Song ngữ Nga-Việt
Do Vũ Thế Khôi tuyển, gồm 90 bài nguyên tác, với 163 bản dịch của 37 dịch giả.
NXB Văn học & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2014.
Kỉ niệm 215 năm sinh của Alecsandr Puskin. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với Phân viện Puskin tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và Quỹ Hỗ trợ dịch văn học Việt & Nga thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, tiến hành một loạt hoạt động tôn vinh đại thi hào Nga. Một trong những hoạt động ấy là xuất bản tập thơ trữ tình song ngữ của Puskin. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đảm nhận nhiệm vụ sưu tầm và biên tập công trình này, dày dặn nhất từ trước đến nay và đa âm điệu hơn nhiều – 90 bài thơ nguyên tác, với 163 bản dịch của 37 dịch giả cả nam lẫn nữ, thuộc nhiều thế hệ và lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, nhưng cùng chung tình yêu đối với “vầng mặt trời thơ ca Nga”.
Đây cũng là món quà TT Đông Tây tự mừng “HAPPY BIRTH DAY” của mình – tròn 15 năm tự nguyện làm nhịp cầu giao lưu văn hóa Đông và Tây.
Tuyển tập này không chỉ đóng khung trong số bài thơ đã trở nên kinh điển, đã vào tất cả các sách giáo khoa và tuyển tập, mà cũng cố gắng giới thiệu những khía cạnh mới, do kết quả nghiên cứu về A. Puskin những năm cuối thế kỉ vừa qua trong “Puskin học” ở Nga và trên thế giới. Chẳng hạn, chỉ từ những năm 80, khi các bức thư của Dantes, viên sĩ quan cận vệ Pháp từng si mê và rắp tâm quyến rũ vợ Puskin, được chắt nội của y cho phép nhà Puskin học người Italia là bà Serena Vitale công bố, người ta mới minh oan được cho “giai nhân cố đô Moxcva” và cảm nhận lại những bài thơ tình mà nhà thơ viết tặng Natalia Gontrarova Puskina, như: Khi ôm trong vòng tay; Đức Mẹ Đồng Trinh; Không! Anh đâu tiếc nuối tình hoan lạc; Không, không, tôi không nên…
Đại đa số các bài thơ đưa vào tuyển tập này đều kèm theo vài ba bản dịch; có một số ít bài chỉ được cung cấp một bản dịch thì đơn giản là vì người làm tuyển tập chưa sưu tầm được bản thứ hai tương đối chuẩn xác. Thứ tự in các bản dịch không hàm ý đánh giá của người biên soạn mà chỉ là bố trí theo trình tự thời gian được công bố chính thức hoặc lưu truyền rộng rãi. Cách làm này, một mặt, tạo điều kiện cho sự tiếp cận nguyên bản đa dạng hơn; mặt khác, cung cấp tài liệu cho việc học tập môn văn học, phân tích hình thức và thủ pháp chuyển dịch khác nhau.
Luật thơ Nga xây dựng trên cơ sở luân chuyển đều đặn âm tiết mang trọng âm và âm tiết không mang trọng âm. Ví dụ: thể thơ “Iamb” có mô hình mỗi tiết tấu (takt) hai âm tiết với âm tiết không mang trọng âm đứng trước: _ / _ / _ / _ / ; thể thơ “Khorei” mỗi takt cũng hai âm tiết, nhưng lại bắt đầu bằng âm tiết mang trọng âm: / _ / _ / _ / _; cũng có những thể thơ mỗi takt 3 âm tiết với những mô hình kết hợp khác nhau như: / _ _, hoặc _ / _, hoặc _ _ /. Trọng âm trong các từ Nga lại không có vị trí cố định (như chẳng hạn trong tiếng Pháp cố định ở âm tiết cuối), lại có thể chuyển dịch khi biến đổi từ (ví dụ: cách 1 – рукá [cánh tay], cách 4 – руùку). Điều này vốn gây nhiều khó khăn cho người học tiếng Nga, lại càng nan giải cho người tập đọc thơ Nga: đọc thơ Nga mà sai trọng âm thì thơ không còn là thơ nữa, chẳng khác gì đọc sai luật bằng – trắc trong thơ lục bát tiếng Việt. Bởi vậy, trong tuyển tập này tất cả các nguyên tác tiếng Nga đều có đánh dấu trọng âm nhằm phục vụ việc tập đọc, học thuộc lòng (rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ!) để luyện phát âm chính xác, ghi nhớ chắc chắn từ và cấu trúc, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những ai thích đọc diễn cảm thơ Nga để tham gia những hoạt động ngoại khóa, giao lưu với bạn bè Nga, hay đơn giản chỉ để tự thưởng thức một nền thơ ca giầu nhạc điệu vào bậc nhất thế giới.
Phần “Chú và bình” không nhằm giải thích từ mới như các sách loại này thường làm thay cho người học. Trong quá trình suốt đời học và dạy các ngoại ngữ tôi nghiệm ra rằng: chỉ những từ nào mình tự mầy mò tra cứu thì mới hiểu kĩ và nhớ lâu. “Chú” chủ yếu cung cấp bối cảnh ra đời của bài thơ nhằm giúp bạn đọc thâm nhập ý tứ ẩn sau câu chữ. “Bình” chỉ đưa ra đối với một số bài, coi như để gợi mở khía cạnh đáng tiếp tục ngẫm nghĩ và bạn đọc có thể tán đồng hoặc phản bác – dù trong trường hợp nào thì cũng thúc đẩy sự tìm hiểu sâu sắc hơn. Trong phần “Chú và bình” chúng tôi có dẫn một số tài liệu tham khảo, nhưng ghi vắn tắt. Dưới đây xin liệt kê tên gọi đầy đủ, năm và nơi xuất bản, để bạn đọc nào quan tâm có thể dễ dàng tìm kiếm.
(theo “Lời vào sách” của Vũ Thế Khôi).