Bùi Văn Bồng, nhà báo quả cảm và cô đơn

Đào Tiến Thi

Tôi chẳng biết khi làm báo Quân đội nhân dân anh viết những gì, nhưng từ khi anh mở blog Bùi Văn Bồng thì tôi coi anh là một nhà báo lớn.

clip_image001

Bởi những bài trên blog Bùi Văn Bồng cập nhật và bình luận tình hình nóng bỏng của đất nước (mà báo “lề phải” nhìn chung đều né tránh), nó phơi trần ra cái thực trạng “tứ bề thọ địch” và bế tắc hiện nay. Nó góp phần giúp mỗi công dân Việt Nam thoát khỏi cơn mê ngủ của “cái thời lãng mạn” (chữ của nhà văn Nguyễn Khải) đã đành mà còn thoát khỏi cả cái vui vội của thời kỳ “Đổi mới” – mà thực chất chỉ là nới bớt dây trói – chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Cho nên cứ tạm cho rằng phần làm báo “quốc doanh” trước đó của anh (nếu có) nhạt nhẽo vô vị đi nữa thì chỉ riêng phần làm báo xã hội trong ít năm cuối đời cũng đã đủ cho anh trở thành một ông “chủ báo” xuất sắc (mà số “chủ báo”như thế cả nước này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay). Blog Bùi Văn Bồng còn dân chủ và táo bạo hơn mọi blog khác khi anh để chế độ comment không kiểm duyệt. Mọi ý kiến trái chiều nhau đến mấy đều có thể đưa lên và thỏa sức tranh luận. Tất nhiên cách ấy cũng khiến cho “chủ báo” nguy hiểm hơn. Nhiều bài báo tôi gửi anh, anh sửa lại tiêu đề, viết thêm “sa-pô” rất ấn tượng nhưng cũng rất “sốc”, khiến tôi phải gọi điện khẩn bảo anh lấy lại như cũ, cho nó nhẹ nhàng.

Nguy hiển thế mà anh vẫn tồn tại được. Mà lại ở Cần Thơ – thành phố miền Tây xa xôi của đất nước – nơi anh đơn độc, gần như chả có anh em đồng chí nào ở vùng này[1]. Anh càng “liều” hơn nữa khi hai năm vừa rồi, anh về sống tại quê nhà – xã Định Hưng, huyện Yên Định, Thanh Hóa – một vùng quê khá hẻo lánh, trong khi vẫn tiếp tục blog Bùi Văn Bồng cho đến tận ngày 17-2-2018, nghĩa là chỉ một tháng 16 ngày trước khi qua đời.

Đọc blog Bùi Văn Bồng dễ nhận thấy ở đây một tư tưởng xuyên suốt được đề cao là vấn đề dân sinhdân quyền. Nó thật phù hợp với tôn chỉ đặt trang chủ blog: “Nếu nước được độc lập nhưng nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh). Và “Không có nhân dân thì đất nước không thể có chủ quyền và không thể độc lập. Dân còn thì nước còn. Mất lòng dân thì mất nước…” (Phan Bội Châu)

Suốt mấy năm, tôi chỉ biết anh qua trang blog trên. Cho mãi tới khoảng tháng 8-2015 mới có dịp gặp và cũng chỉ có đúng một cuộc gặp ấy. Cuộc gặp ấy có anh Nguyễn Minh Đường, Viện trưởng viện SENA (Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển, thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) và bác Nguyễn Mạnh Can (gần 90 tuổi), nhà cách mạng lão thành, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. Cả hai đều là những nhà phản biện chính sách nổi tiếng. Vì vậy tôi nhường hai bậc huynh phụ ấy tiếp chuyện anh, còn tôi chỉ như một thiếu niên Trần Quốc Toản ngồi hóng chuyện mà thôi. Tôi nhớ anh khá to béo với một cái bụng thật là “khủng”, nó khiến anh đi đứng có phần nặng nhọc, nhưng nói chuyện thì vẫn rất hoạt và rất tự nhiên. Lúc ra về, tôi thấy anh đi một cái xe máy rất tã, một bọc to – chắc là tư trang bộ hành dùng cho những ngày anh phiêu du trên đất Bắc – để ngất ngưởng đằng trước, rất vướng tay lái và rất dễ rơi. Tôi bảo anh dừng lại để tôi buộc nhưng anh cứ bảo “không sao, không sao”. May nhờ có anh Minh Đường “can thiệp” nên cuối cùng anh cũng đồng ý để cho tôi buộc lên yên. Anh nặng nhọc ngồi trên cái xe quá tã khiến tôi không yên tâm. Tôi đi cùng anh một đoạn và trước khi từ biệt còn hỏi lại liệu anh đi có ổn không. Anh bảo “tốt lắm”, rất là tự tin. Về nhà, tôi gọi lại và biết anh đã đến nhà bạn anh ở đường Hoàng Quốc Việt, lúc ấy tôi mới thực sự yên tâm.

Cách đây khoảng gần hai năm, nghe ai đó nói rằng anh bây giờ khổ lắm: vợ bỏ, con bỏ, anh cũng bỏ luôn Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, trở về xứ Thanh nghèo, sống một mình. Tôi vội gọi cho anh, nhưng giọng anh rất vui, chẳng có dấu hiệu nào “khổ” cả. Tôi không dám hỏi gì thêm.

Đêm mùng 4-4-2018, lúc đã khá muộn, tôi vào face book, mới biết tin anh mất. Hoảng hốt, tôi vội điện cho mấy người bạn, tất cả cũng đều mới nhận được hung tin. Giờ này tìm xe để mai đi sớm chẳng phải dễ. Chỉ còn trông vào xe của một vài anh em. Thật không may cho chúng tôi (và cho linh hồn anh), hôm sau là ngày xử sáu anh em thuộc “Hội anh em dân chủ” nên nhiều anh chị em bị công an chặn cửa từ chiều. Chỉ có anh Phan Khang, nhờ từng là đặc công thời chiến tranh, mới biết cách thoát ra khỏi vòng vây, lấy xe đưa chúng tôi đi. Một xe nữa của một giảng viên trẻ, là “người ngoài” nhưng sẵn mối đồng cảm sâu sắc với anh em tranh đấu, tự nguyện đưa anh em đi.

Quê hương anh – xã Định Hưng, huyện Yên Định, Thanh Hóa – là một vùng quê khá hẻo lánh nằm về phía tây bắc TP. Thanh Hóa. Thông thường, một đám tang ở nhà quê rất linh đình. Bà con thân thuộc và làng xóm đến chật nhà, chật sân ngay sau khi người xấu số trút hơi thở cuối cùng, nhưng đám tang anh sao lại vắng vẻ đến lạ lùng? Theo kế hoạch, 13 giờ làm lễ truy điệu sau đó “đưa ma” ra đồng. Chúng tôi đến lúc gần 12 giờ, thế mà vẫn chỉ lèo tèo, tất cả có lẽ chưa đến hai chục người (lúc làm lễ truy điệu cũng chỉ khoảng bốn chục người). Bàn ghế chỉ vài cái, ít người mà cũng không đủ ngồi. Một cái bàn thờ sơ sài. Vài vòng hoa. Quan tài anh để phía trong, lạnh tanh. Mảnh vải đỏ phủ lên quan tài cáu bẩn và rách thủng lỗ chỗ. Người em trai áp út của anh, có lẽ vì rất ít khách viếng, nên ngồi một góc chứ không đứng túc trực như thường thấy.

Sao lại thế này? Anh về quê sống đã mấy năm, tính anh vui vẻ, cởi mở, không thể là do anh không hòa nhập. Vậy chắc chỉ do người ta sợ anh là “phản động” theo cách tuyên truyền hằng ngày từ truyền thông nhà nước cho đến họp hành của các ngành các cấp mà thôi.

Chúng tôi vội vào viếng và sau đó ăn vội miếng cơm để kịp đưa tang. Trong lúc ăn, chúng tôi tranh thủ hỏi về cuộc sống của anh từ khi anh về quê và cái chết đột ngột của anh. Họ cho biết anh làm ngôi nhà này cũng phải vay mượn nhiều, đến giờ vẫn còn nợ. Từ độ Tết, anh không được khỏe nhưng cũng không có gì nghiêm trọng. Anh nhờ người em tiêm thuốc và bị dị ứng dẫn đến vỡ mạch máu ở hai chân. Anh ra Viện 108 ở Hà Nội chữa ít ngày (không cho bạn bè ở Hà Nội biết) thì trở về. Ngày hôm trước khi chết, nhiều người vẫn gặp anh, anh tươi cười như mọi khi. Thế mà rồi sáng hôm sau, không thấy anh dậy, gọi điện thoại nhiều lần cho anh không được, người ta phá cửa vào thì anh đã ra đi từ lúc nào…

Ôi, anh sống như thế thật là nguy hiểm: tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn, kẻ xấu rình rập,… Gần bảy mươi, lại từng làm công an, bộ đội, hoạt động báo chí chuyên nghiệp, anh đâu phải không biết những điều ấy. Chính anh có lần tiết lộ với bạn: khi anh về ở đây, một ông quan đầu tỉnh đến thăm, biếu anh một bình rượu quý, anh vui vẻ nhận nhưng cất đi, không bao giờ uống. Nhưng làm sao mà lường hết. Tuổi già và bệnh tật, có khi chỉ cần một cơn gió độc lướt qua…

clip_image003

Bài điếu văn do ông chủ tịch mặt trận hay cựu chiến binh gì đấy của xã đọc, nghe sáo rỗng và vô cảm.

Từ nhà ra đến nghĩa địa khoảng gần một cây số. Có thêm nhiều người nhập vào đám tang nhưng có lẽ tất cả trước sau cũng chỉ được khoảng sáu chục người. Ở nhà quê như thế là một đám tang “buồn tẻ”. Cỗ xe tang đã gỉ và bám đầy bụi đất từ bao giờ. Không thợ kèn (mà thay bằng băng ghi âm). Ngay cả tiếng khóc (khóc vì xót thương hoặc theo lệ) của những người phụ nữ cũng hiếm hoi. Có một tiếng khóc nhỏ nhưng nức nở đớn đau vô hạn, ấy là của người em gái anh, từ Vũng Tàu ra.

Ôi đám tang anh thật là một “đám chết nghèo” như thời xa xưa mà nhà thơ chân quê Đoàn Văn Cừ[2] đã miêu tả.

clip_image005

Được biết anh có một người chị ở Sài Gòn nhưng đang cấp cứu tim trong bệnh viện, không thể ra được. Người vợ trước của anh ly dị đã lâu, nay cũng có mặt nhưng không còn tư cách là vợ, thường tránh ra một góc, không muốn gặp ai. Đứa con trai đầu của anh chết trẻ, cũng đã lâu. Hai đứa con gái anh, khoảng trên dưới ba mươi, có lẽ xa bố từ lâu nên cũng không mấy tình cảm. Sau tôi hỏi thêm các bạn anh, được biết tình cảm anh chị bị sứt mẻ trong thời gian anh làm “lính thú” (biên phòng) đồn trú ở nơi xa xôi. Mãn hạn “trấn thủ lưu đồn”, được về SG, anh cố gắng thu xếp đưa vợ con vào để hàn gắn và bù đắp những ngày xa cách nhưng rồi gia đình vẫn tan vỡ. Rồi anh về Cần Thơ làm đại diện báo QĐND ở Đồng bằng sông Cửu Long và kết hôn lần hai với một người phụ nữ cũng đã qua một lần đò. Chị ấy hiện cũng đang bệnh, không ra được, chỉ có đứa con gái riêng của chị và chồng của cháu ra. Sau tìm hiểu được biết thêm: gần đây hai người cũng “bất đồng chính kiến”, cụ thể là chị không muốn anh làm báo “lề trái”, do đó mà anh bỏ về quê, sống một mình.

clip_image007

Huyệt mộ anh trong nghĩa địa của làng, đủ “thập loại chúng sinh”, lẫn lộn mả cũ, mả mới. Dưới huyệt, người ta đã rải một lớp tiền dày. Gọi là tiền giả cũng đúng mà tiền thật cũng đúng, vì tiền giả chẳng qua vẫn mua bằng tiền thật. Khốn khổ cho anh, anh bị đột tử, tiền nong trên dương thế nghe nói vẫn chưa trả hết, thế mà người ta lại “gửi” cho anh nhiều tiền thế về âm phủ để làm gì? Bắt anh nợ chồng lên nợ hay sao?

Thôi nhé anh nằm đây với cỏ cây, với côn trùng rỉ rả ngày đêm, với “mưa dầu nắng dãi trăng mờ soi” như mọi chúng sinh. Nhưng sau này lịch sử đất nước chắc chắn ghi công anh. Tên tuổi anh chắc chắn sống mãi với non sông đất nước.

Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương.

Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Ngoài kia thiên hạ bụi đang lên
Xá gì khi thép còn hơi lửa
Còn cần nước mắt để tôi thêm.

Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Có buồn khêu lại ngọn tàn đăng
Chứ tôi bệnh trẻ không than thở
Với chiếc đầu lâu chẳng nói năng (…)

Tôi đi thực đấy, dù gian khổ!
Đời có như người lính bị thương
Một tối rùng mình lau máu rỏ
Cũng không khép mắt đóng sa trường… (Trần Huyền Trân, 1939)

Xin mượn mấy câu thơ trên để tiễn đưa anh lần cuối. Chúng tôi đây, già có, trẻ có, bi phẫn nhưng quyết không bi lụy, sẽ tiếp bước anh. Sẽ làm tất cả những gì có thể làm được vì sự tiến bộ của quốc gia, xã hội, quyết không để dân tộc này lụi tàn bởi sự ngu hèn. Một ngày nào đó, dù có “rùng mình lau máu rỏ” thì “cũng không khép mắt đóng sa trường”.

ĐTT

(5.4 – 7.4.2018)

clip_image009


[1] Ở Long Xuyên (An Giang) có nhà giáo Phùng Hoài Ngọc cũng là một nhà phản biện nổi tiếng, nhưng hai anh không quen biết nhau.

[2] Chiều tối đôi khi đám chết nghèo

Tiếng hờ thê thảm não nùng theo
Bọn người khiêng gánh trên đường cái
Ngọn nến quan tài gió lắt leo (Đoàn Văn Cừ, 1944)

Comments are closed.