Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 12)

Đọc ví dụ truyện Hậu Hiện Đại thời nay

Ngu Yên


Lịch sử hoang tưởng của tôi

Đặng Thơ Thơ

[Câu truyện được trình bày trong 10 mảnh rời. Có kết thúc mở rộng và chưa chấm dứt. Thường xuyên dựng những tứ văn, ai đọc cũng biết là hư cấu.

Ngay ở tựa đề, cụm từ “hoang tưởng”, nhắc nhở người đọc, đây là truyện tưởng tượng, dù được dựng từ đối tượng thực tế hoặc bối cảnh thời sự.

Thời gian của các sự kiện và biến cố sai lệch nhau. Những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ái Quốc, Barack Obama được tái lập, có tính gợi ý liên văn bản.

Quan điểm chống kỳ thị, chống quyền lực chính trị, xã hội và chống cả quyền lực siêu nhiên. Bày tỏ tinh thần nghi ngờ và ý thức độc lập của cá nhân trong xã hội chung quanh đầy tai biến.

Đây là một câu truyện mang khá nhiều đặc tính và đặc trưng của Hậu Hiện Đại. Có thể nói, những truyện ngắn cập nhật văn học thế giới trong tuyển tập Khả Thể của Đặng Thơ Thơ, phát hành năm 2014, chứng tỏ hướng sáng tác của cô có nguồn gốc từ Hậu Hiện Đại tiến vào đương đại.]

Vào truyện

Mảnh 1:

Giới thiệu cuộc thi lý lịch toàn quốc. Tổ chức bốn năm một lần. Tìm một lý lịch biểu tượng cho đất nước. “Mục đích của ban tổ chức là tìm ra một lý lịch hoàn chỉnh và lý tưởng; một lý lịch vừa cá nhân vừa tập thể, một lý lịch vừa công cộng vừa riêng tư. Điều đó có nghĩa gì? Một lý lịch lớn nhất sẽ được chọn để làm đại diện cho tất cả những lý lịch nhỏ cộng lại. Điều phiền phức thường xảy ra là đôi khi các lý lịch nhỏ cộng lại không giống đáp số là lý lịch lớn.”

Mảnh 2:

Nhân vật Tôi không có cha, mang họ mẹ. Ngoại hình da đen, tóc quăn, lai mỹ đen. Học vấn cao, cử nhân kinh tế từ UCLA, tiến sĩ luật khoa Yale. Nhờ bằng cấp học vấn đã vượt qua cánh cửa khắt khe của chủng tộc. Nhất là con lai. [Mảnh 2 thể hiện sự mỉa mai về kỳ thị màu da.]

“Mày là đồ da đen

Tôi là công dân Mỹ

Mày mà Mỹ chó gì!

Mày là chệt da đen

Hahaha, ủa còn có ba tàu lai mọi da đen nữa hay sao?

Mảnh 3:

Để bước qua những cửa kiểm tra, phải có giấy thông hành. “Chẳng có lý lịch nào vĩnh viễn cả. Mọi lý lịch chỉ là tạm thời. Lý lịch chỉ để băng qua những cánh cửa. Những cánh cửa chỉ để người băng qua. Không ai dừng lại ở đó, những cánh cửa xoay vòng sẽ nghiền nát họ.”

Băng qua cửa thì giống nhau, nhưng mỗi người băng qua cửa hàm chịu nhiều bất công khác nhau. Cuộc thi không công bằng. “Đề thi nhắm vào nhược điểm của từng cá nhân. Trong nghĩa đó, đây là cuộc thi công bằng nhất.”

“Tôi tên Amabo Kcarab Nguyễn.

Xin lỗi tôi nghe không rõ?

A- M- A- BO …

A như Adam, M như Mary, A như Adam, B như betty, O như Olson.

Cảm ơn. Bạn đánh vần chữ “Crap” ra sao?

[Crap phát âm sai từ Kcarab. Crap có nghĩa cứt, phế thải. Chi tiết này mỉa mai và thú vị.]

Mảnh 4:

Hầu hết người Việt tin tử vi. Có người tin đến độ mê tín. Mọi thứ đều có số. Không thể cãi mệnh trời. “Tôi không tin. Thời tiểu học và trung cấp của tôi, lý lịch viết bằng bút chì, hoàn toàn có thể tẩy xóa được. Tôi được giáo dục rằng lý lịch của tôi là kết quả của ý chí tôi. Chính tôi sẽ tạo nên con người của tôi, không phải cha mẹ, không phải đảng phái, không phải thế lực, càng không phải khoa bói toán.”

“Đường định mệnh thẳng tắp giữa lòng bàn tay này là do tôi khắc lên, mỗi ngày, với cả quyết tâm.”

Mảnh 5:

Nhân vật Tôi nghĩ rằng nước Mỹ không kỳ thị. Nước Mỹ là nơi chúng ta có thể viết lên những lý lịch hoàn chỉnh nhất. Tôi trở thành dân biểu của tiểu bang.

Lý lịch tôi bắt đầu nổi từ lúc tôi làm dân biểu tiểu bang. Việc một người thuộc nhóm thiểu số, da màu, da vàng, họ Nguyễn, tham gia chính trường đã là một chuyện rất bình thường. Người ta đã cởi mở nhiều về chính kiến. Nước Mỹ không kỳ thị. Nước Mỹ là nơi duy nhất trên trái đất cho phép chúng ta thực hiện những điều tưởng như bất khả…”

Cho đến năm 2042, tôi dự định tranh cử ngôi vị tổng thống Hoa Kỳ. Tức thì lý lịch bị xáo trộn, bị sửa đổi, bị thêm thắt. Niềm tin về lý lịch hoàn chỉnh bị đổ vỡ.

Mảnh 6:

Năm 2042, cộng đồng Á Châu ở Mỹ tăng trưởng 25 triệu. Màu da của tôi trở thành chướng ngại. Một người Việt phát biểu, “chẳng thà bị một ông chủ da trắng sai khiến hơn có một anh bạn da đen giúp đỡ.” Một đứa con lai, lai đen, không thể trở thành đại diện. “… với họ, tôi là dấu tích của phản bội vì người đàn bà đã từ chối đàn ông da vàng để chạy theo một gã da đen. Đó là một cuộc tình đáng xấu hổ. Và đáng ghen tị, nếu nghĩ đến khả năng sinh lý vượt trội của người da đen.” Trong khi đó, tôi được cộng đồng da đen đón nhận và ủng hộ.

Mảnh 7:

Lý lịch cá nhân càng ngày càng rối rắm. Tin đồn tôi là bạn thân của Nguyễn Ái Quốc, hiện đang du học ở UC Berkley. Tôi trở thành kẻ thân cộng.

Lý lịch mẹ tôi cũng bị bới móc. Đến Bolsa 1992. Sống độc thân. 1995 chửa hoang, sinh ra tôi. [Foucault nhận định con người thời đại do xã hội tạo ra và chính trị là quyền lực. Có thể nhìn thấy một khía cạnh cụ thể mất nguyên bản trong trường hợp này.]

Lý lịch của người cha mờ ám, cũng bị lục lọi. “Mẹ tôi đến ngân hàng tinh trùng, xem sét từng hồ sơ, và mất 3 tháng trời để tìm ra một con tinh trùng lý tưởng nhất cho tôi. Theo hồ sơ của 47 năm trước, đó là tinh trùng của một đàn ông lai chủng, nửa trắng nửa đen, học thức rất cao, có lý tưởng xã hội, thích nhạc Bach, tranh Picasso, tư tưởng Gandhi, và khâm phục tổng thống Abraham Lincoln. Đấy là những yếu tố bà muốn tôi phải có.”

Mảnh 8:

Rồi cuối cùng, người ta tìm ra cha tôi, bằng cách đảo ngược tên tôi. Amabo Kcarab, nói lái là Barack Obama.

“Bây giờ tôi được biết, Barack Obama, thời gian tranh cử tổng thống đã ngoại tình với mẹ tôi, lúc đó đang ở trong nhóm vận động tranh cử toàn quốc. Tôi là con ngoại hôn.”

Mảnh 9:

Đêm trước khi vào vòng tuyển cuối cùng thi lý lịch. Mẹ tôi gọi điện thoại, khóc lóc, năn nỉ tôi bỏ cuộc vì sợ rằng họ sẽ ám sát tôi.

“Tôi đã thấy nhiều lý lịch đang rất tốt bị cắt ngang chỉ vì những vụ tình dục nhảm nhí, sự tham lam quá độ, tính bè đảng và sự giả dối đáng thương của con người.”

Có ai làm chủ được lý lịch của mình? Tất cả, nếu muốn, đều có thể viết vào lý lịch của bạn. Họ viết trong đầu, bạn làm gì được họ? Người nổi tiếng không có bản quyền trên lý lịch. Nhưng nếu bạn đoạt giải nhất, bạn sẽ viết, sẽ tha hồ viết nhiều hồi ký để dựng lại một lý lịch mới. Những ngộ nhận mù quáng sẽ hết. Cuộc ám sát lý lịch sẽ chấm dứt.”

[Đây là một loại bút pháp thể hiện tính HHĐ. Tác giả trực tiếp lý luận quan điểm của mình với độc giả.]

Mảnh 10:

Thế là tôi bỏ cuộc. “Nhiều năm sau, tôi vẫn tự vấn, cái chết bôi xóa lý lịch hay hoàn tất lý lịch? Hay đó là cách tốt nhất để thoát khỏi một lý lịch?”

Tôi vẫn là nạn nhân của lý lịch của mình. Những người khảo sát lý lịch vẫn đang điều tra tôi. Đó là cuộc thi mà một khi bước vào sẽ không thể bước ra. Họ tiếp tục bắt tôi viết lý lịch mỗi ngày. Họ bắt tôi viết bằng tốc ký, bằng thu âm, thu hình, quay phim, phỏng vấn. Họ khảo sát thường trực 360 độ, 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, cả những giấc mơ mỗi tối… để dựng một cuốn phim dài chính xác bằng một đời người. Cho nên tất cả mọi thành quả chỉ là tạm thời. Vì tôi vẫn còn đang viết lý lịch và lý lịch của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh. Đó là thứ lý lịch thời Hậu Hiện Đại. Đó là thứ lý lịch bị phân mảnh, bị hủy cấu trúc, bị tách rời khỏi căn cước nguyên dạng của nó”

Tôi vẫn tiếp tục thắc mắc về lý lịch của cha. Tiếp tục thao thức những suy tư về lý lịch trong những chức năng kỳ quái.

“… Đây là trò chơi mang tính loại trừ khi thành công của một người được tạo từ thất bại của kẻ khác.

Lý lịch của kẻ thắng cuộc phải bằng tổng số những lý lịch khác cộng lại.

Điều đáng sợ nhất là khi các lý lịch tự triệt tiêu nhau biến tổng số thành một số không.

Trong trường hợp đó, ban tổ chức sẽ phải chọn một lý lịch bất kỳ để triệt tiêu, dù hèn mọn nhất, tăm tối nhất…”

Và tác giả kết thúc truyện bằng câu nói không kết thúc:

“Còn tiếp, chưa thể nào chấm dứt tại đây.”

Comments are closed.