Biên ải, biên thùy hay biên tái?

Dạ Ngân

 

Mấy ngày nay hết dán mắt vào màn hình máy tính lại ngồi trước ti-vi vào từng đầu giờ để nghe tin Biển Đông. Tâm trạng bời bời, bất an, âu lo, thôi thúc. Trạng thái tinh thần sao mà giống những ngày trước và sau năm 1979, cả nước căng như dây đàn, không phải tản cư chạy loạn mà là bóng dáng quân xâm lược đã rõ, thậm chí đã ngửi thấy mùi của chúng.

Ngồi ngắm bản đồ Tổ quốc, thấy đất nước vừa duyên dáng vừa mong manh. Rừng vàng và biển bạc. Rừng đã mỏng, rừng đã lung lay bởi nạn nhân mãn và sự mất kiểm soát của con người. Biển bao la nhưng thế giới đã chật hẹp đi nhiều, nhờ Internet mà một đứa bé  ở vùng sâu cũng có thể nhìn thấy thế nào là toàn cầu hóa.

Ngày trước hai chữ biên thùy gợi lên tiếng vó ngựa, cảnh núi non và chiến sĩ sa trường. Khi công cuộc mở mang nối dài, những địa danh Tịnh Biên, Bảy Núi, Vĩnh Tế… bổ sung cho nỗi niềm của những người chờ chồng đi biên trấn. Đất mẹ dưới chân, rừng ở sau lưng, người đi và người chờ đều thấy mãnh liệt niềm tin. Can qua đến rồi can qua sẽ tan, quy luật là vậy. Không đội quân ăn cướp nào thành công khi phải viễn chinh. Vì vậy mà cả hai phía chồng đi và vợ chờ vẫn sắt son không lay chuyển.

Ngày nay mọi thứ đã khác đi nhiều. Mỗi khi nhắc tới Hoàng Sa, người cứ gập xuống như ai đó đánh vào giữa ngực. Cụm đảo tuyệt đẹp như những viên kim cương trên cổ của quốc gia đã bị gã láng giềng tham lam trấn lột từ một hành động ăn cướp có tính chuyên nghiệp. Nước nhỏ, điêu linh quá dài và lân bang thì nham hiểm. Lịch sử hết trang này đến trang khác giống nhau, muôn năm cũng là những kẻ thù hình hài ấy và những người đàn ông đàn bà Việt không bao giờ hết tiễn đưa, chờ nhau và nước mắt.

Trường Sa ở đâu, những đứa trẻ hỏi mơ hồ vì giáo khoa thư về sử luôn mơ hồ một cách khó hiểu. Dần dần, nhờ tận lực của truyền thông và văn nghệ sĩ, Trường Sa hiện ra hàng tuần, rồi hàng ngày hàng đêm. Có thế chứ. Bây giờ thì trẻ con nước nhà biết gã hàng xóm ấy đã ngang nhiên “diện” lên cổ cái chuỗi kim cương có tên là Hoàng Sa ấy rồi, hẳn vừa để chọc tức dư luận vừa để nói chuyện máu xương đổi chác với người Việt. Bây giờ thì Trường Sa đã gần hơn nhiều trong tâm thức mỗi người Việt yêu nước.

Nhà giàn đây không phải là giàn khoan làm ra dầu thô. Những giàn khoan ấy đưa đón người đổi ca bằng trực thăng mỗi tuần. Còn gần chán, nhoáng cái đất liền đã hiện ra, vợ chờ, con mong, bữa cơm rau muống luộc (món mà dân dầu khí đi giàn thèm ăn ngay khi về đến nhà). Nhà giàn ở Trường Sa quá cách trở với đất mẹ. Nhưng chính vì vậy mà nó cho thấy giang sơn rộng tít, giữ được nó thật trần ai và gì nữa? Và đã có máu xương ở Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988.

Muốn nhìn mãi những lá phong ba. Không khỏi hả lòng khi thấy được một bé trai rám rỏi báo hiệu một công dân can cường. Lòng ngân theo từng tiếng chuông chùa, vui khi thấy một chú chó đảo vẫy đuôi hay ngắm bầy vịt đang đi hàng một dưới tán cây. Cuộc sống thật đời thường, không ở đâu thay đổi từng ngày như ở Trường Sa. Người dân, những con dân Việt luôn thường trực tâm trạng chống chọi và hình ảnh kẻ thù truyền kiếp. Vì vậy dân chúng đã cùng góp vào từng chút một làm nên cụm Trường Sa như hôm nay.  

Người Việt giỏi lúa nước. Vì vậy mà người Việt thích ôn hòa. Cũng đồng thời thao thức khi biển đảo bỗng dưng thành những nơi nhạy cảm nhất. Có lẽ vậy mà lòng người trào sóng rất nhanh. Có sức mạnh của đồng lòng thì xa cũng hóa gần, yếu cũng hóa mạnh và rồi sẽ có vững chãi. Những người vợ lính, những người yêu của lính chắc đã cảm thấy ít cô đơn khi đêm nào cũng là những hình ảnh đỏ rợp của lòng người, sắc áo và sắc cờ ở hậu phương.

Biên giới cũng là đó. Biên thùy giờ là biển sâu, những lằn ranh chập chã. Biên ải cũng ở đó, nơi có những cọc Bạch Đằng chờ chúng nó. Và biên tái cũng không sai, những đường biên chạm tới chân trời, mênh mông xa. Vì vậy mà nó khiến lòng người khắc khoải, khôn nguôi.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.