý trí trả lời. Và tình cảm trấn an: Mày là công dân quốc tế. Nhưng tình cảm ăn gian, công dân quốc tế, một thứ thông hành chưa bao giờ có trên trái đất. Một bước, tất cả khởi đầu hành trình thất lạc. Nhưng đó cũng chỉ là khía cạnh nổi. Chốn vắng tư duy nằm trong sự thất lạc thâm sâu hơn nữa: Hội chứng Babylone.
Nhà văn Việt bắt đầu leo lên ngọn tháp ngất ngưởng đó. Sau một trăm năm đô hộ, chiến tranh, phong tỏa, vượt biển, ngọn tháp hiện ra sừng sững ám ảnh. Lần đầu tiên người Việt trông thấy thật sự ngọn tháp nhân loại nhắc đến trong kinh thánh. Với trong nước, cửa tháp mở toang sau hủy cấm vận. Với ngoài nước, đông đảo bắt đầu chuyến hành hương ngay khi an cư. Thật ra, chỉ một số can đảm mua vé, rất mắc, và tự túc leo lên, đa số còn ngồi ăn hột vịt lộn ở ngoài bãi giữ xe. Ngọn tháp nhân loại mà những tầng cao chìm trong mây, vần vũ tiếng gào của gió xoáy bên trong cầu thang trôn ốc trơn trợt, lạnh lẽo. Tất cả đã ý thức, phải lên đến đỉnh, để có cái nhìn xuyên suốt trái đất, để tiếp xúc với tất cả nhân loại. Nhưng số đông, đã đi thang máy. Số đông đã muốn mình là người lên trước nhất, nhanh nhất, để… chụp hình. Không ai chịu hiểu năm ngàn năm nhân loại, hai ngàn năm văn minh phương tây có nền, có nếp, có thang, bậc, không thể lên tầng Kant trước tầng Aristode, không thể đứng ở bao lơn Trừu Tượng không qua đại sảnh Cổ Ðiển, không thể viếng tầng Hiện Sinh chỉ đứng ở quầy giải khát hành lang, chụp ảnh lưu niệm chỗ Sartre đã ngồi với Camus. Và kinh khủng hơn, hai ngàn năm tư tưởng và học thuật tây phương chia làm trăm triệu đại sảnh mênh mông, bát ngát, đầy cửa, đầy ngõ ngách, những sảnh đường thẳm thẳm, những tả hữu trường lang bất tận không chấm dứt, bắt nối nhau, chồng chéo, chập chùng san sát nhau, không bảng chỉ đường, không mũi tên hướng dẫn… Chính trong những tầng lầu không thể đếm hết của tháp Babylone khổng lồ, nhà văn ngoài nước đã bắt gặp Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Duy, Lê Ðạt, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh… cũng đang thất lạc. Trong-Ngoài gặp nhau bất ngờ ở tầng trệt, cùng đi lên, và tứ tán. Tất cả chỉ biết tầng cuối cùng mang tên Hậu Hiện Ðại, đa số không biết mình ở đâu, muốn gì. Nhà văn Việt đã khó khăn định vị trí mình trên tháp. Tầng nào cũng dừng lại nhìn ngắm chụp đèn trần, bước tránh tấm thảm sang trọng ở lối vào, lật vài pho sách, trả lời phỏng vấn của nhân loại, rồi tiếp tục… Tham quan, nhưng không rõ giá trị thực sự, vì thiếu kinh nghiệm thế giới. Những người quyết chí, tỉnh táo nhất, biết mình tìm gì, nhưng lại khoâng biết mình cần gì. Lên thẳng tầng lựa chọn rồi băn khoăn trước mật mã văn hoá. Không biết mình muốn gì, tìm gì, và cần gì ở nhân loại nên thất lạc, đưa đến chốn vắng tư duy trong sáng tác. Chốn vắng tư duy khiến tập trung đổi mới vào hình thức và kỹ thuật. Nhưng cũng chính Chốn vắng tư duy khiến kỹ thuật và hình thức không đủ sức vực dậy văn chương. Rất hiếm tác phẩm VN nào chở mang tư tưởng rõ rệt làm xương sống chủ đạo cho toàn truyện, và các nhân vật mọc ra từ xương sống đó như những xương sườn của xương sống đó.
Gabriel Garcia Marquez, trong Trăm Năm Cô Ðơn, miêu tả sự thất lạc của linh hồn tuyệt đẹp: José Arcadio Buendia bị xích trên giường mập ra rất nhiều lần sức nặng bình thường, không thể cử động được. Mỗi tối Buendia mơ thấy mình rời khỏi giường, mở cửa đi sang một căn phòng khác, cũng giống y như căn phòng có chiếc giường bệnh, ông lại mở một cánh cửa khác dẫn sang một căn phòng khác, cũng bài trí y như căn phòng ông đang đứng. Cứ thế Buendia đi hết từ căn phòng này sang căn phòng khác, mở cánh cửa này đến cánh cửa khác, tiếp nối vô tận, cho đến lúc ông bất ngờ gặp lại Prudencio Aguilar, người bạn thời trẻ mà do ghen tuông ông đã tự tay phóng lao thọc cổ giết chết. José Arcadio Buendia đi ngược trở lại tất cả những căn phòng đã đi qua, và chỉ tỉnh dậy khi Prudencio Aguilar đập tay lên vai trong căn phòng thực tế đầu tiên. Nhưng đến một đêm, Aguilar đập tay trong một căn phòng trung gian và Buendia đã ở lại đó mãi mãi vì tin đã trở về căn phòng thực. Ðám táng José Arcadio Buendia diễn ra dưới trận mưa hoa vàng. Những cánh hoa nhỏ rơi suốt đêm, đến sáng các phu đòn phải lấy xẻng xúc hoa dọn đường khiêng linh cữu.
Không phải chỉ có nhà văn Việt thất lạc trên tháp Babylone, mở hết những cánh cửa này sang cánh cửa khác, đi từ phòng này sang phòng khác, tiếp nối vô tận. Thế giới cũng có rất đông, rất nhiều nhà văn thất lạc. Nhưng người Việt đánh mất phương hướng cùng một lúc, đồng loạt. Hậu quả của đóng cửa, đô hộ, nội chiến, phong tỏa và tự cấm vận. Ðó là lý do vì sao sáng tác Trong-Ngoài nước rất thanh bần. Sáng tác VN mạnh khi ghi lại kinh nghiệm đau thương bản thân, nhưng yếu khi đi tìm thẩm mỹ và sáng tạo. Bùi Ngọc Tấn chứng minh sự thành công của vế đầu, Nguyễn Huy Thiệp, từ Thiên Văn, chứng minh khó khăn của vế sau. Ngày nào José Arcadio Buendia tìm được lối ra khỏi tháp Babylone, hắn sẽ trở thành nhà văn đích thực, có quyền vứt bỏ nhãn “nhà văn Việt Nam” do các chủ báo phong vương. Ðám ma hắn không chỉ có trận mưa hoa vàng, mà sẽ rất đông độc giả đi đưa, không như bây giờ.
Thay Lời “Hậu” Lộ:
Hợp Lưu như thế, mang trên thân thành công giao lưu và thất bại của sáng tác. Công bằng phán xét: Không có tạp chí Hợp Lưu, chuyển động giao lưu vẫn xảy ra, ở thời điểm 93-94 khi du lịch bùng nổ. Hợp Lưu chỉ đi trước chuyển hoá tâm lý cộng đồng 3 năm. Ðó là một thành công không nhỏ, của Khánh Trường, và tất cả các tác giả trong-ngoài nước đã tham dự, đã hoàn thành một chức năng ngành phê bình hay đòi hỏi: Tính dự báo trong văn chương.
12 năm, rất dài, nhưng vô cùng ngắn ngủi, tựa một sát na trong đạo Phật, khi tất cả mọi người cùng một lúc ngộ ra không chỉ có Quốc với Cộng, không chỉ có đen với trắng, nhưng còn có Con Người đằng sau khẩu hiệu. 12 năm Hợp Lưu, tựa một trang tôn kinh huyền hoặc, đã ghi lại dấu vết của những đổi thay trong lòng người Việt. Sao không huyền hoặc khi hôm nay, khách du lịch và dân chúng chứng kiến mỗi ngày cảnh tượng Chúa Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn Phúc Chu, Chúa Nguyễn Phúc Loan của Ðàng Trong hàn huyên thân ái với Chúa Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Bồng của Ðàng Ngoài, huyên náo ăn sò huyết trên vỉa hè Phú Nhuận, tâm đắc nhậu thịt chó ở Quảng Bá. Chỉ có chúa Trịnh Sâm vắng mặt vì Tuyên Phi Ðặng Thị Huệ, viết cho báo Phụ Nữ chống say xỉn, không cho đi. Các Chúa nhậu xong cùng quàng vai nhau đi karaoké ôm người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín của Trịnh Công Sơn… Sao không huyền hoặc khi mình đã nghĩ đánh mất vĩnh viễn Sài Gòn, bỗng đứng trước ngôi nhà nơi mẹ đã sinh ra ở phố Hàng Ðào.

* * *

Ngày mai đi tu, Khánh Trường có quyền hãnh diện, và biết đâu anh chẳng bị sư trụ trì từ chối: Ðến cửa Phật phải có duyên. Con chưa có duyên với nhà Phật, con chỉ có duyên với Hợp Lưu. Thôi con về trị sự và layout tiếp. Giống sư trụ trì đã từ chối Nghiêm Xuân Hồng hai mươi năm trước, khi ông nhất quyết xuất gia. Ngày xuống tóc, Nghiêm Xuân Hồng đau ruột dư phải vào bệnh viện, một chữ duyên tan thành mây khói. Trở về Cali, Nghiêm Xuân Hồng cho xuất bản Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, làm thơ, viết truyện ngắn, đăng trên Văn kể lại ngày Mai Thảo tiễn ông ở phi trường, tưởng đã không gặp lại nhau, hay gặp lại một bên Bạch Thầy, một bên Bần Tăng đã thọ trai giới không còn uống được nữa. Ngày mai, ở lưng chừng núi Big Bear, bị sư trụ trì từ chối, Khánh Trường sẽ buồn vô hạn, anh đã vượt qua bao khó khăn để gầy dựng Hợp Lưu, cuối cùng không vượt nổi cửa Phật. Họa sĩ Khánh Trường sẽ trở xuống chân núi, nhìn những áng mây đỏ thẫm ráng chiều đang ào ạt trôi qua đầu về phía mái chùa còn vàng cong cánh sen đẹp rực rỡ. Khánh Trường sẽ ra parking lấy xe về lại Garden Grove, anh còn nghe tiếng gió đuổi xô trên vách núi, đuổi bắt tiếng gọi với của Thượng Toạ: Con nhớ chăm lo nỗi buồn “chín tã” và gởi báo tặng, nghe đâu số tới chủ đề truyện tình hậu hiện đại, thầy cũng trông lắm…
Cuối cùng, gởi đến anh chị, bạn bè, bằng hữu lời tạ lỗi đã đem hết tất cả nhúng lẩu, xay sinh tố. Hy vọng món lẩu vừa ăn, không quá cay, đã bảo hành khả ái và bao trọn gói. Cùng gởi đến đương kim tổng biên tập Phùng Nguyễn lời chúc: Sẽ xuất hiện trên Hợp Lưu Ðồ Long Ðao và Lục Mạch Thần Kiếm…

20/08/2002
Trần Vũ

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.khanhnguyen.5/posts/1414765061979162

Comments are closed.